Lực lượng C.S.C.Đ & hội Nhà Văn
nuôi mỗi năm mấy chục tỷ bạc
vẫn không có tác phẩm ra hồn
Dịch giả Phạm Nguyên Trường ví von giới người cầm bút hiện nay “là những anh mù sờ voi,” và chia họ ra làm bốn loại:
1. Đáng trọng là những người sờ được chỗ nào thì mô tả trung thực chỗ đó, to nói là to, dài nói là dài, cứng nói là cứng, mềm nói là mềm… tập hợp mô tả của những người đó có thể cho người ta hình ảnh tương đối trung thực về con voi.
2. Sợ nhất là những người mới sờ được cái chim hay cái bướm voi liền la toáng lên và bắt mọi người tin rằng đấy là cả con voi. Họ là những người thích độc quyền chân lí. Marx, Lenin… thuộc loại những người như thế.
3. Đáng ghét nhất là bọn, ví dụ, sờ được cái tai hay cái vòi, nhưng không chịu mô tả cái mình sờ được mà lại ngoạc mồm ra chửi những người đang mô tả một cách trung thực cái ngà hay cái đuôi voi rằng đấy không phải là voi.
4. Đáng khinh nhất là bọn kí-sinh-trùng-văn-nô-bồi-bút sống bằng mồ hôi nước mắt của các bà nông dân một nắng hai sương, chủ muốn con voi như thế nào thì mô tả như thế ấy.
Cái “bọn đáng khinh nhất, kí-sinh-trùng-văn-nô-bồi-bút sống bằng mồ hôi nước mắt của các bà nông dân một nắng hai sương”(ngó bộ) hơi đông, và sắp sửa “tan rã“ tới nơi rồi – theo như nguyên văn lời than van của ông Hữu Thỉnh, Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, vào hôm 16 tháng 12 năm 2016:
“… thông thường mỗi nhiệm kỳ năm năm các hội văn học nghệ thuật được nhận khoảng 400 tỉ đồng tiền hỗ trợ sáng tác từ ngân sách nhà nước, trong đó riêng Hội Nhà văn Việt Nam mỗi năm được nhận 4,8 tỉ đồng.
Nhưng năm nay Hội Nhà văn chỉ nhận được một nửa số tiền là 2,4 tỉ đồng và đã phải chi ra 2/3 số tiền đó để trả nợ cho báo Văn Nghệ, tạp chí Thơ, Hồn Việt… (mỗi số ra của mỗi đầu báo, Hội Nhà văn đặt mua 1.000 tờ cho khoảng 1.000 hội viên của mình).
Vì chưa đủ tiền nên hiện Hội Nhà văn vẫn còn nợ lại một số đơn vị tiền mua báo từ đầu năm đến nay.
“Nếu kỳ họp vừa rồi mà Quốc hội nhấn nút thông qua Luật về hội thì không biết chúng ta sẽ khốn đốn thế nào bởi khi đó Hội Nhà văn cũng như các hội khác sẽ không có trụ sở, không biên chế, không được cấp kinh phí. Vậy thì còn gì để hoạt động nữa?
Nếu chúng ta không được cấp kinh phí, không có trụ sở, tự đóng góp hội phí mà nuôi nhau thì Hội Nhà văn sẽ chỉ còn con đường tan rã mà thôi.
Trước viễn tượng đen tối này, ông Hữu Thỉnh bèn có một “đề xuất đột phá” như sau:
Sắp tới Hội Nhà văn sẽ xin ý kiến để tổ chức hội nghị hòa hợp văn học dân tộc với sự tham gia của các nhà văn trong nước và sự trở về của các nhà văn Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài. Cho đến nay, việc hòa hợp dân tộc trong lĩnh vực văn nghệ vẫn dè dặt và lạc hậu nhất so với các lĩnh vực khác”.
Nói các khác là nếu được tiếp tục tài trợ hào phóng như cũ thì Hội Nhà Văn sẽ “tình nguyện” đảm nhận thêm một nhiệm vụ mới nữa: “hòa hợp dân tộc trong lĩnh vực văn nghệ.” Đây là lãnh vực mà N.Q 36 của Bộ Chính Trị (về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài) đã quên lãng hơn chục năm nay.
Ông Hữu Thỉnh quả là một người biến báo, và có tài xoay trở. Tuy thế, “đề xuất” của ông có được chấp nhận hay không thì vẫn còn phải chờ. Trong khi chờ đợi, thử nghe xem giới cầm bút (trong cũng như ngoài nước) nói ra sao về Hội Nhà Văn Việt Nam:
- Nguyễn Đức Tùng: Nếu Hội Nhà văn không thể tự mình thay đổi, cứ mãi già nua , bảo thủ, cũ kỹ, trở thành gánh nặng cho xã hội, trở thành lực cản của các nhà văn, thì nên giải tán nó đi và thành lập các hội khác.
- Tạ Duy Anh: “Chưa khi nào nhà văn xứng đáng coi thường như hiện nay.”
- Thận Nhiên:“Ăn bám, mua vui bằng tiền của nhân dân.”
- Hoàng Xuân Sơn: Không có “đảng”, đố mầy làm văn!
- Đỗ Trung Quân: “Nói thật nhá! Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn Nghệ đã thành cái ao làng lâu rồi. Tôi ước: Lấp đi cái ao làng. Cái ao làng phải thật sự bị lấp để thách thức chính những kẻ quen sống trong ao.“
- Nguyễn Viện: “Tôi chỉ ước một điều thôi: Cái hội ấy (cũng như một số hội khác) biến cho nhanh. Uổng tiền nhân dân quá.“
- Võ Thị Hảo: “Hội Nhà văn Việt Nam ngày càng có thêm nhiều hành động tỏ ra thù địch với quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tác và nhân quyền của nhà văn.”
- Nguyễn Duy: “Ở đây nó có những gương mặt rất là lộn xộn. Cái thứ hai là trong cương lĩnh của nó có cái là ‘đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng‘ nên tôi thấy nó thế nào ấy!”
- Trần Mạnh Hảo: “Về mặt tinh thần những nhà văn bị bắt thì Hội có bao giờ đứng ra nói một lời nào đâu. Gần một chục ông trong Hội Nhà văn bị giam cầm, tù tội mà Ban lãnh đạo hội đâu có nói gì chỉ có điều là họ vỗ tay tán thành bắt thằng đó là đúng thôi chứ họ có nói một lời nào bênh vực cho hội viên của họ bao giờ đâu.“
- Phạm Thành: “Hội nhà văn Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hội là người đã sử dụng tác phẩm dự thi của tôi là cuốn ‘Cò hồn xã nghĩa’ để giao nộp cho cơ quan công an thành phố Hà Nội”
Sống dưới thể chế công an trị thì việc không ai dám lên tiếng bênh vực cho ai (vốn) là chuyện tất nhiên, và đã trở thành truyền thống nên cũng không có gì đáng để phàn nàn hay trách móc nhưng “giao nộp” tác phẩm của hội viên cho công an thì e là ông Hữu Thỉnh đã đi quá xa phần vụ của mình. Với thành tích (bất hảo) này thì việc “tổ chức hội nghị hòa hợp văn học dân tộc với sự tham gia của các nhà văn trong nước và sự trở về của các nhà văn Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài” e hơi bị khó.
Điều khó khăn hơn nữa là chế độ hiện hành đang “chuyển đổi” chính sách để đáp ứng với tình thế mới. Giữa Thời Đại Thông Tin, và ở giai đoạn số đông quần chúng đã có điều kiện tiếp cận với internet,mặt trận truyền thông (kể như) đã vỡ. Việc viết lách tuyên truyền trí trá chỉ mang lại tác dụng ngược thôi nên Đảng và Nhà Nước đã chuẩn bị chuyển sang “khâu” trấn áp – theo như tin của Báo Dân Trí, số ra ngày 8 tháng 9 năm 2016:
Trong buổi triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới sáng nay, 8/9, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CATP Hà Nội) đã diễu binh, diễu hành, phô diễn sức mạnh.Tổ chức bộ máy của Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ – Công an TP Hà Nội) gồm 10 đầu mối trực thuộc, trong đó có 5 Tiểu đoàn CSCĐ (Ban Tham mưu, Ban Chính trị, Ban Hậu cần, Ban Huấn luyện, Đội Nghi Lễ Công an Thủ đô, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm và 4 Tiểu đoàn CSCĐ). Đặc biệt, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm (CSĐN) được tập trung đầu tư trang thiết bị, phương tiện, vũ khí… đủ mạnh để chủ động ngăn chặn, trấn áp các vụ gây rối.
Cái thời trị an bằng cách huy động bộ đội đến Quỳnh Lưu, và xe tăng vào Budapest hay Thiên An Môn (nay) đã qua. Bây giờ chỉ riêng Hà Nội mà phải cần đến “5 Tiểu đoàn CSCĐ … được tập trung đầu tư trang thiết bị, phương tiện, vũ khí đủ mạnh để chủ động ngăn chặn, trấn áp các vụ gây rối” thì kể như là sắp tàn cuộc đến nơi.
Hơn nữa, quốc khố cũng cạn kiệt rồi. Dành để mua sắm dùi cui, cho nó chắc ăn, chứ bút viết giờ đã hết thời. Chả còn sơ múi gì nữa đâu, ông Hữu Thỉnh ạ. Thôi về đi, cứ nấn ná làm chi, cho chúng nó khi!
© Tưởng Năng Tiến