WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đâu là sự thật về tông tích của Lý Công Uẩn?

Sự kiện Lý Công Uẩn không có cha cụ thể, mà con của thần nhân, cùng với những câu thơ sấm kí ở làng Cổ Pháp, rồi những điềm báo có thiên tử ra đời… là biểu hiện của một cuộc vận động chính trị có tổ chức của giới trí thức tam giáo, đứng đầu là nhà sư đầy tài năng Vạn Hạnh, hoàn thành tâm nguyện trăm năm của quần chúng mà đại diện ban đầu là thiền sư Định Không của hương Diên Uẩn. Cuộc hôn phối có ý đồ, với đạo diễn kiêm chủ hôn Vạn Hạnh tại chùa Thiên Tâm, núi Tiêu Sơn, giữa bà Phạm thị Ngà với “vị thần nhân dựa cột chùa”, một người họ Lý đang ẩn tích, đã được tiến hành. Thiền sư Vạn Hạnh tạo điều kiện cho bà họ Phạm vào rừng gặp “thần nhân”, một cuộc hôn nhân bí mật, trong đó cha của Lý Công Uẩn có thể là một người đầy uy vọng của họ Lý vùng Cổ Pháp-Siêu Loại, tức Diên Uẩn-Thổ Lỗi, đang trong thời kì phải mai danh ẩn tích. Sự kiện bà mẹ Lý Công Uẩn phải vào rừng sinh sống, rồi khi đứa bé lên 3, bà phải gửi bé cho nhà sư Lý Khánh Văn nuôi dạy và cuối cùng giao cho sư Vạn Hạnh đào tạo chú bé Lý Công Uẩn thành hoàng đế, có thể là cơ sở của giả thuyết vừa nêu. Còn giả thuyết Lý Công Uẩn là con ruột của sư Vạn Hạnh thì quá ư táo bạo và bị các nhà sử học bác bỏ. Một vùng đất có nhiều phật tử như Cổ Pháp-Siêu Loại, không thể mù quáng đảnh lễ một vị quốc sư, đứng vào hàng tam bảo, lại làm việc phạm giới luật. Cuộc “cách mạng lam”, chuyển giao quyền lực từ họ Lê, đã mất lòng dân, sang họ Lý, phản ánh một xu thế mới là thay chế độ quân trị sang nhân trị. Thực ra, việc Lý Vạn Hạnh lãnh đạo lớp trí thức tam giáo, nòng cốt là trí thức Phật giáo, cùng nhau giáo dưỡng và làm cuộc vận động để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, là kế thừa “tâm nguyện” trăm năm kể từ thời thuộc Đường, thế kỷ IX, ấy là  “củng cố và phát triển miền Cổ Pháp, đưa những người con cháu của vọng tộc Lý lên ngôi vua, vừa tạo độc lập dân tộc Việt mà cũng chấn hưng đạo pháp ” của thiền sư Định Không (730-808).

1. Lý Công Uẩn, người thỏa niềm khát vọng của dân tộc Việt vào cuối thế kỷ X

Nhà nước Văn Lang sụp đổ, dân tộc Việt phải chịu ách đô hộ của phong kiến phương bắc. Dẫu vài lần dân tộc Việt quật khởi, tưởng chừng nối được quốc thống, nhưng thời gian độc lập quá ngắn, phải lo chống giữ, không đủ vật lực tài lực để vun bồi văn hoá giáo dục, nên dân tộc Việt rất chậm phát triển vào thời Bắc thuộc. Vì lẽ đó mà triều Ngô, chưa có sự nghiệp đáng kể thì đất nước vấp phải loạn thập nhị sứ quân. Triều Đinh cũng chưa tạo được một cộng đồng thuần hậu thì gặp nạn tôi giết vua; để lại di chứng ấy cho Tiền Lê, với Lê Long Đỉnh, giết anh giành ngôi, làm việc lỗi đạo… Các triều vua Đinh Lê, bó hẹp trong vùng núi Ninh Bình, rất lợi thế về quân sự, có quân công trong lịch sử, nhưng không đủ sức tạo nên một kinh đô Hoa Lư phát triển toàn diện; thậm chí để lại những việc làm quá ư vô đạo! Thời bấy giờ đã có một Phong Khê với bề dày văn hoá Văn Lang, một trung tâm Phật Giáo Luy Lâu-Thuận Thành, phía đông sông Hồng, nam sông Đuống, đã phát triển bền vững… Đại bộ phận nhân dân có nhu cầu bức thiết về văn hoá, có khát vọng về một minh quân, biết đáp ứng lòng dân…Và Lý Công Uẩn đã xuất hiện kịp thời để đáp ứng nhu cầu bức thiết ấy. Lý Công Uẩn không phải là con thần cháu thánh của truyền thuyết, chẳng phải là thiên tử của vị ngọc hoàng mơ hồ nào đó của cổ tích …mà ngài là một vì vua đươc nhân dân “hoài thai” suốt một thời đau đáu cho tiền đồ dân tộc; được sự giáo dưỡng đầy tâm huyết của lớp trí thức tam giáo tiến bộ của thế kỷ X.

Giới trí thức tiến bộ lúc bấy giờ, đứng đầu là thiền sư Vạn Hạnh, phải chọn lựa một con đường cho dân tộc. Trong tam giáo thì phải thừa nhận Phật giáo là mạnh nhất về cả tinh thần lẫn vật chất. Nho giáo chưa có lực lượng quần chúng rộng lớn như Phật giáo; hơn nữa việc học theo Khổng Mạnh lúc bấy giờ chưa thịnh hành lắm, ít nhiều “đồng loã” với “Tống nho”, đạo của những kẻ xâm lược, bao giờ cũng chủ trương đưa An Nam vào quỹ đạo bình nam của Thiên triều phương bắc. Đại bộ phận dân chúng làm sao quên được cái ách đô hộ nghiệt ngã ấy và làm sao quên được đại quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy, từng giày xéo nước Việt. Những làng xã thuộc lưu vực sông Hồng, đến thế kỉ X đã có rất nhiều chùa lớn, đã đào tạo nhiều thiền sư giỏi giáo lý nhà Phật mà cũng uyên thâm tứ thư ngũ kinh.Vậy đường hướng giáo dục lúc bấy giờ là chọn Phật giáo làm quốc giáo nhưng lồng ghép Nho Lão kiểu tam giáo đồng nguyên vậy. Lý Thái Tổ cùng vị cố vấn tuyệt vời Vạn Hạnh, đã có những quyết sách đúng đắn, biết dụng thời, tuỳ thế đưa đất nước Đại Việt phát triển bền vững, tạo dựng nền móng cho một thời LÝ -TRẦN độc lập tự chủ, được ngẫng cao đầu đối với lân bang, kéo dài khoảng 400 năm.

Khi lên ngôi, Lý Thái Tổ cho dựng rất nhiều chùa và độ diệp cho hàng vạn vị sư. Thực ra lúc bấy giờ, chùa là trường học, các sư là thầy giáo của một đường hướng giáo dục lúc ấy. Các phật tử đến chùa trước lễ Phật, sau nghe sư thuyết pháp để trí tuệ được mở mang mà lòng thiện cũng được xiển dương. Chủ trương đúng đắn ấy tạo cho dân tộc Việt một sự nhất thống, trên dưới một lòng; đủ sức chống trả sức mạnh Tống nho.Xây dựng mới là việc cần làm, đào tạo người mới cho công cuộc cải cách mới là khát khao của giới trí thức lãnh đạo lúc bấy giờ. Vùng Ninh Bình, cái nôi của kinh đô Hoa Lư, chỉ thích hợp cho việc thủ hiểm về mặt quân sự, nhưng nó không thể là đầu mối giao thông, không thể là nơi đắc dụng của thương nghiệp, không là nơi tụ hội những trí thức giỏi, nghĩa là không đủ tiền đề cho sự mở mang đất nước . Vì thế cho nên, giới lãnh đạo họ Lý phải dời đô ra thành Đại La mà thôi.Thành Đại La đâu chỉ là cát địa theo thuyết phong thuỷ, mà thành Đại La còn là trung tâm của một vùng văn hoá có bề dày. Dẫu thành Đại La một thời là An nam đô hộ phủ của những quan thứ sử nhưng nó còn là nơi hội tụ anh tài hoạt động trên mọi lĩnh vực, luôn âm thầm gìn giữ bản sắc dân tộc, lấy triết lý Phật giáo làm kim chỉ nam, lấy chùa chiền làm nơi tu học của mọi giới và tạo những ổ đề kháng chống lại những gì thuộc về ngoại lai, có nguy cơ làm tan rã cộng đồng dân tộc Việt.Vì vậy khi Lý Thái Tổ quyết định rời bỏ Hoa Lư, để ra Đại La thành là một sự bùng vỡ ý thức “cách mạng”, đã nung nấu từ lâu. Kinh đô Thăng Long của Đại Việt tự chủ đã ra đời, hợp lòng người (ý trời), hợp địa lợi ( vật lực tài lực sung mãn của châu thổ sông Hồng ) và đạt lẽ nhân hoà ( cư dân vùng nông nghiệp sông Hồng đã có trình độ văn hoá cao, khá thuần hậu với các minh triết Việt).

Lý Công Uẩn đã xuất hiện đầy huyền thoại nhưng cũng vì những huyền thoại ấy mà sự thực về gốc gác của ngài cả ngàn năm sau vẫn là một dấu hỏi nhức nhối !

2. Một số vấn đề chưa giải quyết dứt điểm trong việc tìm kiếm tông tích của Lý Công Uẩn

Khi tìm tông tích của Lý Công Uẩn, giới nghiên cứu quan tâm các địa danh Đình Bảng, Dương Lôi, Hoa Lâm. Có thời các nhà nghiên cứu cho rằng Đình Bảng là quê nội và Dương Lôi là quê ngoại của Lý Công Uẩn, hai làng nội ngoại cách nhau bởi rừng Báng, có mộ thiên táng của bà Phạm Thị Ngà (thân mẫu của Lý Công Uẩn) và về sau trở thành vùng đất “Sơn lăng cấm địa” với lăng mộ của các vua triều Lý. Có nhà nghiên cứu cho rằng ở Đình Bảng có Đền Đô thờ 8 vua Lý và như thế cha ruột của Lý Công Uẩn là quốc sư Lý Vạn Hạnh. Tất nhiên giới nghiên cứu đã bác bỏ hướng nghiên cứu này từ vài năm nay. Gần đây lại phát hiện ở đình Dương Lôi thờ 8 vua Lý làm thành hoàng, có đền thờ Lý Thánh mẫu (thờ Minh Đức Thái Hậu Phạm Thị Ngà), Chùa Cha Lư (tức chùa Minh Châu) thờ Phật và thờ bà Phạm Thị Ngà nữa. Lý Công Uẩn chào đời trong một túp lều ở phía sau chùa Cha Lư (chùa Minh Châu). Một số nhà sử học lại tạm thời kết luận Dương Lôi là quê nội của Lý Công Uẩn, còn Hoa Lâm( Đông Anh) là quê ngoại. Tuy nhiên làng Dương Lôi hiện còn nhiều người họ Phạm, có mối quan hệ huyết thống với bà Phạm Thị Ngà, trong khi đó ở Hoa Lâm có nhiều người họ Nguyễn (gốc Lý), khiến nhiều nhà nghiên cứu vẫn còn băn khoăn về nguyên quán Hoa Lâm của bà Phạm Thị Ngà. Nhà nghiên cứu Chu Minh Khôi viết:  “Khi chúng tôi đề cập về Hoa Lâm, ông Nguyễn Văn Quyết, trưởng thôn Dương Lôi ở Bắc Ninh lại đưa ra quan điểm rất khác với những người ở Hoa Lâm. Theo ông Quyết, ở Dương Lôi vẫn còn dòng họ Phạm nhận là dòng họ của bà Phạm Thị Ngà. Trong khi, ở Hoa Lâm lại có dòng họ Nguyễn nhận là hậu duệ của tôn thất nhà Lý, như vậy chưa đủ khẳng định Hoa Lâm là quê hương bà Phạm Thị Ngà. Bởi Hoa Lâm nằm kề kinh đô Thăng Long, lại ở ngay ngã 3 hợp lưu của sông Hồng và sông Đuống, nên được các vương tôn nhà Lý chọn làm nơi xây cung thất nghỉ ngơi, giải trí, săn bắn. Hoa Lâm chỉ hình thành sau khi nhà Lý đã lên ngôi, như vậy việc tại Hoa Lâm có dòng hậu duệ của các vương tôn nhà Lý còn truyền đến ngày nay là hoàn toàn có thể lý giải được” (Giác Ngộ online). Một số nhà sử học dựa vào hai chứng tích để minh chứng rằng Hoa Lâm là quê mẹ của Lý Thái Tổ : Đoạn văn khắc chữ Hán trên bia Lý gia linh thạch (khắc vào năm 1793) “…ĐôngNgạn, Hoa Lâm nhân Phạm mẫu, tiêu dao kỳ tự, thường kiến nhất thần hầu… ” ở chùa Tiêu và đôi câu đối cổ: “Mạch tụ quân vương truyền thắng địa/Tích lưu Lý mẫu quán danh phương” bảo lưu ở đình thôn Thái Đường ở xã Mai Lâm. Tuy nhiên văn khắc này là do người đời sau khắc vào năm 1793 nên độ tin chưa cao. Cách đây vài năm, ở Hà Nội có tổ chức một hội thảo ngày 27/12/2008 nhằm trao đổi vấn đề tông tích của Lý Công Uẩn, nhưng cuộc hội thảo vẫn chưa khẳng định được gốc gác của Lý Công Uẩn. Điều nổi cộm là các thành viên hội thảo thấy rằng các học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn đặt vấn đề Lý Công Uẩn là con ruột của Lý Vạn Hạnh là không thuyết phục. Tuy nhiên công bằng mà nói, cũng qua sự tìm tòi tông tích của Lý Công Uẩn ở Cổ Pháp, Bắc Ninh của các nhà nghiên cứu và đã công bố tại hội thảo, càng ngày càng có thêm dữ kiện giúp các nhà nghiên cứu có hy vọng tìm được dòng dõi của Lý Công Uẩn. G.S Hoàng Xuân Chinh -  Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nêu ý kiến: “Chưa thể khẳng định chắc chắn rằng, hai làng Dương Lôi và Hoa Lâm là quê hương nhà Lý bởi chứng cứ đưa ra chưa thật đầy đủ, và không phải ngẫu nhiên, Đền Đô lại được xây dựng trên đất Đình Bảng. Tuy nhiên, ý kiến đưa ra tại cuộc tọa đàm này sẽ góp phần gợi mở cho những hướng nghiên cứu tiếp theo”. PGS.TS Tống Trung Tín – Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam gợi ý: “Việc phát hiện lan can sấu đá là minh chứng cho việc tồn tại của công trình kiến trúc cung đình tại Hoa Lâm.  Những di vật tìm thấy ở nơi đây cũng cho thấy, đây là nơi cư dân sinh sống liên tục từ thời Hán cho đến Tùy Đường kéo dài tới thời Lê. Riêng về vấn đề gốc tích quê hương nhà Lý cần phải đi sâu và nghiên cứu thêm nữa. Những hiện vật đang ẩn dưới lòng đất sẽ là nguồn tư liệu phong phú và thuyết phục cho những nhận định mới của sử học”.

Xét về tình riêng thì vua Lý Thái Tổ cũng có nỗi niềm là con không có cha ruột một cách chính danh, nhưng xét về nghĩa chung của cộng đồng dân tộc Việt thì ngài là đứa con tuyệt vời của quãng đại quần chúng. Ngài được quần chúng có văn hoá thai nghén, đựơc tấm lòng nhất thống của nhân dân nuôi dưỡng và được lớp trí thức tam giáo tôn vinh. Chính Lý Công Uẩn đã ý thức đầy đủ điều ấy, và đã không phụ lòng quần chúng , không phụ lòng lớp trí thức mong mỏi nơi ngài. Khi mới lên ngôi, Lý Công Uẩn chưa vội truy phong cho ông bà nội.Việc này bị sử thần phê phán nhà vua làm không đúng điển lễ . Thực ra, vị cố vấn thông thái Vạn Hạnh thừa biết điều ấy, nhưng chưa truy phong ông bà nội của ngài là vì trước đó đã tạo huyền thoại Lý Công Uẩn là con thần. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giới nghiên cứu khó trả lời câu hỏi cha ông của Lý Công Uẩn là ai. Nhưng rồi Lý Công Uẩn cũng phải truy phong cha là Hiển Khánh Vương mà không là Hiển Khánh Đế (?).Dữ kiện này phản ánh một điều sâu kín của Lý triều : Lý Thái Tổ truy phong ngầm cho ông nội của ngài đến bậc đế chăng ?

3. Phải chăng Lý Công Uẩn là cháu nội của sứ quân Lý Lãng Công của vùng Siêu Loại ?

Nghiên cứu thời loạn thập nhị sứ quân, chúng tôi để ý một vị sứ quân chiếm cứ vùng Siêu Loại , có trung tâm Phật giáo Thuận Thành- Luy Lâu; đó là sứ quân Lí Lãng Công, tức là Lý Khuê, một vị hùng trưởng của miền đất nằm hai bờ sông Đuống. Lý Khuê hay Lý Lãng Công là sứ quân chiếm cứ miền đất Thổ Lỗi, sau gọi là Siêu Loại. Năm 967 ông bị tướng Lưu Cơ của Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư đánh bại.Theo thần tích ở xã Bình Sơn (Thuận Thành, Bắc Ninh) thì Lý Khuê đánh nhau với quân Đinh Bộ Lĩnh bị thua và tử trận ở làng Dương Xá.Theo thần tích đền thờ Lưu Cơ, còn ở làng Đại Từ, xã Đại Đồng, tỉnh Hưng Yên (đất Siêu Loại cũ) thì Đại Từ là nơi tướng Lưu Cơ của Đinh Bộ Lĩnh đóng quân và đánh dẹp sứ quân Lý Khuê. Thôn Dương Đanh của làng Dương Xá thờ Lý Lãng Công là thành hoàng của làng. Mộ của vị sứ quân này ở đâu ? Con cháu của Lý Khuê còn không ? Sứ quân Lý Khuê không có mối quan hệ với Phật tử nói chung và Lục Tổ Thiền Ông và thiền sư Vạn Hạnh nói riêng của chùa Lục Tổ hay sao ?

Cơ sở của giả thuyết công tác:

Miền Siêu Loại, Cổ Pháp xưa là các hương Thổ Lỗi, Diên Uẩn ở hai bờ sông Đuống, có trung tâm Phật Giáo Luy Lâu, trung tâm đào tạo tăng tài Tiêu Sơn, đã phát triển hằng trăm năm với nhiều ngôi chùa cổ, với các vị sư tầm cỡ như Định Không, Thông Thiện, Đinh La Quí An, Thiền Ông, Vạn Hạnh…  Sứ quân Lý Khuê đặt bản doanh ở Siêu Loại, đủ biết vị sứ quân này được lực lượng tín đồ tam giáo, đứng đầu là Phật giáo ủng hộ… Chúng ta có thể đoán định sứ quân này dựa vào lực lượng tam giáo, nòng cốt là trí thức và tín đồ Phật giáo lúc bấy giờ vậy. Gần đây trong bài “Đạo Phật và nền văn hóa Việt Nam”, đăng ở ấn phẩm mùa Hạ của “Văn hóa Phật Giáo Việt Nam”, hòa thượng Thích Minh Châu nhận định : “Chư tăng là người hiểu biết trong xóm làng, làm cố vấn cho nông thôn trong nhiều công việc và được nông dân kính trọng. Chính vì vậy, trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, Phật giáo đã đứng về phía những người yêu nước. Nhiều Tăng sĩ trong hoạt động tôn giáo của mình, đã nhen nhóm một tinh thần tự chủ. Và có những tín đồ Phật giáo đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cuộc chiến tranh giải phóng ” (tr. 8). Sứ quân Lý Khuê lãnh đạo dân chúng miền Siêu Loại, cái nôi của Phật giáo, đòi tự chủ thì ông phải là một Phật tử có uy vọng, và tất nhiên không thể không có liên hệ với chùa Tiêu. Qua Thiền uyển tập anh ngữ lục, được biết Thiền sư ĐỊNH KHÔNG (730-808) thời thuộc Đường, người họ Nguyễn (thực ra là họ Lý), thuộc hương Diên Uẩn, giỏi thuật số, có khát vọng về hương Diên Uẩn của ngài được củng cố và phát triển, họ Lý của ngài sẽ làm vua, nước Việt độc lập và Phật pháp được chấn hưng. Khi sư dựng chùa Quỳnh Lâm ở quê nhà khoảng (785-805), đào được pháp khí cổ, sư giải đoán họ Lý về sau có người làm vua, có ý đổi tên hương Diên Uẩn thành hương Cổ Pháp. Tâm nguyện của thiền sư được ký gửi qua bài kệ:

Pháp lại xuất hiện

Thập khẩu đồng chung

Lý thị hưng vương

Tam phẩm thành công.

Dịch:

Pháp khí hiện ra

Khánh đồng mười tấm

Họ Lý làm vua

Công đầu Tam phẩm

Trong bài kệ dự đoán, câu cuối “Tam phẩm thành công” được dịch “Công đầu tam phẩm” phải chăng chưa ổn? Họ Lý hưng thịnh, quan đến tam phẩm mới lập công thì có gì đáng kể mà phải viết thành kệ rồi “truyền thừa” cả trăm năm! Ở đây có thể hiểu “Tam phẩm” là “ba đời họ Lý uy vọng” mời thành công nghiệp đế vương. Sư Định Không đã dặn dò đệ tử là thiền sư Thông Thiện: “Ta muốn mở mang hương ấp, nhưng sợ ngày sau gặp nạn, tất có dị nhân đến phá hoại mạch đất của hương ta. Sau khi ta qua đời, ngươi khéo giữ đạo pháp của ta để sau gặp người họ Đinh thì truyền lại. Thế là ý nguyện của ta được toại thành”. Quả “dị nhân đến phá hoại mạch đất” là Cao Biền. Đệ tử Thông Thiện đã truyền “pháp ý” của sư Định Không cho đệ tử của mình là Trưởng lão Đinh La Quí An (852-936). Thiền sư họ Đinh này đã phá thuật yểm đất của Cao Biền ở hương Diên Uẩn (Cổ Pháp), căn dặn đệ tử là thiền sư Thiền Ông (902-979) (họ Lữ, người hương Cổ Pháp) về những pháp thuật “ tài bồi thiên đức” cho vọng tộc Lý của hương Cổ Pháp… Và tất nhiên Thiền Ông đã truyền “tâm nguyện” của các tổ Định Không, Thông Thiện, Đinh La Quí An cho thiền sư Vạn Hạnh(939(?)-1025) và Vạn Hạnh đã hoàn thành rất xuất sắc “sứ mạng” mà các tổ giao phó. Đưa người họ Lý lên làm vua là “chiến lược trăm năm” được vạch từ thời thiền sư Định Không. Sứ quân Lý Khuê chiếm cứ vùng Siêu Loại, sát hương Cổ Pháp, để trở thành sứ quân Lý Lãng công(966-967) là một mắt xích trong “chiến lược trăm năm”, được thầy trò Thiền Ông- Vạn Hạnh đang ở chùa Tiêu Sơn điều hợp… Chùa Thiên Tâm trên núi Tiêu Sơn, vào đầu thế kỷ X, theo Thiền uyển tập anh, là nơi tập trung các vị sư, có khát vọng về một vị minh quân ra đời, nhằm chấn hưng xã hội nói riêng và Phật Giáo nói chung và tất nhiên có niềm khát vọng độc lập cho nước Việt. Trưởng lão Đinh La Quí An của chùa Thiên Tâm, biết phong thủy, giỏi Thái ất đã vận động những người hằng tâm hằng sản, lấp sông, hồ nhằm triệt phá những huyệt yểm của Cao Biền, bổ cứu long mạch đế vương của hương Cổ Pháp (Diên Uẩn), thậm chí đã dự đoán họ Lý hương Cổ Pháp sẽ làm vua. Thật vậy nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Khôi từng trích Thiền uyển tập anh: “…Trước khi viên tịch, Trưởng lão Đinh La Quý An gọi đệ tử là Thiền Ông đến dặn rằng, trước đây Cao Biền đắp thành Đại La ở sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng vương giả bèn đào sông Điền Giang, đầm Phù Chẩn để cắt yểm long mạch, tất cả 19 nơi. Nay ta đã khuyên Khúc Lãm đắp lại như cũ. Ta lại trồng một cây gạo ở cách chùa Minh Châu hơn 1 dặm, đúng chỗ bị cắt long mạch, đời sau nơi này ắt có bậc đế vương xuất hiện để vun trồng Chánh pháp… Năm Bính Thân, niên hiệu Thanh Thái thứ 3 thời thuộc Đường (936), khi trồng cây gạo ở chùa Minh Châu, Trưởng lão Đinh La Quý An có đọc bài kệ:

Đại Sơn long đầu khởi

Cù Vĩ ẩn Minh Châu

Thập bát tử định thành

Miên thụ hiện long hình

Thỏ kê thử nguyệt nội

Định kiến nhật xuất thanh”

( Nguyễn Minh Khôi, Đi tìm gốc tích vua Lý Thái Tổ, Giác Ngộ)

Nguyễn Minh Khôi viết : “Tương truyền, cố GS sử học Trần Quốc Vượng sinh thời từng dịch bài kệ như sau: ‘Đầu rồng hiện ở núi lớn/đuôi rồng giấu sự thịnh vượng/Họ Lý nhất định thành/khi cây gạo hiện hình rồng/chỉ trong mấy tháng thỏ, gà, chuột/chắc chắn sẽ thấy mặt trời (vua) anh minh’”. Ông Nguyễn Đình Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hồng kể: Năm 1992, GS Trần Quốc Vượng điền dã về khảo sát những di tích ở làng Dương Lôi. Khi tận mắt chứng kiến nền chùa Minh Châu và tìm hiểu địa danh trong vùng, biết có ngọn núi Đại Sơn ở cách chùa Minh Châu 1km, GS đã thốt lên: “Tôi đã nhầm khi dịch bài kệ của Trưởng lão họ Đinh!”. Sau đó, GS đã chỉnh lại bản dịch 2 câu đầu là: “Đầu rồng hiện ở Đại Sơn/đuôi rồng giấu ở chùa Minh Châu”.

Chúng tôi tiếp cận bài kệ của Truởng lão họ Đinh, hoàn toàn nhất trí với cách diễn giải của cố giáo sư Trần Quốc Vượng với hai câu đầu của bài kệ. Trên bình diện phong thủy, long mạch ở Cổ Pháp với đầu rồng là Đại Sơn, và đuôi rồng (rồng non, tức cù) ở chùa Minh Châu (Dương Lôi). Và đuôi rồng đã ứng phát cho Lý Công Uẩn, tức họ Lý đã trở thành đế vương với Lý Thái Tổ. Thế thì đầu rồng “Đại Sơn” ứng phát vị họ Lý nào ở hương Diên Uẩn? Phải chăng tác giả Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, bắt đầu được biên tập vào khoảng trước năm 1134 cho đến đầu thế kỷ thứ mười ba, dựa vào thư tịch ở chùa Thiên Tâm, hoặc truyền ngôn ở vùng Tiêu Sơn, muốn gửi gắm cho hậu thế một chìa khóa để giải mã bí ẩn tông tích của Lý Công Uẩn ? Rõ ràng con cù (rồng non), đang ẩn ở sau chùa Minh Châu (chùa Cha Lư) là ứng phát cho Lý Công Uẩn, còn thân rồng đang thời “tiềm long” ở Đình Bảng-Dương Lôi ứng phát cho Hiển Khánh Vương, Vũ Đạo Vương, Lý Vạn Hạnh, Lý Khánh Vân…. Còn đầu rồng phải ứng phát một người họ Lý hương Cổ Pháp, đã khởi nghiệp ở Đại Sơn, thuộc Dương Lôi mà thôi. Ngọn núi Đại Sơn này có sông Đuống vờn mặt trước, nhìn về Dương Xá, Đại Từ…của vùng Thuận Thành-Luy Lâu, nơi hoạt động của sứ quân Lý Khuê, tức Lý Lãng Công vào những năm Bính Dần (966), Đinh Mão (967). Hiện nay tại thôn Dương Đanh, xã Dương Xá còn thờ Lý Lãng Công. Trong khoảng từ 936 đến 974 không có vị nào thuộc họ Lý của hương Diên Uẩn, ngoài Lý Khuê, đã khởi nghĩa !Vậy Lý Lãng Công là ứng với đầu rồng đã khởi, nhưng thất bại, và các con cháu của ngài phải ẩn tu hoặc mai danh ẩn tích, đổi họ Lý thành họ Nguyễn vào thời Đinh (968-991), thời Tiền Lê (991-1009).

Chùa Cha Lư ( Minh Châu), nơi thờ Phật và bà Phạm Thị Ngà. Sau chùa là nơi chào đời của Lý Công Uẩn.  Có khả năng trước đó chùa Cha Lư là nơi thờ những vị quan họ Lư của triều Đường, thường dâng sớ can ngăn vua Đường phát binh dẹp những cuộc nổi dậy của dân Giao Châu.

Thế thì Lý Khuê phải là người con kiệt hiệt của dòng họ Lý của hương Cổ Pháp vậy. Cuộc nổi dậy của sứ quân Lý Khuê ở Siêu Loại, bờ nam sông Đuống không thể không có sự ủng hộ công khai hoặc bí mật của Lục Tổ Thiền Ông, thiền sư Vạn Hạnh cùng Phật tử của chùa Tiêu. Lý Khuê nổi dậy ứng với câu kệ “Đại Sơn long đầu khởi” của thiền sư Định Không. Và Lý Khuê khởi nghĩa được hai năm thì bị diệt, con cái phải đi trốn, mai danh ẩn tích, thậm chí phải sống trong rừng, trong hang đá, điều kiện sinh sống thiếu thốn. Hai câu cuối bài kệ của thiền sư Định Không, có màu dịch lý, trong đó chữ “nguyệt” tượng “âm”, chữ “nhật” tượng “dương”, âm là tối, chưa tốt, ẩn tàng ; còn dương là sáng, tốt đẹp, rực sáng. Lúc “nguyệt nội” thì hai sao xấu (kê, thử) và khi một sao tốt (thỏ) chiếu rọi, chuyển âm sang dương, tức “nhật xuất” thì thành công rực rỡ. Trong nhị thập bát tú thì sao MÃO NHỰT KÊ (GÀ) chỉ tốt cho nông nghiệp, còn giá thú, an táng, dựng nhà đều xấu. Nếu dựng nghiệp thì tai họa ập tới ngay những năm đầu tiên. Sao HƯ NHẤT THỬ (CHUỘT) cũng là một sao xấu, nếu tạo tác thì gặp tai ương, gia đình ly tán, cháu con trôi dạt tha phương. Hai sao trên thuộc loại HUNG TINH, còn một trong những CÁT TINH là sao PHÒNG NHỰT THỔ (THỎ). Sao này rất tốt cho tạo tác, giá thú, an táng, còn dựng nghiệp thì mọi sự đều tốt.

Và khi Lý Khuê bị thất bại, nhóm Thiền Ông-Vạn Hạnh phải “cưu mang” đám con cháu của Lý Khuê, tạo điều kiện cho cha, bác, chú của Lý Công Uẩn mai danh ẩn tích (tiềm long) để tránh sự bố ráp gắt gao của triều Đinh và Tiền Lê. Vì tin vào câu “Cù vĩ ẩn Minh Châu” nên Vạn Hạnh đã tiến hành việc cưới bà Phạm Thị Ngà cho một người con trai của Lý Lãng công (tức Hiển Khánh vương). Vì tạo cho Lý Công Uẩn là con thần cháu thánh, tránh sự truy bắt của triều Đinh, Tiền Lê nên Thiền Ông ẩn tích, Vạn Hạnh đã giấu tông tích của Lý Khuê và mối quan hệ cháu ông giữa Lý Công Uẩn với sứ quân họ Lý vậy. Sau khi sứ quân Lý Khuê bị Đinh Bộ Lĩnh đánh bại, dòng họ Lý của sứ quân Lý Khuê một số bị giết, nhưng số còn lại phải đi ẩn, ví dụ vào rừng sinh sống, vào tu ở các chùa trong núi sâu nhằm mai danh ẩn tích. Lý Vạn Hạnh mặc dầu họ Lý nhưng cũng có thời kỳ phải mang họ Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí từng chép: “Đời Lý :Nguyễn Vạn Hạnh : người huyện Đông Ngàn , lúc bé thông minh khác thường , rộng thông ba học phái; xuất gia thâm thuý về thiền học, nói ra phần nhiều là lời sấm. Lê Đại Hành thường triệu đến hỏi công việc. Lí Thái Tổ phong làm quốc sư” (tập4,tr146). Ngay vua Lê Đại Hành cũng rất gờm con cháu họ Lý, có khi suýt bắt được Lý Công Uẩn để trừ hậu hoạ. Hơn ai hết, Lê Đại Hành thừa biết họ Lý đang được lòng dân , đa phần là phật tử. ĐNNTC chép: “Đền thần phụ quốc: ở xã Tam Tảo huyện Yên Phong. Xưa Lê Đại Hành đắp thành Hoa Lư, Lí Công Uẩn làm phu đắp, đến đêm Lê Đại Hành mộng thấy thần cho biết là có bậc quý nhân đương làm việc đắp thành ở đây.Thức dậy sai người đi tìm, thì Công Uẩn đã đi rồi . Khi Công Uẩn đi đến xã Tam Tảo, thấy hai vợ chồng già đang cày ruộng, bèn đem duyên do chuyện mình nói cho biết . Ông già liền bảo Công Uẩn lấy bùn trát khắp mình và cùng cày ruộng; sau đó ông già mang Công Uẩn về nhà, đào đất làm hầm cho ở và chứa nước ở trên hầm , Lê Đại Hành xem bói, thấy quẻ bói nói: ‘nước ở trên người’. Vì thế, Lê Đại Hành tưởng là Công Uẩn đã chết ở sông rồi. Đến khi Lí Công Uẩn được nhà Lê truyền ngôi, bèn phong ông già làm Phụ quốc đại vương và phong vợ ông làm vương phi, làm nhà cho ở phường Phượng Vũ. Sau khi ông già chết, người địa phương lập đền thờ ngay ở chỗ ông già ở” (tr108). Sự kiện này phản ánh một thực tại; rằng các vua Đinh, Lê vẫn gờm họ Lý vùng Cổ Pháp-Siêu Loại và bản thân Lí Công Uẩn cũng biết vai trò, vị thế của mình trong xu thế mới. Sử liệu này cho thấy sự đùm bọc của nhân dân đối với Lý Công Uẩn, người đại diện cho niềm khát vọng của họ. Đinh Tiên Hoàng tiếp tục cử tướng Lưu Cơ giữ thành Đại La, sau khi dẹp loạn thập nhị sứ quân, là để khống chế các tộc họ có uy vọng ở miền Kinh Bắc, trong đó có họ Lý của Lý Khuê. Sự kiện “sét đánh cây gạo” không là biến cố ngẫu nhiên. Từ năm 936 cây gạo đã được Trưởng lão Đinh La Quí An trồng ở làng Dương Lôi. Nếu sét đánh cây gạo khoảng năm 1009 hay 1010 trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi khoảng trên dưới một năm thì không hợp lý. Thật vậy, cuộc vận động để đưa dòng dõi họ Lý lên ngôi phải được tiến hành cả trăm năm, nhưng từ năm 936 cây gạo được trồng, cho đến năm 1009 mới có vụ cây gạo ở Dương Lôi bị sét đánh và xuất hiện bài sấm ký thì thì không có chuyện Lý Công Uẩn bị Lê Đại Hành cho người tìm Lý Công Uẩn nói riêng và họ Lý nói chung để trừ hại. Có khả năng dư luận về bài sấm ký có thể xuất hiện sớm hơn nhiều so với năm Lý Công Uẩn lên ngôi. Sau khi bị tử trận ở Dương Xá (tức ở làng Thổ Lỗi), thân nhân đã bí mật đưa hài cốt Lý Khuê về táng ở Mai Lâm, Đông Ngàn. Hiện nay ở Hoa Lâm (Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội) có mộ Hùng Công trong khu vực “Lý gia lăng”. Trong bài “Hoa lâm viên và những dấu ấn triều Lý” (web chudu 24) có đoạn: “Gia phả và nhà thờ họ Nguyễn gốc Lý tại thôn Du Nội còn ghi rõ. Mai Lâm ngày nay còn ghi nhận những địa danh như: đồng Bẫy Sập, mộ Hùng Công,miếu Âm Hồn, bãi Tổng Binh, ao Sau Dinh, cầu Giá Ngự… gắn với những sự kiện vui, buồn của thời Lý. Một ngàn năm qua đi mà những địa danh này vẫn còn đó, ghi lại dấu tích xa xưa ở một vùng quê”. Những địa danh lịch sử ở Hoa Lâm như mộ Hùng Công, miếu Âm Hồn, bãi Tổng Binh, ao Sau Dinh…không gợi mở về những ngày Lý Công Uẩn lên ngôi êm thắm mà như nhắc nhở về một vị hùng trưởng họ Lý khởi nghĩa và bị thất bại! Mộ Hùng Công phải chăng là ngôi mộ bí mật của Lý Khuê ? Như thế thì mộ bà Lý triều quốc mẫu ở Hoa Lâm là mộ phu nhân của Lý Lãng Công?

4/ Hoa Lâm là một trong những vùng tụ cư của họ Lý bản địa vào thời Vãn Đường ?

Từ trước đến nay, khi nghiên cứu về tông tích cha mẹ của Lý Công Uẩn, các nhà sử học, các nhà nghiên cứu thường ít quan tâm nhân vật lịch sử của vùng Cổ Pháp-Siêu Loại, quần tụ hai bờ sông Thiên Đức hay sông Đuống, đó là bà nội của Lý Công Uẩn.

Bà nội của Lý Công Uẩn cũng là một nhân vật lịch sử bí ẩn, bà chỉ xuất hiện trong Đại Việt sử ký toàn thư chỉ một lần, với dòng ghi chép ngắn ngủi: “Mậu Ngọ (Thuận Thiên) năm thứ 9 (1018), Mùa xuân, tháng 2, truy phong bà nội làm hậu và đặt tên thụy” (s đ d.tr.245). Tại sao triều đình Lý Thái Tổ, có cố vấn Vạn Hạnh uyên thông tam giáo, để chậm trễ việc truy phong bà nội của Lý Công Uẩn? Tại sao truy phong bà nội là hậu, có thụy hiệu mà không truy phong ông nội của Lý Công Uẩn? Việc truy phong bà nội nhưng gác lại ông nội chứng tỏ có điều uẩn khúc trong tôn tộc nhà Lý. Phải chăng, trong thời kỳ vận động để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, họ Lý vùng Cổ Pháp -Siêu Loại đã tạo những huyền thoại về một Lý Công Uẩn là con thần, nên triều đình nhà Lý, có quốc sư Vạn Hạnh, đã giấu tông tích thân phụ Hiển Khánh vương, giấu tông tích cha của Hiển Khánh Vương tức ông nội của Lý Công Uẩn?.

Phải chăng bà vợ của Lý Lãng Công chính là phu nhân Phạm Thị Tiên, từng trú ẩn ở Hoa Lâm. Bà Phạm Thị Tiên, sau khi chồng bị bại, đã mai danh ẩn tích ở Hoa Lâm. Làng Dương Lôi có vọng tộc là Phạm tộc, còn hoa Lâm có vọng tộc là Lý tộc. Những ngày mai danh ẩn tích ở Hoa Lâm, bà Phạm Thị Tiên thường vãn cảnh chùa Tiêu Sơn để liên lạc với con cháu đang trốn ở vùng Dương Lôi-Đình Bảng, rừng Báng, Tiêu Sơn. Bà đã bàn với hai người cháu tâm phúc, thiền sư Khánh Vạn( tức sư Vạn Hạnh) và Khánh Văn để lo cưới vợ cho một trong các con trai của bà. Vị này có thể ẩn cư ở chùa Tiêu Sơn hoặc rừng Báng Dương Lôi. Chính hai vị thiền sư Khánh Vạn và Khánh Văn nhân một chuyến về thuyết pháp ở Minh Châu, tìm được cô gái nghèo họ Phạm, tức Phạm Thị Ngà và thiền sư Vạn Hạnh đã tạo điều kiện cho cô Phạm Thị Ngà kết hôn với con trai của hai vợ chồng Lý Khuê , Phạm Thị Tiên trong bí mật. Chí ít bà Phạm Thị Ngà cũng có với cha của Lý Công Uẩn hai trai… Vì phải sống trong rừng, điều kiện quá khó khăn, bà Ngà phải nhờ sư Lý Khánh Văn nuôi Lý Công Uẩn khi ngài lên ba tuổi… Nghiên cứu bài viết của Nguyễn Minh Khôi trên báo Giác Ngộ thì thấy rằng hai làng Dương Lôi và Hoa Lâm đều có đền thờ Phạm mẫu, nhưng tên gọi hai công trình kiến trúc khác nhau. Ở Dương Lôi goị là “đền thờ Lý Thánh Mẫu”, ở Hoa Lâm gọi là “đền thờ Lý triều quốc mẫu”. Tại đền thờ Lý triều quốc mẫu, tên húy của Phạm mẫu là Phạm Thị Tiên, còn tại đền thờ Lý triều thánh mẫu, tên húy của Phạm mẫu là Phạm Thị Ngà. Bà Phạm Thị Ngà rõ ràng theo truyền thuyết của làng Dương Lôi là mẹ đẻ của Lý Công Uẩn, nhận công việc thủ hộ ở chùa Thiên Tâm, thọ thai với “thần nhân dựa cột chùa” ( Hiển Khánh Vương), còn bà Lý triều quốc mẫu ỏ Hoa Lâm là tín nữ đến vãn cảnh chùa Thiên Tâm và cảm “thần hầu” trong hang đá, sinh ra vua Lý, chính là Hiển Khánh Vương (thân phụ của Lý Công Uẩn). PGS Trịnh Bỉnh Dy cho rằng chùa Tiêu vẫn còn tấm bia Lý gia linh thạch khắc vào năm 1793, có đoạn “Đông Ngạn, Hoa Lâm nhân Phạm mẫu, tiêu dao kỳ tự, thường kiến nhất thần hầu, bất giác hữu thần”. Như thế những tác giả của văn khăc trên bia “Lý Gia linh thạch bi” ở chùa Thiên Tâm vào thời Tây Sơn, đã tưởng nhầm Lý triều quốc mẫu Phạm Thị Tiên, mẹ của Hiển Khánh Vương, có mộ ở Hoa Lâm với Lý Thánh mẫu Phạm Thị Ngà ở Dương Lôi. Bà nội Phạm Thị Tiên, phu nhân của Lý Lãng Công, ẩn cư ở Hoa Lâm, có nhiều người gốc họ Lý, còn bà Phạm Thị Ngà ẩn cư ở rừng Báng của làng Dương Lôi, nguyên quán của mình. Nếu cả Dương Lôi và Hoa Lâm đều có mộ Phạm Thị, đều là mộ của bà Phạm Thị Ngà thì mộ của bà nội của Lý Công Uẩn ở đâu? Dẫu sao năm 1018, Lý Thái Tổ có truy phong bà nội làm hậu và dâng tên thụy; chỉ giấu hành tung của Lý Lãng Công. Và cũng tạo ra huyền thoại Lý quốc mẫu cũng gặp thần hầu và sinh ra Hiển Khánh Vương, như thế Lý Thái Tổ vẫn là con thần cháu thánh vậy. Với kiến giải này, hiểu được vì sao họ Lý lại tế lễ tiền nhân ở Thái Đường, Hoa Lâm, nơi có Lý gia lăng.Vậy lăng mộ của Lý thánh mẫu Phạm Thị Ngà ở rừng Báng, còn lăng của Lý triều quốc mẫu Phạm Thị Tiên ở Hoa Lâm, cùng với mộ chồng là mộ Hùng Công, thuộc Lý gia lăng. Ở Dương Lôi có Thái miếu, còn ở Hoa lâm có Thái đường. Nếu thế thì Hoa Lâm có mộ ông bà nội của Lý Thái Tổ, cho nên ở Hoa Lâm được họ Lý quần tụ, thường xuyên tế lễ ở nhà Thái Đường, nên mới xảy ra vụ án Trần Thủ Độ diệt các tôn thất nhà Lý đang cúng tế ở Lý gia lăng, để lại địa danh đồng Bẫy Sập. Lăng mộ Lý Thái Tổ chắc chắn ở Sơn lăng cấm địa, cùng với lăng mộ các vua Lý khác. Nhưng tại sao dân Hoa Lâm vẫn còn ký ức về mộ vua Lý Thái Tổ trong khu Lý gia lăng? Thực ra khi vua Lý Thái Tổ truy phong bà nội Phạm Thị Tiên là hậu thì ngầm truy phong ồng nội Lý Khuê là đế, và mộ của Hùng Công trở thành “mộ vua Lý”. Do không biết “mộ vua Lý” là mộ vua Lý nào, dân sở tại cứ tưởng là mộ vua Lý Thái Tổ!

Tại di tích Hoa Lâm Viên ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, các nhà khoa học của đoàn khảo sát của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Viện Khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích và hiện vật thời Lý-Trần, đặc biệt là những hiện vật gốm tráng men cao cấp có niên đại thế kỷ VII-X và gạch “Giang Tây Quân” – loại gạch đã tìm thấy ở 2 kinh đô Hoa Lư và Thăng Long. Phát hiện này phần nào hé mở những thông tin về các công trình kiến trúc thời Lý-Trần tại Hoa Lâm Viên, một di chỉ nằm trong vùng văn hóa Kinh Bắc xưa. Về những phát hiện này, chúng tôi quan tâm lan can sấu đá. Mô típ “rồng-sấu” này như là một gạch nối giữa motip rồng thời Ngô, Đinh với môtíp rồng thời Lý. Thật vậy rồng ở lan can này chưa hoàn chỉnh như con rồng thời Lý, nó còn mang dáng vẻ sấu ( hay cù) trên chuông đồng phát hiện ở thế kỷ IX, X của giới khảo cổ học. Chưa chắc cặp “rồng-sấu” phát hiện được là của một hành cung của vua Lý Thái Tổ cho xây dựng ở Hoa Lâm.

Những di vật gốm tráng men cao cấp thuộc thế kỷ VII-X phát hiện ở Hoa Lâm, Đông Anh cùng với thư tịch cổ cho phép chúng tôi đặt giả thuyết vùng Hoa Lâm Đông Anh từng là nơi cư trú của dòng tộc họ Lý bản địa, có uy vọng, từng có mưu đồ cát cứ thời Vãn Đường, kéo dài trong các thế kỷ VII,VIII, IX, X. Thật vậy, Đại Việt Sử Ký Toàn thư chép: “Đinh Hợi, (687), (Đường Trung Tông Triết, Tự Thánh năm thứ 4 ). Mùa thu, tháng 7, các hộ người Lý ở Lĩnh Nam theo như lệ cũ nộp nửa thuế, Đô hộ Lưu Diên Hựu bắt phải nộp cả. Các hộ người Lý mới oán giận, mưu làm loạn. Lý Tự Tiên làm chủ mưu, Diên Hựu giết đi. Dư đảng là bọnĐinh Kiến họp quân vây phủ thành. Trong thành binh ít không chống nổi, đóng cửa thành cố giữ để đợi quân cứu viện.Đại tộc ở Quảng Châu là Phùng Tử Do muốn lập công, đóng quân không đến cứu,Kiến giết Diên Hựu. Sau Tư Mã Quế Châu là Tào Trực Tĩnh đánh giết được Kiến” (sđ d, tr.189). Giao Châu loạn, Mai Thúc Loan khởi nghĩa năm 722. Giặc Côn Lôn-Chà Bà chiếm phủ Trấn Nam đô hộ ở La thành, kinh lược sứ Trương Bá Nghi cầu cứu Đô úy châu Vũ Định là Cao Chính Bình, quân cứu viện đánh tan quân giặc. Bá Nghi đắp lại La Thành năm 767. Rồi năm 791, Phùng Hưng vốn nhà hào phú, sức có thể vật hổ đánh trâu, dấy binh đánh Cao Chính Bình, chiếm phủ trị, tiếc thay sớm qua đời, con là Phùng An lên thay, tôn xưng cha là Bố Cái Đại Vương. Khoảng tháng 5, năm 791 nhà Đường đặt quân Nhu viễn ở phủ trị, cử Triệu Xương làm đô hộ, phủ dụ Phùng An, An đem quân hàng… Năm 819, Dương Thanh là một tù trưởng bản địa, từng được nhà Đường cử làm thứ sử Hoan Châu, khởi nghĩa nhân quan đô hộ Lý Tượng Cổ hà khắc, đánh phá phủ thành, giết Tượng Cổ. Nhà Đường sai Quế Trọng làm An Nam đô hộ, đánh Dương Thanh không được. Lý Nguyên Gia được cử làm đô hộ, đánh nhau với Dương Thanh cũng như dụ hàng cũng không xong. Lý Nguyên Gia tin phong thủy nên dời phủ thành. ĐVSKTT chép: “Giáp Thìn(824),(Đường Mục Tông Hằng, Trường Khánh năm thứ 4).Mùa đông, tháng 11, Lý Nguyên Gia thấy trước cửa thành có dòng nước chảy ngược, sợ trong châu nhiều người sinh lòng làm phản, vì thế dời đến đóng ở thành hiện nay.(Bấy giờ Nguyên Gia dời phủ trị đến sông Tô Lịch, mới đắp thành nhỏ thôi, có người thầy tướng bảo rằng: Sức ông không đắp nổi thành lớn, sau 50 năm nữa ắt có người họ cao đến đây đóng đô dựng phủ…” (sdd tr.193). Hậu bán thế kỷ IX, Giao Châu lại loạn vì giặc Nam Chiếu, Cao Biền đánh dẹp, lại đắp thành Đại La to rộng bề thế hơn…Năm Đinh Mão (907) nhà Đường mất, họ Khúc ở Giao Châu tự lập Tiết độ sứ. Vua Nam Hán sai Lý Khắc Chính sang đánh dẹp họ Khúc, lại cử Lý Tiến làm thứ sử. Bộ tướng của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ ở Ái Châu đem quân đánh Tiến, chiếm được Đại La thành… Như thế thời Vãn Đường, các họ Lý, Phùng, Khúc, Dương có mưu đồ nổi dậy để tự chủ ở Giao Châu. Vậy ở bờ bắc sông Đuống có khả năng là vùng lập nghiệp của họ Lý, họ Khúc kế thế làm hùng trưởng. Như thế hành trạng của sư Định Không, Thông Thiện, Đinh La Quý An cùng tâm nguyện của họ có thể hiểu được. Vậy thủ phủ của họ Lý là Hoa Lâm, gần ngã ba sông Hồng, sông Đuống… Những năm loạn lạc họ Lý cứ kinh dinh đất đai về phía đông, đông bắc phía bờ bắc sông Đuống, tạo nên hương Diên Uẩn ở bờ bắc sông Đuống. Những ngôi chùa cổ ở Kinh Bắc được dựng có họ Lý góp công sức như chùa Lục Tổ, chùa Cổ Pháp (chùa Dặn) ở Đình Bảng, chùa Cha Lư (chùa Minh Châu) ở Dương Lôi… Còn họ Dương có khả năng kinh dinh vùng đất thuộc hương Thổ Lỗi, nên về sau có làng Dương Xá. Có khả năng Lý Khuê, là một hùng trưởng ở Hoa Lâm, thời thập nhị sứ quân vượt sông Đuống, về phía nam chiếm Thổ Lỗi để đặt bản doanh vậy. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu Dương Lôi là quê nội thì ở Dương Lôi phải có nhà Thái Đường để họ Lý thường xuyên tế lễ tiên tổ họ Lý và cả ngàn năm sau con cháu họ Lý (đã đổi thành họ Nguyễn) phải tìm về. Đằng này con cháu họ Lý vẫn hằng coi Hoa Lâm là quê nội .

Còn làng Dương Lôi, vẫn còn tộc họ Phạm, luôn truyền ức làng mình là quê ngoại và là nơi bà Phạm Thánh Mẫu sinh Lý Công Uẩn vào những ngày gian khổ. Điều thú vị là bà nội của Lý Công Uẩn cũng gốc họ Phạm Dương Lôi, lấy chồng là hùng trưởng Lý Khuê và làm dâu nhà họ Lý ở Hoa Lâm .

5. Thay lời kết

Khi đã lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã truy phong cha là Hiển Khánh vương và tôn tạo ngôi mộ của cha ở rừng Báng, không xa chùa Thiên Tâm và Dương Lôi, được dân gian gọi là mộ Hiển Khánh Vương. Lại truy phong mẹ là Minh Đức Thái Hậu và cũng xây lăng cho mẹ trong rừng Báng. Do chưa tiện truy phong ông nội Lý Lãng Công, một vị sứ quân đã tử trận, nhưng sau đó truy phong bà nội làm hậu, ban tên thụy để cúng tế; thế thì bí mật truy phong ông nội là hoàng đế vậy… Lý Công Uẩn bí mật dựng mộ phần của ông nội Lý Lãng Công (mộ Hùng Công) và mộ của bà nội Phạm Thị Tiên (mộ Phạm quốc mẫu) ở Hoa Lâm. Rõ ràng Lý Công Uẩn có người anh được ban tước Vũ Uy Vương , có em là Dực Thánh Vương.Lại có một người chú ruột còn sống và được phong Vũ Đạo Vương, con ông chú là Trung Hiển lại giứ chức Thái úy Lý triều. Như thế Lý công Uẩn có một gia tộc đàng hoàng, nhưng do ông nội là sứ quân Lý Lãng Công, bị Đinh Tiên Hoàng đánh bại và Triều Đinh, Tiền Lê tầm nã gắt gao con cháu Lý Lãng Công, gia đình của Lý Công Uẩn phải sống trong ly tán, bí mật. Nếu không có mối quan hệ huyết thống với sứ quân Lý Khuê thì bà con thân thuộc của thiền sư Vạn Hạnh chỉ cần đổi họ và sống bình thường, đằng này cha mẹ của Lý Công Uẩn phải kết hôn trong bí mật, sống trong rừng, chịu muôn vàn khó khăn và chết thảm! Do cuộc vận động nhằm đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, họ Lý hương Cổ Pháp đã tạo ra huyền thoại cha con Lý Công Uẩn là con thần cháu thánh nên vẫn giữ bí mật mối quan hệ huyết tộc với Lý Khuê. Thôn Dương Đanh, làng Dương Xá được lệnh ngầm tế lễ sứ quân Lý Lãng Công và ở Thái Đường Hoa Lâm là nơi hiệp tế tiên tổ họ Lý, trong đó có ông nội Lý Khuê và bà nội Phạm Thị Tiên của Lý Thái Tổ.

Từ giả thuyết công tác nêu trên, chúng tôi thử dựng một phổ hệ gia tộc Lý Công Uẩn và Quốc Sư Vạn Hạnh. Phả đồ giả thuyết về tông tích của Lý Công Uẩn, trong đó chọn thân phụ của Định Không thiền sư làm tổ họ Lý và phải chăng ngài tổ này là hậu duệ của Lý Tự Tiên, cùng khởi nghĩa với Đinh Kiến vào năm 687? Tạm xềp Định Không thuộc đời thứ nhất, ngang hàng ông cố của Lý Khuê. Có khả năng đệ tử Thông Thiện cũng thuộc họ Lý, ngang đời với ông nội của Lý Khuê. Đệ tử Đinh La Quí An của Thông Thiện, người trị phép thuật của Cao Biền và trồng cây gạo lịch sử ở Dương Lôi là ngang đời với cha của Lý Khuê và là hậu duệ của Đinh Kiến. Họ Khúc từng khởi nghĩa và tự chủ, có hậu duệ là Khúc Lãm, được Trưởng lão Đinh La Quí An nhắc đến trong lời trối…

Chúng tôi đề xuất một giả thuyết công tác trong công cuộc tìm kiếm tông tích của nhà vua huyền thoại Lý Thái Tổ. Với tinh thần khoa học, chúng tôi dựa vào những bài kệ mang màu sắc sấm ký được chép trong Thiền Uyển tập anh ngữ lục, hoặc bài sấm ký xuất hiện trên cây gạo… để tìm sự thật về tông tích của Lý Công Uẩn. Thiền sư Vạn Hạnh đã hoàn thành xuất sắc tâm nguyện của họ Lý nói riêng và của dân Việt nói chung. Dẫu là thiền sư ngài đã đạt vinh quang tột bực, cũng như người cháu, người con nuôi và người học trò xuất sắc Lý Công Uẩn. Tuy nhiên để đạt được sự vinh quang ấy thì tự đáy lòng thiền sư Vạn Hạnh và vua Lý Thái Tổ vẫn đau đáu một nỗi niềm không nguôi là Lý Công Uẩn là người “mất gốc”! Vì lẽ đó, vị cố vấn Vạn Hạnh đã bàn với vua Lý Thái Tổ khi vừa lên ngôi đã phong tước vương cho chú, anh, em, truy phong mẹ và cha… tức là biến huyền thoại người thần của Lý Công Uẩn thành bậc có cha là thần và mẹ là người thực của cõi nhân gian. Tuy nhiên sau 10 năm ở ngôi, nỗi đau ấy vẫn còn trong thiền sư Vạn Hạnh và vua Lý Thái Tổ, cho nên hai người quyết định truy phong bà nội của Lý Công Uẩn, ở Hoa Lâm, là hậu. Nhưng không truy phong ông nội, vẫn tạo ra huyền thoại bà nội “cảm thần hầu” trên tảng đá trong hang và sinh Hiển Khánh Vương. Chính ở chùa Tiêu Sơn, thiền sư Vạn Hạnh kể về các vị tổ Định Không, Thông Thiện, Đinh La Quí An, Thiền Ông với những bài kệ có sức dự đoán như thần là nhằm gửi lại hậu thế những chìa khóa để giải mã gốc gác người thực của Lý Công Uẩn. Do bối cảnh lịch sử đương thời, trước và sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, Vạn Hạnh và Lý Công Uẩn âm thầm giữ kín nỗi niềm bi kịch ấy, khiến hậu thế gặp nhiều khó khăn trong việc tìm gốc gác của Lý Thái Tổ. Khi nêu giả thuyết để góp phần tìm kiếm tông tích của vua Lý Thái Tổ, có thể phạm sai lầm, có gì sơ suất thì các nhà sử học và bà con họ Lý, họ Phạm góp ý cho chúng tôi trong tinh thần khoa học.

Nguồn: Trần Viết Điền, vietbao.vn

3 Phản hồi cho “Đâu là sự thật về tông tích của Lý Công Uẩn?”

  1. BaWa says:

    Dân mình rặcgiống, giống gì?!,
    Ngàn năm đôhộ, hỏi còn gì giốngta!?,
    Rõràng ”laigiống” rồi cha
    ”Sátphu đoạtphụ”…mẹ gà vịt con !!!

  2. BaWa says:

    Giốngnòi là chuyện ”ruồibu”
    Con ai thì cũng từ…conku và…nậpnà…
    Sinh ra giữa cõi tabà
    Nghiệpduyên là chính, thân ”ta” bọt bèo!!!

    Miệng đời toàn chuyện thèoleo
    Thánh, thần, thượngđế…mấy anh ”lèo” tàolao!?,
    Luận công, định tội, thấp, cao
    Đều do sựnghiệp, dân xứ nào cũng vậy thôi ?!,

    Cần chi lặnlội tìmtòi
    Toàn cầu, khác giống, cũng cùng loài ngườita!!!

  3. Bo_gia says:

    Cam on tac gia da nghien cuu ky cang, mong nhieu nha tri thuc noi len dieu nay keo co cho trong thi Tau se nhay vao gianh vua cuop chua, do la nghe cua Tau. Vua Thanh Cac Tu Han cua Mong co, khog ai khong biet nhung ma Tau van cu gianh day, dan Mong co dang noi len dieu nay. Nhieu luc ca nhan toi vua cuoi vua thay la, tai sao Tau cu danh, co le day la tiem thuc cua ho, cu gianh, cu doat, cu lieu an lieu noi, mien sao co loi la duoc.
    (Tòa soạn: Mời ông bà vào vpskeys.org tải phần mềm gõ tiếng Việt miễn phí)

Phản hồi