WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ăn, Tu, Yêu (Eat, Pray, Love)

LTG: Lâu nay tình hình Việt Nam càng lúc càng tiêu cực khiến tôi có ý định viết về tình yêu, các cuộc tình toàn cầu hóa thời thượng. Nhiều lúc sầu thảm quá, tôi tự hỏi sao mình không quên đi thân phận Việt mà sống như Mỹ – hoặc giả như các cô cậu Mỹ con – chỉ biết yêu thương vung vít, như vậy có phải cuộc đời sẽ dễ dãi, vui sướng hơn không? Tình cảm có vui buồn nhưng ít ra trong cái tai vạ của tình yêu, đôi khi lâm ly bi đát, nhưng nó không đày đọa tinh thần, không hủy diệt phẩm chất, quán tính con người và cuộc sống, không chết người(hay chết cả bao nhiêu thế hệ) bằng tai họa của chính trường Việt Nam, mà – trong thời buổi thông tin đại chúng này – người hải ngoại lại tiếp thu những tin tức bất cập nhất nhiều hơn người trong nước.

Tôi đọc ở đâu đây: tình yêu đối với phụ nữ là cả một thế giới to tát, trong khi đối với nam giới sự nghiệp và đất nước có thể chi phối cả một đời. Từ Facebook, một mạng xã hội đại chúng, tôi lại phát hiện được nhiều tình tiết éo le, nhiều câu chuyện chính chị chính em giật gân và lý thú hơn chuyện chính trị thật. Cho nên sự tình thời thượng chính là chuyện thởi đại, có thật như những gì xảy ra hàng ngày cho chính chúng ta và người thân quen chung quanh.

————
 

Ăn, Tu, Yêu (Eat, Pray, Love)

“Thái Anh ơi,
Chắc TA phải đi tập Yoga, tu thiền hay làm gì đó để chống stress, trầm cảm. Cuộc đời vốn vô thường và mọi chuyện, kể cả chuyện chính trị, đất nước, dân tộc gì gì đi nữa rồi cũng trở thành hư không thôi. Hi vọng TA sẽ mau chóng thoát ra khỏi tình trạng này.”

Chia sẻ nỗi bất lực và yếm thế với một bậc đàn anh ờ Việt Nam, tôi không hiểu lời khuyên của anh có ứng dụng với phát biểu của mình trên một diễn đàn: “Sao không nhìn đời với cặp mắt bàng quan để tránh bị cuốn kéo vào những chuyện trầm kha,” nhưng lại viết thừa một chữ G (gờ) thành ra bàng quang, nên có người sửa lưng, bảo sao Thái Anh lại nhìn đời một cách kỳ quặc thế?

Ừ nhỉ, ai lại nhìn đời bằng bọng đái bao giờ? Chuyện đất nước mình, lãnh đạo không nghe (đừng nói gì đến lắng nghe) nguyện vọng của người dân (chấm hết, không xuống hàng, ngắt đoạn gì sất!). Uất ức và tức quá nhưng không như khi bị bí/tức đái, người ta không xả sút bắp cho nhẹ nhõm được. Như vậy, chuyện đất nước mình có phải là chuyện bàng quan đối với những khúc-ruột-ngàn-dặm như tôi không nhỉ?(Giá thử ta không phải da vàng mũi tẹt, không mang hành trang văn hóa nên không gheo dõi được tin tức Việt ngữ trên mạng thì nhiều lúc quên phứt đi thân phận VN, cứ cho mình là Mỹ cho rảnh nợ, chả phải mệt óc!)

Bỗng dưng, một ý nghĩ loé lên trong đầu. Qua lời khuyên mang tính hiền triết Đông phương, chuyện tu thiền Yoga đối với một người sinh động như tôi có lẽ khó thực hiện được, nhưng anh bạn nhà văn có nói thêm hay làm gì đó. Có phải đối với tôi hay làm gì đó ngụ ý khi muốn quên đi thực tại, người ta cần phải yêu nhiều, cần phải nhìn đời bằng đầu dưới thì có thể sẽ đỡ hơn, tốt hơn đầu trên? Nói chuyện yêu below the belt (dưới thắt lưng), làm tôi nhớ đến chuyện người Mỹ thích sống cho bản thân, cho cá nhân mình, thể hiện rõ ràng, cụ thể như cuốn phim tôi vừa coi hôm nọ do Julia Roberts thủ vai chính:

“Cô bị đau bọng đái vì lâu nay thiếu sex, nay lại làm tình quá độ nên bị viêm (infected) bàng quang…”

Lời nói của một thầy thuốc ở Bali, Indonesia với cô Elizabeth Gilbert, tác giả hồi ký/memoir “Eat, Pray, Love” một câu chuyện thật của đời cô Gilbert, kể lại chuyện đi tìm chân lý và điểm tựa và thăng bằng trong cuộc sống bằng cách bỏ ra một năm trời (2006, khi cô 32 tuổi) đi du lịch Ý (đề Ăn), Ấn độ (để Tu Thiền) và Bali, Nam Dương (để tìm Tình Yêu).

“Eat, Pray, Love” là bestseller trên New York Times hơn ba năm nay. Trong khi, nhiều người Việt đi tìm chân, thiện mỹ cho VN, thì (một người) đàn bà Mỹ rửng mỡ, ly dị chồng vì lỡ ngoại tình, không tìm ra hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân nên đi tìm cách hưởng thụ: vừa nghệ thuật ăn chơi La Mã vừa đạo lý phương Đông cho tâm tư bớt xáo trộn. Thế mà chị em gái Mỹ thi đua đổ xô nhau tìm đọc, còn tôi thì bị lôi kéo đi xem trên màn bạc một chuyện điển hình của Tây phương, săn tìm chân lý Á đông của một y thị người Mỹ!  Những người đàn bà (đàn ông) đại trà ở Mỹ hay những nơi nào khác trên thế giới đã mua và đọc sách của cô Gilbert đã nâng tác phẩm vớ vẩn này lên hàng best seller cả ba năm dài đằng đẳng!

Có phải sự khác biệt giữa họ và tác giả nằm ở điểm cô Elizabeth Gilbert là một nhà văn bay bướm biết dùng thiên khiếu văn chương của mình để làm giàu, và hơn nữa có phải cô Gilbert làm được gì những lứa tuổi 20, 30, 40, (thậm chí 50) chỉ mơ ước hoặc đang tìm cách thực hiện? Thật vậy, một năm du lịch thế giới Ý, Ấn độ và Bali của cô Elizabeth Gilbert đã được tài trợ bằng tiền sách ứng trước của nhà xuất bản Viking.

Nghĩa là đúng như lời bài hát của Paul và Linda McCartney (The Beatles) Silly Love Songs (Những bài Tỉnh Ca Vớ Vẩn) là cuộc sđời sẽ lên hương, vui sướng rồi!

You’d think that people would have had enough of silly love songs
But I look around me and it isn’t so.
Some people wanna fill the world with silly love songs
And what’s wrong with that?
I’d like to know, ’cause here I go again
I love you, I love you (1)

Mặc dù vớ vẩn, thế giới đảo điên ngày nay vẫn tìm đến tình yêu như một lối sống, một chân lý, một cứu cánh của cuộc đời. Gần hai trăm năm trước, nhà thơ Alphonse de Lamartine (1790-1869) trong bài thơ dài Pourquoi mon âme est-elle triste đã than thở: (Xin chọn dịch hai đoạn phù hợp với tâm tư mình)

Pourquoi gémis-tu sans cesse,
O mon âme? Réponds-moi
D’ où vient ce poids de tristesse
Qui pèse aujourd’hui sur toi?
Au tombeau qui nous dévore,
Pleurant, tu n’as pas encore
Conduit tes derniers amis!
L’astre sérein de ta vie
S’élève encore; et l’envie
Cherche pourquoi tu gémis

Hélas! dans une longue vie
que reste-t-il après l’amour?

Dans notre paupière éblouie
Ce qu’il reste après un beau jour!
Ce qu’il reste à la voile vide
Quand le dernier vent qui la ride
S’abat sur le flot assoupi,
Ce qu’il reste au chaume sauvage,
Lorsque les ailes de l’orage
Sur la terre ont vidé l’épi!

Vì sao than thở mãi
Tâm hồn ơi? Hãy trả lời ta
Nỗi buồn trĩu nặng từ đâu
Sao bây giờ đè nặng mãi hồn ta
Nơi mộ địa xác thịt chúng ta tan tành
Khóc than, em vẫn chưa đưa lối cho những người bạn cuối cùng!
Tinh cầu buồn lắng của cuộc đời
Vẫn vươn cao; ước muốn
tìm nguyên do vì sao em rên khóc

Than ơi! Còn gì đâu trong một cuộc đời mê mãi
Ngoại trừ tình yêu?
Mi mắt nhạt nhoè
Tình yêu là những gì còn lại sau một ngày đẹp trời
Tình yêu là những gì còn lại nơi cánh buồm trống gió
Tình yêu là ngọn gió cuối cùng đưa nó
Nằm lã trên ngọn sóng chìm
Tình yêu là những gì còn lại sau hoang tàn đổ nát
Khi những cánh giông bão
tràn qua vùng đất lạnh.

Lấy chồng không vì yêu đương?


Tình yêu do đó vẫn tiếp tục cất những bước dài, bất kể những bảng chỉ đường của trí tuệ, chỉ đi theo tiếng đập của con tim, hoặc giả nhiều lúc khốn khó, đói kém, bị quyến rũ bởi tiếng gọi của toàn-cầu-hóa, nó vội bước theo chồng qua Trung quốc, Đài Loan hay Nam Hàn kiếm ăn và kiếm sống, hạn chế cụm từ ‘toàn-cầu-hóa’ trong địa bàn những nước văn minh ăn đũa (chopsticks culture) Á châu, nơi nhân quyền và chuyện bóc lột thể xác và tình dục vẫn hãnh tiến. Từ lúc Việt Nam mở cửa, hiện tượng những cuộc hôn nhân Việt kiều nở rộ – cho đến khi các vụ trai thừa gái thiếu ở Trung quốc sản sinh ra vô số các vụ gái Việt lấy chồng Hoa kiều, từ Trung quốc đến Đài Loan, rồi Hàn quốc  -  các vụ lấy chồng nước ngoài bắt đầu tăng trưởng, vượt qua mặt các vụ lấy chồng Việt kiều. Từ 2005-2008, hơn 40.000 phụ nữ Việt lấy chồng ngoại kiều, có hơn 30.000 cô dâu Việt sang định cư Nam Hàn. [Ở đây, xin không nói đến các vụ buôn người, các bé gái dưới tuổi thành niên bị môi giới ra khỏi biên giới Việt Nam để làm nô lệ tình dục.]

Thống kê cho thấy các vụ môi giới hôn nhân là một kỹ nghệ đại quy mô, chỉ tại Nam Hàn đã có đến 1.253 công ty môi giới hôn nhân chính thức đăng ký năm 2008. Ở các nước như Nhật bản, Nam Hàn và Đài Loan, con số di dân lớn thứ nhì sau những công nhân lao động nước ngoài là những ngoại kiều nhập tịch qua dạng hôn phối. Năm 2008, cứ năm người nhập tịch ở Đài Loan thì bốn người là cô dâu Việt Nam. Năm 2009, 25.142 phụ nữ vào Nam Hàn là những người nhập tịch qua dạng hôn nhân.

Tìm người yêu trên Facebook?

Hôm nay, tôi xin không mạn bàn đến những tình yêu đang đập theo nhịp bóp không tự nguyện của bao tử, khiến chị em ta (theo đúng nghĩa của ngôn từ, chứ không phải tiếng lóng hàm ý nói các cô buôn son bán phấn) nhắm mắt đưa chân cho người Trung hoa (hay Hàn quốc) cấy giống, mà chỉ nói đến hiện tượng chị em các cô đẹp gái tự tin rằng mình sẽ vớ được một tấm chồng Việt kiều (hay Âu Mỹ) để vượt ra khỏi vùng đất nước khói bụi. Không khéo cái nắng gay gắt của quê hương sẽ bắt mình mang găng tay dài (đến cùi chỏ) chống nắng cho đến tuổi ế chồng. Và hơi cay ô uế của khói bụi sẽ khiến các cô mang khẩu trang che đi vẽ mỹ miều của làn môi mọng, cong cớn của tuổi xuân-thì hy vọng một ngày nào đó sẽ không bị trề xuống như khi bị chê bai vì sắp viếng tuổi già. Cho nên với một chút nhan sắc các cô vẫn tranh thủ ráo riết bằng hình ảnh qua các mạng lưới toàn cầu, vẫn tìm yêu nơi nước ngoài.

Nếu phần lớn các thiếu nữ nhà quê lấy chồng qua công ty môi giới, thì những cô gái thành thị Việt Nam hiện đại tìm mai mối cách nào? Tất nhiên họ có nhiều cách. Tôi không muốn so sánh Facebook với các websites như VietSingles.com, Độcthân.com hay Cupid.com, vì những websites này chủ yếu mai mối, gả bán những con người gái muốn đi đến hôn nhân. Trong khi đó Facebook không đặt trọng tâm trong chuyện tìm vợ, tìm chồng. Nhưng nếu nói đến cách thức phổ biến tin tức rộng lớn bằng điện tử, một hình thức quảng cáo cho cá nhân mình thì có lẽ Facebook là một phong trào truyền thông đại chúng, tìm bạn bốn phương tân thời, hiện đại và đa dụng nhất thế kỷ này. Facebook là một hệ thống mạng lưới đại trà giúp liên kết các nhân vật vì nhiều lý do khác nhau chứ không chú trọng hay thiên về chuyện ông tơ bà nguyệt. Và như thế bộ mặt Facebook đã sáng sủa hơn, giúp các cô (và các chàng) bớt lúng túng, khỏi mang mặc cảm đang mai mối.

Ở Mỹ (phương Tây), từ lúc khai sinh mạng lưới toàn cầu, thì bao nhiêu phương tiện tìm bạn bốn phương như các mạng Facebook, My Space, youtube, twitter… cũng nở rộ thăng hoa theo sau, giúp cho việc tôn thờ chủ nghĩa cá nhân được thịnh hành. Người ta chỉ cần tìm cách tiếp cận với một mạng lưới toàn cầu là có thể tìm đến những người có phương tiện tương tự ở khắp năm châu bốn bể. Đây là một dịch vụ miễn phí đa dạng để quảng cáo, phổ biến các vai trò chuyên môn của cá nhân, từ nghệ thuật, đến diễn xuất, đến viết lách, đến chính trị, đến thương nghiệp trong xã hội.

Đa số những người ở hải ngoại  tìm bạn hay tìm tình yêu không phải bận bịu với những thủ tục thanh toán tiền bạc, như các websites mai mối nói trên, nơi họ phải trả một số tiền mỗi tháng để vào xem hình ảnh, profiles của các  cô. Làm cho các cô dễ chịu đỡ bị mang tiếng đi kiếm chồng hay người yêu. Ai cũng có thể đăng/post hình ảnh, âm thanh hay phim của mình trên mạng này. Facebook có thể theo sát mỗi thành viên của mình bằng cách móc nối với họ qua e-mail, điện thoại di động mỗi khi có ai trong hệ thống bằng hữu của mình đăng lên một ý kiến gì. Ở Mỹ, thành viên Facebook có thể rủ hay lôi kéo nhau đi ăn ở một tiệm ăn, tụ tập tại một buổi tiệc, party hay nơi ăn chơi nào đó v.v.. thành viên có thể được giảm giá, quán ăn hay thương hiệu nào sẽ được thêm khách hàng và Facebook được tiền tiếp thị.

Ngoài các thí dụ điển hình nhất của các chính trị gia muốn kiếm phiếu, các người mẫu, ca sĩ, diễn viên hay nghệ sĩ có nhu cầu nối vòng tay lớn với các ‘fan’ hâm mộ mình, tôi không hiểu có ai làm thống kê chính thức xem bao nhiêu cuộc tình xuyên Thái bình dương đã xảy ra nhờ mạng Facebook? Ở Việt Nam, có lẽ do động lực muốn tìm đường xuất ngoại, có thể do tình yêu thúc đẩy, Facebook đang là một công cụ giúp kết nối những giao du này. Trong khi đó ai là các người có chút ít nhan sắc, tự phát và tự tiếp thị với bên ngoài bằng những hình ảnh khêu gợi và bắt mắt của mình?

Có phải trong số họ là những người trẻ đời thường, tân thời biết ít nhiều Anh ngữ, tuổi từ 20 đến 30? Những người có hoặc ít tiếng tăm, nhưng có nhiều thì giờ trong tay, rảnh rỗi thích tán gẫu với bạn bè, hằng ngày viết lên những lời vô bổ, vô thưởng vô phạt, thích nhắc lại triết lý cùn của các văn sĩ vô danh nào đó nhằm khơi mào những lời bàn tán khi thì hăng say khi nhạt nhẽo với những người ngưỡng mộ, yêu chuộng đã được họ nhận làm bạn? Khi được ai mời làm bạn, người ta có thể trông mặt (ảnh) mà bắt hình dong, tìm hiểu con người qua chân dung (profile) và những lời các cô viết về mình. Họ tìm vui qua không gian ảo để giết thì giờ, biết đâu sẽ tạo ra cơ hội gặp người thích hợp. Facebook cũng giúp cho họ có những tiếp xúc riêng tư để trao đổi điện thoại hay địa chỉ e-mail hy vọng sẽ có lúc kiểm chứng lại nhân dáng (nếu không phải thân thế hay gia cảnh) trong một không gian thật.

Ai cần chiều sâu nếu mình có sắc đẹp?

Nhiều lúc tôi thầm hỏi có phải trong cuộc sống tìm chân thiện mỹ, người đàn ông đã quá chú trọng đến cái đẹp, cái dung nhan ngoại hình của nữ giới, làm các cô trong một xã hội thiên về vật chất như Việt Nam đã bỏ qua cái chân, cái thiện mà chỉ chú trọng đến cái ‘mỹ’ bề ngoài của mình? Nếu đời thường cũng giống phim ảnh, như  “Để Mai Tính” thì cuộc đổi chác sắc đẹp lấy an nhàn vật chất trong cuộc sống thì không có gì để nói. Ngay cả Mai, nhân vật chính trong phim đã có lúc phân vân, lưỡng lự giữa tình yêu và cuộc sống xa hoa đã thốt lên: “Tình yêu không phải là tất cả.”

Quá đúng, đời nay người ta không thể sống bằng tình yêu trong một túp lều tranh và hai quả tim vàng. Lại càng đúng hơn, nếu các cô Việt Nam trên Facebook không muốn mình trở thành một ‘trophy wife’, một ‘kept woman’, một vật sở hữu tư của một đại gia thích khoe người tình như khoe của. Nhưng thật ra chẳng ai rước mình về dinh và đặt mình lên bàn thờ như một pho tượng bao giờ. Ngay cả một đại gia. Bao giờ cũng là một cuộc đổi chác. Ở Việt Nam, cuộc đổi chác là một vài các sách tay hàng hiệu Luis Vuitton, Pravda, hay Gucci, giỏi lắm một chiếc xế bóng lộn, dành cho các siêu mẫu những giây phút phô trương, cho đàn ông sự cảm khoái có được người đẹp để khoác trên tay, đưa đi những buổi tiệc tiếp tân sang trọng như những con búp bê biết đi, biết nói. Hoặc giả các cô được an phận làm vợ bé hay làm nhân tình các ông tai to mặt lớn, các đại gia khi họ xa gia đình vợ con…

Không hiểu các cô ưng lấy chồng ngoại quốc có muốn người ta đánh giá mình bằng giá trị nội tại nào không, vì ngoài nhan sắc ra không hiểu các cô thích mang gì đến với cuộc sống hôn nhân? Trái lại, các ông thích cưới các cô trẻ đẹp ao ước gì khi lấy họ về? Họ có muốn coi phối ngẫu mình như một chiến lợi phẩm, một vật trang sức, bày biện trong nhà, uốn nắn họ theo như sở thích của mình? Có phải vì vậy mà một số các cô chỉ thích trau dồi nhan sắc hay thể hình mà không cần học hành, trau dồi Anh ngữ, huấn nghệ gì cả. Không hiểu khi lấy một Việt kiều không phải là một đại gia thì các người đẹp nghĩ rằng mình sẽ làm gì một khi được di dân qua Mỹ?  Các cô mơ mộng quá, thần thánh hóa cuộc sống nước ngoài nhưng lại không hiểu mặt thực của nó, chỉ nghe đồn đãi thực hư lẫn lộn, xúi bẫy những chuyện ma mãnh. Không biết rồi đây khi sang nước ngoài có lấy sắc đẹp mình ra mà ăn được không? Ngay cả đối với những cô thích làm model lấy chồng để bắc cầu sang Mỹ. Tiêu chuẩn người mẫu của Hoa kỳ, của các nước Tây phương cao hơn, chắc gì các cô được bầu chọn? Và tôi cũng tự hỏi mình, hỏi các người đàn ông háo sắc, có mấy ai thật sự muốn lấy một người đẹp về rồi cho họ trưng diện theo đuổi nghề bán sắc đẹp của mình không?

Trong khi đó, nếu nói đến các cuộc tình éo le khác đang xảy ra – không mang tính chất lợi dụng, mà cái ‘thiệt’ không phải lúc nào cũng nằm ở phía các anh Việt Kiều – người ta có thể quan niệm rằng tình yêu là một cuộc đầu tư mà vốn liếng được đong bằng thì giờ, tiền bạc và đam mê của mình, thì có khi nào các cô lại đầu vốn, yêu đương nhiều hơn?  Trong trườn hợp đó, có cần phân chia tình yêu thành hai trưởng hợp: 1) Yêu chỉ vì yêu, sống cho rạo rực, tạo tổ ấm bên nhau và quên đi hết mọi chuyện; 2) yêu là nghĩ đến tương lai và sự nghiệp của mình và con cái? Hay là đây là hai giai đoạn của tình yêu cần được định hướng về xây dựng lâu dài?

Cho nên trong tình yêu thì người phụ nữ cuối cùng cũng trở nên thực tế hơn cả, đâu phải khi biết yêu là mơ mộng nhiều. Vì nếu mơ mộng là nghĩ đến sự yên ấm cho mình và cho tương lai con cái mình thì thiết nghĩ đó là một chuyện thực tế, người phụ nữ mong tìm đến một người đàn ông nào có thể lo toan, bảo đảm được cho cuộc sống ấm no của họ. Chuyện này người Mỹ hay gọi là ‘security’: mối đảm bảo ấm êm trong cuộc sống.

Trái lại, đàn ông thường trách đàn bà chỉ yêu tiền của và tài sản và đồng hóa sự giàu có với tình yêu. Họ có cái lý của họ khi nói đến sự đóng góp của đối tượng mình trong cuộc sống. Nhưng lại có những người thích tách rời chuyện yêu đương với hôn nhân, họ chỉ muốn sống cho giây phút hiện tại, cho cái đam mê của hai người. Thiết nghĩ những người yêu thật, và yêu nhiều (hơn) là những người thường chịu thiệt thòi, chịu khổ lụy. Đã có những cuộc tình xuyên lục địa, xuyên đại dương mà chuyện đau khổ lại nằm phía các cô gái Việt

Vì thiết nghĩ trong một tình yêu chân thật thì có lẽ chuyện mang hạnh phúc đến cho đối tượng mình yêu là chính, và chẳng may hạnh phúc đó chính là những gì người yêu mình tìm được nơi người khác, nơi những hoàn cảnh khác mà chính bản thân mình không thể mang lại cho họ được. (Đây cũng chính là tiền đề trong phim hài lãng mạn: Để Mai Tính, khi Dustin Nguyễn thốt lên những lời chân tình với Kathy Uyên khiến nàng cảm động đến rơi lệ!) Do đó để tránh những cám dỗ và cạm bẫy cho người mình yêu, một số đàn ông hải ngoại thích để lại vợ hay người tình ở Việt Nam và thời gian sống chung hay dành cho vợ (bé) còn tùy theo hoàn cảnh của từng Việt kiều.

Ấy thế mà bản thân tôi cũng biết đến dăm bảy trường hợp các cô Việt Nam trẻ đẹp, hoặc chắp nhận cuộc tình xuyên đại dương ở Việt Nam chờ chàng, hoặc khi có phương tiện và cơ hội đi lại hai bên, một hôm khám phá ra sự thật phũ phàng trở nên đau khổ. Cũng trên Facebook, tình cờ một cô gái Bắc xinh đẹp đánh tiếng, gợi ý làm quen, làm tôi tưởng bở  — đương nhiên tôi không phải là chủ đích của sự quen biết này — mà chỉ là một chuyện bắc cầu cho cô ấy. Ai dè quả đất tròn, cô ta chưa có dịp du lịch Hoa kỳ nhưng lại quen với một người bạn của tôi ở Mỹ. Ngặt nỗi mình quen nhiều người, từ các cậu sinh viên còn học đại học hay mới ra trường cho đến các anh xồn xồn, nghèo hèn sang giàu, độc thân vui tính, có vợ chưa con, có vợ có con, ly dị không con, đủ cả! Không biết cô muốn dọ hỏi người nào?

Một câu chuyện thật phát xuất từ Facebook

Ướm hỏi
Anh Thái thân mến,

Em có một lý do khi kết bạn trên mạng với anh nhưng đắn đo mãi từ hồi đó tới giờ vẫn chưa biết là có nên nói ra hay không.

Theo anh thì em có nên không?

Thank you in advance for your advice,
N.

Nguyễn-khoa Thái Anh July 28 at 8:40am
Thì cứ nói ra! Làm gì mà em phải ấp a ấp úng?

N. August 2 at 4:40am
Để em nghĩ thêm chút đã, sợ anh bảo là trông thế mà … dở hơi ;)

Nguyễn-khoa Thái Anh August 2 at 7:40am
Trông thế là trông thế nào? Cuộc đời là ảo ảnh em ạ, những điều trông thấy, tương ra trên facebook này đa số cũng là những chuyện không thực… Anh chủ trương sống thực với cuộc đời, với mọi chuyện… Em nên nói thật, nói thẳng… giữ mãi nó gặm nhắm trong lòng không hay.

N.
Re: Ướm hỏi
Vậy thì em nói thật, nói thẳng, nói luôn vậy, anh bảo em là dở hơi thì em đành chịu.

Người ta bảo cuộc đời là ảo ảnh, mà người ta cũng bảo cuộc đời cũng là một tấm gương soi, ta nhìn đời bằng đôi mắt thế nào thì cuộc đời là thế ấy. Em thích nhìn cuộc đời thật đẹp.

Em đã đọc một số bài viết của anh, không nhiều, không ít. Em thích những quan điểm của anh.

Nhưng nói thành thật là cho dù là thích tư tưởng của anh thì em cũng sẽ lười biếng để trở thành fan hay bạn trên mạng của anh. Em muốn quen anh vì một người bạn của anh. Không biết anh có chấp nhận lý do này không?
N.

Cứ như thế qua dạng Facebook, tôi tiếp tục trao đổi với cô gái Hà Nội, phải lần lửa đoán xem người con trai, đương sự ấy là ai. Rốt cuộc người bạn tình của cô chính là anh bạn nghề nghiệp và thân thích của tôi, sau những lần gặp gỡ anh ta ở Việt Nam và khám phá ra được người yêu của mình đã có gia đình, cô bèn nhờ tôi gỡ rối tơ lòng cho mình qua những bức e-mail/chat, tâm sự dài thườn thượt, tìm thêm sự thật. Vì cô này cứ chơi chò hú tim, bắt mình đoán lần đoán mò xem đương sự gây ra sự khó xử cho cô là ai! nên có lúc phải ta thán như sau: “…may mà lúc trước anh có học ngành tâm lý học “Marriage and Family Counseling” (MFC) để ra làm tư vấn tình cảm therapist-counselor cho những người như em nên cũng tập kiên nhẫn với em một tí.   May là anh chọn dạy học thay vì làm tư vấn tình cảm e lại chuốc thêm chuyện hỡi ơi, mang rắc rối khó khăn của người khác vào trong cuộc sống của mình thì khổ lụy lắm!

Tôi quen một cô Việt Nam khác, con nhà giàu, gia đình có thương nghiệp ở Bắc Mỹ, lại có cơ chế thường trú viên ở Canada, cũng gặp một anh Việt kiều ở Việt Nam 8 năm trước đây. Mấy năm sau này khi qua Mỹ thường lui tới với anh ta, rồi khám phả ra là anh ta có vợ, nhưng tin rằng anh ấy – do có vấn đề với vợ – sẽ bỏ cô ta lấy mình. Chàng này đúng là một Việt kiều vừa giả dối, vừa đốn mạt, không những không biết tự trọng, lại xài tiền của người thương mình, sau những năm tháng lường gạt cả tình lẫn tiền của người đồng hương, bị đụng chuyện phải đối chất tay ba với vợ và người tình, rốt cuộc sợ bị vợ vứt ra đường trắng tay, nên quặp đuôi vào giữa háng, dứt bỏ mối oan gia với người tình đã cung phụng anh ta suốt những tháng ngày bên nhau.

Chuyện tức cười, cô gái Việt đã bao nhiêu lần được bạn bè người thân khuyên nhủ vẫn lao đầu cuộc tình  -mà đối với anh Việt kiều rởm là một cuộc tình tạm bợ! Thế mà cho đến khi đối đầu với sự thật không còn chối cãi được nữa, cô vẫn xót thương cho tình yêu chân thật của mình và những mất mát có thể tránh!

Việt Nam không có truyền thống tâm lý học

Cũng xin thú thật, rèn luyện, trau dồi cách mấy, ngành tư vấn tâm lý/counseling đối với tôi là một nghề rỗi hơi! Vì có ai thật sự nghe mình bao giờ? Nhất là có người trước sau chỉ muốn đạt được ý nguyện/ý thích của mình và tìm đến người khác chỉ để được người ấy biểu đồng tình (trong tâm lý học, người Mỹ gọi là validate) lại đường đi của mình là đúng. Nói chung, đối với người Việt, chuyện gỡ rối tơ lòng với một nhà chuyên môn (counselor/therapist hay psychiatrist) lại càng khó thực hành – tôi có viết về tiền đề này trong khóa học counseling/therapy và được một con A+ to tướng.

Nguyên do: người Việt không có truyền thống đi giải bày tâm sự với một người chuyên môn nhưng xa lạ, lại phải trả tiền giờ. Lúc trước, ở miền Nam, có những vụ như mục gỡ rối tơ lòng của bà Tùng Long, giúp đọc giả trên báo chí tìm cách ứng xử theo thói quen và tập tục trong xã hội thời bấy giờ, hoặc cùng lắm khi có chuyện khó xử, phiền muộn, người Việt hay đi xem bói toán, tử vi, hay lên chùa tìm đến sự yên tịnh, tụng kinh tìm giải thoát. Hoặc giả, họ có thể tìm đến các thầy quen biết lâu ngày mong được chỉ lối ra. Người công giáo, không hiểu khi đi xưng tội, họ có tìm cách giải tỏa tâm sự u ẩn của mình  với các cha không?

Nhưng nếu tôi không lầm thì Việt Nam cho đến nay vẫn không có các nhà tư vấn chuyên môn hay bác sĩ tâm lý học. Ngày nay, tâm lý học Tây phương cũng không hẳn phải vạch ra một đường lối, một giải pháp cho người trong cuộc (tôi không muốn gọi họ là patient/bệnh nhân) biết lối đi. Lẽ dĩ nhiên, có nhiều trường phái và phương pháp trong khoa counseling, và thông thường người trong cuộc được nghe, được giải bày tâm sự – cũng đã là một cách làm vơi đi nỗi khổ lụy của họ rồi. Tốt nhất là làm cách nào để họ tự chọn lấy giải pháp. Đúng hơn, một counselor giỏi phải giúp cho người bị rối rắm có cảm tưởng chính họ đã tìm ra lối đi. Sau cùng, cách gỡ rối tơ lòng tốt nhất – chí ít cho những người không có phương tiện – cũng là thời gian. Anh Mỹ có câu: “Time heals all wounds” Thời gian gỡ bỏ được mọi vết thương lòng (tôi không tin vào chuyện tự vận).

© NKTA

© Đàn Chim Việt

Phản hồi