Hiểu biết về chính trị Hoa Kỳ
Quanh cuộc tranh cử ghế dân biểu liên bang vừa qua ở Hạt 47 California những luận cứ đưa ra trong cộng đồng người Việt để yểm trợ hay bài xích một ứng cử viên có khi mang nặng tính suy diễn chủ quan. Tôi không có ý kiến vào lúc ấy để tránh ấn tượng là đang vận động cho người này hoặc người kia.
Nay cuộc tranh cử đã xong, tôi đưa ra một số tiêu chuẩn mà cộng đồng chúng ta nên dùng từ nay để nhận xét về một vị dân cử lập pháp.
Tiêu chuẩn đầu tiên phải là những hoạt động và thành quả lập pháp, nghĩa là bao nhiêu đạo luật do chính người ấy là tác giả và trong số đó bao nhiêu đã trở thành luật. Còn các hoạt động không thuộc lãnh vực lập pháp như họp báo, ra văn thư, tham gia các sinh hoạt của cộng đồng, lập phái đoàn đi Việt Nam, v.v. chỉ là hoạt động bên lề, phụ thêm.
Rất tiếc, người Việt chúng ta thường cổ võ những hành động bên lề nhưng mang tính kích thích quần chúng thay vì đòi hỏi các hành động lập pháp thực hiện sau bốn bức tường của Quốc Hội. Một cách cụ thể, Nữ Dân Biểu Loretta Sanchez được một số người Viêt mệnh danh là chiến sĩ nhân quyền. Việc mệnh danh ấy dựa vào tiêu chuẩn nào?
Nếu xét về tiêu chuẩn lập pháp thì chúng ta phải tìm hiểu xem vị nữ dân biểu này đã là tác giả của bao nhiêu đạo luật liên quan đến nhân quyền ở Việt Nam. Theo tôi biết thì không có. Bà ta chỉ dứng tên yểm trợ các đạo luật do những vị dân biểu khác đưa ra.
Tiêu chuẩn thứ hai là thế ảnh hưởng của vị dân cử. Nhiều người Việt cho rằng việc chính quyền Việt Nam từ chối cấp visa cho vị nữ dân biểu này là chỉ dấu của sự đấu tranh mạnh mẽ và hiệu quả cho nhân quyền. Thực ra, rất có thể là ngược lại.
Các vị dân cử như Dân Biểu Christopher Smith hay Thượng Nghị Sĩ Sam Brownback đã lên án chính quyền Việt Nam nặng nề, đã đưa ra nhiều dự thảo luật để thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam, và đã đặt điều kiện cho chuyến công du Việt Nam của họ như là thăm tù nhân chính trị và tôn giáo, tiếp xúc với các thành phần bất đồng chính kiến. Chính quyền Việt Nam vẫn cấp visa nhập cảnh cho họ.
Điều này chỉ có thể giải thích là chính quyền Việt Nam biết rằng đụng chạm đến các vị như DB Smith và TNS Brownback thì sẽ bị phản tác dụng một cách nặng nề. Cả Quốc Hội sẽ lên án, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ can thiệp, Toà Bạch Ốc sẽ lên tiếng. Và chính các vị dân cử ấy sẽ đưa ra đạo luật để trừng phạt Việt Nam. Nếu vậy thì chính quyền Việt Nam đã không cấp visa cho Nữ DB Loretta Sanchez vì biết rằng sẽ không có một phản ứng ngược đáng kể nào, sẽ vô tội vạ.
Như thế việc bị từ chối visa không phải là chỉ dấu của sự làm việc hiệu quả màngược lại.
Ở đoạn trên tôi dùng chữ “có thể” vì đây là phần suy diễn dựa vào sự hiểu biết của mình. Sự suy diễn này cần được phối kiểm.
Chúng ta, nhất là cử tri Hạt 47 California, có hai cơ hội ngay trước mắt để phối kiểm.
Nữ DB Sanchez cần vận động để Bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và Ông Chủ Tịch Uỷ Ban Ngoại Giao Hạ Viện Howard Berman nhanh chóng đưa dự thảo luật HR 6432 và HR 6433, mà DB Cao Quang Ánh là tác giả, ra biểu quyết. Cả hai vị này cùng thuộc Đảng Dân Chủ và cùng ở Tiểu Bang California với nữ DB Sanchez. Đồng thời nữ DBø Sanchez cần vận động TNS Harry Reid (Dân Chủ, Nevada) và TNS John Kerry (Dân Chủ, Massachusetts) làm tương tự ở Thượng Viện. Trong khoá Quốc Hội này, còn hoạt động thêm 2 tuần nữa, Đảng Dân Chủ có toàn quyền sinh sát đối với hai dự luật kể trên.
Cơ hội thứ hai là trong một tuần nữa phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ do Thứ Trưởng Đặc Trách Dân Chủ, Nhân Quyền, và Lao Động Michael Posner hướng dẫn sẽ đi Việt Nam để đối thoại về nhân quyền với Hà Nội. Nữ DB Sanchez cần đòi hỏi Bộ Ngoại Giao can thiệp để bà đi chung, như một thành viên của phái đoàn. Nếu thực sự có sự can thiệp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ khó từ chối vì không muốn bị tai tiếng là thiếu thiện chí trong lãnh vực nhân quyền.
Viết như trên tôi không có ý chỉ trích nữ DB Sanchez. Lỗi phần lớn là do chính người Việt chúng ta đã không chọn tiêu chuẩn đúng đắn để đặt kỳ vọng thiết thực nơi các vị dân cử lập pháp nói chung.
Nguồn: Mạch Sống