Kinh tế Hoa Lục: Thành tựu và viễn cảnh (phần 2)
Đến năm 1992, họ Đặng, lúc đó 88 tuổi, thấy không thể bỏ đi công cuộc đổi mới, bèn “nam du” (nanxun) đến Shenzen, một thành phố thương mại đang lên nằm sát biên giới Hong Kong, để cổ vũ cải cách kinh tế. Đại Hội Đảng lần thứ 14 (tháng10/92) đưa Hoa Lục theo kinh tế thị trường theo đường lối xã hội chủ nghĩa (socialist market economy). Jiang Zemen, Thị Trưởng Thượng
Hải, trước đây cũng đã giải tán biểu tình của sinh viên địa phương nhưng không đổ máu, và rất thành công trong việc phát triển kinh tế thành phố này, được bầu làm Tổng Bí Thư tiếp tục sự nghiệp mà họ Đặng đề xướng. Các doanh nhân ngoại quốc chỉ chờ chính quyền mình bật đèn xanh. Và chính quyền các nước tư bản vì quyền lợi kinh tế đành“quên” chuyện cũ “nhân quyền”, cho phép các doanh nhân tư bản lục tục trở lại Hoa Lục làm ăn, khiến kinh tế Hoa Lục phát triển đến ngày nay. Quả thật hơi đồng làm cho máu mau khô! Mỉa mai thay, cũng chính quyền các nước đó, ngày nay lại lo sợ trước sự lớn mạnh của kinh tế Hoa Lục. Tháng 2/1997, Đặng mất; xe tăng của Hồng quân thị uy trên các đường phố Bắc Kinh và các thành phố lớn khác, không có biểu tình như thường có nhân cái chết của các nhân vật lớn. Năm tháng sau đó, Hong Kong được Anh quốc trao trả lại Hoa Lục, giúp thêm cho Hoa Lục phát triển và tăng cường sức mạnh kinh tế của mình. Hoa Lục ban đầu giương cao khẩu hiệu “thăng tiến với hòa bình” (peaceful rise, heping jueqi) sau đó nghe có vẻ quá khích bèn đổi sang “phát triển với hòa bình” (peaceful development) mà nội dung cũng không có gì khác biệt, nghĩa là nhằm trở lại vị trí đã mất giữa thế kỷ 19.
TSLQN tăng lên 11%/năm sau Kế Hoạch Ngũ Niên Thứ 8 (1991-95), nhưng lại giảm đi sau đó (9.8% năm 1996; 8.6% năm 1997; 7.2% năm 1998; 8.4% năm 1999; 7.2% năm 2001; 10.% năm 2002; 9.5% năm 2004; 9.3% năm 2005) phần lớn do cuộc khủng hoảng tài chánh ở các nước Á châu; *(9) phần khác do yếu tố nội tại của bất cứ một nền kinh tế đang phát triển: có những khu vực bão hòa không thể phát triển nhanh hơn trước được. Kế Hoạch Ngũ Niên thứ 11(2006-2010) đưa ra chỉ tiêu khiêm tốn hơn (7.5%/năm), nhưng đến nay đã đạt tới mức 11.1%. Đối với dư luận quốc tế cũng như quốc nội, đây không phải là điều đáng được tuyên dương cổ vũ. Lý do: Các cấp chỉ huy chính quyền địa phương cũng như các xí nghiệp quốc doanh vì muốn được tưởng thưởng đã dùng mọi phương tiện để vượt chỉ tiêu, sẵn sàng hy sinh môi trường và sự an lạc của công nhân viên của mình và của cộng đồng. Các kinh tế gia và truyền thông thế giới hy vọng trong Kế Hoạch Ngũ Niên thứ 12 (2011-15), Hoa Lục sẽ chú trọng nhiều hơn vấn đề an sinh xã hội, cải tổ đời sống thị dân, nhất là nông dân, và đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi sinh. Cũng cần nói thêm là nhiều công ty ngoại quốc qua các chỉ tiêu trong các kế hoạch ngũ niên của chính quyền Hoa Lục đã điều chỉnh chiến thuật sản xuất của công ty mình về sản phẩm cũng như về thị trường; và mạnh dạn đầu tư vào nền kinh tế chỉ huy này.
Như trình bày ở trên, sự cải tổ sang kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo sau hậu trường của Đặng Tiểu Bình mặc dù vẫn giữ một số đặc trưng của kinh tế chỉ huy đã không thể thực hiện suông sẻ, bởi lẽ Cộng Đảng Hoa Lục không thể khắc phục được sự mâu thuẩn giữa cơ chế thị trường và quyền bính đã ăn sâu trong não trạng nhất là của các đảng viên kỳ cựu. Họ lo sợ mâu thuẫn về quan điểm sẽ đưa đến xung đột trong nội bộ Đảng rồi sẽ lan truyền nhanh chóng sang dân chúng, đưa đến tình trạng tan vỡ như đã xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu. Cho nên Đảng chủ trương phải đàn áp để chấm dứt. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời bởi vì khó có thể nhanh chóng tiến tới “nhất trí” về lập trường với một số đảng viên đông đảo (khoảng 70 triệu lúc bấy giờ) và một dân số khổng lồ (1,3 tỷ lúc đó) trước một biến cố khá trọng đại của lịch sử. Giải pháp được đưa ra kế tiếp là hội nhập nền kinh tế Hoa Lục vào kinh tế toàn cầu, vừa cho dân chúng trong nước và thế giới thấy là Hoa Lục cởi mở; vừa hy vọng là toàn cầu hoá sẽ đem lại nhiều lợi hơn hại, nhất là có thể nâng cao mức sống của dân chúng.
Mặc dầu về phương diện chính trị, vẫn chủ trương “sử dụng các phương tiện hữu hiệu để duy trì sự ổn định xã hội và chính trị” (take forceful measures to maintain social and political stability), nhưng Jiang Zemen vẫn bị giới bảo thủ công kích. Thêm vào đó những cải cách kinh tế tuy đẩy sản lượng lên nhanh, chẳng hạn năm 1993 TSLQN tăng 13.4%, tức gần 50% hơn chỉ tiêu 9%, nhưng lạm phát lại tăng 14%; hoặc năm sau TSLQN tăng 12%, nhưng lạm phát lại tăng lên 21.4% theo thống kê chính thức, quá cao so với chỉ tiêu 10%, khiến đời sống dân chúng thành thị lẫn thôn quê chịu thêm nhiều khó khăn. Theo Bộ Lao Động, trong năm 1994 đã xảy ra hơn 12000 cuộc tranh chấp lớn về lao động, trong đó có khoảng 2500 trường hợp công nhân bao vây nhà máy, đình công, đốt kho xưởng, cầm giữ chủ nhân hoặc ban lãnh đạo. Bản thân Tổng Bí Thư Jiang Zemin khi đi thăm nơi sinh của họ Mao cũng bị nông dân bất mãn vây quanh gần cả tiếng đồng hồ để chất vấn và trao kiến nghị.
Cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của Jiang Zemin (tháng 10/97) và cuộc viếng thăm trả lễ của Tổng Thống Bill Clinton (tháng 6/98) giúp cho công cuộc cải cách kinh tế theo hướng toàn cầu hóa của Hoa Lục thêm nhiều thuận lợi hơn.
Trong 2 thập niên giữa 1980 và 2000, lợi tức thật từng đầu người (real income per capita) của Hoa Lục tăng 4 lần, và số người sống dưới mức nghèo đói (1 đô la/ngày) giảm 27%. Hiện nay Hoa Lục còn độ 100 triệu người sống dưới mức nghèo đói — tức dưới 1 đô la mỗi ngày. (Trong khi du khách đến Washington DC trông thấy tận mắt dân homeless, nhưng có mấy ai trong những chuyến du lịch theo tour đến Hoa Lục đã mục kích được sinh hoạt của những kẻ cơ hàn này?).
Với hàng hóa Made in China xuất hiện đều khắp thế giới (ngay từ giữa thập niên 2000, phân nửa tống trị giá quần jeans, hàng vải sợi, giày dép, đồ gỗ, máy lạnh nhỏ trên thế giới, vv. đều nhập cảng từ nước này), Hoa Lục cũng chỉ là “một nhà máy chế biến khổng lồ, một nước phát triển đang lên, chứ chưa được xem là một nước công nghiệp. Theo thống kê của The Economist, cơ cấu nhân dụng trong các lãnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của Hoa Lục lần lượt là 41%, 25% và 34%; trong khi của Nhật Bản là 4%, 27% và 69%; và của Hoa Kỳ là 2%, 22% và 76%. *(10) Công bằng hơn, chỉ cần so sánh cơ cấu kinh tế Hoa Lục với các nước khác trong nhóm BICS, chúng ta cũng thấy rằng kinh tế Hoa Lục hiện nay vẫn mang đặc trưng của nền kinh tế nông nghiệp. Thật vậy, các tỷ lệ trên của Brazil lần lượt là: 21%, 19% và 60%; của Ấn Độ là: 18,1%, 29.5% và 52.4%; của Nam Phi là 3,2%, 50,3% và 64,9%.
Hoa Lục xuất cảng nhiều nhất sang Châu Âu Thống Nhất (20,1%), kế đến sang Hoa Kỳ (19,1%), Hong Kong (15,1%),), Nhật (8,4%); Nam Hàn (4.6%). Trong khi đó, nhập cảng nhiều nhất từ Nhật (14%), kế đó từ Châu Âu Thống Nhất (11.6%)), Nam Triều Tiên (10.9%), Đài Loan (10.6%), Hoa Kỳ (7.3%). Hàng hóa Hoa Lục chiếm cao nhất trong trị giá nhập cảng của Việt Nam (20.4%), trong khi đó VN chỉ xuất cảng 5.9% sang Hoa Lục — và 21.5% sang Hoa Kỳ, có thể xem như gián tiếp xuất cảng hộ cho Hoa Lục!
Một khía cạnh đáng chú ý khác của ngoại thương của Hoa Lục là: Hầu hết các công ty Hoa Lục làm ăn ở hải ngoại đều là những công ty quốc doanh, cho nên tuy vốn liếng có thể dồi dào và điều kiện đôi khi dễ dãi, nhưng khả năng thụ đắc (acquisition) hay sát nhập (merge) để thành những đại công ty có uy tín và bề thế, nhất là trong những lãnh vực liên hệ đến an ninh quốc phòng, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn các công ty Tây phương thuần túy tư nhân. Lý do: một mặt tiến trình quyết định thương mại chậm chạp dễ làm mất thời gian tính; mặt khác, chính quyền ngoại quốc có quyền nghi ngờ hậu ý của Bắc Kinh về chính trị và quân sự, và dễ đưa đến sự can thiệp của lập pháp, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Bắc Kinh có thể qua một đêm “tư hữu hóa” một số công ty quốc doanh để giúp chúng đạt mục tiêu thủ đắc hay sát nhập, nhưng thế giới bên ngoài đến bao giờ mới nghĩ đó là những công ty tư doanh? Nói khác đi, việc Bắc Kinh tiếp tục sử dụng các công ty quốc doanh để đẩy mạnh kinh tế sang lãnh vực phát triển toàn cầu hóa cũng gặp những bất lợi của nó.
VIỄN CẢNH
Dẫn Đầu Thế Giới Năm 2040?
Trước suất số tăng trưởng kinh tế cao khác thường và trị giá xuất cảng càng ngày càng gia tăng của Hoa Lục trong lúc Tây phương chưa thoát ra tình trạng khủng hoảng tài chánh, thì bài báo ngắn của Robert Fogel đăng trên báo Foreign Policy tháng Giêng/Tháng Hai Năm 2010 càng làm cho nhiều người lo nghĩ và không vui.*(11) Theo kinh tế gia được giải Nobel năm 2003 này, thì
đến năm 2040, kinh tế Hoa Lục sẽ tới mức 123 trillion, tức gần 3 lần hơn kinh tế toàn cầu năm 2000, tức chiếm 40% Tổng Sản Lượng Thế Giới, trong khi Hoa Kỳ chỉ chia sẻ 14% và Châu Âu Thống Nhất ở vị thế khiêm tốn hơn nữa, tức 5% mà thôi, trong khi đó cơ quan nghiên cứu Carnegie Endownment for International Peace cho rằng kinh tế Hoa Lục chỉ 20% hơn kinh tế Hoa Kỳ năm 2050. Bài báo không mấy quân bình vì chỉ đưa ra những lý do khiến cho kinh tế Hoa Lục tiến nhanh và kinh tế Châu Âu Thống Nhất lùi lại mà không đá động vì sao Hoa Kỳ lại xuống cấp như vậy. Tuy nhiên, theo thiển kiến của người viết, những lý do ông đưa ra để giải thích tầm vóc kinh tế Hoa Lục cũng không có sức thuyết phục mấy.
Theo Fogel, sau đây là những yếu tố đóng góp cho tỷ lệ tăng 40% nói trên:
- Giáo dục: nhà nước đầu tư khổng lồ vào giáo dục đã làm cho năng suất
lao động tăng nhiều; Chủ Tịch Jiang Zemen kêu gọi một sự ghi danh tăng vọt vào đại học. Ông tiên liệu trong thế hệ tới, học sinh trung học sẽ tăng 100%, sinh viên đại học tăng 50%.
- Khu vực nông thôn với 55% dân số, đóng góp 1/3 TSLQN cho nền kinh tế (năm 2009) và sẽ “không biến mất trong 30 năm sắp tới.”
- “Các nhà thống kê Hoa Lục có thể ước tính quá thấp tiến bộ kinh tế”, đặc biệt là trong lãnh vực dịch vụ vì không kể những cải tiến về giáo dục và y tế.
- Người ta thường nghĩ Bắc Kinh là đầu tàu cho cải tổ kinh tế, nhưng những cải tiến quan trọng là từ “địa phương.” ( Người viết nghĩ là ông ám chỉ các cấp làng xã và thị trấn, tức những đơn vị hành chánh được cho quyền tuyển cử tự do, không hạn chế số ứng cử viên, cũng không cần là người do Đảng giới thiệu; bầu trực tiếp; và được quyền kinh doanh, thành lập các công ty xí nghiệp vv.) Ông còn khen ngợi tinh thần dân chủ, cởi mở và trách nhiệm của các nhà kinh tế, qui hoạch Hoa Lục trong Hiệp Hội Kinh Tế Gia Hoa Lục mà ông thường được mời dự. *(C)
- Theo ông, “Người ta không ghi nhận đầy đủ khuynh hướng tiêu thụ từ lâu bị đè nén. Nhìn từ nhiều khía cạnh, Hoa Lục ngày nay là nước tư bản nhất hoàn cầu”; “mức sống và lợi tức theo đầu người đã cao hơn mức “high middle income” mà Ngân Hàng Thế Giới xếp loại.” Dân chúng càng ngày càng mua sắm thêm quần áo, đồ điện tử, thức ăn nhanh, xe cộ. Chính quyền lâu nay đã biết rằng sự gia tăng tiêu thụ nội địa là cần thiết cho nền kinh tế và có chính sách khuyến khích.
Người viết xin đưa ra vài con số và sự kiện duới đây để giúp độc giả suy ngẫm về khả năng thuyết phục của các dự phóng nói trên:
- Tiêu thụ nội địa (cả 2 khu vực công và tư) của Hoa Lục chiếm 51,8% TSLQN năm 2005, xuống còn 48,7% năm 2008, và 35.1% năm 2009. Tỷ lệ cùng năm 2008 ở các nước phát triển khác cao hơn nhiều: Brazil (80,7%); Ấn Độ (65,1%); Nam Phi 81,1%; Nga (66%). Nói khác đi, Hoa Lục chủ trương tiếp tục con đường của Mao, tức bức ép dân chúng hạn chế tiêu thụ để dành tiền đầu tư. Thật vậy, tỷ lệ đầu tư đối với TSLQN năm 2008 ở Hoa Lục là 42,3%, cao hơn của các nước kể trên khá nhiều, theo thứ tự là 17,7%; 37,6%; 21,9%; 24,3%. Trừ Nga ra, các nước còn lại đều nằm ở Nam Bán Cầu (Brazil, India, China và South Africa, viết tắt là BICS; tất cả được các kinh tế gia xem là những nền kinh tế đang lên).
- Năm 2009, 55% dân số, tức 700 triệu người vẫn còn sống ở nông thôn.
Sau cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới, hàng trăm ngàn nhà máy Hoa Lục phải đóng cửa (trong đó có hằng trăm công ty do Hoa kiều làm chủ lẳng lặng đóng cửa bỏ về nước, công nhân không được trả lương) và hằng chục triệu công nhân phải trở về quê quán, khiến con số này có thể lên đến 800 triệu vào cuối năm 2010. Vậy mà, theo Nhân Dân Nhật Báo phổ biến qua website GOV.cn ngày 8/3/2006), Kế Hoạch Ngũ Niên thứ 11 (2006-2010) dự trù lợi tức khả dụng theo từng người sẽ tăng lên trong thời kỳ này sẽ tăng từ 10.493 Nhân Dân Tệ lên 13.390, tức 26.7% ở đô thị; trong khi đó ở nông thôn chỉ từ 3.255 NDT lên 4.110, tức 26,3%. Trước và sau kế hoạch này, mức sống nông dân vẫn chỉ bằng 31% mức sống thị dân! Chủ trương của Mao khẩn trương tăng dân số từ 540 triệu năm 1950 lên 930 triệu năm 1976 hầu “lấy thịt đè người” đến nay vẫn chưa gỡ rối nổi. “Chính sách một con”, chủ trương “một xã hội hài hòa” (xiaokang society), cũng như những phương thức đề ra trong những kế hoạch ngũ niên sau đó khó có thể san bằng mức cách biệt giữa nông thôn và thành thị, ít nhất trong 3 thập niên nữa. Xin nhắc lại, hiện nay tại Hoa Lục vẫn còn hơn 100 triệu người sống dưới mức nghèo đói, tức với dưới 1 đô la mỗi ngày.
- Khi giáo dục không còn bao cấp nữa, thì qua khỏi chương trình cưỡng bách giáo dục (xong lớp 9), con cái những gia đình với lợi tức thấp sẽ thiếu cơ hội để tiến xa hơn. Thủ Tướng Wen Jiabo từng tuyên bố là 80% bạn cùng lớp với ông ở Đại Học Tsinghua đến từ nông thôn. Ngày nay tỷ lệ đó chỉ là 17% ở Đại Học Tsinghua. Ở Đại Học Peking, tỷ lệ này l à 16%. Hai đại học này được xem là MIT và Harvard của Hoa Lục. (Newsweek Sept. 6, 2010). Nhân tiện, nhân vật đang lên Xi Jinping mà tuần báo The Economist (October 23rd – 29th 2010) gọi là “vị Hoàng Đế kếp tiếp” cũng xuất thân từ ĐH Tsinghua. Điều đó có nghĩa là những người xuất thân từ nông thôn trong tương lai khó có thể trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp.
- Tham nhũng ngày nay xảy ra đều khắp. Trong số 3000 doanh nhân giàu nhất Hoa Lục, 90% có mối quan hệ chặt chẽ với những nhân vật quan trọng trong Đảng. Thật ra Hoa Lục cũng có luật lệ trừng phạt tham nhũng, nhưng chỉ có không tới phân nửa số vụ việc được đưa ra tòa, và chỉ trừng phạt nghiêm nhặt để “thị uy” và “phô trương” khi có áp lực chính trị quốc nội hay quốc tế.
- Theo Mark Anielski, hiện là cố vấn kinh tế cho Hoa Lục thì “khoảng 15% TSLQN của Hoa Lục gắn liền với sự hủy hoại môi trường” *(12). Nếu ngày xưa, trong thời kỳ “Bước Tiến Nhảy Vọt”, người dân được lệnh săn đuổi bắn giết với ý định tận diệt chim chóc phá hại mùa màng đã vô tình đưa đến cảnh côn trùng sâu bọ sinh sôi nẩy nở tàn hại nhiều lần hơn; chính quyền xây dựng nhà máy bừa bãi không cần đếm xỉa gì đến môi sinh, thì ngày nay để tăng cường sản xuất xuất khẩu vượt chỉ tiêu thức đẩy Hoa Lục trở thành mãnh hổ, nhà chức trách — nhất là nhà chức trách làng xã thị trấn tự trị nói trên đã làm ngơ hoặc nhận tiền hối lộ sẵn sàng để cho các nhà máy thải chất dơ ra sông suối, phóng chất độc hại vào không khí; cho khai thác gỗ một cách bừa bãi làm trụi rừng gây lụt lũ; xây dựng bừa bãi các nhà máy thủy điện gây hay lụt lội các vùng lân cận, hoặc khô hạn cho khu vực hạ lưu — trường hợp sông Mekong và Việt Nam. Không biết bao nhiêu sông rạch nhỏ, kể cả một vài con sông lớn có tên trên bản đồ thế giới, chẳng hạn sông Huai River– đổ vào sông Dương Tử (Yangtzi River) và thung lũng của nó bao trùm một vùng rộng lớn gồm các tỉnh Ahui, Jiangsu, Sahngdong va Henan) với cư dân 150 triệu– từ bao năm nay đã trở thành những con sông chứa đầy độc tố.*(13)
Từ thập niên 1980, thỉnh thoảng một số thành phố hoàn toàn biến mất trên không ảnh do vệ tinh chụp vì bị bụi khói (haze) bao trùm. Năm 1991, các nhà máy Hoa Lục đã phóng vào không khí 11 tỷ (trillion) mét khối khí thừa (waste gas) và 16 triệu tấn bụi than (soot) đóng đầy trong mũi người đi đường. Trong 3 năm, trọng lượng than bụi than này bằng trọng lượng của toàn dân Hoa Lục cộng lại! Chất lưu hùynh từ than đá bay qua biên giới tàn hại rừng Siberia và bán đảo Triêu Tiên. Đến năm 2010, theo tính toán của nhiều chuyên viên thì Hoa Lục sẽ là nguồn gốc mưa acít lớn nhất thế giới.*(14)
Theo ước tính của Ngân Hàng Thế Giới, mỗi năm ở Hoa Lục có 750.000 ngàn người chết yểu vì môi sinh nhiễm độc; và cái giá y tế phải trả do sự tàn hại môi sinh lên đến 5% TSLQN; trong 20 thành phố nhiễm nhiều nhất khí carbon thải ra có đến 16 thành phố Hoa Lục. *(15)
- Rất nhiều nhà máy được thiết lập cũng như nhiều công cụ, máy móc do chính Hoa Lục thiết kế và chế tạo hoạt đông kém hiệu năng không tiết kiệm được nhiên liệu; đường sá, cầu cống trong mấy thập niên vừa qua được xây dựng nhiều, nhưng hầu hết cũng đều kém hiệu năng kinh tế, phí phạm tài nguyên mà đáng lẽ có thể sử dụng vào việc chống nghèo đói vv. *(16)
Cũng khá mỉa mai là theo Fogel, tất cả những khó khăn của kinh tế Hoa Lục như “thêm bất bình đẳng về lợi tức, bất ổn xã hội tiềm ẩn, tranh chấp lãnh thổ, khan hiếm nguyên liệu, thiếu nước, ô nhiễm môi sinh, và hệ thống ngân hàng còn non yếu” vv. mà những người nghiên cứu nền kinh tế Hoa Lục thường đưa ra thì “không có gì bí mật đối với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cả”. Nhưng chỉ mỗi chuyện con sông Huai River biến thành con sông đen mà gần cả chục năm nay chính quyền trung ương và địa phương vẫn chưa giải quyết giúp nó xanh trở lại. Như chúng ta đã biết, từ chỗ quan tâm, tới việc đưa ra giải pháp khả thi và thực hiện thành công mang lại kết quả như ý muốn, không phải lúc nào cũng là một tiến trình trơn tru và suông sẻ. Các chương trình, dự án kinh tế lắm khi phải gặp những yếu tố nội sinh, và cũng như những yếu tố ngọai sinh từ trong cũng như ngoài nước – kinh tế tài chánh, chính trị, xã hội, khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong thời đại kinh tế toàn cầu — khiến cho nhiều khi đành phải bỏ dở vì không thể điều chỉnh nổi khiến kế hoạch kinh tế không thể đạt được chỉ tiêu, cũng như dễ đi chệch hướng!
(Còn tiếp)
© Lê Văn Bỉnh
© Đàn Chim Việt
———————————————————–
Ghi Chú Liên Quan Đến Kinh Tế Việt Nam
*(C) Người viết không nghĩ là kinh tế gia Fogel, với não trạng Mỹ, đã hiểu thế nào là dân chủ trong nội bộ Đảng.Trong lúc hội họp, có khi đến hằng trăm đảng viên, họ được quyền tranh luận rất bình đẳng dân chủ, nhưng một khi vấn đề (đường lối, chính sách, nhân sự, kỷ luật vv.) đã được xem là “kín” và đã được giải quyết trong phiên họp rồi, thì không ai được phép bàn cãi nữa, đặc biệt không được phép tiết lộ ra ngoài. Nhưng hầu hết các vấn đề đã được đem ra thảo luận đều được coi là “kín”. Chắc chúng ta không quên khi ông Võ Văn Kiệt còn làm Thủ Tướng, hay khi ông Lê Đăng Doanh nắm Viện Nghiên Cứu Kinh Tế ở Hà Nội, có bao giờ dám tuyên bố điều gì nghe “lạ tai” như sau khi họ không còn tại chức. Ông Nguyễn Hộ, sau 2 lần họp nội bộ được “khuyên” đừng tuyên bố gì nữa”, vẫn tiếp tục làm, liền bị vào tù vv. Đối với dân chúng, dĩ nhiên Đảng luôn luôn khóa chặt bình dưỡng khí dân chủ, như mọi người chúng ta đều biết.
Ghi Chú Tài Liệu Tham Khảo
*(9) Greogory Chow, Interpreting China‘s Economy,World Scentific, 2010
*10) The Economist, Pocket World in Figures: 2010 Edition
*(11) Robert Fogel, $123,000,000,000,000: China’s Estimated
Economy by the Year 2040. Be Warned, The Foreign Policy Centre, 2004
*(12) Mark Anielski, The Economics of Happiness, New Society Publishers,
2007
*(13) Elizabeth C. Economy, The River Runs Black, Cornell University Press,
2004
*(14) Nicholas D. Kristof & Sheryl Wudunn, China Wakes: The Struggle for
the Soul of a Rising Power, Random House, 1994
*(15) John Kamfner, Freedom for Sale: Why the World Is Trading Democracy
for Security, Basic Books, 2010
*(16) Shenggen Fan & Connie Chan-Kang, Road Development, Economic
Growth, and Poverty Reduction in China, IFPRI, 2005
Bai viet dai dong, lung~ cung~ mie^n man, va di qua xa cac van de kinh te lam` doc gia bi. hoa mu` va tau qua nhap ma. Tac gia chinh tri hoa kinh te bai viet 70% lam cho y tuong khong xoay manh vao kinh te. Kieu bai nay Tong Vo thay rat nhieu cac trang web tai Chau au phe binh kinh te Trung Quoc qua lang kinh chinh tri nhieu ho*n la cac thuc te va thanh qua? cua kinh te va suc manh cua kinh te.
Tac gia nen nhin cac chinh sach tien te^., chinh sach mau dich, chinh sach dau tu, chinh sach thu hut ngoai te cua Trung quoc voi cac yeu to chinh tri tac dong thi` thuyet phuc ho*n. Nhu*ng ap dung cac ly thuyet va ky thuat kinh te vi~ mo thi tach khoi? lang kinh chinh tri ra.