Tri ân mảnh đất này
Trong chuyến du hành nội địa, tình cờ tôi được ngồi cạnh hai thanh niên. Sau vài câu xã giao tôi được biết người anh tên Mike và người em tên Jack. Jack có mái tóc vàng như tơ và mái tóc đó được cắt và chải giống y mái tóc của Justin Bieber – một nghệ sĩ rất trẻ và đầy tài năng của nền nhạc trẻ Canada. Mike có khuôn mặt tương tự như khuôn mặt của cựu phó tổng thống Hoa-Kỳ, Dan Quayle, và màu mắt của Mike xanh như màu nước của hồ Diablo.
Tôi không hiểu vì cả hai anh em đều có nụ cười vô tư và nói chuyện rất lễ phép hay là vì bộ quân phục rằn ri của Mike mà tôi cảm thấy có rất nhiều thiện cảm với hai cậu thanh niên này. Tôi hỏi hai anh em đi về đâu. Jack bảo Jack muốn tiễn Mike một đoạn đường. Tôi hỏi tiễn Mike đi đâu? Jack quay nhìn Mike, dường như Jack không muốn nhắc đến địa danh nào đó mà Mike sẽ phải đến. Như hiểu ý cậu em, Mike đáp lời tôi: “Tôi đi Iraq.” Tôi bàng hoàng nhìn Mike. Như nhận ra niềm xúc động trên mặt tôi, Mike vói tay sang phía tôi, vỗ vỗ trên cánh tay của tôi: “Không sao đâu, bà đừng lo. Tôi đã tham chiến tại Iraq hai lần rồi, đây là lần thứ ba.” Tôi muốn nói với Mike nhiều điều nhưng sao tôi cứ nghẹn lại như sắp khóc, nói không thành lời!
Để nén xúc động, tôi quay mặt ra cửa sổ phi cơ. Chờn vờn trong những áng mây trắng như bông gòn, tôi tưởng như tôi có thể thấy lại tấm ảnh và bản tin về sự “trở về” của First Lieutenant Paul Magers! Paul chết khi chàng chỉ 25 tuổi và mới đến Việt-Nam có hai tuần! Paul biết quê tôi chỉ có hai tuần nhưng thân xác của Paul thì ở lại đó đến gần bốn mươi năm! Trong ảnh, nụ cười của Paul cũng rạng rỡ, vô tư như nụ cười của Mike. Nụ cười đó mà biết hận thù ai! Ánh mắt đó mà muốn bắn giết ai! Bởi vậy mới có một chiến binh Hoa-Kỳ – James Lenihan – trong trận Thế Giới Đại Chiến II, đã bắn kẻ thù xong thì gục đầu bên xác kẻ thù mà khóc:
I shot a man yesterday
And much to my surprise,
The strangest thing happened to me
I began to cry.
He was so young, so very young
And Fear was in his eyes.
He had left his home in Germany
And came to Holland to die
……
I knelt beside him
And held his hand
I begged his forgiveness
Did he understand?
It was the War
And he was the enemy
If I hadn’t shot him
He would have shot me.
I saw he was dying
And I called him “Brother”
But he gasped out one word
And that word was “Mother.”…
Đang chìm đắm trong dòng suy tư, tôi choàng tĩnh khi tiếng của trưởng phi hành đoàn thông báo phi cơ sẽ đáp xuống phi trường trong vài phút.
Khi chia tay tại nơi lãnh hành lý, tôi nắm tay Mike, nói với Mike những lời biết ơn rất thành thật và sâu xa. Mike cười: “Đó là bổn phận của chúng tôi.”
Nhìn dáng Mike xa dần tôi cảm nhận được nỗi lo âu, niềm thương cảm đang dâng lên chất ngất trong hồn tôi. Khung cảnh này và trạng thái tình cảm này khiến tôi nhớ lại những giờ phút xốn xang, hoang mang, lo sợ của tôi tại phi trường Frankfurt.
Lý do đưa tôi vào trạng thái tình cảm phức tạp đó khởi nguồn từ một chuyến du lịch xa…
* *
*
Vừa rời chiếc xe buýt của công ty du lịch Trafalgar, tôi chú ý ngay đến một nhóm đàn ông lớn tuổi, người Nga, ngồi bên trái lối đi, cạnh con kinh đào. Mỗi ông mang một nhạc cụ nhà binh như saxophone, trumpet, clarinet, v.v. Không hiểu có phải vì nghe những tiếng thầm thì bằng Anh ngữ của du khách hay không mà bỗng nhiên ban nhạc đều đứng lên, cử hành Quốc Ca Hoa-Kỳ.
Nhóm du khách và tôi đều dừng bước, ngạc nhiên, vì đây là lãnh thổ của Nga. Du khách Mỹ để tay phải lên lồng ngực bên trái. Nhìn các nhạc công, tôi nghĩ, có lẽ họ là những người lính trẻ nhất của trận thế chiến thứ II. Tôi cảm thấy nao nao buồn. Những người lính già nua, yếu đuối đang cố kéo chút hơi tàn để tìm sự sống qua bản Quốc Ca của kẻ thù xưa, vì lương hưu của cựu chiến binh Nga rất thấp!
Bản nhạc dứt. Du khách vui vẻ lấy tiền cho vào cái sắc nhỏ được đặt trước mặt các nhạc công. Các nhạc công ngồi xuống, đồng tấu tiếp bản America, the Beautiful. Tôi đứng lặng, lòng đầy xúc động.
Niềm xúc động trong tôi lần này cũng dạc dào như năm 1977, khi đứa con gái lớn của tôi, Xuân-Nguyệt, lúc đó là học sinh lớp 8, được trao tặng giải nhất toàn tiểu bang Arizona về bài luận văn “What Makes America Beautiful?”
Gia đình tôi được giúp phương tiện để đưa Xuân-Nguyệt từ Yuma đến Phoenix nhận phần thưởng trong một buổi lễ vô cùng long trọng. Đó là lần đầu tiên tôi nghe bản America, the Beautiful được cả hội trường đồng ca. Tự dưng tôi khóc. Nhưng rồi âm điệu và lời ca của bản nhạc khiến lòng tôi lắng xuống. Tôi trầm tĩnh lại để nhận những vòng tay thân ái và những lời chúc mừng của những người Mỹ quanh tôi. Theo những lời chúc mừng của những người chưa quen này, tôi hiểu những người này nghĩ rằng tôi xúc động vì thành quả của con gái tôi. Điều đó chỉ đúng một phần; vì, ngoài sự hãnh diện của một người Mẹ, những giọt nước mắt của tôi còn mang nặng niềm âu lo và sự lạc lõng trước một tương lai đầy thử thách mà tôi không hiểu tôi có thể vượt qua được hay không!
Hơn 26 năm qua, với tất cả hy sinh và nỗ lực, gia đình tôi đã vượt được nhiều trở ngại. Những đứa con, dâu và rể của tôi hiện đang đem tất cả khả năng và kiến thức đã học hỏi, đã hấp thụ tại đất nước này để góp công xây dựng một nơi mà ai cũng hơn một lần ước mơ được nhìn tận mắt sự văn minh và phồn thịnh.
Riêng tôi, ngoài sự văn minh và phồn thịnh, nước Mỹ còn có những công dân với trái tim rất vỹ đại.
Chỉ có những trái tim vỹ đại mới có thể thực hiện những chuyến máy bay đầy thực phẩm, thuốc men cùng những phái đoàn y tế tình nguyện sang Phi châu cứu đói. Chỉ có những trái tim vỹ đại mới sáng tác và hát say sưa nhạc bản We Are The World để quyên góp hiện kim gửi sang Phi châu cứu đói. Chỉ có những trái tim vỹ đại mới đưa nhiều phái đoàn y dược sỹ, dụng cụ y tế sang Nga cứu giúp khi lò nguyên tử của Nga, tại Chernobyl, bùng nổ. Chỉ có những trái tim vỹ đại mới có thể thực hiện những chuyến bay khẩn cấp để di chuyển hằng mấy trăm em bé mồ côi ra khỏi Việt-Nam vào cuối tháng Tư năm 1975. Chỉ có những trái tim vỹ đại mới cứu giúp hết đợt di dân này đến đợt di dân khác. Trong số triệu triệu di dân đó có gia đình tôi. Gia đình xin tôi biết ơn:
*- Cựu Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến và bà Michael Z. Smith, người đã bảo trợ chúng tôi từ Camp Pendleton. Ông bà Smith có ba người con: Michael, hiện là Đại-Úy Không Quân Hoa-Kỳ và cô con gái nuôi, người Nhật, Kristin cùng với bé Heather. Hiện nay ông Smith là một mục sư ở California.
*- Ông bà Collins. Ông Collins từng tham chiến tại Việt-Nam. Ông được một gia đình Việt-Nam che chở trong khi Việt-Cộng ruồng bắt. Ông Collins bảo vì Ông mang ơn người Việt cho nên Ông thương và muốn giúp đỡ người Việt với tất cả nhiệt tình. May mắn cho chúng tôi, vì chúng tôi là gia đình Việt-Nam duy nhất tại thành phố Yuma.
*- Ông bà Collard, người đã thật lòng thương yêu gia đình tôi như ruột thịt. Ông bà thường vui vẻ và hãnh diện giới thiệu với mọi người rằng chúng tôi là con và cháu của ông bà.
Tôi không hề biết ông Collard là một cựu chiến binh thế chiến thứ II; vì không bao giờ Ông nhắc nhở hoặc đề cập đến cuộc chiến khốc liệt đó. Đến khi Ông Collard qua đời, người bạn đồng ngũ của Ông đọc điếu văn, tôi mới biết ông Collard có mặt trong trận Trân-Châu-Cảng. Chính ông Collard đã cứu giúp nhiều người, kể cả người đang đọc điếu văn, rời khỏi chiến hạm… và Ông là người sau cùng.
Sự hiểu biết của tôi về quân nhân Hoa-Kỳ trong trận Trân-Châu-Cảng hoặc Normandy chỉ căn cứ theo sách vở và phim ảnh nên rất mơ hồ, rất hạn hẹp. Nhưng sự hiểu biết của tôi về sự hy sinh và lòng quả cảm của người lính Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt-Nam thì khá tường tận – tường tận hơn cả những cuốn sách viết về chiến tranh Việt-Nam mà tác giả chưa bao giờ có mặt tại chiến trường Việt-Nam. Do đó, tôi nhận thấy, dù cuộc chiến kết thúc một cách tức tưởi, thiếu công bằng, nhưng cũng phải chấm dứt, vì máu của người Việt – cả hai miền Nam Bắc – và máu của người Mỹ đã chan hòa trong từng thước đất nơi quê hương nghèo khó của tôi.
Sau khi miền Nam bị bức tử, hạm đội Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa đã di tản cả trăm ngàn người Việt thoát khỏi hiểm họa Cộng-sản. Nhưng nếu không có sự hiện diện của Đệ-Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ tại Thái-Bình-Dương cũng như không có sự giúp đỡ vô điều kiện của nhân dân Hoa-Kỳ thì số người tỵ nạn khổng lồ của chúng tôi sẽ về đâu?
Nương vào lòng nhân ái của người Mỹ, chúng tôi vào Mỹ với thái độ biết ơn và lòng tự tin để vươn lên.
Người Việt, qua bao thử thách cam go, đã vươn lên, đã góp công xây đắp và bảo vệ đất nước này.
Khi cuộc chiến Trung-Đông bùng nổ, năm 1992, tôi đã đau buồn và lo sợ khi đưa tiễn một độc giả trẻ và thân thiết nhất của tôi, Hải-Quân Đại Úy Hoàng-Quốc-Tuấn, tòng sự trên hàng không mẫu hạm USS. Independence, ra khơi, tiến về vùng lửa đạn của Persian Gulf. Trong lá thư gửi về từ vùng Vịnh, Tuấn viết: “… Người lính Hoa-Kỳ được huấn luyện để bảo vệ Hòa-Bình chứ không phải để gây chiến ...” Theo tinh thần cao cả đó, biết bao thanh niên nam nữ Vietnamese-American đã tốt nghiệp hoặc đang thụ huấn tại các quân trường lừng danh của Hoa-Kỳ như West Point Academy, Naval Academy, Air Force Academy, v. v…
Ngoài những tham gia đáng kể về quân sự, giới trẻ Việt-Nam cũng đã và đang xây đắp đất nước này trong tất cả mọi lãnh vực như truyền thông, giáo dục, y tế, khoa học, khoa học không gian, v. v.
Giới trẻ Việt-Nam có những đóng góp lớn lao như vậy thì những nỗ lực của thế hệ di dân Việt-Nam đầu tiên cũng không nhỏ. Thử nhìn bản đồ của các thành phố lớn như Los Angeles, San José, Houston, v. v… thì sẽ thấy: Từ những vùng đất hoang tàn cách nay 20 năm, bây giờ đã trở thành những vùng thương mại sầm uất do người Việt khai thác. Và trong các hãng, xưởng, văn phòng, biết bao người mang họ Nguyễn, Lê, Trần …
Khi những đóng góp của người Việt vào đất nước này mỗi ngày mỗi thăng tiến thì bỗng dưng sự phá hoại từ đâu ùa đến, phủ chụp xuống ngay lòng đất nước mà gia đình tôi đã âm thầm nhận là quê hương thứ hai.
Tin Nữu-Ước và Hoa-Thịnh-Đốn bị máy bay tấn công đến với tôi trong lúc tôi cùng nhóm du khách dùng cơm trưa sau những giờ thăm viếng thành phố Minks. Tôi ngồi bất động, lòng đầy phẫn uất. Nếu bảo rằng tôi không lo sợ thì không hẳn đúng; nhưng niềm lo sợ trong tôi bây giờ khác hẳn với sự hãi sợ của đứa bé gái, giữa thập niên 40, theo Cha Mẹ tản cư và thấy những chiếc máy bay mang cờ tam tài (cờ Pháp) bắn phá những làng mạc xác xơ. Những chiếc máy bay đó bắn vào tất cả những vật thể nào di động; vì vậy nông dân không giám ra đồng, súc vật bị giết hại, sinh sản không kịp và con người thì đói và thiếu thốn mọi bề.
Hơn hai mươi năm sống yên lành tại miền Nam nước Việt và hơn hai mươi năm sống thanh bình trên đất Mỹ, tôi cứ ngỡ rằng bom đạn đã xa tôi, không còn cơ hội làm tôi sợ hãi nữa. Nhưng không! Trên màn ảnh TV, một tòa nhà của The World Trade Center bốc khói và một chiếc máy bay lao thẳng vào tòa nhà thứ hai. Cả hai tòa nhà lần lượt sụp xuống trong khi niềm phẫn uất trong tôi dâng cao như những cuộn khói đen ngòm thoát ra từ The Twin Towers. Tình cảm trong tôi chẳng khác gì nỗi đau xót của tôi cách nay hơn một phần tư thế kỷ, khi Việt-Cộng pháo kích ồ ạt vào Saigon.
Là một phụ nữ được giáo dục chỉ để nuôi con và phục tùng chồng, ngày đó, trước thảm trạng của quê hương Việt-Nam, tôi chỉ biết viết những dòng ca ngợi tinh thần chiến đấu can cường của Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa và tôn vinh lòng hy sinh vô bờ của những người Mẹ, người vợ và người con.
Bây giờ, trước sự đổ nát và thiệt hại nhân mạng một cách phi lý và tàn bạo tại Nữu-Ước và Hoa-Thịnh-Đốn, tâm hồn tôi bị chấn động mạnh và tôi muốn viết ra những ý nghĩ thầm kín của tôi về một nơi chốn mà gia đình tôi âm thầm thọ ơn. Ý nghĩ này làm cho cuộc du lịch giảm thiểu nhiều phần thích thú. Cuộc du lịch này chỉ vì sự tò mò của tôi, muốn tìm hiểu về một nước Nga rộng lớn.
Nước Nga rộng lớn nhưng môi người Nga không đàn hồi cho nên người Nga không biết cười. Thức ăn của người Nga thường là những miếng thịt dai dừ, mà không ai đoán được và cũng không ghi trong thực đơn là thịt gì, được tẩm trứng hoặc bột rồi chiên, không mùi vị, ăn đệm với khoai tây. Lâu lắm, may ra mới có một bữa thịt gà. Thức ăn của Mỹ như các loại kẹo, ice cream và sản phẩm của hãng Coca Cola được bày bán khắp nơi. Tôi cũng thấy vài nhà hàng McDonald’s và Pizza Hut. Sản phẩm tiểu công nghệ của Nga như thủy tinh và đồ gỗ thì tuyệt đẹp, vì được làm bằng tay. Hệ thống Metro của Nga tại Moscow rất tối tân, dù đã được hoàn tất cách nay nửa thế kỷ. Cứ 30 giây, (vâng, 30 giây) thì một chuyến tốc hành đến và một chuyến đi ngược lộ trình với chiếc kia. Trong sinh hoạt hằng ngày, người Nga không ăn mặc giản dị, xềnh xoàng như người Mỹ. Những buổi trình diễn ballet, skate on ice làm tôi say mê bao nhiêu thì những màn vũ dân tộc và những bản dân ca cũng khiến hồn tôi giao động bấy nhiêu. Âm hưởng dân ca của Nga mang nặng niềm thống thiết của dân du mục.
Dân Nga rất kiêu hãnh về Red Square, vì đó là biểu tượng của thủ đô. Khi thấy trong hình và phim ảnh, tôi cũng nghĩ Red Square rất vỹ đại. Nhưng sau khi thấy tận mắt, tôi nghĩ, không phải vì định kiến chính trị, Red Square không là gì cả, vì thiếu sự hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Khu vực Red Square được lát bằng gạch, trên triền đồi thoai thoải, diện tích khoảng một phần ba của công trường Thiên-An-Môn. Phần cao nhất của Red Square là tòa nhà của chính phủ và mộ của Lenin. Chân đồi bên này là ngôi nhà thờ với những chóp cao hình tròn, chạm trổ và sơn phết rất rực rỡ. Chân đồi bên kia chỉ là một lối đi rộng lớn. Lối đi này, vào những dịp diễn hành để phô trương lực lượng, được Hồng Quân Nga cũng như thiết giáp và các cơ giới nặng dùng làm lối ra. Bây giờ, trên lối ra này, người ta xây một ngôi nhà trên cao, phía dưới để trống vừa đủ cho bộ hành và xe hơi nhỏ ra vào. Lối vào Red Square, phía nhà thờ, cũng được chận lại bằng nhiều dãy trụ xi-măng, với mục đích không cho thiết giáp và cơ giới nặng vào điện Cẩm-Linh.
Trước điện Cẩm-Linh, ban đêm, trong khi những cặp tình nhân thủ thỉ bên nhau những lời mặn nồng thì những người Nga lớn tuổi lại chậm bước, lòng hướng về một thủ đô đã đổi tên: St. Petersburg.
St. Petersburg là một thành phố mang nặng di tích lịch sử của Nga-Hoàng. St. Petersburg không chinh phục được cảm tình của tôi nếu không có ngôi nhà thờ cổ còn hằn vết đạn của thời Hitler xâm lược và những bức tranh đầy sinh động của Ivan Aivazovsky, Wassily Kandinsky, Pavel Filonov, v. v… Những dòng sông ở St. Petersburg đã để lại trong hồn tôi rất nhiều lưu luyến. Những dòng sông im lìm, nhẫn nhục, chỉ biết len lõi trong từng ngõ ngách của thành phố trước sự kiêu căng thách đố âm thầm nhưng lố bịch của từng dãy lâu đài nguy nga. Lúc xuôi theo giòng Neva, trong khi mọi người lưu ý đến mấy chiếc cầu dựng đứng, vào những giờ nhất định, để tàu thủy có thể đi qua, thì tôi chỉ nghĩ đến những gì tôi đã thấy trên đoạn đường sau khi vào biên giới Nga.
Trên đoạn đường loang lở đó tôi đã thấy những xóm nhà lụp xụp. Thỉnh thoảng tôi mới thấy một chiếc xe hơi cũ thật cũ đậu dưới tàng cây, không biết xe còn xử dụng được hay không. Nơi khoảng sân hẹp, mỗi nhà thường cất một cái chòi nhỏ, mái và chung quanh được bọc ny-lông, để trồng hoa màu. Tôi cũng thấy người dân quê canh tác bằng tay chứ không bằng máy.
Những hình ảnh nghèo khó này cứ theo tôi mãi. Nhưng khi đến Minsk, mọi hình ảnh đều bị đẩy lùi về quá khứ, chỉ còn trong tôi nỗi xót xa của một người vừa biết nơi mình nương náu hơn hai mươi năm qua đang bị xâm phạm nặng nề! Từ Minsk đến Riga, tôi thấy các thành phố đều treo cờ rũ và mọi người dân địa phương có vẻ sốt ruột, dán mắt vào TV hoặc ngóng tin tức từng giờ. Điều làm cho tôi xúc động nhất là hôm 14-09, lúc 12 giờ trưa, tại khách sạn Scandic thuộc thành phố Helsinki của nước Finland, ban giám đốc đã yêu cầu mọi người đứng nghiêm, dành năm phút mặc niệm để tưởng nhớ những nạn nhân của khủng bố tại Hoa-Kỳ.
Trong khi đứng nghiêm tôi vẫn bị những lời tường trình của xướng ngôn viên đài truyền hình CNN, từ chiếc TV lớn treo nơi góc phòng khánh tiết, chi phối. Tôi đau đớn, xốn xang trong lòng như ngày xưa, năm 1968, hay tin Việt-Cộng tấn công và cưỡng chiếm thành phố Huế, quê Ngoại của tôi.
Sau khi Huế được quân lực Việt Mỹ giải tỏa, tôi nôn nóng muốn trở về để nhìn sự tan thương và đổ nát của quê Ngoại. Bây giờ, tại phi trường Helsinki đợi máy bay để sang Frankfurt, tôi cũng nôn nóng muốn trở về một nơi mà tôi gọi là nhà – Home. Nhưng bà nhân viên hãng hàng không Lufthansa, sau khi nhìn vé máy bay và thấy rõ ràng tôi không phải là một người da trắng, tóc màu, đã khẳng định:
- Bà có vé. Tôi sẽ ghi tên bà vào danh sách, nhưng sẽ không có chỗ cho bà. Bà phải chờ, vì đây là chuyến phản lực 747 đầu tiên từ Đức vào lục địa Hoa-Kỳ.
- Vé của tôi mua từ lâu, tại sao bây giờ tôi phải chờ? Và chờ đến bao giờ?
- Rất tiếc, tôi không biết bà phải chờ đến bao giờ. Khi nào có chỗ chúng tôi sẽ thông báo cho bà. Hiện tại, chúng tôi có rất nhiều hành khách ứ đọng từ mấy ngày qua. Và chuyến bay này, từ Helsinki đến Frankfurt để về Nữu-Ứớc, chỉ dành ưu tiên …
Không đủ kiên nhẫn chờ bà ấy nói hết câu, tôi cắt ngang:
- Tại sao tôi mới rời nhà chỉ có hai tuần mà nay tôi không thể trở về, hả?
Bà ấy ngạc nhiên, nhìn tôi, gằn giọng:
- Nhà?
Tôi đáp với giọng nghèn nghẹn như sắp khóc:
- Vâng. Nhà của tôi.
- Cho tôi xem thẻ thông hành.
Chỉ nhìn thoáng qua Passport, bà ấy thay đổi thái độ ngay:
- Vâng. Bà là công dân Mỹ. Bà ưu tiên đi chuyến bay này.
Tôi cúi xuống xách hành lý, lòng âm thầm tạ ơn nước Mỹ, nơi đã cho tôi hiểu thế nào là giá trị thực tiễn của tự do, dân chủ và công bằng. Và trên tất cả mọi điều, nước Mỹ đã cho tôi cơ hội thể hiện tinh thần tự lập của một phụ nữ.
© Điệp Mỹ Linh
© Đàn Chim Việt