WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trận mưa bom Giáng sinh

Hòa đàm bế tắc.

Sau trận tổng công kích Tết Mậu Thân Tổng thống Johnson quá mệt mọi vì cuộc chiến tranh Việt Nam, ngày 31-3-68, ông tuyên bố không tái tranh cử và tạm thời cho ngưng oanh tạc một phần lớn lãnh thổ Bắc Việt từ vĩ tuyến thứ 20 trở lên, ông kêu gọi Hà Nội hãy tỏ thiện chí hòa đàm nếu không sẽ cho nếm mùi sức mạnh. Một tháng sau Cộng Sản Bắc Việt nhận lời đàm phán.

Hội nghị được tổ chức tại khách sạn Majestic, thủ đô Ba Lê nước Pháp khai mạc ngày 10-5-1968 ông W. Averell Harriman đại diện phía Mỹ, Xuân Thủy phía Hà Nội. Đây là một hội nghị được quốc tế chú ý nhất từ trước tới nay có hơn 3,000 phóng viên các nước tới theo dõi lấy tin.

Hà nội khăng khăng đòi Mỹ phải ngưng oanh tạc toàn diện miền Bắc.  Ngày 31-10-1968 Johnson nhượng bộ cho ngưng dội bom trên toàn miền Bắc.

Hòa đàm thực sự bắt đầu dưới nhiệm kỳ chính phủ Cộng Hòa Nixon, nhậm chức đầu năm 1969. Hà Nội ngoan cố đòi hai điều kiện tiên quyết: Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam ViệtNam, lật đổ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu để thay thế bằng chính phủ lâm thời ba thành phần. Hoa Kỳ rút quân dần dần mỗi năm, từ 530 ngàn người Mỹ đóng ở miền Nam 1968 cho tới 1972 chỉ còn vài chục nghìn người, Bắc Việt vẫn  ngoan cố đói phải lật đổ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu.

Sở dĩ BV ngoan cố không chịu đàm phán nghiêm chỉnh vì họ đã được phong  trào phản chiến và Quốc hội Mỹ gian tiếp hoặc trực tiếp yểm trợ.  Theo Nixon (trong No More Vietnams trang 127) hành động của đám sinh viên bạo động đã khuyến khích CSBV gây chiến không chịu đàm phán nghiêm chỉnh. Bọn biểu tình vô tình kéo dài chiến tranh làm lợi cho CS. Tại cuộc hòa đàm đại diện BV đã nhiều lần hỗn hào chửi bới phái đoàn Mỹ, họ nắm được cái tẩy của hành pháp Mỹ đang gặp khó khăn vì bị Quốc hội và phản chiến chống đối.

Cuối tháng 3-1972, BV đem đại binh tấn công qui mô trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa  tổng cộng 10 sư đoàn chính qui có xe tăng, đại bác phòng không yểm trợ đánh ba tỉnh lớn Bình Long, Kontum, Quảng Trị cho tới giữa tháng 9-1972 quân đội VNCH tái chiếm cổ thành Quảng Trị và cuộc chiến được gọi Mùa hè đỏ lửa chấm dứt. BV bị thiệt hại nặng khoảng từ 70 cho tới 100 ngàn cán binh, phía VNCH vào khoảng 30 ngàn người tử trận. Không quân và Hải quân Mỹ yểm trợ tối đa, Hoa Kỳ muốn VNCH phải thắng để lấy ưu thế tại bàn hội nghị. Người Mỹ đã mở lại các cuộc oanh kích miền Bắc để trả đũa BV, họ gọi là Operation Linebacker bombing, chiến dịch oanh tạc Linebacker I này bắt đầu từ 10-5 đến 23-10-1972.

Cuối năm 1972 Hoa Kỳ  mở chiến dịch Linebacker II (Linebacker thứ hai) đây là chiến dịch oanh tạc của không quân nhằm vào BV trong giai đoạn chót của Mỹ trong chiến tranh VN từ 18-12 tới 29-12-1972, cũng  được gọi vui là Christmas bombing, Cuộc oanh tạc vào dịp  Giáng sinh. Đây là cuộc oanh tạc lớn nhất của không quân Mỹ từ sau Thế chiến thứ hai, nó  là sự tiếp tục của Chiến dịch Linebacker I kể trên, điều khác biệt là Linebacker II oanh tạc bằng B-52 chứ không bằng máy bay chiến thuật như Linebacker.

Trước Giáng Sinh 1972 gần 3  tháng , vào ngày 8-10-1972 Kissinger và  Lê đức Thọ gặp nhau ở Ba Lê để thảo luận về những đề nghị mới của hai phía tìm kiếm hòa bình. Lê Đức Thọ đề nghị kế hoạch mới của BV: Ngưng bắn tại chỗ, Mỹ rút quân, trao đổi tù binh BV, VNCH, Chính phủ lâm thời của Mặt trận giải phóng, giữ nguyên, BV không đòi Thiệu từ chức, Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho VNCH, cả Hà Nội và Mỹ đều được tiếp tục viện trợ cho đồng minh trên căn bản đồng đều nhau, BV sẽ không xâm nhập, Mỹ sẽ tái thiết BV, thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải dân tộc, thực hiện bầu cử tại miền Nam VN, sẽ có ba quyền lực: Chính phủ Sài Gòn, Mặt Trận giải phóng, Thành phần thứ ba gồm đại diện cả hai bên. Cả ba phải có sự nhất trí, mọi hành động của hội đồng mới phải có sự đồng ý của TT Thiệu.

Ngày 11-10-1972 tòa đại sứ Pháp tại Hà Nội bị thiệt hại trong cuộc ném bom của Mỹ, Đại sứ Pháp  Pierre Susini bị thương nặng Lê Đức Thọ phản đối với Kissinger, Hoa kỳ ngưng oanh tạc 23-10-1972. Ngày 16-10-1972 Kissinger trở lạiParishọp với Xuân Thủy trong khi Lê Đức Thọ đang về Hà Nội. Hai bên lại họp ngày 17-10-1972, họ bất đồng ý kiến hai điểm: Việc thay thế định kỳ vũ khí của miền nam VN, thả tù binh CS do VNCH giam giữ. BV muốn ký hiệp định trước tháng 11-1972, họ tin rằng Nixon sẽ nhượng bộ trước kỳ bầu cử Tổng thống sắp tới hơn là sau bầu cử. Kissinger đồng ý những điều khoản mới, ông cho Nixon biết và được Nixon chấp thuận.

Sơ thảo Hiệp định sẽ được ký tại Hà Nội ngày 31-10-1972. Kissinger bay đến Sài Gòn ngày 18-10 để gặp TT Thiệu, VNCH không đồng ý với  bản hiệp định mới và không hài lòng với Kissinger cho là đã phản bội. TT Thiệu đòi sửa 129 điều khoản trong đó đòi khu phi quân sự phải coi như biên giới quốc gia, không còn là ranh giới quân sự tạm thời, VNCH phải được coi như một quốc gia biệt lập, nếu được như vậy thì BV sẽ không còn lý do gây chiến tranh để thống nhất đất nước như họ đang làm.

Về điểm này sử gia Stanley Karnow trongVietnama History trang 665 đã chua chát nói.

“Thật là mỉa mai hết chỗ nói, người Mỹ đã chiến đấu bao nhiêu năm để bảo vệ nền độc lập của miền nam VN bây giờ họ lại phủ nhận tính hợp pháp của nó”

(That, however, was the supreme irony of the moment. After fighting for years to defend South Vietnam’s independence, The United Stated was now denying its legitimacy)

Ngày 26-10 ông Thiệu tiến thêm một bước, công bố bản dự thảo đã được sửa khi ấy giới lãnh đạo miền Bắc cho rằng Kissinger đã đánh lừa họ, họ bèn công bố một số phần của thỏa ước cho người ta cảm tưởng rằng thỏa ước phù hợp mục đích của Hoa Kỳ và chính phủ Sài Gòn. Kissinger muốn tạo niềm tin cho cả hai miền, ông quả quyết với BV rằng mình thật tình và với Sài Gòn rằng Mỹ đã gây hiểu lầm. Kissinger họp báo tại tòa Bạch ốc lạc quan tuyên bố ta có thể tin hòa bình đang ở trong tầm tay (We believe that peace is at hand).

Ngày 20-11-1972 những điều khoản tu sửa của VNCH và  44 điều khoản thay đổi do Nixon yêu cầu đã được Kissinger  trao cho phái đoàn CSVN. Những khoản yêu cầu gồm: Khu phi quân sự được coi như ranh giới quốc tế giữa hai nước, quân đội CSBV rút về Bắc, BV bảo đảm ngưng bắn lâu dài tại Đông Dương, một lực lượng quốc tế giữ gìn hòa bình sẽ được thành lập để quan sát ngưng bắn.

Khi đọc xong, phía BV rút những nhượng bộ và mặc cả thêm khiến Kissinger bèn nói dậm chân tại chỗ rồi. Cuộc nói chuyện dự trù 10 ngày chấm dứt ngày 13-12 với thỏa thuận của hai bên bắt đầu thương thảo,  cuộc đối thoại tan vở hôm ấy, phái đoàn Hà Nội từ chối không chịu tiếp tục đàm phán.

Nixon đang định kỳ hạn cho ngày ký Hiệp Định tháng 1-1973, lời tuyên bố của Kissinger khiến dân Mỹ tin tưởng, kỳ vọng ở thỏa hiệp. TT Nixon  lo phiên họp Quốc hội thứ 93 sẽ bắt đầu ngày 3-1-1973, ông sợ các nhà lập pháp Dân chủ sẽ ban hành luật chấm dứt chiến tranh trước khi ông thực hiện cam kết hòa bình trong danh dự của mình.Phía BVđánh hơi thấy phiên họp Quốc hội trong tháng 1-1973 có thể ban hành luật chấm dứt chiến tranh Đông Dương đến lúc ấy thì khỏe re, bất chiến tự nhiên thành, khỏi phải họp hành ký kết. Đó là một lỗi lầm tai hại của họ đưa tới trận đòn tàn khốc   nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh VN.

Tổng thống Nixon quan tâm trước hết chi phí chiến dịch Linebacker, máy bay, nhân lực gửi tới Đông Nam Á đè nặng lên ngân sách Ngũ giác đài, tổng cộng 4 tỷ vào giữa mùa thu và Bộ trưởng quốc phòng Melvin Lair đã khẩn khoản đề nghị Nixon xin Quốc hội một ngân khoản để trang trải. Kissinger và Nixon được biết lập pháp sẽ có thể nắm cơ hội để đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc chiến.

Quyết định và thảo kế hoạch.

Kissinger từ Paris về ngày 14-12-1972 ông bàn với Nixon sau đó gửi tối hậu thư cho Hà Nội đe dọa nếu BV không trở lại bàn hội nghị trong 72 giờ đồng hồ (3 ngày) sẽ đưa tới hậu quả nghiêm trọng. Cũng trong ngày Nixon ra lệnh phong tỏa cảng Hải Phòng bằng máy bay thả mìn và cho Bộ tư lệnh không quân nghiên cứu kế hoạch oanh tạc trong giới hạn 72 giờ. Nixon  bác bỏ lời Kissinger khuyên Tổng thống lên truyền hình thông báo chiến dịch, ông  lệnh cho Kissinger mở cuộc họp báo ngày 16-12 để nói cho dư luận biết hòa đàm bế tắc vì BV ngoan cố. Kissinger ám chỉ cho biết chính phủ sẽ có biện pháp mạnh.

Một trong những phương châm của Nixon là nếu đã dùng vũ lực thì phải tận dụng sức mạnh vô giới hạn, một khi đã áp dụng sức mạnh quân sự thì tốt nhất là phải đánh xả láng, once a decision had been made to apply military muscle, it was best to go all out (Walter Isaacson – Kisinger A Biography trang 468). Trước ngày mở oanh tạc, Nixon chỉ thị cho Đô đốc Moorer:  “Đây là cơ hội để ông xử dụng  hỏa lực quân sự hữu hiệu để thắng địch, nếu không ông sẽ chịu trách nhiệm” .

Nixon lấy Linebacker II để gấy thiệt hại tối đa về vật chất cho BV, trong khi Linebacker I tháng 5-1972 để phá hoại bộ máy quân sự BV, Nixon xử dụng Linebacker II để tiêu diệt tinh thần chiến đấu của địch cũng như để chứng tỏ cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy ông là con người thép (Larry Berman –  No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam, trang 215)

Thời hạn tối hậu thư đã qua, hai hôm sau vào ngày 18-12 , Mỹ mở cuộc oanh tạc Hà Nội. Về sau các sử gia nghiên cứu về cuộc chiến Đông Nam Á đồng ý với quan điểm của Nixon cho rằng BV ngoan cố không chịu trở lại phòng họp. Hai bên đã muốn thương thảo nhưng BV lại từ chối trở lại, họ chờ phiên họp sắp tới của Quốc Hội. Mục đích của TT Nixon không phải để thuyết phục BV mà để thuyết phục ông Thiệu, Nixon cho biết dù điều khoản của hiệp định ngưng bắn như thế nào, VNCH có thể tin vào lời hứa của ông sẵn sàng yểm trợ cho miền Nam khi BV vi phạm hiệp định.

Sau chiến dịch Linebacker I, Hoa Kỳ có 207 B-52 dành cho chiến trường Đông Nam Á, gồm 54 chiếc (mẫu B-52-D) đóng tại phi trường U-Tapao Thailan và 153 chiếc khác tại căn cứ Andersen, đảo Guam (gồm 55 chiếc B-52 D và 98 B-52G).

Chiến dịch  coi như xử dụng một nửa tổng số máy bay B-52 của Không đoàn oanh tạc cơ Mỹ, các vị chỉ huy của Bộ chỉ huy chiến thuật không quân miễn cưởng chấp nhận sự xử dụng những máy bay đắt giá và những phi hành đoàn huấn luyện tốn kém. Sự huy động một lực lượng máy bay B-52 lớn chưa từng thấy trong cuộc chiến và dự án tấn công đại qui mô quanh Hà Nội 20 km cho thấy thể hiện sự thay đổi lớn trong việc huy động lực lượng không quân.

Nhiều vị trong Bộ chỉ huy cũng đồng ý với chiến dịch bay vào màng lưới phòng không dầy đặc của BV hy vọng chứng tỏ các oanh tạc cơ có khả năng vượt qua hệ thống hỏa tiễn tinh khôn địa không SAM (surface-to-air missiles) do Nga chế tạo cũng như súng phòng không và máy bay nghênh chiến MIG. Lý do chính phải dùng B-52 cho chiến dịch thay vì phi cơ chiến thuật vì tháng 12 thuộc mùa mưa tại miền Bắc VN, thời tiết xấu gây khó khăn cho các phi cơ chiến thuật vì các máy bay này cần quan sát bằng mắt. B-52 có khả năng tham chiến dù thời tiết xấu cũng như tốt nên đã được chọn giữ vai trò then chốt cho chiến dịch này. B-52 đã được trang bị hệ thống bom vận hành theo radar và các máy bay yểm trợ. Các pháo đài bay này có thể tấn công mục tiêu hoặc với những bom có tia laser hướng dẫn khi thời tiết tốt hoặc dùng hệ thống oanh tạc do radar hướng dẫn.

Chiến dịch này lấy tên Linebacker II được phác họa tại Bộ chỉ huy không quân tại Omaha, Nebraska, vì giới hạn thời gian chỉ có ba ngày và qua kinh nghiệm của chiến dịch trước Linebacker I theo đó máy bay MIG nghênh chiến sẽ là mối đe dọa cho oanh tạc cơ Mỹ. Các vị chỉ huy ban kế hoạch cho máy bay tới Hà Nội làm ba đợt vào ban đêm, mỗi đợt cùng đi một đường, cùng cao độ, các oanh tạc cơ bay theo đội hình ba chiếc (cells) để tăng hiệu quả.

Mỗi khi ném bom xong các máy bay sẽ quay về phía tây mà Bộ tham mưu gọi là chuyển hướng sau mục tiêu (post-target turns, gọi tắt PTT), sự chuyển hướng này sẽ có hai hiệu quả không thuận lợi cho các oanh tạc cơ B-52 có thể hướng vào cơn gió mạnh ngược chiều, nó sẽ làm giảm tốc độ còn 185 km/giờ và sẽ kéo dài thêm thời gian ở tại mục tiêu có thể làm giảm hiệu quả đội hình cũng như trở thành bia cho radar của hỏa tiễn SAM dưới đất.

Trận mở đầu

Trong ba nhiệm vụ của chiến dịch như Bộ chỉ huy chiến dịch đã đề ra trong ba đêm liên tiếp bắt đầu từ 18-12-1972, đêm đầu tiên 129 máy bay được tung vào chiến dịch, trong đó 87 chiếc từ Guam, 39 chiếc yểm trợ thuộc Bộ tư lệnh không lực 7 (The seven air force), Lực lượng đặc nhiệm 77 Hải quân và Thủy quân lục chiến yểm trợ các oanh tạc cơ B-52 qua sự cung cấp các máy bay F-4 hộ tống, F-105 Wild Weasel để tiêu diệt hỏa tiễn SAM của BV, máy bay EB-66 thuộc không quân và EA-6 thuộc hải quân, máy bay chaff plane, loại máy bay thả những miếng kim loại dát mỏng (chaff) để gây rối loạn radar đối phương, (chaff = tiny strips of metal foil that are dropped to confused radar), KC-135 tiếp tế nhiên liệu trên không, và các máy bay giải cứu phi hành đoàn.

Mục tiêu của đợt thứ nhất là phi trường Kép, Phúc Yên và Hòa Lạc, một nhà kho tại Yên Viên trong khi đợt thứ hai và thứ ba tấn công các mục tiêu quanh Hà Nội. Ba máy bay bị rớt do khoảng 220 hỏa tiễn SAM của BV, trong số này hai chiếc B-52G từ Guam và một B-52D từ U-Tapao Thái lan, ngoài ra hai B-52 D từ Guam bị thương nặng cố lết về U-Tapao sửa chữa, chỉ có một phi hành đoàn của ba máy bay bị hạ được giải cứu, cũng tối hôm ấy một F-111 của không quân bị bắn hạ trong khi ném bom đài phát thanh Hà Nội.

Đêm thứ hai (19-12) có 97 phi vụ do  oanh tạc cơ B-52 tham dự, mục tiêu gồm sở Hỏa xa Kinh Nỗ và kho hàng lân cận, nhà máy nhiệt điện Thái Nguyên cũng như nhà ga Yên Viên. Mặc dù có khoảng 185 hỏa tiễn SAM do BV phóng lên và một số oanh tạc cơ bị hư hại vì trúng đạn nhưng không cái nào bị rớt. Bộ chỉ huy hy vọng đêm thứ ba, tức đêm cuối của chiến dịch cũng sẽ tốt đẹp như lần trước.

Mục tiêu thứ ba ngày 20-12 do 99 oanh tạc cơ thực hiện gồm ga xe lửa Yên Viên, nhà kho Yên Mỗ, nhà máy điện Thái Nguyên, địa điểm bốc rở hàng tại Bắc Giang, nhà ga Kinh Nỗ, kho nhiên liệu săng dầu tại cũng như gần Hà Nội.

Vì thấy đợt hai bị thiệt hại nhẹ, đợt ba được tiến hành y như trước đó là một lỗi lầm tai hại, phía Mỹ ra chiều tự mãn với phương thức trước. Trong đêm thứ ba BV cũng học được kinh nghiệm qua phương thức ấy, pháo đài bay B-52 khi tiến vào Hà Nội thấy MIG ở xa xa nhưng chúng không nghênh chiến mà chỉ để báo cáo cho dưới đất biết cao độ và tốc độ của máy bay Mỹ. Thế là BV cho bắn xả láng hỏa tiễn địa không và đại bác phòng không lên các máy bay Mỹ. Lộ trình tái diễn, ngựa quen đường cũ đã đưa tới thảm bại cho Mỹ, 6 B-52 bị bắn rơi trong đêm thứ ba (gồm hai B-52D và bốn B-52G), sự thiệt hại nặng của những B-52 trị giá 8 triệu đô la khiến Quốc Hội và người dân phẫn nộ, họ yêu cầu chấm dứt oanh tạc.

Vì đợt ba tái diễn như hai lần trước khiến phòng không BV đã có kinh nghiệm và phóng 300 quả lên mục tiêu, sáu B-52G và ba B-52D bị thiệt hại trong đợt tấn công thứ nhất và thứ ba, một B-52D quay về Thái Lan bị rớt ở Lào. Chỉ có hai trong số tám người của phi hành đoàn được cứu thoát. Chiến dịch gây phản ứng dữ dội, Bộ chỉ huy không quân bị áp lực nhiều phía: “Chấm dứt cuộc tắm máu này!” nhiều sĩ quan cao cấp trong Bộ chỉ huy không quân cho rằng ta có thể mất nhiều oanh tạc cơ và thuyết ưu thế của không quân có thể vô nghĩa.

Vấn đề chính ở chỗ chiến thuật của Bộ chỉ huy không ghi nhận sự đe dọa của máy bay MIG trong ba đợt của chiến dịch. Chiến thuật không thay đổi vể đường bay, cao độ, đội hình, thời gian. Các vị chỉ huy giải thích sự không thay đổi ấy sẽ thuận lợi cho các phi hành đoàn B-52 không có kinh nghiệm bay vào một trận địa nguy hiểm. Nhà sử gia về không quân Earl Tilford lại có ý kiến khác:

“Sau nhiền năm oanh tạc những khu rừng không phòng ngự và thói quen phác họa kế hoạch chiến tranh nguyên tử đã nuôi dưởng một định kiến trong tư tưởng các vị chỉ huy suýt đưa tới tai họa… chiến thuật nghèo nàn kết hợp với tính tự tin quá cao đã khiến cho mấy đợt bay tấn công đầu tiên của chiến dịch thành cơn ác mộng cho các phi hành đoàn B-52”

(Wikipedia, Operation Linerbacker II)

 

Tổng thống Nixon cho lệnh tiếp tục sau ba ngày kể trên. Thay đổi thứ nhất ta thấy được do các vị chỉ huy tại Mỹ phân biệt sự khác biệt giữa các cơ phận radar của các mẫu B-52 (B-52G, B-52D), thiết bị trên mẫu G được xử dụng để ứng phó với các dàn phòng không tinh khôn, tối tân do Nga chế tạo, nó không phải để ứng phó với các hỏa tiễn SAM-2 xưa cũ và hệ thống radar của BV. Các vị chỉ huy không quân tại Omaha nhấn mạnh chỉ có máy bay tại U-Tapao được trang bị các bộ phận tinh khôn mới được đưa vào trận địa tại BV. Do đó các đợt tấn công sau sẽ bị cắt giảm về tầm vóc (số lượng máy bay) mặc dù chiến thuật không thay đổi.

Tối thứ tư 21-12-1972 của chiến dịch, 30 chiếc oanh tạc cơ từ U-Tapao đến thả bom kho hàng thuộc địa phận Hà Nội, Văn Điển, phi trường Quảng Tề. Hai oanh tạc cơ bị hỏa tiễn SAM bắn rớt. Đêm hôm sau 22-12 mục tiêu được chuyển từ Hà Nội xuống Hải Phòng nhắm vào kho săng dầu nhiên liệu. Lần này cũng 30 máy bay tham dự trận đánh, không bị thiệt hại về B-52 nhưng một F-111 bị bắn rớt xuống nhà ga Kinh Nỗ.

Ngày 22-12 một cánh của bệnh viện Bạch Mai ngoại ô Hà Nội bị một chuỗi bom lạc đánh trúng. Sự thiệt hại đã khiến BV và các nhà phản chiến Mỹ la ó lên, bệnh viện này cách đường bay của phi trường Bạch mai 100 mét và một kho quân sự chỉ cách đó chưa tới 200 mét , bệnh nhân đã được di tản nhưng không may 28 bác sĩ, y tá, dược sĩ bị thiệt mạng.

Hai ngày trước Giáng Sinh, các vị chỉ huy không quân đưa các căn cứ SAM và các phi trường vào danh sách mục tiêu, máy bay F-111 của Không quân được đưa tới trước khi oanh tạc cơ đến để giảm mối nguy của máy bay địch lên nghênh chiến. F-111 đã rất thành công trong chiến dịch tiêu diệt các dàn hỏa tiễn địa không của BV.

Đêm thứ sáu 23-12 các oanh tạc cơ cũng tránh Hà Nội và tấn công các vị trí hỏa tiễn địa không tại phía bắc thành phố và ga xe lửa Lạng Đăng. Không bị thiệt hại máy bay nào, đêm hôm sau cuộc hành trình may mắn (cũng tránh Hà Nội) tiếp tục. Ba mươi oanh tạc B-52 cơ được 69 phi cơ chiến thuật yểm trợ tấn công nhà ga Thái Nguyên và Kép, không có máy bay nào của Mỹ bị mất trong chiến dịch này.

Mặc dù B-52 đảm nhiệm vai trò chính nhưng các phi cơ chiến thuật cũng rất tích cực trong việc yểm trợ. Trong khi các pháo đài bay và phi cơ  F-111 thực hiện các phi vụ trong ban đêm, trung bình 69 máy bay chiến thuật  của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến tấn công ban ngày, trung bình gần 100 phi xuất một ngày. Sự thiệt hại của những phi cơ này rất nhẹ, chỉ hơn mười chiếc trong toàn bộ chiến dịch, lý do cũng không có gì khó hiểu vì phòng không BV chỉ đợi ban đêm mới chống trả dữ dội các mục tiệu xuất hiện.

Trận cuối

Sau trận oanh kích ngày 24 -12-1972, chiến dịch tạm ngưng 36 giờ nghỉ lễ Giáng Sinh 1972, trong khi đó các nhà kế hoạch gia không quân làm việc, họ duyệt lại chiến thuật cho giai đoạn kế tiếp tức giai đoạn chót. Vì bị thiệt hại ở giai đoạn đầu nên họ dự trù một cuộc tấn công dữ dội vào các phi trường BV khi bắt đầu tấn công trở lại. Giai đoạn này cũng cần thiết, từ ngày Giáng Sinh hầu hết các mục tiêu chiến thuật của BV đã bị ném bom tan nát . Sau đó các vị chỉ huy đã giao kế hoạch chiến thuật cho các  giới chức Không quân thuộc cấp tại Không Lực Tám (Eighth Air Force) đóng tại Guam, ở đây cấp chỉ huy nhanh chóng duyệt lại chiến thuật đã có nhiều  thiệt  hại trước đây.

Nay thay vì tấn công nhiều đợt, các oanh tạc cơ có thể đánh và rút tại mục tiêu trong vòng 20 phút, các pháo đài bay này có thể đến từ nhiều hướng và nhiều cao độ khác nhau. Các oanh tạc cơ có thể tùy nghi muốn rút theo đường nào thì rút, kế hoạch rút về hướng tây (post-target turns) trước đây bị loại bỏ. Các pháo đài bay đến từ bảy địa điểm khác nhau sẽ tấn công mười mục tiêu trong phạm vi Hà Nội, Hải Phòng, trong đó có bốn địa điểm từ vịnh BV.

Ngày 26 -12-1972, tổng cộng 120 oanh tạc cơ cất cánh ném bom ga xe lửa Thái Nguyên, Kinh Nỗ, đường xe lửa Đức Nội, Hà Nội, Hải Phòng và khu nhà ga Vân Điển, 78 oanh tạc cơ xuất phát từ Anderson (Guam), đó là trận oanh tạc “trong một lần” lớn nhất trong lịch sử của Bộ chỉ huy chiến dịch, 42 chiếc khác từ Thái Lan. Các oanh tạc cơ được 113 máy bay chiến thuật yểm trợ như thả những miếng lá kim loại dát mỏng phá rối radar BV, hộ tống, phá hủy các dàn hỏa tiễn địa không…

Hệ thống phòng không của BV mặc dù còn hữu hiệu nhưng bị tràn ngập bởi số lượng máy bay lớn cũng như  rất khó tìm ra máy bay trong khoảng thời gian ngắn và bị màn dầy đặc của các miếng kim loại dát mỏng do máy bay chiến thuật thả xuống. BV đã bắn lên khoảng 950 hỏa tiễn trước đây, kho tên lửa nay đã gần cạn, họ chỉ bắn lên được 68 quả SAM trong chiến dịch này. Một B-52 bị hạ gần Hà Nội, một cái khác bị hư hại nặng quay đầu về U-Tapao bị hủy hoại, chỉ có hai người trong phi hành đoàn sống sót.

Tối sau 27-12-1972 có 60 oanh tạc cơ tiến hành chiến dịch, một số tấn công các vị trí hỏa tiễn địa không, số  còn lại đánh phá đường xe lửa Lạng Đăng, Đức Nội, Trùng Quang và Văn Điển. Một B-52 bị thương nặng khiến phi hành đoàn nhẩy dù xuống Lào được cứu thoát, một chiếc khác không may khi oanh tạc ga xe lửa Trùng Quang bị trúng đạn. Trong chiến dịch  ban đêm hai phi cơ F-4 và một máy bay trực thăng cấp cứu HH-53 bị bắn rơi.

Ngày thứ 10 tức 28-12-1972 tổng cộng có 60 B-52 trong đó 15 chiếc loại G và 15 loại D từ Anderson, Guam, và 30 chiếc loại D từ U-Tapao, các máy bay tấn công năm mục tiêu làm sáu đợt, trong đó bốn đợt đánh vào các mục tiêu thuộc địa phận Hà Nội (gồm cơ sở cung cấp hỏa tiễn địa không), trong khi đó đợt năm đánh ga xe lửa Lạng Đăng ở Tây Nam Lạng Sơn, một số lớn các tuyến đường vận tải từ Trung Cộng. Không có máy bay nào bị rớt trong chiến dịch này.

Ngày thứ 11 tức ngày 29-12 là trận oanh tạc chót cùng, chỉ còn một ít mục tiêu chiến lược còn lại tại BV đáng lưu ý, tuy nhiên còn hai kho hỏa tiễn SAM tại Phúc Yên và ga xe lửa Lạng Đăng có thể oanh tạc được. Tổng cộng 60 chiếc máy bay lại tiến về Bắc nhưng thay đổi việc chọn lựa loại mẫu. U-Tapao lại cung cấp 30 mẫu D, lực lượng từ Anderson thay đổi, đưa 12 mẫu G và 18 mẫu D trên không phận BV, cuối cùng 30 B-52D làm nhiệm vụ oanh tạc trên vùng cán chảo BV và phía Nam VN, lần này cũng không có máy bay nào bị phòng không, máy bay MIG của BV hay hỏa tiễn bắn hạ

Thương lượng và ký kết.

Ngày 22-12-1972 Hoa Kỳ kêu gọi Hà Nội trở lại bàn hội nghị để bàn thảo những khoản đã đề ra từ tháng 10. Ngày 26-12, Hà Nội báo cho Hoa Thịnh Đốn họ muốn nhấn mạnh cho Nixon biết oanh tạc không phải là lý do để quyết định, Bộ chính trị BV cho biết ngưng oanh tạc không phải là điều kiện tiên quyết cho cuộc đàm phán. Nixon trả lời ông muốn các cuộc đàm phán về kỹ thuật, thủ tục bắt đầu ngày 2-1-1973 và ông sẽ ngưng oanh tạc nếu BV đồng ý. Họ thỏa thuận và Nixon ngưng chiến dịch dội bom trên vĩ tuyến 20 từ ngày 29-12. Kế đó ông báo cho Kissinger chấp nhận những điều khoản đã có từ tháng 10 để ký Hiệp Định. Thượng nghị sĩ Henry Jackson thuộc Dân chủ, tiểu bang Washington khuyên Tổng thống Nixon nói chuyện trên truyền hình cho nhân dân biết chúng ta oanh tạc BV để buộc họ trở lại bàn hội nghị.

Nay vấn đề trở ngại là sự đồng ý của TT Thiệu, Nixon cố gắng trấn an ông bằng lá thư ngày 5-1-1973 rằng:

“Xin cam kết với ông chúng tôi sẽ tiếp tục yểm trợ trong thời gian sau khi ký kết và sẽ trả đũa hết mình nếu BV vi phạm thỏa hiệp”

(Wikipedia, Operation Linebacker II)

Theo Walter Isaacson trong Kisinger, A Biography trang 486, những thư cam kết do Kissinger bí mật soạn cho TT Nixon không hỏi ý kiến Quốc hội, lý do không có gì khó hiểu: Kissinger biết rõ nếu đưa ra công luận bàn bạc sẽ bị Thượng viện đánh chìm ngay. Tuy nhiên ông Thiệu vẫn không chịu, ngày 14-1-1973, TT Nixon phải hăm dọa:

“Tôi đã nhất quyết tiến hành ký Hiệp Định vào ngày 23-1-1973. Nếu cần tôi sẽ đơn phương ký với họ.

(Wikipedia, Operation Linebacker II)

Trong No More Vietnams trang 167 Nixon cũng nói

“Chỉ khi chúng tôi tuyến bố nếu cần chúng tôi sẵn sang ký Hiệp định dù ông  không ký thì lúc ấy ông ấy miễn cưỡng phải ký”     

TT Nixon cũng đã nói cho ông Thiệu biết nếu miền Nam không chịu ký kết Hiệp định, gây trở  ngại cho hoà đàm thì Quốc Hội Mỹ sẵn sàng ra luật chấm dứt chiến tranh tháng 1-1973, cắt đứt viện trợ  bỏ rơi VNCH để đánh đổi lấy 580 tù binh Mỹ tại Hà Nội. Theo Nixon từ 1969  Quốc hội  Mỹ đã nhiều lần định bỏ rơi VNCH để đổi lấy hoà bình .

Một ngày trước thời hạn, TT Thiệu đành phải chấp thuận thỏa ước sự thực cũng không làm gì hơn được.

Ngày 9-1-1973 Kissinger và Lê Đức Thọ trở lạiParis, thỏa thuận giữa Mỹ và BV về cơ bản chính là cái bản sơ thảo hai bên đã đạt được từ hơn ba tháng trước (tức từ tháng 10-1972). Những yêu cầu do Mỹ thêm vào từ tháng 12-1972 đã bị loại bỏ nói khác đi bất lợi cho Mỹ. John Negroponte, một trong những phụ tá của Kissinger đã gay gắt nói trong khi hai bên thương lượng như sau:

“Chúng ta oanh tạc BV để họ phải chấp nhận sự nhượng bộ của chúng ta”

     (We bombed the North Vietnamese into accepting our concessions – Wikipedia, Operation Linebacker II)

 Khu phi quân sự do Hiệp định Genève ấn định từ 1954 không được coi là biên giới giữa hai nước. Việc yêu cầu quân đội BV rút khỏi miền Nam VN về Bắc không thấy ghi một tí nào trong Hiệp định, tuy nhiên Lê Đức Thọ có hứa miệng với Kissinger sẽ rút 30,000 quân  CSBV về Bắc.

Yêu cầu ngưng bắn cho toàn cõi Đông dương không được ghi trong Hiệp Định, một lần nữa Kissinger lại hài lòng với lời “thỏa thuận miệng” (verbal understanding) rằng ngưng bắn tại Lào sẽ được thực hiện cùng lúc hoặc sau VNCH một chút. Thỏa thuận vềCambốt không được đặt ra vì tại nơi đây nay BV không có tí ảnh hưởng nào đối với Khmer đỏ.

Hiệp ĐịnhParisđược ký tại khách sạn Majestic tạiParisngày 27 tháng giêng năm 1973.

Hậu quả.

Trong chiến dịch Linebacker II tổng cộng có 741 phi xuất B-52 để oanh tạc Hà Nội và 729  phi vụ đã thực hiện xong. Có 15,237 tấn bom đạn đã được ném xuống 18 mục tiêu về kỹ nghệ và 14 mục tiêu quân sự kể cả tám căn cứ hỏa tiễn địa không (SAM), trong khi đó các máy bay chiến thuật cũng đã ném xuống 5,000 tấn bom đạn. Cùng thời gian này có 212 phi vụ B-52 được thêm vào tại Nam VN để yểm trợ cho các chiến dịch dưới đất, 10 B-52 đã bị bắn rớt ngoài Bắc và năm chiếc khác bị thương rớt ở Lào hoặc Thái lan, 33 quân nhân thuộc các phi hành đoàn B-52 đã bị thiệt mạng hoặc mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ, 33 người khác bị bắt làm tù binh và 26 ngươi khác đã được cứu vớt. Bắc Việt cho biết họ đã bắn hạ 34 chiếc B-52, 4 chiếc F-111 trong suốt chiến dịch.

769 phi vụ phụ thêm do Không Lực và 505 phi vụ do  Hải Quân và Thủy quân lục chiến để yểm trợ cho các pháo đài bay B-52, có 12 máy bay bị thiệt hại trong chiến dịch gồm: Hai F-111, ba F-4, hai A-7, hai A-6, một EB-66, một trực thăng cấp cứu HH-53, một thám thính RA-5C, trong chiến dịch này mười (10) phi công bị thiệt mạng, tám (8) bị bắt, mười một (11) được cứu thoát.

Toàn thể thiệt hại của chiến dịch là 27 chiếc gồm 15 B-52 và 12 máy bay chiến thuật: Không quân mất 15 B-52, hai F-4, hai F-111, một EB-66 và một trực thăng cứu nạn HH-53. Hải quân mất hai A-7, hai A-6, một RA-5, và một F-4. Trong số tất cả máy bay bị bắn rơi có mười bẩy (17) chiếc bị bắn rớt vì hỏa tiễn SA-2, ba (3)  chiếc bị máy bay MIG của BV bắn rơi ban ngày, ba (3) chiếc do đại bác phòng không, bốn chiếc không rõ nguyên do. Tổng cộng có tám (8) máy bay MIG bị bắn rớt trong đó hai chiếc do đại liên phòng không ở đuôi B-52 hạ.

Thiệt hại về vật chất hạ tầng cơ sở của BV rất nặng nề: Không quân ước lượng 500 đường xe lửa bị đình chỉ hoạt động, 372 toa xe lửa và ba triệu gallons săng dầu bị phá hủy, 80% điện năng của BV bị hư hỏng. Nhập lượng tiếp liệu vào BV được tình báo Mỹ đánh giá là 160,000 tấn hàng tháng khi mới tiến hành chiến dịch. Đến tháng 1-1973, nhập lượng này đã tụt xuống còn 30,000 tấn, vào khoảng năm lần. Mặc dầu Hà Nội la làng “Mỹ đã trải thảm bom lên nhà thương, trường học, các khu dân cư, phạm vào những tội ác man rợ đối với nhân dân ta”, nhưng chính họ đã cho biết toàn bộ chỉ có 1,624 người thường dân bị thiệt mạng.

Với khoảng 20,000 tấn bom được thả xuống Hà Nội, Hải Phòng, sự  thiệt hại dân sự tương đối nhẹ, chỉ có 1,318 người tại Hà Nội và 306 người tại Hải Phòng thiệt mạng, nếu so sánh với chín ngày oanh tạc thành phố Hamburg, nước Đức năm 1944, chỉ có vào khoảng chưa tới 10,000 tấn bom được ném xuống mà có tới 30,000 người bị giết.

Nhiều giới chức trong Không quân cho rằng nếu năm 1965 mà cũng đánh cho BV tan nát như Giáng Sinh năm 1972 thì đã thắng rồi, họ sai lầm ở chỗ năm 1972 chiến tranh đến thời kỳ kết thúc và trận oanh tạc này chỉ là  cú đấm cuối cùng. Ngoài ra bang giao của Mỹ với Nga, Trung Cộng đã thay đổi nhiều trong những năm có hòa đàm với BV, oanh tạc mạnh năm 1965 có thể lôi kéo CS quốc tế vào cuộc chiến và có thể leo thang đi tới chiến tranh nguyên tử, nay kỳ hạn hòa bình đã thay đổi và Hoa Kỳ không còn muốn chiến thắng nữa, họ chuyễn sang rút bỏ.

Nhận xét

Như thế trận mưa bom Giáng sinh long trời lở đất năm 1972 có mục đích chính là để đưa BV trở lại bàn hội nghị. Sau ngày 30-4-1975 nhiều người ở miền Bắc vàoNamcho biết nếu Mỹ ném bom thêm một tuần nữa thì BV sẽ phải đầu hàng vì chịu không nổi. Gần đây có nguồn tin một cựu nhân viên FBI tên Ted Gunderson tiết lộ rằng một sĩ quan lãnh sự Mỹ lãnh sự tại VN đã nghe vào đầu xuân năm 1973 từ phòng truyền tin tại Sài Gòn lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Bắc Việt trong trận oanh tạc của Mỹ đầu xuân 1973 (tức trận oanh tạc Giáng sinh 1972), thế nhưng CIA đã thay thế toàn bộ nhân viên của phòng truyền tin và ém nhẹm đi tin này để cho sự điều đình giữa Tổng thống Nixon và Mao được xúc tiến và dâng miền Nam cho CS qua Hòa đàm Paris.

Tin đồn do những người ngoài Bắc đem vào Nam và tin của Ted Gunderson hoàn toàn sai lạc vô căn cứ, trước hết TT Nixon cho oanh tạc BV là để đưa họ trở lại bàn hội nghị như đã nói ở trên, họ chỉ muốn ký hiệp định Paris rồi rút quân về nước (The terms of peace had also changed as the United States went from wanting victory to settling for an easy exit – Wikipedia, Linebacker II bombing raid).       

“Nhưng ý định của Hoa Kỳ trong cuộc dội bom phủ đầu năm 1972 không còn ý nghĩa quân sự nữa mà cuộc dội bom chỉ là một thái độ chính trị: Hoa Kỳ chỉ muốn CSVN trở lại hội nghị, kết thúc cuộc chiến trên giấy tờ, để Hoa Kỳ có thể rút khỏi Việt Nam – dù hiệp ước đó có bất lợi cho Hoa Kỳ và VNCH đến đâu. Và Hoa Kỳ đã đạt được ý định sau 11 ngày dội bom”

(Nguyễn kỳ Phong ,Vũng Lầy Của Bạch Ốc, trang 300)

Ngoài ra đối với BV, Mỹ không có tư cách để buộc họ phải đầu hàng như đã buộc Nhật đầu hàng năm 1945. Đối với VN, Mỹ tham chiến chỉ  là để trợ giúp VNCH tự vệ chống CS, giữ toàn vẹn lãnh thổ miền Nam chứ không phải để chiếm miền Bắc. Chúng ta cũng cần lưu ý mặc dù BV bị các pháo đài bay B-52 đánh nhừ tử thừa sống thiếu chết, các hạ tầng cơ sở BV bị bắn phá tan tành gần sập tiệm thế mà họ vẫn đòi được Mỹ phải nhượng bộ tại bàn hội nghị như đã nói ở trên.

Hiệp định ký kết vẫn chỉ là những thỏa thuận cũ từ tháng 10-1972. Bắc Việt lỳ lợm như thế thì thử hỏi đến bao giờ họ mới chịu hàng, cho dù cuộc oanh tạc có tiêu diệt hàng trăm nghìn người thường dân vô tội hoặc hơn thế họ cũng chẳng quan tâm. Trong thời gian chiến tranh Lê Duẫn đã từng nói sẵn sàng nướng thêm một hai triệu người nữa để tiếp tục chiến đấu.

Năm 1989 tác giả bài viết này có dịp nói chuyện với một Trung tá CSBV đã giải ngũ về cuộc oanh tạc Giáng sinh 1972, ông ta bảo:

“Bây giờ hết coi là bí mật thì tôi mới dám nói, ngay hôm máy bay Mỹ ném bom dữ dội, các đường dây diện thoại bị đứt hết, trung ương mất liên lạc với địa phương, sau mười ngày oanh tạc, hai bên cùng đuối và rồi Mỹ phải ngưng cuộc tấn công”.     

 

Trong phim VietNam a Television History (Việt Nam Thiên Sử Truyền Hình) do các ký giả, sử gia Mỹ, Anh, Pháp thực hiện đã được chiếu ở VN giữa thập niên 80,  đoạn nói về Mỹ ngưng ném bom như sau:

“Cuối tháng 12-1972 Hoa Kỳ ngưng ném bom BV, không phải vì bị thế giới lên án, cũng không phải vì người dân Mỹ biểu tình chống đối mà vì sự thiệt hại nặng nề của không quân trong chiến dịch này”.

Ý kiến của cựu Trung tá CS và nhận định của cuốn phim như trên đều không đúng sự thật, như đã nói ở trên phòng không của BV cuối tháng 12 đã hoàn toàn kiệt lực, số tên lửa tồn kho đã cạn sạch khiến họ phải xin chịu ngồi vào bàn hội nghị, vả lại “Chiến thuật Lì” không còn ăn khách, hiệu lực . Mỹ ngưng oanh tạc cũng vì các mục tiêu để đánh phá cũng không còn, hạ tầng cơ sở BV đã bị oanh tạc tan nát hết, không còn gì để triệt hạ nữa.

(The final two days of Linebacker II encountered only one problem: a lack of suitable targets –Wikipedia,  Linebacker II bombing raid).    

“Người Mỹ ký hiệp định Ba Lê với mục đích rút ra khỏi vũng lầy VN đồng thời trao đổi tù binh Mỹ. Quyền lợi chính của miềnNamkhông được chú trọng đến. Hiệp địnhParisđược ký kết để tránh cho nước Mỹ khỏi phải cấu xé nhau tan nát.

Trong trận oanh tạc long trời lở đất mùa Giáng Sinh năm 1972, Nixon đã một công đôi chuyện, vừa bắt BV trở lại bàn hội nghị và vừa đánh phá tan tành hạ tầng cơ sở miền Bắc như đã nói ở trên: phi trường, nhà ga, kho hàng, tiếp liệu bị hủy hoại. Nixon đã đánh  BV tan nát để sau khi Mỹ rút đi họ sẽ không có khả năng xâm lược miềnNam, như thế ông ta cũng đã làm hết sức mình để cứu vãn sự sụp đổ củaVNCH.

Theo Nixon (trong No more Vietnams), sau khi ký Hiệp định Paris, VNCH mạnh hơn miền Bắc vì CSBV bị tổn thất quá nặng trong trận  mùa hè đỏ lửa 1972, khoảng từ 70 ngàn cho tới 100 ngàn cán binh bị thiệt mạng, 75% số xe tăng bị bắn cháy. Cộng thêm trận oanh tạc Giáng sinh 1972, BV bị kiệt quệ về vũ khí đạn dược. Nhưng sau Hiệp định, Hà Nội  lại được  CS quốc tế viện trợ đều đặn và dồi dào trong khi  Quốc hội Mỹ đã cắt giảm viện trợ xương tủy VNCH đưa tới sụp dổ tháng 4-1975

Trong trận oanh tạc Giáng Sinh 1972 kể trên BV đã đủ sức chống trả và gây thiệt hại đáng kể cho không lực của một siêu cường thì ta mới thấy CS quốc tế đã viện trợ cho BV dồi dào như thế nào, có người cho rằng Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã viện trợ quân sự cho BV để đánh nhau với Mỹ chứ không phải để đánh nhau với VNCH.

Theo bản tin BBCVietnamese.com ngày 10-5-2006: Trong  buổi hội thảo của Viện Lịch Sử Quân Sự CSVN tổ chức tại Sài Gòn ngày 14 và 15-4-2006, hai “đồng chí” Lê Quang Lạng và Trần Tiến Hoạt đã công bố nguồn viện trợ quân sự của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em cho CSVN trong cuộc chiến tranh 1954-1975. Họ cho biết về tên lửa Liên xô đã viện trợ 10,169 quả, về máy bay chiến đấu Liên Xô viện trợ 316 chiếc, Trung Quốc anh em 142 chiếc. Trong giai đoạn 1969-1972, BV đã nhận được 684,666 tấn hàng viện trợ vũ khí và trang bị kỹ thuật, giai đoạn 1973-1975 BV nhận được 649,246 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật như thế CS quốc tế vẫn viện trợ cho BV dồi dào từ đầu tới cuối cuộc chiến.

Hoa Kỳ không cung cấp cho miềnNamđủ hỏa lực để có thể tự vệ chông lại một đối phương quá hùng mạnh đã được trang bị những vũ khí hiện đại dồi dào cả về phẩm lẫn lượng. Đa số các sách báo Mỹ viết về chiến tranh ViệtNam(như Walter Isaacson trong Kisinger, A Biography trang 488)  nhận định rằng VNCH không thể tự đứng vững mà họ phải dựa vào quân đội Mỹ và khi Mỹ rút đi miềnNamsụp đổ.

Độc giả Mỹ, người dân Mỹ hiểu rằng quân đội miềnNamkhông đủ sức tự vể. Sự thực có phải quân đội VNCH tác chiến thua kém quân đội BV không? Các Tướng lãnh miền nam thua tài thao lược so với các Tướng miền Bắc? hoàn toàn không.

Có một sự thực mà hấu như không thấy người Mỹ, tác giả Mỹ nào chịu công nhận: hỏa lực Hoa Kỳ cung cấp cho miền Nam hầu như luôn luôn thua kém hỏa lực hùng hậu mà CS quốc tế cung cấp cho BV, hay nói khác  đi Hoa Kỳ đã không chạy đua kịp với CS quốc tế về quân viện cho chiến trường Việt nam, đưa tới hậu quả sụp đổ  ngày 30-4-1975.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

———————————

Tài Liệu Tham Khảo

 

Wikipedia: Operation Linebacker II

The Hauenstein Center for Presidential: Nixon and the Christmas bombing.

AirSpacemag.com, Military Aviation: The Christmas bombing.

Commondreams.org: The Christmas bombings, by James Carrell.

Namvets.com: Vietnamese remember Christmas from hell.

U.S Centenial of flight commission: Linebacker II bombing raid.

History.com, History made every day: Nixon announces start of Christmas bombing ofNorth Vietnam.

History.com: Statistic about the Vietnam war.

Digital History: Nixon andViet Nam.

Wikipedia: Opposition to theUSinvolvement in the Vietnam war.

Walter Isaacson: Kisinger, A Biography , Simon & Schuter 1992

Larry Berman: No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal inVietnam,  The Free Press 2001.

Richard Nixon:No MoreVietnams, Arbor House,New York1985.

The Word Almanac Of The Vietnam War: John S. Bowman – General Editor, A Bison-book 1985.

James H.Willbanks:Vietnamwar Almanac, Facts on file – 2009

StanleyKarnow:Vietnam, A History, A Penguin Books 1991.

Marilyn B. Yuong, John J. Fitzgerald, A. Tom Grunfeld: The Vietnam War, A history in documents, Oxford University Press 2002.

Lam Quang Thi: Autopsy The Death OfSouth Viet Nam, 1986, Sphinx Publishing

Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh: BBCvietnamese.com, 10-5-2006

Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh ViệtNam1945-1975, Tiếng Quê Hương 2006.

Nguyễn Kỳ Phong: Tự Điển Chiến Tranh ViệtNam, TựÏ Lực 2009.

Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh ViệtNamToàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.

Đặng Phong: 5 Đường Mòn Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trí Thức, Hà Nội 2008

Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh, 2005.

 

 

36 Phản hồi cho “Trận mưa bom Giáng sinh”

  1. Trung Kiên says:

    Nếu bạn Nguyen V N không nhắc đến tên Trọng Đạt bên bài “Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam năm 1965” và cho biết chính tác giả Trọng Đạt đã viết này…thì tôi đã không vào đọc, vì cái tựa đề…”Trận mưa bom Giáng sinh” nghe sao phản cảm quá!

    Nội dung bài viết chẳng có gì mới mẻ, tác giả dựa khá nhiều vào Wikipedia, mà theo tôi thì, những người Việt viết ở đây đa phần thuộc chế độ hiện nay, họ được hưởng lương bổng để gọt giũa những bài viết có lợi cho chế độ csvn như một hình thức tuyên truyền! (văn ngôn đã tiết lộ điều này)

    Trong lúc tình hình VN đang sôi động về Biển Đông, TQ cắt cáp tầu Binh Minh và Viking 2 của VN, nhà cầm quyền csvn đàn áp, bắt giam những người biểu tình chống TQ xâm lược, và nhất là chuyện VN đón tiếp Tập Cận Bình không bằng cờ VN, mà là cờ TQ được vẽ thêm sao, gây nên làn sóng phẫn nộ của người Việt ở trong nước cũng như hải ngoại…

    …thì “Trận mưa bom Giáng sinh” của Trọng Đạt phải chăng là để lấp liếm, kéo thu hút và làm giảm đi những ý kiến bức xúc cho những “Điểm nóng” ở VN ???

    Cũng cần phải hiểu rằng, cuộc chiến tranh VN đã chấm dứt hơn 36 năm rồi, mà điểm chính là; Mỹ chỉ dùng cuộc chiến để “mạc cả” để đạt đến lợi nhuận (quyền lợi) mà họ nhắm đến!

    Chúng ta phải biết điều này, đừng quá dựa dẫm và tin tưởng tuyệt đối vào ngoại bang, (như với 16 chữ vàng (dẻo) và 4 tốt (đểu)…mà hãy ý thức trách nhiệm và cố gắng đứng bằng đôi chân của mình, đoàn kết để tạo ra nội lực, chống bọn hại dân bán nước (hán gian) và bảo vệ TỒ QUỐC trước sư hăm he xâm lược của bá quyền phương Bắc!

  2. Minh Đức says:

    Trận mưa bom Giáng Sinh cũng được gọi là Trận Điện Biên Phủ Trên Không. Cái tên gọi cho thấy chính quyền miền Bắc muốn cho người dân biết rằng vì thất bại và thiệt hại quá nặng trong việc ném bom Hà Nội nên Mỹ phải chịu ngồi vào bàn hội nghị và rút quân ra khỏi Việt Nam.

    Vụ ném bom này thời xưa tại miền Nam báo chí cũng có loan tin. Vào thời đó, báo không viết chi tiết như bài này nhưng cũng đưa ra con số máy bay B-52 bị rơi mỗi ngày và lý do ném bom, nghĩa là để cho phía Bắc Việt quay trở lại bàn hội đàm Ba Lê. 40 năm sau, các tài liệu cho thấy báo chí miền Nam lúc đó loan tin về thiệt hại của B-52 khá chính xác.

    Sau 75, người dân miền Nam được học chính trị, nghe các cán bộ tả về Trận Điện Biên Phủ Trên Không với chi tiết khác. Số máy bay B-52 bị bắt rơi lên đến hàng trăm. Đó là lối phóng đại của guồng máy tuyên truyền miền Bắc thời đó cũng như con số các máy bay Mỹ mà miền Bắc loan báo bắn đã rơi cộng lại nhiều hơn tổng số máy bay mà Mỹ đã dùng để ném bom miền Bắc. Các cán bộ giảng chính trị dĩ nhiên là không nói gì đến vụ Lê Đức Thọ đòi Mỹ phải nhượng bộ thêm và sau trận bom này Lê Đức Thọ chịu ngồi vào bàn hội đàm với điều kiện cũ, bỏ đi những đòi hỏi thêm. Mà bản thân các cán bộ này cũng chưa chắc biết điều đó. Và chắc các cán bộ đó cũng không biết là cuối cùng, miền Bắc cạn hết cả SAM không còn bắn lên được hỏa tiễn nào vào những đêm cuối cùng. Lối ca ngợi Trận Điện Biên Phủ Trên Không này làm cho nhiều người miền Nam chưng hửng vì nó khác xa với sự thật.

    Bài viết này cho thấy đó không phải là Trận Điên Phủ Trên Không, vì vụ ném bom này không phải là yếu tố quyết định khiến Mỹ phải rút quân giống như là Pháp bị thua trong trận Điện Biên Phủ nên phải rút . Thật ra Mỹ đã có ý định rút quân từ trước rồi nhưng có một số vấn đề Hà Nội muốn đòi thêm nên mới sinh ra vụ ném bom. Đó không phải là một chiến thắng như Điện Biên Phủ vì cuối cùng, Hà Nội không còn hỏa tiễn SAM để bắn thì đâu gọi là chiến thắng. Nếu Mỹ tiếp tục dội bom thì Hà Nội sẽ bị san bằng, sẽ không còn Văn Miếu, Lăng Hồ Chí Minh, Hội Trường Ba Đình, Bắc Bộ Phủ.. Đó là lý do Lê Đức Thọ phải trở lại bàn hội nghị nhưng vẫn nói cứng là không phải vì bị dội bom mà phải họp lại.

    Với thời gian, sự thật hiện ra dần. Trong bài này nói con số thường dân bị thiệt mạng là 1,624 người. Nhưng vào hồi sau 75 thì có người nói vụ dội bom vào khu phố Khâm Thiên làm 4000 người chết. Sau này, các ký giả ngoại quốc lấy đâu ra con số người bị chết trong vụ dội bom Khâm Thiên là chỉ khoảng hơn 100 người. Khu Khâm Thiên tuy đông người nhưng lúc đó mọi người hoặc đã đi sơ tán hoặc chạy xuống hầm trú ẩn nên số người thiệt mạng không cao. Khi bị ký giả ngoại quốc chất vấn tại sao có sự khác biệt quá lớn giữa con số người thiệt mạng thật sự và con số chính quyền loan báo thì ông Phạm Văn Đồng trả lời là vì lúc đó chiến tranh niên không có thống kê chính xác. Nhưng sai số giữa 100 và 4000 thì quá xa.

    • Nguyen V N says:

      Bạn Minh Đức nói đúng là số người thiệt mạng trong các cuộc bỏ bom Mỹ rất là giới hạn vào các mục tiêu quân sự. Ký giả ngoại quốc đã xác nhận diều này ngay cả trận bom lầm bệnh viện Bạch mai cũng rất ít người chết. Nếu so với bao nhirêu dan lành Mìn Nam chết trong cuộc tổng tấn công CSVN Mậu thân và trận Xuân lộc 75 thì có thấm gì đâu và bao nhiêu trăm ngàn lính tử trận Nam bắc mà CSVN đã bắt dăn tôc VN chắp nhặn cuộc nội chiến này.
      Nếu xét số máy bay bị hạ bởi Phòng khôngNga Tàu thì thấy CSVN tức là lính đánh thuê cho CSQT và nuôi dường bởi tiền CSQT và hỏ lựvc phòngkhông vô cùng tốn kẽm là do ai trả ?

      Trong cuộc chiến với bọn fát xít CSVN xâm lăng Miền Nam một cách vũ bảo tốn kếm khhí cụ tối tân hơn cả VNCH thì cuộc phản công không quân là điều bắt buộc như Đồng minh oanh tạc Đức Quốc xã. Đồng bào Bắc Việt phải biết bom Đồng minh rơi vào đầu mình là vì lãnh tụ mình đi giết người miền Nam vô tội thì kẻ có tội là bọn Fát xít CSVN miền Bắc.

      Nếu không có cuộc Diệt chủng miền Nam Đồng minh nào lại dội bom nếu không phải là đễ trả dfdiủa bọn xâm lăng. Đúng dân Bắc hảy nhìn lại CSVN vào đến Saigon rồi còn chưa via lòng lại còn bỏ tù hơn 4ƠƠngàn Quân can chhính Miền Nam, tội này nó lớn hơn cuô;c dội bom của đồng minh.

      Nhưng trước phong trào phản chiến và thế giới chống Mỹ thì Bắc Việt chơi đòn nạn nhân ốm yếu. nên thành có chính nghĩa.
      Tôi không bênh vực cuộc đổ bộ Mỷ cũng nhu các cuộc oanh tạc. Nhưng phải Công bình trình bầy tội ác của CS đối với miền Nam và hoả lực
      hùng hậu của hhai đàn anh NGa tàu cho CSVN, Trặn Mậu Thăn , xuăn lộc không giải thích được các cuộc bỏ bom vào các khu chiến lược sao?

      Sự bát công một chiều của tac giả là đáng trách.
      Nguyen V N

  3. hoangviet says:

    Gửi Tác giả Trọng Đạt!
    Những bài viết của TĐ là nhằm để soi rõ lịch sử,cung cấp các thông tin để cho người đọc có thể tổng hợp và có cái nhìn khách quan của sự kiện, hay là muốn chứng minh Mỹ đúng hay CS Bắc Việt đúng?
    Theo tôi cả hai điều đó TĐ đều không làm được vì người viết sử phải có trình độ,khách quan,và đạo đức.Bản chất của lịch sử là trung thực nhưng người viết sử mà không phân biệt được đâu là trân,thiện,mỹ thì chỉ đánh đồng sự kiện và tạo nó rối rắm trong các mớ sự kiện dù nó là sự thật. Thành công của người viết sử là trong mớ rối rắm đó biết sắp xếp lại đâu là cốt lõi của sự kiện, và kết cục của sự kiện đem đến cho thế hệ mai sau và những người trong cuộc những kinh nghiệm bài học gì.TĐ chỉ liệt kê các số liệu,các thông tin rồi suy đoán,gắn kết chúng với nhau,nhưng như một anh thợ tồi cái mà TĐ muốn thể hiện hoàn chỉnh lại là cái mà độc giả đọc xong thấy nó dở dang vô định,như vậy nói về sử là thất bại rồi.
    Còn bạn muốn chứng minh là bên này đúng bên này sai thì cũng được thôi,nhưng lòng trung thành nào cũng phải đem lại kết quả tốt đẹp cho dân tộc mới được nâng lên hàng Trung tín,còn chỉ thêm chia rẽ lòng người thì dễ trở thành ngu trung và bội tín lắm.
    Tôi có ý gì độc địa,thì cũng xin bỏ qua,không thể nói khác được.
    hoangviet

  4. Nguyen V N says:

    Tôi mất bao nhiêu thòi giờ đễ đọc kỹ các commentaires của bạn đoc bốn phưong, nhưng ít khi đợc đượcx những dòng chữ quí giá của bạn mà đứng ra đó là điếu mà nhân dân hai miền, HN và QN phải được nghe và suy gẫm vì đó là con đường độc nhất đễ cứu nuớc trong hoàn cảnh kinh hải hiện nay là ĐCSVN đã tự lột mặt nạ bán nước qua lá cờ 6 sao mà chúng chọn . Xin trích lại lời bạn HV:
    Nhưng giờ đây hầu hết người dân có cảm giác như bị phản bội,bị tước đoạt cái quyền mà họ đã hy sinh xương máu để dành được( Nhất là dân Miền Bắc) cái đó là do nhà cầm quyền Hà nội hiện nay đã biến tướng tạo nên,Vì vậy các sự kiện khi thời điểm Mỹ nhảy vào Miền Nam cũng như thất bại của VNCH so với những gì đã xảy ra tại hiện tại là gần như độc lập với nhau. Ngày xưa ở hai bên chiến tuyến đất nước còn chia đôi thì phải bằng mọi cách để chiến thắng,bây giờ có xấu tốt gì thì cũng đã là con một nhà không thể bới chuyện cũ ra để rồi lại chia rẽ . Đất nước nào cũng phải có nhà nước, có chính phủ,có luật pháp. Nhà nước nào cũng phải do dân bầu, phục vụ nhân dân.tạo cho người dân có các quyền tự do dân chủ nó không làm được điều ấy thì phải đấu tranh tiêu diệt nó đi. Lịch sử đã qua, bới ra chỉ đau lòng.
    Thưa các bạn tôi vô cùng bất mãn vì hậu ý bất chánh của tg Trọng Đạt qua hai bài “Mỹ đổ quân vào VN..” tháng 11/2011 rồi lại giáng vào đầu ta bài ” Trận mưa bom Giáng Sinh” , đó chỉ là ông muôn khơi lại nỗi hận thù 40 năm trước vi ttừ 1973 thì không còn quăn Mỹ tại VN.
    Ý đồ của TĐ không ngoài mục đích quá rõ ràng là dùng lịch sữ chỉ nói về Mỹ nhất là những cuộc dội bom ngoài Bắc đễ khơi lại hận thù người Bắc, khơi lại chiêu bài “Chống Mỹ cứu nước” khi chúng cần.
    Vì là loài lật lọng CSVN dùng Mỹ đễ cứu KT, ve vãn liếm đít Mỹ đễ Mỹ bỏ rơi PTDCVN, và vừa qua mời các chiến hạm Mỹ tời VN và cả văn phòng CIA vào Hà nội.Nhưng lúc dó lại cho ra Tuyên cáo chung NPT và chính thức đem cờ 6 sao làm cờ sáp nhập VN.
    Cùng lúc ông khơi lại hận thù của người VNCH bị Mỹ bức tư tất cả chỉ là CHIA RẼ DÂN TỘC trong lúc mà toàn dân cần phải đoàn kết một nhà; chung một màu cờ đễ Cứu đất nước ra khỏi cuộc SÁP NHA>P VN vào Tàu của ĐCSVN với NTD lừa bịp với khẳng định này nọ.
    Tg TĐ chỉ có một mục đích là làm xáo trộn tâm tư người Việt đang bỏ chuyện cu xoá bỏ hận thù , Đoàn kết, mang màu cờ chung đễ lật đổ CS đễ bảo vệ Độc lập cho QH, ông đã giúp CSVN đục nước béo cỏ phá tìm lực tranh dấu chống ngoại xâm của toàn dân. Đó là ý đồ bất chánh và giúp quân xâm lăng của ông TĐ vô tình hay cố ý. NHưng nếu vô tình thì khó tin, viết hay như vậy khó mà ngu lắm
    Nếu chúng ta ,đa số độc giả chưa hiểu ra tầm quan trong của lời nói của bạn Hoàng Việt tức là ta chưa ý thức được cái HIỂM NGUY của dân tộc VN hiện nay.

    • hoangviet says:

      Thân gửi Nguyên VN!
      Tôi cũng xem lại các bài của Trọng Đạt và có ý kiến phản hồi cho tác giả TĐ, thực ra tôi không muốn chúng ta trong thời điểm này bị lô kéo vào câu chuyện không có hồi kết này,nhưng như bạn nói có lẽ đây là một “âm mưu” thực sự và tôi cũng mong mọi người tỉnh táo không bị chia rẽ.
      hoangviet

  5. thối quá says:

    Mỹ dùng B 52 ném bom Hà nội là hành động của một con chó cùng cắn dậu, không phải định buộc đối phương quay lại bàn đàm phán mà định buộc đối phương chấp nhận sửa đổi hiệp định của tổng thống bù nhìn Nguyễn văn Thiệu. Trước chiến dịch này Mỹ vẫn tin rằng B 52 không thể bị bắn hạ bằng vũ khí phòng không từ mặt đất nên chỉ còn lo ngại Mig thôi và họ gọi B 52 là con át chủ trong bài tú lơ khơ. Nixon tưởng sẽ bắt được VN phải quỳ gối đầu hàng. Nhưng lạ thay Mỹ lại bị thua trong trận này. Có thể nói sự coi thường dân tộc VN và quá tin tưởng vào sức mạnh của B 52 đã làm cho Mỹ thất bại cay đắng trong trận “Điện Biên Phủ” trên không này, thật là đáng đời.
    Đứng về khía cạnh dân tộc thì chỉ những kẻ bán nước vô liêm sỷ mới có ý tiếc về sự thất bại của chiến dịch ném bom B 52 này của Mỹ. Một ngoại bang vô cớ đem B52 và hàng triệu tấn bom dội lên đầu nhân dân Việt nam làm chết hàng trăm nghìn người mà lại có những người VN khác muốn “hoan hô” và lấy làm tiếc khi nó bị thất bại thì thật không thể hiểu nổi.

    • vantrang says:

      Vô liêm sĩ chính là bọn cộng sản Việt, vì muốn nắm quyền lực cai trị nên thân Tàu và Nga để có viện quân sư và vũ khí đánh miền Nam VN thì ngược lại NVM cũng có đồng minh tiếp cứu và trận bom cuối năm 1972 cũng là lý do trên hơn nữa để BV vào lại bàn ký HĐ để Mỹ rút quân cho một thế chiến lược khác . . BV vào chiếm miền Nam bao người chết và bị giết bởi súng AK của cộng sản quốc tế còn hơn số người chết trong trận bom 72. Bây giờ bộ mặt giả nhân nghỉa và yêu nước bị rơi mất từ lâu , bản tính của CSBV là trí trá lật lọng gian manh nên năm 1979 Trung Quốc (TQ) đánh cho một trận
      để “Dậy cho một bài học” biết thế nào là phải trung thành với Hán triều cho nên tuần qua VN đón tiếp Hán quan có vẻ long trọng là sợ ăn đòn lần nữa nếu sai sót phản bội, đàn em CSVN cũng bị đánh thêm trận 1984 nữa để chiếm thêm đất nghe nói nó chôn sống thương binh VN trên 3500 + quân bị thương và bị bắt tù binh sao không thấy công dân yêu nước VN nào dám nhắc đến kể cả đám quân đội nhân dân “anh hùng” đang kiếm tiền mua bán cây rừng và làm giàu ngày nay ? Đúng là thối quá đi !

      • thối quá says:

        Vân Trang nói thế mà nghe được à. “Bắc Việt chiếm miền nam”? Rất tiếc là trong đoàn quân đánh tan Mỹ ngụy năm 1975 có quá nửa là người miền nam tập kết quay trở lại giải phóng quê hương. Dù cộng sản VN ngày nay có thế nào thì cũng phải công nhận rằng cộng sản VN là dân tộc, là cả nước chứ không thể nói là miền bắc xâm lược miền nam được. Nếu là xâm lược thì ngay từ đầu miền nam đã bị tổng thống Ngô đình Diệm “xâm lược” mất rồi, vì ông Diệm là người Quảng bình. Nếu cứ đi phân biệt dân miền nam với dân miền bắc thì sẽ là một điều ngu xuẩn hết chỗ nói. Thủ tướng và chủ tịch nước VN bây giờ là người miền nào vậy? Chúa Nguyễn Phúc rồi Nguyễn Ánh là người miền nào vậy mà con cháu của họ ngày nay “chưa khỏi vòng đã định cong đuôi” như thế.

      • Lan Anh says:

        “…Rất tiếc là trong đoàn quân đánh tan Mỹ ngụy năm 1975 có quá nửa là người miền nam tập kết quay trở lại giải phóng quê hương. “ Cái này là thối bỏ …bu. Con vẹt chỉ nói tiếng người chứ nó không hiểu tiếng người. Kế tiếp khi anh lập luận về cộng sản miền bắc là “dân tộc” thì các hiệp định các anh ký để làm gì hở tên nước dãi. Nếu Bắc Hàn mang quân sang xâm lược Nam Hàn thì nó là gì? “Thống Nhất” hay “ Gaỉi Phóng”? Từ gốc độ của một người văn minh thì mọi người sẽ nghĩ gì? Anh có còn ở trong rừng làm trò khỉ hay đã ra thành thị để xem ánh đèn thành phố. Bớt nước bọt mà nên dùng động cơ “tàu hủ” để nói chuyện cho có người nghe. Chán ngấy cái tờ báo “nhân dân” với chất sắt thay cho chất xám.

      • vantrang says:

        Lúc kháng chiến việt minh đánh tây , chiêu bài dành độc lập là khởi đầu đau thương cho dân tộc VN vì bị phỉnh gạt . Nhưng mà làm sao ai biết được bị gạt ? mãi đến khi chiếm nốt miền Nam VNCH thì dần dần CSVN hiện ra nguyên hình thằng người có đuôi răng nanh mặt quỷ , nhà tù mọc ra khắp nơi
        quân Nam sau khi chủ tướng đầu hàng vẫn bị tìm giết trả thù nhiều nhìn người chết tuần sau 30-4 và sau đó lùa họ vào trại mười năm sau có cả vạn người chết vì bị bắn giết hành hạ vô lương của bọn quỷ khát máu , chuyện xưa là vậy chuyện nay thì bọn quỷ nhìn có vẻ tốt lành trong mũ áo xênh xang và nhà xe sang trọng tiền của như núi chỉ tội cho dân nghèo bị bóc lột tận xương, trở lại chuyện tập kết, Xuân Vũ nhìn ra bọn có đuôi, Bùi Thiện bỏ chạy xa bọn quỷ hàng nghìn người khác cũng làm vậy v.v. . nhiều người còn nhân tính biết mình lầm thì đã quá muộn như tướng Trần Độ bị kứa cổ chết cũng vì còn chút nhân tính khi viết nhật ký “Rồng Rắn” ( CSVN gạt người cho mình là Rồng nhưng nhìn kỷ ra thấy là loài Rắn độc), tôi có nghe một đoạn phỏng vấn ông và sau đó ông cười bọn quỷ giọng cười thật ngạo nghể mà tôi chưa hề nghe qua sau đó ít lâu bị bọn quỷ cắt cổ qua các bác sĩ cs . Nếu như không có bọn tập kết, MTGPMN và nằm vùng thì BV không thể nào xâm lăng miền Nam mà thành công nhưng thôi chuyện đã là dĩ vảng chỉ nhắc chuyện hiện tại kẻ nào bây giờ còn ca tụng hay đi theo cộng sản Việt là kẻ mất trí ta chấm dứt tại đây chuyện lừa đảo thế kỷ trước .

      • vantrang says:

        Trung quốc đem tàu chiến súng đạn đánh chiếm Hoàng Sa , cộng sản VN không phản đối còn viết văn thư cám ơn ( tin mới tiết lộ do TQ đăng tải) là hành đông ngu xuẩn của kẻ phản bội tổ tiên, CSBV đem quân đánh chiếm miền Nam VNCH là quân xâm lăng, bọn giải phóng miền Nam hay đám nằm vùng cũng là bọn phản bội như csbv là nối dáo cho giặc xâm chiếm đất đai củng là bọn cướp cả, sau khi “giải phóng”= cướp nước VNCH thì chúng nó Vào Vơ Vét Về chứ giải phóng cái gì , sau đó tha hồ ăn cướp đủ mọi cách dân miền Nam hết phương sống phải bỏ chạy dù biết phải chết trên biển kể cả dân miền bắc cũng vượt biên v.v . . và cái đám cầm quyền bây giờ đang dâng đất biển cho TQ sau khi bị đánh năm 1979 Lạng Sơn và 1984 Lão Sơn thì sợ đại ca TQ nên đang đàn áp phong trào yêu nước của toàn dân chống TQ đã chiếm đảo HS còn đón tiếp quan lớn cung kính cho trẻ Việt cầm cờ 6 sao để vừa lòng quan Hán , chưa từng thấy một nước nào làm cái chuyện nịnh bợ nhục nhả như vậy, khi nào còn cộng đảng độc tài cai trị VN mãi quốc cầu vinh thì lúc đó dân Việt dù Nam hay Bắc đều xem chúng là kẻ thù của dân tộc không sớm thì muộn bọn chúng sẽ có kết quả như độc tài Ai Cập và Lybia thôi . Bắc Việt là thuộc hạ của Hán gian và cũng là quân xâm lăng nước Việt Nam vì cai trị bởi súng đạn AK và nhà tù cho nên chúng nó đã là triệu và tỷ phú trên xương máu của toàn dân ( khán chiến Việt Minh và MTGP đã chết lót đường cho chúng nó). gọi chúng nó là yêu nước nghe sao thối quá không chịu nổi . Tôi phải bịt mũi mà đi đây .

      • SVKansas says:

        Để chứng minh mời xem một trong những cảnh cờ vàng cộng đồng của người miền Nam VNCH thay thế cờ đỏ lá cờ tắm máu dân tộc Việt .

        Tin vui ngày đầu năm 2012

        Vietnamese Freedom flag replaces Communist VN flag at MCC-Penn Valley Community College in Kansas

        http://www.youtube.com/watch?v=stHh54T8As0&feature=g-vrec&context=G297a8a5RVAAAAAAAACw

      • Timsuthat says:

        Bạn “thối quá”:

        Tôi thử hỏi bạn hai gia đình trong một xóm, có gia đình nào muốn hàng xóm xông vào nhà bạn đánh phá, đâm chém con cái mình, hiếp vợ mình không? Gia đình tôi tuy cũng nói tiếng Việt, cũng ăn rau muống, nước mắm, nhưng vì thế mà anh có quyền nhảy vào phá tan nhà tôi, chiếm đất và đày đọa tôi à?

        Hai miền Nam Bắc, vì ý nguyện dân chúng khác nhau (với gần 1 triệu bỏ phiếu bằng cách di cư vào Nam và vài vạn di cư ra Bắc) mà chính HCM đồng ý ký vào hiệp ước 54, thì đáng nhẽ phải được tôn trọng như hai nhà chứ?

        Chưa chắc anh đã hài lòng nếu chính họ hàng anh xen vào chuyện riêng của gia đình vợ con anh phải không? Dù chung màu da, tiếng nói nhưng đâu có nghĩa là tôi và anh đều cùng chung mọi tư tưởng! Chúng tôi có quyền “yêu” miền Bắc và chung sống, nếu muốn, và cũng có quyền ly khai khi không yêu nổi quí vị!

        Miền Nam đâu có bị ai đọa đày đâu mà cần “họ hàng” Bắc Việt giải phóng bằng cách khủng bố, xách động quấy phá, tấn công? Các quí vị CS nằm vùng đó đáng nhẽ phải di cư ra Bắc ở. Tuy có anh khách Mỹ từ xa tới muốn giúp chúng tôi (chỉ vì chuyện các anh CS xâm lăng) và dầu cho họ đã bất tín với chúng tôi, đâu có nghĩa là chúng tôi không có quyền tự lập.

        Quí vị đâu có quyền buộc trói chúng tôi trong mọi điều chỉ vi chúng tôi sinh ra trong vùng đất đó và nói tiếng Việt? Quí vị có biết những người Hoa sinh ra ở VN (đến mấy đời) nói tiếng Việt nhưng không thực sự là công dân, không yêu nước Việt chứ? Quí vị nghĩ nếu Nam Hàn “được” thống nhất với Nam Hàn qua chiến tranh năm 1950, thì có phải cả nước Triều Tiên nó sẽ giống Bắc Hàn bây giờ không? (Hy vọng quí vị lớn đủ để tìm biết về điều này). Quí vị có biết bao nhiêu quốc gia vùng Trung Đông không – dù nói tiếng Ả Rập, giống tín ngưỡng, và nhiều truyền thống tương tự? Tuy cha mẹ sinh ra đã đặt người con vào một hoàn cảnh, không vì thế mà người con không được tự do lựa chọn điều khác có thể tốt hơn khi nó đã lớn khôn, phải không?

        Con người không thể bị ràng buộc do chỉ vì cùng màu da, chứ đừng nói tới tiếng nói và tư tưởng. (Tiếng nói cũng là sản phẩm của tư tưởng!). Tuy thể xác là một giới hạn đáng kể, nhưng con người vẫn luôn tìm cách vượt qua nó; và khả năng được chọn lựa – kể cả chọn lựa một chính thể không Mác-Lênin – phải được tôn trọng. Đấy mới là tự do thực sự đó bạn.

    • Làm Vệ Sinh says:

      Nhân dân kêu là ‘thối quá’ thì chúng ta phải làm vệ sinh, chôn vùi lũ ‘thối quá’ xuống hố rác, vùi lại cho hợp vệ sinh và xây khu phố văn hoá lên trên.

      Đứng về khía cạnh dân tộc thì chỉ những kẻ bán nước vô liêm sỷ mới không thấy sự thất bại, vì đã không tiêu diệt được CS. Chiến dịch ném bom B 52 này của Mỹ đã làm cho cộng sản miền bắc kiệt quệ nhưng đã không diệt được bọn đầu sỏ vì thế phải coi là thất bại nặng nề.
      Nếu Mỹ diệt được BCT của cộng sản bắc việt thì dân tộc Việt Nam không phải khốn đốn như ngày hôm nay?

      • thối quá says:

        Các bác thua mẹ nó rồi còn cứ nói càn, giống cà cuống chết đến đít còn cay. Ôm chân cả Mỹ mà vẫn bị thua thì mới tức chứ, nguyên nhân là vì các bác không có chính nghĩa, không phải là dân tộc nên không được nhiều người ủng hộ như cộng sản. Tôi cũng đếch phải là cộng sản đâu nhưng các bác nên học ông Nguyễn Cao Kỳ, họ thắng mình thì nên ngả mũ kính phục, chứ còn hậm hực thì chóng chết lắm.

      • Làm Vệ Sinh says:

        Đánh nhau thua – thắng là chuyện thường. Chỉ vài con ruồi nhặng cũng làm khối người chết vì bịch dịch tả, hay vài con chuột cũng làm cho hàng chục, hàng trăm người chết vì dịch hạch. Không lẽ vì con người thua con ruồi hay con chuột?

        Khâm phục những con người vì nước vì dân, đức độ thì OK, nhưng cúi đầu kính phục ruồi bọ và lũ bán nước thì …sẽ không bao giờ có tôi!

      • vantrang says:

        Mời các vị vào xem bài viết ”
        Chiến Tranh Việt Nam Trung Quốc ” Tác Giả: MẠC – VÂN trên trang web :
        http://www.tiengthongreo.blogspot.com/
        Tổ tiên giống nòi Lạc Long Quân cũng đã từng thua bọn Hán gian, bọn Hung Nô nhưng nhất định không có tâm phục khẩu phục trước mủi dáo lằn gươm , dân miền Nam VNCH dù đã mất hơn 36 năm qua vẫn còn lại tinh anh và cờ vong quốc nay là cờ Cộng Đồng vẫn tung bay trên khắp năm châu , vẫn không khuất phục bạo quyền CSVN cai trị bằng công an & nhà tù và đàn áp dân vô nhân tính , xem bài viết tuy giả tưởng nhưng sẽ là sự thật không xa lúc đó bọn Việt gian cộng đảng mải quốc cầu vinh sẽ chung số phận như người dân miền Nam VNCH trước kia thôi , thắng trận năm 1975 sẽ là niềm tủi nhục đau thương cho dân tộc Việt Nam khi Hán tộc cai trị toàn cõi VN mà nguyên nhân là cũng tại bọn CSVN ngu dốt hôm nay không thay xa hiểu rộng mà con hiêu hiêu tự đắc mặt mày vênh váo.
        Những người Việt lưu vong không hề mong chuyện chiến tranh Hoa-Việt sẽ xẩy ra nhưng nếu sẽ thì lúc đó quân xâm lăng Bắc Việt mới ” biết” được nổi đau của người miền Nam VNCH 36 năm qua . Mời quí vị đọc bài viết có thể thành sự thật dưới đây : Một lời XIN LỖI để chung sức cứu giang san đang chờ thủ tướng Nguyển Tấn Dũng ngỏ lời với con cháu những người Việt trong và ngoài nước miền Nam VNCH bị họ xóa tên và giết sau năm 1975 .

  6. Lão Ngoan Đồng says:

    Kính qúi vị,

    Khi nói đến chíến tranh Việt Nam nói riêng hay chiến tranh Đông Dương lần hai nói chung, người ta không thể nào không đề cập đến PHONG TRÀO PHẢN CHIẾN với motto nổi tiếng MAKE LOVE NOT WAR vào thời đại đó.
    Hồi tưởng lại tôi có cảm tưởng hiện tượng TOÀN CẦU HÓA (globanization) đã xuất phát từ những phong trào “bụi đời hiện sinh” của giới trẻ phương Tây lan rộng ra khắp nơi. Phong trào này được thổi phồng lên lớn mạnh nhờ chiến cuộc Việt Nam.
    Vâng ban đầu ta có phong trào gọi là Beatnik của thập niên 50-60 thời hậu chiến, với một vài tay văn nghệ trẻ muốn phá cách sống cũ, Ban đầu không có lập trường chính trị, nhưng về sau thiên tả.
    Nối tiếp là phong trào Hippies

  7. D.Nhật Lệ says:

    Mục đích của trận mưa bom là ván bài “tháu cáy” cuối cùng của Mỹ nhằm áp lực VC.và nắm thế thượng phong trong thương lượng,nhưng Mỹ không thể đạt được mục đích vì :
    -Mỹ không hiểu gì ý chí của VC.là chiếm cho được miền Nam với bất cứ giá nào vì họ Hồ đã hạ quyết tâm cho “dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng đánh đến người VN.cuối cùng và nhân dân VN.thà chết để bảo
    vệ độc lập chứ không chịu làm nô lệ” !
    -người dân VN không hề hiểu ra những lời khích động nói trên chỉ là thủ đoạn tuyên truyền nhằm lừa bịp đồng bào để đưa cả nước vào xích xiềng CS,chứ chẳng phải là vì chủ quyền…khỉ mốc gì cả.
    Thế giới bên ngoài,kể cả Mỹ làm gì biết được khi ấy nhân dân VN.không có một quyền nào cả,ngoài cái
    quyền cúi đầu làm thân phận con ngựa che mặt 2 bên cho bọn đầu cơ quyền lực lợi dụng chiến tranh
    nhưng chúng lừa được cả thế giới qua những thủ đoạn nguỵ trang…chống Mỹ.Nực cười là chính không
    khí nhiễm độc chống Mỹ toàn cầu do CS.Quốc Tế giật dây lúc ấy đã giúp VC.”cắt mạng” dân miền Nam !
    Theo những gì ông Bùi Tín kể lại thì lúc đó HN.nghe nói sắp đầu hàng nhưng Mỹ thì không thể kiên nhẫn
    hơn nữa,nên đình chỉ ném bom vì áp lực của bọn phản chiến quốc tế,vừa là con đẻ vừa là con nuôi của CS.Quốc Tế núp dưới mặt nạ “quyền tự quyết” của nhân dân VN.
    Rốt cuộc,VNCH.không thua trên chiến trường mà thua ở các nước phương Tây ! Dân Việt giết dân Việt
    là một thảm kịch nhưng đến nay vẫn còn có những kẻ ngu xuẩn chưa nhận ra được mà còn khoác lác
    khoe khoang bốc trời,không biết xấu hổ là gì khi thấy đất nước rơi vào tình thế hiểm nghèo hiện nay !

  8. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Anh Trọng Đạt và qúi đồng hương thân mến,

    Xin cám ơn anh TĐ đã cung cấp thật chi tiết một đoạn biến cố lịch sử hiện đại cùng bình luận xác đáng là, thực sự CSVN sẽ đầu hàng nếu Mỹ tiếp tục dội bom kéo dài thêm nữa chăng ?

    Tôi hoàn toàn đồng ý với lập luận, Mỹ chỉ có chủ đích duy nhất làm sao buộc đối phương phải ngồi lại vào bàn hội nghị để nghiêm chỉnh bàn bạc tiếp theo. Mỹ đã quá mệt mỏi vì chiến tranh, vì hội nghị kéo dài vô lý và chỉ mang lợi cho phía CS, bởi ở hậu phương chính phủ Mỹ thua cuộc trước phong trào phản chiến ngày một lan rộng ra khắp nước Mỹ và khắp toàn cầu. Nói tóm lại, Mỹ chỉ muốn kết thúc hội nghị càng sớm càng tốt và theo ý mình. Đó là Mỹ rút quân trong danh dự, không để cho CS yêu sách nhiều quá, khiến mất mặt với đồng minh, trong đó có VNCH. Dĩ nhiên nếu để CS đòi hỏi nhiều sẽ làm phía VNCH không chịu đặt bút ký vào hiệp định, thì Mỹ sẽ ở thế kẹt. Mà quả thức tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng làm eo, không ký rồi đó chứ.

    Ai cũng rõ, muốn chiến thắng nơi bàn thảm xanh hòa đàm, thì phải gia tăng hoạt động quân sự, ngõ hầu những chiến thắng quân sự tạo nên tiếng vang lẫn áp lực mạnh vào bàn cờ chính trị và ngoại giao quốc tế. Vì thế CS sẵn sàng thí quân không thương tiếc.

    Những kinh nghiệm quân sự thời giao tranh giữa CS với thực dân Pháp giờ khó mà áp dụng với Mỹ, chẳng hạn lấy nông thôn bao vây thành thị, cố tạo một thế trận Điện Biên Phủ như ở Khe Sanh, hay Phước Long, An Lộc … không song. Bởi hỏa lực của Mỹ quá mạnh, vũ khí tối tân quá sức, nhất là Mỹ giầu có chi tiền như nước mà không tiếc ! Chiến tranh du kích kiểu địa đạo Củ Chi cũng không ăn thua gì với Mỹ. Chưa kể con đường tiếp liệu huyết mạch qua biên giới Lào và Miên bị liên tục đánh phá, cản trở bởi hàng rào phòng thủ điện tử Mc Namara, bởi biệt kích Mỹ … Thậm chí Mỹ và VNCH còn táo bạo đánh qua Lào (trận Hạ Lào mà CS gọi là trận Đường Chín Nam Lào), qua Miên, lật đổ ông hoàng Sihanouk để lập nên chính phủ Lon Nol thân Mỹ … Mỹ lại kiếm cớ để leo thang chiến tranh, tung quân thêm vào chiến trường và dội bom ngoài Bắc …

    Chính cái chiến lược đem chiến tranh vào thành phố, như cú đánh thử nghiệm gọi là Tổng Công Kích và Tổng Nổi Dậy vào dịp Tết Mậu Thân 1968 trên toàn cõi miền Nam đã là khúc quanh lịch sử cho cuộc chiến ở Việt Nam nói riêng và bán đảo Đông Dương nói chung.
    Ta thấy CS xử dụng lực lượng tấn công chủ yếu là bộ đội đặc công và cán bộ và chiến sĩ CS nằm vùng, hơn là chủ lực quân như trước đó. Kết quả thật bất ngờ, thua nặng quân sự nhưng thắng đậm chính trị ngoại giao quốc tế, lẫn đánh mạnh vào tâm lý của thị dân miền Nam, vốn xưa nay sống ỷ lại, sang vai cuộc chiến chống Cộng cho phía quân đội, cũng như cho phía nông dân ở vùng thôn hay tỉnh lẻ.

    Cú đánh trên đã dồn Mỹ vào thế bị động, buộc phải tìm cách chấm dứt can thiệp vào Đông Dương. Trong khi đó phía VNCH vẫn say men chiến thắng, bởi thấy đánh bật gốc hầu hết các cơ sở nằm vùng quan trọng của CS từ nông thôn đến thành thị. Trong khi CS thấy rõ cần nổ lực đẩy mạnh hoạt động quân sự hơn nữa. Cho nên họ lại tố chức đánh mạnh vào mùa Hè đỏ lửa 1972, mặc dù chịu quá nhiều thiệt hại quân sự sau trận tết Mậu Thân 1968.
    Dù sao về mặt tình báo ta phải thừa nhận CS đã thành công trong việc giữ kín đến cùng kế hoạch tấn công qui mô rất lớn ấy cho đến phút sau cùng, khi Hồ Chí Minh hạ lệnh qua đài phát thanh mở màng cho trận đánh bằng bài thơ chúc tết !

    Nói tóm lại, người CS áp dụng nhuần nhuyễn các chiến thuật chiến lược cũ mới, nên đạt thắng lợi.

    Những American thinhtanks phải động não, đế cố tìm ra giải đáp cho bài toán hóc búa. Lợi dụng xung đột biên giới Nga-Hoa ngày một tăng cao, Mỹ bèn sáp lại gần Tàu cộng. Nói như thế để thấy họ gián tiếp thủ tiên cái gọi là Thuyết Domino ! Làm bạn với Bắc Kinh là có thể bỏ của chạy lấy người ở Đông Dương. Thực tế đã chứng minh cho điều tôi viết ở trên, xin miễn nói nhiều.
    Chính giới Mỹ rất thực tế, có lợi (hay có quan tâm : interesse) là nhào vô, hết lợi hết quan tâm là rút dù, cho dù cần phải bỏ của chạy lấy người.
    Nói về lợi thì lúc thế này lúc thế khác. Muốn biết rõ thì phải theo dõi bàn cờ thế giới chặt chẽ.

    Lại Mạnh Cường

    • Tiến lên says:

      Nghỉ cũng vô lý dở hơi ươn ngạnh ngoan cố ngu xuẫn cho đám chóp bu Hà Nội -
      Sau khi ký Hiệp định phân chia Nam Bắc đã an bài cho mọi người Việt ! Muốn sống với chế độ mà mình ưa chuộng , đâu ai bắt buộc ai ! Ngoài Bắc thích CS thì có Nga Tàu yểm trợ và ủng hộ lo cho cái ăn cái mặc sướng rồi còn gì nửa phải không ?

      Dân ở trong Nam họ cũng tự lực tự cường xây dựng phát triển xã hội miền Nam với sự giúp đở của thế giới tự do . Họ đâu có cần Bắc Việt giải phóng khỏi sự lầm than kìm kẹp bóc lột của Đế Quốc Mỹ . Đâu có ai chạy ra ngoài Bắc xin cầu viện cầu cứu !

      Bom b-52 Mỹ thả xuống Hà Nội hay bất cứ ở đâu là do ai và tại vì sao ?
      Bọn Hà Nội tự mình khiêu khích và gây chiến nên tạo ra kẻ thù thì ăn bom b-52 đâu có gì là ngạc nhiên thắc mắc . Tóm lại Mỹ làm bất cứ gì có thể để bảo vệ miền Nam tự do

      Nếu Hà Nội huyênh hoang XHCN là ưu việt sao không quyết tâm xây dựng để biến giấc mơ và lời nói về một xã hội tốt đẹp thành hiện thực , làm xong rồi để cho dân chúng Nam kỳ sáng mắt ra nhìn vào XHCN tốt đẹp để mà thèm thuồng khen ngợi !

      Hay là bọn đàn anh có thực tâm giúp xây dựng hay chỉ lo viện trợ súng đạn để đánh nhau phá hại đời sống dân lành , làm theo chỉ thị bọn chúng , mang tiếng không cần viện trợ binh lính sợ là để xâm lăng hihihi ( cái tầm cao quá ha ) có thực sự giúp mình mới đem người đem của ra giúp mình sống chết với mình .

      Chiếm xong được miền Nam rồi có làm cho dân chúng an vui , giàu mạnh , hạnh phúc vì họ được giải phóng khỏi nô lệ không ? ăn có no ngũ có yên không ?

      Ngay tại bây giờ còn nói ( Chỉnh đốn Đảng vì sự sống còn của chế độ ) sống còn của chế độ là lẽ thường tình ở trên thế gian này thôi đến rồi lại đi , đâu có gì mà phải bận tâm níu kéo , không còn thích hợp và hữu dụng sẻ bị phế thải thôi ! Chỉ có dân tộc tổ quốc là trường tồn mãi mãi !!

    • Timsuthat says:

      Bác LMC viết đầy đủ lắm, nhưng riêng câu bác viết: “Nói tóm lại, người CS áp dụng nhuần nhuyễn các chiến thuật chiến lược cũ mới, nên đạt thắng lợi.” thì xin góp một ý để độc giả hiểu cho đúng, không thì họ lại tưởng CSVN vô cùng tài giỏi: Việc tổng công kích Mậu Thân của CS là một thất bại lớn cho họ, nhưng lại gây nên thắng lợi chính trị trên đất Mỹ hoàn toàn là do “chó ngáp phải ruồi”, tuy có phần nào cũng do việc lập lại chiến lược CS đã dùng với Pháp trước 54!

      Trong vụ Mậu Thân, về quân sự họ đã thiệt hại nặng đã đành, nhưng cả về chính trị trong nước họ cũng đã không đạt được ý muốn – vì CS vẫn hằng tuyên truyền ở miền Bắc là dân miền Nam bị đế quốc Mỹ bóc lột, không đủ ăn, họ còn có “ảo tưởng” là dân Nam sẽ nổi dậy để chống lại chế độ và Mỹ, và như thế lính chính quy sẽ tấn công toàn bộ để rồi sẽ chiếm được miền Nam. Mọi việc đã không như họ tưởng!

      Nhưng lịch sử đã rất bất công cho miền Nam vì trong vụ Mậu Thân, hình ảnh chiến tranh miền Nam ngay trong Saigon lên màn ảnh TV màu bên Mỹ hàng ngày, làm dân Mỹ chán nản với chiến tranh hơn. Và nhất là tấm hình tướng Loan xử tử một tên VC do một ký giả Mỹ chụp được đã như đẩy quá sức chịu đựng của dân chúng Mỹ, đưa đến những xét đoán khắt khe của người Mỹ về VNCH và dân miền Nam, khiến chính phủ Mỹ phải thay đổi chính sách, bỏ VNCH!

      Mỹ nay đã học bài học này, và do đó hình ảnh chiến tranh bây giờ luật pháp giới hạn, không cho làm đề tài chính để các cơ quan thông tin khai thác, kiếm “eyeballs” và tiền quảng cáo nữa!

      • Trung Kiên says:

        Tôi có suy nghĩ khác!

        Thiển nghĩ…khẳng định của Lão Ngoan rằng…”Nói tóm lại, Mỹ chỉ muốn kết thúc hội nghị càng sớm càng tốt và theo ý mình. Đó là Mỹ rút quân trong danh dự, không để cho CS yêu sách nhiều quá, khiến mất mặt với đồng minh, trong đó có VNCH.“…là “chính xác”!

        Điều này đã nói lên tất cả…Mỹ chỉ muốn rút quân trong danh dự!

        Bàn luận thêm chỉ bằng thừa, vì ai cũng biết rằng…”hỏa lực của Mỹ quá mạnh, vũ khí tối tân quá sức, nhất là Mỹ giầu có chi tiền như nước mà không tiếc!”…

        Nếu họ “đánh thực sự” để chiến thắng thì đã hoàn toàn khác. Thế nhưng một khi mục tiêu của họ “không phải đánh để thắng”…mà đấy chỉ là “DIỆN”, còn “ĐIỂM” của họ là bắt tay với TQ để làm ăn buôn bán…thì…

        Chẳng có gì để bàn thêm nữa, sự thật đã chứng minh như chúng ta đã thấy, bắt tay được với TQ rồi, Mỹ liền bỏ rơi VNCH…Chấm hết bàn cờ này, để “gầy bàn khác” với CS-Nga và Đông Âu!

        Và chuyện gì đã xảy ra trong những năm 1989 – 1991 với Liên-Xô và CS-Đông Âu thì ai cũng đã thấy, đã biết!

      • Timsuthat says:

        Kiên tiên sinh,

        Những điều bác và LMC nêu ra đều đúng cả. Tôi chỉ muốn góp ý nói đến chiến thắng chính trị bất ngờ mà CSVN “ngáp” được ở trong dân chúng Mỹ qua vụ Mậu Thân.
        Như vụ tự thiêu của TQ Đức năm 63 góp phần đưa đến quyết định Mỹ lật đổ ông Diệm, vụ Mậu Thân với các hình ảnh của chiến tranh qua TV đã đổ dầu vào phong chào phản chiến ở Mỹ (“Make Love Not War” mà bác LMC nhắc). Thời gian 68-72 là cao điểm của phong trào này, đưa đến những vụ biểu tình bạo động bắn chết sinh viên ở ĐH Kent State năm 70, và đã buộc chính phủ Nixon thay đổi chính sách, nhờ sự rứt nạn của Nga-TQ tới mức cao điểm vào thời 68-69 và Mao cũng muốn bắt tay với Mỹ để có thể còn chống lại Nga (chính Mao biết họ không đủ sức đối chọi với Nga nên bắt tay với Mỹ là thượng sách!).

        Riêng việc giao thương không phải là để cho đại tư bản Mỹ kiếm thêm tiền – vì tiền họ muốn là tiền USD, không phải Yuan! – nhưng để mở rộng thị trường cho khối tự do dân chủ và xóa bỏ CNCS. Nay thì CNCS chính thống không còn, ngoài Cuba và Bắc Hàn, nhưng thế vào đó là một thứ phát-xít ở TQ và VN. (Đảng “Nazi” là tiếng viết tắt của tên chính dịch ra là “Quốc Gia Xã Hội Đức Quốc Đảng”). Mỹ đã đi được nửa đường …!

      • Trung Kiên says:

        Bạn Timsuthat thân mến

        Hãy gọi tôi là “Bạn” cho thân tình, ngôn từ “tiên sinh” nghe sao khách sáo quá!

        Tiền nào thì cũng là tiền Bạn ạ! Từ tiền Yuan, Đồng VN, HongKong, Bath Thái, cũng sẽ hoán đổi thành USD và ngược lại!

        Khi ông Diệm bị đảo chánh và sát hại, mặc dù chưa trưởng thành, nhưng tôi đã nghi ngờ thái độ của Mỹ đối với cuộc chiến VN, từ đó tôi đã quan tâm nhiều đến thời cuộc, do vậy…không ngạc nhiên khi VNCH bị thất bại ngày 30/4/1975 !

        Không như Bạn nghĩ…” Như vụ tự thiêu của TQ Đức năm 63 góp phần đưa đến quyết định Mỹ lật đổ ông Diệm…

        Theo tôi, đấy cũng là điều Mỹ chủ động, và mong muốn nó xảy ra để có cớ xúi dục, mua chuộc đám đạo tặc (đội lốt tu sĩ tôn giáo) và loạn tướng lật đổ và sát hại ông Diệm…tạo thế hỗn loạn xã hội và chính trị để Mỹ đem quân vào VN dễ dàng, mà không sợ bị cản trở, mở rộng chiến tranh!
        (Lúc đó báo chí Mỹ đã làm rùm beng với mục đích gì?
        Sau 30/4/1975 hàng loạt tu sĩ Phật giáo tự thiêu nhưng Mỹ đã không màng tới)!

        Mục đích của Mỹ thì tôi đã trình bày ở trên rồi, Bạn cứ nghiệm lại thử xem sao!

        Chúc Bạn và gia quyến một năm mới 2012; Sức khoẻ, Hạnh phúc và thành đạt!

      • Timsuthat says:

        Bác Kiên góp nhiều ý hay và dữ kiện đúng sự thật, nên rất hợp với nhiều suy nghĩ của tôi sau qua bao nhiêu năm học hỏi mọi vấn đề để hiểu VN cho đúng, nên tôi rất quí và trân trọng các đóng góp của bác trên ĐCV đây.
        Tuy thế, nhân dịp này tôi xin đưa thêm vài ý kiến mà tôi nghĩ có khác biệt với bác:

        1/ Ý của Mỹ muốn mang QĐ vào VN (đây là sự thật) để làm tiền đồn chống làn sóng CS (như họ đã làm ở Tây Đức và Nam Hàn trước đó) không thể tốt đẹp được nếu nền chính trị VN không ổn định – trừ khi họ vào để muốn chuốc lấy chiến tranh ngay từ người miền Nam! Do đó, những chống đối của PG leo thang từ 60 là một lo ngại đáng kể cho nhóm chống CS ở Mỹ.

        Nên nhắc lại, những người di dân đầu tiên đến Mỹ đã là những người tìm tự do tôn giáo (phái Puritan) và đây đã là nền tảng của nước Mỹ nên họ rất nhạy cảm về vấn đề tranh chấp tôn giáo. TT Kennedy còn lại là người Công Giáo (nhóm thiểu số vẫn còn bị kỳ thị – dù nhẹ) đầu tiên lên chức TT và ông ta sẽ còn bị nghi kỵ nhiều hơn nếu ông ta tìm cách bênh vực ông Diệm!

        Do đó, họ tin rằng chiến tranh tôn giáo sẽ làm VN bất ổn và Mỹ sẽ không thể xây tiền đồn chống CS ở VN; khi vụ tự thiêu của TQ Đức lên báo chí Âu Mỹ thì nó đã như cái đinh cuối đóng lên hòm chôn chế độ CH 1. Những vụ tự thiêu sau này nó không còn mang màu sắc tôn giáo – nó chỉ có tính cách chống đối với người cầm quyền – nhưng vì không tôn giáo, chính phủ Mỹ không mang tiếng “đô hộ” qua tôn giáo vì nó ảnh hưởng đến cả Á Châu, chứ không riêng VN. Bác có thể không tin như thế, nhưng hãy nhìn Trung Đông và những tranh chấp tôn giáo của họ mà nghiệm xem.

        Tôi không bênh Mỹ, nhưng tôi nói lên để soi đèn thêm vào sự việc. Tôi vẫn nghĩ chính sách mang quân qui mô vào VN là sai, vì Mỹ đã thiếu nhạy cảm vào vấn đề VN vừa thoát khỏi cai trị của Pháp!

        Việc bác kết tội Mỹ đổ quân vào VN để mở rộng chiến tranh (!) thì tôi thấy luận điệu này giống CS và những nhóm chống Mỹ quá! Theo tôi, sau khi để nhóm lật đổ làm việc, Mỹ thấy tình hình chính trị VN còn luộm thuộm hơn với mọi phe đảng tranh chấp với đám tướng lãnh thiếu tài chính trị, nên dù muốn dù không họ cũng phải đổ quân vào VN vì Nga và TQ đã leo thang tiếp tế cho Bắc Việt, chuẩn bị tấn công miền Nam qui mô – thay vì du kích như trước! Năm 64, họ đã gây ra vụ Maddox để có chính lý với thế giới mà vào VN. Đây là một thủ đoạn của Mỹ, nhưng cũng do các lãnh đạo VNCH không biết làm việc với Mỹ! Nếu miền Nam không có giúp đỡ của thế giới tự do thì tôi nghĩ HCM và ĐCSVN đã tiến vào miền Nam ngay sau 54 rồi!

        Một luận điệu mà các nhóm chống Mỹ thường dùng là Mỹ mở rộng chiến tranh để bán vũ khí! Hồi nhỏ tôi cũng nghi như vậy, nhưng lớn lên học hỏi nhiều tôi mới thấy nó không thuyết phục: vì thị trường tự do bán các thứ khác cho “consumer” nó có lợi hơn vì nó lớn hơn nhiều và lâu dài hơn! Bán vũ khí chỉ được phần nhỏ của GDP mỗi nước (thường dưới 5%, và không quá 20%), trong khi các thứ dùng khác là phần lớn của GDP (>80%). Không những thế, các nước không chiến tranh vẫn mua vũ khí và trả được – trong khi VN thì lấy đâu mà trả cho vũ khí của Mỹ!

        2/ Về câu bác viết: “Tiền nào thì cũng là tiền Bạn ạ! Từ tiền Yuan, Đồng VN, HongKong, Bath Thái, cũng sẽ hoán đổi thành USD và ngược lại!” thì chỉ đúng một phần thôi – cái vụ “hoán đổi” nó cả là một vấn đề lớn đấy bác ạ; không phải tiền nào cũng như tiền nào đâu!

        Bác có biết cái chính sách tiền tệ của TQ là lý do chính tại sao mà kinh tế TQ phát triển không? Trong khi chính sách VN là một trong những lý do chính của thất bại kinh tế VN! (Nói về cái ngu của chính quyền VN thì càng buồn thêm.)

        Về điều này, xin miễn bàn thêm, chỉ xin bác tìm học nhiều về vấn đề kinh tế tài chánh. Có thể vì nó là chuyên môn, nên cũng khó mà tự học. Nhưng xin bác hãy bỏ ý nghĩ là Mỹ chỉ muốn “kiếm tiền” ở TQ; kiếm tiền thì có nhưng “chỉ” thì không!

        Chúc bác mạnh khỏe, hạnh phúc trong năm 2012.

      • Trung Kiên says:

        Bạn Timsuthat thân mến

        Chúng ta đang đón năm mới 2012. Chúc Bạn và gia quyến: Sức khoẻ, vui vẻ, Hạnh phúc.

        TK chỉ nói lên suy nghĩ của mình qua kiểm nghiệm đời sống thực tế. Chúng ta hãy nghe ông Nguyễn Văn Minh nói về “Ước mơ” của gia đình họ Ngô:

        Giòng họ Ngô-Đình và Ước Mơ chưa đạt!

        1) Hy vọng Youtube trên phần nào giải đáp câu 1 của Bạn?

        Bạn viết…” TT Kennedy còn lại là người Công Giáo (nhóm thiểu số vẫn còn bị kỳ thị – dù nhẹ) đầu tiên lên chức TT và ông ta sẽ còn bị nghi kỵ nhiều hơn nếu ông ta tìm cách bênh vực ông Diệm“.

        Tôi không nghĩ như Bạn!

        Thiết tưởng; lúc đầu Kennedy ủng hộ ông Diệm không phải vì “cùng tôn giáo”, mà vì ý chí chống cộng. Nhưng sau đó Kennedy đã bị lung lạc vì “ý hướng” của không Diệm không phù hợp với suy tính của Mỹ.

        Mỹ đổ quân vào VN vì “ý đồ” của họ và đây mới là “lý do” ông Diệm bị lật đổ và sát hại, vì đã không đáp lại yêu cầu hay đòi hỏi của Mỹ (theo tiết lộ của tác giả Thanh Hùng)

        1) T.Th. Ngô Đình Diệm nhường hải cảng Cam-Ranh cho Hoa Kỳ 99 năm.
        2) T.Th. Ngô Đình Diệm chấp thuận cho Hoa Kỳ đưa 200.000 quân bộ binh vào Nam Việt-Nam.
        3) T.Th. Ngô Đình Diệm đặt Bộ Quốc Phòng của VNCH dưới quyền chỉ huy của quân đội Hoa Kỳ.
        4) T.Th. Ngô Đình Diệm đưa ông cố vấn Ngô Đình Nhu đi nước ngoài.

        Chuyện này tôi đã nghe từ lâu lắm rồi, ngay sau khi ông Diệm bị sát hại, nhưng nay ông Thanh Hùng đã cho biết chi tiết. Bạn hãy bấm vào đây đọ để thấy rõ hơn:

        Lời Phát Biểu Trong Lễ Giỗ Thứ 48 của Tổng Thống Ngô Đình Diệm!

        Vấn đề “tôn giáo” ở VN chỉ là do Mỹ “cường điệu hóa” (xúi dục) để khái thác và tạo “cớ” lật đổ và sát hại ông Diệm để “tự tiện” đưa quân vào VN (mà không sợ ai cản trở) !

        2/ “Tiền nào thì cũng là tiền Bạn ạ! Từ tiền Yuan, Đồng VN, HongKong, Bath Thái, cũng sẽ hoán đổi thành USD và ngược lại!”…Ý tôi muốn nói là Mỹ nhắm về kinh tế (quyền lợi thực dụng) của họ…

        Thiển nghĩ…Người Mỹ chỉ dùng chính trị, chiến tranh…để tạo thế thuận lợi cho nền kinh tế của họ! Bạn cứ nghiệm lại coi, sau khi bắt tay được với Mao Trạch Đông 1972 thì họ quyết định bỏ rơi VNCH, họ vào Kuweit, Iraq, A-Phú-Hãn với mục đích gì, và hiện nay họ đang làm gì ở TQ và VN?

        Người Mỹ rất thực dụng…Không có “BẠN” (thân) hay (kẻ) “THÙ” vĩnh viễn…Cái gì có lợi cho đất nước và dân tộc của họ…thì họ sẵn sàng nhập cuộc…

        Vấn đề “xung khắc tôn giáo” chỉ là chuyện phụ do Mỹ giàn dựng và csvn đã khai thác triệt để để gây chia rẽ cho ý đồ của họ…Rất tiếc là nhiều người đã không nhận ra!

      • Timsuthat says:

        Bác Trung Kiên mến,

        Đồng ý: Kennedy ủng hộ ông Diệm vì ý chí chống Cộng – không có vấn đề tôn giáo ở đây. Nhưng tôi nói vì cùng tôn giáo, nó trở thành “liablility” cho ông Kennedy khi tranh đấu PG leo thang – và do đó bất lợi cho ông Diệm và miền Nam.

        Về “ý đồ” của Mỹ, xin ông hãy nhận định vấn đề rộng rãi hơn.

        Ông hẳn biết sau WWII, Mỹ phải đặt quân bên Âu Châu dọc khối CS Đông Âu? Và sau Korean War, số quân Mỹ ở Nam Hàn là gần ¼ triệu? Trích: “The realities of the Korean War brought major changes in the basing and deployment of Marine Corps forces. The Corps strength ballooned to 192,000 men in June 1951, to 232,000 a year later and nearly 250,000 by June 1953.” (http://www.globalsecurity.org/military/agency/usmc/history.htm).
        Lúc đang chiến tranh, số đó còn cao hơn nữa và đương nhiên quân Nam Hàn phải dưới chỉ huy của QĐ Mỹ, vì Mỹ đã phải lãnh trách nhiệm gầy dựng Nam Hàn sau khi phải chia Đại Hàn thành hai với Nga Xô sau WWII (vì Nhật trước đó đô hộ Đại Hàn)?

        Tuy Mỹ đã không ký trong hiệp ước 54, nhưng nếu xét theo căn bản TỐI THƯỢNG là để chống CS xâm lăng, thì ít nhất, số quân Mỹ muốn mang vào không phải là “unreasonable” – với dân số và đất đai VN lớn hơn so với Nam Hàn.

        Việc hải cảng Cam Ranh – giả sử đó là sự thật (vì tôi muốn có tài liệu từ nguồn khác hơn, nhất là của chính phủ Mỹ) – thì tôi nghĩ đó là vấn đề VN cần hiểu chiến lược và “practice” của Mỹ và đồng minh đối với CS trên toàn thế giới để quyết định. 99 năm thì có lẽ quá dài, nhưng vài chục năm có lẽ không phải là không nên, vì các vấn đề chính trị ý thức thay đổi rất chậm. Hiệp ước cũng có thể viết để có quyền thay đổi tùy vào điều kiện nào đó.

        Việc muốn trục xuất ông Nhu – tôi cũng có thể cho đó là sự thật – có lẽ do khác biệt về văn hóa và chính sách mà cụ Diệm/Nhu có với Mỹ, và đây là cái khác biệt *giết người* vì mỗi bên đều cương quyết áp dụng ý thức của mình. Tuy tôi rất kính nể ông Nhu – với cuốn “Chính Đề VN” mà tôi nghĩ quả là một kỳ công của một thiên tài VN có một không hai trong thế kỷ qua – nhưng tôi nghĩ cụ Diệm/Nhu có lẽ đã quá cứng với những yêu cầu của Mỹ, trong khi đó Mỹ đã có thái độ trịch thượng với VNCH.

        Mỹ muốn làm “chủ” cuộc chiến chống CS do thuyết Domino với kinh nghiệm Đông Âu và Đại Hàn, nên đã nhất quyết làm chủ về mặt quân sự, trong khi VNCH hiểu rõ nguy hiểm chính trị vấn đề này nên nhất quyết không bằng lòng.
        Năm 1950, dù đã chia Nam/Bắc Hàn, CS Bắc Hàn với viện trợ của TQ tấn công Nam Hàn suýt chết nếu Mỹ (và LHQ) không cứu! Khi phe Nam Hàn đẩy qua vĩ tuyến 38th (lằn chia hai nước), thì TQ mang quân nhẩy vào đẩy lại, với số lính TQ chết gần nửa triệu trong 3 năm! (Đây là lý do chính mà tại sao Mỹ không hề muốn VNCH tấn công qua vĩ tuyến 17 – vì nó sẽ leo thang chiến tranh lớn hơn. TQ dùng VN/Bắc Hàn để xâm lăng, nhưng nếu phe tự do lấn qua đất Bắc thì họ sẽ nhảy vào để đẩy lui biên hà phe tự do!). Với bài học như thế, điều Mỹ muốn chấn đóng ở miền Nam không có gì lạ cả và rất có lý!
        Chiến lược chống du kích/nằm vùng của ông Diệm & Nhu rất đắc lực, nhưng nếu CS tấn công qui mô thì rất cần vũ khí tối tân và quân đội thiện chiến; tiếc rằng cụ Diệm đã không có cơ hội gầy dựng đó! Nếu cụ Diệm đã đồng ý với việc Mỹ mang quân vào VN VỚI điều kiện, chẳng hạn là chỉ khi Bắc Việt đã tấn công chiếm một tỉnh nào đó, v.v.. thì tình thế đã có thể khác chăng?

        Dầu vậy, sau khi đảo chánh, Mỹ vẫn không được “tự tiện” đưa quân vào VN như ông kết luận. Phải có vụ tàu Maddox năm 64 mới là cớ để Mỹ đổ quân vào năm 65! Sự “lo xa” và “tính lớn” đã đưa đến quyết định “ngu xuẩn” năm 63 và đưa đến động lực mạnh để Bắc Việt leo thang chiến tranh, với lý tưởng “giải phóng” miền Nam của HCM!

        Tôi không nghĩ Mỹ là thần thánh, không bao giờ có thủ đoạn, nhưng qua lý thuyết kể trên, việc các đảng phái trong VNCH 1 và phe PG Ấn Quang chống đối đã đủ để giết chế độ và ông Diệm, không cần Mỹ phải bày trò trong việc này.

        2/ Ý đồ của Mỹ làm để cho kinh tế họ phát triển: đây không phải là tội ác chứ? Các ý thức hệ khác (như CS) cũng cùng mục tiêu và đều là vấn để của mọi quốc gia phải không? Vấn đề là phương cách nào họ dùng – và ở VN, việc chống CS/giữ tự do dân chủ vẫn là mục đích tốt chứ?
        Đúng là Mỹ thực dụng, nhưng họ đã phá “nguyên tắc đạo đức” nào mới là việc cần chỉ trích. Gần đây nhất, vụ Afghan là hoàn toàn có chính lý; riêng Iraq có thể đã có bad intelligence về WMD từ cả Anh lẫn Mỹ, nhưng theo tôi, nó không đơn giản thế và cũng không phải chỉ vì lợi ích kinh tế; có vấn đề còn đáng ngại và nguy hiểm cho thế giới tự do hơn như ông và phần đông nghĩ! Xin hãy kiên trì và theo dõi TQ cho kỹ.

  9. Sinh Viên says:

    Ông Trọng Đạt cứ cố ziết lịch sử làm gì cho tốn công, lịch sử cho thấy ĐCS Việt Nam cũng như Hồ Chí Minh là những người từ tay trắng không có gì để làm nên kì tích chống giặc ngoại xâm như tổ tiên đã làm.

    Có một sự thực mà hầu như không thấy người Mỹ, tác giả Mỹ nào chịu công nhận: hỏa lực Hoa Kỳ cung cấp cho miền Nam hầu như luôn luôn thua kém hỏa lực hùng hậu mà CS quốc tế cung cấp cho BV, hay nói khác đi Hoa Kỳ đã không chạy đua kịp với CS quốc tế về quân viện cho chiến trường Việt nam, đưa tới hậu quả sụp đổ ngày 30-4-1975
    Xn hỏi Mĩ thả xuống Việt Nam bao nhiêu bom,bao nhiêu chất độc da cam,viện trợ cho đám quân tay sai VNCH bao nhiêu máy bay,tàu chiến ,xe quân sự các loại. CS quốc tế Viện trợ cho Bặc Việt thì thấm tháp cái GÌ?

    • vantrang says:

      So sánh hai khối CS và tư bản viện trợ để hai miền Nam, Bắc VN giết nhau ?. BV có 1,624 người thường dân bị thiệt mạng sau những đợt mưa bom cuối năm 1972 là con số nhỏ so với tà quyền CSVN cai trị dân hiện nay, chỉ tính sơ mỗi năm có khoảng 7 ngàn thường dân thương vong vì tai nạn giao thông tính khắp nước, anh sinh viên XHCN tính nhân hay tính cộng xem 10 năm qua và 10 năm tới số thành là bao nhiêu ?
      Mỹ tốn công phí sức chỉ mong rút quân trong “danh dự” và ván cờ thí chốt bắt xa dần dà đã hiện ra trên bàn cờ quốc tế hôm nay , sv còn học chưa sạch nước cản làm sao hiểu nước cờ của các lảo đại quốc tế ? Trung quốc giúp BV cũng vì tư lợi nước cờ này CSVN đã thấm đòn và sớm hay muộn sẽ đưa VN vào quỷ đạo trung quốc : đồng hóa hay bị xâm lược nguội từ từ .
      Nói đến tác giả Trọng Đạt chỉ là tham khảo và viết sự thật sau hơn 30 năm để đọc giả xem và tìm hiểu và sự thực đã phơi bày hôm nay cũng đã quá đủ để kết luận : CSVN là kẻ nối giáo cho giặc Tàu giết dần mòn dân Việt Nam chính là thủ phạm trong trận mưa bom giáng sinh 1972 .
      VT

    • Lão Ngoan Đồng says:

      Mỹ không mong tìm một chiến thắng quân sự ở Việt Nam, tức thống nhất hai miền Nam bắc làm một, mà chỉ tìm cách BE BỜ TỪ XA, KHÔNG CHO CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN LAN RỘNG RA THÊM Ở BÁN ĐẢO ĐÔNG DƯƠNG NÓI RIÊNG và toàn vùng Đông Nam Á nói chung.

      Tại sao tôi lại nghĩ thế ư ?

      Trong thế chiến thứ hai, chính Mỹ đã giúp Liên Xô chống lại xâm lăng của Đức Quốc xã. Thực ra buổi ban đầu Mỹ buôn bán với các phe tham chiến để hưởng lợi. Nhưng khi thấy Đức ngày một chiếm ưu thế, nên vội vã kiếm cớ nhào vào can thiệp để kiềm chế phe Trục dẫn đầu bởi Đức QX.
      Ngay trước khi thế chiến hai chấm dứt, chính Mỹ ngồi lại cùng Anh và Nga chia ba thế giới để cùng hưởng (cho nên De Gaulle tức giận khi bị lãng quên trong bàn tiệc quốc tế này là thế). Patton là viên tướng Mỹ chống Cộng, thực ra Nga triệt để, đã bị chính giới Mỹ, trong đó có đại tướng Eisenhower đang làm tổng tư lệnh quân đồng minh ở mặt trận Âu Châu kiềm chế, bởi ông này đang nuôi mộng ứng cử tổng thống Mỹ sau chiến tranh.
      Patton muốn nhân cơ hội tấn công luôn Nga để “dành dân lấn đất” ở Âu châu, nên đã có những hành vi và cử chỉ gọi là thiếu thân thiện với binh tướng Nga. Thực ra chả cứ gì với Nga, mà cả với đồng minh là Anh, cụ thể là với thống chế Montgormery (Field Marshal Bernard Law Montgomery) của Anh, Patton cũng kém thân thiện và thường xuyên gây sự với ông này.

      Mỹ chỉ thay đổi thái độ khi thấy Tàu cộng chiếm trọn lục địa 1949, rồi Bắc Hàn tấn công Nam Hàn 1950 và chiếm gần hết bán đảo Triều Tiên. Mỹ vội vàng vận động Liên Hiệp Quốc nhảy vào can thiệp, đánh cho Bắc Hàn sất bất sang bang, đuổi chạy đến tận biên giới Hàn-Hoa là sông Áp Lục. Tàu cộng bèn nhảy vào vòng chiến, để rồi chiến cuộc dằng co kéo dài và cuối cùng chia hai thành Bắc và Nam Hàn như ngày nay.

      Các thinktank Mỹ bèn nghĩ ra thuyết Domino áp dụng ở vùng Đông Nam Á ở khoảng giữa thập niên 50. Chính vì thế mà Mỹ đã hất cẳng Pháp để can thiệp ở VN, với kết quả là chính phủ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa có quốc trưởng Bảo Đại với thủ tuớng Ngô Đình Diệm ra đời, nhưng khoảng một năm sau chỉ còn … “tổng thống” Diệm (ông Diệm lên ngôi tổng thống bằng cái gọi là trưng cầu dân ý truất phế quốc trưởng Bảo Đại và suy tôn thủ tướng Diệm lên địa vị độc tôn lãnh đạo VNCH). Nghĩa là dứt sữa với thực dân Pháp về chính trị lẫn kinh tế tài chính (còn dính chút mẩu văn hoá giáo dục).
      Đó là thái độ thường gặp của chính giới Mỹ, mà sau này ta thấy họ can thiệp thô bạo vào chính trường miền Nam, qua những âm mưu giật dây trong các vụ đảo chánh thanh lý nội bộ trong guồng máy cai trị ở miền Nam. Chính Mỹ đã đẩy Pháp vào thế ủng hộ Bắc Việt và bọn Mặt trận Giải phóng miền Nam, bởi Pháp còn quá nhiều ảnh hưởng và mối lợi kinh tế ở nơi đây. Nhưng xin bỏ qua không đi sâu chi tiết này, do sẽ đi ngoài đề.

      Mỹ không muốn Trung Cộng can thiệp trực tiếp bằng quân sự như ở bán đảo Triều Tiên, cho nên rất giới hạn chiến tranh, không muốn lan rộng ra khắp bán đảo Đông Dương. Tuy nhiên CSVN đâu muốn thế, bởi chúng phải chiếm trọn miền Nam mới thoả ước mộng, mà thình lình bị Mỹ ngáng chân hồi giữa thập niên 50 như đã nói. Do đó mới có Đại hội Ba đảng CSVN năm 1960 mà chủ yếu là ra nghị quyết đánh chiếm miền Nam bằng vũ lực.
      Hệ quả chiến tranh Đông Dương tái phát trở lại và ngày một gay cấn hơn bao giờ hết.

      Phía gọi là Diều Hâu, tức phe chủ chiến ở Mỹ, ban đầu thắng thế với lý luận, sẽ giải quyết nan đề VN bằng ưu thế quân sự vốn có của mình và truyền thống xưa nay của quân đội Mỹ chỉ có thắng chưa từng nếm mùi thất bại (cho đến lúc ấy) ! Rất tiếc họ đã sai lầm, khi đánh giá quá thấp đối phương là Bắc Việt ! Dù sao họ cũng đủ khôn ngoan để cạn tầu ráo máng bằng sự ném bom bừa bãi vào đê điều, tức đánh cho miền Bắc tan nát luôn. Bởi như thế Trung Cộng sẽ danh chính ngôn thuận mang quân vào giúp như ở Triều Tiên.
      Nhân đây nói thêm luôn là nhiều năm sau cuộc chiến, CSVN đã thú nhận có quân của các nước xã nghĩa anh em tham gia. Chẳng hạn chuyên gia SAM Nga, phi công Bắc Hàn … Và còn nhiều bí mật viện trợ nhân lực quân sự khác nào ai hay biết. Nói tóm lại, CSVN không cô đơn chiến đấu một mình, mà có những hậu thuẫn mạnh mẽ sau lưng rất nhiều.

      Chiến tranh quân sự lên đến cao điểm mà Mỹ vẫn không thủ thắng, trái lại bị sa lầy ngày một dữ dội. Thinktank Mỹ bèn kiếm cách giải quyết bằng phương cách khác. Đó là đi đêm với Tàu cộng khi dựa vào yếu tố xung đột nội bộ Nga – Hoa như ai ai cũng rõ.

      Nga- Hoa có bất đồng quan điểm chính trị ngay sau khi Stalin chết và Cút-Xếp lên thay với chủ trương Xét Lại, sống chung hòa bình với tư bản Âu Mỹ ! Tàu cộng cần ăn gỏi Taiwan cũng như Bắc Việt cần nuốt tươi miền Nam, nên dĩ nhiên là không hài lòng rồi chống lại. Bắc Việt còn nhận viện trợ Nga nên chỉ ngấm ngầm thanh toán nội bộ bằng cái gọi là vụ án tù mù “Xét Lại Chống Đảng” (như Vũ Thư Hiên viết trong Đêm Giữa Ban Ngày); còn Mao xếnh xáng ra mặt thẳng thừng đả khích Cút-Xếp (thực chất là Mao nhân cơ hội tốt để tranh nhau hùng xưng bá với Nga trong khối Cộng thế giới mà thôi. Mao đã chống lại chủ thuyết CS của Nga qua cái gọi là liên kết Công Nông, bởi nông dân chiếm đến khoảng 90% dân số ở Tàu).
      Cao điểm xung đột Nga Hoa là chiến tranh biên giới giữa hai nước bùng nổ, rồi lan rộng, khiến hai bên đồn trú hàng mấy trăm sư đoàn dọc theo biên giới rất dài của hai quốc gia khổng lồ nhất thế giới này.

      Theo ước hẹn với Tàu cộng, Mỹ bỏ rơi Taiwan để Tàu cộng thế chổ và có vị thế mạnh trên chính trường quốc tế ! Năm 1971, với việc thông qua Nghị quyết 2758 Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Trung Hoa Dân quốc (Taiwan) bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thay thế. Kể từ năm 1992, Trung Hoa Dân Quốc luôn lặp lại đề nghị được gia nhập Liên Hiệp Quốc nhưng chưa hề thành công. (Wikipedia)
      Dĩ nhiên VNCH cũng làm con vật tế thần cho quân tướng rút dù trong “danh dự” khỏi vùng lầy Việt Nam chính thức kể từ cái gọi là Hiệp ước Hòa bình Paris 1973.

      Thời thế thay đổi như nắng mưa và ngày đêm, Mỹ đi (đầu thập niên 70) rồi Mỹ trở lại như hiện nay. Đó là RealPolitlik (chính trị duy thực) !
      Tóm lại, với Mỹ không có thắng bại, mà chỉ có quan tâm (interest) hay có lợi (intérêt / profit) hay chăng ! C’est à dire un conflit d’intérêts, oui ou non ?

      Lão Ngoan Đồng

  10. CU PHUƠNG , CHUYÊN VIÊN GIỮ ĐẢO says:

    GÓP Ý :
    Có phải vì sợ chuyễn chiến tranh lạnh thành Thế Chiến thứ Ba không nhưng những dấu hiệu về mức độ phản ứng trả đuả trong các chiến trận VN rất giới hạn cuả Hoa kỳ đã chứng tỏ rõ điều đó. Suốt thời chính quyền TT Johnson , các cuộc dội bom tại đuờng mòn HCM và ngoài vĩ tuyến 17 , các cuộc ruợt đuỗi tàn quân CS chạy sang Kampuchia đều bị ngăn chận . Sau này trong các hồi ký từ Trung tá Oliver North , đại tuớng Norman Schwarzkopf cho đến Đại tuớng Colin L. Powell ,William Westmoreland đều than phiền là “đánh giặc bằng một tay.”Nhưng đến thời TT R.Nixon chiến luợc đã thay đổi mà ” Cuộc dôị bom 12 ngày Hànội trong Xmas 1972 “là một bằng chứng. Chính cuộc dội bom trên 10 mục tiêu quân sự mà Nixon bảo ,”The bastards (Hanội )have never been bombed like they’re going to be bombed this times.” với tên 1,300 nguời chết trong 12 ngày. (nhờ kỷ thuậ nên chính xác, ít sai lạc hơn so với Thê chiến hai với các cuộc dội bom tại Đúc chĩ một đêm đã gây chết từ 50 đến 60 ngàn nguời ).Tư liệu mới tiết lộ trong cuốn sách tên “No Peace, No honor “(1) mới xuất bản cuả ” giaó sư Đại học Berkeley ,Larry Berman mà ta biết đuơc các điều sau này :

    -Chính cuộc dội bom Xmas này đã khiến Hànội rùng mình vội vã xin Hoa kỳ mở lại “hội đàm tại Paris ” mặc dù vài ngày truớc đó Lê Đức Thọ đã to mồm huênh hoang với giọng điệu đại ngôn như LĐ Tho thách thức :” Chúng tôi đã chịu đựng hàng triệu tấn bom , ngang bằng năm sáu trăm bom nguyên tử . Chúng tôi giữ quyết tâm chống trả lại các ông.” (” We have undergone tens of millions of tons of bombs and shells, equaling 500-600 atomic bombs, but we are not afraid. We are determined to oppose you. )

    - Một chùm bom đã rơi sát nhà ơ cuả Lê Đức Thọ…( có lẽ đã khiến Thọ vội vã hoà đàm vì hú hồn thoát chết cã nhà.)

    - Một bài học là đánh thẵng , mang chiến tranh vào nhà , vào bản thân và gia đình chúng thì mới hiệu quả vì chúng chĩ khua mồm cho nguời khác chêt . Con cái cuả chúng nó có đứa nào chết không hay ở ngoại quôc tất cã . Đây là điều bất công muốn nói cã hai miềm Nam Bắc.

    - Một sự thực khác đuợc tiết lộ bên cạnh Hội đàm Paris là, mặc dù mang nhãn hiệu các “nhà cách mạng sống chết cho lý tuởng cao đẹp cuả nhân loại ” bằng mồm
    nhưng chúng đã lén lút “mang theo hàng loạt gái đẹp làm gái đĩ “để chúng nó du hí sau lưng vợ con.

    Mong Đàn Chim Việt hay tác giả Trọng Đạt nếu có thể xin nghiên cưú và phổ biến rộng rãi các sự thực sưu tầm đuợc này về trong nuớc. Cám ơn nhiều.

Leave a Reply to thối quá