WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trước hiểm hoạ Trung Quốc: Kế hoạch hành động của người Việt hải ngoại

Trong bài “Người Việt hải ngoại làm được gì trước hiểm hoạ Trung Quốc?” đăng trên một số trang mạng và báo chí Việt ngữ mấy tháng trước[i], tôi đã trình bày tổng quát về mối hoạ thường trực của Trung Quốc đối với Việt Nam qua các triều đại từ thời Tần Thủy Hoàng đến ngày nay, và về vai trò thích hợp của người Việt hải ngoại trong những nỗ lực ngăn chặn tham vọng bá quyền của Bắc Kinh, không chỉ đối với Việt Nam mà toàn thể khu vực Đông Nam Á. 

Trong bài này, tôi sẽ đề nghị một số ý kíến cần thiết cho việc thiết lập một kế hoạch hành động của người Việt Nam ở nước ngoài, xác định chúng ta có thể làm được gì và làm như thế nào để đóng góp có hiệu quả vào công cuộc đối phó với mưu đồ xâm chiếm Việt Nam mà Trung Quốc  dưới chế độ cộng sản đã thật sự bắt đầu.

Ba tiền đề

Sau đây là ba nhận định then chốt được dùng làm tiền đề cho một kế hoạch hành động toàn diện mà tôi nghĩ là thực tế và thích hợp với cộng đồng người Việt hải ngoại trong nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc chiếm hữu Việt Nam và thống lĩnh Biển Đông (đã được nhiều người đề nghị đổi tên là Biển Đông Nam Á).

1.  Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc

Trong những điều kiện địa-chính trị khu vực và quan hệ quốc tế hiện thời, hiểm họa Trung Quốc dưới chế độ cộng sản rất khác và nguy hiểm hơn tất cả những cuộc xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc trong hơn hai ngàn năm lịch sử bang giao giữa hai nước. Khác, vì đây không phải là một cuộc chiến tranh xâm lược cổ điển bằng lực lượng vũ trang, mà là một cuộc chinh phục thầm lặng bằng kinh tế, chính trị và văn hóa, vừa thuyết phục vừa đe dọa, giữa một nước cộng sản đàn anh đối với một nước cộng sản đàn em. Chiến tranh quân sự chỉ có thể xảy ra khi tình thế thay đổi và cuộc chinh phục thầm lặng không còn hiệu lực. Ngoài ra, mục đích thôn tính Việt Nam của Trung Quốc ngày nay không chỉ có mục đích mở mang bờ cõi phía Nam mà còn để khai thác tài nguyên trên biển, chi phối các nước trong khu vực  và thực hiện tham vọng bá quyền quốc tế. Nguy hiểm hơn, vì Trung Quốc không chỉ mạnh hơn Việt Nam gấp bội về kinh tế và quân sự mà còn có tư thể sử dụng Việt Nam như một quân cờ để mặc cả với các nước đồng minh của Việt Nam, khiến cho nước ta khó có thể tồn tại như một quốc gia độc lập. Về điểm này, chúng ta không nên quên rằng mới năm ngoái, một Đô Đốc của Trung Quốc đã thăm dò Đô Đốc Timothy Keating, khi đó là Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, về khả năng chia đôi khu vực kiểm soát TBD, lấy lằn ranh là quần đảo Hawaii, nhưng bị ông Keating bác bỏ [ii] . Mới đây, trong bài “The Geography of Chinese Power” (Thế địa lý của sức mạnh Trung Quốc) trên tạp chí Foreign Affairs, Robert Kaplan đã nhắc đến viễn tượng Ngũ Giác Đài có thể rút vòng đai chiến lược Thái Bình Dương tới các nước trong khu vực Đại Dương Châu (Oceania) để “đối phó với sức mạnh chiến lược của Trung Quốc . . . mà không cần phải đối đầu trực tiếp bằng quân sự.”[iii] Trong viễn tượng này, Việt Nam và hầu hết các nước ASEAN sẽ không còn nằm trong khu vực được Mỹ bảo vệ.

Với tốc độ vô địch về phát triển kinh tế tài chánh hiện nay, Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị cho tham vọng trở thành siêu cường số một trong thế kỷ 21, thay thế vai trò của Hoa Kỳ, và thiết lập một trật tự mới, một nền văn minh mới có ảnh hưởng toàn cầu. Chuyên gia về Trung Quốc Martin Jacques đã thảo luận về khả năng TQ lãnh đạo thế giới chỉ trong vòng ba, bốn chục năm nữa [iv]. John và Doris Naisbitt thì ca ngợi sáng kiến mới của TQ về một nền dân chủ quân bình theo hàng dọc (vertical democracy) từ trên đi xuống và từ dưới đi lên, thay cho thể chế dân chủ hỗn loạn theo hàng ngang của xã hội Tây phương [v]. Ngay tại Trung Quốc, Đại tá Lưu Minh Phúc, Giám đốc Viện Nghiên cứu Xây dựng Quân đội thuộc Bộ Quốc Phòng TQ, vừa xuất bản cuốn “Trung Quốc Mộng”, nhấn mạnh rằng “Giấc mơ TQ không chỉ là giấc mơ kinh tế, giấc mơ quân sự mà gồm cả giấc mơ văn hoá” và điểm nổi bật là “TQ phải xây dựng một quân đội mạnh nhất thế giới và giành lấy vị trí cường quốc số một toàn cầu từ tay Mỹ.”[vi] Bước đầu tiên trong chiến lược bá quyền của Trung Quốc là thống lĩnh vùng biển phía Nam và kiểm soát toàn thể khu vực ĐNÁ. Mục tiêu này chỉ có hi vọng đạt được nếu Trung Quốc có cơ hội sử dụng Việt Nam làm bàn đạp và căn cứ chiến lược.

2.  Bảo vệ chủ quyền là trách nhiệm chính thức của Nhà Nước Việt Nam.

Ba điều kiện liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm của Nhà Nước trong việc bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc là: lãnh đạo phải có tài và thật lòng yêu nước, huy động được sự đoàn kết của toàn dân và vận động được sự ủng hộ của quốc tế. Điều kiện thứ nhất là một nghi vấn rất lớn vì giới lãnh đạo Việt Nam cho đến nay chỉ cho thấy rằng họ bất tài và đang dựa vào Trung Quốc để bảo vệ độc quyền thống trị của Đảng cùng những đặc quyền đặc lợi của họ. Gần đây, do thái độ ức hiếp quá đáng của Trung Quốc và những yếu tố thuận lợi từ phía quốc tế, lãnh đạo Việt Nam đã có vẻ muốn khẳng định chủ quyền toàn vẹn của đất nước và gia tăng hợp tác với các nước đồng minh để đối thoại với Trung Quốc. Nhưng họ vẫn còn rất lúng túng trong chính sách đi hàng hai, chưa dám có những quyết định rõ rệt. Người ta có thể ngờ rằng những lời lẽ cứng rắn đối với Trung Quốc chỉ là một xảo thuật hỏa mù nhằm xoa dịu sự bất mãn của nhân dân và gia tăng sự tin tưởng của Hoa Kỳ và các nước dân chủ. Về điều kiện thứ hai, lãnh đạo bất tài và bất khả tín như vậy sẽ không thể huy động sự đoàn kết và các nguồn lực của toàn dân cho đến khi họ thật sự thay đổi đường lối. Trong khi đó, do bị bưng bít thông tin, đại đa số nhân dân không thấy được nguy cơ mất nước vào tay Trung Quốc. Hơn nữa, chuyện toàn dân đoàn kết thì vẫn chỉ là một ước mơ do hậu quả của hai mươi năm nội chiến và chính sách sai lầm của Nhà Nước cộng sản đối với nhân dân miền Nam sau ngày thống nhất. Hòa giải và đại đoàn kết dân tộc luôn luôn được nói đến nhưng chưa bao giờ thực hiện sau 35 năm chấm dứt chiến tranh. Riêng điều kiện thứ ba thì Việt Nam đang có nhiều thuận lợi vì ASEAN, Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ trên thế giới đều muốn ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Vấn đề là lãnh đạo Việt Nam có đủ khả năng và dũng cảm hay không, không phải để đối phó với Trung Quốc bằng chiến tranh, mà để cùng với cộng đồng quốc tế giải quyết với Trung Quốc vấn đề Biển Đông Nam Á và các vấn đề an ninh, hợp tác và phát triển trong khu vực.

3. Vai trò của cộng đồng người Việt hải ngoại

Với giả định là lãnh đạo Việt Nam muốn thật lòng tìm cách thoát ra khỏi vòng kiểm soát của Trung Quốc, vai trò thích hợp của cộng đồng người Việt hải ngoại là giúp cho chính quyền trong nước đối phó với Trung Quốc bằng những công trình nghiên cứu và tư vấn, và đóng góp vào công cuộc phát triển sức mạnh của nhân dân. Ngoài ra, người Việt hải ngoại có thể vận động đắc lực cho vấn đề quốc tế hóa Biển Đông Nam Á và cho một giải pháp hòa bình bền vững giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.  Những hoạt động này cần tiến hành đồng bộ và phải được phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, nhân dân trong nước, và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đến đây, câu hỏi quan trọng được đặt ra là làm thế nào có được sự tin cậy và hợp tác giữa chính quyền và nhân dân trong nước, nhất là giữa chính quyền và khối người Việt ở nước ngoài, khi vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc chưa được giải quyết? Hợp tác với chính quyền trong nước, dù để đối phó với Trung Quốc, có giúp duy trì chế độ độc tài toàn trị hay không? Những câu hỏi này cần phải được trả lời trước khi bàn đến những hoạt động thích hợp của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Tôi đề nghị chúng ta nên tạm ngưng thảo luận về vấn đề hòa giải giữa Nhà nước và cộng đồng người Việt hải ngoại vì vấn đề này đã được tranh cãi từ nhiều năm qua và vẫn còn bế tắc. Chúng ta hãy đồng ý rằng khi đất nước lâm nguy thì các thành phần dân tộc đều cần phải bỏ qua một bên mọi niềm thù hận hay bất đồng chính kiến để hợp lực chiến đấu cho sự vẹn toàn của lãnh thổ và nền độc lập của dân tộc. Khi đã vắng bóng quân xâm lược hay nguy cơ đã qua đi thì những chuyện đối nghịch cũ sẽ trở lại để được giải quyết bằng hòa giải hay tiếp tục đối kháng. Sự kiện người Việt hải ngoại đóng góp công trình nghiên cứu lịch sử hay tư vấn pháp lý cho chính quyền trong nước về vấn đề Hoàng Sa, Truờng Sa là một hành động hợp tác vì nguy cơ chung nhưng không phải hay chưa phải là hành động hòa giải. Một thí dụ khác: nếu chính phủ Việt Nam lên tiếng yêu cầu Trung Quốc ngưng tiếp tục xây đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong để bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái của hàng triệu dân Việt Nam sinh sống ở lưu vực dòng sông này thì việc người Việt hải ngoại gửi kiến nghị vận động các chính phủ và tổ chức quốc tế ủng hộ lập trường của chính phủ Việt Nam, không có nghĩa là một hành động củng cố chế độ độc tài cộng sản. Trong khi đó những nỗ lực dân chủ hoá Việt Nam vẫn được tiếp tục dù dưới những hình thức ôn hoà hơn.

Đây không phải là lần đầu tiên “người quốc gia” đặt vấn đề nói chuyện với “người cộng sản”, hay ngược lại, vì quyền lợi tối thượng của đất nước. Cựu Ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc đã cho biết là sau khi Trung Cộng cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 19.01.1974, ông đã ba lần “đề nghị đến gặp Bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền Hà Nội để cùng thảo luận về những vấn đề của đất nước” (ngày 26.02, 16.05 và 20.07.1974) nhưng “cả ba lần đó, Hà Nội đều làm ngơ không đáp ứng tích cực”[vii]. Hai trường hợp khác về đề nghị hợp tác giữa quốc gia và cộng sản là năm 1954 và 1989. Theo lời kể lại của cố Ngoại trưởng VNCH Trần Văn Đỗ, mấy ngày trước khi hiệp định Genève 1954 được ký kết, ông được Trưởng phái đoàn cộng sản Phạm Văn Đồng mời gặp để cùng tìm giải pháp hoà bình giữa người Việt Nam với nhau thay vì chịu sự áp đặt của các cường quốc. Hai ông đã gặp nhau nhưng khi đó đã quá muộn. Cố Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ kể cho tôi câu chuyện này khi tôi ghé Paris trên đường đi Genève, tháng Sáu 1989 để tham dự hội nghị quốc tế về tị nạn Đông Dương, và được Giáo sư Vũ Quốc Thúc đưa đến thăm ông. Cố ngoại trưởng cho hay ông nhờ GS Thúc đưa tôi đến gặp là để nhắc tôi phải tìm gặp Trưởng phái đoàn cộng sản ở Genève để tìm một giải pháp “của người Việt Nam” cho vấn đề tị nạn Việt Nam. Dù rất ngần ngại, cuối cùng tôi cũng yêu cầu Eric Schwartz, Giám đốc Á châu trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC) khi đó đang có mặt trong phái đoàn Hoa Kỳ, thu xếp cho tôi gặp Trưởng phái đoàn Việt Nam là Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, nhưng lúc đó ông Thạch không chịu gặp tôi. Một năm sau, khi ông Thạch sang New York tham dự Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thì chính ông lại mời tôi gặp sau khi nhận được thư của Thượng Nghị sĩ Mark O. Hatfield. Vì vấn đề tị nạn Việt Nam đã được hội nghị quốc tế Genève 1989 giải quyết bằng Kế hoạch Hành động Toàn diện (CPA), chủ đích cuộc gặp gỡ giữa nhóm đại diện của Trung Tâm SEARAC, do tôi làm chủ tịch, và ông Nguyễn Cơ Thạch là vấn đề định cư cựu tù nhân cải tạo ở Hoa Kỳ. Vấn đề này được nối kết với vấn đề POW/MIAs mà Việt Nam cần hợp tác tích cực hơn để chính phủ Mỹ có thể đáp ứng thuận lợi vấn đề thiết lập quan hệ bình thường giữa hai nước.[viii]

Trở lại trường hợp người Việt hải ngoại giúp cho chính quyền trong nước đối phó với Trung Quốc, ngoài lý do quyền lợi tối thượng của đất nước, người bên ngoài còn có cơ hội tiếp cận với những người yêu nước và tiến bộ ở trong hay ngoài đảng cộng sản, hóa giải được những ngộ nhận và định kiến còn tồn tại giữa hai bên để tin cậy nhau hơn, hợp tác chặt chẽ với nhau hơn trên nhiều lãnh vực khác nhằm cải thiện đời sống của nhân dân và gia tăng triển vọng dân chủ hóa Việt Nam. Trong viễn tượng ấy, lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ đứng trước ba lựa chọn: một là chấp thuận sự hợp tác của trí thức ở trong và ngoài nước, và chủ động tiến trình đổi mới chính trị để thực hiện đại đoàn kết và huy động được các nguồn lực của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới; hai là bác bỏ sự hợp tác của cộng đồng hải ngoại, tiếp tục đàn áp những đòi hỏi ôn hòa về dân chủ, nhân quyền và công bằng xã hội, tiếp tục thực hiện một chiều khẩu hiệu “bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng” với Trung Quốc; ba là hạn chế và kiểm soát sự hợp tác của người Việt hải ngoại, tiếp tục thân với Trung Quốc nhưng cũng dựa vào những điều kiện thuận lợi quốc tế để điều đình với Trung Quốc. Trong khi đó, chính sách áp chế nguyện vọng của nhân dân vẫn không thay đổi.

Trong hoàn cảnh hiện thời, lựa chọn thứ nhất rất ít hi vọng trở thành hiện thực. Chính quyền có vẻ đang thi hành lựa chọn thứ ba. Trong trường hợp này, và ngay cả trong trường hợp chính quyền lựa chọn cách thứ hai, những đóng góp độc lập hay có phối hợp của người Việt hải ngoại với trí thức và nhân dân trong nước vẫn cần thiết cho việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam và cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Biển Đông Nam Á. Hiểm họa Trung Quốc, nếu không làm cho chính quyền thức tỉnh và thực hiện chính sách hòa giải với các thành phần dân tộc để cứu nước thì nó cũng sẽ tạo cơ hội cho người Việt Nam ở trong và ngoài nước đoàn kết và hợp tác với nhau trong các nỗ lực ngăn chặn nguy cơ mất nước và giải thể chế độ độc tài toàn trị.

Kế hoạch cụ thể và toàn diện

Trong bối cảnh lịch sử và viễn tượng tương lai đó, chúng ta cần thiết lập một kế hoạch hành động toàn diện với các đối tượng quốc nội và quốc tế. Tôi xin đề nghị một số công tác và gợi ý cần thiết cho việc thiết lập và thực hiện kế hoạch này:

1.  Quan hệ giữa người Việt trong và ngoài nước :

  1. Phổ biến bằng mọi cách những thông tin chính xác tới mọi tầng lớp nhân dân và cấp   bậc trong quân đội, nhất là ở các vùng sâu và xa trên toàn quốc về những lời tuyên bố ngang ngược và hành động tàn bạo của TQ về chủ quyền Biển Đông, về những lá thư và bài viết của các nhân vật có uy tín ở trong nước tố cáo mưu đồ thôn tính VN của TQ bằng kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, và về những nhượng bộ của lãnh đạo VN đối với TQ. Cần nêu rõ những bằng chứng cho thấy trong khi những công dân yêu nước biểu tình phản đối TQ bị trừng phạt thì bộ máy thông tin nhà nước lại đưa ra những tin tức và hình ảnh có lợi cho TQ. Cần hỗ trợ những đòi hỏi của nhân dân về thái độ cụ thể của chính quyền đối với TQ.
  2. Thiết lập và mở rộng quan hệ với các trí thức, văn nghệ sĩ ở trong nước, thuộc mọi lớp tuổi, có lòng yêu nước và mong muốn Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh, dân chủ, văn minh, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng thế giới. Nhiều người xuất ngoại để công tác đã có cơ hội tiếp xúc với những đối tác hay đồng nghiệp của họ trong cộng đồng hải ngoại và đã có nhiều quan hệ tốt. Họ đã và đang có tiếng nói phản biện trước những chính sách và chương trình của chính phủ đi ngược với lợi ích của dân tộc, mặc dù phải chịu nhiều hành động sách nhiễu và phá phách của bộ máy công an.
  3. Tiếp xúc và hợp tác với những cựu đảng viên đã ly khai và bỏ ra nước ngoài để tranh đấu chống độc tài, và những trí thức sinh trưởng trong lòng chế độ nhưng bất mãn với chính sách kìm kẹp của nhà nước nên cũng chọn cuộc sống lưu vong để có điều kiện tự do nghiên cứu, sáng tác và tìm cách cải thiện đời sống của đồng bào trong nước. Tiếng nói của những trí thức này rất có ảnh hưởng đối với nhân dân trong nước.
  4. Tiếp xúc và hợp tác với các trí thức chuyên gia xuất ngoại trước 1975, nhiệt tình yêu nước nhưng có thiện cảm với miền Bắc trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, nay thất vọng trước những chính sách sai lầm của nhà cầm quyền cộng sản nên đã thẳng thắn chỉ trích chế độ và thúc đẩy công cuộc đổi mới về mọi mặt. Tuy nhiên, do bị ngộ nhận về lòng yêu nước của mình, những trí thức này đã sống biệt lập với cộng đồng hải ngoại và chỉ sinh hoạt trong những diễn đàn do chính họ thành lập. Trong những năm gần đây, qua sự tham dự những hội nghị do các trường Đại học hay cơ quan nghiên cứu ngoại quốc tổ chức, một số trí thức trước và sau 1975 đã có dịp tiếp xúc thân tình, trao đổi quan điểm và công trình nghiên cứu về những vấn đề quan trọng của đất nước.
  5. Tiếp xúc và trao đổi với những sinh viên du học hay tu nghiệp mỗi ngày một đông hơn. Hầu hết những du sinh hay nghiên cứu sinh này đã có những hiểu biết căn bản về đời sống ở nước ngoài và đều mong muốn đất nước đổi mới và hội nhập thành công với cộng đồng thế giới văn minh, dân chủ. Do bận việc học hành và do những qui định của nhà nước về điều kiện du học, họ thường né tránh những cuộc tiếp xúc với người Việt định cư ở nước ngoài vì e ngại bị lôi cuốn vào những sinh hoạt chống cộng của cộng đồng. Nhưng trong những cuộc trao đổi giữa họ với nhau hay với một số giáo sư hay bạn đồng học người Việt sở tại, họ đã chia sẻ những mối quan tâm sâu sắc trước tình trạng tham nhũng trầm trọng, đạo đức suy đồi ở Việt Nam, và không ngần ngại biểu lộ sự tức giận đối với những biện pháp của chính phủ ngăn cấm dân chúng phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đất nước, ngăn cấm và phá hoại thông tin chính trị trên internet. Sự trao đổi thân tình giữa người Việt hải ngoại và các du sinh sẽ xóa bỏ được nhiều ngộ nhận của họ về cộng đồng tị nạn, chia sẻ một cách nghiêm túc những suy nghĩ và mong ước về tương lai nước Việt. Họ sẽ là những nhân tố thay đổi xã hội Việt Nam, là những nhịp cầu cho sự hợp tác phát triển giữa trong và ngoài nước sau này.

2.  Quan hệ với chính quyền Việt Nam:

Người Việt hải ngoại không cần phải yêu cầu chính phủ Việt Nam chấp thuận thiết lập quan hệ hợp tác giữa đôi bên, vì từ nhiều năm nay các lãnh đạo trong nước vẫn tha thiết kêu gọi nhân tài Việt Nam ở nước ngoài đóng góp chất xám vào công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Thực tế thì đã có một số chuyên gia người Việt ở các nước tiền tiến trở về làm tư vấn cho chính phủ, giúp đỡ kỹ thuật hay đào tạo cán bộ chuyên môn. Vì chính sách sai lầm của chính quyền, số người này cho đến nay mới có khoảng vài trăm so với tổng số ước lượng là trên 300 nghìn nhân tài người Việt ở nước ngoài. Bây giờ chỉ cần chính thức hóa mối quan hệ này trong việc việc đối phó với TQ để có thể phát huy nội lực, gia tăng sự tin cậy của các thành viên khác trong khối ASEAN và được quốc tế hỗ trợ cho những cuộc đàm phán đa phương với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hợp tác này được chính phủ Việt Nam chấp thuận đến mức độ nào thì chưa thể biết được.

Trong những cuộc đối thoại với chính quyền, nếu có, cần xác nhận yếu tố ổn định chính trị trong tiến trình hợp tác.  Nói cụ thể và thực tế hơn, cần giải quyết tình trạng đối kháng hiện thời bằng thái độ tương nhượng: cộng đồng hải ngoại sẽ trì hoãn những hoạt động quyết liệt chống chính quyền, những đòi hỏi giải thể chế độ, những cuộc vận động Quốc hội Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC; để đổi lại, chính quyền phải cải thiện chính sách đối với những người tranh đấu ôn hòa cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo bằng việc phóng thích những người đang bị giam giữ, nới rộng những quyền tự do căn bản, chấm dứt việc phá hoại những trang mạng hay trang blog trên internet.

Đế cho sự đóng góp chất xám từ hải ngoại được thực tế và hiệu quả hơn, cần phải có sự cộng tác của trí thức và chuyên gia tiến bộ ở trong nước. Một cơ quan tư vấn theo mô hình “think tank” của Mỹ cần được thành lập với sự tham gia của trí thức trong và ngoài nước. Thật ra, đây là một dự án đã được thử nghiệm hơn ba năm trước bởi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau khi ông và nhóm chuyên gia của ông nghiên cứu “dự án phát triển Việt Nam thế kỷ 21 (VN21)” do TS Phùng Liên Đoàn ở Mỹ soạn thảo với sự góp ý của tôi. Sau những buổi làm việc trực tiếp giữa đôi bên, dự án VN21 đã trở thành một dự án “think tank” mang tên là “Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển Bền Vững”, với tỉ lệ thành phần sáng lập là 50 phần trăm trí thức ở trong nước và 50 phần trăm trí thức ở nước ngoài. Quá trình vận động cho việc thành lập “think tank”  này rất khó khăn nhưng nhờ quyết tâm của cố Thủ tướng Kiệt, Nhà nước đã chấp thuận đề nghị của ông, nhưng chỉ cho phép trí thức trong nước đứng chủ trương. Do đó Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS được ra đời vào tháng Mười Một năm 2007. Dù sao, đây cũng là một bước khởi đầu cần thiết. Như chúng ta đều biết, các hoạt động của Viện IDS đã bị chính quyền tìm cách hạn chế và kiểm soát, nhất là sau ngày ông Kiệt qua đời, thậm chí Hội Đồng Quản Trị của IDS đã phải ra tuyên bố tự giải thể để phản đối Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng Bảy 2009 của Thủ tướng Chính Phủ, với lời cáo buộc rất dũng cảm là Quyết định này “phản khoa học, phản tiến bộ và phản dân chủ.”

Dĩ nhiên, tất cả những ý kiến trên đây về quan hệ hợp tác giữa người Việt hải ngoại và chính quyền trong nước chỉ có thể thực hiện trong trường hợp chính quyền quyết định chọn lựa theo cách thứ nhất trong ba lựa chọn đã nói đến ở trên (tiền đề số 3: Vai trò của người Việt hải ngoại). Quan hệ hợp tác này, nếu đạt được, sẽ không có nghĩa là cộng đồng người Việt hải ngoại giúp củng cố chế độ độc tài; trái lại, nó mở đầu cho một tiến trình dân chủ hóa mà không có sự đối đầu. Nói cách khác, đây là một tiến trình “diễn biến hòa bình” do chính Nhà nước chủ động để thực hiện mục tiêu ‘dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” vẫn được nêu cao nhưng không thấy làm. Đây là cơ hội mà người Việt hải ngoại và nhân dân trong nước mở ra cho chính quyền nhưng cũng là một thách thức lịch sử đối với lãnh đạo Đảng Cộng sản trước sự tồn vong của đất nước và dân tộc Việt Nam.

3. Vận động ASEAN, Hoa Kỳ và quốc tế

Như trên đã nói, đây là trách nhiệm và thẩm quyền chính thức của chính phủ Việt Nam trong quan hệ với các quốc gia khác. Những cuộc vận động của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nói chung, chỉ có tính cách hỗ trợ cho chính phủ. Tuy nhiên, trong trường hợp đối phó với hiểm họa Trung Quốc, cộng đồng người Việt hải ngoại có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc vận động quốc tế mà nhân dân trong nước không có, trong khi chính phủ Việt Nam lại chưa có chính sách rõ rệt  trước hiểm hoạ Trung Quốc. Đặc biệt là những cuộc vận động hành lang của công dân ngoại quốc gốc Việt Nam có thể đem lại nhiều kết quả tích cực do khả năng thuyết phục những nhà làm chính sách ở các nước sở tại, nhất là ở Hoa Kỳ.

Vì Trung Quốc cũng đang là mối đe dọa chung đối với các nước ASEAN và một số quốc gia Á châu khác như Nhật Bản và Ấn Độ, những công dân ngoại quốc gốc Á châu sẽ sẵn sàng hợp lực với người Việt hải ngoại trong các nỗ lực vận động chính quyền ở quốc gia sở tại và ở quê hương gốc của họ. Lợi điểm chính là họ cũng rất quan tâm về tham vọng bá quyền của Trung Quốc, về vị trí chiến lược của Biển Đông Nam Á và nhất là không thể chấp nhận vai trò lãnh đạo thế giới của một nước cộng sản độc tài. Riêng ở Hoa Kỳ, các cộng đồng người Mỹ gốc Á châu thường có quan hệ hợp tác chặt chẽ với chính phủ và các tổ chức tư nhân có thế lực ở quê hương họ. Những người lãnh đạo cộng đồng của họ trên khắp các tiểu bang cũng có nhiều quan hệ và kinh nghiệm làm việc với Quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ [ix]. Ngay cả những trí thức người Mỹ gốc Hoa vì đã quen với những suy nghĩ và hành động theo những nguyên tắc bình đẳng và dân chủ cũng có thể đứng chung hàng ngũ với người Mỹ gốc Á trong cuộc vận động cho một giải pháp công bằng và hòa bình trong khu vực. Như vậy, chúng ta không cô đơn mà có nhiều bạn đồng minh rất đắc lực. Tiếng nói chung của công dân và cử tri Mỹ gốc Á qua những bản tuyên bố, những thư kiến nghị, những buổi điều trần ở Quốc hội, những bài báo hay tham luận ở các hội nghị chuyên đề chắc chắn sẽ được những nhà làm chính sách của Mỹ và quốc tế lắng nghe [x].

Đối tượng quốc tế cần được tiếp cận để vận động, ngoài các chính phủ có mối quan tâm chung đối với Trung Quốc, là tổ chức Liên Hiệp Quốc, các cơ quan nghiên cứu quốc tế về luật pháp và nhân quyền, các trường Đại học và các chuyên gia về TQ. Ngoài ra, cũng cần theo dõi và khai thác những phản ứng chống chủ nghĩa “tân thực dân” của TQ tại Châu Phi và những mâu thuẫn quyền lợi giữa Nga và Trung Quốc tại những nước vùng Trung Á như Kyrzystan va Uzbekistan. Sự ủng hộ trực tiếp hay gián tiếp của các cơ quan truyền thông như báo chí, truyền thanh và truyền hình cũng rất quan trọng và phải được triệt để khai thác khi có cơ hội. Cộng đồng nguời Việt hải ngoại cần tập hợp được những nhà nghiên cứu, những tác giả giỏi ngoại ngữ và những đại diện thông thạo về giao tế (PR) ở thủ đô của các quốc gia cần vận động.

Kết luận

Vấn đề vai trò của người Việt hải ngoại như vừa được trình bày, phát xuất từ một giả định là các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước thống nhất ý chí trước nguy cơ Trung Quốc muốn thôn tính Việt Nam làm bàn đạp cho chiến lược bá quyền quốc tế. Với quyết tâm ấy, Nhà nước sẽ vận dụng mọi khả năng hợp tác với các nước ASEAN, Hoa Kỳ và các đồng minh khác để quốc tế hóa vấn đề Biển Đông Nam Á nhằm đạt được giải pháp chung sống hòa bình, hợp tác và phát triển giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Khả năng trung lập hoá ASEAN cũng có thể được xem xét như một giải pháp giúp cho Việt Nam và các nước trong khu vực tạo được vị thế riêng biệt, có thể bảo vệ được chủ quyền của mỗi thành viên với các đối tác quốc tế, tránh khỏi vai trò đu dây giữa các cường quốc.[xi] Điểm quan trọng trong giả định này là Nhà nước Việt Nam sẽ thay đổi chính sách đối nội, tạo điều kiện cho một xã hội công dân, chấp nhận đối lập, xóa bỏ những bản án nặng nề đối với những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền và công bằng xã hội. Qua các thành tích của chế độ độc tài cộng sản và kinh nghiệm trực tiếp của nhân dân Việt Nam từ 65 năm qua ở miền Bắc và 35 năm ở miền Nam, kịch bản tự giác và tự chuyển hoá từ độc tài sang dân chủ của nhà cầm quyền Hà Nội có thể được xem như một mơ ước hão huyền. Nhưng trong cuộc đời đã từng xảy ra nhiều chuyện bất ngờ, nhất là khi nguy cơ mất nước đã gần kề và sự bất mãn của dân chúng đối với những biện pháp khắc nghiệt của chính quyền đang gia tăng cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Bởi thế giả định này vẫn cần đặt vào trong những mục tiêu của kế hoạch. Giả định này có thể trở thành hiện thực hay không thì nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng vẫn cần hợp lực để ngăn chặn hiểm họa Trung Quốc, đồng thời đem lại tự do, dân chủ thật sự cho dân tộc.

Chính quyền trong nước cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang phải đôi diện với những thử thách quan trọng đòi hỏi những quyết định dũng cảm, đột phá, để biến những thử thách đó thành cơ hội hợp tác cứu nguy đất nước và cải thiện chế độ chính trị. Hiểm hoạ Trung Quốc là “thời cơ vàng”[xii] để lãnh đạo Đảng và Nhà nước có thể sửa chữa sai lầm, lấy lại được lòng tin của dân chúng và hoà giải với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đây cũng là cơ hội cho những đảng viên sáng suốt, trí thức tiến bộ và nhân dân trong nước gia tăng áp lực với những nhà làm chính sách, nhất là trong khi Đảng đang chuẩn bị Đại Hội XI vào đầu năm 2011. Ở hải ngoại, đã đến lúc các nhà lãnh đạo cộng đồng cần hội ý với nhau để xác định một hướng đi mới và một sách lược lâu dài đối với tương lai của đất nước, và trước mắt là thiết lập một kế hoạch thực tế có thể đóng góp hữu hiệu vào những nỗ lực ngăn chặn cuộc chinh phục thầm lặng của Trung Quốc. Vấn đề không phải là ai hay đoàn thể nào có thể khởi động cuộc thảo luận này vì bất cứ một cá nhân hay tập hợp nào đảm nhận trách nhiệm đó cũng đáng được hoan nghênh, nhất là vì đây không phải là vấn đề lãnh đạo mà là điều hợp những cuộc thảo luận cho đến khi đạt được đồng thuận về đường lối và kế hoạch. Sau đó mới cần bầu ra những đại diện chính thức để phụ trách thực hiện kế hoạch. Tốt hơn hết là vai trò điều hợp nên được đảm nhiệm bởi những chuyên gia thuộc lớp tuổi trung niên thành thạo viêc tổ chức và điều hành hội nghị. Cộng đồng người Việt hải ngoại không thể bỏ lỡ vai trò và cơ hội lịch sử này.

© Lê Xuân Khoa

©  Đàn Chim Việt

————————————————————–

Chú thích

[i] Xem talawas (Đức) 01 tháng 03, 2010; Ngày Nay (Houston, Texas) 01/03/10; Đàn Chim Việt Online (San Jose, California) 02/03/10; NgườiViệt (Westminster, California) 18-19-20/03/10.

[ii] Admiral Timothy Keating, “Asia-Pacific Military Review”, http://2002-2009-fpc.state.gov/113312.htm. Dẫn bởi Vũ Quang Việt trong “Towards a just and fair solution to the conflicts in the Southeast Asian Sea”, tài liệu thuyết trình tại “Seminar on Conflicting Claims to the South China Sea”, do Đại học Temple, Philadelphia, PA, tổ chức ngày 25/03/2010.

[iii] Robert D. Kaplan, “The Geography of Chinese Power: How Far Can Beijing Reach on Land at at Sea”, Foreign Affairs, May/June 2010, trang 22-41.

[iv] Martin Jacques, When China Rules the World, The Penguin Press, New York, 2009.

[v] John & Doris Norbitt, China’s Megatrends: The 8 Pillars of a New Society, HarperCollins Publishers, New York, 2010, đặc biệt là chương 2.

[vi] Nguyễn Hải Hoành, “Giấc mơ hùng vĩ của người Trung Quốc (phần 1)”, http://community.tuanvietnam.net/2010-03-10-giac-mo-hung-vi-cua-nguoi-trung-quoc-phan-1-?print=1

[vii] Vương Văn Bắc, “Nhớ lại và Suy ngẫm về vụ Hải chiến Hoàng Sa, Đặc San Ái Hữu Ngoại Giao, Xuân Mậu Tý,  Paris, France (2008).

[viii] Chi tiết về cuộc gặp gỡ này cũng như  những cuộc vận động của SEARAC (Trung Tâm Tác Vụ Đông Nam Á) cho các chương trình định cư HO và ROVR sẽ được trình bày đầy đủ trong cuốn sách về lịch sử tị nạn mà tôi đang viết, tiếp theo tập I của cuốn Viêt Nam 1945-1995:Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử, đã phát hành.  Tạm thòi, xin xem bản tóm lược các hoạt động của SEARAC trong “The Voice of Refugees”, một tài liệu tôi viết cho The Boat People Archives của Thư Viện Quốc Hội, nhân dịp họ tổ chức cuộc hội thào về thuyền nhân ở Washington, DC, ngày 2 tháng 5 năm 2009.

[ix] Trong một buổi tiếp xúc gần đây của tôi với Floyd Mori, Chủ tịch tổ chức Japanese American Citizens League (JACL) và Chủ tịch Asian Pacific American Council, ông Mori cho tôi hay ông sẵn sàng gặp gỡ các đại diện cộng đồng Mỹ gốc Việt để thảo luận về nỗ lực chung này.

[x] Một thí dụ cụ thể: TS Vũ Quang Việt, sau khi thuyết trình tại cuộc Hội thảo ở Đại học Temple (xem chú thích số ii trên đây), đã được cơ quan U.S.-China Economic and Security Review Commission (USCC) ở Washington, DC, mời đến tham khảo và có thể sẽ tổ chức một buổi điều trần ở Quốc hội hay một buổi họp với các chuyên gia người Việt hải ngoại về giải pháp cho Biển Đông Nam Á. (USCC là tổ chức do Quốc Hội Mỹ thành lập năm 2000 để nghiên cứu và đề nghị về các vấn đê kinh tế và an ninh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.)

[xi] Xem Vũ Quốc Thúc, Thời Đại của tôi, cuốn I, Người Việt xuất bản, Westminster, 2010., trong Phụ lục: “Việt Nam làm gí sau khi được bầu vào Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc?” trang. 401-408, và “Nhận định về hai cuộc vận động ngoại giao của chính quyền Hà Nội”, trang 409-414.

[xii] Mượn lời của tác giả Nguyễn Trung trong loạt bài “Thời Cơ Vàng của Đảng Ta” trên Vietnam.net năm 2009.

9 Phản hồi cho “Trước hiểm hoạ Trung Quốc: Kế hoạch hành động của người Việt hải ngoại”

  1. Nguyễn Hà Huy says:

    Biết bao nhiêu cơ hội mà nhà nước VN đều bỏ lỡ đáng tiếc . Tại sao những người CS lại bảo thủ quá vậy . Đúng là đấu tranh giai cấp là một mất , một còn ( theo chủ thuyết của Mac-Lê-Mao-Hồ )

  2. Eddie says:

    We learn to speak chinese and viet nam wil be a dream province of china
    What will be wrong , if you don’t do your part who will do for you this is the reality in life

  3. Chris says:

    CSVN bat nhot tat ca nhung nguoi Viet trong nuoc bieu tinh chong lai CSTQ ve Truong Sa & Hoang Sa.
    Chung ta NVHN se lam duoc nhung gi? Chu nha (CSVN) dang muon dot can nha cua ho, con chung ta (NVHN) dung ben ngoai can nha va co gang de chua chay? It’s useless because sooner or later that house’ll be burned down by their homeowner.

  4. Vũ Duy Giang says:

    Thêm 1 bài viết cho thấy từ 1954, hai phe QG và CSVN đều tìm “giải pháp hòa bình giữa người VN với nhau”. Ngoài ra cuốn “Tâm tình của TT.NV.Thiệu” của ông NTH cũng cho biết rằng TT.Thiệu đã trọng dụng ông sau khi ông đề nghị hòa giải bằng “hiệp thương” (như Đông-Tây Đức) giữa 2 miền Bắc Nam VN, và TT.Thiệu nói là chính sách “4 không” đưa ra để “mặc cả” với CS, chớ không phải để “chống Cộng chết bỏ” như những VK có “nợ máu” với VC vẫn tiếp tục cho đến…chết!

    Vấn đề biển Đông cũng đã được Foundation Gabriel Péri tổ chức 1 hội thảo vào tháng 2/2010 ở gần Paris, và chỉ mời những nhà khảo cứu, chuyên gia Âu, Úc, Ấn độ, Ouzbekistan, và 1 diễn giả VK (nói về 1 giải pháp cho biển Đông Nam Á)đến từ Thụy Sĩ, nhưng HT nà đã bị hoãn, vì TQ (không được mời) đã phản đối khi biết có 1 đoàn VN do bà Nguyễn thị Bình cầm đầu, gồm cả ông Nguyễn Nhã (người viết đề án về Hoàng Sa,Trường sa), mặc dầu những người này không được làm diễn giả, mà chỉ tham dự HT. Có lẽ CSVN đã muốn”thừa dịp để tuyên truyền”ngay tại 1 HT có tích cách”khoa học lịch sử” để VK bênh vực”giang sơn, đất nước” của chung tất cả người VN ở trong và ngoài nước,chớ không phải là”của riêng” cho đảng CSVN thừa hưởng.

  5. KENNY says:

    -”khi đất nước lâm nguy “Thanhniên, sinh viên xuống đuờng , biểu tình hô hào lòng yêu nuớc bị nhà nuớc cho công an bắt nhốt và đuổi học. BichLe tính sao đây ?
    - Đãng CSVN lưà bịp chuyên nghiệp hơn 50 năm nay, không ai dám tin họ , không ai dám tới gần nói chuyện với họ chớ ở đó mà bảo bàn chuyện ” hợp lực chiến đấu cho sự vẹn toàn của lãnh thổ và nền độc lập”
    - Nguời Cọng sãn chĩ chủ truơng “thoả hiệp” để rồ sau đó triệt hạ ,chớ không có chủ truơng nào gọi là “hợp lực”. Năm 1945, các đãng phái yêu nuớc “hợp lưc” nhưng rồi bị thủ tiêu hết, tiêu diệt hàng vạn nguời. Gần đây là CSVN xoá sổ Chinh phu lâm thơì miền Nam cuả LS Nguyễn Hưũ Thọ.
    -BichLe tìm hàng ngàn trí thức trong khối 8406 do LM Nguyễn Văn Lý để biết rõ thêm

    • Bichle says:

      Kenny ,

      Tôi chỉ trích lại một đoạn của tác giả và cho phê bình của mình . Có lẻ bạn đã quên cáth thức viết văn luận bàn

  6. D.Nhật Lệ says:

    Hình như gs.Khoa vẫn chưa thuộc bài,dù ông có dạy học cho người ta đi nữa.Lịch sử VN. cận đại vẫn còn đó,chẳng lẽ ông không biết.Cũng có thể là lịch sử không phải sở học của ông,do đó ông nói cứ như người chưa hề biết chế độ và con người CS.là gì cả ! Chiến lược và chiến thuật của VC.là lúc nào cũng giương ngọn cờ dân tộc từ 1945 cho đến 1975 nhưng
    cuối cùng khi cướp được chính quyền,họ phản bội lại ngay những điều gì hứa hẹn trước đó.
    Họ ma mãnh đến độ xảo quyệt nên đã luôn dùng thủ đoạn ném đá dấu tay hòng lừa bịp nhân dân cho việc chiếm đoạt quyền lực thống trị.
    Đáng tiếc là hầu hết các nhà khoa bảng thường đãng trí hoặc họ cả tin vào lý thuyết nên mơ mộng hão huyền hay nói khác đi,họ dễ biến thành “trí thức tháp ngà” mà xa rời thực tế.

  7. bichle says:

    ” Chúng ta hãy đồng ý rằng khi đất nước lâm nguy thì các thành phần dân tộc đều cần phải bỏ qua một bên mọi niềm thù hận hay bất đồng chính kiến để hợp lực chiến đấu cho sự vẹn toàn của lãnh thổ và nền độc lập của dân tộc. Khi đã vắng bóng quân xâm lược hay nguy cơ đã qua đi thì những chuyện đối nghịch cũ sẽ trở lại để được giải quyết bằng hòa giải hay tiếp tục đối kháng ”

    What is a kid’s joke !!!!!!

  8. Trung Hoàng says:

    Nhiệt tâm với tấm lòng yêu nước vẫn còn đó mãi với thời gian, làm chất xúc tác mạnh mẽ luôn khơi dậy trong lòng mọi người dân Việt. Hơn lúc nào hết, trước sự bành trướng không ngừng cuả Trung Quốc như hiện nay, một hiểm hoạ to lớn đang tiến đến dân tộc và đất nước Việt Nam.

    Trong cái hiểm hoạ đó nó vẫn tiềm ẩn một nguồn phúc không ngờ, nguồn phúc đó chính là sự gần lại cuả những thành phần đối kháng trong cộng đồng dân Việt trong ngoài, để từ đó có thể khã dĩ đưa đến từ từ sự đối thoại thực sự giưả nhà đương cầm quyền với những thành phần đối kháng trong và ngoài nước. Sự đối thoại trên can bản ôn hoà tìm đến những điểm tương thuận, điểm tương thuận chung to lớn hiện nay chính là hiểm hoạ xâm lấn cuả Trung Quốc qua “cuộc chinh phục thầm lặng”.

    Trong chiến lược bành trướng bá quyền toàn cầu hiện nay cuả Trung Quốc, với Hoa Kỳ thì Trung Quốc chắc chắn là phải đương đầu khi không thể nào né tránh, đến một lúc nào đó mà cả hai không còn có thể chấp nhận. Nhất là Hoa Kỳ, lúc nào cũng muốn cho Trung Quốc vượt khỏi cái lằn đỏ để có một cái cớ lấy đó mà hành động.

    Qua đó, Việt Nam lại là một vệ tinh luôn phải chiụ cả hai hấp lực, giử cân đối giưả hai hấp lực để không thay đổi quỷ đạo với thời gian, nhưng dù cố giử giỏi cho mấy, sự an toàn sẽ không bao giờ được tồn tại về lâu về dài. Bởi vì với thời gian, nếu hấp lực bị nghiêng nhiều về phiá Trung Quốc, sự tự huỷ trước sau phải đến.

    Nếu hấp lực kéo nhiều về phiá Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ phải có hành động ngay tức khắc, nó chẳng khác nào sự thịnh nộ cuả một thiên triều, khi thấy rõ chư hầu cuả mình đang phản lại chính mình. Huống chi ngày nay, đấng thiên tử đó đang có trong tay những quân cờ hồ mặt làm tay trong dẫn dắt chỉ điểm, xem như những TOÁN KỲ BINH đang tàng phục xuyên suốt từ Bắc chí Nam Việt Nam.

    Muốn bảo toàn năng lực lâu dài để hổ trợ được sách lược bành trướng toàn cầu, Trung Quốc bắt bưộc phải làm chủ cho bằng được Cái Lưỡi Bò tự biên tự diễn tự hành cuả họ, vưà khai thông con đường vươn ra biển lớn, lại vưà mong muốn chiếm đoạt làm sở hữu riêng khu vực dầu khí trong vùng.

    Việt Nam là trở ngại lớn nhất cho sách lược bành trướng mở rộng nầy, cuộc chinh phục thầm lặng đã và sẽ thành công, nếu nhà đương quyền Việt Nam luôn kiên trì định hướng theo XHCN, sự định hướng để mãi mãi phụ thuộc vào đảng đàn anh CS như Trung Quốc. Ðó là điều mà Trung Quốc mong muốn, ÐCSVN còn tồn tại bao lâu, thì cuộc chinh phục thầm lặng cuả Trung Quộc đạt được thành quả cao bấy nhiêu, một sự thật mà ai ai cũng có thể thấy được nó là như vậy.

    Xin trân trọng.

Phản hồi