OneVietnam.org: Một con đường kết hợp?
Lời tác giả: OneVietnam.org có phải là một hiện tượng không mà gần đây đã làm huyên náo bao nhiêu netizens: những người trẻ trên mạng lưới toàn cầu? Đối với những thế hệ đàn anh, những người có cái nhìn nghiêm trọng hơn về thời cuộc, họ sẽ nghĩ gì về OneVietnam: một phong trào bộc phát nhất thời rồi sẽ cháy rụi như lửa rơm hay sẽ tồn tại như một hướng đi phi chính trị bền vững?
________________
Chủ nhật 18 tháng Bảy, một buổi chiều đẹp, trời xanh nắng ấm, trên bến tàu 33 ở San Francisco, người viết và một số bạn bè nhộn nhịp theo chân trai thanh gái lịch đến dự buổi tiệc ra mắt của nhóm OneVietnam, tổ chức tại Butterfly Lounge, một nhà hàng sang trọng, nằm ngay trên Vịnh nước. Vừa hơn 6 giờ chiều mà tiệm ăn Butterfly đã đầy ắp khách, trên 200 người, phần lớn là thanh niên, thiếu nữ đến ăn mừng bạn bè, đồng đội tuổi trẻ của họ đã thành công trong nỗ lực nối tay nhau, đánh dấu một bước tiến tìm về cội nguồn dân tộc. Khách vừa bước vào cửa đã gặp ngay Isabelle Lai, một cô gái trẻ tay cầm Apple iPad check tên tuổi của họ trên màn hình, điều này chứng minh ngay “xu hướng tân kỳ và hiện đại” của nhóm OneVietnam. Khách được mời tham dự miễn phí qua mạng lưới điện tử nhưng số khách đến quá đông, ngoài dự tính nên hai đồng sáng lập viên, Nguyễn Uyên và James Huy Bảo nhiều lúc phải tới lui để giải quyết cho vấn đề ghi danh.
Trong số quan khách có nhiều khuôn mặt quen thuộc của các tổ chức thiện nguyện như East Meets West, VN Help, Give to Asia, và đương nhiên không thể không nhắc đến Ford Foundation, một quỹ phi chính phủ có nhiều đóng góp lớn cho xã hội; chúng tôi cũng ghi nhận sự có mặt của ông Charles Bailey, một giám đốc của Quỹ Ford, người đã khởi xướng chương trình Vietnam Reporting Project nhằm giúp tìm giải pháp cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam, chính ông cũng là đại diện chính thức và lâu năm đầu tiên của Ford Foundation ở Việt Nam, một cơ quan tư nhân đã đóng góp bạc triệu (Mỹ kim) cho nhiều chương trình xã hội và y tế ở Việt Nam, và trong vòng 10 năm liên tục (1997-2007) đã đặt trụ sở tại Hà Nội. Điều đáng nói, OneVietnam có lẽ cũng là nhóm thanh niên Việt Nam đầu tiên không phải là một tổ chức thiện nguyện thuần túy đã được Quỹ Ford tài trợ. Hôm Chủ nhật ông Bailey đã thay đổi chuyến bay từ Việt Nam về New York để ghé San Francisco đến chào mừng OneVietnam.
OneVietnam là ai mà đã tạo nên một phong trào hào hứng, thu hút được nhiều giới trẻ, lây lan và ồ ạt như thế?
Khoảng hơn nửa năm trước, tôi được một bạn trẻ giới thiệu nhóm One Vietnam, sau đó một thời gian họ xuất hiện trên Facebook, lúc đó tôi nhận thấy cái tên One Vietnam hay hay, với phương châm “connect Vietnamese the world over” (kết nối người Việt Nam khắp nơi trên thế giới), hay “OneVietnam.org – A global network for the Vetnamese community”. Tò mò, tôi định bụng sẽ tìm hiểu thêm về nhóm này.
Họ là những người trẻ dưới 30, trung bình ở lứa tuổi từ 20 đến 25, là những cựu sinh viên, các chuyên gia với những ngành kỹ thuật và khả năng chuyên môn, tốt nghiệp ở các đại học lớn và uy tín của Mỹ như Berkeley, Stanford, Harvard, Yale v.v… trong đó cựu sinh viên Berkeley ưu tú là đông hơn cả. Trước buổi tiệc ra mắt, một trong những cơ hội tìm hiểu xem họ là ai đã đến với tôi qua chương trình truyền hình trẻ SBTN “Heart to Heart”, do cô Kristine Sa điều hành. Ba gương mặt Việt Nam trẻ và khả ái xuất hiện, đối đáp với nhau bằng tiếng Việt xen lẫn tiếng Anh một cách tự nhiên và thành thật. Sắc nét nhất là hai nhân vật chủ đề của cuộc phỏng vấn: Nguyễn Uyên và James Huy Bảo, đồng sáng lập viên của OneVietnam, một cặp trai tài gái sắc, trong sáng và dễ thương. Họ nói chuyện hồn nhiên, lưu loát và nhịp nhàng, thay nhau trả lời những câu hỏi của cô Kristine Sa một cách từ tốn.
Hơn ba tuần sau, sau vài ba cơ hội gặp gỡ và chuyện trò với hai sáng lập viên này, tôi xin ghi lại đây câu chuyện và cảm nhận của mình. (Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng Anh ngữ vì Uyên và Huy trả lời tiếng Anh lưu loát hơn tiếng Việt.)
Thái Anh: Trước tiên xin chúc mừng hai bạn và OneVietnam đã thành công trong buổi tiệc ra mắt. Nghe giọng Huy hơi mệt, hình như bị thiếu ngủ phải không? Có phải Huy thức khuya vì có quá nhiều người hưởng ứng tham gia đối đáp trên trang nhà không? Như vậy trung bình một ngày Huy và các bạn trong nhóm ngủ được mấy tiếng?
Huy: Dạ cám ơn anh… (cười) tối hôm kia em thức đến 5 giờ sáng, hôm qua 3 giờ sáng. Từ hôm đó đến nay vì công việc tới tấp phải trực máy chủ (server) liên tục nên đòi hỏi tụi này phải thức khuya. Càng ngày càng có nhiều người vào mạng…
Thái Anh: Tôi phục và mừng cho tinh thần làm việc đầy cảm hứng và phấn khởi của các bạn, vẫn biết sinh khí và sức lực tuổi trẻ rất cao, nhưng cũng phải ngủ cho lại sức chứ (cười to)… các bạn có thể cho biết từ hôm ra mắt đến nay, con số người vào mạng là bao nhiêu không?
Huy: Dạ chỉ trong vòng 5 ngày qua tụi em có trên 100.000 hits… bản chất của mạng kết nối giao hữu (social networking site) biến chuyển rất nhanh, nhưng vì tụi em yêu thích và đam mê – phải nói là bị ám ảnh – đeo đuổi nó ngày đêm, hứng thú nên không quan tâm đến chuyện ngủ nghê.
Thái Anh: Nhiều người không hiểu rõ cách thức hoạt động của mạng OneVietnam, có thể dè bỉu OneVietnam không có lập trường chính trị, các bạn có thể cho biết thêm về chuyện này?
Uyên: Trước tiên mục tiêu chính của OneVietnam là kết nối các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới, giúp họ tìm về văn hóa Việt, vì khi lớn lên họ phải rời xa quê hương, không có cơ hội gần gũi môi trường tiếng Việt… đây là hướng đi của mình…
Huy: Không những đối với cộng đồng Việt Nam mà Huy thấy đối với bất cứ cộng đồng nào khác, chuyện chính trị bao giờ cũng gây xào xáo chia rẽ trong cộng đồng. Tụi em từ tấm bé đã ra đi, rời xa quê nhà, khi lớn lên đương nhiên cũng dò hỏi nguyên do và được nghe cha mẹ cho biết qua về diễn biến tình hình nước nhà, rồi vào trường học cũng tìm hiểu thêm – không thể nói là thờ ơ được – lúc nào cũng ý thức được chuyện chính trị. OneVietnam không cổ động chuyện chính trị vì nó ngăn chặn mục tiêu kết nối, xây đắp cộng đồng của tụi em… Việt Nam không phải chỉ có chiến tranh mà còn được kết cấu bằng nhiều yếu tố khác.
Thái Anh:
Ngoài chuyện kết nối các bạn trẻ với nhau, OneVietnam có định kết nối thế hệ trẻ với các thế hệ lớn tuổi hơn không?
Uyên: Dạ có chứ, chúng em cũng tìm đến những người lớn tuổi để học hỏi và tham vấn họ về nhiều vấn đề cộng đồng, có nhiều bạn trẻ ở lứa tuổi 30-35 thuộc thế hệ 1.5, thế hệ thứ hai đang hợp tác với tụi em. Thế hệ tụi em đã xa dần với Việt Nam, nên cần phải giữ gìn văn hóa Việt Nam của mình, không thì cũng sẽ bị mất hết. Tụi em cũng nhờ thế hệ của cha mẹ mình giúp mình móc nối với văn hóa Việt. Người lớn có những giá trị và kinh nghiệm mà tụi em cần thu thập. Một số các người thuộc thế hệ đi trước cũng làm cố vấn cho chúng em.
Thái Anh: Như vậy thì một người lớn tuổi như tôi sẽ không cảm thấy bị bỏ rơi?
Uyên: (phá lên cười đắc ý)
Thái Anh: Hai em có thể cho biết tên một vài người cố vấn đang giúp OneVietnam?
Uyên: Thí dụ như nhà đầu bếp nổi tiếng là Chef Dương Khải (thuộc nhà hàng Anamandara ̣- tên của Huyền Trân Công Chúa – một nhà hàng 5 sao, sang có tiếng ở vùng San Francisco Bay). Ông đóng góp rất nhiều cho cộng đồng Việt Nam, lại có chân trong “Chefs without Borders” (Đầu bếp Không Biên Giới) và “Asian American Chefs Association”. Tụi em có một đoạn video clip của ông trên OneVietnam.
Thái Anh: Ngoài chuyện nối kết tuổi trẻ và cộng đồng Việt, OneVietnam cũng khuyến khích kêu gọi các dòng chính quan tâm đến Việt Nam góp sức trong mục tiêu giúp Việt Nam, phải không?
Uyên: Dạ đúng! OneVietnam không nhất thiết chỉ thành lập riêng cho người Việt Nam, mà còn cho tất cả những ai có lòng yêu mến Việt Nam và văn hóa Việt Nam.
Thái Anh:
Ngoài những mục tiêu nối kết nhiều thành phần với nhau, hình như trong buổi truyền hình trên SBTN, Huy có nói là OneVietnam có khâu trợ giúp giáo dục, như gởi sách giáo khoa, giúp tạo cơ hội cho các em học sinh ở Việt Nam – như vậy giáo dục có phải là một mục tiêu chính thức của OneVietnam không?
Uyên: Có lẽ vấn đề giáo dục cho Việt Nam là do nỗ lực cá nhân của các thành viên trong OneVietnam nhiều hơn, như các bạn ở Pháp, ở Úc về Việt Nam dạy học. Đương nhiên đây là những công tác thiện nguyện thuộc phạm vi giáo dục mà OneVietnam khuyến khích mọi người tham gia. Paul cũng hay giúp học bổng cho các em sinh viên học sinh Việt Nam…
Thái Anh: Paul Phạm phải không? Học bổng này Paul dùng tiền riêng hay xin ở đâu?
Uyên: Dạ đúng, Paul Phạm là kỹ sư Giám đốc của OneVietnam. Anh ấy tự đi xin và gầy quỹ lấy.
Huy: Paul cũng hướng dẫn các em học sinh làm thủ tục đệ đơn xin vào các đại học Mỹ, giúp các em theo học các khoa kỹ thuật thì nên chọn đại học nào cho thích hợp. Còn về y tế thì hai bạn như Neil và Bryan thường về Việt Nam giúp về vấn đề y khoa, vì Neil cũng là một nha sĩ tập sự hay đi Việt Nam giúp sức khoẻ nha khoa cho dân tình.
Thái Anh: Đương nhiên các bạn cũng là chuyên viên phát triển kỹ thuật và công nghệ?
Huy: Khâu kỹ thuật có nhiều cách thức để học hỏi, tụi em không nghĩ là mình biết hết mọi thứ. Thí dụ như có người sẽ lên mạng hỏi cách thức làm một start-up company (thành lập một công ty mới) hay làm một video quảng cáo hay tìm hiểu/phê bình về một sản phẩm nào đó, hoặc hỏi cách thức mở một web mới. Tụi em giúp được gì thì sẽ giúp, còn không thì sẽ có người khác sẽ tình nguyện hướng dẫn. Đây là một tiến trình hỗ tương và đa phương vì có nhiều người giỏi mà chính chúng em cũng phải học hỏi ở họ.
Thái Anh: Tức là mọi người sẽ tìm đến nhau để học hỏi trên website của OneVietnam?
Huy: Dạ đúng.
Thái Anh: Có người cho là cách trao đổi trên OneVietnam theo diện Facebook là chuyện tùy hứng nhất thời, thiếu chiều sâu – tức là chỉ viết cho mau, vắn tắt, đi kèm với những hình ảnh bắt mắt, không cho phép người ta đào sâu vào những vấn đề thiết thực?
Uyên: Dạ thật ra tụi em có những “talking points“ đề tài khuyến khích phát biểu để nhiều người có dịp nói lên quan điểm của mình.
Thái Anh: Tôi thấy những câu mào đầu/talking points cũng sâu sắc đấy chứ, các bạn có bỏ thì giờ bàn bạc với nhau để đưa ra những talking points, những điểm nóng này không?
Huy: Anh Thái Anh nói đúng, tụi em cũng dành thì giờ thảo luận với nhau để gợi lên những vấn đề thích hợp với mọi người. Nó không phải chỉ toàn là những chuyện hời hợt không đâu!
Thái Anh: Khi nói chuyện với ông Charles Bailey (biết nói tiếng Việt), ông có nói đến chuyện các bạn dự định mở một website song ngữ. Các bạn có định mở một trang song ngữ không?
Huy: Ngày mai chúng em sẽ gặp có một người giỏi tiếng Việt tình nguyện giúp sức phối hợp với một nhu liệu dịch được tất cả các ngôn ngữ ra tiếng Việt, như vậy website của OneVietnam không chỉ là một trang mạng song ngữ mà là một trang đa ngôn ngữ. Người nói tiếng Pháp, tiếng Ý có thể vào đó trao đổi với một người ở Việt Nam và ngược lại. Hiện nay trang OneVietnam có hiệu năng cho phép người sử dụng nó gõ bất cứ một ngôn ngữ trong 30 thứ tiếng đã cài đặt trước, như Việt, Pháp, Đức, Nhật v.v…
Thái Anh: Trên mạng OneVietnam có một video clip thời sự rất tếu của Jennie Le, vừa đả động đến chuyện bóng đá World Cup, vừa nói móc, châm chọc các cô bé gymnast dưới tuổi thành niên của Trung Quốc trong Thế Vận Hội vừa qua, vừa nhắc đến chuyện ông Cao Quang Ánh, đại biểu Quốc hội Mỹ, xúi Tổng Giám đốc Tony Hayward (của BP, nay sắp về vườn) mổ bụng theo kiểu Hara Kiri, các bạn có định tiếp tục có những video như vậy không?
Uyên: Cám ơn anh đã thích video đó. Đúng ra kịch bản chọc Trung Quốc là do một cô Mỹ gốc Hoa soạn. Tụi em sẽ cố làm những video tương tự.
Thái Anh: Về vấn đề tài chánh thì ngoài tài trợ của Ford Foundation – lớn nhất đúng không? – các bạn còn phải tìm tài trợ nào khác nữa không?
Huy: Đúng, ngay lúc này thì tiền tài trợ của Ford Foundation là lớn nhất, với tài khoản này OneVietnam có thể hoạt động đến tháng 11 năm nay. Sau đó chúng em sẽ phải tìm cách gầy quỹ, xin tài trợ thêm. Hiện nay như anh thấy, OneVietnam đang ở trong thời kỳ phát triển, nhưng không lấy quảng cáo trên trang nhà của mình, nhưng trong vòng một hai năm nữa tụi em dự tính sẽ trở nên tự lực cánh sinh.
Thái Anh: Uyên có nói sẽ tìm một văn phòng để hoạt động?
Uyên: Dạ đúng, từ giờ đến cuối năm tụi em sẽ tìm một văn phòng, có thể sẽ mở ở San Francisco.
Thái Anh: Chúc các bạn may mắn. Hai bạn có nhắn nhủ gì với độc giả của chúng tôi không?
Uyên và Huy: Cám ơn quý vị độc giả đã đọc và theo dõi tiến triển của OneVietnam trên mạng. Đối với những bậc đàn anh và những người đi trước, nỗ lực của chúng tôi, những người còn non trẻ, thể hiện qua OneVietnam, đương nhiên sẽ có những thiếu sót, do đó chúng tôi hy vọng quý vị sẽ hưởng ứng, tham gia và đóng góp, giúp xây dựng các thế hệ trẻ tương lai, những người Việt trong và ngoài nước, với niềm tin rằng đất nước Việt Nam sẽ mỗi ngày một tươi đẹp hơn.
© Nguyễn-Khoa Thái Anh