WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tâm sự buồn vui với bạn đọc

Tôi xưa nay vốn chẳng phải là nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp. Nhưng từ mấy năm gần đây khi bước vào tuổi nghỉ hưu, thì tôi cũng viết được đến mấy trăm bài báo về đủ lọai đề tài này nọ. Nhiều bạn gợi ý cho tôi là nên gom lại các bài viết đó để xuất bản thành một số cuốn sách, mỗi cuốn theo một chủ đề riêng biệt; như vậy thì mới được phổ biến sâu rộng và để cho độc giả giữ lại trong các tủ sách riêng, hay gửi cho các thư viện để giữ lại lâu được. Các bạn khác thì góp ý cho tôi nên tập trung chuyên sâu vào một số đề tài nào nhất định, chứ không nên mở rộng ra quá nhiều lãnh vực khiến cho bị phân tán mỏng đi v.v…

Các sự phản hồi như thế quả thật đã giúp cho người viết hiểu biết rõ ràng hơn về sở thích đa dạng và sự mong muốn tích cực của nhiều giới độc giả bày tỏ ra cho mình. Nhờ đó mà tôi có thể tìm cách nâng cao hơn phẩm chất của bài viết, hầu đáp ứng thỏa đáng được với các đòi hỏi thực tế của quần chúng người đọc. Nhân dịp này, trước hết tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn đối với các bạn đọc vì những góp ý rất chân tình và thiết thực này.

Tiếp theo, tôi cũng xin được bày tỏ đôi điều tâm sự của người viết với các độc giả thân yêu đã từng theo dõi các bài viết trong nhiều ngày tháng gần đây của mình.

1 – Những lời động viên khích lệ rất quý báu của bạn hữu.

Đã trên 40 năm trước, lúc đến thăm anh bạn luật sư Nguyễn Hải Tấn lúc đó đang làm chánh văn phòng tại Bộ Giáo dục, thì tôi có dịp trao đổi với anh về chuyện viết bài cho một số đặc san. Anh Tấn nói câu này, khiến tôi cứ nhớ hòai : “ Tụi mình hay quá chú trọng đến cách bố cục, lối trình bày (anh nói tiếng Pháp là souci de composition ), cho nên mỗi khi viết thì hay ngập ngừng e ngại, thành ra viết rất chậm chạp. Trái lại, như bà cụ mẹ của tôi đó, bà viết như kể chuyện, chẳng cần chú ý đến văn phạm quy tắc gì cả. Ấy thế mà bà viết rất trôi chảy, dễ dàng…”

Sau này, khi qua định cư ở Mỹ, thì tôi gặp lại anh bạn cùng học với nhau lâu năm từ bậc tiểu học và trung học ở ngòai bắc, đó là nhà văn Trần Phong Vũ. Anh cũng nói với tôi : “ Khi ta có suy nghĩ chín mùi về một điều gì, thì ta đều có thể viết ra để chia sẻ ý kiến đó với bà con được. Anh là người đọc nhiều, lại hay đi đây đi đó gặp gỡ nhiều người; như vậy thì càng có nhiều chuyện để viết ra thành bài vở lắm chứ…”

Rồi khi tôi hay đến chơi với anh em tại báo Người Việt, tạp chí Thế kỷ XXI, thì tôi cũng gặp nhiều người bạn quen biết đã lâu mà đặc biệt có khả năng viết lách một cách dễ dàng, điển hình như các bạn Đỗ Quý Tòan, Phạm Phú Minh, Lê Đình Điểu, Hà Tường Cát… Anh Tòan còn gợi ý cho tôi cứ lần lượt viết về kinh nghiệm họat động xã hội của nhóm anh chị em ở quận 8 Saigon năm xưa, hoặc chuyện về vụ án chính trị và tù đày của tôi hồi đầu thập niên 1990 v.v… Những chuyện “người thật, việc thật” như vậy, mà viết ra thì có giá trị khả tín lắm lắm.

Rõ ràng những lời khuyến khích đại lọai như thế đã ảnh hưởng đến chuyện viết lách của tôi gần đây lắm vậy. Tôi thật phấn khởi tiếp nhận được những chỉ dẫn của các bạn hữu thân thiết đó.

2 – Những thuận lợi trong việc tìm kiếm tài liệu trên internet.

Nhiều bạn đọc bài viết của tôi, thì bày tỏ sự ngạc nhiên là làm sao mà tôi có cái trí nhớ chính xác về đủ mọi thứ chuyện như thế. Thật ra, tôi chẳng phải là con người tài ba mà có sự thông suốt kỳ diệu hơn người đâu. Vói tuổi cao, tôi cũng quên mất nhiều, chứ không còn sự nhạy bén đọc đâu nhớ đó như cái thời còn trai trẻ nữa. Đó là một quy luật sinh học, với số tế bào ở não bộ của người lớn tuổi thì cứ mỗi ngày một hao hụt mất mát đi, mà không còn khả năng tái tạo lại được như các bạn trẻ. Ở tuổi ngòai 70, trí óc tôi rõ ràng đã bị sa sút đi nhiều rồi.

Nhưng may mà hiện nay, nhờ có internet đã giúp cho tôi có thể tra cứu tìm kiếm ra được nhiều điều mà trí nhớ đã suy yếu của mình đã không thể cung ứng ra những thông tin, những số liệu thật chính xác được. Cụ thể như khi cần trích dẫn một câu văn, câu nói của một nhân vật nổi tiếng nào (quotation), thì tôi lại phải nhờ đến mạng google hay yahoo, để xem cho đích xác câu văn, câu thơ đó thực tế nó như thế nào, nó được ghi trong sách báo nào, tài liệu nào. Thành ra Internet ngày nay, quả thật nó đã giúp ích rất đắc lực cho người viết có được những tài liệu thật chính xác, để từ đó mà trình bày quan điểm, kết luận của mình về bất kỳ một chủ đề nào. Thông thường, tôi chỉ có sự hiểu biết thấu đáo chừng 60 – 70 % về một đề tài nào đó, do những kiến thức đã thâu thập được từ cả vài ba chục năm trước, thì nay rõ rệt là chưa thể coi như thế là đày đủ, là đã cập nhật được rồi (updated). Do đó mà nhờ tra cứu thêm ở internet, tôi đã có thể nâng cấp (upgrade) cái vốn kiến thức của mình liên hệ đến đề tài dự định trình bày cho đày đủ hơn, hợp thời hơn. Cứ như vậy, mà mình nắm vững được đến 85 – 90 % về đề tài đó, và rồi dựa vào các thông tin mới mẻ này tôi có thể bắt tay mà hòan thành bài viết để phục vụ độc giả được.

3 – Còn những chuyện buồn trong việc viết lách, thì sao?

Chuyện gì ở trên cõi đời này, thì đều có vui buồn lẫn lộn cả, làm sao mà tránh hết những việc trái nghịch với ý muốn chủ quan của riêng cá nhân mình được. Trước hết, là muốn viết cho đại chúng đọc, thì phải biết cách để mà “lách”, vì thế mà chúng ta mới có cái từ ngữ “viết lách”.

Từ xa xưa, cha ông ta đã có câu : “Nhất ngôn ký xuất – tứ mã nan truy”, tức là một lời nói khi đã phát ra, thì ngựa tứ mã cũng khó lòng mà truy tầm để bắt giữ lại được. Hoặc câu : “ lời nói – đọi máu”, để cảnh giác về sự nguy hiểm của lời nói có thể gây ra thương tích chết chóc cho người khác. Bên Âu châu, thì người ta cũng hay nhắc nhủ phải thận trọng với chữ viết bằng câu tục ngữ thông dụng của người La mã ngày xưa : “ Lời nói bay đi, nhưng chữ viết thì còn tồn tại mãi” (nguyên văn tiếng latin : verba volant, scripta manent).

Vì bài văn bài báo, một khi được phổ biến công khai rồi, thì nó thuộc quyền sử dụng của công chúng, tác giả không thể nào mà làm thay đổi, sửa chữa bài đó được nữa. Như vậy, giới cầm bút cũng giống như là “người đi làm dâu trăm họ” vậy, phải chịu sự phê phán khen chê của mọi người. Vì ý thức được tình trạng đó, nên tôi đã phải hết sức đắn đo thận trọng mỗi khi ra tay viết một bài báo nào.

Vốn là người chuyên họat động lâu năm trong lãnh vực xã hội từ thiện nhân đạo, nên tôi hầu như không có một đối thủ nào, không hề có sự hiềm khích ân óan hận thù với bất kỳ cá nhân nào. Do vậy mà mỗi khi viết, tôi không bao giờ phải nhắm vào việc phải chỉ trích, phải lăng nhục, phải triệt hạ cho bằng được một đối tượng nhất định nào, một địch thủ nào đó. Dĩ nhiên là tôi luôn giữ vững lập trường của một người sĩ phu quân tử, một người quốc gia chân chính, cương quyết không thỏa hiệp, không bao giờ chịu nhượng bộ đối với lọai người cộng sản ngoan cố cuồng tín, thâm độc giả dối, tàn bạo sắt máu. Mà tôi luôn tìm cách áp dụng theo lời nhắc nhủ của cha ông mình từ ngàn xưa đã dậy rằng : “ Phải lấy đạo nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, “ phải lấy đức báo óan”…

Vì thế mà có người bạn lại chê tôi là anh mềm mỏng quá như vậy, thì đâm ra nhu nhược đối với bọn cộng sản ác ôn gian xảo đấy! Lại có bạn khác, khi đọc bài tôi viết về sự hòa giải và hợp tác của hai dân tộc nước Pháp và nước Đức sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt năm 1945, thì phê phán rằng :” Liệu anh có chủ trương hòa giải- hòa hợp với bọn cộng sản ở Việt nam hay sao, mà lại viết về chuyện vượt qua hận thù như trong bài này?”

Gặp những bạn phê bình chỉ trích như vậy, tôi thông cảm với sự quá căm thù uất hận của những người đã từng là nạn nhân đau đớn của cộng sản, nên luôn cảnh giác cao độ trước bất cứ hành động, ngôn ngữ nào mà xem ra có vẻ “nhẹ tay, dịu dàng đối với kẻ thù không đội trời chung, đối với bè lũ đã mất hết nhân tính như lọai người cộng sản ác ôn đó”. Nhưng tôi vẫn không thể sử dụng thứ ngôn từ quá cứng rắn đến độ thô lỗ mỗi khi phải nêu ra những sai trái, bất cập trong chính sách cuồng bạo của người cộng sản. Mà tôi theo lối chỉ bảo của cha ông ta ngày trước, cụ thể như trong câu tục ngữ thông dụng : “Lạt mềm buộc chặt”, tức là dùng lời lẽ mềm mỏng nhẹ nhàng thế đấy, nhưng mà lại có tác dụng rất chắc chắn vững vàng, khiến cho phía cộng sản khó  mà lẩn tránh chạy thóat đi đâu được nữa.

4 – Phương hướng phục vụ số đông bạn đọc.

Sau nhiều ngày tháng tham gia góp bài trên báo in trên giấy, cũng như trên báo điện tử, tôi lần hồi tìm ra được phương cách thích hợp nhất đối với mình là : “ Viết thật đơn giản, sáng sủa gọn gàng để cho đa số quần chúng có thể đọc được. Như vậy, thì phải tránh viết những bài quá dài dòng, hoặc có nội dung cầu kỳ phức tạp với nhiều chi tiết rối mù, tối nghĩa khó hiểu, khiến làm nản lòng độc giả.” Tôi rất đồng ý với sự góp ý của một người bạn rằng : “Anh phải viết sao cho số đông độc giả đa số chỉ có trình độ học vấn cỡ lớp 9, lớp 10 bậc trung học là có thể đọc và hiểu được. Chứ mà viết cao siêu quá, thì chỉ để dành riêng cho một số rất nhỏ độc giả mới có thể đọc được mà thôi.”

Và tôi đã cố gắng chỉ viết các bài ngăn ngắn cỡ trên dưới vài ngàn chữ, dàn trải trong 4 – 5 trang giấy, để độc giả có thể đọc xong trong 7 – 8 phút. Có thể ví như các bài viết ngắn lọai này tương tự như một thứ “ mì ăn liền” (fast food), để giải quyết gọn lẹ tạm thời cho qua cơn đói bụng vào buổi sáng hoặc ban trưa, chứ đó không phải là thứ món ăn thịnh sọan chỉ dùng cho các bữa tiệc linh đình vào buổi chiều tối, khi bà con có nhiều thời gian để tha hồ mà nhâm nhi thưởng thức một cách chậm rãi khóai khẩu.

Dân số nước ta hiện nay vào khỏang 87 triệu người ở nội địa, và khỏang gần 4 triệu người sinh sống ở hải ngọai. Mà thành phần trẻ dưới 40 tuổi, thì có thể lên tới 60 triệu, đó quả thật là một lực lượng cực kỳ quan trọng để xây dựng và phát triển quốc gia, cả về kinh tế chính trị, cũng như về văn hóa tinh thần. Các bài viết của tôi, đặc biệt về lãnh vực Xã hội Dân sự, chính là nhằm dành riêng cho khối quần chúng thanh thiếu niên có tiềm năng vô biên và đày sức sáng tạo này. Vì thế mà tôi luôn rất lạc quan, mỗi khi cố gắng tìm cách trao đổi suy nghĩ và kinh nghiệm của bản thân mình với lớp người này.

Cuối cùng, có thể sau này tôi sẽ gom góp, chọn lọc bổ túc bài vở cho hòan chỉnh hơn, và đem xếp lọai một số bài theo một chủ đề nhất định, để rồi cho xuất bản thành một số cuốn sách để dễ dàng phổ biến hơn. Nhưng vì hiện nay, tôi vẫn còn phải bận rộn nhiều với việc sưu tầm nghiên cứu, nên chưa thể khởi sự việc chuẩn bị cho lọai sách này được.

Xin quý bạn đọc thông cảm cho hòan cảnh và dự tính của tôi trong vấn đề này vậy nhé. Xin cảm ơn sự kiên nhẫn của tất cả các bạn đã theo dõi lời biện bạch của tôi trong bài viết này đã dài tới hơn 2.400 chữ. Và xin hẹn sẽ được dịp trao đổi trình bày thêm trong một dịp khác nữa.

California, Tháng Năm 2011

© Đòan Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

 

 

Phản hồi