Hà Nội bên bờ sông Lot[4]
Tiếp theo các phần:
Bài 4: Sainte Livrade – Trại cấm
Những vết hằn không xóa được
Trại tái định cư nguời pháp Đông Dương hồi hương ở Sainte Livrade, ngay lúc đầu, do Bộ Ngoại giao quản lý. Sau đó, trại lần lược được tất cả 8 Bộ khác nhau quản lý cho tới ngày nhượng lại cho Thị xã Sainte Livrade.Từ lúc mới bước chân vào Trại, những người hồi hương bị những viên chức gốc được đào tạo để cai trị dân thuộc địa tiếp tục cai trị. Họ lập lại những thói quen thô bạo trước đây ở Đông Dương. Bà Jacqueline Le Crenn ngày nay còn nhớ rõ “Họ đối xử với chúng tôi còn kém hơn những thứ không ra gì. Ở tại xứ Pháp hết chiến tranh mà họ tiếp tục thiết quân luật, hạn chế xài điện. Chúng tôi phải chịu đựng như vậy suốt nhiều năm dài mà không hiểu gì cả. Chúng tôi vẫn không nói một lời”.
Bà Jacqueline Le Crenn nay đã 90 tuổi. Mang tên hoàn toàn Tây vì bà là người lai. Bà vẫn sống trong một căn nhà chật hẹp. Bước vào là nhà bếp, phòng ngủ và phòng khách chung vì bà để dành riêng một phòng làm phòng thờ Phật.
Bà nói với mọi người tới viếng thăm “Tôi đã quen sống ở đây rồi. Và tôi cũng muốn sẽ chết ở tại đây”.
Trước đây ở Việt Nam (Bắc Việt), bà có nhà cửa khang trang. Bà và ông chồng đang dự định mua ruộng đất để lúc về già sống ấm no.
Bỗng chiến tranh đã cướp mất sạch tài sản của bà, cướp luôn cả dự tính của bà. Quân đội viễn chinh Pháp hồi hương . Bà đi theo về Pháp cùng với hàng ngàn người khác. Rời Bắc vào Nam để chờ lên tàu đi Pháp. Từ Sài Gòn qua Marseille, tàu chạy mất cả tháng trời. Bà nằm dưới hầm tàu, tự nhủ “Thôi hết rồi. Hết tất cả”. Và bà khóc.
Ông Paul Cazes, chồng bà, hồi ở Việt Nam học khá và làm công an. Về Pháp, ông không được nhận vào cảnh sát làm việc lại nghề cũ. Ông phải xin việc trong một xưởng máy và làm công nhân.
Ban ngày, có người không việc làm, đi lang thang dọc theo các dãy nhà. Có người đi vừa ca hát hoặc nói chuyện một mình.
Thiếu niên trong trại vì bị nhốt tù túng cả ngày đêm, không có một sinh hoạt nào giải trí, không được đi học chữ hoặc học nghề nên chỉ sau một thời gian, chúng bị bịnh tâm thần. Ban quản lý trại giải quyết bằng cách đưa chúng nó vào nhà thương tâm thần. Khi ra, tình trạng của chúng nó trầm trọng hơn.
Thật thê thảm cho những năm đầu tiên tới trại mãi cho tới ngày nay, những người lớn tuổi ở đây vẫn không làm sao quên được.
Năm 1999, Thị xã được sự yểm trợ của Chánh quyền Trung ương, đưa ra một chương trình khẩn cấp tái thiết Trại về mặt tiện nghi tối thiểu. Đây chỉ là chương trình nhằm cải thiện cơ sở vệ sinh tổng quát trong lúc chờ đợi Chánh phủ đưa ra một chương trình lớn, toàn diện. Nhưng rồi không có gì mới. Người dân hồi hương ở trại bảo nhau phải chăng vì Chánh phủ thua trận ở Việt Nam nặng nề quá, một thứ chiến tranh bị cả thế giới lên án, mà ngày nay không muốn bỏ tiền ra cho chúng ta?
Riêng bà Vương, có chồng là người Pháp, từ lâu nay không ai nghe bà nói một tiếng nào về mong đợi ở Chánh phủ sẽ giúp đỡ cho đời sống được khá hơn. Bà ở đây nhưng vẫn giữ tập quán xưa. Hằng ngày, ở nhà, bà ăn mặc theo Việt Nam. Bà vẫn bới tóc. Cái búi tóc ở sau ót của bà được chải gỡ gọn đẹp, tuy tóc đã bạc trắng.
Mỗi buổi sáng, bà chậm rãi pha một tách cà-phê sữa đem đặc lên bàn thờ cúng chồng vì ông mới mất. Hai ông bà có với nhau 16 người con.
Trước khi chết, ông thường nói với bà và các con “Của cải duy nhứt của tôi, là bà và các con”.
Với Chánh phủ Pháp, ông thường nói “Họ phải biết họ nợ chúng ta điều gì. Tôi. Tôi không hề đòi hỏi ở họ một điều gì cả. Chúng ta là những người sống trong cái trại bị bỏ quên”!
Bà Francine Gerlach nay trên sáu mươi, mẹ là người Việt, cha là lính viễn chinh Pháp, nhưng bà chưa bao giờ biết mặt cha, nhắc lại những ngày đầu mới tới thật đau khổ. Ngày nay nhớ lại quả thật là cơn ác mộng hãi hùng.
Người ta sống trong bùn vì đất chung quanh trại là đất bùn. Ác nghiệt hơn là mọi người ở đây bị cấm nói chuyện bằng tiếng Việt, cấm tu bổ nơi ở, cấm mọi mua sắm từ chiếc xe đạp. Mà cấm nói chuyện bằng tiếng Việt không khác gì hơn là cấm hẳn mọi người nói chuyện vì có ai nói được tiếng Pháp đâu!
Những người con lai
Nói trại tái định cư người Pháp Đông Dương, nhưng thật ra ở đây phần lớn là các bà góa phụ và trẻ con mồ côi Việt Nam và lai.
Thời chiến tranh thuộc địa, quân đội viễn chinh Pháp gồm cả người Việt còn quốc tịch Việt và một số lính lê-dương. Riêng người Việt, ngoài số lính, còn có thêm những người làm việc cho bộ máy quân sự và dân chính của Chánh quyền thuộc địa.
Dưới Đệ II Chế, Pháp chiếm Nam kỳ, mở rộng ra Bắc và luôn cả Đông Dương vào thời Đệ III Cộng hòa. Chiến tranh kết thúc dưới thời Đệ IV Cộng hòa. Vì tham vọng của de Gaulle muốn tiếp tục duy trì Pháp là một Đế quốc mà phải bị thất bại chua cay. Nhưng thất bại của Pháp lại di hại cho Việt Nam phải gánh chịu cái thảm nạn cộng sản cai trị đất nước suốt hơn nửa thế kỷ nay.
Ông Gilles Manceron, sử gia, nhận định về hiện tượng Trại tái định cư người Pháp hồi hương một cách thấm thía vô cùng: “Trại Sainte Livrade là hiện thân thảm trạng lịch sử thực dân của Pháp kéo dài suốt cả nửa thế kỷ ở ngay giữa lòng xứ Pháp”.
Khác hơn người Việt Nam ở tại Việt Nam dưới thời bị đô hộ, những người ở Sainte Livrade, tuy hằng ngày, lúc ban đầu có chào cờ, hát quốc ca Pháp nhưng không học bài học lịch sử của Trường Jules Ferry dạy dân Việt Nam là “Ông cố nội của chúng ta là người Gô-loa”.
Những người con lai ngày nay trở thành bình thường. Nhưng trước đây, những đứa trẻ lai có khi không do sự kết hợp theo ý muốn của hai người. Khi tới Sainte Livrade định cư theo mẹ, cuộc đời của những người con lai không êm ả như dòng sông Lot. Trái lại đó là lịch sử dài xung đột chủng tộc, văn hóa, tập quán, …Họ phải sống ngoài lề xã hội mới. Trại tái định cư không xa trung tâm thành phố Sainte Livrade, nhưng chúng không được nhận vào học trường tại đây, đưọc chăm sóc sức khỏe như những đứa trẻ cùng trang lứa khác ở địa phương.
Ngày nay, có những người học giỏi, đang giảng dạy lịch sử, văn chương Việt Nam tại Đại Học, vẫn thắc mắc muốn tìm về cội nguồn của mình. Có người chỉ biết tên họ và quê quán của cha hay mẹ ở Việt Nam. Họ đi Việt Nam, tìm tới quê quán của cha mẹ theo họ biết. Có người tìm được đúng nơi sanh quán, nhưng người xưa đã mất .
Vì quyền lợi
“Chánh phủ phải biết họ nợ chúng ta điều gì? Tôi, tôi không bao giờ đòi hỏi … ». Những người thế hệ I không kêu ca, đòi hỏi quyền lợi của mình bị Chánh phủ cố tình quên, phải chăng do văn hóa lâu đời tin ở ông Trời có mắt?
Con em của họ lớn lên ở đây không chịu im lặng chấp nhận số phận như đã an bài. Năm 2002, sau khi Chánh phủ ban hành một số qui định về quyền lợi cho người Algériens phục vụ Chánh phủ Pháp và người Pháp ở Algérie hồi hương, họ lập Hội “Nhớ Đông dương” để tranh đấu khôi phục quyền lợi chánh đáng của họ và của lớp người trước. Trước tiên, họ đòi hỏi mọi người ở Sainte Livrade, đến từ năm 1956, phải được chánh thức thừa nhận và đối xử như người ở Algérie về.
Hội đòi hỏi Chánh phủ phải trả phụ cấp cho tất cả các gia đình ỏ Sainte Livrade 30.000 Euros như tiền thiệt hại, nâng tiền hưu trí của góa phụ tính theo mỗi đứa con.
Ông Emile Lejeune, 85 tuổi, cha là người Pháp làm Thẩm phán, mẹ là một bà hoàng tộc, đi lính ở Miền Bắc. Năm 1946, ông bị Việt minh bắt cầm tù 7 năm. Ngày nay, ông còn nhớ ở tù Việt minh, cái chết và cái sống bằng nhau. Nhưng ghê gớm hơn hết vẫn là “tẩy não”. Việt minh chủ trương làm đồi trụy tinh thần của con người để phải chịu khuất phục. Trong số 40.000 tù binh, chỉ sống sót được nhiều lắm là 10.000 người.
Ông sống cùng với bà vợ sau, gốc người Sa đéc, trong một căn nhà giữ nguyên tình trạng cũ. Trong phòng khách, ông treo bức ảnh một chiếc thuyền trong Vịnh Hạ Long, bàn thờ Phật, nón lá, nón cối thuộc địa, mũ lính, …
Ông nói “Ngày nay, tôi không giữ hận thù trong lòng. Nhưng tôi buồn. Vì nước Pháp là nước chúng tôi tin cậy, không đón nhận chúng tôi như người Pháp. Mà như những người ngoại quốc. Họ nhốt chúng tôi, kiểm soát chúng tôi, rồi bỏ chúng tôi. Chúng tôi có tranh đấu, cũng chỉ muốn đòi hỏi công bằng, lẽ phải. Đó là Chánh phủ phải nhìn nhận chúng tôi. Thanh thiếu niên, các bà mẹ của những người đã nằm xuống cho nước Pháp”.
(Còn tiếp)
© Nguyễn thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt