WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nhân Tết Nhâm Thìn, nhớ lại Hai mươi sáu ngày tang thương của Huế

Tết Nhâm Thìn 2012 đến nhắc người Việt, nhất là người Huế nhớ đến Tết Mậu Thân. Đêm mồng một Tết (rạng mồng Hai) quân đội cộng sản mở cuộc tấn công quy mô trên toàn quốc, trong đó có thành phố Huế. Đêm trước – đêm Giao Thừa – trong khi thỏa thuận ngưng bắn 36 giờ để dân ăn Tết còn hiệu lực, cộng quân đã đánh vào một số thị trấn nhưng ở một quy mô nhỏ.

Cuộc tấn công của cộng quân vào thành phố Huế mở màn cho 26 ngày tang thương, 26 ngày kinh hoàng của lịch sử kinh thành Huế. Trong hơn một thế kỷ, Huế chỉ trải qua hai lần bom đạn. Lần thứ nhất “kinh đô thất thủ” năm 1883 khi Pháp đưa chiến thuyền ngược sông Hương pháo kích kinh đô Huế. Lần thứ hai khi cuộc tòan quốc kháng chiến bắt đầu, quân đội Việt Minh bao vây đánh các đơn vị Pháp đóng tại Huế vào cuối năm 1946, đầu năm 1947.

**

Hai mươi sáu ngày tang thương của Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968 được quyết định tại phiên họp Trung ương đảng của đảng cộng sản Việt Nam tại Hà Nội tháng Tư năm 1967 ….

Ngược một chút dòng lịch sử. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ từ tháng 12 năm 1946 đưa đến sự bại trận của quân Pháp tại Điện Biên Phủ năm1954 và Việt Nam bị chia đôi ngang vĩ tuyến 17. Miền Bắc cộng sản, miền Nam cho người quốc gia.

Thời gian 8 năm kháng chiến (1946-1954) là thời gian tế nhị của lớp sĩ phu và những người Việt Nam có chút ăn học. Hầu hết theo phong trào chống Pháp và nằm trong guồng máy lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Một số trở thành người cộng sản, và một số không nhỏ trong thời gian kháng chiến thấy được bộ mặt thật của chủ nghĩa cộng sản đã bỏ về thành phố. Hầu hết thành phố do người Pháp quản lý với một chính quyền “gọi là quốc gia” làm bình phong nên không có chính nghĩa cho dù trong thời gian 8 năm người Pháp vì nhu cầu chính trị và áp lực của Hoa Kỳ đã trao trả một ít quyền hành và danh nghĩa cho ông Bảo Đại. Trong bối cảnh chính trị đó, những người bỏ hàng ngũ cộng sản về thành không có chỗ đứng. Họ bơ vơ trong cảnh hàng thần lơ láo.

Sau khi chia đôi Việt Nam, người Pháp rút về, Hoa Kỳ giúp hạ bệ ông Bảo Đại, thành hình “Việt Nam Cộng Hòa” với đầy dủ danh nghĩa một chính quyền quốc gia với sự lãnh đạo đầu tiên của tổng thống Ngô Đình Diệm.

Chính sách của Hoa Kỳ là giúp xây dựng một miền Nam Việt Nam phú cường, ổn định và tự do dân chủ để nhân dân miền Nam phát huy nội lực tự bảo vệ trước cuộc tấn công của miền Bắc. Xương sống của chính sách là miền Nam có một chính quyền quốc gia được sự hậu thuẫn của dân.

Rất tiếc do hoàn cảnh lịch sử điều kiện trên không thực hiện được. Bối cảnh lịch sử lúc đó là:

(1) nhân dân miền Nam chưa hiểu chủ nghĩa cộng sản là gì, và có cảm tình với những người lãnh đạo cộng sản vì họ vừa lãnh đạo thành công một cuộc đấu tranh giành độc lập.

(2) các chính khách và quân nhân lãnh đạo bộ máy chính trị và quân sự miền Nam Việt Nam hầu hết là sản phẩm của bộ máy cai trị của người Pháp để lại.

Trong số này tuy có thành phần ưu tú, nhưng thiếu phẩm chất của những nhà ái quốc chân chính. Từng là một bộ phận trong bộ máy cai trị của Pháp họ không ý thức được thế nào là tự do và thế nào là dân chủ. Một vài ý niệm dân chủ, tự do do người Pháp mang lại nhiều lắm giúp họ ca ngợi cái đẹp của tự do dân chủ nhưng chỉ ý thức lờ mờ rằng cái tự do dân chủ đó để dành cho từng lớp thống trị hay hợp tác với tầng lớp thống trị chứ không phải dành cho nhân dân Việt Nam chân lấm tay bùn. Vì vậy họ không thể hòan thành nhiệm vụ lịch sử là mang đến cho quần chúng một tinh thần ao ước tự do quyết tâm đổ mồ hôi và nều cần bằng máu để bảo vệ nếp sống trong tự do và dân chủ của mình.

Với tâm lý quần chúng đó, với dàn nhân sự đó tổng thống Ngô Đình Diệm dù là một người có tinh thần yêu nước cao và được sự giúp đỡ tận tình của Hoa Kỳ vẫn không xây dựng nổi một miền nam phú cường và dân chủ.

Trong bối cảnh đó miền Bắc dốc toàn lực tổ chức tuyên truyền phá hoại chế độ và đưa quân trá hình xâm lăng miền nam.

Để củng cố miền Nam, tháng 11/1963 Hoa Kỳ thay thế lãnh đạo bằng cách lật đổ chế độ ông Diệm. Nhưng các chế độ quân nhân thay thế ông Diệm tệ hơn chế độ ông Diệm. Trước nguy cơ sụp đổ, Hoa Kỳ không có sự lựa chọn nào khác hơn là đưa quân vào miền Nam chiến đấu đồng thời oanh tạc miền Bắc Việt Nam để ngăn làn sóng đỏ chiếm Nam Việt Nam rồi tràn ra toàn vùng Đông Nam Á và nam Thái Bình Dương đe dọa Úc châu theo chủ thuyết Domino rất được ưa chuộng vào lúc đó.

Tháng Ba, 1965 Hoa Kỳ đổ bộ đơn vị Thủy quân Lục chiến đầu tiên lên Đà Nẵng, Hà Nội đưa các Sư đoàn chính quy vào miền Nam, Hoa Kỳ tiếp tục đổ quân. Từ tháng Ba 1965 đến cuối năm 1967 Hoa Kỳ chuyển 485.000 binh sĩ đến miền Nam, trong đó có Sư đoàn Kỵ binh không vận, một sư đoàn tân lập di chuyển hoàn toàn bằng trực thăng.

Cuối năm 1965 quân đội Hoa Kỳ và quân chính quy bắc Việt thử sức nhau trong vùng rừng núi trên cao nguyên miền Trung. Hai bên chịu nhiều tổn thất, và sau cùng quân đội cộng sản không chịu nổi rút quân qua Cambốt.

Đối với Hoa Kỳ bây giờ là giải pháp quân sự chứ không còn là giải pháp tạo ổn định để chiến thắng về mặt chính trị nữa. Sau cuộc thử lửa tại cao nguyên Hoa Kỳ thực hiện nhiều cuộc hành quân càn quét các ổ đóng quân, bộ chỉ huy và các căn cứ tiếp vận của cộng sản quanh Sài gòn. Cuộc hành quân Cedar Falls tháng 1/1967 đánh vào khu “Tam Giác Sắt” gần Sàigòn. Từ tháng 2 đến tháng 5 Hoa Kỳ thực hiện cuộc hành quân Junction City đánh vào Chiến khu C, gần biên giới Cambốt. Cả hai cuộc hành quân đều đạt mục tiêu. Áp lực vào Sài gòn được giải tỏa; quân đội cộng sản tại Chiến khu C phải trốn qua biên giới Cambốt. Mặc dù sau khi quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi các vùng tảo thanh, quân đội cộng sản trở lại các vùng đó, nhưng tinh thần bộ đội và cán bộ của cộng sản xuống rất thấp.

Sau các cuộc giao tranh trên cao nguyên và hai cuộc càn quét Cedar Falls và Junction City lãnh đạo cộng sản tại Hà Nội tự hỏi rằng tiếp tục cuộc chiến như hiện trạng có thể đạt được hai mục tiêu sau không:

(1) buộc quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam, và

(2) lật đổ chính quyền tại Sài gòn.

Ý kiến trong Bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam khác nhau.

Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh nghĩ rằng tiếp tục hiện trạng sẽ làm cho Hà Nội kiệt sức trước. Duẩn và Thanh cho rằng cần phải làm một hành động ngoạn mục, gây nhiều tổn thất và tạo xúc động làm cho dân chúng Hoa Kỳ hỏang hốt và giúp thổi bùng lên phong trào chống chiến tranh đang âm ỉ tại Hoa Kỳ. Võ Nguyên Giáp trái lại, vốn có lối suy tư cổ điển theo sách vỡ cho rằng tình hình chưa chín để phát động một cuộc nổi dậy. Theo Gíáp, cần tiếp tục cuộc chiến tranh hao mòn “nông thôn bao vây thành thị” một thời gian nữa mới tới điểm “nổi dậy” được.

Sự bất đồng ý kiến đã được giải quyết trong Hội nghị trung ương đảng thứ 13 tại Hà Nội, qua đó đảng cộng sản quyết nghị tung một cuộc tổng tấn công vào các đô thị miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân vào tháng Giêng Hai năm 1968.

Có lẽ Nguyễn Chí Thanh sẽ là người tổ chức cuộc nổi dậy nếu ông ta không chết bất ngờ vào tháng 7/1967. Thanh chết, không còn ai ngoài Giáp có khả năng tổ chức và lãnh đạo cuộc Tổng tấn công. Giáp thi hành lệnh đảng dù ông không đồng ý. Sau này mặc dù cuộc tổng tấn công đạt mục đích chính trị buộc Hoa Kỳ xuống thang, ngưng gởi thêm quân đội và đề nghị hòa đàm đi đến chấm dứt chiến tranh, nhưng sự tổn thất nhân mạng quá lớn làm ông mất uy tín “là một viên tướng giỏi” trong nội bộ, và ngôi sao của Giáp mờ dần từ đó.

Cuộc tổng tấn công của Giáp khởi đầu đêm giao thừa (đêm 29/1/1968 rạng ngày 30/1) vào các thành phố Nha Trang, Hội An, Quy Nhơn, Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột và pháo kích vào Bộ Tư lệnh Quân Đoàn I. Đêm sau mồng Một rạng mồng Hai Tết (đêm 30/1 rạng ngày 31/1/1968) Giáp đánh Huế, Sài gòn, tòa đại sứ Hoa Kỳ và 20 thành phố và thị trấn khác trên toàn quốc .

Bài viết này tôi dành trận đánh tại Huế. Trận đánh Huế kéo dài 26 ngày là trận đánh dài nhất, đẩm máu nhất, với sự trả thù giết hơn 3000 quân nhân, công chức, cán bộ miền Nam.

**
Thành phố Huế nằm trên hai bờ sông Hương Giang. Năm 1968 Huế có 140.000 dân, khoảng 100.000 sống bên tả ngạn gồm phố chợ Đông Ba, khu Gia Hội và Thành Nội. Phần còn lại sống bên bờ hữu ngạn có hình tam giác giới hạn bởi sông Hương, sông đào An cựu và quốc lộ 1. Trung tâm gồm tòa hành chánh, bưu điện, bệnh viện trung ương, Đại học và trường Quốc học Huế, cơ quan MACV Mỹ (Military Assistance Command, Vietnam) và cầu tàu tiếp vận bằng đường thủy từ cửa Thuận An vào nằm gần bến Đập Đá do một đơn vị Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trú quân.

Thành Nội Huế nằm sát trên bờ bắc sông Hương rộng 7.8 km vuông, cạnh nam hình vòng cung áp sát bờ sông, 3 cạnh còn lại thẳng dài trung bình 2.800 mét. Thành được bảo vệ bằng một bức tường đất cao 9 mét che chắn trong ngoài bằng một lớp gạch dày, và cao 12 mét. Thành có nhiều cửa ra vào. Các cửa nổi tiếng là cửa Thượng Tự, cửa Nhà Đồ mở ra hướng Nam; cửa Hữu, cửa Chánh Tây mở ra phía Tây;cửa Đông Ba hướng ra phía Đông, cửa Bắc hướng về phía Bắc. Trong khối đất bao bọc thành có nhiều công thự, địa đạo người Nhật xây để bảo vệ Huế sau khi Nhật đảo chánh Pháp năm 1945 trong Thế chiến 2. Khi cộng quân chiếm Huế, họ xây công thự phòng thủ kiên cố với địa đạo, hầm ếch có sẵn và đào thêm trong bức thành đất làm cho việc tảo thanh của Thủy quân Lục chiến Mỹ-Việt và các đơn vị Dù và bộ binh Việt Nam Cộng Hòa trở nên rất khó khăn và nhiều tổn thất.

Bên trong Thành Nội là Đại Nội nơi thiết triều của các vua triều Nguyễn trước khi người Pháp chiếm năm 1883. Đại Nội hình vuông nằm cân đối trong Thành Nội, nhưng kề mặt nam hơn, mỗi bề 700 mét, bao quanh bằng một bức tường thành bằng gạch dày cao 6 mét. Ba cấu trúc đáng để ý của Huế là Cột cờ  cao 37 mét trong Thành Nội nằm ngay trước Đại Nội. Thứ hai là cầu Trường Tiền có 6 vài bắc qua sông Hương nối liền hai khu nam bắc của thành phố. Thứ ba là đồn Mang Cá nằm góc đông-bắc Thành Nội, nơi đặt Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ binh. Các Trung đoàn của Sư Đoàn 1 đều được bố trí dọc theo quốc lộ 1 từ An Hòa ra vùng hỏa tuyến. Bảo vệ Bộ Tư lệnh và thành phố Huế là một đại đội Hắc Báo trinh sát do Đại úy Trần Kim Huê chỉ huy. An ninh trong thành phố do cảnh sát phụ trách.

Về phiá Hoa Kỳ, chỉ có cơ quan MACV tọa lạc sau khu Tòa Khâm Sứ cũ gồm 200 nhân viên, quân nhân lẫn dân sự và vài sĩ quan Úc cố vấn của Sư đoàn 1. Đơn vị quân sự Hoa Kỳ gần nhất nằm ở sân bay Phú Bài phía nam Huế 11 km trên quốc lộ 1 đi Đà Nẵng. Tại đây có Bộ Chỉ Huy Lực lượng Đặc Nhiệm X-Ray do Chuẩn Tướng Foster LaHue chỉ huy. X-Ray là một bộ phận của Sư Đoàn 1 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đóng ở Đà Nẵng .

Chuẩn bị đánh Huế tướng Võ Nguyên Giáp huy động 8.000 quân gồm 2 Trung đoàn chính quy Bắc Việt và 6 tiểu đoàn cộng sản địa phương. Trong đó 5000 quân dùng để tấn công, 3000 quân còn lại dùng để bảo vệ đường tiếp vận vũ khí và người của cộng quân và đồng thời cắt đường tiếp vận của Mỹ-Việt. Lực lượng tấn công chia thành hai Đoàn. Đoàn 5 do Trung Tá Nguyễn Vạn chỉ huy chia làm hai mũi đánh từ phía nam vào khu hành chánh và MACV. Đoàn 6 do Trung Tá Nguyễn Trọng Dần chỉ huy cũng chia làm hai mũi đánh vào Thành Nội, chiếm cột cờ để kéo cờ và đồn Mang Cá. Đoàn 6 tập họp và xuất quân từ quận Hương Trà, trong khi Đòan 5 từ  thung lũng A Sao trong rặng Trường Sơn vượt sông Hương tại bến đò Đình Môn tiến vào phía nam Huế qua ngõ cầu Lim.

Mấy tháng trước khi tấn công quân đội cộng sản đã được huấn luyên kỹ thuật đánh trong thành phố và công an được lệnh chuẩn bị một danh sách quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa trong thành phố sẽ bị giết khi chiếm Huế. Trong thời gian 26 ngày đánh nhau tại Huế, Giáp rút từ Khe Sanh đưa vào chiến trường Huế – Thừa Thiên thêm 3 trung đoàn nâng tổng số quân của chiến dịch Huế lên đến 20.000 quân.

Trong đêm 28/1 một tiểu đoàn đặc công đã đưa vũ khí lén lút vào thành phố và mặc thường phục trà trộn vào dân chúng (Theo “Cuộc Tổng Công Kích – Tổng Khởi Nghĩa 1968 – TCK/TKN” trang 228 của Khối Quân sử, Phòng 5/TTM). Do thỏa thuận Tết, gần một nửa quân lính Việt Nam Cộng Hòa nghỉ phép ăn Tết nên khi cộng sản tấn công lực lượng chống đỡ của Việt Nam Cộng Hòa rất yếu.Tuy nhiên nhờ một yếu tố tinh thần, đồn Mang Cá không bị cộng sản tràn ngập.

Trong đêm Giao thừa, Chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Sư đoàn I được tin cộng sản đánh vào một số thành phố duyên hải như Nha Trang và pháo kích Đà Nẵng. Sáng mồng Một ông ra lệnh cắm trại nhân viên cơ hữu, và đêm Mồng 1 Tết ông ngủ lại đồn. Sự hiện diện của tướng Trưởng đã làm cho nhân viên lên tinh thần và chống giữ không cho cộng sản tràn ngập. Cộng quân chỉ chiếm được bệnh viện nằm ngoài đồn chính và sau đó bị đẩy lui. Đại đội Thám báo cũng bám giữ được một nửa sân bay Tây Lộc .
Từ mồng 1 đến mồng 8 (30/1 – 6/2) cộng sản kêu gọi và chờ đợi nhân dân Huế nổi dậy tuyên bố không chấp nhận chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ. Nhưng điều này đã không xẩy ra. Ngọai trừ cán bộ cộng sản và một thiểu số nằm vùng, dân Huế nằm im trong nhà hoặc chạy trốn khi thấy bóng dáng cộng quân.

Song hành với sự kêu gọi quần chúng, công an tiếp tục chương trình tàn sát. Những người trong danh sách lập sẵn được gọi ra trình diện, cho về vài hôm để thuyết phục những người còn trốn tránh. Sau đó kêu đi học tập và giết hết trong đêm tối đơn giản bằng một viên đạn vào đầu và vùi thây trong những hầm tập thể tại sân trường trung học Gia Hội, Bãi Dâu và chùa Tăng Quang Tư. Kế hoạch đưa ra khỏi Huế để giết không thực hiện được do cuộc phản công và bao vây mặt tây nam thành phố của Sư Đòan kỵ binh không vận Hoa Kỳ.

Cuộc phản công của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ bắt đầu ngày mồng 2. Đợt phản công đầu tiên phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa chịu nhiều tổn thất vì tưởng rằng cộng quân nhiều lắm là một hay hai tiểu đoàn trong thành phố. Tướng Ngô Quang Trưởng và tướng Foster LaHue và Bộ Tư Lệnh Việt Mỹ ở Sài gòn không ngờ lúc này cộng sản có gần 1 sư đoàn trong thành phố Huế.

Tướng Trưởng ra lệnh Tiểu Đoàn 2 Dù cùng với một Chi đoàn thiết giáp đang đóng ở làng Từ Hạ tiến về Thành Nội để giải tỏa áp lực vào bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Một Chi đoàn thiết giáp khác đóng ở An Cựu cũng được lệnh tiến vào thành phố. Chi đoàn này do đích thân Trung Tá Phan Hữu Chí (Thiết đoàn trưởng) chỉ huy và có hai sĩ quan thiết giáp tháp tùng, trong đó có Đại úy Trương Quang Thương chỉ huy một thiết giáp. Ngoài công tác giải tỏa thành phố Chi đòan này còn có nhiệm vụ cứu gia đình tướng Trưởng đang kẹt bên hữu ngạn.

Chi đoàn của Trung Tá Chí ra khỏi trại nhưng không tiến lên được vì hỏa lực của cộng quân. Trong khi đó tiểu đoàn Dù trên đường tiến về cửa An Hòa phải chật vật chiến đấu với nhiều tổn thất đến 3 giờ chiều ngày mồng 2, mới tiến sát bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1.

Trong khi đó tướng LeHue gởi một đại đội Thủy quân Lục chiến do Đạị úy Gordon  Batcheller chỉ huy có trang bị 4 dàn súng đại liên 12 ly 7 từ Phú Bài theo quốc lộ 1 lên Huế. Đại úy Batcheller được lệnh tiến qua thành phố liên lạc với tiểu đoàn Việt Nam Cộng Hòa từ phiá Bắc tiến vào. Trên đường tiến quân đại úy Batcheller gặp đơn vị tiếp tế có 4 xe thiết giáp hộ tống của Trung Tá LaMontagne đang trên đường tiếp tế định kỳ cho sư Đoàn 3 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ ở vùng giới tuyến. Gần An Cựu hai đơn vị này gặp chi đoàn thiết giáp của Trung Tá Chí đang bị hỏa lực của cộng quân không tiến lên được. Ba đơn vị – hai Mỹ, một Việt – phối hợp sức mạnh dùng hỏa lực áp đảo băng qua cầu An Cựu tiến về MACV Huế .

Chi đòan của Trung Tá Chí dẫn đầu chọc thủng hỏa lực của cộng quân băng qua cánh đồng trống nối liền chợ An Cựu với Tiểu khu Thừa Thiên (bên cạnh MACV). Khi đến trước Ty Cảnh Sát thiết giáp của Trung Tá Chí bị bắn hạ, Trung Tá Chí tử thương. Hai xạ thủ trên thiết giáp của Đại Úy Thương cũng bị thương. Đại úy Thương lái thiết giáp chạy ra ngỏ nhà hàng Chaffanjon, ra đường Lê Lợi rồi chạy về Tiểu khu an tòan. Trên đường từ An Cựu tiến vào thành phố Đại úy Batcheller bị thương nặng. Được tin tướng LaHue gởi một tiểu đoàn do Trung tá Gravel chỉ huy từ Phú Bài lên tiếp viện. Đến 3 giờ chiều đơn vị của Gravel và LaMontagne tiến vào được MACV, sau khi đã cho tản thương đại úy Bacheller và các binh sĩ khác về Phú Bài.

Đến MACV Trung tá Gravel được lệnh tiến qua Thành Nội. Nhưng với tổn thất nặng nề ông rút về MACV.
Sau nỗ lực giải tỏa không thành và nhiều tổn thất này, tướng Hoàng Xuân Lãm Tư lệnh Quân khu 1 và tướng Cushman, Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ vùng giới tuyến chia trách nhiệm. Hoa Kỳ giải tỏa khu hành chánh hữu ngạn. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa giải tỏa khu tả ngạn.

Đại tá Hughes chỉ huy trưởng Trung đòan 1 Thủy quân Lục chiến được giao trách nhiệm giải tỏa hữu ngạn Huế. Trong khi đó vào mồng 4 Tết, Sư đoàn Kỵ binh không vận Hoa Kỳ bắt đầu triển khai quân phong tỏa đường tiếp vận của cộng sản từ A Sao vào thành phố Huế.

Từ MACV ở đầu cầu Trường Tiền theo đường Lê Lợi lên đến cầu Ga chỉ dài chừng 2 km và có 11 khu phố (block), hai tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ của Dại Tá Hughes đã mất 11 ngày đánh chiếm từng khu vườn, từng căn nhà với tổn thất cao. Cộng quân biến mỗi khu phố thành một pháo đài và quyết bám trụ.

Đánh suốt 24 giờ trong ngày mồng 5 để chiếm lại Kho Bạc và nhà Bưu Điện. Ngày mồng 6 chiếm lại khu thể thao thành phố (Sport center), Bệnh viện Huế và Thư viện đại học. Sau 2 ngày cam go khác, mồng 8, một đại đội của đại úy Ron Christmas chiếm lại khu hành chánh Huế. Trong cuộc tiến quân Hoa Kỳ đã dùng thiết giáp bắn trực xạ vào các khu nhà cộng quân cố thủ. Đến ngày 11 Tết quân đội Hoa Kỳ kiểm soát sân vận động, nhà thờ Phú Cam và ngày 13 Tết Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tiến đến cầu Ga, và 2 ngày sau vượt qua sông An cựu (sông An Cựu là sông đào cùng với sông Hương và quốc lộ 1 lập thành tam giác chính của phố hữu ngạn). Mục tiêu của Trung đoàn 1 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ là bắt tay với các đơn vị của Sư đoàn Không vận đang bao vây và tảo thanh các đơn vị cộng quân ở ngoài. Đến ngày 16, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ kiểm soát trọn khu hữu ngạn sông Hương, và phải mất 10 ngày nữa mới tảo thanh hết các toán du kích lẻ tẻ còn lại. Tổn thất của Hoa Kỳ giải tỏa hữu ngạn gồm 88 tử thương và 320 bị thương. Cộng quân tử thương hơn 1000 người.

Theo phân nhiệm, ngày mồng 4 tướng Trưởng chuyển quân giải tỏa thành nội Huế. Ông điều động 3 tiểu đoàn Dù số 2, số 7 và số 9 và một chi đoàn thiết giáp. Một tiểu đoàn Dù khác từ Quảng Trị được trực thăng vận vào Mang Cá để đánh ra góc đông-bắc Thành Nội. Đến ngày mồng 5 quân Dù chiếm lại được góc thành An Hòa và một phần sân bay Tây Lộc. Nhưng trong ngày kế  tiếp quân Dù không tiến được bước nào trước sự cố thủ của quân Bắc việt vẫn được tiếp thêm người và vũ khí đạn được từ phía Tây qua cửa Chánh Tây.

Ngày mồng 9 Tướng Trưởng yêu cầu Hoa Kỳ giúp. Ngày 12 Tết tướng LaHue cho tiểu đoàn của Thiếu Tá Thompson dùng tàu hải quân đổ lên Bao Vinh vào Thành Nội bằng Cửa Hậu rồi tiến đánh ngược dọc theo tường thành Đông Bắc có cửa Đông Ba. Tiểu đoàn Thiếu tá Thompson tổn thất nặng và được tăng cường bởi 1 đại đội Thủy quân Lục chiến khác. Lúc này lệnh hạn chế hỏa lực đã được hủy bỏ nên quân đội Hoa Kỳ dùng máy bay ném bom, hải pháo, xe tăng, súng đại bác trực xạ để phá hủy các ụ phòng thủ của cộng quân trong bức thành đất.

Ngày 16 Tết, thời tiết quang đản hơn trên thành phố Huế, cuộc phản công giành lại Huế bắt đầu. Thành Nội được chia thành 6 khu (xem bản đồ)

Khu A, là khu an toàn năm cạnh đồn Mang Cá giữ Cửa Hậu làm cửa chuyển quân tiếp sức và quân dụng.
Khu B quân Dù đã tảo thanh, nhưng cộng quân vẫn giữ cửa Đông Ba

Khu C là khu có sân bay Tây Lộc do Trung đoàn 3 bộ của Trung Tá Phan Bá Hòa tảo thanh. Cộng quân vẫn còn bám cửa Chánh Tây.

Khu D nằm dưới khu B gíáp cửa Thượng Tứ và bức thành phía đông Đại Nội do một tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ của Thiếu Tá Thompson tảo thanh. Tiểu đòan nầy mạnh nhất trong các đơn vị tham chiến, gồm 1000 quân nhân và trang bị vũ khí nặng và được yểm trợ hỏa lực bằng máy bay, hải pháo và đại bác trực xạ .

Khu E là khu Đại Nội, mục tiêu cuối cùng của các mũi dùi chung quanh. Khu E do cộng quân kiếm soát cho đến phút chót.

Khu F là góc tây nam Thành Nội do Chiến đoàn đoàn A Thủy quân Lục chiến từ Sài gòn ra do Trung Tá Hoàng Thông chỉ huy có một Chi đoàn Thiết giáp yểm trợ hỏa lực. Chiến đoàn có Thiếu Tá  Phan Văn Thắng chỉ huy Tiểu đoàn 1 đánh phía đông sát thành Đại nội tiến chiếm Cửa Nhà Đồ, và Thiếu Tá Phạm Văn Nhã chỉ huy Tiểu đoàn 5 đánh phía Tây, chiếm Cửa Hữu tiến xuống bắt tay với Tiểu đoàn 1. Sau đó bắt tay với Tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sau khi tiểu đoàn nàychiếm cửa Thượng Tứ. Rồi cùng hợp lực chiếm lại cột cờ.

Sau 10 ngày đánh nhau gay go trên từng đường phố, trong từng gò đất Thành Nội, sức kháng cự của cộng quân vào các ngày 25, 26 Tết suy giảm hẵn. Trước đó, vào ngày 23 Tết đưa ông Táo về trời Bộ Chỉ huy Chiến dịch của cộng quân đóng tại làng Lai Chữ đã bị Sư đòan Kỵ binh Hoa Kỳ đánh tan và các đường tiếp tế đều  bị cắt đứt. Ngày 25 Tết đoàn 6 cộng quân được lệnh rút lui.

Sáng tinh sương ngày 26 Tết quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa đã được một số binh sĩ thuộc đại đội thám báo kéo lên trước sự chứng kiến của các đơn vị Thủy quân Lục chiến Việt Nam và Hoa Kỳ.

Vài giờ đồng hồ sau , Đại đội Thám báo đích thân do đại úy Trần Kiêm Huê chỉ huy cùng 300 quân nhân thuộc Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 3, Sư đoàn 1 tiến chiếm Đại Nội. Không có một sự kháng cự nào, cộng quân đã rút lui.

Ngày 26 Tết, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ từ cửa Thượng Tứ tiến ra đã làm chủ cầu Trường Tiền thiết lập sự liên lạc giữa hữu và tả ngạn sông Hương. Qua ngày 27 Tết những cuộc đánh nhau lẻ tẻ diễn ra khi các đơn vị Biệt động quân Việt Nam hành quân chiếm lại khu Gia Hội, chợ Đông Ba và hoàn toàn giải phóng Huế.

Cộng quân rút lui và tiếp tục thi hành lệnh tàn sát thực hiện chưa xong . Ngoài những người bị giết trong các ngày đầu, có thêm ít nhất một ngàn quân nhân, công chức, cảnh sát, đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, đảng Đại Việt bị giết vào những ngày sau khi cộng quân rút ra khỏi thành phố.

Huế được giải phóng. 40% nhà cửa bị sụp đổ do bom đạn. 116,000 người  trong số 140.000 dân thành phố Huế mất nhà cửa. Trong số 5,800 người chết có khoảng 3000 người do cộng sản tàn

Tổn thất binh sĩ kha cao cho một trận đánh 30 ngày. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa chết 384 người, bị thương nặng nhẹ 1,800 người. Hoa Kỳ tổn thất 221 quân nhân (gồm 147 Thủy quân Lục chiến, 74 bộ binh) và 1364 binh sĩ bị thương (857 Thủy quân Lục chiến, 507 bộ binh). Tổn thất của cộng quân ước lượng 8000 người chết, 5000 trong nội thành, 3000 ngoài vòng đai Huế (theo The Tet Offensive by James H. Willbanks, trang 54).

Việc cộng sản giết hàng ngàn người trong trận Mậu Thân 1968 tại Huế được giải thích “cộng sản vốn tàn ác và sẵn sàng giết lầm hơn bỏ sót”. Về mặt lịch sử, sự giải thích này quá đơn giản. Lịch sử chứng tỏ rằng các chủ thuyết quá khích đều có thể đưa lại sự phóng tay và tàn độc, như Stalin, Hitler, Mao Trạch Đông đã giết hằng triệu người (nếu chỉ nói những vụ tàn sát thời cận đại).

Nhưng đối với cộng sản việc giết đối phương không có vũ khí trong tay là một hành động chính trị. Và nếu đặt trong khung chính trị vào thời điểm đó không có gì biện minh cho hành động tàn sát của cộng sản trong dịp Mậu Thân. Nếu cộng sản tính tóan sẽ có một cuộc nổi dậy của nhân dân miền Nam cộng sản sẽ không giết bừa bãi trong những ngày đầu tiên như vậy. Còn nếu tấn công toàn quốc nhắm làm nản lòng nhân dân Mỹ và thổi bùng ngọn lửa phản chiến tại Hoa Kỳ, cộng sản lại càng mua chuộc nhân dân bằng một bộ mặt hiền hòa chờ cơ hội

Sau này khi vụ tàn sát Mậu Thân trở thành một vết nhơ cho chính quyền Hà Nội, cộng sản đã bố trí và mua chuộc một số “nhà nghiên cứu” đưa ra những giả thuyết chạy tội cho cộng sản. Có thể kể: Thứ nhất là anh thợ chụp hình Griffiths, một ký giả chiến trường, năm 1971 viết rằng “không có vụ tàn sát Mậu Thân. Những người chết là do bom đạn của quân đội Hoa Kỳ” (xem “Battle for Hue: Tet 1968” by  Keith William Nolan 1983, Presido Press). Thứ hai là nhà báo Porter  D. Gareth, trong hai bài viết, “Vietnam: the blood argument”, 1969 và “The 1968 Hue massacre”, 1974 khẳng định chẳng có vụ tàn sát nào cả (xem The Tet Offensive by  James Willbanks trang 243). Những luận  điệu chạy tội đó không đánh lừa được dư luận thế giới. Trong những tháng cuối cùng của năm Mậu Thân 1968, Huế trắng xóa khăn tang đi đào mồ tập thể tìm thân nhân do cộng sản lùa đi trong khi chiếm Huế hay khi rút lui đã là những bằng chứng quá rõ ràng trước lịch sử.

Vẫn còn một câu hỏi cần trả lời: Tại sao cộng sản Việt Nam thực hiện vụ tàn sát Mậu Thân?  Nguyên nhân sâu xa có thể tìm thấy qua quá trình đi làm “cách mạng” của ông Võ Nguyên Giáp và món nợ máu người Pháp nợ gia đình ông.

Ông Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911 tại Quảng Bình, năm nay 100 tuổi, con bà Nguyễn Thị Kiên và ông Võ Quang Nghiêm, một nhà nho từng theo phong trào Cần Vương chống Pháp. Ông là con thứ 6 trong một gia đình có 8 người con. Năm 12 tuổi ông được gởi vào Huế tòng học tại trường Quốc Học Huế .

Thời gian học tại Huế ông Giáp theo phong trào chống Pháp và thường đến thăm viếng cụ Phan bội Châu đang bị Pháp giam lỏng tại Bến Ngự. Sau một cuộc biểu tình chống một hành động độc tài của ông Hiệu trưởng người Pháp ông Giáp bị đuổi khỏi trường. Năm 1927 ông Giáp gia nhập đảng Tân Việt, một đảng có khuynh hướng Mác xít .

Năm 1930 Giáp bị công an Pháp bắt, và bị giam chung tại Huế với ông Đặng Thai Mại và Nguyễn Thị Quang Thái, 14 tuổi, em ruột Nguyễn Thị Minh Khai, một đảng viên nòng cốt của đảng cộng sản Đông Dương. Bị kết án và cùng bị giam tại nhà tù Lao Bão, Giáp và cô Quang Thái yêu nhau. Hai năm sau Giáp và Quang Thái được Pháp trả tự do. Quang Thái trở về quê ở Vinh, sau đó Giáp cũng bỏ Huế ra Vinh để sống gần gia đình Quang Thái. Năm 1933 khi ông Mại ra Hà Nội dạy học, Giáp theo ông Mại ra Bắc.
Tại Hà Nội, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng thuyết phục Giáp gia nhập đảng cộng sản. Trở thành đảng viên năm 1937, ông Giáp tạo uy tín rất nhanh trong đảng cộng sản nhờ căn bản học vấn và khả năng làm việc.

Năm 1939 ông Giáp lập gia đình với bà Quang Thái. Năm sau ông theo Phạm Văn Đồng qua Trung quốc gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thời gian ông còn ở Trung quốc, Pháp đã bắt và xử bắn bà Minh Khai tại Sài gòn năm 1941. Quang Thái bị Pháp bắt tại Vinh một tháng sau đó đưa ra giam và chết tại nhà lao Hỏa Lò ở Hà Nội vì tra tấn. Trường Chinh biết tin dữ nhưng dấu không cho Giáp biết.

Lưu lạc 6 năm, năm 1945 Gíáp theo chân Hồ Chí Minh trở về nắm chính quyền tại Hà Nội. Năm sau (1946) khi ông Giáp trở về Quảng Bình thăm cha ông Nghiêm không cho ông gặp cho rằng ông theo chủ nghĩa cộng sản là một chọn lựa sai lầm. Nhưng ông ủng hộ Giáp trong nổ lực chống Pháp giành độc lâp.
Hiệp định Hạ Long tháng 2/1946 cho phép Pháp đưa quân đến trú đóng tại một số thành phố tại Việt Nam trong đó có Sài gòn, Huế, Đà Nẳng, Hải Phòng, Hà nội. Tháng 12/1946 Hồ Chí Minh phát động cuộc tổng khởi nghĩa để đuổi quân Pháp ra khỏi Việt Nam. Pháp đưa quân chiếm tất cả các thành phố chính và chuẩn bị tái thiết lập chế độ đô hộ Việt Nam với một dàn chính quyền quốc gia do cựu hòang Bảo Đại làm bình phong.

Giữa năm 1947 Pháp chiếm lại Huế và Quảng Bình. Cán bộ cộng sản bố trí đưa bố mẹ và con gái ông Giáp (Võ Thị Hồng Anh, lúc đó 7 tuổi) ra vùng kháng chiến. Nhưng ông Nghiêm không chịu đi. Tháng 8/1947 Pháp bắt ông Nghiêm đưa vào giam tại lao Thừa Thiên. Ông bị tra tấn buộc khai chỗ ở của ông Giáp trên Việt Bắc và ép ông lên đài phát thanh kêu gọi Giáp bỏ cuộc đấu tranh chống Pháp. Pháp đã dùng đến phương pháp cực kỳ dã man thời trung cổ như cột ông Nghiêm vào xe kéo lê trong sân nhà tù. Ông Nghiêm không thể biết Giáp ở đâu. Còn lời kêu gọi trên đài không có tác dụng gì.

Khi ông Nghiêm quá yếu Pháp đưa ông vào bệnh viện Huế và mấy tháng sau ông chết tại đó như một người vô thừa nhận .Ông được chôn tại một nghĩa địa hoang dưới chân núi Ngự Bình. Sau năm 1975, do yêu cầu của ông Giáp, chính quyền tỉnh Quảng Bình đã lập ủy ban tìm mộ ông Nghiêm, cải táng đưa về chôn tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. (theo Google – Wikipedia)

Sau này trong thời gian thương thuyết với ông Giáp người Pháp cảm thấy áy náy đã đối đãi tàn tệ với gia đình ông giải thích rằng những người Việt trong bộ  máy cảnh sát làm việc đó chứ không phải người Pháp. Năm 1982 sử gia Will Brownell, giám đốc chương trình nghiên cứu Việt Nam thuộc đại học Columbia ở Hoa Kỳ phỏng vấn tướng Raoul Salan và hỏi ông về sự xác thực của việc bà Quang Thái vợ ông Giáp bị tra tấn chết tại nhà lao Hỏa Lò Hà Nội năm 1941 tướng Salan xác nhận điều đó có thật và tướng Salan ám chỉ rằng những sự tra tấn như vậy không do chính tay người Pháp làm (“Victory at any cost”, by Cecil B. Currey, nhà xuất bản Brassey’s Inc, 1997, trang 45)

Người Pháp chối bỏ trách nhiệm đã nhúng tay vào một việc giết người dơ bẩn không xứng đáng với một dân tộc có văn hóa, nhưng ông Giáp không quên thù cha.

Năm 1967, khi được Đảng giao trách nhiệm vạch kế hoạch tổng tấn công, có thể ông Gíap rắp tâm trả thù. Đối với người cộng sản Việt Nam, chế độ của người Pháp chuyển sang chính quyền ông Bảo Đại, rồi Việt Nam Cộng Hòa cũng chỉ là một, và mối thù nhà do người Pháp gây ra ông Giáp đổ lên đầu viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, nhất là viên chức thành phố Huế.
Mối thù 21 năm (1947 – 1968) đã được ông Giáp tính toán chi ly. Lấy ý của ông Giáp từ một văn kiện trung ương các cấp tỉnh đã chỉ thị cấp huyện, xã, phường chuẩn bị tổng tấn công ký ngày 1/11/1967. Chỉ thị có đoạn viết: “…Để chuẩn bị cuộc nổi dậy, các anh phải tận diệt bộ máy cai trị của địch …. Các anh cần lập danh sách của chúng và chỗ ở rồi dùng mọi phương tiện kể cả các toán đặc công cảm tử giết cho hết ….” (tài liệu lưu trữ tại Vietnam Archive, đại học Tech University, Lubock, Texas, theo “The Tet Offensive, a concise history” của James H. Willbanks trang 195, 196).

Chỉ thị tàn sát đã được thi hành một cách quy mô tại Huế. Một số vùng như Bến Tre, cộng quân kiểm soát khá lâu vẫn không có danh sách và tàn sát như ở Huế.

Thành phố Huế vốn là kinh đô của triều Nguyễn cho đến khi người Pháp chiếm Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Trước năm 1945 Huế vẫn còn là thủ phủ của Nam triều một cách hình thức. Nhưng chính yếu là nơi tọa lạc tòa khâm sứ Pháp nắm quyền cai trị Trung kỳ qua các tòa công sứ ở mỗi tỉnh và điều hành công việc hành chánh qua các vị tổng đốc, tuần vũ, tri phủ và tri huyện được đào tạo qua hệ thống giáo dục của Pháp. Sau cuộc cách mạng 19/8/1945 cũng như sau khi Pháp tái chiếm Huế năm 1947 Huế được tổ chức hành chánh giống như các tỉnh khác tòan quốc (trừ Nam kỳ). Sau Hiệp định Geneve, và sau khi Việt Nam Cộng Hòa ra đời Huế có tòa cố vấn do ông Ngô Đình Cẩn, em ruột của tổng thống Ngô Đình Diệm giữ chức cố vấn miền Trung.

Sau cuộc đảo chánh năm 1963, Huế là trung tâm của phong trào đòi chấm dứt chiến tranh, đòi dân chủ hóa đất nước và các cải tổ xã hội khác. Phật giáo là lực lượng đòi hỏi chính. Do Phật giáo thiếu nhân sự lãnh đạo trước một phong trào quần chúng bung ra ngoài tầm tay, cộng sản đã đột nhập và thao túng phong trào đòi chấm dứt chế độ quân nhân, thành lập đoàn sinh viên quyết tử để chống lại chính quyền trung ương tại Sài gòn. Tình hình Huế ổn định sau khi ban hành Hiến pháp Đệ nhị Cộng hòa và Huế trở thành thành phố bình lặng nhất tại miền Trung.

Trong khi cuộc chiến tranh xâm lăng miền nam của cộng sản Hà Nội lên cao điểm với sự uy hiếp của quân đội cộng sản tại miền giới tuyến và Khe Sanh, Huế vẫn là một thành phố an bình với sông Hương, núi Ngự và sinh hoạt văn hoá sinh động của đại học Huế và trường Quốc Học.

Không ai có thể tưởng tượng thảm cảnh giết chóc sẽ xẩy ra khi tướng Võ Nguyên Giáp đặt Huế trong vòng nhắm trả thù cha khi ông hoạch định kế hoạch tổng tấn công. Kết quả là 3000 người bị giết do một chế độ bất nhân tròng tréo với oan nghiệt của lịch sử.

Nếu việc tra tấn đưa đến cái chết của thân phụ của Giáp là một vết nhơ trong lịch sử xâm lăng của nước Pháp thì vụ trả thù trong vụ Mậu thân cũng là một tội ác không dễ xóa nhòa trong lịch sử Việt Nam.

Trần Bình Nam
Dec. 1, 2011
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

© Đàn Chim Việt

 

19 Phản hồi cho “Nhân Tết Nhâm Thìn, nhớ lại Hai mươi sáu ngày tang thương của Huế”

  1. quang phan says:

    Tết Mậu Thân 1968 kinh hoàng trong ký ức của Việt tộc. Khoảng trên dưới 6000 người đã bị bè lũ Cộng sản khát máu thảm sát:
    Trong Tết Mậu Thân năm 1968, theo tác giả David T. Zabecki trong quyển “The Vietcong Massacre at Hue” ấn hành năm 1976, thì số hài cốt tìm được do cộng sản Việt Nam đã bắt giết trong 21 ngày chiếm giữ một phần thành phố Huế và chôn tập thể trong các hầm là 2810 người trong tổng số dân ghi mất tích hơn 5000 người!

    Theo sử gia Trần Gia Phụng thì số người tìm được trong 22 mồ chôn tập thể là 2326 xác trong tổng số dân bị giết là 5800 người.

    Theo thiếu tá Liên Thành- phó ty cảnh sát đặc biệt Thừa Thiên, Huế- thì bọn Việt cộng đã giết chết 5327 người và bắt đi mất tích 1200 người.

    Nhà văn Nhã Ca, tác giả cuốn ” Giải Khăn Sô Cho Huế”, là diễn giả trong buổi lễ kỷ niệm Tết Mậu Thân 1968 tháng 2 năm 2008 có kể thêm rằng:

    ” Những thường dân Huế bị Cộng quân trói bằng dây điện, dính nhau xếp thành hàng trên hố, một vài người bị đập đầu, cả một dây người đang sống bị đạp xuống hố, đè lên nhau, những đầu nào ngóc lên là bị đập chết bằng cuốc.

    Chính con cháu những người bị chôn gồm toàn những thiếu niên 14, 15 tuổi- học trò trường Nguyễn Du- bị buộc phải đào hố. Rồi bằng súng AK và lưỡi lê, Cộng quân buộc các thiếu niên này phải lấp đất chôn sống cha, anh của họ. Mười mấy em trong đám thiếu niên đó sau này bị giết chết, chỉ có 3 em trốn thoát. Một trong ba thiếu nhiên này tên là Tuấn, năm nay 56 tuổi, đang sống tại Úc”.

  2. Vo Trang says:

    Bài viết của ông Trần Bình Nam chứa rất nhiều chi tiết hành quân và nếu được dẫn chứng thêm tài liệu lịch sữ thì sẽ rất bổ ích.
    Vài ngày(?) sau khi ba tôi bị bắt đi (ngày 21 sau lịch Tết ta), 1 tiểu đoàn(?) TQLC đã hiện diện trong khu Gia Hội, đi vào vườn nhà tôi ở phía sau lưng chùa Diệu Đế và hỏi chúng tôi là có thanh niên nào vẫn còn ở đây thì nên đi theo họ… Tôi còn nhớ quân phục của họ là TQLC chứ không phải BĐQ hay Nhảy Dù. Lực lượng này không thấy trong bài viết của ông Nam hay 1 số tác giả khác. Đã mấy chục năm rồi, tôi không còn nhớ rõ chính xác ngày tháng. Nhưng nếu tôi không lầm thì vào thời điễm đó, quân đội VNCH vẫn chưa thanh toán xong Thành Nội.
    Tôi có chút ngạc nhiên khi ông Nam lên án ông Giáp thật nặng nề trong bài viết này vì cái tình cảm này hoàn toàn trái ngược với những cảm tình ông dành cho ông Giáp trong lần chúc thọ 100 tuổi của ông giáp…
    Những chi tiết buộc tội ông Giáp của ông Nam với tôi không có tính thuyết phục vì quá ít , không mạnh(solid) và không được chứng minh bằng những văn kiện chính thức(?). Nhưng những vụ tàn sát tập thể của CSVN là cả 1 chính sách khủng bố và cũng đã xãy ra tại Thừa Thiên vào năm 1947. Trước khi rút đi vì có tin Pháp sẽ trở lại, CSVN cũng đã cho thi hành 1 cuộc tàn sát như thế. Hầu hết nạn nhân đều bị chặt bằng mã tấu. Người dân Huế và Thừa Thiên từ trung niên trở lên đều ít nhiều biết chuyện này, nhất là những gia đình của nạn nhân. Cho nên qui trách nhiệm cho kẽ thừa hành, cho 1 số cá nhân đã chết hay đang chết là chạy tội cho đãng CSVN?
    Một trong những thất bại trong trận Mậu Thân của CS theo tôi là khi rút đi, họ phải đem theo những lực lượng nằm vùng mà họ đã gài trong nhiều năm vì khi chiếm được thành phố những thành phần này đã hồ hởi lộ diện… Là người đã sống và lớn lên tại Huế, tôi cảm nhận được tình cảm của người dân đối với chính quyền VNCH. Nếu trong những năm 1965, 1966 họ có hoài nghi, lảo đảo vì những xuyên tạc thì sau biến cố Mậu Thân, CS đã mất hẵn ủng hộ của người dân chất phát. Những diễn biến tiếp theo đó như là “Mùa Hè Đỏ Lữa 1972” và trận tổng tấn công 1975 của CS cho thấy toàn thể dân chúng đã bỏ tất cả để trốn chạy… Thua cả quân sự và nhân tâm, đó là thời điễm tốt để miền Nam quật khởi. Chỉ tiếc là họ bị bó tay vì Mỹ đã quyết định rút lui…
    Có 1 chi tiết tôi mong quí vị có kiến thức có thể làm sáng tỏ đó là vai trò của Ông Giáp trong công cuộc “giải phóng” miền Nam. Có luận cứ cho rằng chính ông Giáp là người đã không quả quyết trong quyết định tổng tấn công nên mất dần ảnh hưởng trong BCT của CSVN. Và khi mà CS chứng minh được họ đã toàn thắng thì vai trò của ông Giáp coi như đã hết. Trong thật tế, ông Giáp mất hết quyền lực và ảnh hưởng, thậm chí còn bị làm nhục ?

    • Xóm Mới says:

      Đúng là như bác Vo Trang nói. TQLC VNCH có đánh trận Mậu Thân ở Huế. Trong trang tqlcvn dot org có bài “Tiểu Đoàn 1 TQLC – Huế, Tôi và Mậu Thân” của ông Nguyễn Văn Phán. Ông Phán cũng là người Huế.

    • McKeno says:

      Tóm tắc trận Mậu Thân ở Huế:

      Cuộc tấn công Huế chính thức vào đêm mồng Một, ngày 31 tháng Một 1968, rạng sáng Mồng hai Tết, lúc 2 giờ 33 phút. Những quả đạn Việt Cộng đầu tiên bắn vào phi trường Tây Lộc, bộ Tư Lệnh và một số địa điểm Quận 3, thị xã Huế.

      Ngày mồng 2 tết, cộng sản đã chiếm Đại Nội, chợ Ðông Ba, Gia Hội, khu chùa Từ Ðàm, Phú Cam, Bến Ngự và các miền lân cận. Tuy nhiên, Cộng Sản không chiếm được đồn Mang Cá, là bản doanh của bộ Tư lệnh sư đoàn 1, cơ quan MACV, bộ chỉ huy tiểu khu Thừa Thiên, đài phát thanh, trường Kiểu mẫu và cầu tàu Hải quân.

      Ngày hôm sau, chiến đoàn 1 dù gồm hai tiểu đoàn 2 và 7 cùng chi đoàn 3/7 Thiết kị đã từ phía bắc tiến vào giải tỏa Huế. Chiều mồng 4 tết ( 2-2-68), tiểu đoàn 9 dù được trực thăng vận từ Quảng trị tăng cường chiến đoàn 1 dù. Ðến ngày 12-2, chiến đoàn A Thủy quân lục chiến thay thế chiến đoàn 1 dù.

      Quân đội Mỹ từ Phú Bài đã vào Huế tiếp viện cho trụ sở MACV.. Ngày 19-2, chiến dịch Sóng Thần của quân lực VNCH và Ðồng Minh bắt đầu. Quân cộng sản cố thủ thành nội. Ngày 22-2, quân ta tăng cường tiểu đoàn 21 và 39 Biệt động quân. Ngày 25-2, cộng quân đã im tiếng súng khi Biệt động quân chiếm khu Gia Hội…

      Bạn có thể thấy hình BĐQ tại phút thứ 07:50 trong clip: [ENG] Vietnam: The Ten Thousand Day War Ep7_Pt3/5 Sau 75, Trung tá Võ Vàng tiểu đoàn trưởng 21 BĐQ đã bị VC bắn chết trong trại tù cải tạo Kỳ Sơn. Mời xem thêm chi tiết trận Mậu Thân tại:
      http://nhaydu.com/index_83hg_files/left_files/TetMauThan.htm

      Trên mạng Internet có rất nhiều tài liệu nói về tết Mậu Thân ở Huế. Tuy nhiên, lịch sử lại có thêm một tài liệu khác về trận Mậu Thân ở Huế tại: http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_M%E1%BA%ADu_Th%C3%A2n_t%E1%BA%A1i_Hu%E1%BA%BF. Trong website này nói hơi khác đi một tí là không hề có vụ thảm sát nào cả, mà là:
      “Trận Mậu Thân tại Huế
      … Để tiêu diệt quân Giải phóng trong đô thị, quân Mỹ dùng pháo hạm và máy bay ném bom bắn phá suốt ngày đêm. Các loại vũ khí có sức sát thương hàng loạt như pháo không giật 107mm bắn đạn tạo mưa đinh, bom napan, đạn pháo tăng, súng phun lửa… được sử dụng tối đa. Bên cạnh việc giúp nhanh chóng tiêu diệt đối phương, những vũ khí này cũng gây tác hại rất lớn cho dân thường. Theo thống kê, sau 25 ngày chiến sự, 80% nhà cửa ở Huế đã bị bom đạn Mỹ phá hủy, hàng ngàn thường dân cũng chết trong các cuộc giao tranh.[7]. Theo tài liệu của Quân Giải phóng, họ đã phải chôn cất hàng ngàn dân thường trong các hố chôn tập thể cùng binh sĩ của họ…”

      Tin ai, bỏ ai… là tùy theo óc suy xét của mỗi người.

      • Vo Trang says:

        Cám ơn ong Mckeno đã cho cái link đến wikipedia. Tôi có vào và có thấy những người viết cũng có nêu vấn đề thãm sát tập thể nhưng có vẽ tránh né(?) thủ phạm của những thãm kịch như thế này? Tôi muốn nhân đây lưu ý cái gía trị của wikipedia mà nhiều người đã gọi nó là tự điển bách khoa, toàn khoa… Dĩ nhiên đây là 1 nơi lưu trữ tài liệu rất tốt nhưng nó không phải là sở hữu chủ của ai cả. Vì thế, tôi ước mong các sữ gia, các nhân chứng và những ai có kiến thức chính xác vơí các sự kiện nêu ở đây để chút thời giờ kiễm chứng và mạnh dạn sữa chữa nếu thấy có vấn đề vì con cháu của chúng ta có thể sẽ dùng những tài liệu này để nghiên cứu và học hỏi.

  3. Timsuthat says:

    Cám ơn tác giả đã viết rất chi tiết, đầy đủ, cũng như đóng góp của các độc giả khác về những dữ kiện cá nhân, giúp cho mọi người rõ ràng hơn về biến cố này.

  4. quang phan says:

    Về bài viết của bà Nguyễn Thị Thái Hoà

    Mất 4 người thân và 1 một người bạn chỉ trong một thời gian ngắn có vài ngày đã là nỗi đau đớn tột cùng tới tận mây xanh rồi, thế mà phải chứng kiến họ bị hạ sát từng người một ngay trước mắt mình thì quả thực không còn thứ ngôn ngữ nào trên trái đất này có thể diễn tả nổi nỗi đau đớn này.
    Những nhóm Hồi Giáo cực đoan hiện nay mà báo chí Hoa kỳ mô tả là dã man, tàn bạo- như bin Laden, ở Iraq và Afghanistan- chúng cũng không ra tay giết đồng bào hay kẻ thù của chúng một cách lạnh lùng, man rợ như bè lũ Cộng sản Việt Nam này. Mà câu chuyện vô cùng thương tâm của bà Nguyễn Thị Thái Hoà chỉ mới xảy ra cách nay hơn 40 năm thôi, chứ không xa lắc xa lơ đâu.
    Con số có hơn 6000 nạn nhân được ghi nhận ở Huế trong Tết Mậu Thân trên bảng thống kê về tội ác diệt chủng Việt của bè đảng Cộng sản Việt Nam chỉ vỏn vẹn là con số. Nhưng khi đi vào chi tiết về cái chết của mỗi nạn nhân và nỗi đau đớn của những thân nhân còn ở lại thì bao nhiêu giấy mực cho đủ để viết kể lại.
    Có người nói ” Làm người đã khổ, mà làm người Việt Nam còn khổ hơn”, quả thực không sai.
    Xin được chia buồn ( tuy muộn) cùng bà Nguyễn Thị Thái Hoà. Và cám ơn bạn Nguyễn Thị Đoan Trinh đã chia xẻ bài viết này.
    Và cũng hy vọng rằng những kẻ hô hào ” hãy xoá bỏ hận thù, hoà giải, hoà hợp” với bè đảng Cộng sản khát máu có dịp được đọc bài này.

  5. Dâm Tiên says:

    Cụ Hồ láu cá thiệt. Tĩnh từ “láu cá” chính ông Hồ hay dùng.

    Bà nó, Hồ ăn ý với họ Kiss, mần thơ ra lệnh tống tấn công
    tổng nổi dậy toàn Miền Nam, nhằm làm suy yếu cã hai bên
    VNCH cũng như MTGPMN , làm bàn cho tụi CS Bắc Việt
    ăn thắng sau này, 1975.

    Già Hồ và tụi Bắc Việt láu cá đểu giả thiệt, giật dây cho
    tụi MTGPMN phạm bao nhiêu tội ác, mất uy tín tí ti, và
    bị BV giải tán sau này. Gìa Hồ…láu cá thiệt sự. ĐM!
    Có bàn tay ” cố vấn” chỉ đạo, nhá. Ai cố vấn, hè ?

  6. NGUYỄN THỊ ĐOAN TRINH
    Ủy Ban Truy Tố Tội Ác Cộng Sản Việt Nam
    Thừa ủy nhiệm UBTTTACS, chúng tôi xin gởi đến đồng bào Việt Nam khắp thế giới nguyên văn lời khai của một nạn nhân vụ Mậu Thân, bà Nguyễn Thị Thái Hòa, nguyên sinh viên trường Cán Sự Điều Dưỡng Huế, trước ngụ tại đường Hàm Nghi quận 3, thị xã Huế
    Nhân Chứng, Nạn Nhân
    Tội Ác Việt Gian Cộng Sản Tết Mậu Thân 68.
    Kính thưa Ông Liên Thành,
    Tôi xin tường thuật lại chi tiết những cái chết đau thương của ông nội tôi, ba người anh, cùng một người bạn của họ, như là một nhân chứng còn sống sót sau tết Mậu Thân như là tiếng kêu oan cho gia đình tôi, cho linh hồn của những người thân trong gia đình, gia tộc tôi cách riêng, và cho những người dân Huế nói chung, thay cho tất cã những ai bị sát hại trong tết Mậu Thân 1968 bây giờ còn kẹt lại VN không có cơ hội để nói lên những oan khiên mà họ đã gánh chịu bởi Đãng Việt Gian Cộng Sãn, và bè lũ tay sai khát máu giết hại dân lành vô tội như anh em Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Thị Đoan Trinh v.v…
    Thưa Ông,
    Năm 1968, tôi đang là sinh viên năm thứ nhất trường Cán Sự Điều Dưỡng Huế. Ngoài những giờ học lý thuyết chung tại trường, bọn sinh viên chúng tôi được chia thành nhiều toán. Mỗi toán từ 8- đến 10 người, luân phiên thực tập ở các trại bệnh trong BV Trung Ương Huế.
    Có những trại bệnh sinh viên thực tập theo giờ hành chánh. Có một vài nơi, như phòng cấp cứu, phòng bệnh nội thương … thì giờ thực tập được chia làm ba ca, sáng, chiều và đêm … Ca sáng từ 7giờ đến 2 giờ chiều, ca chiều từ 2 giờ đến 9 giờ tối, và ca đêm từ 9 giờ tối cho đến 7giờ sáng hôm sau.
    Mỗi một nơi chúng tôi được thực tập từ 2 đến 3 tuần lễ.
    Hai tuần trước tết, toán của tôi được chia phiên thực tập ở phòng cấp cứu. Ngày mồng hai , tôi và hai anh bạn vào ca đêm.
    Tết năm nay ba tôi bận đi hành quân xa không về kịp ăn tết.
    Thường thì mấy anh em tôi năm nào cũng vậy, đều phải về nhà ông bà nội từ trước ngày 30 tết, ở luôn cho hết ngày mồng một, rồi sau đó mới được tự do đi chơi, thăm viếng bạn bè…
    Sau bữa cơm tối mồng một tết, khoảng 8 giờ 30 Anh hai lấy xe Honda của anh đưa tôi tới BV, và nói sáng mai anh sẽ đến đón.
    Tối mồng một tết phòng cấp cứu hơi vắng, chúng tôi, mấy anh sinh viên y khoa và hai người nhân viên phòng cấp cứu nói đùa với nhau rằng hôm nay tụi mình… hên! Chúng tôi mang một ít mứt bánh ra vừa ăn vừa nói chuyện, vừa thay nhau thăm chừng những bệnh nhân mới nhập viện từ đêm qua chưa được chuyển trại.
    Nhưng qua nữa đêm thì bắt đầu nghe có tiếng súng . Tiếng súng lớn, nhỏ, từ xa rồi mỗi lúc một gần. Chúng tôi thốt giựt mình, băn khoăn nhìn nhau, hoang mang lo sợ. Bầu không khí bắt đầu căng thẳng, mấy anh sinh viên y khoa thì nghe ngóng bàn tán, thắc mắc không biết tiếng súng từ đâu vọng lại…
    Lúc đầu chúng tôi tưởng là thành phố Huế và BV bị pháo kích, nhưng không ngờ, chừng 3, 4 giờ sáng, bất thần không biết tứ ngỏ ngách nào có chừng mười mấy người tràn vào phòng cấp cứu, họ xưng chúng tôi là quân giải phóng. Đa số mặc áo quần đen, súng mang vai , bị rết ngang hông. Họ bắt tất cã chúng tôi băng bó cho một số người bị thương, đồng thời hò hét chia nhau lục soát, vơ vét, và lấy đi một số thuốc men, bông băng, dụng cụ y khoa v.v… Họ lấy sạch không chừa lại một món nào, kể cã những bánh mứt chúng tôi để trong phòng trực.
    Trong lúc bọn họ đang tranh nhau lục lọi, thì ầm một cái, một tiếng nỗ rớt rất gần, đâu đó trong BV, rồi tiếng thứ hai, thứ ba…rớt ngay con đường phía trước cổng chính BV, kề phòng cấp cứu… Điện trong phòng cấp cứu vụt tắt. Thừa lúc bọn chúng nhốn nháo kéo nhau đi, chúng tôi mạnh ai nấy tìm đường chạy thoát thân.
    Ra khỏi phòng cấp cứu tôi cắm đầu chạy, tôi không định hướng được là mình đang chạy đi đâu. Súng nỗ tư bề, cứ nằm xuống trốn đạn , rồi đứng lên chạy, cứ thế mà chạy. Chạy bất kể tả hữu. Cho tới khi tôi đâm sầm vào một người , định thần ngó lại mới biết đó là cha Trung, tuyên úy của BV. Cha từ phía một trại bệnh nào đó tình cờ chạy về phía tôi. Nét mặt cha cũng thất thần, đầy vẻ lo âu, nhận ra tôi, cha hỏi “ con ở mô chạy lại đây?” Tôi nói “ từ phòng cấp cứu”. Vừa nói vừa theo cha, chạy về phía nhà nguyện của BV và cũng là chổ ở thường ngày của cha. Đến đó thì đã có hai bà xơ dòng áo trắng và vài người nữa không biết từ trại bệnh nào cũng chạy lại đây. Tôi nhận ra trong số đó có xơ giám thị suốt trong sáu năm tôi nội trú tại trường trung học Jeane d’ Arc.
    Cha Trung quen biết ông nội và ba mạ tôi, thỉnh thoảng ngài có ghé đến thăm ông nội nhà ở đường Hàm Nghi, nên ngài biết tôi. Không biết chạy đi đâu nữa tôi ở lại đó với cha hai bà xơ, và mấy người nữa.
    Bốn năm ngàyliền chúng tôi chui rúc trong nhà nguyện, không dám chạy ra ngoài và cũng không liên lạc được với một ai từ những trại bệnh khác. Súng nỗ tư bề nên ai ở thì cứ đâu ở đó.
    Sau khi đám người xưng là “quân giải phóng” ở Cấp Cứu kéo nhau đi chúng tôi không gặp, không thấy bọn VC nào nữa, hay chúng đang lẫn trốn trong những trại bệnh khác thì tôi không biết.
    Tới ngày thứ năm, ruột gan như lửa đốt, không biết ông bà nội, mạ và mấy anh em tôi trên đường Hàm Nghi ra sao. Tôi nói với cha Trung, cha ơi con muốn muốn về nhà. Cha bảo, không được, súng đạn tư bề, nguy hiểm lắm, cứ ở đây với cha và mấy xơ đi đã, khi mô có lính mình xuất hiện thì mới đi được.Tôi hỏi, khi mô thì lính mình mới tới, cha nói không sớm thì muộn họ cũng sẽ phản công thôi, cha nói như để trấn an tôi và mọi người thôi chứ trên mặt cha thì vẫn đầy vẻ lo âu…
    Không biết nghe tin từ đâu mà một người trong nhóm nói người ta chạy vô ở trong nhà thờ Phủ Cam đông lắm. Tôi nghe càng nóng lòng muốn chạy về nhà. Muốn đi phần vì sốt ruột muốn gặp mạ với mấy anh em tôi , phần vì đói. Đã mấy ngày không có gì ăn ngoài mấy ổ bánh mì cứng còng của Caritas còn sót lại ở nhà nguyện chúng tôi chia nhau gặm…cầm hơi!
    Tôi quyết định chạy về tìm gia đình .Tôi liều. Trên người tôi chỉ có bộ đồ đồng phục dính đầy máu , tôi chạy ra phía sau cổng BV, tìm đường về nhà. Vừa chạy vừa lo, ngó tới, ngó lui không một bóng người, nhưng tiếng súng thì nghe rất gần. Không biết mấy lần vấp, tôi té xuống. Té rồi lồm cồm bò dậy, vài bước lại vấp té. Tôi lạnh run , hai hàm răng đánh bò cạp, nhìn cảnh tượng xác người nằm đây đó, máu me đóng vũng, Không biết họ bị thương đâu đó ở bên ngoài chạy vào gục chết ở đây. Quá sợ hải, tôi định chạy trở lại nhà nguyện thì bất thần thấy anh Văn hớt ha hớt hải từ cổng sau BV chạy vô.
    Văn là bạn của anh Hải, anh kế tôi, hai người cùng học ở Văn Khoa. Nhà Văn ở miệt trên, gần dòng Thiên An. Mặt mày Văn xanh xao , hai mắt thất thần, trủm lơ, gặp tôi Văn lắp bắp, nói không ra hơi. Ti ơi thằng Hải bị bắn chết rồi. Hắn bị bắn ở bên Văn Khoa. Toàn thân run rẫy, tôi khuỵu xuống .Văn đỡ tôi đứng lên. Lại có tiếng nổ rất gấn. Văn hoảng hốt kéo tôi chạy lại ngồi xuống bên trong bức tường sát cánh cổng sau BV. Hai đứa tôi run rẫy ngồi sát vào nhau.Lát sau, tiếng được tiếng mất, anh lắp bắp kể. Văn nói mấy đêm rồi Văn với mấy người anh của tôi trốn đạn trong nhà thờ Chánh Tòa, { nhà thờ Phủ Cam } nhưng rồi đêm qua có mấy sinh viên của mình dắt một toán VC vô nhà thờ đọc một lô danh sách, họ lùa người đi đông lắm, không biết họ đưa đi đâu.Văn kể một hơi mấy tên “sinh viên của mình” nhưng bây giờ tôi không còn nhớ nổi.
    Khi đám người bị lùa đi, thân nhân của họ khóc la thảm thiết.
    Sau đóVăn, anh Hải cùng mấy người bạn rủ nhau trốn ra khỏi nhà thờ và mạnh ai nấy tìm đường trốn.
    Ra khỏi nhà thờ, không biết trốn chui, trốn nhủi, chạy quanh, chạy co, làm sao mà Văn với anh Hải lại tới được trường y khoa. Anh Lộc, anh Kính đi lạc hướng nào không biết. Hai anh hè nhau chui vô phòng thí nghiêm trốn thì thấy có vài người đã bị bắn chết từ bao giờ mà những vũng máu đọng dưới họ còn tươi lắm. Văn, anh Hải hoảng hồn chạy trở ra. Chưa ra khỏi cửa thì gặp Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn thị Đoan Trinh cùng mấy sinh viên khác nữa Văn không biết tên, chỉ biết họ đồng bọn với HPNP. Văn biết mặt Phan là vì Văn có người anh học y khoa cùng lớp với Phan.
    Gặp Văn, Phan nạt nộ, tụi mi chạy trốn đi mô? Khôn hồn thì chạy qua bên Văn Khoa tập trung ở đó để đi tải thương! Hải và Văn biết không thể nào thoát khỏi sự kiểm soát của bọn HPNP nên vội vàng chạy bộ xuống Văn Khoa, hy vọng bị bắt đi tải thương chứ không bị giết.
    Bọn Trinh , Phan chạy xe Honda nên họ tới trước, và cũng đã bắn trước một số người khác rồi. Hải ,Văn không biết nên lúc thúc chạy đến. Anh Hải chạy vô trước, nghĩ là sẽ gặp được một số bạn bè khác, cùng đi tải thương với nhau như lời HPNP nói.
    Vừa vô tới giảng đường thì anh Hải bị HPNP bắn gục ngay. Văn mắc đi cầu, tìm chổ phóng uế nên chạy vô sau anh Hải. Mới tới cửa thì nghe tiến súng , tiếng hét của anh Hải, Văn quay đầu bỏ chạy. Chưa kịp rượt theo Văn thì bỗng ầm, một tiếng nổ đâu đó, trong sân trường đại học, khiến HPNP và đồng bọn hoảng hốt leo lên xe Honda tháo chạy. Văn thoát chết, chạy như điên, như khùng, chạy vô BV, và tình cờ gặp tôi trong đó.
    Nghe anh Hải bị bắn trong sân đại học Văn khoa, tôi bỏ ý định về nhà, tôi muốn chạy qua Văn khoa tìm anh tôi, hy vọng anh chưa chết, tôi nghĩ sẽ tìm cách đưa anh vô Bv cấp cứu. Tôi khóc nói với Văn, em tới chổ anh Hải. Văn can, Ti đừng đi, tụi nó có thể trở lại. Tôi mặc kệ Văn ngồi đó, vùa khóc vừa chạy.Một lát nghe tiếng chân Văn sau lưng, miệng thì nói, Ti ơi, vô BV trốn đi, Hải nó chết thiệt rồi, mà chân vẫn bước theo tôi.Tôi như người mất hồn, vừa đi, vừa chạy, vừa khóc. Trời ơi, thật là khủng khiếp, chỉ một đoạn đường từ cổng sau BV tới sân trường VK mà không biết bao nhiêu là xác người, áo quần vung vãi khắp nơi.
    Chúng tôi chạy mới tới trường trung học Jeane d’Arc, thì gặp bọn HPNP lấp ló trước cổng trường với một nhóm bộ đội Bắc Việt.Người nào mặt mày đằng đằng sát khí. Gặp lại Phan, Văn run rẩy, Phan chưa kịp nói thì Văn đã lắp bắp phân trần , em qua BV kiếm con Ti chớ em không có trốn mô, và xin xỏ , anh cho em với con Ti đem xác thằng Hải về nhà rồi em trở lại đi… tải thương !
    Phan không trả lời Văn, hắn nhìn tôi ác độc, mi về nhà kêu thằng Lộc, thằng Kính xuống đây mà đem thằng Hải về. Tôi líu lưỡi, em không biết hai anh em ở mô mà kêu. Trước đây tôi không hề biết mặt HPNP, mà cũng chưa hề nghe nói tới tên người này vì trước năm 68 tôi còn là học sinh trung học.Có thể các người anh của tôi thì biết, vì họ là những lớp sinh viên đàn anh, đã từng qua những khó khăn đối đầu với đám sinh viên theo phe “ tranh dấu, lên đường xuống đường” của những năm trước.
    HPNP to nhỏ gì với những người đồng bọn rồi quay lại ra lệnh cho tôi với anh Văn đem xác anh Hải về nhà. Chưa biết nghĩ cách nào để đem xác anh Hải về thìVăn thấy một chiếc xích lô của ai bị bể bánh xe sau, nằm chơ vơ cạnh vách tường trường Jeane d’Arc.
    Văn gọi tôi theo anh. Chúng tôi đẩy chiếc xích lô sứt cọng gẫy càng về phía Văn khoa. Có chừng 10 xác người trong đó. Tôi không dám nhìn lâu. Chúng tôi hè hụi khiêng Hải bỏ lên xích lô. Xác anh đã cứng. Đùm ruột lòi ra ngoài trông rất khủng khiếp. Hai mắt vẫn còn mở trừng. Miệng vẫn còn há ra.
    HPNP vừa đánh anh Văn bằng báng súng vừa chửi. Chuyến ni mi trốn nữa , mi gặp lại tau là mi chết! Văn run rẫy lắp bắp, dạ lạy anh, em không dám nữa mô. Rồi chúng tôi hè hụi đẩy chiếc xích lô mang xác người anh xấu số của tôi nhắm hướng cầu Kho Rèn đi lên. Nhà tôi ở trên đường Hàm Nghi. Qua khỏi cầu một chút. Suốt quảng đường từ đó về đến nhà, có rất nhiều đám lính bộ đội Bắc Việt đứng tụm năm, tụm ba. Chúng tôi không bị bắt giữ lại vì có HPNP chạy đi trước ra dấu cho họ để cho chúng tôi đi.
    Khúc đường ngang trường Thiên Hựu cũng có rất nhiều xác người nằm rải rác. Nhiều vũng máu cũng như xác người bị ruồi bu đen. Đã mấy ngày không có gì trong bụng,tôi vừa đi vừa ói khan. Văn cũng vậy. Chúng tôi rán sức đẩy chíếc xích lô, trong lúc HPNP cùng hai người đàn bà nữa cứ chạy xe đảo tới, đảo lui hối chúng tôi mau lên. Tôi nghe chúng nó hỏi nhau, bên Lý Thường Kiệt , Nguyễn Huệ còn ai nữa không? Có mấy chiếc xe Honda chở gạo, bánh tét, đã tịch thu của nhà ai đó chạy thẳng vô trường Thiên Hựu.
    Lúc đó bỗng dưng có mấy chiếc trực thăng xuất hiện trên trời nhã đạn xuống,Văn nói như reo bên tai tôi, Ti ơi, máy bay của mình. Mừng chưa kịp no, thì trời ơi, từ những cửa sổ trên lầu của trường Thiên Hựu những họng súng lớn nhỏ nhả đạn, nhắm hai chiếc trực thăng mà bắn, lúc đó chúng tôi mới biết là VC đang ở trong trường Thiên Hựu quá nhiều. Hoảng hồn tôi, Văn chạy lại nồi sụp xuống bên tường rào của trường tránh đạn. Phan và đồng bọn biến đâu mất. Tụi nó như ma, khi ẩn, khi hiện. Nhưng chỉ được một lát, hai chiếc trực thang bay đâu mất. Chúng tôi thất vọng, khi thấy Phan với đồng bọn xuất hiện hối chúng tôi đi.

    Lên tới cầu Kho Rèn, thấy một đám người, đàn ông, đàn bà, con nít bị bắt trói chung với nhau ngồi trên đầu cầu. Họ ngồi gục đầu xuống hai đầu gối. Tiếng con nít khóc, tiếng mấy bà mẹ dỗ con, nín đi con ơi. Đi ngang qua họ mà chúng tôi không dám nhìn. Có tiếng người trong đám gọi tôi Ti ơi, quay lại tôi nhận ra chị giúp việc của mẹ tôi và vợ của một chú cùng đơn vị với ba tôi ở tiểu đoàn 12 Pháo Binh Phú Bài. Tôi đoán họ là những người từ trên Phủ Cam, chung quanh cầu Kho Rèn , Hàm Nghi và những con đường chung quanh đó chạy xuống tìm đường trốn lên Phú Lương thì bị bắt giữ.
    Tôi định dừng lại hỏi thăm thì HPNP trờ xe tới nạt nộ “ đi, mau ngó chi!”
    Trên đoạn đường từ Văn Khoa ngang qua trường Thiên Hựu, cầu Kho Rèn, lên tới nhà nội chúng tôi thấy nhiều người bị trói dính chùm vào với nhau đi trước mấy người mặc đồ đen đi dép râu, mang súng.
    Súng nỗ tư bề mà sao không thấy bóng dáng lính mình ở đâu cã.Chỉ thấy lính bộ dội Bắc Việt khắp nơi.
    Trên đường Hàm Nghi, Nguyễn thị Đoan Trinh chạy ngang nhà nào mà y thị gật đầu là y như rằng trong nhà đó có người bị bắt đem ra, người thì bị bắn tại trước nhà, người thì bị dắt đi, mấy ông bà cụ trong nhà chạy theo nằm lăn ra đường khóc la thảm thiết…Bọn lính Bắc thì cứ chửi thề luôn miệng, đéo mẹ câm mồm, ông bắn bỏ mẹ bây giờ…
    Hai chúng tôi cứ nghiến răng, cúi mặt, lầm lủi đẩy chiếc xích lô mang xác Hải đi tới.
    Khi gần tới nhà tôi ở số 24 đường Hàm Nghi thì HPNP và con hồ ly Trinh rà xe lại gần bảo tôi, không được đẩy vô nhà mi. Đẩy lên trên tê!
    Đẩy lên trên tê, tôi hiểu đây là đẩy lên nhà ông bà nội tôi. Cũng trên đường Hàm Nghi nhưng nhà nội tôi ở trên dốc, hướng đi lên Phủ Cam. Nhà ba mạ tôi thì ở gần cầu Kho Rèn.
    Tôi cũng không hề biết mặt Nguyễn thị Đoan Trinh trước đó. Trong hoàn cãnh này tôi mới biết mặt y thị là nhờ anh Văn nói. Tội nghiệp anh Văn, cứ tưỏng khi HPNP biểu cùng tôi đẩy xác anh Hải về là được tha chết. Anh Văn và tôi cũng không ngờ rằng đoạn đường từ Văn Khoa lên tới nhà nội trên đường Hàm Nghi là đoạn đường sau cùng chúng tôi đi chung với nhau trong cuộc đời này.
    Lên tới nhà nội, chúng tôi đẩy Hải vô bên trong hàng rào chè tàu, bỏ Hải ngoài sân tôi với Văn chạy vào nhà , nhà vắng ngắt, đi từ trước ra sau bếp gọi ông ơi, mệ ơi. Nghe tiếng ông nội yếu ớt từ trong buồng vọng ra, ai đó, đứa mô đó? Con đây, ông nội. Nghe tiếng tôi, ông tôi hấp tấp chạy ra, bước chân xiêu xiêu, ông tôi chạy lại ôm tôi, ông khóc, ông nói, lạy Chúa lạy Mẹ cháu tui con sống. Tôi không khóc được, tôi run rẫy trong tay ông nội. Ông tưởng tôi sợ nên an ủi, con còn sống mà về được đây là phúc lắm rồi, ở đây với ông nội, không can chi mô! Nghe nói mạ mi đưa ba thằng em mi chạy lên Phú Lương rồi, không biết đi tới mô rồi, có thoát được không ? Lạy Chúa , lạy Mẹ phù hộ.
    Tôi không nói vì quá mệt, kéo tay ông nội ra ngoài, thấy Văn ngồi bệt dưới nền nhà, ông hỏi, đứa mô giống thằng Văn rứa bây? Văn òa khóc, tôi khóc theo, kéo ông nội ra sân. Nhìn thấy xác Hải ông nội tôi khuỵu xuống, miệng thì kêu trời ơi, trời ơi, răng mà ra nông nổi ni…
    Chúng tôi đem Hải vào nhà, đặt anh trên divan. Ông nội lấy mền đắp lên xác Hải.
    Hai người anh tôi đang trốn trên trần nhà đòi xuống nhìn mặt Hải. Ông nội không cho. Anh Lộc giở nắp trần nhà sát góc tường, thò đầu xuống vừa khóc vừa nói, Ti, đẩy cái ghế đẩu qua cho anh. Tôi nghe lời ra đằng sau bếp lấy cái ghế đẩu mang lên để ngay góc phòng cho anh Lộc nhẩy xuống. Ông nội ngó lên, quơ quơ hai tay, giọng ông lạc đi, đừng xuống, ông nội lạy con, đừng xuống, ở trên đó đi mà… Anh Kính đang ở trên đó, cũng đang khóc. Lộc chưa kịp nhẩy xuống thì nghe tiếng nói, tiếng chân người ngoài sân. Anh vội vàng đóng miếng ván lại thì bọn HPNP cũng vừa vào đến.
    Thấy Phan bước vô, mặt Văn biến sắc, anh lắp bắp nói với ông nội, anh Phan cho tụi con đem xác về đó ông ơi.Ông nội đứng im không nói.Hai mắt cú vọ của nó ngó ông nội hỏi , thằng Lộc, thằng Kính ở mô? Ông nội nói tui không biết. Phan gằn giọng, ông thiệt không biết tụi hắn ở mô? Tụi hắn năm mô cũng về ăn tết ở đây mà ông không biết răng được? Ông nội nói, ba ngày tư ngày tết, ăn xong thì tụi hắn đi chơi, đi thăm bà con họ hàng chứ chẳng lẻ ở nhà hoài răng? Chừ thì tui biêt tụi hắn ở nhà mô mà chỉ!
    Mắt Phan ngó láo liên khắp nơi, chợt thấy cái ghế đẩu ngay góc phòng, nó cười khan một tiếng.
    Tôi đứng núp sau lưng ông nội, HPNP hung hăng bước tới, xô ông nội qua một bên, nó nắm lấy tóc tôi kéo tôi ra về phía hắn. Ngó lên trần nhà la lớn, Lộc, Kính, Hiệp, tụi mày không xuống tau bắn con Ti!
    Nó vừa nói, vừa xoáy mái tóc dài của tôi trong tay, nó đẩy tới, đẩy lui. Tôi đau điếng, tôi sợ, tôi run lẩy bẩy, nước mắt ứa ra nhưng không dám la thành tiếng. Ông nội tôi chấp tay lạy nó như tế sao, tui lạy anh tha cháu tui, con gái con lứa, hắn biết chi mô.
    Thằng Phan càng la lớn, tau biết tụi mi trên đó, có xuống không thì nói, tau bắn con Ti. Phan xô tôi té xuống, lấy chân đạp lên lưng. Chĩa mũi súng lên đầu tôi hô một, hai,ba… Lập tức anh Lộc mở nắp trần nhà thò đầu xuống la to, đừng, đừng bắn em tau, tau xuống, để tau xuống…
    Ông nội tôi chạy lại giữ cái ghế cho anh bước xuống, hai chân ông run, ông té sấp, đang lúc Anh Lộc tìm cách tuột xuống,thò hai chân xuống trước,hai tay còn vịn trần nhà, khi đôi chân vừa chạm chiếc ghế đẩu thì HPNP đã nỗ súng, đạn trúng ngay chính giửa cổ, máuphọt ra, Lộc lăn xuống sàn nhà toàn thân anh dẫy dụa mấy cái rồi nằm im.
    Mặc ông nội tôi la hét thất thanh, Phan chĩa súng bắn lên trần nhà, nghe tiếng anh Kính lăn tới đâu, nó bắn tới đó, bắn nát trần nhà, hết đạn nó dành lấy cây súng của một thằng khác bắn tiếp, cho tới khi anh Kính tôi rớt xuống theo mấy miếng ván. Anh Văn ngồi bệt xuống đất, nhắm mắt, bịt tai, run lẫy bẩy, ngồi kề bên cạnh anh người tôi tê cóng, đái ỉa ra cã quần, ông nội tôi nhào tới ôm anh Kính, hai mắt trợn trừng, anh đang thều thào những lời sau cùng, ông khóc, ông chửi rủa thằng Phan, nó say máu, bắn luôn ông nội tôi. Ông tôi đỗ xuống bên cạnh anh Kính.
    Bắn ông tôi xong chúng kéo nhau đi bắt anh Văn theo.Còn lại một mình, tôi bò lại ôm lấy ông nội, tôi khóc không ra tiếng, tôi thở không ra hơi, hai bàn tay tôi ướt đẩm máu, máu của ông nội tôi, tôi bò sang anh Lộc, bò sang anh Kính, tôi lay, tôi gọi, tôi gào, không ai nghe tôi hết, anh tôi không trả lời tôi , hai con mắt, bốn con mắt, sáu con mắt đều mắt mở trừng, ông nội tôi nằm im, máu trong ngực ông vẫn tuôn ra từng vòi. Tôi gục đầu xuống xác ông lịm đi. Không biết bao lâu thì tôi tỉnh lại, nhưng không ngồi dậy nổi. Cứ nằm ôm lấy xác ông nội. Tóc tôi bết đầy máu, toàn thân tôi, máu, phân và nước tiểu đẩm ướt. Tôi không còn sức đễ ngồi lên. Không biết tôi nằm bên cạnh xác ông tôi với ba người anh như vậy là bao lâu, khi tỉnh dậy thì thấy hai vợ chồng bác Hậu, vài người lối xóm nữa của với ông nội đang ở trong nhà.

    Bắ
    Họ dọn dẹp, khiêng bộ ngựa trong nhà bếp ra trước phòng khách ,đặt xác ông nội cùng với ba người anh tôi nằm chung với nhau. Hai bác gái đem tôi vào phòng tắm, phụ nhau tắm rửa cho tôi như một đứa con nít, bác Hậu lấy áo quần của bác mặc cho tôi.Tâm trí tôi hoàn toàn tê liệt. Tôi không còn khóc được, không còn mở miệng nói được câu nào. Ngày cũng như đêm ngồi rủ rượi bên cạnh xác của ông tôi, các anh tôi. Tôi không còn sợ chết. Nhưng sao tụi nó không giết luôn tôi? Trời hởi, trời ơi!
    Nhìn thấy tôi tiều tụy, mỗi ngày bác Hậu gái khuấy cho tôi vài muổng bộ bích chi ép tôi uống. Thiệt ra nhà nội cũng chẳng còn chi. Gạo cơm, bánh mứt thì bị tụi nó khiêng đi hết rồi. Bác Hâu còn dấu được ít gạo, ít than nấu cháo uống cầm hơi với nhau.
    Ngày hôm sau thằng Phan trở lại. Bác Hâu xin phép được chôn ông tôi và mấy người anh sau vườn nhà nhưng nó không cho, nói cứ để đó.
    Đã hơn bảy ngày, xác đã bắt đầu sình lên và nặng mùi. Mà Phan không trở lại. Một buổi tối tụi bộ đội Bắc Việt đến lục lọi kiếm gạo. Bác Hậu xin chúng nó đào huyệt sau nhà để chôn ông nội và ba người anh tôi. Chúng nó bảo ừ thối quá rồi thì chôn đi, nhưng chỉ được đào một lỗ huyệt.
    Vợ chồng bác Hậu khóc lóc năn nĩ, mấy anh ơi, người chết rồi biết chi, anh cho tụi tui dào 4 huyệt. Chúng không cho. Chúng nó phụ bác Hậu đào huyệt. Bảo đem cã bốn người bỏ xuống chung một lỗ. Lấp lẹ đi, thối quá. Bác Hậu với mấy người trong nhà không ai muốn làm, ngó nhau mà khóc…
    Chiều tối hôm đó Văn trở lại với Phan và mấy thằng bộ đội . Chúng nó bắt Văn phụ với mấy thằng bộ đội khiêng từng người ra bỏ xuống huyệt. Hai vợ chồng bác Hậu theo ra vườn. Tôi kiệt sức nằm vùi một chổ nhưng tai tôi vẫn nghe rỏ những lời đối thoại trong nhà. Tôi không đũ can đãm theo ra vườn chứng kiến cảnh vùi lấp những người thân yêu của tôi. Nằm trong buồn ông bà nội nhưng tôi nghe rỏ từng tiếng cuổng xẻng đang đào đất. Tâm rí tôi quay cuồng, ruột gan tôi đòi đoạn. Trời ở đâu, đất ở đâu ? Tôi gọi ông tôi, gọi anh Lộc, anh Kính, anh Hải, không ai nghe tôi hết…
    Khi bốn cái xác người được bỏ xuống, miệng lỗ chưa được lấp,thì tôi nghe tiếng súng nỗ, tiếng kêu gào của vợ chồng bác Hậu, nhưng không nghe tiếng của Văn. Tiếng bác Hậu kêu Văn ơi, Văn ơi giọng bác đòi đoạn, thì tôi biết chuyện gì đã xẩy ra cho Văn. Toàn thân tôi lẩy bẩy, tôi cảm thấy khó thở, một lần nữa cứt và nước đái trong người tôi túa ra.
    Tôi nghe tiếng mấy thắng bộ đội hò hét bảo lấp đất lại. Bác Hậu Và những người hàng xóm của nội tôi đành phải làm theo. Khi tụi bộ đội VC bỏ đi, bác Hậu chạy vào buồng vò đầu ,bức tai, giọng tức tửởi, thằng Văn nằm chung với ba thằng anh mi rồi con ơi! Trời ơi, là trời ơi, bác Hậu đấm ngực, không biết thằng Văn đã chết chưa mà hắn bắt tui lấp. Văn ơi là Văn ơi, con tha tội cho bác, trời ơi người mô mà ác như rứa… Tôi lặng người,nghe bác Hậu khóc anh Văn.
    Sau lần đó không đứa nào trong bọn chúng trở lại , kễ cã tụi bộ đội. Chắc nhà ông tôi chẳng còn người để mà giết, chẳng còn của cãi chi dễ mà cướp nữa.
    Hơn hai mươi ngày, tôi nằm liệt lào trong nhà nội. Bên ngoài súng đạn vẫn tư bề.
    Hai vợ chồng bác Hậu không nỡ bỏ tôi lại một mình, trong lúc bác nghe ngóng và biết đa số dân Phủ cam đã tìm đường chạy thoát được xuống Phú Lương. Bác năn nĩ tôi rán ăn uống thêm một chút để có sức mà chạy, không lẽ con nằm đây chờ chết? Con không muốn tìm mạ con răng?
    Hôm sau nữa tôi theo gia đình bác Hậu tìm đường chạy lên Phú Lương vì nghe nói lính Mỹ, lính mình đã thấy xuất hiện chung quanh đây rồi. Đi xuống ngã cầu Kho Rèn thì cầu đã bị sập, bác theo đoàn người đi hướng khác, tôi đi theo như người mất hồn, họ đi đâu tôi theo đó, tôi không còn nhớ là mình đã đi qua được những nơi đâu. Có điều tôi lấy làm lạ, trên đường chạy giặc, mỗi khi đạn pháo bắn khắp nơi mà người ta cứ gồng gánh nhau mà đi, không ai chịu dừng lại kiếm chổ tránh đạn, người ta nói với nhau, khi mô mà có mọc chê hay đạn pháo chi đó thì bọnVC chui vô nhà dân để trốn đạn, chúng nó không ra đường để chặn bắt dân lại, vì vậy người ta cứ chạy bất kể , dưới lằn mưa đạn người ta càng chạy đi đông hơn.Ôi những người dân tội nghiệp của xứ Huế thà chết dưới bom đạn còn hơn để bị lọt vô tay quân sát nhân ác độc.
    Cuối cùng thì tôi cũng về đến được Phú Lương gặp mạ và ba đứa em trai của tôi. Quá đau khổ, Mạ tôi bị phát điên khi hay tin cái chết của ba người anh và ông nội. Ít lâu sau ba tôi trở về sau một đợt hành quân nào đó của tiểu đoàn 12 Pháo Binh Phú Bài. Thấy mạ tội như vậy, biết không thể trở lại đường Hàm Nghi ông mướn nhà ở tạm tại Phú Lưong.
    Sau khi Huế được giải thoát. Ba tôi nhờ bà con lối xóm cãi táng Văn, ba người anh, và ông nội tôi, tang lễ được cữ hành tại nhà thờ Phủ Cam do cha Nguyễn Phùng Tuệ chủ tế. Gia đình anh Văn đồng ý cho anh Văn đươc nằm lại trong miếng vườn nhà ông nội tôi cùng với ba người anh của tôi.
    Ba tôi được giải ngủ khoảng giữa năm 69. Mạ tôi vẫn trong cơn điên loạn không thuyên giảm. Ba tôi quyết định bỏ Huế đem hết gia đình vào Long Khánh sinh sống. Nhà nội giao lại nhờ hai bác Hậu coi chừng.Nhà ở 24 Hàm Nghi { gần dường rầy xe lửa } thì bán cho ai đó tôi không rỏ.
    Thưa ông Liên Thành,
    Đó là những cái chết oan khiên của những người ruột thịt thân yêu mà tôi phải chứng kiến tận mắt với muôn ngàn đau dớn. Trong bà con thân tộc nội ngoại hai bên của tôi có rất nhiều người bị bắt đi ở nhà thờ Phủ Cam, một số bị bắt ở nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế. Số người bị chôn sống, mất tích lên tới 70 người. Tất cã đều là học sinh, sinh viên, thường dân, nông dân , buôn bán ở chợ An Cựu.
    Sau Tết Mậu Thân, những người bà con còn lại của tôi quá đau khổ, sợ hãi, họ đã âm thầm bỏ Huế, tãn mác khắp nơi, thay tên đổi họ mà sống…
    Sau biến cố tháng 4 đen 75, gia đình tôi lại là những nạn nhân của lũ Việt Gian Cộng Sãn ác độc, vô luân. Ba tôi và những đứa em trai còn lại cũng đã chết sau mười mấy năm bị đày đọa trong lao tù CS.
    Đã 40 năm qua, những vết thương đó vẫn còn tươi rói trong tôi. Nỗi đau mỗi ngày một đầy. Đó là những cái chết oan khiên trong muôn ngàn cái oan khiên của người dân Huế.
    Tôi là người con duy nhất trong gia đình còn sống sót sau tết Mậu Thân cũng như sau những ngày mất nước. Nay viết lại những cái chết thương tâm của những người Thân Yêu trong Gia đình tôi với tư cách là một nhân chứng và nạn nhân, để tố cáo Tội Ác của Việt Gian Cộng Sãn, có như thế, oan hồn của ông nội và anh em tôi mới có thể siêu thoát
    Tôi sẳn sàng ra làm nhân chứng trước tòa án quốc tế, cũng như xuất hiện trước các phương tiện truyền thông khi cần thiết
    Xin trình ông tên tuổi ông nội tôi, và của ba người anh bị sát hại :
    Tên ông nội : Nguyễn Tín, 70 tuổi.
    Ba người anh : Nguyễn Xuân Kính, sinh viên y khoa, sinh năm 1942.
    Nguyễn Xuân Lộc. sinh viên luật, sinh năm 1946
    Nguyễn Thanh Hải, sinh viên Văn Khoa, sinh năm 1949
    Lê Tuấn Văn, sinh viên Văn Khoa, bạn của anh Hải tôi.
    Địa chỉ hiện tại của tôi :
    Nguyễn thị Thái Hòa
    Reply With Quote

  7. MÁ NUÔI CỦ CHI says:

    MẬU THÂN : BỘ ĐỘI GIẾT,CẮT BỘ PHÂN SINH DỤC CÁC NẠN NHÂN

    Trong hồi ký “THE SOLDIERS’ STORY “,phóng viên Hoa kỳ Ron Steinman kể lại :
    ” Tôi còn nhớ lúc ngang qua các nghiã điạ nơi bộ Bộ miền Bắc giết hàng bầy nguời dân lành . Họ đào hầm , rãi vôi rồi bắn nguời dân quăng xuống… Những hầm (chôn tập thể ) rất khó nhận ra… vài quân Bắc Việt và Việt Cộng đã cắt rời những bộ phận sinh dục cụả họ rồi đánh dấu thi thể những nạn nhân đó (tạm dịch , trang.176 ,THE SOLDIERS’ STORY viềt bỡi Ron Steinman )
    ( Cách làm mất nhân tính này khiến mọi nguời nhớ lại , trong miền tây Nam năm 1965, sách REAL WAR cuà TT Nixontrang 36-40 có kể lại , bộ đội Việt cộng cũng đã từng giết một cách man rợ cã gia đình 14 nguời kể cã trẻ con và cắt cu, cắt vú nhét vào mồm nạn nhân rồi treo xác lên cây sào và cành cây .

    Điều này đó cho thấy các hành động đầy thú tính trên là phổ biến và là có chủ truơng từ cấp trung uơng đãng CSVN, kể cã Hồ Chí Minh vì lúc đó ông ta còn sống và theo Vũ Kỳ , thư ký riêng ,ông Hồ theo dõi từng phút cuộc Tổng Công Kích Mậu Thân đó.

  8. NGUYỄN says:

    CUỘC THẢM SÁT TẠI KHE ĐÁ MÀI
    Lm Phêrô Nguyễn Hữu Giải & Lm Phêrô Phan Văn Lợi
    Vài lời mở đầu

    Biến cố tết Mậu Thân sắp được hầu hết toàn thể dân tộc VN, đặc biệt nhân dân miền Nam, kỷ niệm lần thứ 40 với trái tim vẫn còn rỉ máu, vì hàng trăm ngàn nạn nhân của cuộc thảm sát này –mãi cho tới hôm nay- chưa bao giờ nghe được một lời tạ lỗi và thấy được một cử chỉ sám hối từ phía các tay đồ tể là đảng CSVN, đồng bào ruột thịt của họ. Chúng tôi nói là hàng trăm ngàn người, vì ngoài con số 14.300 nạn nhân vô tội gồm tu sĩ, công chức, giáo sư, giáo viên, sinh viên, học sinh, dân thường ở miền Nam (riêng Huế chiếm gần một nửa), còn phải kể đến 100.000 bộ đội miền Bắc (con số do chính CS đưa ra) đã bị nướng vào cuộc tàn sát dân tộc này, cuộc tàn sát man rợ nhất lịch sử đất nước mà người chủ xướng là Hồ Chí Minh và các lãnh đạo cao cấp trong đảng CS thời đó.

    Chúng tôi viết lên bài này như nén hương lòng tưởng nhớ các ân sư, thân nhân, bằng hữu, đồng nghiệp của chúng tôi đã bị CS tàn sát trong biến cố ấy như 3 linh mục người Huế là Hoàng Ngọc Bang, Lê Văn Hộ, Nguyễn Phúc Bửu Đồng, ba linh mục người Pháp là Guy, Cressonnier và…, 3 tu sĩ dòng Thánh Tâm là Héc-man, Bá Long, Mai Thịnh, ba chủng sinh là Nguyễn Văn Thứ, Phạm Văn Vụ và Nguyễn Lương, hai sư huynh dòng La San là Agribert và Sylvestre cùng nhiều người khác… Chúng tôi cũng viết lên bài này như lời kêu gọi đảng và nhà cầm quyền CSVN phải biết thừa nhận sự thật, lãnh nhận trách nhiệm, công nhận tội ác tầy trời mà chính họ đã gây ra cho dân tộc VN trong những ngày xuân năm 1968, phải chấm dứt ngay việc trình bày biến cố Mậu Thân như một chiến thắng lừng lẫy, phải phục hồi danh dự cho các oan hồn bằng cách chính thức tạ tội và để tự do cho bất cứ cá nhân hay tập thể nào tưởng nhớ các nạn nhân này, phải tôn tạo ít nhất ngôi mộ tập thể chôn cất di hài của họ tại núi Ba Tầng (núi Bân), phía Nam thành phố Huế. Ngôi mộ này lưu giữ hơn 400 bộ hài cốt chủ yếu bốc từ Khe Đá Mài nhưng đã bị chính CS phá đổ trụ bia và để cho hoang phế suốt 32 năm trời.

    Đây cũng là điều mà mới đây, trong Thỉnh nguyện thư viết ngày 29-09-2007 cùng 124 Kitô hữu VN khác, chúng tôi đã đề nghị với Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Việc tưởng nhớ, cầu nguyện, minh oan cho họ (các nạn nhân biến cố Mậu Thân) để linh hồn họ được giải thoát, gia đình họ được an ủi là căn cốt trong truyền thống của mọi tôn giáo và nhất là của Kitô giáo. Đây cũng là cơ hội để các đao phủ thảm sát đồng bào bày tỏ thành tâm thiện chí, thống hối lỗi lầm, dọn đường cho việc hòa giải dân tộc cách đích thực. Nhớ lại năm 2002, nhân kỷ niệm 30 năm biến cố Đại lộ kinh hoàng Quảng Trị (1972), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân. Chúng con thiết tưởng Công giáo chúng ta cũng nên nhân cơ hội tưởng niệm 40 năm biến cố Tết Mậu Thân để làm nghĩa cử đối với các oan hồn uổng tử đồng bào đồng đạo. Vậy chúng con kính xin Quý Đức Cha và Hội đồng Giám mục can đảm tổ chức lễ cầu nguyện khắp nơi cho các nạn nhân vô tội, đặt ra một ngày tạm gọi là “ngày nhớ Mậu thân”. Đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản dựng một tấm bia mới tại nghĩa trang Ba Tầng (thành phố Huế), nơi chôn cất hài cốt của hơn 400 nạn nhân, vì tấm bia cũ đã bị phá hủy ngay sau năm 1975”.

    Trong toàn bộ biến cố Tết Mậu Thân, có lẽ những gì xảy ra tại Huế là đau thương và đánh động hơn cả. Nhưng trong những gì xảy ra tại Huế, thì có lẽ cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài là rùng rợn, dã man và thê thảm nhất. Tiếc thay, theo sự am hiểu của chúng tôi, hình như người ta chỉ biết đến kết cục của nó là hàng trăm bộ hài cốt dồn lại một đống dưới khe sau khi thịt thối rữa bị nước cuốn đi lâu ngày, từ đó suy diễn ra sự việc hơn là biết rõ diễn tiến của toàn bộ sự việc kể từ lúc các nạn nhân bắt đầu bị dẫn đi đến chỗ hành quyết. Lý do là vì chỉ có hai con người duy nhất trong đoàn tử tội đã chạy thoát được trước khi thảm kịch xảy đến, họ nắm được một ít chi tiết nhưng lại chẳng biết rõ địa điểm, do vụ việc xảy ra giữa đêm khuya trong rừng già; họ lại còn quá trẻ rồi sau đó đăng lính, mất hút vào cơn bão chiến tranh, khiến mãi tới ngày 19-09-1969, tức gần hai năm sau, nhờ khai thác tù binh Việt cộng, chính phủ VNCH mới biết đó là Khe Đá mài trong vùng núi Đình Môn, Kim Ngọc, thuộc quận Nam Hòa, tỉnh Thừa Thiên (xã Dương Hòa, huyện Hương Thủy ngày nay) và mới tiến hành việc tìm kiếm hài cốt các nạn nhân xấu số. Thời gian sau, một trong hai người đã chết trận, đem theo bí mật xuống đáy mồ. Chúng tôi may mắn gặp được chứng nhân duy nhất còn lại, nay gần lục tuần. Ông đã tường thuật mọi việc cho chúng tôi khá tỉ mỉ. Nhưng vì lý do an ninh của đương sự, chúng tôi viết theo dạng tự thuật để khỏi nêu tên ông. Chúng tôi cũng xin phép bỏ đi nhiều chi tiết có thể giúp CS lần hồi dấu vết của ông để báo thù.

    Lm Phêrô Nguyễn Hữu Giải
    Lm Phêrô Phan Văn Lợi

    * * * * * * * * * * *

    Hồi ấy tôi mới 17 tuổi, đang là học sinh trung học đệ nhị cấp. Vì tình hình bất an, gia đình tôi đã từ quê chạy về thành phố, cư ngụ tại giáo xứ Phủ Cam, thôn Phước Quả, xã Thủy Phước, tỉnh Thừa Thiên (nay gọi là phường Phước Vĩnh, thành phố Huế) từ mấy năm trước.

    Sáng sớm mồng một tết Mậu Thân, tôi cùng gia đình đi thăm bà con thân thuộc và du xuân với các bạn đồng trang lứa, trong một khung cảnh tạm an bình, vắng tiếng súng, nhờ cuộc hưu chiến mà hai miền Nam Bắc đã cam kết tuân giữ.

    Bỗng nhiên, khuya mồng một rạng mồng hai tết, nhiều tiếng đại bác và súng lớn súng nhỏ vang rền khắp xứ đạo của chúng tôi. Sáng hôm sau, tôi nghe nói Việt Cộng đang tấn công vào toàn bộ thành phố Huế và đã chiếm nhiều nơi rồi. Hoảng hốt, cả gia đình tôi cũng như rất nhiều giáo dân chạy đến nhà thờ (lúc ấy mới hoàn thành phần cung thánh và hai cánh tả hữu) để ẩn trú, vì đó là nơi an toàn về mặt thể lý (xây vững chắc, tường vách dày, trần xi măng rất cao) cũng như về mặt tâm lý (có thể trông cậy vào ơn phù hộ của Chúa và đông đảo người bên nhau thì bớt hãi sợ…). Tôi thấy đủ hạng: nữ nam già trẻ, linh mục tu sĩ, ngồi chen chúc nhau cả mấy ngàn người (giáo xứ Phủ Cam lúc đó lên tới 10.000 giáo dân). Đang khi ấy, ở bên ngoài, lực lượng địa phương quân, nhân dân tự vệ cùng các quân nhân chính quy về nghỉ phép hợp đồng tác chiến, chống giữ không cho Cộng quân tiến vào giáo xứ từ hướng An Cựu, Bến Ngự, Nam Giao, Ngự Bình… Cuộc chiến đấu xem ra rất ác liệt!

    Thế nhưng, đến chiều mồng 6 Tết, do lực lượng quá nhỏ, lại không có tiếp viện (vì mặt trận lan khắp cả thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên), các chiến sĩ đang bảo vệ giáo xứ đành phải rút lui, bỏ chạy. Thế là VC tràn vào! Khuya hôm đó, lúc 1g sáng, chúng mang AK và đèn đuốc xông vào nhà thờ Phủ Cam để gọi là “bắt đầu hàng” và lục soát mọi ngõ ngách. Sau này tôi mới biết chúng có ý lùng bắt cha xứ mà chúng nghi là người chỉ huy cuộc kháng cự, lùng bắt tất cả những ai mà chúng nghĩ đã chống cự lại chúng trong 5 ngày qua, cùng mọi cán bộ viên chức chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, như xảy ra tại nhiều nơi khác trong thành phố Huế lúc ấy.

    Thấy chúng vừa xuất hiện, tôi liền lợi dụng bóng tối, nhanh chân chạy đến cầu thang sắt phía cánh trái nhà thờ (gần mộ Đức Cố Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền hiện nay), leo lên trần xi măng, sát mái ngói. Từ trên đó, qua mấy lỗ trổ sẵn để gắn đèn cao áp (nhưng chưa gắn), tôi mục kích khá rõ sự việc diễn ra bên dưới. Tôi thấy lố nhố VC địa phương (du kích nằm vùng) lẫn bộ đội chính quy miền Bắc. Chúng lật mặt từng người, chỉ chỏ bên này bên kia. Một câu nói được lặp đi lặp lại:
    - Đồng bào yên tâm! Cách mạng đến là để giải phóng! Các mẹ, các chị, các em có thể ra về. Còn các anh được mời đi học tập, chỉ 3 ngày thôi! Không sao đâu!!!

    Thế là mọi tráng niên và thanh niên từ 15 đến 50 tuổi đều bị lôi đứng dậy và dẫn đi, dù là học sinh, thường dân hay công chức…. Tiếng kêu khóc thảm thiết vang động cả nhà thờ. Con khóc cha, vợ khóc chồng, cha mẹ khóc con. Ai nấy linh cảm chuyến đi “học tập” này sẽ chẳng có ngày đoàn tụ. Sau này tôi biết thêm là linh mục quản xứ chúng tôi, cha Nguyễn Phùng Tuệ, nhờ ngồi giữa đám nữ tu dòng Mến Thánh Giá với lúp đội trên đầu, nên may mắn chẳng bị VC nhận diện. Bằng không thì bây giờ ngài đã xanh cỏ. VC ở lại trong nhà thờ suốt đêm hôm đó vài tên, còn những tên khác đi lùng khắp giáo xứ để bắt thêm một số người nữa, cũng từ 15 đến 50, thành thử có nhiều thanh niên hay học sinh gặp nạn.

    Sáng hôm sau, lúc 8 giờ, bỗng có hai tên VC theo thang sắt trèo lên trần và khám phá ra tôi. Một đứa tên Hồ Sự, du kích gốc Long Hồ, vừa được đồng bọn giải thoát khỏi nhà lao Thừa Phủ (là nhà lao nằm giữa lòng thành phố Huế, ngay sau lưng tòa hành chánh tỉnh). Tên kia là Đỗ Vinh, sinh viên, người gốc làng Sịa. Sau khi lôi tôi xuống, chúng hỏi tôi tại sao lại trèo lên núp (nấp). Tôi trả lời là vì nghe con nít khóc ồn ào, chịu không nổi, phải trèo lên đấy để nghỉ.

    Chúng dẫn một mình tôi -lúc ấy chẳng còn hồn vía gì nữa- đi xuống dốc nhà thờ, nhưng đến chắn xe lửa thì quẹo trái, men theo đường xe lửa tới chắn Bến Ngự. Từ đây, chúng dẫn tôi lên chùa Từ Đàm là nơi VC đang đặt bản doanh. Chúng rất đông đảo, vừa sắc phục vừa thường phục, vừa bộ đội miền Bắc vừa du kích nằm vùng miền Nam . Vào trong khuôn viên chùa, tôi nhận thấy ngôi nhà tăng 5 gian thì 4 gian đã đầy người bị bắt, đa số là giáo dân giáo xứ Phủ Cam của tôi. Gian thứ 5 (đối diện với cây bồ đề) còn khá trống, để nhốt những người bị bắt trong ngày mồng 7 Tết. Tôi cũng trông thấy ông Tin, chủ hiệu ảnh Mỹ Vân, người rất đẹp trai, đang bị trói nơi cây mít. Một tên VC nói:
    - Thằng ni trắng trẻo chắc là cảnh sát, bắn quách nó đi cho rồi!
    May thay, có một người trong nhóm bị bắt đã vội lên tiếng:
    - Tội quá mấy anh ơi, đây là ông Tin chụp ảnh tại Bến Ngự, cảnh sát mô mà cảnh sát!

    Nhờ thế ông Tin thoát nạn, được cho về. Tiếp đó, VC đưa cho tôi một tờ giấy để làm bản lý lịch. Chúng bảo phải khai rõ tên cha, tên mẹ, tên mình, nguyên quán ở đâu, cha mẹ làm chi, bản thân bây giờ làm chi. Khai rõ ràng chính xác, Cách mạng sẽ khoan hồng. Khai tơ lơ mơ, khai dối láo là bắn ngay tại chỗ. Lúc ấy không hiểu sao Chúa cho tôi đủ sự thông minh và điềm tĩnh nên đã khai hoàn toàn giả, giả từ tên cha mẹ đến tên mình, và giả mọi chi tiết khác, như nghề của cha là kéo xe ba gác, nghề của mẹ bán rau hành ở chợ Xép, bản thân thì đang học trường Kỹ thuật!?! May mà bọn VC chẳng kiểm tra chéo bằng cách hỏi những người cùng giáo xứ bị bắt đêm hôm trước. Bằng không thì tôi cũng rồi đời tại chỗ!

    Chúng tôi ngồi tại chùa Từ Đàm suốt cả ngày mồng 7 Tết, không được cho ăn gì cả. Lâu lâu tôi lại thấy VC dẫn về thêm một số tù nhân, trong đó tôi nhớ có cậu Long, 16 tuổi, học sinh, con ông Nguyện ở xóm Đường Đá giáo xứ Phủ Cam. Thỉnh thoảng chúng lại trói ai đó vào gốc cây bồ đề, bắn chết rồi chôn ngay trong sân chùa. Sau này người ta đếm được có 20 xác, trong đó có anh Hoàng Sự, vốn là cảnh sát gác lao Thừa Phủ, bị đám VC khi được thoát tù đã bắt đem theo lên đây.
    VC cũng cho một vài kẻ về nhắn thân nhân bới cơm nước lên cho người nhà, nhưng với điều kiện: nhắn xong phải đến lại trong ngày, bằng không bạn bè sẽ bị chết thế. Thế là một số anh em Phủ Cam lên tiếng xin thả ông Hồ (khá lớn tuổi, làm nghề hớt tóc, nhà ở gần cabin điện đường Hàm Nghi) để ông về lo chuyện tiếp tế thực phẩm. Tay VC liền hỏi: “Ai tên Hồ?” thì có một cậu thanh niên nào đó nhảy ra nói: “Hồ đây! Hồ đây!” Thế là nó được thả về và rồi trốn luôn, thoát chết. Một vài bạn trẻ cùng tuổi với tôi cũng được cho về nhắn chuyện bới xách rồi quyết không lui, nhờ vậy thoát khỏi cơn thảm tử. Còn ai vì hãi sợ hay thương bạn mà lên lại Từ Đàm thì cuối cùng bị mất mạng như tôi sẽ kể. Các “sứ giả” về thông báo với bà con là ai có thân nhân “đi học tập” hãy bới lương thực lên chùa Từ Đàm. Vậy là vài hôm sau, người ta ùn ùn gánh gồng lên đó gạo cơm, cá thịt, muối mắm, bánh trái ê hề (Tết mà!)… Họ chẳng thấy thân nhân đâu mà chỉ gặp mấy tên cán bộ VC bảo họ hãy an tâm trở về nhưng để đồ ăn lại. Nhờ mưu mô thâm độc này mà VC tạo được một kho lương thực khổng lồ để ăn mà đi giết người tiếp!!

    Lân la dò hỏi và nhìn quanh, tôi thấy trong số thanh niên Phủ Cam bị bắt có rất nhiều người bạn của tôi: anh Trị tây lai con ông Ngọc đàn ở nhà thờ, con trai ông Hoàng lương y thuốc Bắc ở chợ Xép, hai con trai ông Thắng nấu rượu, hai con trai ông Vang thổi kèn, anh Thịnh con ông Năm, hai anh em Bình và Minh con ông Thục mà một là bạn học với cha Phan Văn Lợi… Tôi cũng nghe nói có hai thầy đại chủng viện mà sau này tôi mới biết là thầy Nguyễn Văn Thứ, nghĩa tử của cha Nguyễn Kim Bính và bạn cùng lớp với cha Nguyễn Hữu Giải, rồi thầy Phạm Văn Vụ, đồng nghĩa phụ với cha Lợi…

    Khi trời bắt đầu sẫm tối, VC bắt chúng tôi ra sân xếp hàng và một tên tuyên bố:
    - Anh em yên tâm! Như đã nói, Cách mạng đưa anh em đi học tập 3 ngày cho thấm nhuần đường lối rồi sẽ về thôi! Bây giờ chúng ta lên đường!

    Rồi chúng bắt đầu dùng dây điện thoại trói thúc ké từng người một chúng tôi, trói xong chúng xâu lại thành chùm bằng một sợi dây kẽm gai, 20 người làm một chùm. Tôi nhớ là đếm được trên 25 chùm, tức hơn 500 người.

    Khi chúng tôi bị lôi ra đường (đường Phan Bội Châu hiện giờ), chừng 7g tối, tôi thấy có một đoàn cố vấn dân sự Hoa Kỳ khoảng 14 người cũng bị trói nhưng sau đó được dẫn đi theo ngã khác hẳn. Áp giải chúng tôi lúc này không phải là VC nằm vùng, địa phương, nhưng là bộ đội miền Bắc, khoảng 30 tên. Bọn nằm vùng ở lại để đi bắt người tiếp. Bỗng một kẻ mặc áo thầy chùa xuất hiện, đến cạnh chúng tôi mà nói:
    - Mô Phật! Dân Phủ Cam bị bắt cũng nhiều đây! Chỉ thiếu Trọng Hê và Phú rỗ!
    -
    Trọng (con ông Hê) và Phú (mặt rỗ) là hai thanh niên công giáo, nhưng lại là “tay anh chị” khét tiếng cả thành phố. Về sau tôi được biết đa phần những thanh niên bị bắt đêm mồng 6 Tết tại nhà thờ Phủ Cam và sau đó bị giết chết đều là học sinh, sinh viên, thanh niên nhút nhát hiền lành. Còn hạng can đảm, có máu mạo hiểm hay hạng “du dãng, anh chị” đều đã đi theo binh lính, dân quân để chiến đấu tự vệ hoặc nhanh chân trốn chạy, không tới nhà thờ trú ẩn, nên đều thoát chết. Sự đời thật oái oăm!

    Hết đường Phan Bội Châu, chúng tôi đi vào đường Tam Thai (bên trái đàn Nam Giao), sau đó men theo đường vòng đan viện Thiên An, xuôi về lăng Khải Định (xin xem bản đồ). Từ con đường trước lăng Khải Định, VC dẫn chúng tôi bọc phía sau trụ sở quận Nam Hòa (lúc đó chưa bị chiếm), ra đến bờ sông Tả Trạch (thượng nguồn sông Hương). Chúng tôi lầm lũi bước đi trong bóng tối, giữa trời mờ sương và giá lạnh, vừa buồn bã vừa hoang mang, tự hỏi chẳng biết số phận mình rồi ra thế nào, tại sao VC lại tấn công vào đúng ngày Xuân, giữa kỳ hưu chiến!?!
    Tới bờ sông, VC cho chặt lồ ô (nứa) làm bè để tất cả đoàn người vượt qua phía bên kia mà sau này tôi mới biết là khu vực lăng Gia Long, thuộc vùng núi Tranh hay còn gọi là vùng núi Đình Môn Kim Ngọc. Lúc ấy vào khoảng 9g tối. Từ đó, chúng tôi bắt đầu đi sâu vào rừng, lúc lên đồi, lúc xuống lũng, lúc lội qua khe, lần theo con đường mòn mà thỉnh thoảng lại được soi chiếu bằng những cây đèn pin hay vài ngọn đuốc của 30 tên bộ đội. Tôi thoáng thấy tre nứa và cây cổ thụ dày đặc. Trời mưa lâm râm. Đến khoảng 11g rưỡi đêm, chúng tôi được cho dừng lại để tạm nghỉ ăn uống. Tôi đoán chừng đã đi được hơn chục cây số. Mỗi người được phát 1 vắt cơm muối mè, đựng trên lá ráy. Hai cánh tay vẫn bị trói. Ít người ăn nổi. Riêng tôi làm 2 vắt.

    Ăn xong thì được cho ngủ. Chúng tôi ngồi gục đầu dưới cơn mưa, cố gắng chợp mắt để lấy lại sức. Bỗng nhiên như có linh tính, tôi chợt choàng dậy và thấy rung động toàn thân hết sức dữ dội. Máu tôi sôi sùng sục trong đầu. Có chuyện chẳng lành rồi đây! Quả thế, tôi thoáng nghe hai tên VC gần kề nói nhỏ với nhau: “Trong vòng 15–20 phút nữa sẽ thủ tiêu hết bọn này!” Tôi nghe mà bủn rủn cả người! Nghĩ mình đang là học sinh vô tội, lại còn trẻ trung, thế mà 15 phút nữa sẽ bị giết chết, tôi như muốn điên lên. Dù thế tôi vẫn cầu nguyện: “Lạy Chúa, từ lâu Chúa dạy con phải hiền lành thật thà, không được làm hại ai, vậy mà giờ đây lại có người muốn giết con và các bạn của con nữa. Xin Chúa ban cho con mưu trí, can đảm và sức mạnh để tự giải thoát mình…”. Tôi ghé miệng vào tai thằng bạn bị trói ngay trước mặt: “Tụi mình rán mở dây mà trốn đi! Mười lăm phút nữa là bọn hắn bắn chết hết đó!”. Chúng tôi quặt ra tay sau, âm thầm lần múi dây trói. Nhờ trời vừa mưa vừa tối, dây điện thoại lại trơn nên chỉ ít phút sau là nút buộc lỏng, vung mạnh cánh tay là sẽ bung ra. Chúng tôi cũng mở múi buộc dây thép gai đang nối mình với những người khác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ vị thế bị trói thúc ké, để bọn VC khỏi nghi ngờ. Tôi dặn thằng bạn tiếp: “Hễ tao vỗ nhẹ sau lưng là tụi mình chạy nghe!”

    Đánh thức chúng tôi dậy xong, một tên lên tiếng nói lớn cho cả đoàn:
    - Chúng ta sắp đến trại học tập rồi. Vậy trong anh em ai có một là vàng, hai là tiền, ba là đồng hồ, bốn là bật lửa thì nộp lại để Cách mạng giữ cho, học xong 3 ngày sẽ trả. Kẻo vào trại, ăn cắp lẫn nhau rồi lại đổ lỗi cho Cách mạng, nói xấu cán bộ!

    Thế là mọi người riu ríu và khổ sở móc ra những thứ quý giá còn giữ trong người. Ai chậm chạp hoặc ngần ngừ thì mấy tên bộ đội tới “giúp” cho. Bọn chúng lột sạch và cho tất cả vào mấy cái ba lô vải. Lúc đó tôi mới để ý thấy tay bộ đội áp giải chùm của tôi đang mang trên hai vai và cột quanh lưng ít nhất cả chục cái radio lớn nhỏ mà chắc hắn đã cướp được của dân dưới thành phố. Với khẩu AK trên tay lại thêm từng ấy máy móc trên người, hắn bước đi lặc lè, chậm chạp, khá cách quãng mấy tên khác.

    Chúng tôi lại bắt đầu đi xuống dốc. Tôi nghe có tiếng nước róc rách gần kề. Lại một khe nữa! Được vài bước, tôi vỗ nhẹ vào lưng thằng bạn. Cả hai chúng tôi vung tay, dây tuột, và nhanh nhẹn phóng ra khỏi hàng. Lấy hết sức bình sinh, tôi đá mạnh vào gót rồi vào dưới cằm tên bộ đội áp giải (tên mang cả chùm radio ấy!). Hắn ngã nhào. Hai chúng tôi lao vào rừng lồ ô. Bọn VC tri hô lên: “Bắt! Bắt! Có mấy thằng trốn” rồi nổ súng đuổi theo chúng tôi. Chạy khoảng mấy chục mét, thoáng thấy có một lèn đá -vì trời không đến nỗi tối đen như mực- tôi kéo thằng bạn lòn vào trong mất dạng. Tôi dặn hắn: “VC nó kêu, nó dụ, tuyệt đối không bao giờ ra nghe! Ra là chết!” Một lúc sau, tôi nghe có tiếng nói trong bóng đêm: “Bọn chúng chạy mất rồi, nhưng rừng sâu thế này khó mà thoát chết nổi! Thôi đi tiếp!!!”.

    Khi nghe tiếng đoàn người đi khá xa, chúng tôi mới bò ra khỏi lèn, đi ngược lên theo hướng đối nghịch. Chừng 15-20 phút sau, tôi bỗng nghe từ phía dưới vọng lên tiếng súng AK nổ vang rền và lựu đạn nổ tới tấp, phải mấy chục băng và mấy chục quả. Một góc rừng rực sáng! Chen vào đó là tiếng khóc la khủng khiếp –chẳng hiểu sao vọng tới tai chúng tôi rõ ràng- khiến tôi dựng tóc gáy, nổi da gà và chẳng bao giờ quên được. Hai chúng tôi đồng nấc lên: “Rứa là chết cả rồi! Rứa là chết cả rồi! Trời ơi!!!” Lúc đó khoảng 12 đến 12g30 khuya đêm mồng 7 rạng ngày mồng 8 Tết. Tôi bàng hoàng bủn rủn. Sao lại như thế? Các bạn tôi dưới ấy đều là những người hiền lành, chưa lúc nào cầm súng, chưa một ngày ra trận, chẳng hề làm hại ai, họ có tội tình gì? Bọn chúng có còn là người Việt Nam nữa không? Có còn là người nữa không? Sau này tôi mới biết đấy là vụ thảm sát khủng khiếp nhất trong cuộc chiến Quốc-Cộng. Địa danh Khe Đá Mài –mà lúc ấy tôi chưa rõ- in hằn vào lịch sử nhân loại và cứa vào da thịt dân tộc như một lưỡi dao sắc không bao giờ cùn và một thỏi sắt nung đỏ chẳng bao giờ nguội.

    Chúng tôi tiếp tục chạy, chạy mãi, bất chấp lau lách, gai góc, bụi bờ, vừa chạy vừa thầm cảm tạ Chúa đã cho mình thoát chết trong gang tấc nhưng cũng thầm cầu nguyện cho những người bạn xấu số vừa mới bị hành quyết quá oan ức, đau đớn, thê thảm. Sáng ra thì chúng tôi gặp lại con sông. Biết rằng bơi qua ngay có thể gặp bọn VC rình chờ bắt lại, chúng tôi men theo sông, ngược lên thượng nguồn cả mấy cây số, đến vùng Lương Miêu thượng. Tới chỗ vắng, tôi hỏi thằng bạn:
    - Mày biết bơi không?
    - Không!
    - Tao thì biết. Thôi thì hai đứa mình kiếm hai cây chuối. Mày ôm một cây xuống nước trước, tao ôm một cây bơi sau, đẩy mầy qua sông. Rán ôm thật chặt, thả tay là chìm, là chết đó. Trời này lạnh tao không lặn xuống cứu mày được mô!

    Đúng là hôm đó trời mù sương và lạnh buốt. Thời tiết ấy kéo dài cả tháng Tết tại Huế. Có vẻ như Ông Trời bày tỏ niềm sầu khổ xót thương bao nạn nhân vô tội ở đất Thần Kinh này. Vừa bơi tôi vừa miên man nghĩ tới các bạn tôi. Máu của họ có xuôi theo triền dốc, hòa vào giòng nước sông Tả trạch này chăng? Oan hồn họ giờ đây lảng vảng nơi nào? Có ai còn sống không nhỉ?

    Chúng tôi cập gần bến đò Lương Miêu. Từ đây, xuôi dòng sẽ về trụ sở quận Nam Hòa, hy vọng gặp binh lính quốc gia, nhưng cũng có nguy cơ gặp bọn VC chặn đường bắt lại. Thành thử chúng tôi nhắm hướng bắc, tìm đường về Phú Bài. Thằng bạn tôi, do suốt đêm bị gai góc trầy xước, đề nghị đi trên đường quang cho thoải mái. Tôi gạt ngay:
    - Ban đêm thì được, chớ ban ngày thì nguy lắm. Chịu khó lần theo đường mòn!
    Chúng tôi thấy máu và bông băng rơi vãi nhiều nơi, chứng tỏ có trận đánh gần đâu đó. Đang đi, tôi đột nhiên hỏi thằng bạn:
    - Chừ gặp dân thì mày trả lời ra răng, nói tao nghe.
    - Nhờ anh chứ tôi thì chịu!
    Lúc khoảng 9g, chúng tôi gặp 3 thằng bé chăn trâu. Tôi lên tiếng nói:
    - Hai anh là học sinh ở đường Trần Hưng Đạo dưới phố (con đường chính của khu buôn bán, không nói là Phủ Cam). Cách mạng (không gọi là Việt cộng) số về đánh dưới, số còn trên ni. Hai anh vừa mang gạo lên chiến khu hôm qua cho họ. Nay họ cho hai anh về, nhưng ướt cả áo quần lại đói nữa. Mấy em biết Cách mạng có ở gần đây không, chỉ cho hai anh, để hai anh kiếm chút cơm ăn, kẻo đói lạnh quá!
    - Hai anh qua khỏi đường này thì sẽ thấy mấy ông Cách mạng đang hạ trâu ăn mừng!

    Thế là chúng tôi hoảng hốt tuôn vào rừng lại. Chạy và chạy, chạy tốc lực, chạy như điên, không dừng lại để nghỉ. Một đỗi xa, chúng tôi mới hướng ra lại đồng bằng. Bỗng một đồn lính xuất hiện đằng xa, đến gần thấy bên trong lố nhố mũ sắt. Phe ta rồi! Lần này thì vô đây chứ không đi mô nữa cả. Nhất định vô! Lúc đó khoảng 10 giờ trưa. Đây là đồn biên phòng của một đơn vị quân lực VN Cộng Hòa. Chúng tôi nghe từ trong đồn có tiếng dõng dạc vang vọng:
    - Hai thằng VC muốn về hồi chánh hả? Vào đi! Nhớ để tay lên đầu. Thả tay xuống là bắn đó!
    Chúng tôi nhất nhất tuân theo. Vào được bên trong, hoàn hồn, chúng tôi mới nói:
    - Hai đứa em là học sinh ở dưới Phủ Cam, Phước Quả, bị VC bắt lên rừng từ tối hôm qua với mấy trăm người khác. Nghe tụi nó định giết hết, hai đứa em đã liều mở dây trói, đánh thằng VC rồi bỏ chạy. Còn mấy người kia chắc là chết hết cả rồi! Giờ tụi em chỉ có một nguyện vọng : xin đồn phát súng cho bọn em đánh giặc với, chớ không thể đi ra khỏi đồn nữa.
    Viên sĩ quan chỉ huy cất tiếng:
    - Tổ quốc đang lâm nguy! Đứa con nào trung, đứa con nào hiếu lúc này là biết liền. Thôi, mấy em thay áo quần, xức thuốc xức men, ăn uống thoải mái rồi ở lại với mấy anh. Tội nghiệp!!!
    Họ hỏi chúng tôi về chỗ xảy ra cuộc hành hình nhưng chúng tôi hoàn toàn không thể trả lời được. Giữa rừng rậm lại đêm khuya, biết đâu mà lần. Gần nửa tháng sau tôi mới gặp lại gia đình họ hàng, bằng hữu thuộc giáo xứ Phủ Cam đang chạy về lánh nạn tại Phú Lương và Phú Bài. Hai chúng tôi quyết định bỏ học để đăng lính. Phải cầm súng bảo vệ tổ quốc thôi. Phải báo thù cho anh em bạn bè bị VC giết quá ư dã man, tàn ác, vô nhân đạo. Tôi nhập bộ binh. Thằng bạn tôi đi nhảy dù. Nhưng vài năm sau, tôi nghe tin nó chết trận! Tội nghiệp thật, nhưng đó là cái chết ý nghĩa!

    Đến gần tháng mười năm 1969, nhờ bắt được và khai thác mấy tù binh VC, chính phủ VNCH mới biết địa điểm tội ác chính là Khe Đá Mài, nằm trong rừng Đình Môn Kim Ngọc thuộc quận Nam Hòa (nay là xã Dương Hòa, quận Hương Thủy). Nơi đây không thể vào được bằng xe vì đường đi không có hoặc không thể đi lọt, mà chỉ vào được bằng lội bộ. Cây cối chỗ này rất cao, lá dày và mọc theo kiểu hai tầng, tầng thấp gồm những bụi tre và cây nhỏ, tầng cao gồm những cây cổ thụ, với những nhánh lớn xoè ra như lọng dù che khuất đi những gì bên dưới. Bên dưới hai tầng lá này, ánh sánh mặt trời không chiếu sáng nổi. Đúng là nơi có thể giết người mà không cần phải chôn cất. Công binh đã phải bỏ hai ngày, dùng mìn phá ngã các cây cổ thụ để tạo ra một khoảng trống lớn đủ cho máy bay trực thăng đáp xuống, và tiểu đoàn 101 Nhảy Dù Quân lực VNCH đã phụ trách việc bốc các di hài nạn nhân. Các binh sĩ đã tìm thấy cuối một khe nước chảy trong veo (về sau mang thêm tên Suối Máu, Phủ Cam Tử lộ), cả một núi hài cốt, nào sọ, nào xương sườn, nào xương tay xương chân trắng hếu, nằm rời rạc, nhưng cũng có những bộ còn khá nguyên. Xen vào đó là dây điện thoại và dây thép gai vốn đã trói chúng tôi thành chùm. Rồi áo quần (vải có, da có, len có) nguyên chiếc hay từng mảnh, lỗ chỗ vết thủng. Rồi tràng chuỗi, tượng ảnh, chứng minh thư, ống hít mũi, lọ dầu nóng… vương vãi trên bờ, giữa cỏ, dưới nước. Nhờ những di vật này mà một số nạn nhân sẽ được nhận diện. Khi tất cả hài cốt, di vật được chở về trường tiểu học Nam Hòa (nay gọi là Thủy Bằng) bên hữu ngạn sông Hương, đem phân loại, thân nhân đã ùa đến và không ai cầm nổi nước mắt. Tất cả òa khóc, nghẹn ngào. Có người cầu nguyện, có người nguyền rủa, có người lăn ra ngất xỉu khi khám phá vật dụng của người thân. Cái chủ nghĩa nào, cái chế độ nào, cái chính đảng nào đã chủ trương dã man như thế? đã tạo ra những con người giết đồng bào ruột thịt cách tàn nhẫn như thế?

    Cuối cùng, đa phần các hài cốt (hơn 400 bộ) được quy tập một chỗ, mang tên nghĩa trang Ba Tầng, nằm phía Nam thành phố Huế, khá cận kề khu vực Từ Đàm (đất của Phật giáo) và Phủ Cam (đất của Công giáo). Nghĩa trang xây thành hình bán nguyệt. Hai bên, phía trước, có hai bàn thờ che mái, cho tín đồ Phật giáo và Công giáo đến cầu nguyện. Ở giữa, phía sau, một trụ đá dựng đứng với giòng chữ Hán làm bia tưởng niệm. Từ đó, tại giáo xứ Phủ Cam của tôi, hàng năm, ngày mồng 10 Tết được coi là ngày cầu nguyện tưởng nhớ các nạn nhân Mậu Thân. Chúng tôi có thể tha thứ cho người Cộng sản nhưng chúng tôi không bao giờ quên được tội ác của họ, y như một câu ngạn ngữ tiếng Anh: “Forgive yes! Forget no!”

    Tiếc thay, sau khi vừa chiếm được miền Nam , Cộng sản đã dùng mìn phá ngay trụ bia và hai bàn thờ. Lại thêm một phát súng vào hương hồn các nạn nhân mà nỗi oan vẫn chưa được giải. Đến bao giờ họ mới được siêu thoát đây? Cũng phải nói thêm một điều đáng tiếc nữa là trong Đại hội thường niên từ 8 đến 12-10-2007 năm nay tại Hà Nội, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã hoàn toàn im lặng trước đề nghị Giáo hội Công giáo VN hãy tưởng niệm 40 biến cố này, theo như Thỉnh nguyện thư mà cha Giải, cha Lợi cùng nhiều linh mục và giáo dân khác đã viết hôm 29-09-2007.

    Kể lại cho hai cha Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi trong tháng kính các đẳng linh hồn, 11-2007.

  9. McKeno says:

    Tác giả nói: ‘Có lẽ Nguyễn Chí Thanh sẽ là người tổ chức cuộc nổi dậy nếu ông ta không chết bất ngờ vào tháng 7/1967′ có vẻ không đúng với thực tế.

    Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tư lệnh TW cục Miền Nam, đương nhiên phải là người phải chỉ huy trận tổng tấn công Mậu Thân. Tuy nhiên trong các cuộc họp của bộ Chính Trị năm 67, ông Thanh là người đã phản đối một trận tổng tấn công toàn diện trên khắp Miền Nam vì cho rằng lúc này quân VC chưa đủ mạnh để đánh trận địa chiến với QLVNCH… Chính Lê Duẫn và Võ Nguyên Giáp mới là phe chủ chiến.

    Có lẽ vì thế mà vị trí Bộ Chỉ huy Trung ương Cục Miền Nam đã bị tiết lộ, và bị pháo đài bay B-52 của Mỹ dội bom càn quét. Tướng Thanh bị thương nặng ở ngực, được võng qua Nam Vang rồi được đưa bằng máy bay ra Hà Nội cứu chữa… Nhưng chỉ một tuần sau thì mất. Trung tướng Trần Độ và thượng tướng Trần Văn Trà thay ông lên nắm quyền chỉ huy.

    Kết quả là trận tổng tấn công Tết Mậu Thân của VC xảy ra và bị thảm bại nặng nề như Tướng Thanh đã tiên liệu.

    • Nguyen Binh Nam says:

      Đúng là đã xảy ra thiệt hại lớn ở Mậu Thân 68, nhưng vấn đề cốt lõi của cuộc chiến tranh VN không phải ở QLVNCH mà nó lằm ở việc Mỹ có rút quân ra khỏi VN hay không? nếu không có Mậu Thân 68 thì Mỹ chưa chắc sẽ rút quân sớm ở VN như vậy thậm chí có thể vẫn còn đóng quân ở VN cho đến ngày nay như ở Hàn Quốc hay Nhật Bản.

    • McKeno says:

      Không thể nói cuộc Tổng tấn công tết Mậu Thân và cuộc thảm sát tại Huế là có động cơ trả thù cá nhân từ người tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp hoặc từ những cán bộ địa phương như Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Đóa, anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngọc Phan… Đừng đánh lừa lịch sử rằng đó chỉ là một sự trả thù cá nhân và chỉ những cá nhân này mới chịu trách nhiệm.

      Cũng không thể nói cuộc tổng tấn công và thảm sát Mậu Thân 1968 là do yêu cầu chiến thuật để phân tán lực lượng Mỹ đang tập trung giải cứu Khe Sanh, nơi mà quân đội Bắc Việt đã rãi 3 sư đoàn chính quy để bao vây một đơn vị của Sư Đoàn 3 TQLC Mỹ từ mùa hè năm 67 mà chưa chọc thủng được phòng tuyến.

      Khe Sanh là một cái phi trường dã chiến nhỏ nằm dưới một thung lũng ở vùng giới tuyến Quảng Trị, do 3500 TQLC và một tiểu đoàn Biệt Động Quân QLVNCH trấn giữ, chung quanh có núi rừng bao bọc như địa hình chiến trường Điện Biên Phủ, là biểu tượng chiến thắng và vinh quang của quân Cộng Sản. Đại tướng Võ Nguyên Giáp coi đây là một Điện Biên Phủ thứ 2 và nếu Quân đội Bắc Việt chiến tháng tại chiến trường này sẽ là chiến thắng chung cuộc khiến Mỹ phải rút khỏi Đông Dương như thực dân Pháp năm 1954. Nhưng đại tá David E. Lownds, người chỉ huy phòng thủ Khe Sanh đã vênh râu cười khinh bỉ: “Ông Giáp coi đây là Điện Biên Phủ thứ hai, nhưng ông ta đã lầm. Chúng tôi không phải là người Pháp. TQLC chúng tôi đã chiếm lĩnh các cao độ chung quanh thung lũng đễ che mắt pháo binh địch. Và bom đạn của chúng tôi rất dồi dào…” Kết quả là Bộ Chính Trị của Cộng Sản Bắc Việt do tập đoàn hiếu chiến Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp lãnh đạo đã thiêu sống gần 3 sư đoàn trên chiến trường này.
      [ENG] Vietnam: The Ten Thousand Day War Ep7_Pt2/5

      Không thể đổ trách nhiệm thảm sát hàng ngàn sinh mạng cho sai lầm của một phe nhóm, một cá nhân. Mà vụ thảm sát tết Mậu Thân chính là một Sách Lược Khủng Bố có tính toán từ Chính Sách Cai Trị của tập đoàn Cộng Sản quốc tế. Binh pháp gọi sách lược này là Sát Kê Hách Hầu (Giết Gà Dọa Khỉ). Nghĩa là tạo một cuộc thảm sát ngay từ ban đầu của cuộc cai trị để cướp tinh thần khiến toàn quân toàn dân đều khiếp đảm mà cúi đầu tuân lệnh. Thảm sát Mậu Thân tại Huế là một vụ giết người tập thể có chủ ý của CSVN, cũng như vụ Cải Cách Ruộng Đất năm 1954 ở Miền Bắc, và Cánh đồng Sọ Người của Kmer Đỏ ở Kampuchea năm 1975…

      Rõ ràng, vụ thảm sát tại Huế năm 1968 là một vụ Diệt Chủng có tính toán, là tội ác chống lại loài người của Cộng Sản Việt Nam phải bị cộng đồng Nhân Loại lên án. Những người có lương tâm cần phải lên án, vì Con Người không thể nào ngồi cùng bàn, thỏa hiệp với Tội Ác.

  10. mot thoi tho mong says:

    Cứ mỗi khi nghe đến tết Mậu thân ở Huế là lòng tôi lại buì ngùi, thổn thức, hồn như trôi dạt về một chốn xa xưa nhưng lại rất thực như mới xảy ra hôm nào. Huế năm ấy, tôi còn nhỏ. Ngày mồng 1 tết còn lọt tọt theo bà nội đi thăm bà con. Đương phố pháo nỗ rợp trời, ngưòi ngưòi xiêm áo rộn ràng, nói cười huyên náo…Thế nhưng sáng sớm mồng 2 tết, mơí khoảng 5,6 giờ sáng mà đã nghe tạch tạch. Trong nhà ai cũng cười: mới sáng sớm như ri mà ai đã đốt pháo rồi hè ? Ông chú tôi chạy ra mở cửa; chưa mở ra hẳn, mới hé hé lại đóng xầm cửa lại ngay. Ông chạy vào, mặt tái mét pha lẫn kinh ngạc: việt …cộng, việt… cộng. Tôi thì chẳng hiểu gì cả, nhưng ông bà nội tôí tỏ ra khiếp đảm thật sự : Hí, cái chi…việt cộng hả? Tôi cũng chạy về phía cửa trước nhà tò mò nhìn qua khe cửa, thấy môt ngưòi mặc quần đùi mang dép râu, khoác trên vai miếng vài dù xanh, tay mang khẩu AK ngang ngực, đi ngang qua vể phía thành nội. Đó là viêt cộng đấy ư ! Nhưng có gì đâu mà mọi người lớn trong nhà tôi ai cũng tỏ ra khiếp sợ vậy cà? Từ giây phút đó tôi không còn một cái tết bình yên nữa rồi…
    Những ngày sau bắt đầu nghe tiếng súng nỗ đì đùng. Trong nhà bắt đầu đào hầm. Được khoảng một tuần thì mọi người hoang mang không biết bên ngoài tình hình ra sao nên bàn nhau ban đếm lẽn ra khỏi nhà tới mấy nhà người quen để tạm trú và hỏi thăm tin tức. Đến mấy nhà , nhưng nhà nào cũng tan hoang, hiu quạnh như nhà mồ, tịnh không một bóng ngưòi. Đường sá bắt đầu ngổn ngang cây cối, nhà cửa đổ nát. Thế là cuối cùng phải quay về lại nhà mình. Có một chi tiết mà sau này mỗi khi nhớ lại tôi cảm thấy rùng mình. Số là, khi lẽn đi đến nhà ngưòi quen, đến nơi thì đập cửa, kêu to tên chủ nhà mà không ai mở cho cả. Sau này mới biêt là chủ nhà đó bị vc bắn chết ngay khi chúng mới vào Huế. Khi đập gọi cửa thì trong nhà không có ai cả vì đã chạy trốn mấy ngày trước rồi, trong nhà lúc đó chỉ có quan tài đựng thi thể của ông chủ nhà mà thôi. Thế mà chúng tôi lúc đó cứ đứng ngoài đập cửa gọi toi tên ông ta !
    Khoảng mươi ngày sau ngoài đường không còn thấy bóng dáng vc nữa nên mọi người mới bàn nhau nên chạy vào cửa Đông Ba lúc đó đã do lính sư đòàn 1 chiếm lại và trấn giữ. Ngoài đưòng phố lúc này không còn đưọc gọi là phố nữa rồi; cây cối cột điện, nhà cửa đổ nát ngỗn ngang, nhìn mãi mà tôi vẫn không nhận ra đưọc con phố thân quen của mình hàng ngày nữa. Tất cả như một đồng xà bần khổng lồ. Tôi không thể nào tả lại được cảm giác hân hoan của mọi ngưòi trong gia đình tôi lúc chạy được vào trong thành nôi từ cửa Đông Ba. Chỉ cách 1 trăm mét thôi, thế mà bên kia là địa ngục bên đây là thiên đường . Những ngưòi lính VNCH vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi chạy vào cửa Đông Ba nhanh lên. Vừa leo lên được ụ súng chắn ngang cửa thành là ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm.
    Sống rồi !
    Một điều kỳ lạ thú vị nữa là, khi vào đến một nhà bà con ở Cầu Kho ( gần đồn Mang Cá chỗ sư đoàn 1 đóng quân) tôi không nhận ra một chút xíu nào là không khí chiến tranh, chết chóc cả. Mọi người đi qua lại thăm hỏi, mứt bánh, trà rượu cứ tuôn ào ào.Con nít thì náo nhiệt với bầu cua tôm cá, xì lác , cạc tê…Ngưòi lờn thì đổ song hường, bài tới…Ngoài đường còn có mấy mệ hàng gánh qua lại lanh lãnh rao hàng nữa ….Thật như một ngày tết thanh bình. Nói cho đúng hơn thì thỉnh thoảng cũng nghe tiếng đạn pháo kích. Cứ mỗi lần như vậy thì mọi ngừời nhanh chân chạy xuống hầm. Hêt pháo kích lại lõm ngõm bò ra và chơi tết tiếp, coi như ‘”chẳng chêt thằng tây nào cả”.
    Sau khi thành phố được vãn hồi, thì cũng từ đây ký ức mậu thân mơí trở nên khủng khiếp. Từng ngày, từng ngày những hố chôn tập thể lần lượt được phát hiện….Bạn bè thăm hỏi nhau mói biêt có những ngưòi đã vĩnh viến ra đi … Thành phố Huế lúc đó là thành phố của tang tóc, đau thương, của nghẹn ngào, cay đắng pha lẫn uất hận dâng tràn, đúng như Nhã Ca đã đặt tên “Giải khăn sô cho Huế”
    Một điều ngạc nhiên nữa. Huế lúc đó là trung tâm của các của phản kháng chính quyền VNCH, nhưng trong thời gian tết Mậu Thân chẳng thấy ngưòi dân Huế nào chạy theo vc cả , trừ mấy kẻ nằm vùng mà thôi. Tôi có nói chuyện vói nhiều ngừoi sau này mới biết rằng, dân Huế lúc đó sợ vc như bây giời ngưòi ta sợ AIDS vậy đó!

Phản hồi