WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Án lệ Hoàng Khương

Nhà báo Hoàng Khương ngồi kẹp giữa 2 công an trên đường về trại giam ngày hôm qua

Sự kiện Hoàng Khương bị bắt, chiều 2-1-2012, rồi sẽ trở thành một trong những trường hợp điển cứu liên quan đến đạo lý và pháp lý trong nghề báo. Từ một hành vi cụ thể – thông qua hai người môi giới, Hoàng Khương đưa 15 triệu cho thượng úy Huỳnh Minh Đức để lấy chiếc xe mô tô bị công an tạm giữ vì “đua xe trái phép” – có hai khả năng xảy ra: Hoàng Khương đưa hối lộ rồi “lợi dụng cương vị của mình để viết bài”; Hoàng Khương đã gài bẫy để làm lộ ra đường dây hối lộ.

Báo chí ngày 3-1-2012 lấy thông tin từ cơ quan điều tra đã dẫn dắt dư luận hiểu theo hướng thứ nhất. Nội vụ quả là cũng có không ít yếu tố bất lợi cho anh. Trần Minh Hòa, người có xe mô tô bị tạm giữ vì đua xe trái phép là bạn của Nguyễn Đức Đông Anh, theo công an, “cũng là đối tượng đua xe” và là em vợ của Hoàng Khương. Hòa nhờ Đông Anh lấy xe, Đông Anh đồng ý và về nhờ Hoàng Khương lo giùm. Đầu tháng 6-2011, Hoàng Khương đã nhờ Tôn Thất Hòa lo giùm nhưng không được. Tháng 7-2011, khi viết hai bài báo “Xử lý vi phạm giao thông: Trăm sự nhờ cò” và “Có móc ngoặc”, Hoàng Khương gặp lại Tôn Thất Hòa.

Sáng thứ Bảy ngày 25-6-2011, sau khi chi “3 chai” cho Thượng úy Huỳnh Minh Đức giúp một chủ xe đầu kéo lấy xe ra sớm và không bị giam bằng lái xe, khoảng 12 giờ trưa, Tôn Thất Hòa kêu Huỳnh Minh Đức ra quán “Vườn xưa”, uống bia và nhờ Đức lấy giúp chiếc xe Trần Minh Hòa. Hòa điện kêu Hoàng Khương lên. Ngay tại bàn nhậu, Hoàng Khương đưa biên bản cho Đức đọc, đưa gói tiền cho Tôn Thất Hòa, Hòa mở đếm thấy đủ 15 triệu, đưa hết cho Huỳnh Minh Đức. Một tuần sau đó, theo công an: “Vì Đức chỉ mới giao xe chứ không trả Giấy đăng ký xe nên Tôn Thất Hòa đã nhiều lần gọi điện thoại cho Huỳnh Minh Đức đe dọa nếu không trả giấy đăng ký xe thì Phóng viên Hoàng Khương sẽ viết báo tiếp, còn trả giấy đăng ký xe thì Hoàng Khương sẽ chỉ viết một bài đầu”. Công An cho rằng Hoàng Khương và Tôn Thất Hòa đưa tiền với mục đích lấy xe, nhưng khi Huỳnh Minh Đức không trả lại giấy tờ thì Hoàng Khương đã lợi dụng cương vị của mình để viết bài, đăng báo.

Nếu như sự việc đúng như kết luận này thì Hoàng Khương không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm về đạo đức. Vấn đề là tại sao một phóng viên nội chính “khét tiếng” như Hoàng Khương không chọn cách nhẹ nhàng hơn, nhờ vả. Các phóng viên nội chính biết rõ, chuyện lấy một chiếc mô tô bị tạm giữ không phải là chuyện quá khó với Hoàng Khương.

Theo Hoàng Khương tường trình thì sự can dự một cách chủ động vào sự kiện trên đây của anh là nằm trong quy trình tác nghiệp để viết hai bài: “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “Giải cứu xe đua trái phép”. Trước đó, Hoàng Khương đã viết một loạt bài đăng trong tuyến bài “ngăn chặn hiểm họa tai nạn giao thông” do Tòa soạn triển khai từ tháng 5-2011. Hoàng Khương nói, anh đã mượn biên bản giữ xe mô tô của Hòa để photo từ trước khi gặp Tôn Thất Hòa. Ngày 24-6-2011, khi thu thập tư liệu về vụ tai nạn giao thông xảy ra đêm 23-6-2011 tại giao lộ Đinh Tiên Hoàng – Bạch Đằng, Hoàng Khương đã nhờ ông Tôn Thất Hòa liên lạc với ông Tuấn, chủ xe gây tai nạn dò hỏi thông tin. Khi biết thượng úy Huỳnh Minh Đức hẹn xử lý vụ tai nạn ở quán cà phê, Hoàng Khương xin đi theo.

Diễn tiến sau đó, theo tường trình của Hoàng Khương, cho thấy, anh đến để tác nghiệp chứ không phải để đưa hối lộ: Khương đưa máy ghi âm cho ông Tôn Thất Hòa nhờ ghi lại cuộc nói chuyện rồi ngồi ở bàn riêng để quan sát. Máy ghi âm của Khương ghi được tiếng thượng úy Đức ra giá và lấy của ông Tuấn 3 triệu đồng để lấy xe đầu kéo vừa gây tai nạn ra sớm; tiếng ông Đức chủ động gợi ý để ông dắt xe chở hàng quá tải qua chốt CSGT; tiếng ông Tôn Thất Hòa nhờ xử lý vụ xe mô tô của Trần Minh Hòa; tiếng Đức đồng ý và ra giá “10 chai” rồi họ hẹn nhau ra quán ăn trên đường D5.

Ở quán ăn “Vườn xưa”, tường trình của Hoàng Khương khác với thông tin mà báo chí nhận được từ công an: Anh đưa máy ghi âm cho ông Tôn Thất Hòa và ngồi đợi bên ngoài, khi ông Đức chạy xe máy tới, anh còn chụp mấy tấm hình làm tư liệu rồi ngồi trên xe chờ. Khoảng 20 phút sau, ông Hòa chạy ra kêu Hoàng Khương đưa tiền và giấy tờ lên. Do không liên lạc được với Trần Minh Hòa, theo Hoàng Khương, anh đã gọi người xe ôm quen về nhà em vợ là Nguyễn Đức Đông Anh để Đông Anh qua nhà Hòa lấy biên bản và tiền nộp phạt. Khi người xe ôm mang tiền, biên bản ra, Hoàng Khương gọi ông Tôn Thất Hòa ra lấy. Nhưng sau đó, ông Hòa ra gọi Khương vào. Đây là tình tiết đặt anh vào tình huống từ một người quan sát ở bên ngoài trở thành người ngồi chung bàn. Trước mặt Hoàng Khương, Thượng úy Đức mở biên bản ra đọc và nhẩm tính các mức phạt rồi nói giá tiền, tiếp đó, ông Hòa đếm tiền cho tới con số “mười lăm chai”. Khương dùng điện thoại chụp được cảnh ông Đức nhận tiền từ tay ông Hòa. Sau khi Trần Minh Hòa nhận xe. Khương còn tiếp tục tác nghiệp bằng cách phỏng vấn lãnh đạo Đội Cảnh sát Giao thông Bình Thạnh trước khi viết bài “giải cứu xe đua trái phép”.

Chắc chắn là còn những thông tin mà chúng ta chưa được biết, kể cả những đồn đoán về nhân thân của anh, nhưng trên cơ sở những gì có thể làm sáng tỏ, khả năng Hoàng Khương gài bẫy để có chất liệu cho các bài viết là đáng tin cậy hơn giả thiết anh viết bài sau khi mục đích hối lộ không đạt được. Hoàng Khương thừa biết, một khi những bằng chứng ấy được ém lại chúng có giá trị “trao đổi” cao gấp trăm lần khi công khai.

Vụ Hoàng Khương không chỉ liên quan đến uy tín của tờ Tuổi Trẻ, sinh mệnh pháp lý của Hoàng Khương và những người đã cộng tác với anh để có loạt bài “ngăn chặn hiểm họa tai nạn giao thông” mà còn có thể tạo ra “án lệ”. Sự lên tiếng của Tuổi Trẻ không chỉ bảo vệ một con người mà còn bày tỏ thái độ trước một “thủ pháp nghiệp vụ” đang được tranh cãi trong nghề báo.

Luật pháp cũng như thái độ xã hội ở ngay cả các nước có nền báo chí tự do cũng nhìn nhận hành vi gài bẫy khá khắt khe. Nhưng, hơn một thập niên trước đây, báo chí Mỹ, nơi coi “gài bẫy” là bất hợp pháp, cũng đã bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận của mình. Bên cạnh “trường phái cổ điển”, cương quyết chỉ đứng ngoài sự kiện quan sát, tường trình, đã xuất hiện trường phái nhập cuộc. Ở Anh, việc gài bẫy được chấp nhận nếu nó giúp phanh phui sự thật về các chính khách và những người có ảnh hưởng đối với công chúng. Nếu Hoàng Khương đã gài bẫy thì hành vi của anh không phải là hối lộ mà là để làm lộ ra một đường dây hối lộ. Trên thực tế, trước khi nhận 15 triệu của Hoàng Khương, Thượng úy Đức đã nhận 3 triệu của ông Tuấn, chủ xe đầu kéo vừa gây tai nạn.

Luật pháp Việt Nam cấm các cơ quan tố tụng gài bẫy khi làm án. Nhưng, bóng dáng “Hoàng Khương” đã từng thấp thoáng trong vụ Phương Vicarrent hồi 2003 và vụ Nguyễn Hà Phan mới đây. Các phóng viên nội chính hiểu, tại sao các vụ án bắt mại dâm thường chỉ có hình các cô bán dâm mà không có hình khách mua dâm. Không thể chấp nhận nếu nhà báo gài bẫy các thường dân. Nhưng, nếu gài bẫy để lật mặt hành vi tham nhũng của những kẻ có chức, có quyền, thì cho dù không khuyến khích cũng không nên coi đó là tội phạm. Điều 8, Bộ Luật Hình sự quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm”.

Hành vi của Hoàng Khương chỉ nguy hiểm cho những kẻ tham nhũng chứ không hề nguy hiểm cho xã hội. Có thể, sau khi bắt Hoàng Khương trên báo chí chỉ còn tin cảnh sát giao thông trả lại tiền hối lộ chứ không còn “ăn” hối lộ. Nhưng, không phải những thông tin như thế sẽ làm cho xã hội tốt đẹp hơn, bởi điều mà người dân cần là tham nhũng không còn chứ không phải là những nhà báo chống tham nhũng không còn nỗ lực để khui ra tham nhũng.

Nhưng, cho dù không có rủi ro pháp lý, thì việc sử dụng gài bẫy như một công cụ của nhà báo cũng là điều không nên làm. Bản thân hành vi gài bẫy đã chứa đựng những rủi ro về đạo đức. Sáng nay, 3-1-2012, Nguyễn Đức Đông Anh em vợ của Hoàng Khương đã bị khởi tố bắt giam. Trước đó, chỉ vì nhiệt tình giúp Hoàng Khương có những bằng chứng như hình ảnh, băng ghi âm để khui ra cả một đường dây, Tôn Thất Hòa cũng đã bị bắt vì trở thành người trung gian hối lộ. Thật khó giải thích khi những bài báo như vậy không được Ban biên tập Tuổi Trẻ bàn bạc và giám sát quy trình. Thật khó để giải thích nếu như hệ thống kiểm soát nội bộ của Tuổi Trẻ không còn khả năng nhận ra để ngăn chặn những sai sót nghiệp vụ nếu hành vi gài bẫy là do Hoàng Khương là “tự phát”.

Hôm qua, ngày 2-1-2012, Tuổi Trẻ đưa tin về sự kiện Hoàng Khương bị bắt sau các đồng nghiệp hàng tiếng đồng hồ. Sau cuộc họp giao ban báo chí hôm 23-12-2011, báo giới đã cảm thấy công an sẽ bắt Hoàng Khương. Bản tin của Tuổi Trẻ không cho thấy tờ báo có sự chuẩn bị để phó với một “khủng hoảng” mà mình biết trước. Tất nhiên, có nhiều thông tin cả Ban biên tập Tuổi Trẻ và bạn đọc cũng cần phải đợi kết luật điều tra. Nhưng, không nên phó thác sinh mệnh một người đã viết hơn 50 bài về tiêu cực của công an cho công an định đoạt.

Hoàng Khương bị bắt trong hoàn cảnh mà vợ anh đang có bầu ở tháng thứ 5 và một đứa con nhỏ của anh bị bệnh bẩm sinh. Tôi nghĩ, điều mà gia đình anh cần không chỉ là việc được Tuổi Trẻ thuê giùm luật sư mà còn đứng bên cạnh anh như một cơ quan ngôn luận. Cái câu mà Hoàng Khương viết trong tường trình - “Tôi cam đoan những biện pháp nghiệp vụ và tình huống cấp bách buộc phải xử lý nêu trên chỉ nhằm mục đích hoạt động nghiệp vụ báo chí, thu thập thông tin, chứng cứ chứ không hề có động cơ vụ lợi nào khác” - cho đến nay vẫn không thấy xuất hiện trên Tuổi Trẻ. Trong đời làm báo hơn 20 năm của mình, nhiều lần ngồi ở tòa nhìn vào mắt các bị cáo, tôi biết điều họ lo sợ không chỉ là những năm tù đang rình rập mình mà còn là những tiếng kêu của họ không có ai nghe thấy. Ngay cả khi Hoàng Khương có những sai lầm thì, tại thời điểm này, Tuổi Trẻ cũng không nên để anh đơn độc.

Theo Facebook Osin Huy Đức

7 Phản hồi cho “Án lệ Hoàng Khương”

  1. Cô Tư says:

    Giải pháp lâu dài là phải có 3 định chế hoàn toàn đọc lập, lập pháp (Quốc Hội) do người dân trực tiếp bầu lên và có nhiệm vụ làm luật, hành pháp với người lảnh đạo cao nhất do người dân trực tiếp bầu lên (tồng thống chế) hay do đa số trong quốc hội chỉ định (thủ tướng chế) và có nhiệm vụ thi hành luật, và tư pháp (Hệ Thống Toà Án) do người dân trực tiếp bầu một phần ở cấp cao lên và do hành pháp bổ nhiệm một phần ở cấp thấp hơn và có nhiệm vụ xét xử các vi phạm luật của bất cứ ai đồng thời giám sát việc thi hành luật.

    Khi mà ĐCSVN vừa là lập pháp, vừa là hành pháp, vừa là tư pháp, tức là khi chế độ toàn trị độc đàng tự biên tự diển tự sướng vẩn còn tồn tại, thì làm gì có công lý!
    ,

  2. Hung says:

    Nếu các phóng viên báo TT có 1 chút tình người, một ít can đảm thì đồng loạt đình công hoặc trả thẻ nhà báo. Theo tôi, bán vé số còn hơn.

  3. Trần Hữu Cách says:

    Cám ơn nhà báo Huy Đức đã trình bày cặn kẽ nhiều mặt của vụ này. Nhưng lời giải thích cho những nghi vấn và nỗi tuyệt vọng của anh nằm ở chỗ bản chất của chế độ!

    Lời giải thích là: Việt Nam không có ngành tư pháp độc lập. Công an chắc chắn họ sẽ thắng khi ra tòa. Tờ Tuổi Trẻ cũng tin rằng công an đã quyết định hết mọi chuyện, cho nên thực sự là họ không còn ý chí kháng cự nào nữa.

    Ở một quốc gia có nền tư pháp độc lập, công an sẽ không dám chắc là mình sẽ thắng khi đi kiện nhà báo vì một vụ gài bẫy.

    Đây là thêm một ví dụ nữa, cho thấy ở Việt Nam quyền lực là cái ở trên tất cả, và luật pháp thường chỉ đóng vai trò công cụ cho những kẻ có quyền. Những kẻ này, trên thì nhân danh Đảng — hay sự tồn tại của Đảng, dưới thì nhân danh bất cứ điều gì, tha hồ áp dụng mọi điều luật, dựng lại mọi câu chuyện, sao cho hủy diệt được mọi sự chống đối thì thôi.

  4. Lê Thiện Ý says:

    Lãnh đạo báo Tuổi trẻ nghĩ sao mà “bàng quang toạ thị” dửng dưng như chuyện cuả ai ở đâu khác, chứ không phải là “chuyện sinh tử” cuả PV báo nhà! Sợ “dây với hủi” chăng? Mà ai là hủi? Bọn C/A với quá nhiều tai tiếng, quyền hành và lắm đặc quyền đặc lợi, hay Nhà báo Hoàng Khương là…hủi?
    Dấu kín quan điểm của mình hòng bảo vệ điạ vị cũng là hình thức ‘mị dân”, vị kỷ,; bán rẻ người cộng sự đắc lực TRƯỚC NANH VUỐT BỌN ÁC QỦI !

  5. Choi Song Djong says:

    Tổng biên tập báo TTrẻ có phải là 1 đảng viên ? tình trạng này chỉ khiến những nhà báo,phóng viên chân chính bỏ tòa soạn chuyển sang viết blog.Sự vô trách nhiệm,kg vượt qua nỗi sợ hãi này sẽ làm tiền lệ cho bọn công an cộng sản thêm lông thêm cánh tự do hà hiếp đồng bào.Thưa quí vị xin để nơi đây một chữ HÈN

  6. nguyenha says:

    Ai bảo dây là Án-lệ? Dưới XHCNVN làm gì có Án-Lệ! Bao nhiêu vụ bắt -bớ,giết người,kết án dã-man…. dưới thời Ông Hồ có phải là Án-Lệ hay không? Dã gọi là “học-tập-noi-gương Bác”thì không còn Án-Lệ nữa.Án-Lệ ” triệt-tiêu” khi phòng-xử có tên”Bác”!! Dù sao cũng mừng,tác-giả(có lẻ ngườicủa “CM”) dã biết 2 chữ ÁN-LỆ! Hai chữ mà trước dây “bác Hồ”chưa bao giờ biết.Giết người xong chỉ cần”xin-lổi”.!Trở lại với phóng viên Tuổi trẻ Hoàng-Khương,di làm phóng sự diều tra,lại giăng bẩy cho dối tượng dể làm phóng sự!!Dối-tượng lại là lọai cá háu-ăn”cá-mập”.Nghe qua thì tòan là “mỹ-từ”của một hệ-thống Xã-hội :phóng viên Tuổi-trẻ,CSGT…Nhưng cuối cùng cũng chỉ là “cá-mè-một-lứa”,không chừng “thoắt-một-cái”anh PV trở thành anh CA,và ngược lại.Trong một Xã-hội “Vô-ra-gặp-thằng-cha khi nãy” thì cái gì cũng
    có thể tái-diển.Mới dó,phó thủ-tướng Nguyễn-sinh Hùng,mở mắt ra thành chủ-tịch Quốc hội!! Vì thế Ông
    Pv Hòang-Khương có “giăng-bẩy”bắt Ông CA,hay ngược lại,xin bà con chớ bận-tâm,cũng chỉ là :thằng-ăn-trôm bắt thằng ăn-cướp hay ngược lại,mà thôi!!

  7. Trầm Tư says:

    Tôi thấy điều thực tế hơn hết là đừng trông mong gì vào việc báo Tuổi Trẻ sẽ đứng về phe phóng viên Hoàng Khương để binh vực anh ta. Ngược lại, các báo khác biết việc làm của anh, nếu không “cứu” được anh thì vẫn phải cùng nhau phản đối những hành vi mưu hại anh ta trong những ngày sắp tới. Có làm như thế mới may ra sẽ “đỡ bớt đòn” cho anh ta được phần nào. Những kẻ lợi dụng thời cơ tố cáo, vu khống và mưu hại Hoàng Khương để lấy điểm với nhà nước trong những ngày sắp tới không ai xa lạ, sẽ chính là “ban lãnh đạo”, những bạn “đồng nghiệp” và “đồng chí” của anh ta trong ban biên tập báo Tuổi Trẻ hiện nay.

    Lợi dụng thời cơ để hùa với chế độ hãm hại các “đồng chí” của mình hầu được thăng quan tiến chức trong nghề, trước giờ vẫn là một công thức không thể thiếu trong guồng máy thống trị của đảng CS và nhà nước VN hiện nay.

Phản hồi