WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lương thực “bất an” và chuyện nhất nông, nhì sĩ

Biến nguy nan thành cơ hội nếu ta biết coi trọng nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn ngay từ bây giờ. Đất nước có cơ hội cất cánh trong lúc cả thế giới lâm nạn về thức ăn, bớt đi những “thảm họa Titanic” làm đất nước chìm đắm trong nợ nần.

Đói khổ khó xây dựng được xã hội lành mạnh

Dân gian ta có câu: “Nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ”, rồi “hết tiền, hết gạo, hết ông tôi”… để nói lên vai trò của lương thực quan trọng như thế nào. Đó luôn là nỗi lo từ lúc con người biết kiếm ăn trong tự nhiên và sẽ tiếp tục cho đến khi trái đất này hết tồn tại.

Đã hơn 50 năm kể từ lúc tôi còn nhỏ và biết được thế nào là cảm giác đói. Đói triền miên, đói vàng mắt, ăn cơm độn sắn khoai, nhiều khi ăn cả cháo cám. Lên giường bụng cồn cào, nửa đêm dậy khóc: “Mẹ ơi, đói lắm con không ngủ được”. Cha tôi vội mò đi lấy tạm một củ khoai sống cho các con gặm. Mẹ khóc thành tiếng vì chính bà không có hạt cơm nào vào bụng mấy ngày nay, dù vừa đẻ em bé được vài tháng. Cũng may mà thời ấy cũng qua đi.

Thế mà hôm nay, trên thế giới vẫn còn hơn 1 tỷ người lên giường với cái bụng rỗng như tôi từng chịu hơn nửa thế kỷ trước. Có tới 70% trong số đó là phụ nữ vì thói quen cam chịu, nhường cơm xẻ áo cho chồng con. Mỗi phút có 170 người trên trái đất biến thành nghèo kiệt quệ. Hàng năm trên thế giới, khoảng 3,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị chết do đói nghèo, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng.

Rất có thể trong 90 triệu người Việt trong thời nay, vẫn còn vài triệu đứa bé không ngủ được như tôi thuở bé thơ, dù đất nước với thu nhập bình quân 1300$/người/năm.

Mấy tuần trước (16-17/4/2011), tại trụ sở của IMF và Ngân hàng Thế giới, các đại biểu từ khắp thế giới về dự cuộc họp thường niên mùa Xuân (Spring meeting). Đập vào mắt là khẩu hiệu “Put Food First – Ưu tiên số 1 cho lương thực“.

Cả thế giới đang lo về lương thực. Xung đột khu vực, chạy đua vũ khí hay thảm họa thiên nhiên không phải là mối quan tâm của những nhà chiến lược phát triển quốc tế.

Ông Bob Zoelick, Chủ tịch WB nói, nếu còn tồn tại những bà mẹ mang thai, những đứa trẻ sinh ra bị đói rét hành hạ lúc lên giường vào buổi tối thì nhân loại sẽ mất đi vài thế hệ trong tươg lai. Đói khổ thì khó mà xây dựng được một xã hội lành mạnh.

Thế giới đi về đâu vào năm 2050?

Mấy tháng nay thế giới đang bị chiến tranh cục bộ đe dọa, giá dầu tăng, thảm họa thiên tai khủng khiếp ở Nhật Bản. Như thêm vào nỗi đau nhân thế, giá lương thực, thực phẩm tăng vọt, gần tương đương với vụ khủng hoảng lương thực năm 2008.

Theo tính toán của WB, giá thực phẩm thế giới chỉ tăng nhẹ 10% đã kéo theo khoảng 10 triệu người quay về dưới mức nghèo khổ (1.25$/ngày). Nếu tăng lên 30% sẽ tương đương với 34 triệu người rơi xuống đáy nghèo. Mà theo ước tính, trên thế giới có khoảng 1,2 tỷ người nghèo sống với 1,25$/ngày. Chả lẽ cứ ngồi nhìn đội quân nghèo ngày một đông thêm.

Trong vòng 4 thập kỷ nữa, dân số thế giới vào khoảng 9 tỷ người. Nhiều người sẽ giầu hơn và nhu cầu về lương thực, thực phẩm sẽ tăng cao, kể cả số lượng và chất lượng. Số người vượt qua ngưỡng nghèo cũng tăng dần và họ cần ăn uống theo kiểu của người có tiền.

Trong một cuộc họp về lương thực thế giới, có 1 quan chức từ 1 nước nghèo đã đùa- nhưng chứa đựng một phần sự thật rằng- các nước phát triển là nguyên nhân gây ra nạn thiếu lương thực. Ngày xưa chúng tôi nghèo, ngày ăn 1 bữa. Nay do là cố vấn của các vị, rồi cho vay tiền phát triển, hàng trăm triệu người vượt qua ngưỡng nghèo lại muốn ăn ngày 3 bữa, chất lượng cao hơn, nhiều thịt cá hơn. Thiếu lương thực là vì người nghèo đang giầu lên. 1 nghịch lý về lương thực của thời đại.

Đến Timor Leste sau chiến tranh, vào cửa hàng thực phẩm, thấy quảng cáo về thức ăn giầu dinh dưỡng, giầu đạm và chất béo, giúp tăng cân. Thực phẩm bán bên các nước giầu, quảng cáo ngược lại: Không đường, không béo, không tăng cân!

Không ít người chết vì ăn nhiều quá trong khi hàng triệu người khác chết đói. Đó cũng là một nghịch lý khác trong hội nhập.

Tại những quốc gia chuyên sản xuất lương thực thì sự cạnh tranh về đất trồng trọt, nước tưới tiêu và năng lượng sẽ khốc liệt hơn trong bối cảnh nước nào, ngành nào cũng muốn vươn lên bằng mọi giá, trong đó phải kể đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một thứ khẩu hiệu “phá tan” nền nông nghiệp của muôn đời. Chưa kể đến những hệ lụy về văn hóa, lịch sử và thậm chí cả biến động chính trị ngoài ý muốn.

Chỉ cần vài cái đập thủy điện trên sông Mekong cũng đủ làm cho vựa lúa đồng bằng Nam Bộ biến thành khu đất nhiễm mặn, mấy chục triệu người bị ảnh hưởng. Nước bạn có chiến lược phát triển của riêng mình. Sự ảnh hưởng về mặt ngoại giao ít khi tác động đến mối lợi kinh tế.

VN, một nước nghèo nhưng nhiều sân goff nhất thế giới. Ảnh Sân golf Đồng Mô.

Những dự án sân golf, những thành phố mọc lên, nhà máy, khu công nghiệp mới được hình thành sẽ chiếm dần đất trồng trọt. Trái đất ấm dần lên kéo theo lũ lụt, hạn hán, thiên tai, cuốn trôi hàng chục triệu tấn lương thực mỗi năm. Biến đổi khí hậu làm cho đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, ảnh hưởng tới những nước xuất khẩu lương thực và kéo theo bao hệ lụy.

Trong gần nửa thế kỷ nữa, đất nông nghiệp của Việt Nam và sản lượng lương thực có thể giảm đi một nửa do nước mặn dâng cao hàng mét ở châu thổ sông Mekong, trong lúc đó dân số tăng lên gấp rưỡi.

Việt Nam phải làm gì?

Việt Nam có giấc mơ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong lúc 70% dân số làm nông nghiệp và phần trí thức còn lại cũng khá đông xuất thân từ nông dân. Để tiến tới xã hội kinh tế tri thức và có thể xuất khẩu chất xám phải mất hàng thế kỷ. Tại sao chúng ta không làm ngược là hãy đi từ hiện đại hóa nền nông nghiệp?

Tháng 11-2007, trận bão khủng khiếp Sidr đã cướp đi mạng sống của hàng nghìn người ở Bangladesh và xóa sổ gần như toàn bộ vựa lúa của đất nước đã rất nghèo này. 1 năm sau đó, Bangladesh là quốc gia đầu tiên vạch ra chiến lược với dự toán vài tỷ đô la nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc ưu tiên cho phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực trong điều kiện thời tiết bất thường của những thập kỷ tới.

Khủng hoảng lương thực vừa là thách thức vừa là cơ hội. Đây là thời điểm mà Việt Nam với 70% là nông nghiệp, nước thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo, trở thành “nhất nông nhì sỹ”, vì thế giới đang thiếu thứ mà Việt Nam có thể làm ra được và làm ra rất nhiều.

Đổi mới năm 1986 đã chứng minh, đầu tư đúng mức đã giúp Việt Nam từ một nước chuyên nhập khẩu lương thực cứu đói thành 1 trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gạo. Chính sách đúng đắn cho nông nghiệp đã giúp cho nhà nông lên ngôi.

Thử tìm xem ngành nào xuất khẩu được nhiều hơn nông nghiệp, thủy hải sản mà tiền đầu tư của Nhà nước bỏ ra quá ít ỏi. Có nên so với sân golf, Vinashin “Titanic”, rồi những doanh nghiệp “anh cả” của nền kinh tế mà nghe tên là biết lỗ nặng- từ vài trăm tỷ đến hàng ngàn tỷ.

Trong khi đó, nông dân cần được đào tạo bài bản về cung cách làm ăn mới trong sản xuất nông nghiệp, nắm vững về thời tiết, biến đổi khí hậu, biết lên kế hoạch trồng gì, nuôi gì một cách khoa học, kể cả bảo vệ môi trường, giúp tăng trưởng bền vững. Có một ai dám nghĩ nông nghiệp là anh cả của nền kinh tế hay chưa?

Tính minh bạch thông tin cũng giúp cho nông dân rất nhiều. Kẻ đầu cơ luôn kiếm lời cao nhất bằng cách giấu thông tin về giá cả. Nông dân chịu thiệt thòi vì họ không đủ thông tin. Nếu tin tức về gạo thóc, lợn gà, sữa bò được công khai trên mạng và người nông dân có thể truy nhập qua trạm internet, cellphone, đài, tivi, báo… thì họ sẽ sẽ bán sản phẩm có lợi nhất trong lúc tìm phân bón giá rẻ theo ý muốn. Đó chính là niềm khích lệ để nhà nông lên ngôi.

Người ta tính rằng, đến năm 2050 thì sản lượng lương thực cần tăng 70% mới đủ cung cấp cho 9 tỷ người trên hành tinh khi đó. Trong lúc ấy, người tăng, đất giảm, nếu không có chiến lược cụ thể về nông nghiệp thì nhiều quốc gia sẽ rơi vào thảm họa thiếu lương thực.

Biến nguy nan thành cơ hội nếu ta biết coi trọng nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn ngay từ bây giờ. Đất nước có cơ hội cất cánh trong lúc cả thế giới lâm nạn về thức ăn, bớt đi những thảm họa Titanic làm đất nước chìm đắm trong nợ nần.

Đã đến lúc ta nên học người Bangladesh có chiến lược sống chung với thiên tai. Vì nếu không có chiến lược ngay từ bây giờ về nông nghiêp, an ninh lương thực, an ninh đất trồng trọt, an ninh nguồn nước, tầm nhìn về biến đổi khí hậu, thì vào năm 2050, rất có thể những đứa con của tôi sẽ phải dậy nửa đêm tìm khoai sống cho các con của chúng khóc vì đói như cha tôi từng làm trước đó 1 thế kỷ.

 

Nguồn: Hiệu Minh Blog. Đàn Chim Việt minh họa, tựa đề

3 Phản hồi cho “Lương thực “bất an” và chuyện nhất nông, nhì sĩ”

  1. Võ Hưng Thanh says:

    CẦN NÓI THÊM VỀ Ý NGHĨA KINH TẾ XÃ HỘI
    VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHÁCH QUAN THẬT SỰ

    Vấn đề kinh tế xã hội thật ra chỉ là vấn đề đơn giản. Đó là các nguyên lý về khoa học, kỹ thuật có liên quan đến mọi giải pháp cần thiết trong sản xuất, điều tiết, phân phối, và tái sản xuất của chính hoạt động kinh tế trong đời sống khách quan, tự nhiên của xã hội mà không là gì khác. Mà đã là ý nghĩa khoa học, thì phải nhìn cho chính xác, như đâu là chủ thể quyết định, đâu là đối tượng liên quan. Chủ thể quyết định, dĩ nhiên luôn là các cá nhân, gia đình. Bởi vì đây là các yếu tố tiêu dùng thức ăn, tiêu thụ sản phẩm, làm ra sản phẩm của xã hội, mà không ai vào đó. Còn ý nghĩa giai cấp thật sự chỉ là một sự phiên diễn kiểu giáo điều, không hề thực tế hay thực chất. Thế nên, kinh tế thị trường cũng chính là sân chơi tự nhiên, cần thiết và hữu ích nhất cho mọi người, tức là cho mọi lực lượng cơ bản đã nói này, là những cá nhân, hay đơn vị gia đình nói chung. Đó mới là những chủ thể tự nhiên, hay là những yếu tố đơn vị có tính nền tảng của toàn xã hội. Ấy vậy, mà trong bao nhiêu năm, do trình độ nhận thức yếu kém về mặt khoa học, người ta đã thực hiện một xã hội toàn trị theo kiểu bao cấp, chỉ lấy giai cấp và xã hội mơ hồ, trừu tượng, không mang tính thực tế, để làm nền tảng. Và các kết quả kinh tế thảm sầu đó quả là một bài học lịch sử vô cùng bi đát và cay đắng, mà ai cũng đều đã biết. Thế thì, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa xã hội là gì ? Chủ nghĩa cá nhân là quan niệm ích kỷ riêng, chỉ biết nghĩ điều lợi cho riêng mình mà không biết nghĩ điều lợi cho người khác, hay điều lợi chung cho mọi người, cho toàn xã hội. Còn chủ nghĩa xã hội là gì ? Là quan niệm hoàn toàn ngược lại. Tức mỗi người phải tự biết lo cho mình, nhưng luôn không quên người khác, không quên quyền lợi chung của toàn xã hội. Đó chính là ý nghĩa chân chính, lành mạnh, tự nhiên của quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, mà chẳng có gì là ghê gớm, hay đao to búa lớn cả. Nó hoàn toàn không có hay không phải là chuyện cá nhân chỉ biết hi sinh một cách giả tạo, máy móc, hay ngu muội cho xã hội. Còn xã hội chủ nghĩa là gì ? Đó là quan niệm giáo điều theo chủ thuyết mác xít. Cho rằng phải công hữu hóa, nhà nước hóa mọi việc, để đi đến giai đoạn làm việc theo lao động, hưởng theo sản phẩm của mọi người, là cách lao động tập thể, được mệnh danh là giai đoạn đầu để tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Đó là khái niệm xã hội chủ nghĩa. Như vậy, chỉ cần tréo qua tréo lại hai chữ, thì hai khái niệm đã hoàn toàn khác : chủ nghĩa xã hội và xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội là quan niệm lành mạnh, chính đáng, tự nhiên, trong khi đó XHCN lại là quan điểm chính trị giáo điều, máy móc, đóng khung, thậm chí giả tạo. Bởi chủ nghĩa xã hội tự nhiên thì đi với kinh tế thị trường một cách tự nhiên. Trong khi đó, XHCN chỉ có thể đi với kinh tế thị trường một cách giả tạo, tạm thời, hay chỉ là một loại kịch bản nào đó nhất định. Cho nên, ở nhà trường người ta chỉ dạy XHCN cho sinh viên, mà không hề dạy chủ nghĩa xã hội theo cách khách quan, tự nhiên, chân chính gì hết. Đó là một điều sai lầm nghiêm trọng. Bởi con người không có ý thức xã hội khách quan, chân chính, chắc chắn sẽ chỉ ngã về chủ nghĩa cá nhân. Nên càng giáo dục mọi người theo XHCN như kiểu công thức, giả tạo bao nhiêu, thì kết quả thực chất con người lại càng ngã về chủ nghĩa cá nhân bấy nhiêu. Đó cũng chính là thực trạng tham nhũng tràn lan trong xã hội hiện tại, mà ai cũng thấy. Đó là tại vì sao, vì chính chủ nghĩa cá nhân đã thật sự thắng lước chủ nghĩa xã hội theo cách khách quan, tự nhiên, chân chính, nhưng nó lại núp dưới một vỏ bọc phần lớn hầu như giả tạo, tức là khái niệm xã hội chủ nghĩa, mà thực chất lại chưa hề thấy có đã ai định danh hay định nghĩa cụ thể về chính bản thân các đặc điểm nội hàm thật sự chính xác của nó trong thực chất là như thế nào cả.
    Bởi thật ra người ta chỉ có nói đên nó trên danh từ mơ hồ thuần túy, giống như kiểu một ý niệm mang tính quy ước nhưng không thật sự rõ ràng để hiểu với nhau, tựa như một từ ngữ của thứ tiếng nước ngoài nào đó thôi.

    VHT

  2. Nguyễn Bảo Ngọc says:

    Hiện tại ở Việt nam đang có mức độ tăng dân số rất nhanh. Khí đó sẽ phải có đất để ở, và đất đó chính là đất ruộng. Bây giờ đa số đất ruộng ở các vùng quê đang và sẽ được thu hồi để xây dựng khu đô thị và nhà ở chung cư rất nhiều. Đến khi đó thì lấy đâu ra ruộng mà canh tác phát triển nông nghiệp nữa thưa bác ?

  3. hongxanh says:

    “Tính minh bạch thông tin cũng giúp cho nông dân rất nhiều. Kẻ đầu cơ luôn kiếm lời cao nhất bằng cách giấu thông tin về giá cả. Nông dân chịu thiệt thòi vì họ không đủ thông tin. Nếu tin tức về gạo thóc, lợn gà, sữa bò được công khai trên mạng và người nông dân có thể truy nhập qua trạm internet, cellphone, đài, tivi, báo… thì họ sẽ sẽ bán sản phẩm có lợi nhất trong lúc tìm phân bón giá rẻ theo ý muốn. Đó chính là niềm khích lệ để nhà nông lên ngôi” I would imagine that a simple radio or TV programme provides hourly or daily broadcasting on commodity prices would be useful for farmers. Students in Agricultural Economics should be encouraged to set up this system, if they have not done so?

Phản hồi