WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Từ chuyện chiếc ô của bí thư tỉnh ủy…

Chống chọi với thiên tai khủng khiếp, người dân chủ động đùm bọc nhau là quan trọng bậc nhất, tuy nhiên sự có mặt của người lãnh đạo vẫn là tối cần thiết và không thể thay thế. Sự có mặt một cách gần gũi dân giữa cơn hoạn nạn (không rầm rộ tiền hô hậu ủng) là nguồn chia sẻ, động viên làm ấm lại cuộc sống của những người dân đang đói rét.

Đợt lũ lụt trước, bản tin ngày 3/10/2010 của Tamnhin.net có đăng một bức ảnh khiến dư luận bàn tán. Bức ảnh “Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Bình trực tiếp kiểm tra tình hình mưa lũ ở huyện Hương Khê và Vũ Quang”. Trong ảnh, ông Nguyễn Thanh Bình mặc áo trắng dài tay, quần xắn trên mắt cá chân, không mũ nón, không áo mưa, tay cầm một cái ô nhỏ để che mưa và che luôn cho hai ông khác có mũ nhưng cũng không áo mưa, có ông đi giày trắng. Một trang mạng đặt câu hỏi: “Như du lịch vậy, ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và các ông bên cạnh có thể đi đến được tận đâu, kiểm tra được cái gì để mà đôn đốc chống lũ?”.

Bí thư tỉnh ủy (bên phải) tham gia cứu trợ dân

Sang đợt lũ này, khốc liệt hơn và hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình đi chống lũ lụt đã khác trước. Ông có mặt ở nhiều nơi, kịp đến những nơi khó khăn hoặc xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Trang bị của ông thực sự là đi … chống lũ lụt. Áo mưa, áo phao, mũ, dép cài đủ quai trước sau, tác phong sẵn sàng “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì”.

Đến huyện Hương Khê, một rốn lũ, ông đứng vào hàng người chuyển từng thùng mì tôm cứu đói cho dân. Cái việc chuyền tay nhau bưng thùng mỳ tôm nó quan trọng và có ý nghĩa lắm. Bởi từ đêm 16/10, nhiều xã của huyện Hương Khê đã bị nước ngập tận nóc nhà. Dân làng giúp nhau chạy tháo thân lên được nhà cao, nơi đất cao không kịp đem theo thứ gì. Thế là đói. Hàng vạn người rúm ró giữa biển nước mênh mông, lực lượng cứu hộ không thể đến được kịp thời và đều khắp. Mỗi làng, mỗi xóm lực lượng cứu hộ chỉ đến được một vài điểm, vì tàu thuyền hay ca nô không thể tiếp cận mọi nơi, từ đó người dân tự chia sẻ, chuyển cho nhau các thứ được tiếp tế.

Bí thư Tỉnh ủy đứng chuyển mì tôm cho dân, tham gia một việc giản đơn nhưng cần kíp với dân, mang ý nghĩa rất lớn. Trong đa số tình huống ngặt nghèo, làm được việc giản đơn nhưng thiết thực chỉ là những người bình tĩnh, biết làm chủ tình hình. Điều này cũng chứng tỏ sự hiểu dân. Ông Nguyễn Thanh Bình đã trở nên gần với dân. Cấp dưới của ông không còn dám có cái bộ dạng “giày trắng đứng nhìn lơ láo”.

Xem hình ảnh đó của ông Bí thư Tỉnh ủy càng thêm quý anh em nhà Thuận ở làng Hương Giang, xã Phúc Đồng (Hương Khê, Hà Tĩnh) được kể trên truyền thông. Kể rằng: “Ở cái làng Hương Giang ấy, thuyền lại ít, mảng, bè tự chế cũng chẳng dám mon men ra dòng nước lũ. Chẳng nhẽ cứ để mì tôm đấy, còn cả làng đói? Nghĩ vậy, anh em nhà anh Thuận lặng lẽ lấy thuyền chuyên chở mì tôm, nước sạch đến tận từng nơi người dân lánh nạn. Đi lại như con thoi trên dòng nước lũ, phân phát mì tôm cho tất cả mọi người. Lúc quay về hai anh mới nhớ, nhà mình chẳng có gói nào. Nhà hai anh nước xô xiêu vẹo, vợ con kêu í ới”.

Chao ôi, chợt nhớ câu hát của nhạc sỹ An Thuyên: “Hà Tĩnh ơi! Quê mình thương. Như núi Hồng, sông La. Sông cứ chảy trong ta, núi cứ lớn trong ta. Trăm năm muối mặn, gừng cay hỡi người”.

Sáng 18/10, chiếc xe khách biển số 48K-5868 chở 37 người bị nước lũ cuốn trôi khi chạy trên Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), lập tức cũng thấy ông Nguyễn Thanh Bình có mặt. Áo phao buộc chặt bên ngoài áo mưa, nét mặt ông căng thẳng và đau đớn chia sẻ nỗi đau chung, ông có mặt để chỉ đạo và động viên lực lượng cứu hộ đang khẩn trương giữa dòng nước lũ và mưa tuôn. Ông cũng chứng tỏ đã thật gần dân.

Chống chọi với thiên tai khủng khiếp lúc này, người dân chủ động đùm bọc nhau là quan trọng bậc nhất, tuy nhiên sự có mặt của người lãnh đạo vẫn không thể thay thế và tối cần thiết. Sự có mặt một cách gần gũi dân giữa cơn hoạn nạn (không rầm rộ tiền hô hậu ủng) là nguồn chia sẻ, động viên làm ấm lại cuộc sống của những người dân đang đói rét. Sự có mặt để làm những việc giản đơn mà thiết thực (không phải nói những câu chung chung nhạt nhẽo) sẽ thúc đẩy hoặc lôi kéo nhiều người cùng hành động giúp dân thiết thực hơn. Tất cả tạo nên sức mạnh to lớn vượt lên mọi đau thương, mất mát.

Theo Tầm Nhìn.net

Phản hồi