Trên những nẻo đường hội nhập (Kết)
Sự Thật, có mặt nổi. Và mặt chìm. Mặt nổi, là hiện tượng, có thể quan sát đứng ở góc độ bên ngoài. Xin nhắc chuyện “thầy bói xem voi’’. Mù, có vị sờ thấy chân, có vị sờ thấy cái tai, cái vòi, cái đuôi… Tả, làm sao có được con voi thật như con voi có đủ cả vòi, tai, chân, đuôi? Vì thế, nhà văn/nhà thơ biết vị trí quan sát quyết định cái mình viết, và không đòi hỏi thành phẩm của mình phải là thứ chân lý độc tôn mà biết, và thậm chí vui vẻ chấp nhận, cái sự thật của mình là một phần sự thật. Nhưng ở bất cứ vị trí quan sát và cảm nhận nào đi chăng nữa, nhà văn/nhà thơ cũng chỉ nói lên cái sự thật đó. Đi chệch một ly, ngụy trá thành văn, và thế là nhà văn/nhà thơ chẳng khác gì kẻ đi viết quảng cáo khuyếch mại cho thứ sản phẩm chắc chắn sẽ gây độc cho người đọc.
Mặt chìm của Sự Thật, cứ tạm gọi là bản chất, chỉ có thể phân tích từ những yếu tố nội sinh kết hợp văn hóa và lịch sử. Hiểu được, phải kinh qua trình tự những sự cố trong thời gian, gạn đục khơi trong, giải trình những cách nhìn và quan điểm cục bộ, và nhất là soi rọi những điều mà thường những kẻ viết sử thuộc phe chiến thắng cố tình ém nhẹm. Tham luận Khi nhà văn không chỉ là kẻ đồng lõa của Phùng Nguyễn trong Hội Luận này nêu lên
“… trách nhiệm của nhà văn (…) như là một nhân chứng quan trọng của lịch sử. Cần phải nói thêm là vai trò này đòi hỏi không chỉ có trách nhiệm bảo vệ và xiển dương Sự Thật mà còn cần thiết phải lật mặt nạ, đưa ra ánh sáng những trá nguỵ, như là đối nghịch của Sự Thật, mà từ đó nọc độc văn hoá mọc ra như những chiếc vòi bạch tuộc âm độc”.
Nhưng nhà văn không viết sử, một thứ nghiệp vụ khá chuyên môn. Trong văn chương, tôi thiển nghĩ, trách nhiệm nhà văn là nhân chứng cho những truân chuyên của con người trong biến động lịch sử. Để tránh những vết lầy quá khứ, con người vừa đề cập là những con người nạn nhân. Họ oằn lưng cúi đầu chịu oan khiên, chưa thể cất tiếng, im lặng tủi hờn trong bóng tối ô nhục, thậm chí tiếp tục bị sỉ vả, dày xéo, mất mát. Họ không có mặt trong lịch sử của những người chiến thắng. Làm nhân chứng cho truân chuyên những con người nạn nhân là nói lên một Sự Thật, thứ Sự Thật không có chỗ đứng “chính trị’’ nhất thời, nhưng lại là những Sự Thật cần biết hầu tránh những vết xe đổ mai sau. Hơn ba mươi năm sau ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, quả có rất nhiều sự kiện lịch sử bị tô son trát phấn thành hề trên mộtsân khấu đầy đau thương. Có những sự kiện bị đánh tráo, xuyên tạc. Có những chuyện giả hóa chân, ảo thành thực(7). Có những vết thương lở lói không lành nhưng vẫn bị sát muối bôi bẩn. Và vẫn còn rất nhiều nạn nhân tiếp tục bị chà đạp (8). Vì thế, đi tìm một sự hội nhập trong bối cảnh Việt Nam giữa những nhà văn/nhà thơ là cùng nhau chia sẻ vai trò chứng nhân cho những Sự Thật nhìn từ nhiều phía. Nói như Wiesel, trích dẫn trong bài tham luận Hội nhập và nơi chốn của Đặng Thơ Thơ, “Nhân chứng bắt buộc chính mình phải cung khai. Cho tuổi trẻ hôm nay, cho những đứa bé sẽ sinh ra ngày mai. Hắn không thể để quá khứ của hắn trở thành tương lai của những thế hệ sau.” cóthể là mục tiêu dễ tạo đồng thuận.
Sự Thật chúng ta vừa đề cập chắc chắn gắn liền với những nỗi đau. Đặng Thơ Thơ viết:
“Khi nói về Katyn, cuốn phim tường thuật vụ cộng sản Liên xô tàn sát 22.000 người dân Ba Lan, một vụ tàn sát tập thể đẫm máu năm 1940, đạo diễn Andrzej Wajda nhận định: “Chẳng có cách nào khác hơn để chia tay với nỗi đau bằng cách bày tỏ nó.” Bày tỏ một nỗi đau là điều chẳng đặng đừng, cho đến khi nỗi đau được nhìn nhận. Cho đến bây giờ, điều ấy chưa xảy ra. Vẫn còn những tiếng nói bị vô hiệu thành câm lặng. Vẫn còn những tấm màn ảo tưởng và ngộ nhận giữa trong và ngoài nước. Vẫn còn những phân chia giữa trong nước với nhau, và ngoài nước với nhau. Vẫn còn cái nhìn rạch ròi giữa cộng sản và quốc gia, giữa những thể chế và lý thuyết tưởng đã phá sản từ lâu. Nhất là vẫn còn tiếp tục chính sách bôi xóa lịch sử và bôi xóa những nỗi đau tập thể, như nỗ lực phủ nhận và bịt miệng những nạn nhân biến cố Mậu Thân – Huế từ phía nhà cầm quyền trong nước. Chính ở khoảng trống của nỗi đau bị bôi xóa này, không phải ở lịch sử chiến tranh và ý thức hệ hậu chiến tranh, là nơi chúng ta cần thiết phải hội nhập. Hội nhập để viết đầy lên khoảng hư vô ấy những nỗi đau có thật, một chương dài có thật trong lịch sử Việt Nam. Chỉ khi đó mới có thể tin tưởng và an tâm về một dòng văn học bằng tiếng Việt không phân biệt trong ngoài và vượt qua các biên giới địa lý, không gian, quá khứ, lịch sử và tâm thức.”
A, những nỗi đau! Dân tộc chúng ta thiếu gì thì thiếu nhưng thừa mứa nhữngnỗi đau. Có những nỗi đau kéo chúng ta gần nhau hơn vì tình đồng cảm nhân loại. Đó là những nỗi đau của nạn nhân. Văn chương dấn thân đứng về phía những tiếng nấc và nước mắt hẳn sẽ làm cho những nhà văn/nhà thơ gần gũi nhau hơn. Nhưng cũng có những nỗi đau, nhất là nỗi đau khi nạn nhân là chính mình, khiến mình phản ứng co cụm lại để tự vệ. Đối với nhà văn/nhà thơ, đó là khi mình băn khoăn, hoài nghi trước những điều có thể chỉ là ngụy tín. Chẳng hạn, Phùng Nguyễn lấy chuyện “lính ngụy ăn thịt người” làm điển hình. Anh nói, rất đau đớn:
“… Chúng ta thường nghe nói rất nhiều về những nọc độc văn hoá do tàn dư Mỹ nguỵ để lại. Chúng ta không hề nghe nói về điều tương tự ở phía những kẻ thắng trận. Điều này có thể hiểu được, kẻ thắng được quyền viết lịch sử, bên cạnh những đặc quyền khác, kể cả quyền nuôi dưỡng những nọc độc văn hoá do chính mình tạo ra. Tôi sẽ không ngạc nhiên nhiều lắm, cho dù vẫn tiếp tục cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, nếu một ông A bà B nào đó vẫn tiếp tục bám vào huyền thoại “lính nguỵ ăn thịt người”. Tôi hiểu được hiệu quả của “tẩy não” hoặc của tuyên truyền nhồi sọ theo kiểu Đức quốc xã. Nhưng tôi sẽ vô cùng ngạc nhiên, vô cùng thất vọng, và vô cùng bị xúc phạm nếu người đó là một nhà văn, một ngòi bút tài năng. Tôi đánh giá cao và do đó kỳ vọng nhiều vào văn nghệ sĩ, đặc biệt văn nghệ sĩ sáng tạo. Họ làm đẹp đời sống. Họ mang chúng ta đến gần với Chân, Thiện, Mỹ. Họ, trong nhiều trường hợp, là hy vọng và ngay cả là lương tâm của xã hội, đặc biệt trong những xã hội mà lương tâm bị què quặt hoặc hoàn toàn vắng bóng. Họ không thể là đồng loã của bóng tối, gieo rắc trá nguỵ, gieo rắc những nọc độc văn hoá vốn sẽ còn ở lại rất lâu sau khi họ ra đi vĩnh viễn. Đây là một điều ghê rợn, chỉ để nghĩ tới!”
Thì ra cuộc truy lùng Sự Thật của văn chương đích thực không phải là chuyện chỉ cứ xuôi buồm thuận gió. Ngoài Sự Thật ở phía nạn nhân, còn có thể có những ngụy tín ở trong chính mình, và khi thành chữ nghĩa, nó lại tiếp tục tác hại gây thêm những nạn nhân khác. Đôi khi, nhà văn/nhà thơ phải rà soát lại và thanh tẩy những chất độc chính mình nhiễm phải để tránh “đổ bệnh’’ cha ông đến đời sau. Nhiễm trùng văn hóa, tác hại đục ruỗng một xã hội không thua gì vi khuẩn lậu, giang mai, hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS)… Thao tác văn hóa, hẳn cũng cần bao cao su như khi hành lạc, và nếu không ý thức được, thì tốt nhất là chúng ta thôi đừng viết lách, từ chối cái trách nhiệm nhà văn mà thao tác viết – tức lập ngôn – đòi hỏi giá trị công chính và lòng nhân ái.
Một lần bốc mộ, giải oan cho cuộc bể dâu này
Có lẽ bước đầu cho những nhà văn/nhà thơ mong mỏi hội nhập là đồng thuận về sự cần thiết của tiến trình giải ảo và giải độc. Nhu cầu này rất Việt Nam, một đặc thù di căn từ văn hóa và lịch sử, nhất là sau cuộc chiến tương tàn đã đẩy hơn ba triệu người lưu lạc xứ ngoài, kẻ thì là thuyền nhân mất thân quyến trên mặt biển, người thì lên máy bay đi dạng HO, lòng tràn đầy tủi nhục chiến bại, không còn chỗ đứng trong xã hội gốc gác sinh thành ra mình. Cái xã hội này ruỗng mục xuống cấp. Thử hỏi, những người đi làm cách mạng với cái lý tưởng tạo ra công chính và tiến bộ, những thương phế binh hai phía từng cống hiến thân xác mong giải phóng một đất nước khỏi bạo quyền phải đau xót đến mức nào trước tình cảnh xác xơ của đại bộ phận dân tộc? Vì thế, thằng khôn thì đã vượt biên, đến cái cột đèn mà “lưu vong được’’ nó cũng đi! Kẻ chiến bại xưa nay thành Việt Kiều mỗi năm gửi về nước gần 6 tỉ đô, úm ba la, xoè tay ra, phép lạ biến họ thành một bộ phận khăng khít của dân tộc, khúc ruột ngàn dặm thân thương… Máu chẩy, ruột mềm. Máu thời hiện đại không đỏ mà xanh, là những đồng đô la chui vào túi liên hiệp quan-thương, ăn trên những công trình vay vốn ngoại quốc làm một nhưng lấy hai, mai mốt con cháu (không phải con cháu họ) sẽ trả. Trong một xã hội chỉ “định hướng XHCN’’ mù mờ để tập trung tài sản quốc gia, chính trị Mác-Lê vẫn là môn bắt buộc ở mọi cấp trong giáo dục. Mác sống dậy chắc lắc đầu, không thể nào hiểu được chuyện Công Đoàn a tòng cấm công nhân đình công khi bị bóc lột. Còn Lênin, gật gù, chuyên chính nước mắm có nặng mùi, nhưng phần hiệu quả kìm kẹp quả là một đỉnh cao nhân loại. Lịch sử bị bẻ quẹo, chẳng mấy ai tin nên không quan tâm, ngay học sinh phải học cũng là học lấy lệ (9), quá khứ cứ thế bị chôn vào quên lãng, và mấy ai hỏi tương lai không quá khứ là gì, có khi lội ngược dòng để co quắp nằm sau cả quá khứ?
Nhưng, lại trích Phùng Nguyễn về việc tháo gỡ nọc độc “lính ngụy ăn thịt người”:
“Những người đã (…) và đang chủ trương chính sách “đào sâu chôn chặt” với hy vọng rồi những điều tàn tệ như thế này sẽ lặng lẽ tan biến cùng thời gian thực ra đang vô tình trao tặng con cháu mình một di sản của ô nhục. Về tác hại đường dài, có lẽ không cần phải dài dòng. Người Mỹ đã ngưng rải chất độc da cam lên đồng ruộng quê hương ta ngay cả trước khi chiến tranh chấm dứt, nhưng việc xuất hiện những trẻ sơ sinh quái thai, hậu quả của hoá chất độc hại này, vẫn chưa thấy chấm dứt. Trong khi đó, người Việt tiếp tục nuôi dưỡng và phun nọc độc vào nhau sau hơn ba thập kỷ. Đường xa vô tận!’’
Than như thế, nhưng rồi anh vẫn dũng cảm viết tiếp:
“Phá đổ một tín điều, tháo gỡ một nọc độc văn hoá không hề là điều dễ dàng. Đây là một điều vô cùng khó khăn, thậm chí đau đớn. Đau đớn ngay cả chỉ để nói đến. Nhưng vẫn phải nói, trong đau đớn, một cách đau đớn. Bởi vì, trích từ Hoà giải phẫu của Phan Nhiên Hạo, “đây là sự đau đớn không tránh khỏi trong giải phẫu chữa trị bệnh di căn.”
Thuở nhỏ, tôi được tham gia lễ bốc mộ một bà cô họ khá gần. Bà nổi tiếng đa đoan cay nghiệt, sinh thời hành hạ cả nàng dâu lẫn con trai, lắm khi bắt con mình quấn tóc vợ vào chân giường rồi đánh. Hình ảnh anh chồng nước mắt nước mũi thương vợ mà vẫn cứ phải nghe lời mẹ thượng cẳng chân hạ cẳng tay đến nay với tôi vẫn còn ám ảnh. Bà cô tôi mất, chôn ở làng thời Tây đổ bộ vào Hải Phòng năm 1947. Đến khi bốc mộ, họ mạc tề tựu, anh con trai rửa từng cái đốt xương, xếp ngay ngắn, miệng mếu xệch trong khi vợ anh lạnh lùng làm phận vụ nhưng chắc trong lòng còn oán hận. Ông tôi gọi lại, bảo: “Con ạ, nghĩa tử là nghĩa tận. Khi sống mẹ chồng con cay nghiệt, làng xóm biết cả, và nay chết thì dẫu có ân hận chuyện đã rồi cũng chẳng làm được gì đền bù cho con.” Chỉ vào đứa con trai chị ta ôm trong tay, ông tôi tiếp: “Cháu nó lớn lên rồi cũng vợ cũng con. Điều mẹ chồng con xấu với con, con sẽ không như thế với con dâu của con, và đó chính là cái điều người chết nằm xuống cho lại những người sống để hóa giải oan khiên’’. Không biết tiếp thu thế nào nhưng khi di cư vào Nam năm 1954, chị vợ đã lo và nuôi cho đàn em của ông anh tôi nên người. Khi chị qui tiên, những đứa em chồng đã để tang chị như tang mẹ.
Tô Thùy Yên: “Chút rượu hồng đây xin rưới xuống / Giải oan cho cuộc bể dâu này’’
Nguồn: exclusivelygourmet.com
——————————————————————————–
Lịch sử tang thương 50 năm qua cũng như bà cô cay nghiệt kia. Bốc mộ, có lẽ chúng ta cũng phải cùng nhau chau chút rửa từng mẩu xương, xếp đặt thành hình dạng con người mặc dầu khi sinh tiền có thể cái hình dạng kia từng hận thù cắn xé như thú vật. Và nhủ với nhau rằng, bài học cuối cùng của sinh ly tử biệt là làm sao những lỗi lầm trong quá khứ của những người đã nằm xuống không được, và không có quyền, trỗi dậy như thứ âm binh tiếp tục về truy bức những người đang sống. Đó là cách, theo tôi, thanh tẩy tâm thế để sống và làm phần vụ của mỗi người, kể cả phần vụ của những nhà văn/nhà thơ mà vai trò văn hóa tất quan yếu. Trên thế giới, nơi nơi là đấu trường, và trong bóng tối những khúc ngoặt có thể có những nhát chém không ngần ngại của bạo lực đổ xuống những kẻ cô yếu. Những nhát chém không chút xót thương đó thường đến từ sự ngốc dại thiển cận, lòng tham lam tị hiềm. Mượn lời Goethe, chống báng bằng cách cấm đoán sự ngốc dại thì ngay cả Thượng Đế cũng bó tay. Nhưng nếu chúng ta hiểu, tất là sẽ nhẩy qua được cái bẫy của sự bất minh, những ngộ nhận, và những phân liệt tàn phá cuộc sống. Hẹn một ngày nào đó chúng ta cùng chắp tay trong một cuộc đại lễ giải oan cho cả dân tộc, cả người thắng cũng như người thua, tôi mượn hai câu thơ của Tô Thùy Yên “Chút rượu hồng đây xin rưới xuống / Giải oan cho cuộc bể dâu này’’ làm quà tặng bạn, và tin rằng hội nhập không phải chỉ là một thứ huyễn ảnh vô thường.
Tạm kết một đoạn đường: Văn chương và tâm thế hội nhập
Văn chương trên quá trình hội nhập xóa đi làn ranh giữa những nhà văn/nhà thơ trong và ngoài nước, chủ đề cho cuộc Hội Luận này, là văn chương dựa trên ý thức tự do, cơ sở đạo lý là Sự Thật, cưu mang nhân bản như thuộc tính tất yếu. Đó là văn chương của tiếng nấc và nước mắt nạn nhân trong bối cảnh bạo lực toàn cầu đang tước đoạt nhân phẩm những người khốn khổ, đẩy họ vào đường cùng đến phải bán thân để sinh tồn, lay lắt sống trong tuyệt vọng. Trong hoàn cảnh Việt Nam, nền văn chương trong tiến trình hội nhập này không thể không đặt vấn đề giải hóa những thứ nọc độc văn hóa tiêm nhiễm như di căn từ một lịch sử phân liệt chia cắt những bộ phận dân tộc một thời gian quá dài. Phải vén màn, liệt kê những loại nọc rắn, phá bỏ những ngụy tín, lột những thứ mặt nạ trá giả lạm danh nghĩa đất nước và dân tộc. Mặc dầu chiến tranh đã kết thúc trên 30 năm nay, hậu quả của nó vẫn lẩn quất như hồn ma đâu đây trong tâm thức người Việt Nam chúng ta, cứ chờ dịp là xuất hiện dưới những “mầu cờ sắc áo’’ được tô vẽ qua những sự thậtcòn giấu diếm, những nỗi đau chưa được gọi tên, những oan khiên chôn chặt đào sâu, những ngộ nhận được nuôi dưỡng như sữa độc truyền đời đến những thế hệ sau… Dân tộc ta bất hạnh. Và những nhà văn, nhà thơ – bên trong Việt Nam hay ở hải ngoại – không thể cứ mãi mãi là đồng lõa cho dối trá, hận thù, ngụy tín, bất công… hóa trang bằng thứtừ ngữ phấn son tráo trởnhân danh những giá trị con người. Đó là điều kiện cần cho cuộc hội nhập trong-ngoài.
Thật ra, cuộc hội nhập trong-ngoài của những nhà văn/nhà thơ Việt Nam là một phần nằm trong cuộc hội nhập toàn cầu tất yếu trong thế giới ngày nay. Cuộc hội nhập văn chương rộng khắp này bắt buộc những sản phẩm văn hóa mọi vùng địa lý phải được nâng lên tầm phổ quát nhân loại. Tuy khôngtheo “chủ nghĩa ao nhà’’, nhưng người viết chỉ có thể chắp cánh bay vào bầu trời văn hóa thế giới từ những đặc thù dị biệt văn hóa của mình, với khả năng phơi bày biểu cảm cái chất người tạo nên mẫu số chung, không phân biệt chủng tộc, mầu da, ý thức hệ… của nhân loại này. Làm được thế, chúng ta không là con sáo bách thanh. Loại sáo này ăn ớt đến tróc lưỡi, có khả năng bắt chước đủ giọng chim, từ hoàng oanh, chích chòe cho đến chim cu, chim sẻ, và chính vì thế nó hót trăm giọng nhưng không có giọng riêng của nó. Là nhà văn/nhà thơ, chúng ta bay lên từ ao nhà, vượt lũy tre làng, với giọng hót của mình trong đó có nắng gió quê hương và nhất là những nỗi đau chưa thành lời vẫn đè lên kiếp sống của đồng loại. Bay cao đến dâu, tùy khả năng. Điều đó không quan trọng bằng ý thức cất cánh cho đúng đường baynhân loại.
Có văn hoá hội nhập, cần nhưng chưa đủ cho một cuộc hội nhập, lễ hội đoàn viên của anh em gần xa còn sống sót sau những đổi rời. Lễ hội đó rồi sẽ có, và thêm một lần, tôi xin trích Đặng Thơ Thơ:
“Hãy làm nhân chứng cho sự sống sót của mình, vì đó là lý do chúng ta được chọn để sống. Hãy lắng nghe những lời chứng đó. Hội nhập không phải chỉ đòi hỏi người khác chấp nhận mình và trong cùng lúc bôi xóa những yếu tố đã làm nên người khác, những ký ức cá nhân, những kinh nghiệm, lịch sử của họ mà mình không từng trải. (… ) Hội nhập lý tưởng như vậy mở ra khả năng cho mỗi người nhìn được từ cái nhìn người khác về thế giới quanh họ, và cả cách họ nhìn mình và thế giới của mình. Những cuộc hội thảo thường xuyên và những cái bắt tay chưa chắc đã dẫn đến hội nhập, vì sự hội nhập thực sự chỉ xảy ra trong lòng mỗi con người, khi chúng ta chấp nhận những gì khác biệt mình.”
Đó là tâm thế, điều kiện đủ, để tạo nên hội nhập.
Québec city, 6/4/2008
——————————————————————————–
(7) Tham khảo một bài tổng hợp về đất nước sau năm 1975 của Nam Dao: “Việt Nam, con người từ những bóng ma’’, talawas, 2005, hoặc http://amvc.free.fr. Bài này cũng được in lại trongtập bút ký‘’Những con người, những bóng ma’’, NXB Văn Mới, California, 2006.
(8) Tết Mậu Tí vừa qua, người ta tổ chức diễn binh diễu hành mừng ngày chiến thắng ở Huế, đạp lên vết thương còn mở miệng của cuộc thảm sát Tết Mậu Thân với ít là 5000 thường dân chôn thây trong những hầm tập thể. Nạn nhân, là con cháu những người đã chết, sẽ nghĩ gì? Trích Đinh Quang Anh Thái Phỏng Vấn Nhà Văn Nhã Ca, Việt Báo, Thứ Bảy, 3/29/2008:
… Bốn mươi năm sau vụ tàn sát Huế Tết Mậu Thân, thay vì nói lời “xin lỗi” theo cách mà người trong nước hiện nay gọi là “văn minh dân sự”, nhà nước cộng sản diễn hành mừng chiến thắng trên mồ mả của những người chết oan. Trấn áp, bịt miệng không chỉ dân chúng mà cả những đồng bọn của họ từng nói về sự thật Tết Mậu Thân…Tội ác tàn sát Huế Tết Mậu đã hằn rõ trong ruột gan cộng sản. Họ muốn bịt miệng người sống, xoá bỏ người chết để có thể chạy tội. Trước Tết Mậu Tí, nhà cầm quyền Việt Nam đã ra đủ thứ đòn dỗ dành, đe doạ để chôn sống vĩnh viễn hồ sơ thảm sát Tết Mậu Thân. Mọi đòn phép khủng bố thời này đã chẳng làm ai sợ. Tại Huế, chùa Báo Quốc, chùa Linh Quang, chùa Phước Thành… vẫn công khai tưởng niệm cầu siêu cho những nạn nhân bị thảm sát Tết Mậu Thân. Ngay sáng mùng một tết Mậu Tí, trên tường thành khu mộ ba tầng chôn 428 hài cốt nạn nhân bị tàn sát tại Khe Đá Mài vẫn xuất hiện hàng chữ “40 NĂM BỊ VIỆT CỘNG SÁT HẠI DÃ MAN”. Đây là hàng chữ được người Huế viết lên tường ngay trong đêm Giao Thừa.
(9) Để thư giãn, xin trích báo Tiền Phong ngày 16/06/2007 đã viết ra những điều xót xa ấy trong bài “Những bài thi lịch sử cười ra nước mắt”.
Ở câu 1, đề II, phần lịch sử Việt Nam, khi trình bày tình hình nước ta sau năm 1945, nhiều thí sinh viết: “Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thành công thì Việt Nam dân chủ cộng hòa gặp khó khăn từ nhiều mặt; (…) quân Anh vào Việt Nam với danh nghĩa là giải tán quân Pháp…quân Tưởng tiến vào miền Nam Việt Nam (…) Tưởng là một tên Việt gian bán nước (…) sau Cách mạng Tháng Tám, các khu công nghiệp bị tàn phá nặng nề…
Khi nói về tội ác của Mỹ – Diệm, có thí sinh viết: “Mỹ – Diệm đã đàn áp nhân dân, lôi kéo người dân vào nhà chứa và đưa họ vào con đường nghiện ngập… Mở các lớp học, bắt người dân không học về lịch sử Việt Nam mà phải học về những gì mà các giáo sư Mỹ dạy”.
Học trò thầy (TS) Nguyễn Đình Lê: “ta đã giành thắng lợi buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari năm 1972’’
Nguồn: argenpress.info
——————————————————————————–
Viết về ý nghĩa lịch sử của Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, thí sinh viết: “Mùa xuân 1974-1975, quân và dân ta không chịu được cảnh đàn áp của thực dân Pháp… Sau Lê Lai, Lê Lợi không chịu được cảnh lòng mang dạ sói của thực dân Pháp, đã nổi dậy đấu tranh năm 1975… nổ ra dòng dã 2 ngày 1 đêm và quân ta đã đánh đuổi thực dân Pháp… Mùa xuân năm 1975 máu chảy thành sông, người chết thì nhiều. Sau Lê Lợi lên làm vua được vài năm là chết”.
Cũng câu hỏi về chiến dịch Hồ Chí Minh, có thí sinh trả lời: “Đêm 30/12, rạng sáng 1/1/1975, nhân lúc quân lính Mỹ đang say sưa, quân ta tấn công. Tiếng súng đầu tiên nổ lên, kháng chiến bắt đầu. Giặc lúng túng chống trả không kịp, bỏ cả đồn bốt chạy sang Trung Quốc.”
Một thí sinh khác lại viết: “Chiến dịch Hồ Chí Minh 1970, quân ta tiến vào Him Lam, Bản Kéo, lần lượt giành các đồi A1, C1, D, E… Hai bên chiến đấu giằng co quyết liệt và cuối cùng ta đã giành thắng lợi buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari năm 1972.”