WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nhà cầm quyền Nga đang đi theo con đường nguy hiểm


Người viết vừa gửi bài Cuộc đấu tranh chính trị ở Nga trước ngày bầu cử tổng thống cho các bạn xa gần thì phải quay lại bàn viết thêm bài này, vì ngày 14.2, vừa xảy ra một vài sự kiện gây nhiều phản ứng trong dân chúng.

Người ta vừa công bố thông báo cho biết Gazprom-media là cổ đông kiểm soát của đài “Echo Moskva” (Tiếng vang Moskva) quyết định triệu tập hội nghị cổ đông để bãi nhiệm trước thời hạn Hội đồng các giám đốc của “Echo Moskva”. Tin này làm chấn động dư luận chẳng những ở Moskva mà còn ở nhiều nơi khác vì nó báo hiệu điều gì đó chẳng lành không chỉ cho “Echo Moskva” mà cả cho đất nước Nga.

Trước khi trình bày phản ứng của dư luận xã hội, chúng tôi xin nói rõ thêm để bạn đọc biết về đài “Echo Moskva”. Đó là một đài phát thanh phi chính phủ duy nhất ở Nga được thành lập dưới thời Liên Xô, đã được đăng ký và bắt đầu hoạt động từ tháng 8 năm1990. Qua nhiều biến thiên, đến nay tập đoàn Gazprom-media là cổ đông kiểm soát có 66% phiếu bầu trong đó công ty cổ phần. Số phiếu bầu còn lại thuộc về các nhà báo-cổ đông của “Echo Moskva”. Mặc dù Gazprom-media là cổ đông kiểm soát, nhưng theo luật về các phương tiện truyền thông của Nga thì các sáng lập viên hay các cổ đông không có quyền can thiệp vào đường lối biên tập của đài, vì đường lối biên tập của đài chỉ thuộc quyền tổng biên tập của đài mà thôi. Tổng biên tập của đài là Alexei Benediktov, một nhà báo kỳ cựu. Trả lời những người cho đài “Echo Moskva” là đài chống đối, ông Benediktov nói rõ rằng: “1. Đài chúng tôi không phải là đài chống đối, mà là đài thông tin. 2. Đài chúng tôi là nơi tranh luận của các lực lượng khác nhau. 3. Đài chúng tôi là nơi dành cho các sự phân tích và các ý kiến của các cơ cấu, lực lượng, tư tưởng chính trị khác nhau”. Chính vì thế đài rất nổi tiếng, được đông đảo thính giả mến mộ vì những thông tin khách quan, những ý kiến khác nhau của nhiều bên tranh luận. Năm 2011,  “Echo Moskva” được chấm điểm cao nhất, hơn cả những kênh truyền hình của nhà nước. Cuối năm 2011, site của “Echo Moskva” có trên 300 nghìn lượt người đọc trong một ngày đêm. Cũng vì thế tin tặc đã nhiều lần đánh phá site của “Echo Moskva”. Tháng 4 năm 2011, Alexei Benediktov lại được bầu làm tổng biên tập trong ba năm nữa.

Alexei Benediktov

Bây giờ xin nói rõ vì sao có chuyện đột ngột xảy ra như vậy. Khi phong trào phản kháng của quần chúng dâng cao ở khắp nơi, đặc biệt là ở các thành thị, “Echo Moskva” với đường lối biên tập khách quan của mình đã đưa thông tin không thiên vị từ nhiều phía, đồng thời là diễn đàn tranh luận sôi nổi của các phe phái, các phong trào. Mọi lực lượng – dân chủ, liberal, cộng sản, phái tả, phái hữu, dân tộc chủ nghĩa (trừ quá khích, phát xít mới) – đều được trình bày quan điểm của mình trên “Echo Moskva”. Cho  nên trên đài đã vang lên không ít lời phê phán thẳng thừng đối với hai ông Putin, Mevedev và các quan chức khác. Điều  đó không làm vừa lòng các vị đã bị chỉ trích nặng nề. Ông Putin đã mấy lần trực tiếp nói với tổng biên tập của “Echo Moskva” về sự không hài lòng đó. Nhưng ông Benediktov làm sao thay đổi đường lối biên tập được vì đó là đường lối đã xác định ngay từ ngày thành lập “Echo Moskva” – đường lối thông tin trung thực, khách quan, phản ánh mọi quan điểm trong xã hội để người dân tự thấy đâu là đúng, là sai. Nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định của Gazprom-media (tập đoàn rất lớn mà nhà nước chi phối) chính là mưu toan của chính quyền bóp nghẹt chút tự do còn lại của nhân dân.

Thông báo của Gazprom-media để bãi nhiệm Hội đồng các giám đốc của “Echo Moskva” trước thời hạn, chủ yếu là nhằm loại bỏ hai giám đốc độc lập là ông Alexandr Makovski và ông Evgheni Yasin. Khi thấy dư luận rất bất bình trước quyết định này thì Gazprom-media thanh minh là quyết  định này hoàn toàn không có tính chính trị mà chỉ là thủ tục hành chính nội bộ thôi. Còn phát ngôn viên của thủ tướng, ông Peskov, vội vã tuyên bố là Thủ tướng Putin không hề ra lệnh làm việc này.

Trả lời câu hỏi của báo chí, ông  Benediktov, tổng biên tập “Echo Moskva”, nói rằng: ông biết đây không phải là lệnh từ “cấp trên”, nhưng theo ông, đây là do cấp thi hành khi nghe thấy ông Putin vài lần công khai tỏ ý không hài lòng với đài “Echo Moskva” thì họ tưởng đó là lệnh “Fas” (tiếng hô ra lệnh cho chó công vụ xông vào cắn kẻ gian – người viết ghi chú) nên họ thi hành. Ông nói thêm: “Nhưng, chừng nào tôi còn giữ chức tổng biên tập của đài thì tôi vẫn phải giữ vững đường lối biên tập đã định. Mà tôi còn làm tổng biên tập ba năm nữa”. Còn trong thông cáo của đài “Echo Moskva”, chỉ nói nhẹ nhàng là “các nhà báo-cổ đông không hiểu được về quyết định này của Gazprom-media”, “chúng tôi rất tiếc là do những sự kiện đó mà hai giám đốc độc lập là A. Makovski và E. Yasin, những người đã làm việc cho đài trên 11 năm, đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đài buộc phải ra đi”, “Chúng tôi hiểu rằng Gazprom-media không thể làm khác được, một khi các nhân vật có chức cao nhất đã có ý kiến phê phán đài” và “đường lối biên tập của đài đã và sẽ dựa vào luật pháp của Liên bang Nga vì lợi ích của phúc lợi xã hội” (những chữ trong ngoặc kép dịch từ nguyên văn – người viết).

Sự phê phán mạnh mẽ nhất là từ các nhân vật đối lập. Để không phải kể lại dài dòng về những lời phê phán đó, người  viết xin dẫn ra ở đây những câu ông Mikhail Gorbachev, cựu Tổng thống Liên Xô, trả lời phỏng vấn của đài Tự do.

Hỏi: Ông nhận xét tình hình quanh vụ đài truyền thanh “Echo Moskva” như thế nào?

M.G.: Tôi nói xúc động. Tôi thấy xấu hổ điều đó xảy ra ở nước chúng tôi… Thật sự là tôi kinh ngạc. Đối xử như vậy với một đài  truyền thanh dân chủ, độc lập mà dân chúng yêu mến, quý trọng, mà dân chúng nghe, sau đó còn đọc những tài liệu (của đài) trên internet… Thế mà hành động trắng trợn như vậy! Điều đó thật đúng là một cái tát vào mặt dư luận xã hội.

Hỏi: Ông nghĩ rằng việc đó đã được Kremli chuẩn nhận ư?

M.G.: Không có nghi ngờ gì cả. Chỉ cần nghe những lời nói dài dòng, giận dữ, chán ngấy và gượng gạo của phát ngôn viên ông Putin nói rằng Kremli không dính dáng gì đến việc này thì đủ rõ.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng sự thay đổi Hội đồng các giám đốc của “Echo” mới chỉ là bước đầu tiên không?

M.G.: Điều đó còn tùy những quá trình sẽ xảy ra trong xã hội.

Hỏi: Và tùy phản ứng của xã hội?

M.G.: Vâng. Còn tùy phản ứng của xã hội nữa. Nhưng nhà cầm quyền phải hiểu rằng trong tình hình này thì họ mất nhiều hơn các nhà báo. Nhưng vấn đề là họ có hiểu hay không… Ở đấy, họ thích những cách như thế. Thế giới tức giận, còn họ thì biểu dương: đấy, chúng tao cương quyết như thế đấy, không phải như một số người… – thôi, mặc kệ họ.

Hỏi: Ông có ngại rằng tình hình sẽ xảy đến với tờ “Báo mới”? (tờ báo độc lập của tư nhân – người viết ghi chú)

M.G.: Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Tôi xin nói trước: tôi sẽ bảo vệ tờ báo đó. Trong việc này có nhiều cách đáp lại khác nhau. Cả bằng lời nói, cả bằng hành động.

Người viết xin nói thêm, có tin hôm nay 15.2, công tố đã mời ông Benediktov đến nói chuyện. Tổng biên tập đài đã cử luật sư của mình đến gặp. Nội dung câu chuyện thế nào chưa rõ.

Anna Niva

Còn một chuyện này nữa vừa buồn và vừa buồn cười, cũng gây ra bàn tán.  Chị nhà báo Pháp, Anna Niva, vừa bị trục xuất ra khỏi nước Nga hôm chủ nhật 12.2. Về Pháp, chị đã viết bài lên tờ Le Point bên Pháp kể lại câu chuyện mà chị gọi là “siêu thực”, chị đã bị trục xuất như thế nào. Theo lời chị kể: Chị đến tỉnh Vladimir cách Moskva chừng 200 km, đang nằm trong khách sạn thì cô dọn buồng vào báo có người đến cần gặp. Ra hành lang, chị thấy năm người đàn ông, hai người tự xưng là nhân viên sở di trú. Họ muốn kiểm tra giấy tờ của chị. Chị đưa hộ chiếu, có visa đầy đủ. Mọi thứ đều hợp lệ. Họ nói: “Nhưng chị phải đến đồn cảnh sát”. Họ đưa chị đến đồn cảnh sát. Ở đấy người ta tuyên bố với chị: “Bà đến đây mà lại gặp những đại diện của đối lập” (?!). Thế rồi họ đóng dấu hủy visa, buộc trong ba ngày phải rời khỏi nước Nga. Chị mới nhớ ra rằng mấy ngày trước chị có gặp mấy thành viên của đảng dân chủ liberal là đảng Yabloko. Chị sang Nga để viết một cuốn sách về nước Nga, không ngờ rằng việc chị gặp mấy thành viên của đảng dân chủ liberal ở một nước tự xưng là dân chủ lại là một… tội! Buồn cười là kết thúc chuyện đó ở nước Nga: ngày 14.2, thủ trưởng Sở di trú tỉnh Vladimir, Oleg Brechko, người đã thi hành lệnh của cấp trên trục xuất chị nhà báo Pháp, đã bị cách chức. Trong tờ quyết  định của giám đốc cơ quan di trú liên bang Konstantin Romodanovski ghi rằng: lỗi của thủ trưởng Sở di trú tỉnh Vladimir, Oleg Brechko, là đã rút ngắn thời hạn ở lại Nga của nhà báo Pháp (theo tin của Interfax). Thật là mỉa mai! Các nhà bình luận vạch ra rằng lại một “con dê tế thần” để vớt vát bộ mặt dân chủ của nước Nga dưới chế độ Putin!

Những sự kiện trên đây báo hiệu sự siết chặt hơn nữa chế độ chính trị và thái độ hung hăng của kẻ cầm quyền. Trong lúc phe đối lập đang chuẩn bị những cuộc đấu tranh tiếp tục sau ngày bầu cử thì ông Putin nói với những người ủng hộ ông ta: nếu họ đưa một triệu người xuống đường thì chúng ta sẽ đưa 17 triệu người khắp nước Nga. Cảm thấy dường như hai bên không còn  đủ bình tĩnh để lắng nghe ý kiến của nhau nữa, và những lời nói “sẵn sàng đối thoại” chỉ là những lời nói suông, lừa bịp mà thôi.

Càng ngày càng thấy rõ phe thân Putin muốn dùng chủ nghĩa dân tộc để lôi kéo quần chúng về phía mình. Họ luôn luôn tung ra luận điệu chống lại kẻ thù bên ngoài và bọn tay sai của chúng, ý nói những người phản bác lại đường lối và chế độ Putin. Đây là một hành động cực kỳ nguy hiểm, vì không biết lắng nghe ý kiến khác với mình nên phe thân Putin đang cố chia rẽ nhân dân thành hai khối đối chọi nhau – phe địch và phe ta. Đó là con đường dẫn đến xung đột, đến nội chiến, đến máu đổ đầu rơi. Nếu để lòng hận thù làm mê muội đầu óc thì hậu quả sẽ vô cùng lớn lao.

Nhà cầm quyền Nga đang đi theo con đường nguy hiểm! Mong sao họ sẽ kịp dừng lại!

Ngày 15.2.2012

© Nguyễn Minh Cần

© Đàn Chim Việt

8 Phản hồi cho “Nhà cầm quyền Nga đang đi theo con đường nguy hiểm”

  1. binhnguyen says:

    Hãy học cách tôn trọng quan điểm của người khác,đừng comm dậy người khác, lại tưởng mình là dân chủ.

    • Trần Hữu Cách says:

      Một vấn đề quan trọng hơn: Bạn có tôn trọng quan điểm của chính mình hay không?

      Nếu có, xin bảo vệ chúng bằng những chứng cứ đáng tin cậy. Thế thôi.

  2. Trần Hữu Cách says:

    @binhnguyen:

    Bạn viết: “Qua các bài viết của ông Cần, đã hiểu được ông có quan điểm cùng với nhóm muốn cho Nga đi theo con đường Ukraina, bạo động.”

    Có nhiều phần chắc bạn đã hiểu lầm, hoặc cố ý cáo buộc một cahc vô bằng!

    Các nhà đấu tranh dân chủ ở Nga không chủ trương bạo lực. Hãy xem lại bao nhiêu cuộc xuống đường rất lớn của họ. Có bạo động xảy ra hay không?

    Còn chuyện ông Cần “muốn” nước Nga thế nào, không quan trọng gì hết đối với dân Nga, nước Nga, vì ông ta chỉ là một chứng nhân bên lề tới từ Việt Nam!

    Bạn hãy tập lập luận cho đơn giản hơn, ít tham vọng hơn, và đưa ra chứng cứ đầy đủ cho mọi giả thiết của mình. Theo tôi, hầu hết những gì có trong đầu bạn về nước Nga hiện nay đều chỉ là những giả thiết.

  3. Dân Đen says:

    Nước Nga ngày xưa nghèo, lạc hậu quá xa so với Tây Âu văn minh tiến bộ. Nhờ sa hoàng Peter Đệ Nhất đi sang Tây Âu học hỏi, sau đấy mời thầy, thợ Tây Âu sang giúp xây dựng, cải tạo xã hội Nga, thì nước Nga mới mạnh lên kể từ đó.

    Tuy nhiên, cái số kiếp dân Nga cũng thuộc loại khốn nạn (như dân vịt lừa) nên ngay khi chế độ dân chủ vừa mới sơ sinh và có nhiều cơ may phát triển vào đầu thế kỷ 20 thì bỗng dưng từ đâu lòi ra đám bôn sê vích man rợ, hè nhau giết sạch, cướp sạch hoàng gia và tầng lớp elite Nga để kéo nước Nga đi lên thiên đường (mù) chủ nghĩa cọng sản. Để rồi phải sau hơn 70 năm trời, cả nước Nga mới rời ra được thiên đường cọng sản, trở lại với đời sống bình thường như các dân tộc khác ở phương Tây. Nước Nga khi ấy mới có cơ hội để làm lễ an táng long trọng vị sa hoàng cuối cùng và toàn thể gia quyến đã bị đám bôn sê vích mọi rợ sát hại dã man sau cái gọi là ‘cách mạng vô sản’ 10/1917. Nước Nga đã đi một vòng quá xa, quá lâu để rồi cuối cùng phải quay lại với con đường thẳng thớm mà lẽ ra họ có cơ hội tiến bước theo từ ngay sau cuộc cách mạng dân chủ tháng 2/1917.

    Phần Lan trước kia lệ thuộc Nga, nhưng nhờ ơn trên, may mắn không bị đám bôn sê vich Nga dắt đi lên thiên đường cọng sản, nên nay trở thành một trong những nước văn minh, tiến bộ, giàu có hàng đầu trên thế giới. Các nước vùng Baltic ban đầu cũng may như Phần Lan, nhưng về sau thì xui chí mạng, nên sau chiến tranh thế giới II bị nước Nga xô viết lôi theo lên thiên đường cọng sản, mêt nhoài, ná thở, cho đến mãi 1989 mới thoát ra được; chính vì vậy mà dân Nga nay bị dân các nước vùng Baltic ghét như hủi, bị xem như công dân hạng 2, đành phải chịu đựng nghiệp quả ngày xưa.

    Con đường quay về từ thiên đường cọng sản của nước Nga gập ghềnh, quanh co, không hề lúc nào êm ả, do cổ xe cách mạng tháng Mười đã hùng hục cày nát nó trong chuyến đi. Mấy mươi niên rồi kể từ cuộc ‘phản cách mạng’ của Mikhail Gorbachev/Boris Eltsin vào năm 1991, người Nga nay mới bắt đầu tỉnh hẳn người ra, muốn canh tân xứ sở cho văn minh, tiến bộ theo các nước phương Tây, như Peter Đại Đế đã khởi xướng cách đây nhiều thế kỷ.

    Tuy nhiên, cái số kiếp khốn nạn mãi đến nay vẫn chưa chịu buông tha nước Nga (phải chăng do trước đây người Nga từng tàn sát dã man các dân tộc khác để mở mang bờ cõi đến 1/9 địa cầu ?). Màn độc diễn chính trường dị hợm, ‘vô duyên’ của Putin và một nhúm người của ông ta đang làm cho người Nga xấu hổ, bực bội và có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng đây có lẽ là cái ách sau cùng mà dân Nga phải chịu đựng, phải trả giá cho quá khứ bạo lực, đầy oan nghiệt của mình.

    Mong sao cho nước Nga, dân Nga sớm thoát khỏi kiếp khổ nạn kéo dài cả mấy thế kỷ qua, và vui hưởng được cuộc sống an bình, thịnh vượng, xứng đáng với tầm vóc của đất nước và tiềm năng của dân tộc họ,

  4. Hong says:

    Khi nào có bài chỉ trích nhà nước Nga hay/và Putin là y như rằng có con rối do… Nga giật dây nhảy lên múa loạn cào cào, chẳng giống ai. Chán !

  5. binhnguyen says:

    Qua các bài viết của ông Cần, đã hiểu được ông có quan điểm cùng với nhóm muốn cho Nga đi theo con đường Ukraina, bạo động. Tổng thống Iushenko cướp quyêǹ bằng con bài “cách mạng da cam” sau vài năm cầm quyêǹ làm con rối cho đế quốc chỉ còn một vài phần trăm ủng hộ. Thất bại thảm hại đó chứng minh cho cái nhìn thiển cận, vô vọng nhưng điên cuồng trong âm mưu chinh phục thế giới của Nhà trắng. Đài Echo Moskva dùng tiền thuế của nhân dân Nga nhưng lại phục vụ quyền lợi của chính phủ ngoại bang, đó không phải là tự do ngôn luận mà là điều xỉ nhục của một số nhà báo vô liêm sỉ. Bôi nhọ chính phủ mình, xuyên tạc đường lối ngoại giao v.v. không nói về cái tích cực cái đúng của chính phủ, mà chỉ bêu rếu những cái xấu, thậm chí cố tình xuyên tạc sự kiện. Phỏng vấn toàn các nhân vật đối lập, những kẻ có liên hệ với “Quỹ Quốc gia vì Dân chủ”. Quỹ do chính phủ Mỹ tài trợ và được lập ra theo sáng kiến của CIA để làm thay một số công việc mà CIA đã từng làm 25 năm trước, kiểu như ở miền Nam VN.

  6. Trần Hữu Cách says:

    Các diễn tiến chứng tỏ phe đương quyền ở Nga vẫn ôm lấy một số cách hành xử cũ có từ thời công an trị. Riêng vụ Oleg Brechko bị mất chức làm tôi liên tưởng đến cách hành xử của các quan chức an ninh và hải quan ở Việt Nam hiện nay.

    Có vẻ như Brechko đã tự ý “trừng phạt” nhà báo Anna Niva. Rất có khả năng đây cũng là cách hành xử của các quan chức Việt Nam khi ngày càng nhiều nhân vật ở hải ngoại bị trục xuất ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất.

    Dù sao, đây là nước Nga, cho nên Brechko không được cho 15 ngày (đi nghỉ dưỡng!?) như các quan chức ở huyện Tiên Lãng. Rõ ràng là ở Nga ngày nay, do không còn bộ máy toàn trị của Đảng Cộng Sản, các quan chức không được thượng cấp bao che kỹ lắm.

  7. Chim Gõ Kiến says:

    Putin là người gốc từ KGB, nên cứng rắn và cũng nhiều quỷ kế của cs còn ngấm trong máu mà chưa thay đổi hết, ông ta vẫn âm mưu xây dựng một chế độ độc tài không công sản, nhưng theo phương pháp của cs. Thói ham muốn quyền lực đến bệnh hoạn đã làm lu mờ đầu óc ông ta, chứ không phải tinh thần dân tộc chủ nghĩa như ông ta đưa ra để mị dân.
    Nhưng may thay cho dân Nga, họ còn có đài phát thanh Echo Moskva để người Nga còn được nghe những tiếng nói của mọi luồng tư tưởng, những phản biện xã hội từ mọi phía để cho dân chúng biết được những lời nói và việc làm đúng và sai của chính quyền, không như ở VN chỉ có cái đài tiếng nói VN của đảng và chính phủ cs, còn các đài địa phương chỉ là “những con vẹt máy” nhắc lại những luận điệu lừa gạt, dối trá của TW cs mà thôi.
    Những người Nga chân chính dũng mãnh sẽ chắc chắn sẽ dành lại nền dân chủ manh nha và sẽ gột rửa hết những dòng máu đen tối, độc tài trong chính quyền của Putin ngày nay.

Leave a Reply to Chim Gõ Kiến