WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Vài suy ngẫm khi đọc “Long trời lở đất” của Trần Thế Nhân

… Ôi ! quê hương
Hỡi những ngày xưa !
Thuỷ chung – nhân ái
Tất cả chìm-ngâm
Trong lừa dối cuồng điên…

Phùng Cung (1965)

CCRĐ, 1955. Ảnh của nhà báo Nga Dmitri Baltermants

Trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm của Dân Tộc ta, chưa từng có một trận thảm sát nào mà người Việt lại giết hại người Việt khủng khiếp như trong cuộc Cải cách Ruộng đất dưới “thời đại Hồ Chí Minh” hồi giữa thập niên 50 thế kỷ 20! Đó là trận thảm sát dân lành cực kỳ man rợ do đầu óc kỳ thị giai cấp, do ý thức hệ cộng sản của tập đoàn cầm quyền gây nên!

Trên thế giới đã từng có nhiều nước làm cải cách ruộng đất. Phần đông người ta làm một cách ôn hoà bằng cách Nhà nước mua lại số ruộng đất chủ sở hữu có trên tiêu chuẩn do Nhà nước quy định, hoặc cho phép họ được hiến tặng. Nhờ đó, các nước ấy đã nhẹ nhàng xoá bỏ quan hệ sản xuất phong kiến, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển mạnh, đồng thời giữ được hoà khí và ổn định xã hội, tránh những đảo lộn nguy hại.

Thế nhưng, các “lãnh tụ” cộng sản thì cho đó là con đường “thoả hiệp giai cấp”, không đúng đường lối chủ nghĩa Marx-Lenin, không thể hiện tinh thần “đấu tranh giai cấp”, không phát động được lòng “căm thù giai cấp”,  không mang tính “cách mạng triệt để”… Theo họ, Cải cách Ruộng đất phải là một “cuộc cách mạng long trời lở đất”. Phải “phóng tay phát động quần chúng”, nghĩa là làm hết sức mãnh liệt, thẳng tay, không khoan nhượng, không thương xót, có thế mới dấy lên lòng căm thù giai cấp cao độ trong quần chúng bần cố nông mà họ coi là “quân chủ lực cách mạng” để đánh gục giai cấp địa chủ.

CCRĐ 1955. Ảnh của nhà báo Nga Dmitri Baltermants

Đảng Cộng Sản dõng dạc tuyên bố Cải cách Ruộng đất là để thực hiện “người cày có ruộng”, ước mơ ngàn đời của nông dân. (1) Nhưng, đó chỉ là trên lời nói! Còn trong thâm tâm, các “lãnh tụ” cộng sản có một ý đồ khác hẳn, nhắm những mục tiêu khác hẳn. Họ dùng khẩu hiệu “người cày có ruộng” làm “con mồi” nhử nông dân mà họ coi là “đồng minh chiến lược” (2) đi theo họ thực hiện những mục đích xa hơn, độc địa hơn. Họ dùng Cải cách Ruộng đất để tiêu diệt  giới hữu sản bị họ coi là “giai cấp bóc lột” ở nông thôn, để truy quét các thành phần mà họ cho là “phản  động”, quét sạch các tư tưởng và hệ thống giá trị đạo lý cổ truyền nặng về quyền tư hữu, loại bỏ cuộc sống tâm linh trái với chủ nghĩa vô thần của họ, xoá bỏ đạo đức truyền thống của  gia đình, thôn xóm mà nền văn hoá làng xã lâu đời ở nước ta đã để lại. Chủ ý của họ còn là khủng bố tinh thần nhân dân, gây ra nỗi khiếp sợ triền miên trong người dân nhằm triệt tiêu mọi mầm mống chống đối họ. Họ ra sức xúi giục, kích động lòng hận thù, gieo rắc tính độc ác, tham lam, dối trá, đểu cáng… vào lòng người nông dân vốn chất phác, hiền lành… Tất cả những điều đó nhằm mở đường thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và huy động “quân chủ lực cách mạng” xông vào trận chiến đánh chiếm miền Nam.

Chính với ý đồ đó, các “lãnh tụ” cộng sản đã gây ra những tội ác tày trời đối với Dân Tộc: họ đã biến Cải cách Ruộng đất và Chỉnh đốn Tổ chức thành một cuộc đày đoạ, tàn sát dân lành và cả các cán bộ đã từng đứng dưới lá cờ của họ. Trong lúc nhân dân đang sống yên lành thì bỗng dưng Đảng phái những “Đội cải cách” về làng xã khép “tội” địa chủ cho nửa triệu người trong nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (với dân số nông thôn hồi đó trên 10 triệu) (3), và số người này ngay lập tức bị hành hạ, bị đoạ đày, bị giày xéo tận bùn đen! Hơn nữa, trên 172 ngàn sinh mạng vô tội đã gục xuống dưới lưỡi gươm “chuyên chính vô sản” vì bị quy oan là địa chủ cường hào gian ác, Việt gian, phản động, gián điệp, Quốc Dân Đảng! (4) Những cuộc “đấu tố” với cảnh con đấu cha, vợ tố chồng, con dâu vu oan cho bố chồng, con rể giá hoạ cho mẹ vợ, bà con, hàng xóm, láng giềng tố điêu lẫn nhau… đã đảo lộn đạo đức thông thường, giày xéo lên nền văn hiến lâu đời của người Việt, phá hoại truyền thống hoà hiếu, “lá lành đùm lá rách”, “tối lửa tắt đèn có nhau”  của cư dân làng xã nước ta. Còn điều các “lãnh tụ” cộng sản không ngừng rao giảng: “xây dựng con người mới” theo “đạo đức mới”, tức là “đạo đức cộng sản” và “tư tưởng Hồ Chí Minh”, thì… than ôi, ngày nay, nhân dân ta đã thấy quá rõ “kết quả” thực tế rồi: đạo đức băng hoại, xã hội sa đoạ, nạn tham nhũng tràn lan, nạn mua quan bán chức phổ biến, tệ nạn lừa dối, đảo điên, đểu cáng, độc ác… nhan nhản khắp nơi trong nước.

Còn câu chuyện hoang đường “người cày có ruộng” hoá ra là… một “quả lừa vĩ đại” mà Đảng Cộng Sản đã cho nông dân “xơi” đến bội thực! Vì Cải cách Ruộng đất vừa xong hồi cuối năm 1956,  một số nông dân vừa mới hí hửng “cắm thẻ nhận ruộng” để Đảng chụp ảnh quay phim tuyên truyền thì đến năm 1957-1958, họ đã bị Đảng lùa vào hợp tác xã để “tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội”. Thế là ruộng đất của nông dân biến thành của hợp tác xã, còn người nông dân thì hoàn toàn lệ thuộc vào ban chủ nhiệm hợp tác xã, vào đảng uỷ và uỷ ban xã như những nông nô! Đến khi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà “được” Đảng chuyển thành Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì… chỉ bằng một câu ngắn gọn trong Điều 19 của Hiến pháp năm 1980 “Đất đai, rừng núi, sông hồ… đều thuộc sở hữu toàn dân”, Đảng đã tịch thu một cách ngon ơ toàn bộ ruộng đất của nông dân, đất đai của toàn dân! Nông dân và nhân dân bị Đảng tước đoạt quyền sở  hữu về ruộng đất, nói chung về đất đai, trong nháy mắt! Thế là ước mơ ngàn đời của nông dân mãi mãi vẫn chỉ là… “ước” và “mơ”!

“Quả lừa vĩ đại” này của Đảng chẳng phải một mình nông dân  bị mà cả đại bộ phận nhân dân nước ta cũng bị. Thậm chí nhiều nạn nhân, khi đã “dựa cọc” rồi, sắp bị hành quyết mà vẫn chưa tỉnh, cứ  nghĩ rằng tai hoạ của họ là do mấy “ông bà Đội” gây ra, nên trước khi chết có người vẫn gắng gượng kêu lên mấy tiếng “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Con cái của họ, kể cả nhiều người có học thức mà vẫn cứ bị lừa cho đến… hơi thở cuối cùng! Mà chẳng những nhân dân ta, ngay cả một phần dư luận thế giới, một số nhà đại trí thức nổi tiếng cũng bị đánh lừa! Cố nhiên, đến bây giờ thì thế giới người ta tỉnh rồi, chỉ có một số khá đông người Việt Nam ta vẫn còn mê muội hoặc… giả vờ mê muội.

Mỉa mai thay, nửa thế kỷ sau cuộc “cách mạng long trời lở đất”, dường như Lịch Sử Việt Nam lại trôi theo dòng chảy ngược! Cải cách Ruộng đất (1953-1956) “đã đánh đổ giai cấp địa chủ” thì giờ đây, ở nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, lại xuất hiện những địa chủ mới mà dân ta gọi là bọn “cường hào đỏ”, vì chúng là những cán bộ cộng sản lợi dụng chức quyền chiếm dụng đất đai (là sở hữu toàn dân!) phát canh, thu tô, cho vay nặng lãi ở nông thôn để bóc lột chẳng khác gì địa chủ thời xưa. Giáo sư Viện sĩ Đào Thế Tuấn đã phải nói thẳng thừng: “Không có nước nào (như ở nước ta) người nông dân bị bạc đãi, bóc lột, hiếp đáp bởi bọn cường hào mới, đa số là đảng viên trong các đảng ủy điạ phương được cấp trên thông đồng che chở. Không ở đâu, chưa bao giờ nông dân bị tước đoạt đất ruộng qua “thu hồi” kiểu cưỡng bức và tùy tiện, với chính sách “đền bù” nhảm nhí, “bèo bọt” chỉ bằng một phần 10, có khi chỉ một phần 20 của giá trị thực!” Giờ đây lại xuất hiện cảnh nông dân cầm cố ruộng đất mà họ được phép sử dụng để đi làm thuê làm mướn hoặc đi tha phương cầu thực, các nhà khoa học xã hội gọi đó là “tình trạng ly nông”. Giờ đây xuất hiện thêm một lớp người “mới” có tên gọi là “dân oan”, tức là gần một triệu nông dân và người lao động bị chiếm đoạt đất đai, bị cướp đoạt nhà cửa đi “kêu oan”, thậm chí đi biểu tình, ở các “cửa quan” cộng sản hàng chục năm trời mà vẫn “không đi đến đâu cả”! Giờ đây còn xuất hiện thêm những cảnh tượng nhục nhã chưa từng thấy trong lịch sử nước nhà: “nhà nước xã hội chủ nghĩa” đem trên nửa triệu nam nữ nông dân, lao động “xuất khẩu” ra nước ngoài bán cơ bắp, mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa để nhà nước thu về hàng nhiều triệu đô la (5); “nhà nước xã hội chủ nghĩa” cho phép các dịch vụ “buôn người” dưới dạng “lấy chồng ngoại quốc” đưa hàng mấy trăm ngàn cô gái nông thôn vì nghèo đói phải bỏ mẹ cha, bỏ anh chị em, bỏ quê hương làng xóm để… bán mình cho các “ông… chồng” Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc…, thực chất là đi làm nô lệ, kể cả nô lệ tình dục!(6) Nhiều nhà nghiên cứu và nhà báo trung thực trong nước đã mô tả cuộc sống của người nông dân Việt Nam ngày nay còn lầm than, khổ ải hơn hồi trước “cách mạng”, hơn trước ngày “thống nhất đất nước”! Đó là sự thật hết sức phũ phàng mà nông dân Việt Nam đang phải ngậm đắng nuốt cay cúi đầu chịu đựng!

Cải cách Ruộng đất “long trời lở đất” như vậy, một sự kiện lịch sử lớn lao như vậy, thế mà đã trên nửa thế kỷ qua, chưa có một công trình nghiên cứu chân thật, khách quan nào của các nhà khoa học trong nước được công bố! Chưa có một tác phẩm nghệ thuật, văn chương nào của các nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nhà văn, nhà thơ… trong nước diễn tả lại tấn thảm kịch đầy đau thương của Dân Tộc! Chẳng phải vì giới trí thức sáng tạo nước ta thiếu người có tài, có tâm, mà chỉ vì ngay sau Cải cách Ruộng đất các “lãnh tụ” cộng sản đã coi đó là một trong những đề tài cấm kỵ không ai được đụng đến. Cái tabou khắc nghiệt này thì đám quan chức của chế độ cực quyền ngày đêm canh giữ nghiêm ngặt mãi cho đến ngày nay!

Hồi đầu cuộc “đổi mới”, cuốn “Ác Mộng” của Ngô Ngọc Bội chỉ mới dám lướt nhẹ qua chuyện “cải cách”… Mãi đến gần đây, đầu thế kỷ 21, mới lác đác xuất hiện vài cuốn tiểu thuyết đề cập thẳng đến đề tài cấm kỵ đó. Cuốn “Ba Người Khác” của Tô Hoài, hoàn thành từ năm 1992 nhưng chật vật mãi đến năm 2006 mới được xuất bản. Cuốn “Nước Mắt Một Thời” của Nguyễn Khoa Đăng sắp xuất bản thì bị cấm ngay tức thì và cuốn “Thời Của Thánh Thần” của Hoàng Minh Tường vừa in xong, chưa kịp phát hành thì số sách in đã bị Đảng ra lệnh thu hồi để nghiền làm bột giấy!! Một hành động man rợ, phản văn hoá của bọn Tần Thuỷ Hoàng thời nay!

Người viết những dòng này đã phải sống suốt quãng thời gian “long trời lở đất” rất kinh hoàng, đầy bi thương, đầy máu lệ, đầy chết chóc, đầy tàn phá, đầy “lừa dối cuồng điên” … Đã nhiều lần dự hội nghị về Cải cách Ruộng đất, được nghe “Bác Hồ vĩ đại” và “Anh Cả Trường Chinh” huấn thị về “Cải cách Ruộng đất”, “Chỉnh đốn Tổ chức”, về “phóng tay phát động quần chúng”… Đã từng chứng kiến nhiều cuộc đấu “địa chủ cường hào ác bá” ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Đông. Cũng đã từng đi làm nửa đợt “cải cách” ở Thái Bình, giữa chừng thì Thành uỷ xin về Hà Nội để nhận trách nhiệm lãnh đạo công tác “sửa sai cải cách” ở Ngoại Thành Hà Nội. Cải cách Ruộng đất quả là một cú đẩy mạnh làm người viết thức tỉnh, đánh giá lại Đảng Cộng Sản và các “lãnh tụ” của Đảng, cũng như nhìn lại con đường mình đã đi… Đó là khởi đầu cho một quá trình đấu tranh, dằn vặt, đau đớn để có được một nhãn quan mới, tư duy mới, cuối cùng dẫn đến việc rời bỏ Đảng Cộng Sản. Chính vì thế, người viết biết rõ nỗi đau khổ của bà con nông dân, vô cùng thông cảm với các nạn nhân của Cải cách Ruộng đất và nóng lòng mong mỏi được thấy những tác phẩm văn học nghệ thuật chân thật mô tả về sự kiện lịch sử đau thương này.

Thế rồi, hồi năm 1996, tôi đặc biệt cảm động khi lần đầu tiên được cầm trong tay tập copy bản thảo tiểu thuyết “Ba Người Khác” của Tô Hoài. Tôi thầm cảm ơn nhà văn Tô Hoài đã giáng một đòn mạnh vào cái tabou kỳ quái của Đảng để hé ra cho độc giả biết được phần nào sự thật về Cải cách Ruộng đất. Ông là nhà văn lão thành có tên tuổi ở nước ta nên cái gương sáng của ông sẽ cổ vũ nhiều người khác noi theo.

Đọc xong, tôi đưa “Ba Người Khác” cho một ông bạn già xem. Ông ta đọc kỹ lắm rồi gặp tôi, ông bực bội phán: “Viết về Cải cách Ruộng đất mà Tô Hoài chỉ kể về ba thằng Đội ba lăng nhăng ấy thì không được! Phải nói đến “Ba Người Khác” cơ!” Tôi hỏi lại: “Là ai?” Ông đáp: “Ai nữa? Là Bác Hồ vĩ đại, Bác Mao cũng vĩ đại và Cụ Xít càng vĩ đại! Chính ba ông đầu nậu ấy đã bày ra cái chuyện “cải cách” ở nước ta”. Tôi nói: “Anh nói cũng đúng thôi! Không có Cụ Hồ và Đảng Cộng Sản, và Cụ Hồ không đi xin “chỉ thị” Cụ Xít, không xin phép Cụ Mao cho rước đoàn cố vấn Tàu sang thì chẳng có chuyện “cải cách” khủng khiếp này”. Anh ta hăng lên: “Đó là nói hàng trên. Còn dưới một bậc thì “Ba Người Khác” là “Anh Thận” (Trường Chinh), sau đổi là Năm để nhún nhường đứng sau Ba Duẩn, rồi đến thằng cha Hồ Viết Thắng và “Anh Lành” (Tố Hữu) “nhưng dạ chẳng lành” (7). Tôi hỏi: “Tố Hữu thì có liên quan gì đến? Lão ta không có chân trong Uỷ ban Cải cách Ruộng đất Trung ương mà”. Anh ta đáp:  “Thế anh không biết à, y là kẻ “gác cổng” tư tưởng của Đảng ta. Y phụ trách công tác tuyên truyền cho chiến dịch “cải cách” đấy. Chính y đã đánh tơi bời Trần Bá Xá chỉ vì cái truyện ngắn chân thật “Anh Cò Lấm” đăng trên tạp chí “Tổ Quốc” hồi tháng 1 năm 1956, y buộc cho tác giả những tội “chết người”, như có tư tưởng phản động của giai cấp địa chủ, chống phá chính sách Cải cách Ruộng đất! Ban biên tập “Tổ Quốc” cũng điêu đứng vì y. Rồi đến khi Hà Minh Tuân cho ra cuốn “Vào Đời” có đụng chi mấy đến chuyện “cải cách” đâu mà y và lão (Nguyễn Chí) Thanh xúm vào đánh cho tơi bời, kỷ luật tùm lum. Cũng chính y đã tung ra những câu thơ sặc mùi đao phủ để kích thêm đầu óc hiếu sát của các Đội cải cách. Anh còn nhớ không?” Rồi anh ta đọc vanh vách:

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế (8) mau xong,
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt”…

Chuyện phiếm đàm của hai ông bạn già chúng tôi còn dài. Nhưng, nói chuyện nghiêm chỉnh thì phải công nhận là Tô Hoài đã bất chấp tabou, đề cập đến một đề tài “rất nhạy cảm”, và với văn tài của mình ông đã tạo nên một cuốn tiểu thuyết khá hấp dẫn. Ông đã vẽ lên rất rõ nét hình ảnh ba “anh Đội” cải cách –  đội trưởng Cự, đội phó Bối kiêm chánh án và một cán bộ Đội tên Đình. Cả ba gã này mỗi tên một vẻ nhưng đều có tính lưu manh, đều hám quyền lực, đều dối trá, ham gái, dâm đãng và không gờm tay trước tội ác. Tác giả đã mô tả rất “ấn tượng” những cảnh hoang dâm, quần dâm của ba “anh Đội” với các cô “rễ chuỗi” bần cố, với các nàng dân quân… tạo nên một cảm giác tởm lợm của người đọc đối với mấy tên này. Tuy nhiên, người đọc tinh ý thấy rõ rằng Tô Hoài dù đã đụng đến đề tài Cải cách Ruộng đất nhưng lại tránh né, không dám phơi bày thực chất và nguồn cơn tấn thảm kịch của Dân Tộc đã diễn ra trong lịch sử. Độc giả chờ đợi rất nhiều ở một nhà văn có tầm cỡ như Tô Hoài, nhà văn đã từng tham gia hai đợt Cải cách Ruộng đất, làm đội phó lại kiêm chánh án Đội cải cách, họ hy vọng được thấy từ ngòi bút của ông hiện lên một bức tranh toàn cảnh đồ sộ, chân thật về cuộc đảo lộn  khủng khiếp này. Nhưng, đọc xong “Ba Người Khác”, độc giả vẫn chưa thấy được toàn bộ sự thật, “sự thật trần truồng” không che đậy. Người đọc bàng hoàng nghĩ rằng lẽ nào chỉ vì ba cái thằng khốn nạn này mà mọi sự trong xã hội dưới thời “dân chủ cộng hoà” lại đảo lộn tùng phèo đến như thế ư? Thế thì ai cho chúng nó cái quyền “nhất Đội nhì Trời” để chúng nó tác oai tác quái làm những chuyện “long trời lở đất” như vậy? Ai đã vạch đường chỉ lối cho chúng, ai đã “phóng tay” cho chúng làm “cách mạng long trời lở đất”, làm loạn xị cả một vùng nông thôn như vậy? Ai đã đã kích động chúng “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ” để cho chúng thẳng tay tàn sát dân lành không chút xót thương? Ai? Ai??  Nhiều người cho rằng Tô Hoài là đảng viên cộng sản, một cán bộ quan trọng của Đảng trong lĩnh vực văn học, một nhà văn-con cưng của chế độ, ông muốn sống “tròn” với Đảng nên dù có đề cập đến Cải cách Ruộng đất, nhưng ông đã hết sức gượng nhẹ, cố lái câu chuyện sang một hướng khác. Đoạn kết của tiểu thuyết, tác giả “cho” Đội trưởng Cự chạy vào Nam đầu hàng địch và bị “quân ta” giết… thì càng làm cho người đọc lạc hướng hơn nữa, dường như “Mỹ Nguỵ” có dính líu gì đến những chuyện xấu xa, những điều man rợ, những đảo lộn xã hội khủng khiếp hồi Cải cách Ruộng đất. Cố nhiên, cách kết cấu cốt truyện, hư cấu tình tiết là quyền của tác giả, nhưng độc giả có quyền đòi hỏi tác giả phải làm sáng tỏ sự thật của những tội ác tày trời.

Cuốn “Nước Mắt Một Thời” của Nguyễn Khoa Đăng và cuốn “Thời Của Thánh Thần” của Hoàng Minh Tường tôi cũng được đọc khá sớm bản photocopy từ trong nước gửi ra. Sau đó ít lâu, một người bạn thân trong nước gửi cho cuốn “Thời Của Thánh Thần” còn thơm mùi mực. Đó là một trong những cuốn may mắn “lọt lưới” thu hồi của nhà nước!
Điều đáng nêu lên ở đây là cả hai nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và Hoàng Minh Tường đều rất can đảm “xông xáo” vào đề tài cấm  kỵ này. Họ không ngần ngại mô tả rõ nét thảm cảnh kinh hoàng của nông thôn trong thời kỳ “cải cách”. Tuy nhiên, độc giả vẫn cảm thấy đôi chỗ còn gượng nhẹ, tránh né, dè dặt, mà đó  là điều dễ hiểu, vì các tác giả đang sống dưới chế độ cực quyền khắc nghiệt, lưỡi gươm “chuyên chính” luôn luôn lơ lửng trên đầu… Hơn nữa, những ai đã từng sống trong thời kỳ “cách mạng long trời lở đất” cũng dễ nhận thấy là hai tác giả chủ yếu chỉ được nghe kể lại những cảnh khủng khiếp thời “cải cách” chứ chưa thật sự sống trong đó, nên có những chỗ phản ánh không thật sát thực tế, dùng lời ăn tiếng nói không phải thuộc về thời ấy. Riêng Hoàng Minh Tường còn đi xa hơn thời “cải cách”, ông đã mở rộng khung cảnh xã hội ra cả giai đoạn sau này, muốn giúp độc giả thấy rõ tính liên tục của cả một thời đại lịch sử. Đó là một ý định rất tốt, nhưng vì mở rộng quá nên phần sau của tiểu thuyết “Thời Của Thánh Thần” hơi bị loãng.

Còn tiểu thuyết sắp ra mắt người đọc nay mai, cuốn “Ngày Long Trời Đêm Lở Đất” của Trần Thế Nhân mà tôi vừa được xem bản thảo mới từ trong nước “vượt biên” ra ngoài thì chủ yếu tập trung phản ánh cuộc Cải cách Ruộng đất ở một vùng thuộc tỉnh Thanh Hoá. Nhưng qua những màn “cải cách”, qua chuyện kể của các nhân vật, đôi lúc tác giả cũng nhẹ nhàng đụng đến những chuyện về sau, chuyện “hậu cải cách”.

Tác giả là một người đã sống trong cuộc, cảm nhận sâu sắc nỗi đau của nhân dân và dũng cảm phơi bày sự thật kinh hoàng trên những trang viết. Tôi vốn là “dân” Khu Bốn (9), có dịp qua lại, quen biết vùng được mô tả trong truyện, biết rõ các “vị” mà dân địa phương coi là “hung thần cải cách”, như Hồ Viết Thắng, Đặng Thí, Chu Văn Biên… Ngay cả vài nạn nhân trong truyện tôi cũng đã từng nghe tên, vì tác giả giữ tên thật. Còn một số nhân vật khác tôi hơi ngờ ngợ là mình đã nghe đâu đấy, có lẽ vì lý do tế nhị nào đó tác giả đã đổi tên chút ít chăng. Cho nên tôi rất xúc động khi đọc những trang viết đượm đầy nước mắt trong “Ngày Long Trời Đêm Lở Đất”.  Tôi có thể khẳng định rằng cuốn tiểu thuyết  này của nhà văn Trần Thế Nhân đã dựa trên “người thật việc thật” mô tả sự kiện kinh hoàng đúng như nó đã diễn ra, không chút dè dặt, e ngại, không chút gượng nhẹ. Có thể  độc giả trẻ tuổi ngày nay khi đọc nhiều cảnh tượng hết sức lạ lùng, kỳ dị, quái đản, rùng rợn quá sức tưởng tượng, thì không thể nào hiểu nổi làm sao trong cuộc sống đã có thể diễn ra những  điều như thế được, đâm ra nghi ngờ tính chân thật của truyện. Nhưng, than ôi, những chuyện quái đản như thế hồi đó thật sự đã diễn ra và diễn ra ở nhiều nơi!

Cố nhiên, đã là tiểu thuyết thì tác giả phải hư cấu. Điều hư cấu nổi bật nhất là Trần Thế Nhân đã dùng “những người âm” của thế giới Bên Ấy để kể chuyện thật, rất thật của thế giới Bên Này. Tác giả dùng lối hư cấu đó vì… “Chết thật rồi/ mới dám nói/ Và Nói Thật!” (Khúc Dạo Đầu). Lối hư cấu này gần với tín ngưỡng dân gian, gần với đạo Phật, dễ được đại chúng chấp nhận. Có lẽ lối hư cấu này cũng không xa khoa học lắm khi gần đây các nhà vật lý học hiện đại đã phát hiện ra “vật chất đen”… Nhưng, điều quan trọng đáng nói là tác giả sử dụng lối hư cấu này thật nhuần nhuyễn đến mức người đọc thấy mọi sự kiện, mọi tình tiết trôi chảy rất tự nhiên, và câu chuyện rất đau thương lại cuốn hút mạnh tâm trí người đọc từ đầu đến cuối sách. Chính nhờ lối hư cấu này tác giả đã mô tả được rất chân thật nội tâm các nạn nhân của những “Ngày Long Trời Đêm Lở Đất” nửa thế kỷ trước. Trong một lá thư gửi bạn, tác giả tâm sự: khi viết tiểu thuyết này, tác giả có cảm giác rất thật rằng mọi lời nói, mọi sự kiện… trong tác phẩm là do chính người âm đồng hành, nhập vào tác giả mà kể lại.

Đọc “Ngày Long Trời Đêm Lở Đất”, tôi cảm nhận rằng Trần Thế Nhân đã thực hiện đúng thiên chức cao quý của người cầm bút để không tự nhốt mình trong cái “chuồng văn” tù túng, ngột ngạt với đủ loại ý thức hệ Mác-Lê, đảng tính, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa… vớ vẩn, nhảm nhí, không tự ép mình phải đi theo “lề phải” của kẻ cầm quyền, ông mới có thể sáng tạo nên một thiên tiểu thuyết  – nói theo từ ngữ thời thượng trong nước – sáng giá như vậy. Sáng giá cả về tính chân thật, cả về mặt văn chương.

Bút pháp của tác giả bình dị mà táo bạo, trầm tĩnh, nhẹ nhàng mà da diết, xoáy sâu vào lòng người đọc. Lối viết hình ảnh, bóng bẩy, ẩn dụ đôi khi xen vào những triết lý sâu xa. Giọng văn hóm hỉnh, châm biếm, hài hước, trào lộng gây hứng thú dù bức tranh toàn cảnh thật vô cùng ảm đạm.

Có những câu nói thật thà, thơ ngây của nhân vật lại rất thâm thuý, nêu lên được thực chất của những vấn đề lớn. Chẳng hạn, câu nói mộc mạc của Thuỳ Dương, một nhân vật nữ: “Ông chồng yêu quý của em có lần bảo Bác Mao viết kịch bản. Nhà Hát tuồng Thiên An Môn diễn trước, rồi đưa sang Ba Đình Hà Nội… Ta cứ thế mà làm theo Tàu…”. Suy cho cùng, câu nói đó phản ánh sự thật nửa thế kỷ trước và cả sự thật ngày nay, và cả những gì rất đắng cay cho Đất Nước, cho Dân Tộc ta nằm đằng sau sự thật khốn nạn đó nữa! Đúng thế, như chúng ta đều biết, chính sự thần phục, quỵ luỵ đớn hèn và sự lệ thuộc nhục nhã của kẻ cầm quyền cộng sản đối với “Thiên triều Đỏ” nửa thế kỷ trước và cả ngày nay đã gây cho Đất Nước ta biết bao tai ách, kể cả việc mất đất, mất biển, và hiện đang đặt Dân Tộc ta trước hiểm hoạ mất nước rành rành!!

Cái nhìn của tác giả đối với nông dân trong truyện rất công bằng: trong khi mô tả những “rễ chuỗi” gọi là “bần cố” có tính lưu manh, tham lam, độc ác, vô ơn vô nghì, gieo oan giá hoạ cho người ngay, ông lại đưa lên hình ảnh những người nông dân hiền lành bị Đội ép buộc phải miễn cưỡng “tố điêu” ở “đấu trường” theo lời mớm của Đội, nhưng sau lưng Đội họ vẫn lén lút, thầm lặng giúp đỡ cho người bị oan. Hồi đó mà dám làm như vậy thì thật là liều lĩnh, nhưng lương tâm thôi thúc họ phải hành động theo tính người, theo tình người, bất chấp hiểm nguy.

Khác với mấy cuốn tiểu thuyết viết về Cải cách Ruộng đất mà nhiều người đã biết, như “Ba Người Khác” của Tô Hoài, “Nước Mắt Một Thời” của Nguyễn Khoa Đăng, “Thời Của Thánh Thần” của Hoàng Minh Tường, cuốn “Ngày Long Trời Đêm Lở Đất” của Trần Thế Nhân không chỉ phơi bày rất rõ nét những tội ác tày trời trong Cải cách Ruộng đất, mà còn  khéo léo vẽ lên bằng những đường nét ẩn dụ để người đọc tinh ý có thể liên tưởng nhận ra được bộ măt thật của những thủ phạm chính đã gây ra tội ác.

Nhà văn mở đầu thiên tiểu thuyết của mình bằng mấy chương kể lại câu chuyện bi thảm của nàng cung phi thời xưa. Nhưng chuyện xưa lại phảng phất bóng dáng một nàng “cung nữ” thời nay – thời “dân chủ cộng hoà” – cùng với “Đức Vua” và viên “Thượng Thư” đầy quyền lực cũng thời nay… Hoá ra, “khúc cung oán” thời nay lại ngậm ngùi, ai oán, bi thương, thê thảm hơn nhiều so với “Cung oán Ngâm Khúc” thời cụ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều! Lối mở đầu như vậy làm người đọc cảm thấy dường như tấn thảm kịch đầy máu lệ của một con người bé nhỏ, yếu ớt lại mở đầu cho cả một loạt thảm kịch triền miên của nhân dân…

Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong truyện tác giả đã nói rõ tuổi tác của “Đức Vua” «triều nhà Nguyễn»: «Năm ấy Người đã 66 xuân». Nếu lấy năm 1955 là năm xảy ra cuộc Cải cách Ruộng đất ở huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hoá để tính, thì năm sinh của “Đức Vua” thời nay nhằm đúng vào năm 1890. Một chi tiết khác –  «Sáu năm trước, Triều đình đã xử chém ngang lưng một viên quan tổng kho. Dẫu y là công thần, đã từng theo gót chân Thiên Tử xông pha nơi lam chướng ngàn trùng, vào ra trong máu lửa, tên khuyển nho đầy tớ hoang dâm vô độ này đã biển thủ công quỹ và xài phí tài sản vương quốc để cung phụng tiệc cưới xa hoa của hắn….»  –  hoàn toàn ăn khớp với sự kiện ngày 5 tháng 9 năm 1950, viên Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục quân nhu của Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bị xử tử theo lệnh của “Đức Vua”, vì tên này đã phạm tội tham ô lãng phí, lấy của công để tổ chức đám cưới xa hoa của y. Vụ án này xảy ra đúng sáu năm trước cuộc Cải cách Ruộng đất ở Thanh Hoá hồi năm 1955 mà tác giả đã mô tả.

Giọng lưỡi của “Đức Vua” «triều nhà Nguyễn» nói về mình với nàng cung nữ  – “Lòng Trẫm nặng một nỗi thương đau. Khanh có biết chăng? Trẫm thương những con dân cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, bầy trẻ lớn lên chưa được cắp sách tới trường… Đất nước ngàn năm loạn lạc chinh chiến; may Trời cho còn lại được ít ngày thái bình yên vui… Vậy mà nay ngoại bang quay trở lại xâm chiếm, cắt chia. Chiến tranh lại tiếp nối chiến tranh. Nghe tiếng suối khóc, lắng tiếng gió than, lòng Trẫm càng não nề xót xa. Trăng càng sáng, nước non xinh đẹp càng tang thương, lòng Trẫm càng nặng nỗi lo cho dân, chua xót niềm đau cho xứ sở. Trẫm làm sao nhắm mắt ngủ yên?…”  –  sao mà giông giống giọng văn trong «Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động … » của… Trần Dân Tiên đến thế!

Đó là vài chi tiết về “Đức Vua”. Còn về nàng cung nữ thời xưa thì những nét chấm phá rất nhỏ, như «cái áo màu xanh chàm kiểu bà ba không có túi, cái váy dệt thổ cẩm dài sát đất», «vẻ đẹp sơn dã thâm u», «giọng nói của đàn bà phương Bắc»…  làm người đọc dễ nhận ra đây chính là cô thôn nữ miền núi, một đoá hoa rừng Việt Bắc, thậm chí người am hiểu có thể đoán được cả họ tên cô «cung nữ» bất hạnh thời nay. Ngay cả cái kết cục đầy bi thương của nàng trong truyện không thể không làm cho ta liên tưởng đến cái chết tức tưởi đầy oan nghiệt của người «cung nữ» thời «dân chủ cộng hoà» mà cô em của nàng đã kể lại cho người chồng chưa cưới của cô…

Người viết những dòng này cảm thấy dường như những chữ, những câu sau đây trong truyện cũng nhắm vào một hay những đối tượng cụ thể nào đó: … “Tội ác bọn Quỷ Thần vòi vọi/chồng chất đỉnh Muôn Năm!” …“Những cái gì trái phản với Tự Nhiên/dù bay có cố công vẽ tô xây đắp/thành đầu lâu Núi Tháp/rồi cũng có ngày rã tan đổ sập!/Chỉ cần nỗi oan khốc của một người đàn bà/ngây thơ chân thật/cũng đủ góp phần vào tiêu tan cả Ác Nghiệp/của một Quỷ Vương Chí Linh Chí Thánh Chí Thần!” (Khúc Dạo Đầu),… hay ….«Im lặng. Bỗng nhiên họ nghe tiếng ai đó vọng lên:

“Đời là sân khấu của những tấn bi hài kịch. Bốn ngàn năm lịch sử, cái người đóng kịch tài ba điệu nghệ nhất là ai các con có biết không? Nó kia kìa! Các con không thấy sao? Khi phải cười, nó cười; lúc cần khóc, nó khóc. Cứ y như thật. Và sân khấu ngập tràn máu, nước mắt. Nó là người, chỉ là người thôi. Vậy mà ma xui quỷ khiến thế nào, ai cũng coi nó là Chí Thần, Chí Thánh?… ”  (Chương 5)… hay lời của Thuỳ Dương nói với Mai Duy Vỹ: «Bác ơi! Hồi còn ở Bên Này, dẫu nhiều khi sống lăng nhăng bậy bạ, cháu vẫn ăn nói thật lòng không chút giả trá. Chị Uyên không am hiểu đời sống xã hội bằng cháu đâu. Cháu biết rõ, cái lũ tự phong ta đây là thần thánh, chẳng có đứa nào đáng được gọi là người, toàn một bọn chó má, quỷ sứ, đồ ba que xỏ lá cả!» (Chương 45).

Đặc biệt là tác giả đã dành cả chương 41 để mô tả cuộc hội ngộ kỳ lạ như trong giấc mơ của Mai Duy Vỹ,  người tử tù của cuộc Cải cách Ruộng đất, với «Hoàng Thượng ngự trên Ngai Rồng Đỏ».

«….-  Muôn tâu Bệ hạ!…
«  – Ta không phải là Vua, chẳng phải Tổng Thống…
«  – Ta là Đấng Chí Tôn, Chí Linh, Chí Thánh, Chí Thần, Chí…   (Đức Vua kịp dừng lại, suýt nữa thì Người nói thêm một chữ có thể làm lộ mình ra – người viết ghi thêm).
« – Ta đây! Ta là người nô bộc trung thành của muôn dân. Hãy nghe và trả lời những câu hỏi của ta!»

Và cuộc đối thoại bắt đầu giữa Mai Duy Vỹ, người tử tù, với «Đấng Chí Tôn». Sau khi buộc tội cho Mai Duy Vỹ «Mi là thằng địa chủ phản động, bán nước hại dân… » và bị người tử tù này  khéo léo, lễ phép phản bác lại, cuối cùng «Đấng Chí Tôn» đuối lý đã phải nói:

«…- Ta biết anh vô tội, lòng anh trong trắng. Nhưng… ta không thể cứu anh được. Mà cho dù ta có muốn cứu anh, ban lệnh xuống thì đã chắc gì quần chúng nhân dân người ta nghe cho? Cải cở thủ ti – Cải cách Ruộng đất là cuộc Cách mạng lớn nhất trong lịch sử đấu tranh giai cấp của dân tộc, mang tầm cỡ nhân loại… Trong cơn trời long đất lở này, sóng thần Cách mạng đang ào ào dâng cao, cuộn tới, bánh xe lịch sử đang lăn đi… Ai người bị cuốn trôi, nghiến nát âu cũng là lẽ thường tình. Miễn sao Cách mạng Thế giới đạt được thắng lợi cuối cùng! (Chữ đậm do người viết nhấn mạnh).

Có một người phụ nữ lòng dạ còn trong trắng tốt đẹp hơn anh, còn đáng thương, đáng quý hơn anh ở cách đây không xa lắm… Một người đàn bà! Ta đau lòng nhắc lại: Một người đàn bà! (Ý nói bà Nguyễn Thị Năm chăng ?! – người viết ghi thêm) Anh đã nghe rõ chưa? Vậy mà ta cũng không cứu được! Mong anh thông cảm cho ta… »

Nói xong, «Đấng Chí Tôn vụt biến. Trong mây mù còn vọng lại tiếng sấm rền xa xa.

- Ta… không… thể… cứu anh được!»….

Đoạn trích trên đây nêu bật ý đồ sâu xa của Đảng Cộng sản khi làm Cải cách Ruộng đất không phải để cho «người cày có ruộng» mà chính là để chủ nghĩa cộng sản thắng lợi trên toàn Thế giới, đồng thời nó vạch trần cái nhẫn tâm, lòng tàn ác cũng như sự dối trá của các «lãnh tụ» cộng sản.

Có thể nói, trong văn chương đương đại thật là hiếm thấy ở các văn nghệ sĩ trong nước ta cái thái độ dũng cảm, thẳng thắn phê phán như vậy đối với kẻ cầm quyền toàn trị.

*

Xin nói thêm rằng, trong thư gửi bạn, tác giả cho biết cuốn tiểu thuyết “Ngày Long Trời Đêm Lở Đất” đã được hình thành cách đây10 năm, được tác giả chỉnh sửa nhiều lần, nay coi như đã xong. Vì lường trước được rằng khó có một nhà xuất bản nào ở Việt Nam nhận in tác phẩm này mà không phải gánh chịu những rủi ro, nên tác giả đã có ý định “bỏ tủ khoá lại”. Nhưng, sau khi vượt qua nỗi sợ chính mình, lại gặp được “thiện duyên”, tác giả đã quyết định cho “đứa con tinh thần” của mình xuất ngoại tìm đường tự do để kể lại cho đồng bào trong và ngoài nước, cũng như cho toàn Nhân Loại biết những chuyện hãi hùng, khủng khiếp khôn cùng, những đau thương, khổ nhục ê chề nơi Địa Ngục trần gian mà người dân Việt Nam đã và đang chịu đựng.

Cũng có thể ai đó nghĩ rằng chuyện Cải cách Ruộng đất xảy ra đã hơn nửa thế kỷ rồi, kể lại làm chi cho thêm đau lòng, nên quên đi  thì hơn. Còn tập đoàn cộng sản cầm quyền đương thời thì luôn miệng hô hào nhân dân “quên quá khứ, hướng tới tương lại”. Đó là một thủ đoạn bịp bợm, một chính sách ngu dân thực thụ của kẻ cầm quyền xảo quyệt. Vì một dân tộc quên quá khứ thì không bao giờ  có tương lai tốt đẹp cả!

Vả lại, quên làm sao được khi nỗi oan khốc của hàng triệu con người không hề được giải toả, nó ngấm sâu vào tiềm thức của Dân Tộc đã trên nửa thế kỷ rồi? Quên làm sao được khi những thủ phạm chính gây ra tội ác không bị đưa ra ánh sáng, khi cái Đảng gây ra tội ác không bị vạch trần, và Đảng ấy lại không hề sám hối và thề sẽ không tái phạm nữa? Quên làm sao được khi ngày nay giữa thanh thiên bạch nhật tập đoàn cộng sản cầm quyền vẫn  ngang nhiên tiếp tục dùng những thủ đoạn tàn bạo thời Cải cách Ruộng đất để đối xử với nhân dân? Những vụ cướp đoạt ruộng đất, nhà cửa trắng trợn, những cuộc “đấu tố” các nhà dân chủ ở phường, ở làng, những cuộc “làm việc”  của công an với tính cách sách nhiễu, nhục mạ, hành hạ đối với các nhà trí thức dân chủ bất đồng chính kiến, việc sử dụng bọn cặn bã xã hội, bọn “xã hội đen”, giống như “rẽ chuỗi” hồi “cải cách”, để cùng với công an “nhân dân” đánh đập dã man các nhà tu hành, các giáo dân, Phật tử, tín đồ Hoà Hảo, Tin Lành, Cao Đài, phá chùa, phá nhà thờ, đập nát Thánh giá, xúc phạm tượng thờ, bao vây suốt ngày đêm nhà cửa các chiến sĩ dân chủ không cho họ đi lại làm ăn, bao vây kinh tế không cho họ sinh sống  bình thường, ném đồ dơ bẩn thối tha vào nhà người dân… tất cả những chiêu thức độc ác, đê tiện đó có khác chi thời Cải cách Ruộng đất? Thậm chí, lối xét xử của các toà án “nhân dân” ngày nay đối với các chiến sĩ dân chủ, đối với thanh niên, trí thức yêu nước dám lên tiếng bảo vệ chủ  quyền của Tổ Quốc thì có khác chi lối xét xử của các toà án “nhân dân đặc biệt” đối với các người bị quy là “địa chủ, cường hào” hồi “cải cách”? Vẫn cái lối buộc tội vu khống, oan uổng, vẫn cái cách xử độc đoán, độc tài của “quan” toà, cố tình trấn áp không cho bị cáo được nói, thậm chí công nhiên bịt miệng bị cáo trước toà, cái lối xử mà bắt bị cáo chỉ được phép cúi đầu nhận tội, không cho tranh cãi, còn ai dám phản bác cáo trạng thì “quan” toà hèn hạ trả thù bằng cách tăng mức án thêm nhiều năm tù! Chính vì thế chúng ta không có quyền quên, mà phải nhớ, nhớ mãi cái bài học đắng cay của thời Cải cách Ruộng đất đã qua. Nhớ không phải để trả thù ai mà để cho chính mình bớt ngu dại, bớt ngây thơ, để khôn thêm, cảnh giác hơn, dũng cảm hơn và để không còn bị đánh lừa, không còn bị đè đầu cưỡi cổ nữa.

Tiểu thuyết “Ngày Long Trời Đêm Lở Đất” chắc sẽ giúp cho những ai đọc nó sẽ không quên mà nhớ mãi những ngày đen tối, khủng khiếp của thời qua để tăng thêm nghị lực và quyết tâm đấu tranh cho một tương lai tươi sáng hơn, không còn bóng dáng những kẻ nhân danh chủ thuyết này, chủ nghĩa nọ, tư tưởng kia để đè nén, áp chế, hành hạ, thậm chí giết hại dân lành.

Có thể coi cuốn tiểu thuyết này là một đài tưởng niệm không gì phá vỡ nổi, một nén tâm hương thơm ngát của tác giả Trần Thế Nhân thắp cho vong linh các nạn nhân của chế độ cộng sản cực quyền toàn trị ở nước ta! Đài tưởng niệm và nén tâm hương đó làm ấm lòng người Bến Ấy cũng như Bên Này!

Moskva, ngày 23 tháng 1 năm 2010,
nhân dịp kỷ niệm Ngàn Năm Thăng Long
Viết thêm vài đoạn ngày 31 tháng 5 năm 2010.

——————————————————————————

Ghi chú:
1/ Tại kỳ họp thứ ba của Quốc Hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà khoá 1 (tháng 12 năm 1953), để thông qua Luật Cải cách Ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc khẳng định một lần nữa khẩu hiệu “người cày có ruộng” và tính chí nhân, chí nghĩa, hợp lí hợp tình của cuộc Cải cách Ruộng đất. Ông nói: “Luật cải cách ruộng đất của ta chí nhân, chí nghĩa, hợp lí hợp tình, chẳng những là làm cho cố nông, bần nông, trung nông ở dưới có ruộng cày, nhưng đồng thời chiếu cố đồng bào phú nông, đồng thời chiếu cố đồng bào địa chủ” (nguyên văn). Ngày nay, mọi người đều thấy rõ lời nói của “lãnh tụ” cộng sản kiêm Chủ tịch Nước khác nhau một trời một vực so với thực tế và việc làm của những người cộng sản! Thật đúng là “nói dzậy mà không phải dzậy”!

2/ Hồi đó, nông dân chiếm đến trên 90 phần trăm dân số của nước ta.

3/ Trong báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Quốc Hội đã nói rõ địa chủ chỉ có 5% dân số mà chiếm phần lớn ruộng đất ở nông thôn. Vì thế, trong Cải cách Ruộng đất, Đảng chính thức quy định tỷ lệ địa chủ trong dân số nông thôn là 5%. Tỷ lệ 5% đó dựa trên cơ sở nào không ai biết, vì hồi đó không hề có một cuộc điều tra nào về tình hình kinh tế, xã hội và ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam. Nhiều nhà phân tích cho rằng đó là nhận định chủ quan của các “lãnh tụ” cộng sản theo kiểu volontarisme (duy ý chí). Cái tỷ lệ 5% này đã gây ra biết bao oan khốc cho người dân, vì các Đội Cải cách phải cố sức “đôn” nhiều người lên “thành phần địa chủ” cho đủ số tỷ lệ!

4/ Số liệu này trích từ bộ “Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945-2000” gồm 3 tập, do Viện Kinh tế Việt Nam xuất bản tại Hà Nội – xem tập 2.

5/ Theo báo cáo Cục quản lý Lao động nước ngoài của Việt Nam, năm 2008 có trên 500 ngàn người Việt đang lao động tại hơn 30 nước trên thế giới. Từ năm 2005, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mã Lai bắt đầu nhận người Việt “xuất khẩu lao động”. Báo cáo còn cho biết trong vài năm tới, số lao động “xuất khẩu” có thể sẽ tăng lên đến một triệu.

6/ Theo tài liệu năm 2008 từ Văn phòng Kinh tế Văn hoá Đài Bắc tại Việt Nam, có khoảng 770 ngàn cô gái Việt Nam sang Đài Loan “làm… dâu”! Đáng chú ý là trong số đó, phụ nữ miền Tây Nam Bộ (vốn là vùng có cuộc sống trước năm 1975 tương đối sung túc) bị bán qua Đài Loan chiếm tỷ lệ cao nhất so với các tỉnh thành trong nước. Báo chí ở một vài nước sở tại cho biết nhiều  cô bị đánh đập, bị bỏ đói, bị buộc phục vụ sinh lý cho cả gia đình hoặc bị bán cho các “động” mãi dâm. Một số cô không chịu được nhục nhã đã tự tử, hoặc phản ứng lại và bị đánh chết!

7/ “Anh Lành nhưng dạ chẳng lành” là một câu vè về Tố Hữu lưu truyền trong giới văn nghệ sĩ hồi ông ta còn sống, ám chỉ những vụ đàn áp tàn nhẫn trí thức, văn nghệ sĩ dưới thời ông.

8/ Ý nói thuế nông nghiệp là nguồn thu chính của chính quyền, được áp dụng hồi đó (từ năm 1951) ở nông thôn miền Bắc Việt Nam. Đây cũng là một cơn ác mộng nữa đối với nông dân, vì thuế đánh theo lối lũy tiến, nghĩa là thu hoạch được nhiều thì phải nộp thuế cao hơn gấp bội. Nếu không nộp đủ thuế thì người nông dân bị đày đoạ đủ cách, thậm chí bị bỏ tù. Và nếu không muốn bị ở tù thì nông dân đành phải mang trâu bò ra bán, hết trâu bò thì phải bán đến nữ trang, đồ vật trong nhà, thậm chí cả những đồ tế tự trên bàn thờ, v.v… để nộp thuế. Những cuộc “bình diện tích” và “bình sản lượng” nhằm tính số lượng thu hoạch để định mức thuế chủ ruộng phải nộp đều do các  đảng viên cộng sản mớm cho các cốt cán bần cố nông “phát giác” để tăng mức thuế lên và gán ép cho chủ ruộng nhắm “đánh” vào lớp người hữu sản ở nông thôn. Trong tác  phẩm “Chuyện Làng Ngày Ấy” (xuất bản năm 2006), nhà văn Võ Văn Trực đã mô tả rất rõ nét những cảnh cưỡng bức trắng trợn nông dân đóng thuế hồi đó.

9/ Liên khu Bốn hồi đó có sáu tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Ba tỉnh phía Nam vì hoàn cảnh bị chiếm, hợp thành Phân khu Bình Trị Thiên, ở trong Khu Bốn.

7 Phản hồi cho “Vài suy ngẫm khi đọc “Long trời lở đất” của Trần Thế Nhân”

  1. KENNY says:

    HAI THƯ CUẢ BÁC GỮI STALIN (ĐỂ XIN CHĨ THỊ )

    Trong cuốn “Ngay long trời , đêm lỡ đất ” cuả Trần Thế Nhân(hiện sống tai Hànội) mới xuất bàn , có hai copy Thư cuà Hồ Chí Minh gưĩ Stalin .Nhờ các bác nghiên cưú xem có phải đây là những công hàm ngoại giao cuả hai vị chủ tịch nuớc cao nhất nuớc không ?
    Nếu không, thì thì lời thư như “nhận đuợc chỉ thị cuả Đồng chí ” và ” Xin Đồng chí xem và cho chĩ thị. ” có nói lên cho toàn dân VN rằng ” Bác giành độc lập cho VN” và” giãi phóng dân tộc ” như Hànội viết lịch sử và tuyên truyền cho tới nay không ?
    Mời xem hai bức thư cuả Bác gữi cho Stalin :
    ” Nguồn : Cục lưu trữ quốc gia Nga :
    -Bức thư thứ nhất (p. 271):
    Đồng chí L.V. Stalin quí mến,
    Tôi đã bắt đầu soạn thảo dự thảo Cuơng lĩnh Ruộng đất (Caĩ cách Ruộng đất và Tập thể hoá Nông nghiệp) cuả Đãng Lao Động Việt nam, và sẽ trình với Đồng chí trong thời gian tới.
    Tôi xin gữi tới Đồng chí một số yêu cầu và hy vọng sẽ nhận đuợc chỉ thị cuã Đồng chí về những vấn đề sau đây :
    1. Cử một hai đồng chí liên sô tới Việtnam để tìm hiễu và nghiên cưú tình hình ở đó.Nếu các đồng chí d0ó biết tiếng Pháp thì có thể giao tiếp rộng với nhiều nguời. Từ Bắc kinh tới chỗ chúng
    tôi chĩ mất muời ngày.
    2. Chúng tôi muốn gữi tới Liên sô 50-100 học sinh có trình độ cấp 9 ở Việt Namtrong số đó có nguời là đãng viên có nguời chưa phải, trạc tuổi cuả họ từ 17 đến 22. Đồng hcí có đồng ý về
    việc này không ?.
    3. Chúng tôi muốn nhận đuợc từ phiá Đồng chí 10 tấn thuốc ký ninh hàng năm cho quân đội và dân thuờng, tức là năm tấn trong nưã năm.
    4. Chúng tôi cần những loại vũ khí sau đây :
    (a) pháo cao xạ 37 ly cho 4 trung đoàn, tất cã la 144 khẩu và 10 cơ sở đạn cho mỗi khẩu pháo.
    (b) pháo trận điạ 76,2 li cho 2 trung đoàn, tất cã 72 khẩu và 10 cơsở đạn cho mỗi khấu.
    Sau khi nhận đuợc chỉ thị cuả Đồng chí về những vấn đế trên đây, tôi dự định vào ngày 8 hoặc 9 tháng 11 sẽ rời khỏi Moskva .
    Xin gữi tới đồng chí lời chào cộng sãn và lời chúc tốt đẹp nhất!
    Hồ Chí Minh 30-10-1952 .Đã ký .

    -Bức thư thứ hai (p.272):
    Đồng chí I.V. Stalin qúi mến,
    Tôi xin gữi đến Đồng chí dự thảo Cuơng lĩnh Ruộng đất (1) cuả Đảng Lao Động Việt Nam.
    Dự thảo Cuơng lĩnh đó do tôi soạn thảo với sự giúp đỡ cuả Lyu Shao Shi (Lưu Thiếu Kỳ), Van Sha San.
    Xin Đồng chí xem và cho chĩ thị.
    Kính gữi tới đồng chí lời chào cộng sãn
    Hồ Chí Minh 31/10/1952 . Đã ký

  2. Danny Khanh says:

    Voi hon 3 trieu nguoi viet dang dinh cu o nuoc ngoai khong ly gi ma khong lam cho ra duoc mot cuon phim va long tieng Anh, Phap, Duc de show len cho the gioi biet duoc nhung toi ac giet nguoi qua man ro cua CSVN.

  3. Phạm vận Nước says:

    Làm một cuốn phim ” Ngày long trời lở đất ” thì người dân miền nam VN , thế giới tự do mới rõ được sự dã man , tàn bạo , ý nghĩa, mục đích của chính sách cải cách ruộng đất do hcm và đảng cs thực hiện

  4. nguoi dan says:

    that the tham, toi cung duoc nghe ke nhieu tu ba ngoai toi ve chuyen ong co^’ cua toi bi dau to den chet o nghe an, trao quyen luc vo tay cua 1 dam ban co nong ngu dot vo hoc mu quang…..

  5. DO NGHE says:

    Ca dao CCRD

    Doi ve em hay con trinh
    Doi di em da mat kinh lan
    Cung an cung o cung lam
    Dau hom dau to khuya nam voi em

  6. Buon cuoi says:

    Doc bai tho mang day ” ban chat dam mau cua cuoc cai cach ruong dat ” cua To-Huu.
    Chung ta phai noi da ga .
    Va ghe tom cho giong dieu ” liem dit ” cua To-Huu doi voi bao chua Mao va Stalin .
    Co le hien gio To-Huu dang lam tiep “cong cuoc cach mang ” voi Mao va Stalin o duoi 9 tang dia nguc .
    Co le Thuong-De da di vang …….

  7. Lão bá tánh says:

    CCRĐ 1953-1956.

    Muôn người chết thảm, mắt trợn trừng uất hận

    Độc lập rồi, sao trút giận xuống dân oan

    Chết chỉ vì vài mẫu ruộng, luống khoai lang

    Chết vì lời vu vơ, đảng phán đảng ban

    Chết vì lệnh thầy ngọai bang từ Nam hải

    Chết tức tưởi, đảng chẳng cần phân phải trái

    Giống Tiên Rồng, mà đành cam mãi thế sao

    Đứng vùng lên ! đánh lật nhào Cộng ác gian !

    Hỡi nhân dân Việt Nam !

    08-7-10
    Lão bá tánh

Leave a Reply to Lão bá tánh