Việt Nam: Ai hưởng lợi trong bài toán điện?
Bán điện
Lao Động ngày 1/9/2010 giật cái tít đầy hí hửng: “Việt Nam bán gần 1 tỉ kWh điện cho Campuchia”. “Ngày 30/3/2009, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia Việt Nam (NPT) và Tổng Công ty Điện lực Campuchia (EDC) đã đóng điện thành công đường dây Châu Đốc – Takeo. Căn cứ vào các thoả thuận giữa hai bên, phía NPT đã tiến hành xây dựng các công trình đấu nối đến biên giới là trạm biến áp 220kV Châu Đốc và đường dây 220kV dài 26,51km từ Trạm 220kV Châu Đốc đến biên giới; phía Campuchia chuẩn bị các công trình hạ tầng nhận điện từ phía Việt Nam gồm đường dây 220kV dài 50,13km từ biên giới đến Takeo, đường dây 220kV dài 45,75km từ Takeo đến Phnom Penh, trạm 220kV Takeo (16MVA), trạm biến áp 220kV tây Phnom Penh (200MVA). Công suất truyền tải lớn nhất qua đường dây này là 200MW, sản lượng trung bình năm từ 900 triệu kWh đến 1,4 tỉ kWh.
Dự án kết nối lưới điện hai quốc gia Việt Nam và Campuchia đã được đưa vào vận hành từ tháng 3/2009 đảm bảo cung cấp điện năng cho Campuchia trên tinh thần hợp tác hữu nghị đã được Thủ tướng Chính phủ hai nước đã ký kết”.
Theo VOA, “Các giới chức Campuchia cho hay Việt Nam sẽ cung cấp thêm 30 megawatt điện cho nước này để đáp lại đề nghị của Thủ tướng Hun Sen”. “Theo thỏa thuận mua bán điện được ký năm 2001, Việt Nam đồng ý cấp 200 megawatt điện hàng năm cho Campuchia từ năm 2009, tuy nhiên lượng điện cung cấp đã không đáp ứng mục tiêu và Việt Nam mới chỉ cung cấp 100 megawatt tính tới tháng 3 năm nay”.
Thảo dân tôi đọc xong cảm thấy công trình thiệt là vĩ đại và lòng đầy hoan hỉ. Tưởng đâu nước Việt Nam ta “nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của đảng và nhà nước” đã sản xuất điện dư thừa mứa dân trong nước xài hổng hết nên mới xuất khẩu sang Campuchia kiếm lời. Nhưng đọc thêm nữa thì lại giựt mình té ghế “chấn thương sọ não” như chơi.
Mua điện
Báo Gia Đình & Xã Hội ngày 08/05/2010 thông tin: “Sẽ tăng cường mua điện từ Trung Quốc”. Ừ, thì kinh doanh mà, mua đi bán lại kiếm lời là chuyện bình thường. “Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 5 tình hình cung ứng điện tiếp tục gặp khó khăn, dự kiến sản lượng điện phân bổ trung bình toàn hệ thống ở mức 275 – 280 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất khoảng 15.900 MW nhưng EVN phấn đấu đảm bảo cấp điện ổn định cho sản xuất và nhu cầu thiết yếu của xã hội”.
Tiền Phong ngày 06/07/2010 (đăng lại nguồn tin của TTXVN) cho hay: “EVN tiếp tục mua điện Trung Quốc ở mức cao”. “Sáng nay 6-7, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2010 của Bộ Công Thương, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tập đoàn này đã bị lỗ 4.700 tỷ đồng vì mua nguồn điện giá cao”. Tưởng “mức cao” là mua số lượng nhiều, ai ngờ “mức cao là mua giá cao”, nói nôm na theo nghĩa bình dân học vụ là ta “mua mắc” (đắt), còn phía Trung Quốc thì “bán mắc” (đắt). Tuy nhiên, ta vẫn phải bóp bụng, è cổ mà mua, bởi vì: “Theo EVN, do thời tiết khô hạn và nước về muộn nên trong 6 tháng đầu năm, nguồn thủy điện của EVN chỉ huy động bằng 84,46%, hụt hơn 1,7 tỷ kWh so cùng kỳ năm 2009. Để phấn đấu đáp ứng điện cho sản xuất và nhu cầu thiết yếu của đất nước, 6 tháng qua, cùng với sản xuất 27,6 tỷ kWh, tăng 5,86% so với cùng kỳ, EVN đã huy động tất cả các nguồn điện hiện có, tăng cao sản lượng điện mua ngoài lên 18,3 tỷ kWh, tăng 37,45% so cùng kỳ; trong đó mua của Trung Quốc hơn 2,4 tỷ kWh, tăng 31,19%”.
“Cùng với tiếp tục huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than, tua bin khí; huy động nhiệt điện dầu FO, mua điện Trung Quốc ở mức cao, nâng sản lượng điện sản xuất và mua ngoài cả năm 2010 đạt 97 tỷ kWh, trong 6 tháng cuối năm, EVN phấn đấu đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và xã hội.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VI, các dự án lưới điện cấp bách cấp điện cho Thủ đô Hà Nội và chuẩn bị các giải pháp chống thiếu điện cho miền Nam sau năm 2012”.
Hóa ra Việt Nam ta đang thiếu điện cung ứng cho nhu cầu trong nước chớ có dư đâu mà đem bán hả trời?
Và cúp điện
Vào Google gõ cụm từ “cúp điện” sẽ cho ngay “375.000 kết quả (0,24 giây)” với đầy đủ tình tiết bi đát mà dân Việt đang phải chịu đựng: “Cúp điện tràn lan, dân kêu trời” (Tuổi Trẻ 01/06/2010), “Điện cúp, hết chịu nổi” (Tuổi Trẻ 28/05/2010), “Méo mặt với việc cúp điện tràn lan” (Pháp Luật TPHCM ngày 30/05/2010). “Mặc dù cơ quan điện lực cam kết không cắt điện quá 5 giờ/lần/tuần nhưng ở nhiều khu vực đã bị cúp điện đến 16 giờ/ngày”. Tòa soạn còn “trưng” lên thêm “cái biển” in đậm nhấn mạnh đấy chất “hãi hùng” đối với người dân: “Thông tin Tổng Công ty Điện lực TP.HCM vừa bổ sung lịch cắt điện khẩn cấp trên diện rộng từ nay đến ngày 1-6 tại 24 quận, huyện đang làm nhiều người dân lo lắng. Bởi trong lúc chưa khẩn cấp thì điện đã cúp “cà giựt” ở nhiều nơi, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc của nhiều người” (Pháp Luật TPHCM ngày 30/05/2010).
Ở các tỉnh, người nuôi tôm lao đao vì… cúp điện. Nắng nóng cộng với cúp điện thường xuyên khiến bà con nuôi tôm ở xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) lao đao, điêu đứng. Không có điện bơm nước, sục bùn, làm sạch môi trường nuôi dẫn đến tôm chết hàng loạt, “nhiều vuông tôm buộc phải bán non hòng cứu vãn chút vốn liếng” (Dân trí 25/06/2010).
Người dân thủ đô Hà Nội cũng khốn khổ vì cúp điện: “Tình trạng mất điện trên diện rộng ở Hà Nội trong những ngày nắng nóng nhất khiến sinh hoạt của người dân đang bị đảo lộn nghiêm trọng. Hà Nội đang phải đối mặt với đợt nắng nóng thứ hai của mùa hè năm nay trong tình trạng mất điện triền miên. Với cái nóng “nung người”, nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 400C, lại không có điện, sinh hoạt của người dân thủ đô gần như bị đảo lộn hoàn toàn” (Thanh Niên 19/06/2010).
Sự bức xúc của người dân Thái Bình vì mất điện lên đến cao độ dẫn đến hành vi bộc phát “Trong hai ngày 18 và 19.6, hàng trăm người dân xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã áp giải lãnh đạo chính quyền xã đến bao vây Chi nhánh điện và UBND huyện Quỳnh Phụ để đòi được phân phối điện một cách công bằng”. “Nguyên nhân là do đang mùa World Cup, trời lại quá nóng bức nhưng Chi nhánh điện Quỳnh Phụ đã liên tục cúp điện mà không công khai lịch cúp. Hơn nữa, tại khu vực huyện, khách hàng nào bỏ tiền ra đấu nối đường dây trực tiếp từ trạm điện về cơ sở thì được cấp điện liên tục, nếu không thì bị cúp. Những người quá khích đã bắt một số nhân viên chi nhánh điện phơi nắng hoặc nhốt trong nhà kín để chịu cảnh nóng nực; đồng thời cắt dỡ đường dây điện của nhà chủ tịch UBND huyện” (Thanh Niên 21/06/2010). Nếu “cung” thừa mức “cầu” thì Thái Bình đâu đến nỗi xảy ra tình trạng có “hối lộ mới được cấp điện”, và đã không làm phát sinh mâu thuẫn trầm trọng giữa “nhà đèn” và dân chúng.
Tin mới nhất ngày 06/9/2010 trên báo Người Lao Động là “Hàng ngàn hộ dân Tiền Giang mất điện suốt ngày”. “Từ 5 giờ ngày 5-9, hàng ngàn hộ dân ở nhiều phường xã tại TP Mỹ Tho – tỉnh Tiền Giang bị mất điện đến 20 giờ cùng ngày vẫn chưa có. Nhiều người gọi đến đường dây nóng của Chi nhánh Điện Mỹ Tho hỏi nguyên do nhưng không ai nghe máy”. Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng- Giám đốc Chi nhánh Điện Mỹ Tho, trả lời phóng viên rất là “vô tư vô trách nhiệm” rằng “mất điện kéo dài là do tiến hành bảo vệ lưới điện ở trạm truyền tải Miền Đông chưa xong. Còn việc hàng ngàn hộ dân bị mất điện đến chừng nào thì bà Hoàng bảo không rõ”. Trả lời như bà Hoàng thì dốt về điện như thảo dân tôi cũng có thể làm Giám đốc Chi nhánh Điện.
Được biết, thời gian qua, ngành điện Tiền Giang vẫn vô tư cắt điện làm xáo trộn sinh hoạt của người dân. Cứ 3 ngày, Tiền Giang lại cúp điện một lần suốt 12 giờ liền ( từ 6 đến 18 giờ).
Ai hưởng lợi trong bài toán “điện”?
VnExpress ngày 30/9/2009 cho hay: “Cúp điện liên tục khiến 5.000 tấn thủy sản trữ trong kho lạnh có khả năng bị hỏng toàn bộ. Tổng thiệt hại ước tính 1.500 tỷ đồng”.
Ông Đàm Quốc Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Cửu Long Vinashin (Quán Toan, Hồng Bàng, Hải Phòng) lắc đầu ngán ngẩm: “Nhà máy của chúng tôi những ngày cao điểm của tháng 5 và 6 bị cúp điện, chỉ chạy được hơn 30% công suất. Các hợp đồng đã ký với khách hàng đành khất, hơn 1.500 công nhân liên tục phải nghỉ việc, ảnh hưởng đến cuộc gia đình họ. Tổng thiệt hại đối với doanh nghiệp chúng tôi trong đợt mất điện liên tục này lên đến hơn 50 tỷ đồng”. Ông Đinh Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Vạn Lợi nói: “Vì thiếu điện, suốt hai tháng nay nhà máy chỉ hoạt động khoảng 30% công suất, sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của khách. Nhiều hợp đồng với khách hàng chúng tôi phải hủy, chấp nhận bị phạt, mất cả uy tín. Điện liên tục bị cắt, ngắn thì 3 đến 4 ngày, dài nhất đến 16 ngày. Trong khi đó, DN vẫn phải trả lãi ngân hàng, khấu hao tài sản cố định. Tính ra gần 1.000 công nhân của doanh nghiệp này một tháng chỉ làm việc có 10 ngày vì mất điện. Tổng thiệt hại do bị cúp điện, khoảng hơn 30 tỷ đồng” (Tiền Phong ngày 07/07/2010).
Như vậy, mới tính sơ sơ có 3 doanh nghiệp đã thấy con số thiệt hại vì mất điện không sản xuất được là 1.580 tỷ đồng. Nếu tính tổng thiệt hại của tất cả các ngành nghề kinh doanh, sản xuất, dịch vụ trên cả nước thì có số thiệt hại vì mất điện trên cả nước là bao nhiêu? Chưa thấy ngành điện cũng như cơ quan chức năng nhà nước nào thống kê con số này.
Một bạn tên Phong bức xúc: “Đã đến lúc cần loại bỏ nạn độc quyền của ngành điện lực để các tập đoàn điện lực khác có thể tham gia vào sản xuất, cung cấp đầy đủ điện cho đời sống và nền kinh tế của Việt Nam. Nếu cứ tiếp tục thế này thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải phá sản, nạn thất nghiệp sẽ gia tăng, đời sống người dân điêu đứng…”.
Dĩ nhiên là Việt Nam dùng tiền ngân sách mua điện của Trung Quốc, chớ không phải từ tiền túi của mấy vị chóp bu ngành điện, tức là tiền của dân. Nhưng người dân Việt Nam không hề được biết Việt Nam mua điện của Trung Quốc giá cao là cao bao nhiêu? Cụ thể là bao nhiêu tiền 1 Kw điện? Cao hơn giá thành sản xuất điện của Việt Nam (chưa tính các khoản phí và thuế) bao nhiêu phần trăm?
Việt Nam bán điện cho Campuchia giá báo nhiêu? Thời gian qua lời lỗ thế nào? Ai thu số tiền này? Có phụ thu, có lũy tiến như dân trong nước hay không? Chi xài số thu này vào việc gì? v.v… là những “bí ẩn” không ai biết cả ngoại trừ những vị chóp bu ngành điện.
Người dân Việt Nam vẫn trả tiền sòng phẳng khi mua điện chớ có ai quịt của nhà nước được đồng nào đâu, hóa đơn thu tiền điện của người Việt Nam kèm theo đủ loại thuế, tính tiền kiểu lũy tiến dùng càng nhiều càng bị tăng giá. Vậy tại sao nhà nước Việt Nam không bán điện cho dân trong nước dùng, mà lại đem bán cho Campuchia, làm cho dân tình khốn khổ, lao đao?
Đã gọi là “nhà nước của dân, do dân, vì dân” mà dân không được biết gì về công việc quản lý đất nước, sao có thể nói đây là nhà nước dân chủ và người dân được làm chủ ở chỗ nào?
Nguồn: Blog Tạ Phong Tần