WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nội chiến ở Libya nhìn từ góc độ khác[1]


 Với việc phe phiến loạn, dưới danh xưng Transitional National Council (TNC), đang dần dần kiểm soát toàn bộ thủ đô Tripoli, thanh toán những cứ điểm  cuối cùng của lực lượng chính phủ Gaddafi, cuộc nội chiến Libya có lẽ đang đi vào giai đoạn cuối, hoặc sẽ kết thúc sự cầm quyền của một chế độ đã kéo dài 42 năm qua trên quốc gia này, hoặc chí ít cũng giảm thiểu phạm vi cai trị của chế độ ấy và đẩy Libya vào tình trạng phân ly vốn đã có mầm móng từ lâu trong cơ cấu xã hội của quốc gia này. Các tổ chức quốc tế, các chính phủ trên thế giới đang lần lượt thừa nhận NTC như là đại diện hợp pháp của Libya thay cho chính phủ của Đại Tá Gadhafi. Chủ tịch của TNC, ông cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Mustafa Abdul Jalil trong chính phủ Gaddafi trước kia, ngay cả đã được Tổng Thống Obama của Mỹ tiếp kiến hôm thứ Ba vừa rồi bên lề một phiên họp quốc tế tại Liên Hiệp Quốc ở Newyork. [1]

Cuộc nội chiến Libya tuy gần như sắp qua rồi, nhưng hậu quả của nó về nhiều mặt: kinh tế, chính trị, xã hội, đối với đất nước và người dân Libyan chắc sẽ còn kéo dài khá lâu. Còn đối với công luận trên thế giới thì cuộc nội chiến này, có sự can thiệp từ bên ngoài dưới danh nghĩa Liên Hiệp Quốc, vẫn còn để lại những vấn đề về lịch sử, bối cảnh chính trị và pháp lý quốc tế rất đáng duyệt xét và thảo luận. Mọi chuyện đã xảy ra khá nhanh đến độ một số khá đông trong chúng ta dường như chưa kịp thu thập những thông tin trung thực về tình hình xã hội Liyba suốt hơn 40 năm dưới chế độ Gadhafi, về quan hệ đối ngoại của chế độ đó đối với các quốc gia trong Vùng và các cường quốc, về động cơ chính trị và tính chất pháp lý của sự can thiệp quốc tế vào cuộc nội chiến vừa qua.

Trước hết, do vô tình hay cố ý, cuộc nội chiến Libya đã được giới truyền thông Tây Phương lồng vào trong bối cảnh chung của phong trào biểu tình đòi dân chủ của người Ả rập, một phong trào thường được gọi là “Cách mạng Hoa Lài” từ Egypt, Tunisia, Bahrain, Yemen, Syria, v.v…Tuy nhiên, trên thực tế có những khác biệt rất lớn giữa tình hình Libya và các quốc gia khác trong phong trào vừa nói. Sự khác biệt điển hình nhất là giữa Ai Cập và Libya.

Sự khác biệt trong các biến động giữa Egypt và Libya

1.-Về phía người biểu tình-chống đối: Ở Egypt thì người biểu tình là thường dân, đa số thuộc lớp trẻ, sinh viên, học sinh, công nhân và tiểu thương, và số người này biểu tình bất bạo động. Trong lúc đó ở Libya, thành phần chống đối, ngoài thường dân ra, còn có các viên chức chính phủ và quân nhân đào ngũ ly khai, và sự chống đối mang tính chất bạo động với súng AK-47, súng phóng lựu, những dàn cao xạ tối tân, cả hoả tiển và ngay cả với chiến đấu cơ Mig-23. Nghĩa là ở Libya, không phải là những người dân thường nổi dậy  biểu tình đòi Dân chủ như đã xãy ra ở Ai Cập, Tunisia, Bahrain hay Yemen. Thật ra, thì đã không hề có biểu tình đòi dân chủ ở Libya, mà chỉ có sự nổi loạn vũ trang của phe phiến loạn.

2.-Về phía chính quyền: Ở Egypt, ngoài lực lượng cảnh sát đàn áp người biểu tình ra, quân đội lại có thái độ ôn hoà đối với người biểu tình. Hơn nữa chính quyền lại nằm hoàn toàn trong tay quân đội. Người biểu tình chỉ đòi TT Mubarak từ chức mà không hề đòi thay đổi chế độ do quân đội lãnh đạo. Trong khi đó ở Libya, có ngay sự ly khai trong giới chức chính quyền và quân đội. Tình hình của Libya mang tính chất của một cuộc nổi loạn và nội chiến giữa các bộ lạc trong nước, chứ không chỉ là sự nổi dậy đòi Dân chủ như ở Egypt. Và tình hình nội chiến đó bắt rễ từ lâu trong sự khác biệt lâu đời giữa hai vùng Đông-Tây Libya và trong tính chất tranh chấp giữa các bộ lạc vẫn tồn tại trong xã hội Libya.

Điểm đáng chú ý nữa, là khác với ở Ai Cập và Tunisia, ở Libya không có đảng phái đối lập và công đoàn, trừ tổ chức Libyan Islamic Fighting Group (LIFG). Dân số tập trung nhiều ở nông thôn hơn thành thị. Quân đội và giới thượng lưu ít chịu ảnh hưởng của Tây phương, ít lệ thuộc vào quân viện của Mỹ.

Gadhafi và Obama năm 2009

3.-Về quan hệ đối ngoại; đặc biệt là với Mỹ: TT Egypt Mubarak được các chính phủ Mỹ ủng hộ mạnh mẽ, xem là đồng minh chiến lược ở Trung Đông suốt 30 năm qua. Suốt thời gian đó, ngoài viện trợ kinh tế, quân viện của Mỹ hằng năm dành cho quân đội Egypt của Mubarak trung bình là 1.3 tỉ dollars/ năm. Ngay cả đến lúc này, sau khi Mubarak xuống rồi, sự ủng hộ của Mỹ đối với quân đội Egypt chưa có dấu hiệu thay đổi.

Nhưng quan hệ Mỹ-Libya thì hoàn toàn khác. Trước đây các chính phủ Carter, Reagan đã tỏ ra rất thù địch với TT Muamma Gadhafi. Quan hệ hai bên đã nhiều lúc bị gián đoạn. Gadhafi đã từng bị Mỹ xem như một kẻ khủng bố, chịu trách nhiệm về việc bắn hạ máy bay dân sự Pan Am Flight 103 năm 1988. Chỉ từ năm 2003 trở đi, quan hệ Mỹ-Libya mới hoà dịu, sau khi Gadhafi công khai từ bỏ việc sở hữu Vũ Khí Huỹ Diệt Hàng loạt (WMD) và hoả tiển tầm xa, chấp nhận bồi hoàn cho gia đình các nạn nhân của chuyến bay Pan Am 103. Từ đó quan hệ hai bên trở nên hoà dịu hơn, và đến 31/5/ 2006 thì có quan hệ chính thức. Mặc dù vậy, khác biệt chính ở đây là mối quan hệ của Mỹ đối với Muamma Al Gadhafi không giống như đối với Mubarak, và quân đội Libya không lệ thuộc quân viện của Mỹ như quân đội Egypt, vì Egypt là đồng minh chiến lược của Mỹ, còn Libya thì chưa bao giờ.

4.- Về mức sống: Một cách tổng quát thì, phần nào do sự chênh lệch quá xa về dân số giữa hai quốc gia: Egypt có 83 triệu dân, Libya chỉ có chừng 6.3 triệu, mức sống của hai bên rất khác biệt. Trong khi có đến 40% dân Egypt có thu nhập không quá 2$/ ngày và lợi tức bình quân chỉ chừng 1.300 dollars/người, thì thu nhập bình quân đầu người của Libya đến gần 10.000 dollars/ người (số liệu năm 2004 của World Bank) [2]. Yếu tố quan trọng là trữ lượng dầu hỏa của Libya có đến chừng 44 tỉ thùng, gấp hơn 10 lần trữ lượng của Egypt. Vẫn còn nhiều vùng chưa được thăm dò đầy đủ và có một số chuyên gia về dầu hoả cho rằng trữ lượng thật sự của Libya còn lớn hơn con số hiện nay khá nhiều.

Đến đây thiết nghĩ cũng nên điểm qua về bối cảnh xã hội-kinh tế của Libya trước nội chiến.

Libya có chừng 140 bộ lạc lớn nhỏ, trong đó có chừng 30 bộ lạc với dân số đáng kể, sống tập trung vào ba vùng quan trọng; đó là: Tripolitania, với thủ phủ là Tripoli nằm trên bờ Địa Trung Hải về phiá Tây Bắc Libya; kế đến là Cyrenaica với Benghazi làm thủ phủ, ở phía Đông Bắc, trải dài từ bờ Địa Trung Hải vào tận sa mạc Sahara; và Fezzan nằm trong nội địa với sa mạc mênh mông.

Trong ba vùng kể trên, thì Tripolitania và Cyrenaica là quan trọng nhất. Tripolitania nằm về phía Tây từ lâu là căn cứ địa của Gadhafi. Còn vùng Cyrenaica thì trong lịch sử đã từng có khuynh hướng không thần phục Tripoli và tỏ ra gần gũi thân thiện với Ai Cập hơn. Điều này giúp hiểu dễ dàng hơn nổ lực ly khai hiện nay của người ở vùng này. Chính vua Idris, người bị Gadhafi lật đổ năm 1969, sinh ra từ vùng này. Đây là lý do tại sao trong những ngày đầu nội chiến, người ở đây đã treo cờ cũ của chế độ quân chủ Libya. Cyrenaica cũng là vùng đất của những nhóm cực đoan Hồi giáo, như nhóm Libyan Islamic Fighting Group (LIFG) là nhóm đã bị Gadhafi trấn áp trong nhiều năm qua.

Phân bố ra ba vùng trên có 4 bộ lạc quan trọng nhất là Gadhafa, Warfallah, Zuwaya và Magariha; trong đó đông đảo nhất là bộ lạc Warfallah chiếm gần 1/6 dân số Libya, có dân cư sống ở cả hai vùng Tripolitania và Cyrenaica. Bộ lạc lớn thứ hai là Magahira ở vùng Fezzan. Bộ lạc Gadhafa tuy không lớn nhất, nhưng Gadhafa lại có quan hệ huyết thống với bộ lạc Warfallah và được sự ủng hộ mạnh mẽ của bộ lạc này trong nhiều năm. Mặc dầu vậy, năm 1993 một số thành viên của Warfallah đã liên kết với bộ lạc Magahira âm mưu đảo chánh Gadhafi, nhưng không thành, bị Gadhafi dùng không quân đè bẹp. Trong biến động hiện nay, có nhiều thủ lãnh của Warfallah đứng vềp phe nổi dậy, chống lại Gadhafi. Bộ lạc hiện chống đối Gadhafi mạnh nhất là Zuwaya, cư trú đông đảo ở vùng Cyrenaica.

Lịch sử cơ cấu bộ lạc của Libya như nên trên đây sẽ là yếu tố xã hội quan trọng định hình tương lai hậu chiến, cả đối nội lẫn đối ngoại, sắp đến của Libya.

Kinh tế- xã hội Libya dưới chế độ Gadhafi

Kể từ năm 1969 đến nay, Libya đã có nhiều thay đổi rất đáng chú ý.

Về mặt lý thuyết, Gadhafi và nhóm sĩ quan trẻ ủng hộ Ông trong cuộc đảo chính đã có tham vọng chấm dứt sự bất công xã hội do chế độ thuộc điạ và chế độ quân chủ tạo ra, xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa dựa trên những giá trị tốt đẹp truyền thống của Hồi giáo kết hợp với một sự phân phối lợi tức công bằng nhằm giảm thiểu sự bất bình đẳng lớn giữa các thành phần trong xã hội.

Trước năm 1969, xã hội Libya tổng quát có ba giai cấp chính: giai cấp thượng lưu gồm hoàng tộc, các giới chức cao cấp trong chính phủ và những gia đình giàu có nhất. Kế đến là một giai cấp trung lưu nhỏ  bao gồm các chức sắc tôn giáo, tiểu thương, tiểu điền chủ, các nhà xuất nhập cảng, giới doanh nhân dầu hoả, chuyên gia các ngành, công chức, v.v…Cuối cùng là đại đa số dân thuôc giai cấp nông dân, thợ thủ công và công nhân. Lợi tức phân phối trong xã hội giữa các giai cấp là rất chênh lệch.

Kỹ nghệ dầu hoả phát triển dẩn đến việc thành hình đời sống đô thị với sự gia tăng ngày càng nhanh thành phần chuyên viên và công nhân trẻ có trình độ kỹ thuật khá hơn nhờ được đào tạo ngày càng đầy đủ hơn trước. Điều này ảnh hưởng rõ rệt đến sự thay đổi cơ cấu giai cấp-xã hội của Libya. Đồng thời vai trò của quân đội cũng ngày càng trở nên quan trọng. Nền độc lập quốc gia giúp cho ra đời ngày càng nhiều các sĩ quan Libyan thay thế các cấp chỉ huy Tây Phương, hình thành một tầng lớp quân nhân bản xứ với ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng. Gadhafi và nhóm Sĩ Quan Tự Do (Free Officer Movement) đã ra đời trong bối cảnh đó với hạt nhân chính trị là Hội Đồng Tư Lệnh Cách Mạng (Revolutionary Command Council, RCC), trở thành lực lượng ưu tú trẻ và nhóm này được sự ủng hộ ngày càng tăng của giai cấp trung lưu, nông dân và giới thợ thuyền thành thị.

Chủ trương của RCC, do Gadhafi cầm đầu, là tước dần quyền lực và tài sản của tầng lớp thượng lưu, thu hút sự hậu thuẫn của giai cấp trung lưu và giới nghèo, tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với kinh tế quốc gia, tạo ra cơ cấu chính trị mới, đặt trọng tâm vào sự tái phân phối lợi tức và tạo cơ hội đồng đều cho mọi thành viên trong xã hội thông qua những biện pháp như xác lập mức lương tối thiểu, chính phủ trực tiếp quản lý thị trường nhân dụng và thực hiện quốc sách trợ cấp xã hội.

Công đoàn Xã hội Chủ nghĩa Ả Rập (Arab Socialist Union, ASU) được thành lập năm 1971 và xử dụng như một công cụ huy động quần chúng nhằm thực hiện những chủ trương cải cách chính trị-xã hội nêu trên. Mục tiêu chính của ASU là xoá bỏ, bằng phương cách hoà bình, sự cách biệt lớn giữa các giai cấp, nguồn gốc của thảm kịch đấu tranh giai cấp ngấm ngầm trong xã hội. Về mặt này thì Gadhafi và những sĩ quan đồng chí hướng đã có một chủ trương thực tiễn trong việc đối phó với vấn nạn xung đột giai cấp trong xã hội. Tuy vẫn đề cao Socialism, nhưng Gadhafi đã không áp dụng một cách mù quáng học thuyết đấu tranh giai cấp sắt máu của Karl Marx và Lenine, trái lại đã biết dung hoà giữa nhu cầu bình đẳng xã hội và truyền thống Hồi giáo của xứ sở mình. Đến năm 1973 chính phủ Libya còn đưa ra luật đòi hỏi các công ty lớn phải chia lợi nhuận cho nhân viên của mình, đưa công nhân tham gia ban giám đốc và thành lập các cơ quan liên hiệp tư vấn với sự tham gia đồng đều giữa quản trị viên và công nhân.

Mặc dù không cổ xúy đấu tranh giai cấp, nhưng Gadahfi và RCC, trên thực tế, vẫn thực hiện một số biện pháp nhằm thu hẹp dần ảnh hưởng xã hội, các ưu đãi và quyền lực kinh tế của giới thượng lưu. Một số chiến dịch công kích nhắm vào giới “tiểu tư sản quan liêu” (bourgeois bereaucrats) được thực hiện trong nhiều năm .Kế đến là những hạn chế áp dụng đối với các thương nhân tư doanh được đưa ra vào khoảng năm 1975. Đến khoảng năm 1978, luật về giới hạn đầu tư tư nhân trong lãnh vực địa ốc được ban hành, mỗi gia đình nhỏ (vợ chồng và con cái vị thành niên) chỉ được phép sỡ hữu một căn nhà, số nhà dư ra sẽ bị chính phủ thu mua. Nhiều giới hạn khác cũng được áp dụng đối với ngoại thương và kỹ nghệ. Ngoại thương hoàn toàn thuộc về độc quyền của các công ty quốc doanh (public corporations). Ngành bán sỉ tư nhân (whole sale) hoàn toàn bị loại bỏ.

Ngoài ra một nỗ lực chính khác của Gadhafi và RCC là xóa đi sự phân tranh cố hữu giữa Đông và Tây Libya, giữa Tripolitania và Cyrenaica, nhằm tạo dựng sự thống nhất và khẳng định căn cước chính trị cho quốc gia Libya. Nhiều nỗ lực đã được đưa ra để xoá bớt lằn ranh chia rẽ giữa các bộ tộc, loại dần ảnh hưởng của các tộc trưởng và của các chức sắc tôn giáo; xử dụng trình độ giáo dục làm tiêu chuẩn tuyển chọn nhân tài thay cho các quan hệ huyết thống và tôn giáo như trước kia.[3]

Những cải cách trên của Gadhafi và RCC đã thay đổi bộ mặt của Libya một cách đáng kể. Do tính cách  bình đẳng xã hội cao, Libya khác hoàn toàn với phần đông các quốc gia sản xuất dầu hoả khác. Lương bổng cao hơn, các dịch vụ giáo dục và y-tế được phổ quát và tốt hơn; mức độ tích lũy tài sản xã hội vào tay tư nhân cũng giảm đi nhiều. Cũng là chế độ độc tài ở Trung Đông, nhưng so với Ai Cập hay Saudi Arabia thì sự khác biệt hiện ra rất rõ ràng. Chẳng hạn về kinh tế, GDP (tổng sản lượng quốc gia) chia trên đầu người của Libya năm 2008 ước tính chừng 14.400 dollars/ người trong khi chỉ số đó ở Ai Cập trong cùng năm chỉ được chừng 5.400 dollars/ người.[4] Về mặt công bằng xã hội, ở Saudi Arabia, hoàng tộc và toàn bộ những người có quan hệ hôn nhân nội ngoại với hoàng tộc tổng số chừng khoảng từ 60.000 đến gần 100.000 người nắm hầu hết quyền lực kinh tế trong tay, chiếm hữu hơn 40% tổng tích sản của cả nước chỉ chừa 60% còn lại cho gần 26 triệu người khác! Về dân trí, tỉ lệ mù chữ ở Libya cũng thấp hơn Saudi Arabia: 13.2% so với 15%; trong khi ở Ai Cập thì đến 33.6%!

Trong bảng xếp hạng phát triển nhân sinh thế giới năm 2009 (Human Development Report), Libya được xếp ở hạng 55, trong khi Saudi Arabia đứng hạng 59, còn Ai Cập thì ở hạng 123, thua cả Việt Nam CS ở hạng 116![5] Điều đáng chú ý ở đây là Saudi Arabia và Ai Cập là hai quốc gia có chế độ độc tài khắc nghiệt nhất ở Trung Đông, là đồng minh thân cận được Mỹ ủng hộ từ hơn 30 năm qua.

Về mặt Y tế tỉ lệ bác sĩ / bệnh nhân ở Libya theo thống kê năm 2007 là chừng 1/750; so với 1/1900 ở Ai Cập và Việt Nam; ở Mỹ là 1/390.[6] Mọi công dân được hưởng miễn phí những săn sóc y tế căn bản. Hệ thống săn sóc y tế là một hổn hợp cả công lẫn tư. So với các quốc gia khác ở Trung Đông thì hệ thống y tế của Libya tương đối tốt; việc chích ngừa cho trẻ em được thực hiện rộng rãi và cưỡng bách trên toàn quốc; hệ thống cung cấp nước uống được cải thiện rất nhiều từ suốt mấy mươi năm qua.

Trong lãnh vực giáo dục, trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 15 bị đặt dưới hệ thống cưỡng bách giáo dục và hoàn toàn miễn phí. Có chừng hơn 800,000 học sinh cấp I &II và chừng hơn 700,000 học sinh cấp III và khoảng 300,000 sinh viên đại học.(Số liệu năm 2000).

Những đổi thay chính trị, vừa nêu ở trên, đã được thực hiện theo những gì Gadhafi viết ra trong quyền Green Book. Đó là một bộ sách ba tập đưa ra lý thuyết về Third International Theory với chủ đề chính yếu là thiết lập một hệ thống kinh tế-chính trị khác với cả hệ thống tư bản của Mỹ lẩn hệ thống cộng sản của Liên Xô; một sự phối hợp giữa các nguyên tắc đạo đức của Hồi Giáo với sự bình đẳng xã hội dựa trên một nền dân chủ trực tiếp (direct democracy).

Về cơ cấu chính quyền, toàn quốc được phân định ranh giới thành 1500 công xã (communes) được quản trị bởi các Ủy ban Nhân dân (peoples’ committees) do dân trực tiếp bầu ra; các uỷ ban này có chức năng cai trị và hoạch định ngân sách trong địa phương của mình với sự phê chuẩn của một cơ quan dân cử khác của công xã, có vai trò như Hội Đồng Nhân dân. Các công xã này thuộc về 34 khu tự quản (municipalities) trên toàn quốc, cùng với cơ cấu Uỷ ban và Hội Đồng tương tự. Đến lượt mình, các uỷ ban của khu tự quản này sẽ đệ trình các vấn đề về ngân sách và chính sách lên cho Quốc Hội Nhân dân (General People’s Congress, GPC) của toàn Libya; GPC gồm cả chức năng Lập pháp,Hành pháp, và Tư pháp; các bộ trưởng cũng như thẩm phán sẽ từ cơ quan này mà ra. Đó là trên nguyên tắc, trên thực tế thì chính Gadhafi nắm quyền, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, trong việc bổ nhiệm các bộ trưởng và các viên chức cao cấp khác trong chính phủ.

Những việc đầu tiên khi lên cầm quyền của Gadhafi là hoàn thiện việc giành chủ quyền quốc gia. Chính quyền mới đã tịch thu tất cả tài sản của các kiều dân Do Thái, tịch thu tài sản và trục xuất hơn 45,000 kiều dân Ý, những người đã di cư đến Libya trong thời thuộc điạ. Cùng lúc, chính phủ Gadhafi đã yêu cầu Anh và Mỹ rút toàn bộ các căn cứ quân sự ra khỏi lãnh thổ Libya; ngày được ấn định là 28/3 và 11/6/1970. Hai ngày này và ngày 7/10/1970, là ngày trục xuất người Ý, về sau đã được dùng như ngày quốc lễ của Libya. Ngoài ra chính phủ Gadhafi còn làm áp lực buộc các công ty dầu hoả Tây Phương phải tái thương lượng các hợp đồng khai thác dầu hoả trước đây và phải nhượng lại phần lớn doanh lợi cho Libya.[7]

Đối ngoại, ngoài thái độ bài Tây Phương, chống chế độ thuộc điạ và tích cực cổ xuý cho cuộc đấu tranh giành độc lập của các quốc gia nhược tiểu, chính phủ của Gadhafi, ít nhất cho đến khoảng năm 2009, rất chống Do Thái. Lúc đầu Gadhafi chống lại mọi đàm phán với Do Thái trong vấn đề Palestine; sự chống đối mạnh mẽ đến độ đã gây ra bất hoà sâu sắc giữa Gadhafi và Anwar Sadat của Ai Cập, và ngay cả với Yasir Arafat, chủ tịch Phong trào Giải phóng Palestine.

Gadhafi cho rằng để giành lại cho người Palestine những gì đã mất thì không còn con đường nào khác ngoài đấu tranh bằng bạo lực. Vì vậy Gadhafi trong nhiều năm trước đây đã chống lại mọi cuộc đàm phán với DoThái trong vấn đề Palestine, tích cực tài trợ và huấn luyện cho các tổ chức đấu tranh bạo động của người Palestine. Những năm sau này, tuy không còn tài trợ cho các nhóm đó, Gadhafi vẫn chống lại đề nghị về “hai quốc gia” cho vấn đề Do Thái-Palestine. Trong một bài báo viết cho New York Times, Gadhafi đưa ra đề nghị về một quốc gia, chung cho cả người Do Thái lẫn Palestine, với tên gọi là Isratine và rằng người tị nạn Palestine nên được quyền hồi cư về nguyên quán trước năm 1948. Tất nhiên những đề nghị đó của Gadhafi bị phiá Do Thái phản đối và bác bỏ. Lập trường của Gadhafi đối với vấn đề Do Thái là một trong những trở ngại lớn nhất trong mối quan hệ Mỹ-Libya.

Chính phủ Gadhafi cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lãnh vự săn sóc y-tế, giáo dục, nhà ở, quyền của phụ nữ và một số dịch vụ xã hội căn bản. Chế độ “Xã hội Chủ nghiã Hồi giáo” do Gadhafi khởi xướng, cộng với số dân ít và dự trữ dầu hoả lớn đã biến Libya trở nên một xã hội khá phồn thịnh và bình đẳng ở Trung Đông. Và tuy là một nhà độc tài, Gadhafi đã cho khai sinh một hệ thống chính trị tản quyền (decentralization), nổ lực xây dựng bước đầu nền dân chủ trực tiếp ở các địa phương với sự tham gia rộng rãi của dân chúng trong một số lãnh vực. Tuy nhiên, nhìn chung thì sự đàn áp đối lập vẫn thường xảy ra

Vấn đề hối lộ của các viên chức nhà nước là một quan tâm lớn. Năm 1975 một đạo luật cứng rắn đối với tệ nạn này đã được áp dụng, theo đó viên chức nhận hối lộ sẽ bị án đến 10 năm tù giam cộng với tiền phạt bằng hai lần số tiền nhận hối lộ. Kẻ đút lót hối lộ có thể bị án đến 5 năm và bị phạt tiền đến 500 LD (LD Libyan Dinar, tiền Libya, 1LD~0.82dollars)

Về mặt đối ngoại

Đáng chú ý nhất là mối quan hệ Mỹ-Libya.

Do thái độ bài Do Thái, kịch liệt chống chế độ thuộc địa, đề cao phong trào giành độc lập của các nước thứ ba, công khai chỉ trích Tây Phương trên mọi diễn đàn quốc tế của Gadhafi, ngay từ đầu quan hệ Libya-Mỹ đã không đầm ấm. Có thể tạm chia quan hệ Libya-Mỹ ra các giai đoạn như sau:

Từ khoảng năm 1969-1986: Ngay từ khi lên nắm quyền, chính phủ Gadhafi đã lập tức thực hiện chính sách quốc gia Arab, đóng cửa các căn cứ quân sự Anh-Mỹ trên đất Libya, trục xuất các đại công ty dầu hoả của Mỹ, đặt tất cả các nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu hỏa, dưới sự quản trị của các công ty quốc doanh của chính phủ. Căng thẳng nhất trong giai đoạn này là việc chính phủ của Gadhafi, năm 1973, tuyên bố lãnh hải rộng 12 hải lý ở vịnh Sidra dọc duyên hải của Libya. Phía Mỹ liền tiến hành chiến dịch Freedom of Navigation, đòi tự do hải hành trong khu vực. Năm 1981 khi Ronald Reagon lên cầm quyền, tình hình càng căng thẳng hơn; tháng 8/1981 Reagan cho một hạm đội lớn với hai chiến hạm lớn Forrestal và Nimitz vào thao dượt trong hải phận 12 hải lý mà Libya đã tuyên bố. Ngày 19/8/1981 hai chiến đấu cơ Sukhoi Su-22 của Libya nghênh chiến với phi cơ hải quân Mỹ và bị hai chiến đấu cơ F-14 của Mỹ bắn hạ ngay trên vùng trời vịnh Sidra.

Giai đoạn từ 1986-1999 :Những năm sau đó chính phủ Mỹ loan tin là chính phủ Libya đang dùng các tổ chức khủng bố để tấn công viên chức và công dân Mỹ ở nước ngoài. Vụ tấn công toà đại sứ Mỹ ở Khartoum, Sudan được quy là do nhóm khủng bố được Libya tài trợ. Tháng 12/1985 một vụ khủng bố tấn công ở Rome và phi trường Vienne khiến 5 người Mỹ thiệt mạng, có bằng chứng cho thấy là có sự dính líu của Libya.Lập tức, tổng thống Regan cho phong toả các tích sản của Libya ở Mỹ; đồng thời tháng 3/1986 một cuộc đụng độ khác giữa hải quân hai bên xảy ra tại vịnh Sidra khiến 58 thuỷ thủ Libya thiệt mạng. Tháng Tư/1986 một qủa bom nổ ở một hí viện tại Tây Bá Linh, nơi thường có quân nhân Mỹ đến du hí, giết chết một quân nhân Mỹ và làm bị thương hàng trăm người khác, trong đó có 50 quân nhân Mỹ. Có tin là cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện là vụ nổ do toà đại sứ của Libya ở Bá Linh ra lệnh.

Ngày 14/5/1986, chiến dịch không tập mang tên El Dorado Canyon gồm hơn 30 chiến đấu và oanh tạc cơ F-111 của Mỹ, bay từ ngoài Địa Trung Hải và từ căn cứ ở Anh qua, đã dội bom xuống Tripoli và Bengazhi của Libya. Kết quả có hơn trăm thường dân Libya thiệt mạng, trong đó có cô con gái nuôi của Gadhafi; và nhiều người khác bị thương trong đó có hai con trai của Gadhafi. Về phiá Mỹ thì 1 máy bay F-111 bị bắn hạ và hai phi công mất tích.

Để trả đũa, ngày 15/4 tàu tuần tra Libya đã bắn hoả tiễn vào một trạm viễn thông của hải quân Mỹ ở Địa Trung Hải, nhưng không gây thiệt hại đáng kể. Hai năm sau, 1988, phi cơ dân sự Pan Am 747, chuyến bay 103, của Mỹ bị nổ bom trên không phận Lockerbie của Tô Cách Lan, giết chết tổng cộng 270 người. Cuộc điều tra kết thúc năm 1991 với kết quả cho biết rằng chính phủ Libya có dính líu vào vụ này. Từ năm 1992 trở đi Liên Hiệp Quốc bắt đầu cấm vận Libya, đòi chính phủ Libya phải giải giao nghi can của vụ nổ bom.

Giai đoạn từ 1999-2006: Năm 1999, chính phủ Gadhafi đồng ý giải giao nghi phạm vụ Pan Nam 103 nói trên cho toà án Tô Cách Lan xét xử. Và sau đó chính phủ Libya chấp nhận bồi thường cho các gia đình nạn nhân theo như đòi hỏi của Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Số tiền bồi thường là 2.7 tỉ dollars được chuyển cho gia đình nạn nhân năm 2003. Sau đó việc cấm vận đã được chấm dứt. Cùng năm Gadhafi tuyên bố từ bỏ việc sỡ hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt và vũ khí nguyên tử. Từ đó trở đi quan hệ Mỹ-Libya trở nên hoà dịu hơn, các công ty dầu hoả của Mỹ bắt đầu được phép trở lại Libya. Đến năm 2006 quan hệ bình thường giữa hai quốc gia được chính thức tái lập.[8]

Libya của Gadhafi luôn chống lại Al-Qaeda. Bằng chứng là trong những cuộc mật đàm giữa Mỹ thời TT Clinton và Libya ở Geneva năm 1999, đại diện của Libya hưởng ứng việc chống Al-Qaeda. Libya cũng thỏa thuận mở các nhà máy hoá chất cho quốc tế kiểm tra. Các cuộc mật đàm đó do đại sứ Saudi Arabia ở Mỹ là hoàng tử Bandar Bin Sultan làm trung gian.[9]

Theo bác sĩ Ronald Bruce St. John, của cơ quan The International Advisory Board of The Journal of Libyan Studies, thì sau 9/11 Libya cộng tác mật thiết với Mỹ trong mặt trận chống khủng bố Al-Qaeda, cơ quan tình báo của Libya đã cung cấp toàn bộ tin tức liên quan đến Al-Qaeda cho phía Mỹ. Gadhafi ngay cả đã treo thưởng 1 triệu dollars cho những ai cung cấp tin tức về các tổ chức Hồi giáo cực đoan chống chính phủ. Sỡ dĩ như vậy là vì trong một thời gian dài Gadhafi đã từng là mục tiêu tấn công của các nhóm Al-Qaeda ở Trung Đông.[10]

Trong cuộc nội chiến hiện nay,nhìn bề ngoài Mỹ dường như không có lợi ích quốc gia gì thiết thực và lớn lao ở Libya. Mặt khác, hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan chưa giải quyết xong và đang cầm chân một lực lượng quân sự quan trọng của Mỹ. Điều đó chắc đã khiến Ngũ Giác Đài hết sức cân nhắc trong việc trực tiếp đưa quân vào tham chiến ở một quốc gia có tầm chiến lược thấp như Libya. Bởi vì việc đó sẽ khiến cho lực lượng dự trữ chiến lược toàn cầu của Mỹ bị dàn mỏng ra, khiến cho khả năng phản ứng cấp thiết đối với những vùng khác trên thế giới sẽ bị thu hẹp một cách đáng ngại. Chưa kể là một khi đã đưa quân vào thì cuộc chiến tất nhiên sẽ mở rộng, thời gian bình định để lập chính quyền mới sẽ kéo dài, tổn phí sẽ lên cao hơn; ngay ở Afghanistan không thôi, đã tốn mất gần 2 tỉ dollars/ tuần. Có lẽ vì vậy mà Bộ trưởng QP Robert Gates trước đây, khi điều trần trước Quốc Hội, đã khẳng định rằng Mỹ sẽ không đưa bộ binh vào Libya.[11]

Tuy nhiên sâu bên trong, Mỹ có những lý do quan trọng để can thiệp vào Libya. Từ mấy mươi năm qua, Libya do Gadhafi lãnh đạo là một quốc gia có mức độ tự chủ, độc lập rất cao đối với sự chi phối của các chính phủ Mỹ. Gadhafi, một mặt hoà hoãn với Mỹ, để khỏi tiếp tục bị cấm vận, nhưng mặt khác lại muốn gia tăng quan hệ với Trung Quốc và Nga để duy trì tư thế độc lập của mình. Ngược lại phía Trung Quốc và Nga cũng muốn gia tăng ảnh hưởng của mình ở Phi Châu qua sự trung gian của Libya-Gadhafi, một nước đang có uy tín ở Phi Châu. Như vậy rõ ràng dù đã trở lại hoà hoãn với nhau, Mỹ vẫn luôn xem Libya của Gadhafi là cái gai trong mắt cần phải thanh toán bằng biện pháp “regime change”.

(Còn tiếp phần II)

© Trương Đình Trung
© Đàn Chim Việt


[1] http://www.npr.org/player/v2/mediaPlayer.html?action=1&t=1&islist=false&id=140642290&m=140643674

[2] http://siteresources.worldbank.org/INTEEI/Data/21836829/EGY08.pdf

[3] http://countrystudies.us/libya/45.htm. Source: U.S. Library of Congress

[4] http://siakhenn.tripod.com/capita.html.

[5] http://hdrstats.undp.org/en/indicators/99.html.

[6] http://bigthink.com/ideas/21237.

[7] Ibid. Cùng nguồn trên.

[8] http://www.c-spanvideo.org/program/298688-4

[9] http://www.nytimes.com/2004/01/23/opinion/why-libya-gave-up-on-the-bomb.html

[10] http://www.mepc.org/journal/middle-east-policy-archives/libya-and-united-states-faustian-pact.

[11] http://www.cbc.ca/news/world/story/2011/03/31/libya-nato-un-gadhafi.html?ref=rss

Phản hồi