WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hà Nội bên bờ sông Lot[3]

Tiếp theo: Phần Iphần II

Phần III: Những ngày đầu tới Sainte Livrade

Một góc trại Sainte Livrade


Trên đường về lại Montmorillon từ Toulouse, chúng tôi ghé qua thăm ngôi làng Việt Nam ở Thành phố Sainte Livrade nằm bên bờ sông Lot, thuộc Tỉnh Lot et Garonne. Nói ghé qua chớ thật ra phải nhắm hướng Saint Livrade vì nơi đây không hoàn toàn nằm trên đường về, mà chênh chếch về phía Tây-Nam của Montmorillon. Từ Toulouse đi, chúng tôi mất lối 400 km lái xe.

Cách đặt tên thành phố của Pháp thường dựa trên địa danh. Như Tỉnh Lot et Garonne trong tỉnh có Thành phố nhỏ nơi có ngôi làng Việt Nam mà chúng tôi sắp tới thăm viếng nằm giửa 2 con sông Garonne và sông Lot.

Tên thành phố cũng dựa theo cách đặt tên này: Sainte Livrade sur Lot, tức Thành phố “Sainte Livrade trên sông Lot”. Hoặc người ta lấy một điểm thiên nhiên như rừng, đồi, thung lũng, … làm điểm qui chiếu để đặt tên thành phố.

Như thành phố Clichy sous Bois có nghĩa là thành phố “Clichy dưới Rừng ”, tức thành phố nằm ở bìa rừng hay ở chân rừng, với vị trí thấp hơn tầm cao của rừng. Cách đặt tên này hoàn toàn khác với Việt Nam truyền thống thường lấy nguồn gốc ở lịch sử hoặc ít nhứt ở giai thoại địa phương.

Sau 30/04/1975, nhà cầm quyền Việt Nam xoá sạch những địa danh cũ, đổi thành những tên mới, lấy cách đặt tên hành chánh giống như Pháp. Từ đó, chúng ta có Tỉnh Sông Bé, Tỉnh Đồng Nai, …Hoặc rập khuôn theo Liên Xô như thành phố Hồ Chí Minh.

Vài nét sơ lược về Trại tái định cư

Chúng tôi tới Thành phố Sainte Livrade. Đây là một thành phố nhỏ với 6000 dân. Hơn hai mươi năm sau mới trở lại nên quên đường đi thẳng tới khu gia cư của đồng bào Miền Bắc, chúng tôi phải hỏi thăm ở dân địa phương. Bỗng trông thấy một bà đầm váy ngắn, tay cầm cây chổi chà, chúng tôi vội đề nghị anh bạn bản tánh nhanh nhẹn, bặt thiệp, hãy xuống xe tới hỏi đường đi. Bà ấy biết nên trả  lời ngay:

- Các ông muốn tìm “căng người Tàu ”(Camp des chinois) phải không? Hãy đi dọc theo bờ sông, tới cây cầu nhỏ, quẹo mặt, đi thẳng vài trăm thước, sẽ trông thấy những dãy nhà “tôn” thấp.

Chúng tôi nghĩ “Camp des chinois” này đã có ở đây từ hơn 50 năm qua, thế mà dân địa phương ngày nay vẫn không biết rõ đó không phải là “Camp des chinois”, mà là “Camp des Vietnamiens”.

Đi đúng theo sự chỉ dẫn của bà đầm, chỉ 5 phút sau, chúng tôi trông thấy những dẫy nhà  “tôn” cũ kỹ, thấp lè tè, so với nhà cửa ở vùng này. Xe vừa đậu vào bóng mát của một tàng cây trước ngỏ vào Camp, chúng tôi tiến tới đọc bảng báo cáo của Thị xã về dự án công trình canh tân khu gia cư Sainte Livrade. Bỗng có một chiếc xe chạy ngang qua, quay đầu trở lại gần chúng tôi.

Người đi trên xe, trạc tuổi ba bốn mươi, nét mặt Tây phương, vui vẻ hỏi chúng tôi muốn kiếm nhà ai ở đây. Chúng tôi trả lời là muốn tới thăm lại nơi này.

Chúng tôi được mời hãy vào. Đằng kia có quán bán nhiều thứ Việt Nam. Có cả phở.

Một bạn trong chúng tôi hỏi thăm anh Huỳnh …Không nhớ tên. Còn ở đây không?

- Đó là Raymond Huỳnh ở ngoài phố, với người em gái tật nguyền. Trước kia ở đây.

Chúng tôi nhận thấy người ở đây lúc nào cũng ân cần, niềm nở, vui vẻ với khách phương xa tói thăm viếng. Hơn hai mươi năm trước, chúng tôi cũng được chào hỏi niềm nở như hôm nay.

Vài nét sơ lược về Sainte Livrade sur Lot

Năm 1954 kết thúc chiến tranh Đông Dương với Hiệp định đình chiến Genève. Miền Nam Việt Nam đón tiếp tái định cư gần một triệu đồng bào Miền Bắc chạy trốn cộng sản. Trong lúc đó, có vào khoảng bốn mươi ngàn đồng bào cũng Miền Bắc, từ bỏ nhà cửa, sự nghiệp, đi qua Pháp “hồi hương”.

Chánh thức, họ là công dân Pháp hồi hương. Trong số đó, có không ít phụ nữ là vợ, vợ góa, con em của quân nhân, công chức người Pháp hoặc người Việt Nam quốc tịch Pháp. Họ chấp nhận đi qua Pháp, tuy quá ngỡ ngàng nhưng phải đi để tránh bị Việt minh trả thù hoặc bạo hành do quan hệ gia đình hay là nguời phục vụ Chánh quyền thực dân. Tất cả đều mang tội “việt gian” đối với Việt minh.

Lúc bấy giờ, người dân bình thường lỡ nói một tiếng Tây hay mặc quần áo, đội cái nón,… có viền 3 màu xanh, trắng, đỏ là có thể bị khép vào tội “Việt gian” và bị mổ bụng dồn trấu hay cho đi mò tôm, tức trói tay chân vào sợi dây cột theo cục đá, ném xuống sông. Hơn nữa, đồng bào Miền Bắc còn mang nặng nỗi ám ảnh vụ Cải Cách Ruộng đất rùng rợn đã giết hại không biết bao nhiêu nông dân vô tội ở các vùng “giải phóng” từ năm 1953.

Họ được Chánh quyền Pháp đưa xuống tàu đi qua tới Marseille. Từ đây, họ được phân phối tới các trại tiếp cư sống tạm chờ ngày ổn định đời sống mới.

Các trại tạm cư nằm rải rác ở các tỉnh miền nam nước Pháp trong đó Sainte Livrade là một trại tiếp cư từ năm 1956 còn tồn tại tới ngày nay.

Trại Sainte Livrade gồm 26 dãy nhà đánh số thứ tự theo mẫu tự A, B, C, …với 300 đơn vị gia cư. Những dãy nhà này đều lợp bằng “tôn xi-măng”, tường gạch mỏng. Những dãy nhà được xếp đấu mặt với nhau, và phía sau cũng đấu đít với nhau. Giữa hai dãy là một khoảng trống làm lối đi.

Những căn nhà gồm từ một phòng ngủ cho tới 4 phòng ngủ. Nước và phòng vệ sinh nằm ở bên ngoài. Sưởi bằng than hoặc củi.

Tình trạng vật chất của trại Sainte Livrade quá tồi tệ như vậy vì trước kia là trại lính. Năm 1939, nơi đây được sử dụng làm nơi cư ngụ cho công nhân người Ý làm việc cho nhà máy thuốc súng ở bên kia bờ sông Lot. Chiến tranh bùng nổ. Nhà máy không hoạt động. Công nhân Ý, một số trở về Ý đi lính. Một số khác ở lại Pháp lánh nạn chiến tranh.

Đến mùa Xuân năm 1956, Chánh phủ Pháp trưng dụng trại Sainte Livrade, tu bổ vội vàng, đón nhận gần 2000 người Việt Nam rời Miền Bắc qua Pháp hồi hương. Lý do và hoàn cảnh của họ đi, phải nói là họ đi tỵ nạn. Đúng, họ là những người Việt Nam tỵ nạn cộng sản đầu tiên trên đất Pháp. Mười năm sau, trại Sainte Livrade đổi tên, trở thành Trung tâm đón nhận người Pháp Đông dương. Ngày nay, trại Sainte Livrade được Chánh phủ chuyển giao cho Thành phố Sainte Livrade sur Lot quản trị.

Từ hơn 50 năm, trại định cư Sainte Livrade, nhìn chung, vẫn không thay đổi. Ngoại trừ hàng rào kẽm gai bao chung quanh trại được tháo gở và vài tiện nghi do người chủ cư tự làm lấy như đem nước, vệ sinh vào trong nhà, tăng cường điều kiện sưởi ấm vào mùa lạnh.

Những ngày đầu đến trại

Rời cảng Marseille, xe đưa những người hồi hương về thẳng Sainte Livrade. Tùy theo số người trong gia đình, Ban Quản lý trại cấp phát nhà ở. Quần áo, giường chiếu, các thứ vật dụng cấp phát thiếu trước hụt sau. Đã đau lòng phải rời bỏ quê hương, nay tiếp xúc với thực tế của cuộc sống mới, những người hồi hương càng thấy đau lòng thêm.

Đời sống ở trại do những công chức quản lý. Mà những người này được đào tạo, không phải nhằm làm công tác xã hội, trái lại, để kiểm soát, theo dõi, giam giữ. Trong những năm đầu, trại đặt dưới kỷ luật quân đội. Giống như trại lính và lính ở trại. Mọi ra vào đều bị kiểm soát. Sáng đầu tuần, tất cả người trong trại phải tham dự lễ chào cờ. Thỉnh thoảng, Ban Quản lý trại còn ban hành lệnh thiết quân lực trong trại.

Chế độ gắt gao ở trại nhằm nhiều mục tiêu. Như đề phòng dân trại nổi loạn do cán bộ cộng sản trà trộn xúi giục. Nhằm ngấm ngầm làm nản lòng dân trại để họ sớm rời bỏ trại ra bên ngoài sanh sống. Như ngăn cấm dân trại mua sắm TV hay vài trang thiết bị khác.

Phụ nữ phần lớn đều không biết tiếng Pháp và không có nghề nghiệp nên không dám rời trại để lập nghiệp nơi khác.

Khi tới trại, tất cả người hồi hương đều không được phụ cấp tiền bạc. Vì lúc bấy giờ, Chánh phủ Pháp chưa có qui chế tỵ nạn. Họ phải đi làm việc trong các nhà máy làm đồ hộp hay lựa đậu cho nhà máy vào hộp hoặc đi hái đậu trong rẫy. Trẻ con cũng đi hái đậu, lựa đậu để kiếm tiền phụ thêm gia đình hoặc mua sắm tập vở, quần áo cho ngày khai trường.

Trong trại, về sau, có mở trường Tiểu học. Trẻ con có thể theo học cho tới 14 tuổi. Sau Tiểu học, chúng được hưóng dẫn, gần như bắt buộc, chọn nghề theo học. Thường những nghề phải chọn, rất ít nghề thích hợp với người chọn.

Chánh quyền Pháp nhìn những người hồi hương là những người không thể hội nhập vào xã hội Pháp. Đó là những người chỉ cần được cho ăn, cho ở, tức chỉ cần đem lại cho họ một mức sống tối thiểu. Và vì không thể hội nhập với xã hội nên họ phải sống ngăn cách với xã hội.

Phải chăng đây chính là lý do khiến trại Sainte Livrade bị Chánh phủ Pháp bỏ quên từ năm mươi năm qua mặc dầu thế hệ hai, ba của lớp người hồi hương đã liên tục, kiên trì tranh đấu để mọi người được thừa nhận là người hồi hương?

(Còn tiếp)

© Nguyễn thị Cỏ May

© Đàn Chim Việt

Phản hồi