WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Những lá thư dấu tích quãng đời ‘cải tạo’

“Qua những lá thư này, tôi muốn được chia sẻ với người trẻ những gì mà thế hệ chúng tôi đã trải qua. Tôi chỉ muốn người trẻ hiểu hơn về chúng tôi, về thời chúng tôi. Mà bằng chứng là những lá thư. Những lá thư không thể nói dối.”

Chủ nhân những lá thư tù “cải tạo:” “Tôi chỉ muốn người trẻ hiểu hơn về chúng tôi, về thời chúng tôi. Mà bằng chứng là những lá thư. Những lá thư không thể nói dối.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Người phụ nữ có gương mặt ẩn chứa nhiều nỗi buồn đưa tay vuốt nhẹ lên những lá thư đã ngả màu thời gian.

Bà xem những lá thư là gia tài, và bà nâng niu cất giữ chúng từ hơn 30 năm qua.

Ðó là toàn bộ những lá thư của chồng bà gửi ra từ trong những nhà tù “cải tạo” và những lá thư của chính bà viết gửi vào tù cho chồng.

Là người được chọn để đọc tâm tình qua những nét chữ đã nhạt nhòa, qua những trang thư gần tơi tả, mục rách, tôi cảm thấy có phần lúng túng, lúc đầu.

Ðó là những lá thư riêng. Của người chồng gửi cho vợ. Của người vợ viết cho chồng. Vậy, tôi sẽ phải đọc chúng trong tâm thế nào đây?

Suốt một tuần liền, tôi chỉ mang những xấp thư đó ra đặt trước mặt, trên bàn làm việc, nhìn chúng, rồi lại cất vào hộc tủ.

Ðến tuần thứ hai, tôi kéo những lá thư ra, sắp chúng lại theo ngày tháng. Những lá thư không ghi ngày ghi tháng, tôi đẩy chúng ra phía sau.

Và, đến một chiều Thứ Bảy, ngồi trong tòa soạn, tôi bắt đầu đọc những lá thư của người viết từ trong tù.

Tôi sửng sốt.

Dù đã được nghe nói trước, “thư viết từ tù gửi ra phải theo những qui định của họ thì thư mới đi,” quả thực, tôi không hề nghĩ mình đang đọc thư của chồng viết cho vợ. Dường như, không, chính xác là ký ức gọi tôi quay về với những bài rao giảng mà tôi đã được nghe xuyên suốt cả một thời đi học ở Việt Nam.

Tôi đọc lá thư ghi ngày “10 tháng 1, 1976” được viết trên trang giấy học trò:

“(à) Phần em và con, cho dù đến nay vẫn chưa có tin tức, anh vẫn tin chắc là em và con đều khỏe mạnh, tươi vui trong giai đoạn lịch sử này, giai đoạn thống nhất đất nước, cả nước đang hồ hởi phấn đấu để hoàn thành di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ Tịch ‘nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.’

“(à) Có một điều cần nói để em và các chị lưu ý là viết thư cho các anh chỉ nên viết những điều vui, xây dựng cho các anh tư tưởng an tâm để học tập, nếu có khó khăn trong sinh hoạt ở nhà, phấn đấu để vượt qua, đừng nên làm các anh phân tâm trong lúc học tập, không tốt. Em hiểu ý anh chứ?”

Tôi hình dung, người vợ trẻ 25 tuổi khi đó, đã cảm nhận được điều gì sau khi đọc câu hỏi của chồng: “Em hiểu ý anh chứ?”

Người phụ nữ nhớ lại lúc sửa soạn hành trang cho chồng đi ‘học tập,’ mẹ ruột bà đã lấy “1 chiếc chiếu nilong và 2 áo lạnh” đưa cho con rể. “Anh không nhận, nói rằng đi có 10 ngày nên không cần. Nhưng mẹ tôi là người Bắc di cư, bà hiểu được chuyện, nên bảo ‘con hãy mang theo, nhiều khi cần cho con.’” Bà kể.

10 ngày trôi qua không thấy chồng về.

Một tháng trôi qua không thấy chồng về.

Cứ mỗi chiều, người vợ lấy chồng được 2 năm đang mang bầu đứa thứ hai khi đó, tay dắt đứa con gái nhỏ, ra đầu ngõ ngóng trông chồng. Cứ nhìn hết chiếc xe này chạy qua, chiếc xe kia chạy lại, xem có chiếc nào dừng có chồng mình bước xuống không.

“Chờ hoài mà chẳng thấy. Tin tức không biết hỏi đâu. Có người đồn là họ đã bị mang đi giết hết rồi. Lại có người đồn lật xe chết hết rồi.” Người phụ nữ kể lại câu chuyện của hơn 35 năm về trước mà giọng như vẫn còn nghẹn nỗi u uất.

“Tôi cứ đợi như vậy đến mấy tháng sau thì có thư chồng gửi về nói đang ở Biên Hòa. Ðại khái khuyên ở nhà lo làm ăn và học tập theo chính sách nhà nước. Rồi dặn ở nhà có sanh con nếu là trai thì đặt tên gì, gái thì đặt tên gì. Khi tôi sanh đứa con trai xong, viết thư đi lại chẳng thấy thư về. Ít tháng sau nhận thư thì biết là chồng tôi bị đưa ra Bắc.”

Tôi đọc lá thư ghi ngày “2 tháng 9, 1976” được viết trên mảnh giấy vàng, lớn hơn bàn tay một chút. Những con chữ nhỏ xíu như cố gắng chen nhau trên mảnh đất chật hẹp, nhếch nhác:

“Trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhân ngày hội lớn của cả nước, anh kính gửi về nhà mọi lời chúc lành nhất về Bố Mẹ, Mạ, các anh chị, các em, các cháu, riêng em và 2 con. Rất mong cả nhà ta đều hồ hởi, góp công góp sức nhiều hơn nữa, tích cực và gương mẫu nhiều hơn trong mọi công tác phường khóm. (à)

Tụi anh ở đây ngày ngày lên rừng đốn gỗ, đốn ván, nứa, giang, cắt tranh, gánh rạ, dựng nhà, làm rẫy. Ðấy đại khái một vài nét về sinh hoạt ở đây của anh, lúc nào có điều kiện anh sẽ viết rõ hơn.

Khi nhận được thư, trả lời và làm đúng theo hướng dẫn của phường khóm là tốt. Khi có phép được viết, sẽ có thư cho em với những chi tiết rõ hơn.”

Ðọc thư mà nghe ra có điều gì mỉa mai đến tê tái.

Thư viết cho vợ đang mòn mỏi chờ chồng, nhưng chồng trước sau vẫn chỉ có thể vắn tắt “đại khái một vài nét về sinh hoạt ở đây của anh” còn lại phần lớn 4 trang thư lại cũng phải rao giảng lại những điều “học tập” được về “đường lối, chính sách của cách mạng” cho người thân mình nghe.

“Lúc đó, người ta không quan tâm là thư viết ra ca ngợi điều gì đâu. Chỉ cần biết nhận được thư là biết người nhà mình còn sống. Vậy là mừng rồi, là yên tâm rồi,” một người có thân nhân từng đi tù cải tạo ngậm ngùi chia sẻ.

Theo lời người phụ nữ có ánh mắt thật buồn đó thì giữa hai vợ chồng họ có những thỏa thuận ngầm để thông tin cho nhau, nên dù không được phép tiết lộ địa điểm ở tù, nhưng theo lời trong thư, bà biết chồng bị đưa lên Sơn La.

“Nghe như vậy là tôi muốn rụng rời tay chân rồi. Tại vì mẹ tôi nói ngoài Bắc, những vùng Lạng Sơn, Sơn La là vùng rừng thiên nước độc. Mẹ tôi nói, ‘chồng con ra đó coi như con góa chồng sống rồi. Ði không biết có về hay không. Nội chuyện ‘ngã nước’ đã có thể không có ngày về rồi. Thôi thì con đã có con trai con gái thì lo mà làm ăn và tiếp tế cho chồng con. Nếu nó còn sống thì trở về, còn không thì con ráng lo nuôi con, và lo cho mẹ chồng của con nữa.”

Ký ức năm nào cứ như đang hiện lên trước mắt bà. Viễn ảnh làm người “góa chồng sống” có làm người ta dễ chịu? Bà lại khóc.

Nếu những lá thư viết từ trong tù phải theo đúng khuôn mẫu “nói chuyện cá nhân thì ít, rao giảng đường lối cách mạng thì nhiều” thì những lá thư người vợ viết gửi chồng từ “không khí một đất nước được hoàn toàn giải phóng” cũng phải thấm nhuần “tư tưởng cách mạng” thì thư mới tới tay người đang trong tù.

Tôi đọc lá thư viết ngày “26 tháng 9, 1975” của người vợ gửi chồng:

“Nhận được thư anh nhằm ngày thứ hai đổi tiền, rồi cũng bận bịu một vài việc cho nên đến hôm nay mới trả lời được dù biết anh mong tin gia đình, mong anh thông cảm. Chính phủ thực hiện đổi tiền để cho đồng tiền được giá trị và gọn gàng. 500đ SG được đổi lấy 1đ cách mạng và một gia đình thì được lãnh 200 đ tương đương 100.000 đ SG, còn dư thì chính phủ giữ giùm và trả lời cho chúng ta, như là quỹ tiết kiệm vậy đó.”

Lại một lá thư ghi ngày “7 tháng 1, 1976”:

“Ðến nay thằng cu Uy đã được một tháng rồi, em đặt con bên giường và vừa may vừa coi con, bận là vì may đồ bán tết, cần phải may cho khẩn trương để kịp bán, may xong rồi còn phải thuê nữa. Anh đừng nên quan tâm quá về vấn đề sinh sống, cũng như sức khỏe của em, em cũng biết lượng sức và hoàn cảnh của mình.

Thôi vài hàng thăm và tin cho anh rõ vấn đề sinh nở của em, em còn phải lo vài việc sửa soạn Tết nhất. Ai ai cũng nói rằng Tết độc lập ăn cho to bằng 5, 10 lần những Tết trước, ai ai cũng hồ hởi trước cảnh xuân đoàn tụ này và phường khóm càng yên tâm vì chính phủ cách mạng đã diệt trọn những phần tử xấu, trộm cắp và xì ke ma túy.”

Người chồng đọc thư vợ, khi đó, đang cười hay đang nhói một nỗi đau?

Cứ mặc cho những dòng nước mắt nặng nề chảy xuống, người vợ tù cải tạo năm xưa nói cho tôi biết lý do vì sao đã hơn 30 năm rồi, bà vẫn còn lưu giữ tất cả những lá thư đó, mặc cho những cuộc chuyển dời, đổi thay.

“Lúc đó tôi sống bằng những lá thư chồng tôi gửi về. Tôi lúc đó còn trẻ quá, mới 25 tuổi, chồng đi vắng, đôi lúc mình cũng cô đơn chứ. Do đó những lá thư là nguồn an ủi duy nhất của tôi. Khi cả nhà đi ngủ hết, tôi lại lấy thư ra đọc, chỉ biết tìm niềm vui qua những lá thư. Những lá thư như máu thịt của mình, nên mình phải giữ.”

“Tôi giữ lại tất cả như một kỷ niệm, đánh dấu một đoạn đời đáng nhớ của mình. Cũng một phần là thói quen.”

Vẫn bằng giọng xúc động, bà nói tiếp: “Khi ra đi, người ta mang theo gì? Họ mang theo tài sản, thì những lá thư này, với tôi là tài sản mà tôi trân trọng.”

Theo lời người phụ nữ, những lá thư này đánh dấu đoạn đời của hai người: một đoạn đời tù tội của người lính thất trận, một đoạn đời của người phụ nữ trẻ chờ chồng, đến mòn mỏi.

Có điều, người ta thì nỗi chờ đợi mỗi năm mỗi nhạt nhòa, trái lại, với tôi, càng chờ đợi càng thấy đau khổ nhiều hơn, bởi mình không biết mình phải chờ đến bao giờ, rồi mình có đủ nghị lực để chờ không?” Cô ngậm ngùi nhớ lại.

Ðôi lúc có những lá thư vứt được qua hàng rào, vệ cỏ ven đường, người đi thăm nuôi nhặt được, gửi về nhà giùm theo địa chỉ, người đọc mới cảm nhận rõ hơn những nỗi niềm.

Nếu người chồng vô vọng trong ngày về, “Em ở ngoài chắc cũng rối beng lên vì những lo lắng, cuộc sống hằng ngày, những tin tức này nọ phải không? Anh cũng mong lắm một ngày được về với em, được chia sớt với em những khổ nhọc, cay đắng mà em đang gặp phải, nhưng cũng biết rõ là ngày ấy chưa tới.” (Thư ngày 5 tháng 10, 1980)

Thì người vợ cũng khắc khoải, mỏi mòn những ngóng trông, “Thắm thoát mà thời gian qua cũng gần 5 năm, gần bằng thời gian chúng ta quen nhau đấy anh nhỉ (à) Em vẫn mong anh chóng về để gánh vác cho em một phần nào, em cảm thấy mỏi mệt trong những suy tư lo âu.”

Hay đau đáu một niềm trông đợi, “4 ngày nữa là đến sinh nhật em. Thế là lại thêm những sinh nhật buồn đi qua trong quên lãng của một kiếp người sống không tương lai. Bao giờ anh về nhỉ, để cho anh thổi hộ cho em những ngọn nến hồng, mấy chục ngọn đây anh – có thể là 40 ngọn nến không anh?”

Người chồng đang ngồi nghe vợ mình kể nỗi niềm của những năm tháng chờ chồng đi “cải tạo.”

Lặng lẽ trong nắng chiều Hè.

Người phụ nữ kể tiếp câu chuyện trong nụ cười chen lẫn nước mắt: “Tôi còn nhớ kỷ niệm lần đó mua bịch lạp xưởng để mai gửi cho nhà tôi. Ðêm ngủ không đóng cửa sổ, mèo vào tha mất. Sáng dậy thấy mất gói lạp xưởng, tôi khóc thôi là khóc. Cứ ngồi nghĩ mà buồn, mua được có vài trăm gram lạp xưởng đem gửi cho chồng mà mèo nó tha. Nhớ năm 75 mất bao nhiêu của cải mình không khóc, vậy mà giờ mất có mỗi bịch lạp xưởng lại ngồi khóc thôi là khóc, cứ nghĩ đến cảnh chồng không được ăn mà ấm ức.”

Mấy mươi năm đã qua rồi, nhưng có điều gì cứ bảng lảng trong cõi riêng của những ai đã qua một thời như thế.

Như người phụ nữ tròn 60 tuổi trong ngày quyết định chia sẻ những lá thư đó ra, đã nói, hơn 30 năm rồi, bà vẫn “cất giữ tất cả,” từ những chiếc phong bì đủ hình dạng, chất liệu, cả những tấm phiếu gửi quà thăm nuôi chồng. Bởi đó là bằng chứng không thể chối cãi cho một quãng đời đau khổ họ đã đi qua.

Mà cũng không là của riêng họ.

Ðó là quãng đời của cả một thế hệ tuổi thơ trôi qua trong chiến tranh. Thời thiếu nữ thấp thỏm trong nỗi lo có chồng tham gia chiến trận. Và một đời phụ nữ lo con, chăm cha mẹ, chờ chồng trở về từ những trại tù “cải tạo.”

Ðớn đau và tủi hận.

Người phụ nữ không muốn nêu tên mình, bởi “không cần thiết,” chỉ biết rằng với những lá thư bà đang gìn giữ, chắt chiu, một lần nữa, như một bằng chứng để người trẻ hiểu lý do “vì sao mình có mặt nơi này.”

 Nguồn: Ngọc Lan, Người Việt

Phản hồi