Xin đừng đầu cơ lập trường
(Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Đức Bách, nguyên Phó Viện trưởng viện Chủ nghĩa xã Hội Khoa Học)
Thưa Ông Nguyễn Đức Bách kính mến!
Một cách tình cờ, tôi gặp tên ông trên báo Vietnamnet ngày 27/09/2010. Thú thật, tôi hơi ngỡ ngàng. Trước hết, lâu lắm tôi đã không thấy ông hoạt động gì, những tưởng ông đã «rửa tay, gác kiếm», cái nghề lỗi mốt (mode). Thứ hai, tôi không ngờ những điều tôi đọc được lại là những suy ngẫm bấy nhiêu năm «đèn sách» của ông.
Tôi không có ý tranh luận với cá nhân ông. Bởi vì, ở thời đại thông tin «phẳng» này, mọi người bình đẳng với nhau về chính kiến cá nhân. Nhưng rất tiếc là trong tất cả những luận điểm đưa ra, người đọc không biết là của riêng hay ông nhân danh đảng. Có vẻ như ông không minh bạch trong chuyện cần phải rạch ròi này.
Trong khi ông phê phán các ý kiến đóng góp là «chung chung», thì tất cả những gì ông đưa ra lại không rõ ràng, không cụ thể, gây lẫn lộn thật giả, rất nguy hại cho dư luận.
Khó có thể cạn nhẽ với ông trong một bài báo, nhưng thú thật, tôi thất vọng vô cùng về một đội ngũ các nhà nghiên cứu lý luận của đảng, khi đọc bài báo phản ánh tư tưởng của một người có tư cách đại diện cho nền học vấn cộng sản như ông. Tuy vậy tôi sẽ cố theo từng ý kiến của ông.
+ Khi phản bác lại ý kiến đề nghị “Cần tuyển lựa từ xã hội để tạo bứt phá cho đảng… cần tự do ứng cử, bầu cử…”. Có vẻ như ông chê người này chẳng biết gì, Ông nói: «bầu cấp ủy đảng Cộng sản sao lại tuyển lựa từ xã hội?».
Sao ông chậm hiểu, hay cố tình không hiểu! Chẳng lẽ người ta phải nói toạc ra là nếu cứ chỉ có đảng bầu bán với nhau thì làm sao tạo ra được bứt phá! Có ai trong đảng tay không nhúng chàm? Có ai trong lãnh đạo còn trong sạch? Ai trong đảng, nhất là những đảng viên đang có chức lại không có tài sản bất chính? Còn trình độ thì… như ông chẳng hạn, bao nhiêu năm đèn sách vẫn khư khư lối tư duy già cỗi! Liệu có gì thay đổi, «bứt phá», nếu lại tiếp tục giữ nguyên cách thức bầu bán trong nội bộ cấp ủy với nhau?
Nhưng dưới chế độ hiện hành độc đảng lãnh đạo, đúng như ông nói, làm sao tổ chức bầu tuyển cán bộ lãnh đạo ngoài xã hội, nghĩa là tuyển chọn được người có tài có đức thực sự cho dân cho nước? Đây chính là nghịch lý mà cái ý kiến kia của ai đấy muốn gợi ý cho những người còn suy nghĩ (Trong những người ấy hình như không có ông). Cái mâu thuẫn lớn nhất, cái trớ trêu nhất hiện nay nằm ở chính chỗ này: Giải pháp cho vận mệnh quốc gia dân tộc thực đã nằm bên ngoài tổ chức đảng. Nếu cứ quanh quẩn bên trong cái «hộp chắn xích» ấy, sẽ chẳng có gì mới cả. Nhưng công cụ bầu cử để lựa chọn nhân tài giải phóng cho dân lại nằm trong tay đảng, do đảng độc quyền lèo lái.
Hãy cải cách cơ chế bầu cử để mọi tinh hoa của dân tộc bình đẳng với nhau về cơ hội cống hiến. Nếu «Đảng không có một quyền lợi nào khác ngoài lợi ích dân tộc», thì một cơ chế như vậy, chắc chắn sẽ hợp với «lòng đảng», không thể giống cái giọng khinh khỉnh của ông: « sao lại tuyển lựa từ xã hội» ? Có thể có một có chế: Tổng Bí thư là đảng viên, nhưng Thủ tướng ngoài đảng do dân trực tiếp bầu, ứng cử thông qua đối chất công khai?
+ Ông nói: «Đảng ta đâu có ngại dân chủ? Đâu phải Đổi mới thì Đảng ta mới chấp nhận dân chủ? Đảng đâu có coi thành tựu dân chủ là diễn biến hòa bình». Nhưng xin được hỏi ông: ông có chứng minh được điều ông nói không?
Tôi nói: Đảng không chỉ ngại mà là sợ dân chủ. Kể cả sau đổi mới, Đảng chưa bao giờ chấp nhận dân chủ. Dân chủ không chỉ là diễn biến hòa bình mà sẽ là người «đào mồ» chôn vai trò độc tôn của đảng, nếu đảng cứ cố tình lẩn tránh dân chủ, cứ khư khư mớ kiến thức lỗi thời, cổ hủ. Nếu tất cả đều cùng một lối nghĩ và cũng chỉ có thứ kiến thức có trong cái đầu của ông.
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói tai hội nghị TƯ 12: «… công bố lấy ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp và ý kiến của nhân dân. Đây là một khấu rất quan trọng trong xây dựng Đảng về chính trị – vấn đề cốt tử của Đảng»
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: « bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 phải phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo động lực mạnh để đưa đất nước đi lên».
Nhưng, trước khi công bố các văn kiện Đại hội ra công chúng để lấy góp ý vào ngày 15/09/2010, thì ngày 10/09/2010, Ban tuyên giáo TƯ ra hướng dẫn:
«- Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, kết hợp đấu tranh trực diện với việc tuyên truyền khẳng định những thành tựu của đất nước.
- Không đăng và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng những ý kiến phản bác chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về học thuyết Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về vai trò lãnh đạo của Đảng»
Ông giải thích chuyện này như thế nào, thưa ông?
- Ông Mạnh đã nói không thật?
- Ông Nguyễn Phú Trọng giả dối, mị dân?
- Ban tuyên giáo Trung Ương phản lại tư tưởng dân chủ của Đảng? «Trên bảo dưới không nghe»? Hay tất cả chỉ là một trò chơi?
Tại sao Đảng phải «đấu tranh»?. Chẳng lẽ những ý kiến không giống Đảng đều thuộc lực lượng chống đảng, là đối tượng đấu tranh, là kẻ thù của đảng?. Như vậy, thưa ông Nguyễn Đức Bách, có phải ông cùng với đảng quan niệm Dân chủ là phải nói giống như đảng nói và chỉ được nói những điều đảng cho nói, đảng muốn nghe?
Đảng « không ngại dân chủ » nhưng «Không được đăng và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng những ý kiến phản bác chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng». Ông có cần bình luận gì thêm không?
+ Với ý kiến đề nghị: «đảng phải là đảng của dân tộc”, tôi thấy ông lòng vòng, dẫn dắt những gì lôi thôi, tối nghĩa. Ông làm ra vẻ thông tuệ, uyên bác với một loạt trích dẫn, mà thực ra chẳng để giải thích cho cái gì cả. Tôi thấy ý của người đóng góp quá rõ ràng và đơn giản, có cố tình «cắt xén», xuyên tạc gì đâu mà ông phải nhiều lời vậy!.
«Đảng phải là của Dân tộc» nghĩa là đảng không phải chỉ của một nhóm người đặc quyền. Ông đã không hiểu rằng, cái ý nguyện đóng góp hết sức lành mạnh là đảng hãy để cho toàn dân chung sức xây dựng đảng, không chỉ của riêng những đảng viên.
Có nghĩa là lãnh tụ tối cao của đảng phải hoặc có thể do dân trực tiếp bầu ra và xác nhận uy tín bằng lá phiếu không do một tổ chức nào làm thay, nhất là cái tổ chức đó, truy tới gốc, lại vẫn do đảng điều khiển (như Mặt trận Tổ quốc chẳng hạn).
Có nghĩa là nếu “Chủ nghĩa Mác- Lênin và Chủ nghĩa xã hội là lựa chọn của Đảng và là lựa chọn của dân tộc”, thì phải đưa ra Trưng cầu Dân ý xem có đúng là dân lựa chọn không chứ, sao Đảng lại tự nhận ra vậy?
Đấy là cách duy nhất biến đảng thành tài sản của dân, gắn bó quyền lợi và trách nhiệm của đảng với lợi ích của dân của nước. Cấp ủy bí mật giới thiệu nhau, bí mật bầu bán với nhau, xong việc, mới công bố trên đài trên báo, dân dù không biết người ấy là ai thì cũng phải chấp nhận như việc đã rồi, và cam chịu. Xưa nay vẫn thế, bầu bán lãnh đạo là việc riêng của đảng, quen rồi. Vì vậy mới có cái ý kiến đề nghị đảng phải là của dân tộc. Ông thật chậm hiểu!
Đấy là cách duy nhất để không phải làm cái việc lộ liễu và có phần thiếu minh bạch là gán ghép điều 4 vào hiến pháp để lập lờ trộn lẫn đảng với dân tộc.
+ Với luận điểm: «dân tộc phải gắn liền với CNXH; chỉ CNXH mới đảm bảo độc lập, phồn vinh cho dân», tôi nghĩ đây là vấn đề đang còn tranh cãi ngay trong nội bộ đảng cộng sản, ngay cả trong chính cái viện CNXHKH (chủ nghĩa xã hội khoa học) mà ông từng là viện phó.
Ông Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương đảng, trưởng Tiểu ban Dự thảo cương lĩnh, cũng thừa nhận: «… chủ nghĩa xã hội là gì? Xây dựng và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào? Đó là điều mà Đảng ta luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi… (Tạp chí cộng sản 122 năm 2007).
C. Mac chưa bao giờ có lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Mác chỉ có một số gợi ý và dự báo. Ông mới chỉ hình dung một cách mơ hồ rằng, sau chủ nghĩa tư bản sẽ có một thứ xã hội khác thay thế. Cái xã hội đó sẽ không có giai cấp, không có sở hữu tư nhân, không có nhà nước. Nhưng cấu trúc của cái xã hội ấy như thế nào, nó sẽ vận hành ra sao, tồn tại được bao lâu, làm thế nào mà sự phát triển tột đỉnh của chủ nghĩa tư bản có thể biến mất. Chuyên chính vô sản làm cách nào tước đoạt được toàn bộ quyền lực để chuyển từ Tư bản sang Cộng sản? Cái xã hội làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu sẽ có hình thức như thế nào?. Nhu cầu của con người dừng lại ở giới hạn nào. Những kẻ lười biếng và tham lam có tự xuất hiện trong cái xã hội không tưởng nhưng “khoa học” ấy không…?
Còn cái Viện Mác-Lê cùng với cái viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, nơi ông hủy hoại toàn bộ tuổi trẻ, đã làm được gì? Bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, bao nhiêu cái đầu đã có thời háo hức đầy tham vọng, suốt gần nửa thế kỷ đèn sách, vẫn ôm mộng tạo ra cái gì đó chưa hề có trên mặt đất, mà bây giờ, chính các ông, ngay cả chính linh hồn của nền lý luận công sản Nguyễn phú Trọng cũng phải tự hỏi: “chủ nghĩa xã hội là gì? Làm thế nào để xây dựng được chủ nghĩa xã hội?”.
Không phải chỉ có các ông. Trên thế giới chưa có ai tìm ra được câu trả lời. Và sẽ chẳng có ai tìm được câu trả lời. Ông có hiểu tại sao không? Đơn giản, là vì chủ nghĩa xã hội mà các ông truy tìm không tồn tại. Nó trái quy luật. Nó không có cơ sở để tồn tại.
Bởi vì chính C.Mác đã sai khi quy xã hội loài người thành những cuộc chiến liên miên giữa các giai cấp đối kháng trong quan hệ sản suất. Thực tế xã hội thời ông sống và chính những gì mà ông và gia đình ông phải chịu đựng đã không cho ông một cách nhìn công tâm và khách quan hơn. Ông muốn đạp đổ, và cái mà ông lao tâm khổ tứ tìm kiếm phải phục vụ cho lòng hận thù của ông.
Thứ nhất, xã hội loài người không thay đổi về chất qua các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất như ông nói. Bản chất của xã hội là tìm kiếm lợi ích và không hề thay đổi. Mọi cá thể đều săn tìm lợi ích cao nhất có thể trước hết cho chính cá nhân mình, sau đó mới đến cộng đồng. Theo nghĩa truy tìm lợi ích tối đa, mọi xã hội đều có thể gọi là xã hội tư bản chủ nghĩa .Từ những bộ tộc người nguyên thủy cho tới những nhà tư bản hiện đại, đều giống nhau về bản chất, bỏ ít, thu nhiều. Sự thay đổi hình thức hay quan hệ sở hữu đối với công cụ sản xuất hay phương thức sản xuất có nguyên nhân từ quy luật lợi nhuận và là kết quả của quy luật lợi nhuận. Giai cấp công nhân và nhà tư bản có mâu thuẫn về lợi ích, nhưng không phải là mâu thuẫn sinh tử. Mọi thứ mâu thuẫn như vậy được giải quyết thống nhất trong mối tương quan với lợi nhuận. Lợi nhuận tuyệt đối tăng, mọi thành phần tham dự quá trình đầu tư đều có tăng lợi ích. Mâu thuẫn cơ bản của xã hội loài người là mâu thuẫn giữa chất lượng và giá thành. Động lực và mục đích của phát triển xã hội là lợi nhuận. Chủ nghĩa tư bản, với ý nghĩa là chủ nghĩa lợi nhuận là hình thức duy nhất và vĩnh viễn của xã hội loài người. Mọi thứ chủ nghĩa khác đều là chủ nghĩa nhân tạo.
Thứ hai, chính C. Mác, khi nghiên cứu về công ty cổ phần tư bản chủ nghĩa, đã thấy mầm mống của một thứ quan hệ sản xuất mới. Đó là quá trình xã hội hóa sở hữu với tư liệu sản xuất song song với quá trình xã hội hóa của lực lượng sản xuất. Nếu sự tương tác giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là một quy luật như C. Mác quan niệm, thì ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản phát triển đã tự sinh ra nhân tố để tự nó điều chỉnh và thích ứng. Đây là yếu tố tự thân, không giống như những thứ mà Lê nin cố tạo ra bằng ý chí là Sô viết, chế độ công hữu, và nền kinh tế phi hàng hóa, để có được một chế độ xã hội chủ nghĩa “nhân tạo”. Công ty cổ phần bao gồm những người lao động, hay cao hơn là công ty Đại chúng, sẽ tạo ra sự liên kết vì lợi nhuận giữa lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Dân chủ bảo vệ quyền bình đẳng pháp luật và Cổ phần bảo đảm quyền chi phối kết quả sản xuất kinh doanh, sẽ tiêu diệt mâu thuẫn giai cấp. Sẽ không còn ai “đào mồ” chôn ai nữa, và chủ nghĩa Mác hiện nguyên hình là chủ nghĩa chia rẽ loài người bằng hằn thù và quân phiệt.
Nếu còn chút tâm huyết, tôi xin đề nghị ông nên sử dụng chút chất xám còn lại cuối đời cho cái việc chứng minh rằng C. Mác đã sai. Có thể như vậy, ông giúp được Đảng không sa vào những vũng lầy do mò mẫm.
Đừng cố tìm cách vẽ ma nữa. Không ai chứng minh được rằng không có ma. Chuyện tin vào ma có từ thời sinh ra loài người. Và nó sẽ còn đi cùng với loài người tới vô tận, bởi vì nó là sản phẩm của chính ý thức loài người. Nhưng cũng sẽ chẳng bao giờ người ta chứng minh được rằng ma là có thật.
Tất nhiên, cân đối vĩ mô cho tăng trưởng bền vững, cân bằng công bằng xã hội là chức năng thuộc tính của mọi nhà nước, không phải là của riêng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong mối tương quan tăng trưởng và tiến bộ, trong mục đích tối đa hóa lợi nhuận kinh tế vĩ mô, nhà nước giữ vai trò phân phối và tái phân phối, trên cơ sở pháp luật và dân chủ. Tăng trưởng và công bằng là hai mặt của một cơ thể kinh tế. Tích lũy và phân phối là các biến số của cùng một hàm kinh tế vĩ mô, mà đạo hàm của nó phải luôn bằng không (zero). Xã hội tư bản hiện đại là những xã hội theo quy tắc đó. Không phải hò hét công bằng, nhân đạo với không bóc lột, mà tất cả những cái đó cùng với vốn tư bản đưa vào đầu tư, đều là các biến số trong phương trình tối đa hóa lợi nhuận. Nó là một thuộc tính bản chất và tự thân. Tích lũy thặng dư, phân phối lợi nhuận và tái phân phối phúc lợi sao cho lợi nhuận tuyệt đối toàn xã hội phải là cao nhất, nghĩa là tăng trưởng phải là cao nhất và bền vững nhất.
Không nhất thiết phải cậy nhờ danh nghĩa Xã hội chủ nghĩa để làm cứu cánh chính nghĩa theo lối nghĩ đã trở thành lạc hậu. Bản thân mấy chữ XHCN là đe dọa nguy cơ quay lại nền kinh tế kế hoạch tập trung, quan liêu bao cấp. Cái thuyết phục lòng người là mọi thứ quyền tự nhiên được bảo đảm, công bằng phúc lợi và an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững và nhân đạo, bất kể xã hội đó được đặt tên là gì.
Nhân danh xã hội chủ nghĩa để phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, để chiếm ưu thế bao trùm xã hội, là một sản phấm duy ý chí, trên cơ sở quy định quan hệ sản xuất mà tổ chức ra lực lượng sản xuất. Nó sẽ phá hủy năng xuất lao động xã hội, tiêu diệt tích lũy tư bản, tiêu diệt tăng trưởng. Nó sẽ tiêu tán tích lũy quốc gia và tài sản xã hội. Nó sẽ tư nhân hóa tài sản công vào túi những cá nhân có chức và có quyền.
Với mục tiêu tiến tới xã hội chủ nghĩa, đảng cộng sản chủ trương công hữu hóa dần dần tất cả các loại tài sản thuộc các đối tượng ngoài nhà nước. Đến khoảng giữa thế kỷ XXI này, theo cương lĩnh 2011, giai đoạn quá độ sẽ kết thúc, lúc đó sẽ phải chuyển tất cả thành sở hữu nhà nước. Nhưng bằng cách nào thì vẫn là việc bí mật của đảng.
+ Sau cùng là tôi có một vài đề nghị với cá nhân ông.
Ông thấy đấy, hầu hết những ý kiến góp ý với đảng từ ngoài xã hội đều “chung chung” và có vẻ “khó nghe”. Và khi bài viết của ông được vietnamnet đăng, thì ngay sau đó “ hàng trăm” ý kiến phản ứng lại ý kiến của ông ngay. Điều này chứng tỏ gì. Thứ nhất, có vấn đề giữa ý đảng và lòng dân. Thứ hai, ông đang lội ngược dòng, và mọi người không thích ông.
Trong khi phản bác lại các ý kiến đóng góp của mọi người, lời lẽ của ông có vẻ hơi cay độc, và hình như ông cứ định quy tội người ta.
Ông nói: những ý kiến như vậy “là không rõ ràng, gây phân tâm xã hội và nhận thức lệch lạc, tác hại xã hội”.
- “mới đây lại có cựu chuyên viên cao cấp của Đảng “cảnh tỉnh” Đại hội XI rằng: “Cương lĩnh phải vì lợi ích dân tộc”, trong khi vị này lại “kỵ CNXH” mà vẫn tự cho là
- “những người này… thực chất là: không hiểu, không tin, nên không thích CNXH và Mác – Lênin nữa!”
- “ Thực chất những ý kiến kiểu đó lại là hạ thấp, lệch lạc dân trí, phân tâm xã hội… tác hại khó lường cho xã hội. Nhiều người hỏi rằng: tại sao khi các vị đương chức lại không dám góp ý đến như vậy?
- “những góp ý đó vừa chung chung, ám chỉ, ngụy biện; vừa trái với thực tiễn 25 năm Đổi mới. Bởi vì, ta hội nhập, đương nhiên vẫn có “những cái chẳng giống ai”, nhưng ta đâu có chỉ làm ăn với mình? Chắc là các ý kiến đó muốn Việt Nam hội nhập, cần có “mô hình” dân chủ, kinh tế và mọi mặt kiểu Mỹ, Pháp… mới đúng “khuôn mẫu chung”! Sao không góp ý thẳng rằng: ta cần theo CNTB “cả gói”?
- “ ý kiến đó “mù mờ” phủ nhận một trong những luận điểm rất nổi tiếng trong “Tuyên ngôn của đảng Cộng sản”, … Từ đó đương nhiên ý kiến này cũng phủ nhận tác phẩm của V.I.Lênin về “chủ nghĩa đế quốc”.
Chẳng biết có phải những lời lẽ này chỉ là những quy chụp của cá nhân ông, hay ông nhân danh đảng, nhân danh một cơ quan nào đó của đảng? Với vốn liếng thâm niên của ông, tôi cũng nghĩ: mèng thì ông cũng có tên trong Ban tuyên giáo TƯ, (vì lý luận XHCN từ nhiều năm nay đã thành của hiếm, những người “tâm huyết” với nó vì vậy cũng trở nên có giá). Nếu như vậy thì sinh mệnh chính trị của những kẻ kia đã được quyết định rồi. Ông cũng nói: “Tên các vị góp ý kiến đã được công khai”, nghĩa là vào sổ đen rồi. Sự việc này, ông làm tôi nhớ lại chuyện “chỉ điểm” thời “Nhân văn giai phẩm”, đã trở thành vết nhục muôn đời của giới “sĩ phu” Việt Nam.
Có người nói, thời này, lý luận CNXH là món hàng dễ kiếm lời. Chẳng thế mà có nhiều người nên “ông nọ bà kia”.
Nhưng tôi tự hỏi: nếu muốn đầu cơ kiếm lời thì người ta phải đầu cơ đất hay đầu cơ chứng khoán, ai lại đi đầu cơ lập trường!
04/10/2010
© Bùi Quang Vơm
© Đàn Chim Việt
Bằng cách nào đó để họ có được lợi nhuận trước mắt, mà không nghĩ tới hậu quả sau này.