WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đại lễ Ngàn năm qua nhận xét của giới Blogger

Mục điểm Blog kỳ này, Thanh Quang ghi lại những điều mà nhiều Blogger nhìn lại 10 ngày Đại lễ qua các nhật ký trên mạng của họ.

10 ngày Đại lễ kỷ niệm Một Ngàn Năm Thăng Long-Hà Nội, bắt đầu từ mùng 1 tháng 10, đã diễn ra rất hoành tráng, rất quy mô, rất sôi nổi, rất tốn kém, với nhiều công trình mới hay nâng cấp, từ tượng đài, kể cả tượng Vua Lý Thái Tổ, tượng Thánh Gióng, tượng đài Hoà Bình, Tháp Ngàn Năm Thăng Long.

Ảnh: thanglonghanoi.gov.vn

Bảo Tàng Hà Nội, Đại Lộ Thăng Long, Con Đường Gốm Sứ; những cảnh tái hiện Lễ Đăng Quang, Lễ Dời Đô của Đức Vua khai sáng Triều Lý; rồi những màn biểu diễn nghệ thuật với sự tham dự của gần cả chục ngàn nghệ sĩ, diễn viên, những màn pháo bông kéo dài được mô tả là rất ấn tượng, đặc sắc…cho tới cuộc diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình được báo chí trong nước ca ngợi “lớn nhất lịch sử”. Đó là chưa kể, theo tin Nhanh trong nước, “ Hà Nội đón nhận nhiều món quà quý như tượng Bác Hồ-Bác Tôn”…

Mục điểm blog kỳ này Thanh Quang ghi lại những điều mà nhiều blogger nhìn lại 10 ngày Đại lễ qua các nhật ký trên mạng của họ.

Nhiều điều khó hiểu

Trở lại với thời gian đầu trước khi Đại lễ bắt đầu, nhiều bloggers nêu lên nghi vấn về vấn đề tổ chức Đại lễ này, từ chuyện Đại lễ ấy diễn ra không đúng thời điểm dời dô thực sự  của Vua Lý Thái Tổ, mà trùng vào ngày Quốc Khánh của Trung Quốc, ngày Quốc Khánh Đài Loan; Dịp Đại lễ cũng không tái hiện được diện mạo quắc thước và hào khí dựng nước, giữ nước, chống ngoại xâm của Tiền Nhân, không thể hiện được niềm tự hào của dân tộc, nhất là ý chí tự cường, tự lập của cha ông trong bối cảnh TQ đe dọa ngày càng đáng ngại đến nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của VN; cho tới nhiều ý kiến bất bình cho rằng việc tổ chức Đại lễ này vô cùng tốn kém một cách không cần thiết – mà nhiều nguồn tin đề cập tốn tới 4 tỷ rưỡi đô-la – trong khi còn rất nhiều nơi trong nước, dân tình khốn đốn, đó là chưa kể thiên tai lũ lụt vừa hoành hành nghiêm trọng Miền Trung VN.

Về thời điểm kỷ niệm Một Ngàn Năm Thăng Long, blogger Người Buôn Gió từ Hà Nội cho biết:

“Ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long không đúng ngày Lý Công Uẩn dời đô. Nếu họ chọn đúng ngày Lý Công Uẩn dời đô thì nó sẽ có tính chất thiêng liêng hơn. Nhưng họ chọn sang những ngày như thế này làm cho nhiều người dị nghị. Chính vì thế nó mất tính trang nghiêm dịp Đại lễ. Còn hỏi lý do vì sao mà họ chọn ngày Đại lễ như vừa rồi thì họ biết thôi, chứ tôi không muốn bình luận.”

Blogger Anh Ba Sài Gòn nhận xét:

“Ngày bắt đầu Đại lễ đó trùng với ngày Quốc khánh TQ thực sự là điều rất kỳ quặc. Xét về mặt lịch sử thì rõ ràng nó không có một căn cứ nào để họ đặt ngày Đại lễ Ngàn Năm Thăng Long ứng với sự kiện dời đô của Vua Lý Thái Tổ, tức Lý Công Uẩn. Sự kiện đó vô cùng kỳ quái. Nhưng vấn đề là sự việc có thể thay đổi nếu giới cầm quyền biết nghe những ý kiến phản biện. Dịp Đại lễ tổ chức không đúng sự kiện lịch sử mà nó còn gây phản cảm trong tình trạng đất nước VN hiện nay bên cạnh một nước lớn với rất nhiều hành động đe dọa chủ quyền và con người VN, nhất là ngư dân VN mưu sinh trên Biển Đông.

Thật hoàn toàn không hiểu nỗi tư duy của những nhà lãnh đạo VN quyết định chuyện đó là vì sao?”

Ngoài chuyện từ ngày khai mạc cho tới bế mạc Đại lễ 1.000 Năm Thăng Long không dính dáng gì đến thời điểm dời đô ngàn năm trước của Vua Lý Thái Tổ, thì long nhan quắc thước của Tiền Nhân khai sáng nước Đại Việt Triều Lý, và cả bức tượng của Vua Lý Thái Tổ bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, cũng bị “Tàu hoá” – thậm chí có người nói là “Tần Thủy Hoàng đang đi kinh lý phương Nam”, đặc biệt Tàu hóa qua bộ phim tốn hơn 100 tỷ đồng tựa đề “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” thể hiện – theo lời blogger Mẹ Nấm – “dưới lớp áo Tàu khi thuê nguyên ê-kíp đạo diễn, trường quay và cả diễn viên nước lạ tại trường quay Hoành Điếm thuộc tỉnh Triết Giang, TQ”. Câu hỏi được nêu lên là liệu tinh thần Đại lễ Ngàn năm Thăng Long – dịp biểu dương tinh thần độc lập, tự chủ của Tiền Nhân trong suốt mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt – có thể hiện được truyền thống và hào khí bất khuất, tự cường dân tộc hay không?

Một hình ảnh no đủ vá víu

Nhân dịp VN ra sức tổ chức thật hoành tráng kỳ Đại lễ này, blogger Mẹ Nấm lưu ý:

“Với hoàn cảnh xã hội VN hiện tại, không nhất thiết phải hao tiền tốn của cho những dịp lễ lạc như thế này. Người dân còn nghèo, trẻ em vùng cao, vùng sâu còn chưa có ăn, có mặc đầy đủ, chưa được tạo điều kiện học hành đến nơi đến chốn, điều kiện chăm sóc y tế tại nhiều địa phương còn lạc hậu, tệ nạn xã hội ngày càng nhiều. Tất cả những vấn đề quan trọng của xã hội đều chưa được nhà nước chăm lo giải quyết xác đáng. Làm sao dân tộc Việt có thể vững mạnh khi cứ mãi theo đuổi truyền thống tự hào trong quá khứ và cố gắng xây dựng một hình ảnh no đủ vá víu như thế này?”

Blogger Phạm Viết Đào nhân tiện làm thơ thế sự, có đoạn than thở như sau:

Không gian Hà Thành rực pháo hoa nội, ngoại

Liệu có làm vơi đi được phần nào nỗi đau thân xác

Của những con bệnh bần hàn

Vật nài từng phút, từng giây để kéo ghì sự sống…

Không một bệnh viện nào…khánh thành.

Trong Đại lễ ngàn năm

Hàng ngàn tỷ đồng được giải ngân

Cho những chương trình, dự án

Thành phố có biết bao cao cấp chung cư khánh thành,

Bao khách sạn siêu sao

Bao văn phòng cho thuê choáng lộn

Bao nhà hát xây lên, gióng trống khai trương

Bao tượng đài được dựng lên

Ghi những huyền tích chiến công

Bao nhà hàng sang trọng

Giành cho giới có tiền

Tận hưởng phú quý, ăn chơi…

Con số đông nhân dân

Vẫn phải sờ nắn túi mình trong từng phiên chợ

Thưa quý vị, Việt Nam hồ hởi tổ chức hoành tráng mừng 1.000 năm Thăng  Long-Hà Nội vào khi Miền Trung Việt Nam lâm cảnh thiên tai bi thương nghiêm trọng, khiến blogger Trương Duy Nhất không khỏi không lên tiếng.

Mưa lũ ngập nhà ở Quảng Bình hôm 04 tháng 10 năm 2010. Ảnh: AFP

Qua bài tựa đề “Đại lễ Buồn”, blogger Trương Duy Nhất mở đầu rằng Không có đất nào lại đi nhảy múa hò reo, bắn pháo hoa làm lễ hội giữa lúc hàng chục vạn ngôi nhà đang chìm trong lũ, hơn 70 người chết và hàng vạn sinh mạng đang cầu cứu. Và Blogger Trương Duy Nhất nhận xét thêm:

“Đại lễ nghìn năm sẽ thật sự để tiếng thơm nghìn năm, thật sự linh thiêng hơn nếu hủy bỏ tất cả các hoạt động phần hội, chỉ còn phần lễ. Cả cụ Lý Công Uẩn, đất trời, thần linh, tiên tổ chắc cũng chẳng ai dám gật đầu ủng hộ cho thần dân, cháu con mình hò reo nhảy múa, bắn pháo hoa giữa lúc này”.

Và blogger Trương Duy Nhất kết luận:

“Một Đại lễ thật buồn. Sao cứ cố làm một khi cả lòng người và đất trời không thuận?”

Suy ngẫm sau ngày hội

Sau khi Đại lễ 1.000 năm Thăng Long kết thúc, blogger haydanhthoigian đề cập tới “những điều phải… ray rứt… suy ngẫm sau những ngày hội tưng bừng vừa qua”:

“Một trong những điều làm rất nhiều người băn khoăn, ray rứt khi Đại lễ nghìn năm diễn ra ở Hà Nội thì đồng bào miền Trung đang quay cuồng chống chọi với mưa lũ. Hàng chục người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng nặng, người dân Minh Hoá, Quảng Bình phải sống theo kiểu nguyên thuỷ trong hang đá suốt 5 ngày trời.”

Blogger haydanhthoigian nhân tiện đề cập tới những “ray rứt” khác, như khách tham quan tranh nhau sờ mó, cậy bóc chữ ở “Chiếu Dời Đô” để lấy hên, hay viết tên mình trên những điểm di tích một cách thiếu ý thức khiến ảnh hưởng đến di sản văn hóa truyền thống. Đó là chưa kể nạn móc túi hoành hành nhân dịp lễ. Và nhất là tình trạng mà blogger Nguyễn Trọng Tạo trích mạng Dân Trí về “thảm cảnh hậu Đại lễ”:

“Mỹ Đình chìm trong “biển rác”. Rác ngập ngụa khắp nơi. Từ dưới đường đến những bãi cỏ xanh, đâu đâu cũng thấy rác. Sau một đêm hội đầy ý nghĩa, khu vực sân Mỹ Đình bị rác “bủa vây”. Không chỉ vậy, hàng loạt cây cảnh bị người dân “hạ gục” khi chen lấn, xô đẩy. “Biển người” xem pháo hoa, giao thông hỗn loạn khu Mỹ Đình.”

Lên tiếng hôm thứ Ba, sau khi Đại lễ Kỷ Niệm 1.000 Thăng Long kết thúc 2 ngày, Blogger GS Hà Văn Thịnh từ Huế có nhận xét tổng quát:

“Việc tổ chức Đại lễ này rất nên. Nhưng tốn kém quá, lãng phí quá. Và có nhiều điều vô lý quá, khó chấp nhận.

Vô lý thí dụ như là bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để mà vui chơi như vậy trong khi đất nước nghèo như thế. Đó là điều vô lý. Khi pháo hoa nổ rồi và lũ lụt xảy ra rồi mà vẫn tiếp tục bắn. Nhưng cuối cùng phải hoãn, không bắn nữa. Nhưng dù sao cũng đã phát ngôn chính thức rằng vẫn tiếp tục bắn pháo hoa. Đó là điều vô lý. Lũ lụt Miền Trung gây tử vong gần 100 người như vậy mà vẫn vui vẻ, phấn khởi, vẫn pháo hoa, thì theo tôi là vô lý. Ngoài ra, tôi cũng có viết một bài tựa đề Nỗi Buồn Sử Học đăng trên báo Văn Hóa Nghệ An, qua đó đề cập tới việc bây giờ vẫn không biết ông nội của Lý Công Uẩn là ai. Mù mờ như vậy mà chúng ta vẫn kỷ niệm. Đối với một vị vua mà danh tính không rõ ràng thì nói chung, theo truyền thống dân tộc, điều đó không hợp lý, không hợp lẽ. Bởi vì vua thì danh tính phải rõ ràng, nguồn gốc phải minh bạch thì mới thuyết phục được dân chúng.”

Có lẽ nhận xét của Giáo sư Hà Văn Thịnh đã phần nào nói lên đầy đủ sự hiện thực của 10 ngày Ngàn năm Thăng Long…

Thanh Quang, phóng viên RFA

Phản hồi