WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nhân cuộc tranh cử tổng thống Mỹ: mức thuế nào là xác đáng?

Các cuộc tranh luận tổng thống cho cuộc đua vào Tòa Nhà Trắng năm 2012 một lần nữa thu hút lượng người xem kỷ lục từ khắp nơi trên thế giới, hơn với bất kỳ một chương trình nào trong lịch sử truyền hình. Nó là một bẳng chứng rất rõ cho thấy bầu cử tổng thống Mỹ cũng là cuộc bầu cử tổng thống của thế giới. Với tiềm lực của một quốc gia đứng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực quan trọng như kinh tế, quốc phòng, khoa học kỹ thuật, và đặc biệt là ngọn cờ đầu của các giá trị dân chủ, nhân quyền, chính sách của đảng cầm quyền luôn có một ảnh hưởng nhất định tới tình hình toàn cầu. Do vậy ai cũng quan tâm theo dõi cuộc tranh cử.

Đối với cử tri Mỹ thì họ sẽ bỏ phiếu cho tổng thống của đảng có chính sách thiết thân nhất đối với họ. Cử tri người Mỹ gốc Việt cũng không ngoại lệ. Nhưng đối với những ai có quan tâm đến một tương lai tốt đẹp hơn cho nước Việt Nam, các cuộc vận động tranh cử này cũng là cơ hội để chúng ta tìm hiểu về hiệu năng của từng chủ trương khác nhau.

Chủ trương nào có thể ứng dụng tốt hơn vào nước Việt Nam dân chủ sau này? Có nhiều đề tài đáng quan tâm. Một trong những đề tài nghe rất khô khan nhưng lại có hấp lực đủ cho một cuộc thảo luận đó là thuế. Sẽ không đi vào các con số, các chi tiết của khía cạnh thuế vụ, vì trước hết phải thú nhận là bản thân tôi không có chuyên môn về thuế vụ, và hơn nữa đó cũng không phải là mục đích của bài viết. Ở đây chỉ xin nêu ra những ý kiến tổng quát, có tính nguyên tắc hơn là đi vào thảo luận trên những chi tiết kỹ thuật. Tuy vậy vẫn có một sự trông đợi. Sẽ là một sự may mắn lớn nếu những ý kiến này sẽ có được chú ý từ những người quan tâm đến vấn đề, như là một bước đệm nhỏ cho những thảo luận rộng hơn về sau.

Triết lý thuế

Ở đây là những dòng có tính chất tổng thể không thể không có, dù nghe có vẻ khô khan và thậm chí kềnh càng. Thực sự thì mọi chính sách xã hội của chính quyền đều luôn phải đặt nền tảng trên một cơ sở triết lý. Mọi nghiên cứu xã hội về thuế đều đã có được những điểm chung mà theo bước đi thời gian đã vượt qua những thử thách xét lại.

Cho dù chúng ta có những tình cảm khác nhau khi nhìn về thuế đi nữa, nó đã trở thành một thành tố tự nhiên trong xã hội văn minh, định dạng ý niệm của mỗi một chúng ta về vai trò công dân của mình. Thuế là một khế ước xã hội giữa công dân và chính quyền. Hay cụ thể hơn thuế là một hình thái biểu hiện sự cam kết của công dân đối với công cộng. Đóng thuế là nghĩa vụ của công dân và vai trò của chính quyền trước hết đối với nghĩa vụ công dân này là biểu lộ sự trân trọng.

Và chức năng của tiền thu từ thuế tự nó cũng sẽ phải mang lại tính hiệu năng, một cách cụ thể hơn theo ngôn ngữ kinh tế là phải mang lại lợi nhuận trên những giá trị kinh tế xã hội, với mục đích sau cùng là để phục vụ cho phúc lợi của từng cá nhân trong cộng đồng và trên bình diện rộng hơn là cho xã hội.

Thật ra trong các nước dân chủ văn minh cuộc thảo luận về thuế đã diễn ra từ lâu, vẫn đang tiếp diễn, và luôn ở thế giằng co giữa các trường phái khác nhau. Một điểm đáng lưu ý là các lý luận chắt lọc từ các cuộc thảo luận về thuế này lại là xương sống được áp dụng cho triết lý chính quyền của từng khuynh hướng chính trị. Cuộc thảo luận trên đề tài thuế này tập trung khai triển xoay quanh những chức năng của thuế, từ đó nhằm cung cấp những nguyên lý hướng dẫn sự hình thành các chính sách về thuế vụ. Có năm chức năng đã được định hình bao gồm:

Thứ nhất là để cung ứng ngân sách cho các lĩnh vực như quốc phòng, cảnh sát an ninh trật tự, các dịch vụ xã hội khẩn cấp, và vấn đề giao thông công cộng;

Thứ hai là đầu tư vào các chương trình xã hội lâu dài mang lại phúc lợi công cộng như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng;

Thứ ba là nhằm khuyến cáo những cá nhân sử dụng những sản phẩm/dịch vụ có tác hại nói chung, khuyến khích những cá nhân sử dụng những sản phẩm/dịch vụ có tác dụng cho chính mình và cho cộng đồng xung quanh;

Thứ tư thuế là một dụng cụ quản trị nền kinh tế vĩ mô, đóng vai trò chủ đạo của các chính sách tài chánh nhằm điều tiết những chu kỳ kinh tế;

Và thứ năm nó là dụng cụ để tái phân phối lợi tức, và tạo sự tiếp cận công bằng đối với các nguồn lực và dịch vụ công cộng.

Nếu có được một cuộc thảo luận rộng và sâu hơn thì năm chức năng của thuế đã được định hình từ các cuộc tranh luận nghiêm chỉnh trên đề tài này có thể đóng vai trò như một khung thảo luận cho chúng ta, để ít ra mỗi khuynh hướng chính trị có thể đưa ra lý giải của mình cho câu hỏi nghe chừng giản dị “Hiệu năng của thuế là gì?”. Ở đây tôi xin đóng góp những ý kiến tổng quát, như những trao đổi thoải mái với nhau bên ly cà phê, và phải nói những ý kiến này như là những bước thận trọng đi vào một khu rừng không thưa lá.

Mục đích và hiệu năng của mức thuế cao

Trước hết là một minh định. Những ý kiến về thuế và cả cuộc thảo luận về thuế nếu có, cũng như mọi cuộc thảo luận khác, chỉ có giá trị khi đặt nó trong bối cảnh của một xã hội dân chủ pháp trị đúng nghĩa của nó. Trong các chế độ độc tài thì không có thảo luận, nhất là thảo luận từ các khuynh hướng xã hội khác nhau nhằm hình thành một chính sách nào đó. Mọi cái được gọi là thảo luận nếu có chỉ mang tính hình thức, nằm ở bề mặt, bởi mọi chính sách đã luôn được nhóm độc tài quyết định dựa trên chủ nghĩa của họ.

Bây giờ nhìn vào 5 chức năng của thuế được liệt kê ở trên. Nếu một đảng chính trị coi vai trò chính quyền là chủ đạo trong mọi sinh hoạt của quốc gia, có nghĩa là trực tiếp thực hiện mọi chức năng này, thì dĩ nhiên để có phương tiện tài chánh hoạt động logic của khuynh hướng chính trị đó là phải đánh thuế càng nhiều càng tốt. Và một hệ quả tất yếu kéo theo là nhà nước phải cần thêm nhiều nhân lực ở mọi ban ngành, do đó bộ máy phải lớn phình ra.

Ở đây cần có một vài phân tích khi nhìn vào các trường hợp khá cụ thể. Như ở Mỹ hiện nay thì có khoảng 47% dân số không phải đóng thuế liên bang do mức thu nhập thấp, như vậy thành phần trung lưu khoảng 52% dân số và 1% cứ tạm gọi là thu nhập cao nhất trong xã hội phải đóng thuế để cáng đáng ngân sách quốc gia. Nhưng trên thực tế hễ có nhiều chương trình xã hội do chính phủ điều hành quá thì ngân sách tiếp tục thâm thủng. Để bù đắp thì các đảng thuộc khuynh hướng dân chủ xã hội, như khi nhìn vào băng tầng chính trị Mỹ hiện nay với một đảng Dân Chủ của Tổng thống Obama quá nghiêng về bên trái, họ phải tìm cách đánh thuế cao hơn vào những thành phần dân chúng đang đóng thuế. Tuy nhiên mọi con tính khoa học nhất đều cho thấy là cho dù lấy 100% mức thuế đối với 53% dân số đóng thuế này cũng không đủ cân bằng sự thâm thủng ngân sách.

Bây giờ thử xem hiệu quả xã hội của chủ trương đánh thuế cao vào một thành phần trong xã hội. Thứ nhất là phải ghi nhận rằng hầu hết các chương trình xã hội do chính phủ điều hành thường không có hiệu quả, lãng phí. Người Việt Nam quá hiểu sự tồi tệ của các loại nhà nước bao cấp, như đã kinh qua trong các chế độ cộng sản. Câu “cha chung không ai khóc” đúng nhất trong trường hợp này. Không ai có thể sử dụng hiệu quả đồng tiền nếu nó không phải được tạo ra bằng mồ hôi nước mắt, bằng trí tuệ của chính mình. Thứ hai là việc áp đặt mức thuế quá cao vào những thành phần có khả năng tạo ra của cải cho xã hội (những người đang đóng thuế) chỉ có thể có hậu quả là tước mất phương tiện tài chánh đáng lý được dành để đầu tư cho việc nghiên cứu, sáng chế, phát minh để tiếp tục mở ra những chân trời mới trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật nhằm phục vụ nhu cầu của con người nói chung. Thứ ba là vấn đề đạo đức, phải một lần cho tất cả gạt bỏ tâm lý ‘đấu tranh giai cấp’,‘lấy của nhà giàu để chia cho nhà nghèo’.

Trong một xã hội dân chủ với luật pháp minh bạch thì mọi người đều có cơ hội bình đẳng, không có việc một thành phần này có thể ‘bóc lột’ một thành phần khác được, do đó không thể dùng quyền lực nhà nước để mong tạo sự công bằng xã hội bằng cách áp đặt mức thuế khác nhau quá đáng lên những thành phần dân chúng khác nhau mà tự nó đã là một sự bất công. Một ví dụ về hậu quả của việc đánh thuế cao ở California là các công ty dần dần rút ra vì chịu không nỗi khiến tiểu bang này luôn thiếu hụt ngân sách trầm trọng, phải luôn cầu cứu chính quyền liên bang. Cali là một tiểu bang có nhiều chương trình xã hội tốt nhất nước Mỹ, nhiều người cứ đi làm nhận tiền mặt (dĩ nhiên không khai thuế và không đóng thuế) và thản nhiên hưởng trợ cấp xã hội dài hạn.

Do ngân sách thâm thủng lớn có nguyên nhân từ các chương trình chi tiêu xã hội  rộng khắp cùng nhiều hứa hẹn hoa mỹ, tiền thuế thu vào không thể nào đủ trang trải phải được bù đắp bằng chính sách in tiền cẩu thả dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lạm phát cao, các mặt hàng dân dụng như xăng, thực phẩm… đều tăng gấp đôi trong vòng bốn năm qua. Một hậu quả tai hại khác của các chính sách nhà nước bao cấp, cung cấp nhiều chương trình xã hội là nó khiến người dân trở nên ỷ lại, thụ động, không năng động tham gia thị trường việc làm để cùng tạo ra của cải cho chính mình, cho xã hội. Nhiều nước châu Âu với các khuynh hướng xã hội thái quá dẫn đến tình trạng phá sản là một bài học trước mắt.

Mức thuế thấp, ít chương trình xã hội do chính phủ điều hành có là giải pháp?

Mức thuế thấp, ngân sách thu vào ít hơn thì hệ quả kéo theo là sẽ có ít chương trình xã hội hơn do chính phủ trực tiếp điều hành, và bộ máy nhà nước do đó cũng sẽ phải gọn nhẹ hơn. Với quan niệm này thì bắt buộc phải có sự chọn lựa, nhà nước chỉ có thể đảm nhiệm một số trong năm chức năng của thuế kể trên.

Nhưng đến đây thì một câu hỏi được đặt ra rất nhức nhối đó là những thành phần yếu kém trong xã hội cần được nâng đỡ, giúp đỡ như thế nào? Cần nhấn mạnh ngay là trong môi trường dân chủ pháp trị một sứ mệnh lớn của mọi sinh hoạt chính đảng bất kể tả hữu là phải coi trọng sự liên đới xã hội, cụ thể là luôn có trách nhiệm nâng đỡ những thành phấn yếu kém trong xã hội. Tuy nhiên khác với những chính đảng mang màu sắc dân chủ xã hội, những chính đảng có khuynh hướng chủ trương nhà nước nhẹ tin vào phương pháp thực hiện hoàn toàn khác. Một nhà nước nhẹ không chủ trương dùng phương tiện nhà nước để trực tiếp điều hành các chương trình xã hội, vì ý thức rằng nó không bao giờ hữu hiệu. Một nhà nước nhẹ đảm nhận các chức năng chính như quốc phòng, ngoại giao, tiền tệ, bảo đảm thực thi luật pháp. Một nhà nước gọn nhẹ không nhúng tay vào các lĩnh vực của xã hội dân sự, mà phải tạo không gian tối đa và khuyến khích sự năng động của xã hội dân sự. Lý luận như vậy thì khi đối chiếu với 5 chức năng của thuế trên đây, một nhà nước nhẹ sẽ chủ yếu đảm nhận chức năng đầu. Chức năng 2 và 3 có thể du di giữa hai khuynh hướng, tùy thuộc hiện hình. Còn 2 chức năng sau hoàn toàn được coi là thuộc phạm vi của không gian mở để xã hội dân sự, để nền kinh tế thị trường tự do hoạt động, phát triển.

Một ví dụ về sự năng động của xã hội dân sự này đó chính là những quan sát hàng ngày từ những người xung quanh nơi hãng của tôi làm việc. Các hội đoàn tự lập từ các cơ sở tôn giáo, ái hữu có những chương trình xã hội giúp nhau rất hữu hiệu. Có một người không may bị cháy nhà cháy hết đồ đạc, thế là người ta đứng ra đi lạc quyên để giúp mua vật dụng thường ngày giúp ngay. Hay như ông manager của tôi là một ví dụ rất ấn tượng, hàng năm đều lấy một tuần phép để đem con cái gia đình đi xây nhà giúp người nghèo theo chương trình của một cơ sở tôn giáo chủ xướng.

Đó là những ví dụ rất thực tiễn để trả lời câu hỏi là vậy những người có thu nhập cao có thể đóng góp cho xã hội, giúp những người yếu kém như thế nào. Thực ra trong một xã hội dân chủ với luật pháp minh bạch thì những người khá giả là do chính trí tuệ, do chính sức lao động của họ tạo ra. Những con người tự do trong một xã hội tự do không hề muốn bị nhà nước khống chế, o ép, như việc áp đặt mức thuế cao để rồi sử dụng bừa bãi, lãng phí. Thực tế cho thấy họ là những người có liêm sĩ, họ thường dùng tài sản của mình cho việc từ thiện. Họ biết dùng đồng tiền của mình một cách hiệu quả nhất cho xã hội, cho những người kém may mắn. Tôi tin rằng những người này luôn rất nhân bản, như Bill Gate dùng hầu như toàn bộ tài sản của mình để làm từ thiện giúp đỡ người kém may mắn.

Những thành phần yếu kém được giúp đỡ hữu hiệu hơn qua các kênh của xã hội dân sự này, thay vì qua nhà nước.

Nhiều người đóng góp thuế tốt hơn ít người đóng thuế

Có một luận điểm rất mới tôi quan sát được từ cuộc vận động tranh cử hiện nay đang diễn ra tại Mỹ, liên quan đến vấn đề thuế má. Truyền thông cánh tả và ban vận động tranh cử của Tổng thống Obama thường chất vấn gắt gao nhưng hợp lý đối với ban vận động tranh cử của ông Romney về tuyên bố cân bằng ngân sách, không cắt giảm chi phí quốc phòng, không tăng thuế mà còn giảm thuế cho giới trung lưu? Trong hiệp đầu tranh luận đầu tiên ông Romney đã trả lời chất vấn một cách giản dị nhưng có tính khai thông cao: tạo ra nhiều việc làm mới. Và sau đó ông Romney triển khai rằng tạo ra nhiều việc làm mới sẽ có nhiều người đóng thuế hơn, thay vì chỉ giáng mức thuế cao vào một thành phần nào đó trong xã hội mà thực tế là không bao giờ đủ. Phải nói quan niệm này chính là chất xúc tát tạo động lực cho xã hội phát triển. Một cách ví von, khi cần giúp những người đang cần nhu cầu được giúp đỡ, thì như người Mỹ có câu nói là ‘hãy giúp cho người bạn cái cần câu cá và chỉ cách câu cá cho người bạn, thay vì cứ mãi đi câu đem cá về luôn cho bạn’. Câu nói này hàm ý là mọi người khi có điều kiện cho phép thì cùng làm việc tạo ra của cải cho xã hội, cùng giúp nhau thăng tiến.

Nhưng câu hỏi là tạo ra công việc bằng cách nào? Khác với những chính đảng dân chủ xã hội thường chủ trương nhà nước điều hành luôn kinh tế, các chính đảng chủ trương nhà nước nhẹ không bao giờ coi Tổng thống là kiêm luôn vai trò của một Tổng Tư Lệnh kinh tế. Nhà nước nhẹ chú trọng đến luật lệ gọn nhẹ, hiệu quả để khuyến khích sức sản xuất của nền kinh tế thị trường tự do.

Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2012 hiện nay không phải là một cuộc tranh cử bình thường, trong chiều sâu nó là một cuộc thư hùng giữa hai khuynh hướng rất khác nhau về vai trò của chính quyền. Nó là một trận chiến với cường độ gay gắt bắt nguồn từ sự khác biệt triết lý chính trị của hai khuynh hướng mà Tổng thống Obama và cựu Thống đốc Romney đang đại diện, như giáo sư môn Tài chính và Luật George Nation của đại học Lehigh Pennsylvania có nhận định. Nó sẽ quyết định hướng đi rất phân cực của nước Mỹ trong thời gian tới. Phân cực có là điều bình thường trong xã hội dân chủ hay không là một đề tài thảo luận khác.

Trở lại đề tài của bài viết này, quan niệm về mức thuế chính là xương sống của những khuynh hướng chính trị khác nhau. Mức thuế rõ ràng quyết định kích thước của nhà nước. Thực ra không có một khuynh hướng hoàn hảo mà chỉ có khuynh hướng tối ưu có thể chấp nhận được, dựa trên không chỉ lý luận mà phải với thực tiễn. Thực tiễn là gì? Là những nước cộng sản với vai trò chủ đạo, bao trùm của nhà nước đều dẫn đến nghèo đói, bế tắc, sụp đổ. Là những nước dân chủ xã hội thái quá ở châu Âu đều trì trệ, dẫn đến phá sản nếu không đang đi tới bờ vực phá sản. Thực tiễn là người Mỹ trong lịch sử lập quốc ngắn ngủi của mình luôn chủ trương giảm sự can thiệp của chính quyền, luôn cổ vũ cho sự năng động của xã hội dân sự. Họ đã dẫn đầu thế giới trong suốt thế kỷ 20, đang dẫn đầu thế giới khi bước vào thế kỷ 21 này, và trong mọi tình huống họ sẽ luôn tranh đấu để không phải đứng xếp hàng thứ hai sau bất cứ một nước nào.

Dân tộc Việt Nam chúng ta với 90 triệu dân là những người năng động, chắc chắn trong một môi trường dân chủ thật sự họ không bao giờ chấp nhận vai trò thụ động, chấp nhận cơ chế xin cho.

© Nguyễn Văn Hiệp

Tags:

4 Phản hồi cho “Nhân cuộc tranh cử tổng thống Mỹ: mức thuế nào là xác đáng?”

  1. Tien Pham says:

    1. Có vẻ như ông NVH, và cả nhiều người khác, nhầm lẫn về vai trò của “nhà nước nhẹ”.

    Nhà nước, hay chính phủ (CP), kô bao giờ làm kẻ “ chủ xị.” Chính phủ chỉ có kiểm soát và giúp đỡ người đầu tư, qua luật pháp hay qua sự điều hành sự lưu thông của tiền tệ. Chính phủ, theo đúng vai trò của nó, kô bao giờ đứng ra điều hành 1 cơ sở làm ăn để kiếm lợi nhuận như kiểu các cơ sở quốc doanh của CHXHCNVN. Vai trò của chính phủ là kiểm soát. Có việc kiểm soát làm luật chơi công bằng hơn. Làm các tay đại tư bản phải bắt buộc trả giá cho sự liều lĩnh vô trách nhiệm của mình. Nếu kô có sự kiểm soát, qua sự thu nhỏ lại CP, sẽ có tình trạng “who cares” của mấy tay tư bản giàu sụ nhưng lòng tham kô đáy. Sự đổ vỡ tài chính và nhà cửa là 1 ví dụ rõ ràng nhất. Trong các vụ đổ vỡ tài chính này, các tay đại tư bản đek care đến nhân viên của họ, đek care đến cổ đông, đek care đến sự an nguy của quốc gia. Thực sự, khi ra tay cứu vớt những ngân hàng và kĩ nghệ xe hơi, CP đã ra tay cứu vớt nền kinh tế quốc gia. Gia tăng sự kiểm soát thì bị chỉ trích là nhà nước kô “nhẹ”. Chỉ có ở các nước CS, như CHXHCNVN, CP mới đứng ra làm “chủ xị.”

    Tuy nhiên, cũng có vài ngoại lệ. Ví dụ như USPS, là 1 cơ quan nhà nước. Nhà nước đứng ra làm “chủ xị.” Nhưng đây là cơ quan có tính cách dịch vụ công cộng nhiều hơn là kiếm lợi nhuận.

    2. Sự làm việc thiện của người giàu có là tốt, nhưng kô phải là 1 sự bắt buộc; họ có thể kô làm như thế. Trái lại, khi để CP “làm việc thiện,” qua việc tăng thuế người giàu, đó là 1 sự bắt buộc. Việc lạm dụng sự “làm việc thiện” của CP là cái giá phải trả. Còn nói về sự lạm dụng này, tất cả các trường hợp đều như nhau, chỉ có điều là trong trường hợp của CP, sự lạm dụng có rõ ràng hơn thôi. Có nguyên nhân để support argument này: Wealthy parties có thể có khả năng xử dụng đến những quyền lợi hay những phương tiện mà những người (nghèo) khác kô bao giờ sờ tới.

    3. Look at it for yourself:

    http://www.politico.com/news/stories/1012/82002.html

    Bài này có nói về tax policies của Obama và Mitt Romney (MR). Theo Tax Policy Center, tax plan của ông MR là “mathematically impossible”. Sau đó ông MR có nói thêm là nếu tạo ra công ăn việc làm, sẽ có nhiều người đóng thuế thêm. Nhưng đó chỉ là 1 giả thiết, thực tế có thể hoặc kô có thể như vậy! Ví dụ như có nhiều công ăn việc làm, nhưng con số đó vẫn chưa đủ để conform với tax plan của ông (MR) thì sao?

    Qua cung cách phát biểu của ông MR, tôi thấy được nhiều điều:

    a. Ông MR thích take risk, qua việc ông giải thích tax plan của ông. Điều này dễ hiểu, vì ông là 1 doanh nhân. Nhưng lấy vận mạng quốc gia ra đánh cược, chơi trò rủi ro, thì hơi quá.

    b. Ông MR chỉ thích nói lấy được, kiểu “cho qua con trăng này.” rồi có việc gì thì, “hồi sau sẽ rõ.” Nếu có làm nguyên thủ 1 quốc gia siêu cường mà chỉ thích nói lấy được, thì làm sao xứng tầm.

    c. Làm tôi nhớ tới việc khủng hoảng tài chính vào khoảng 4 năm về trước. Các tay đại tư bản như ông MR đã lấy vận mạng quốc gia làm trò hề cho lòng tham kô đáy và hành vi vô trách nhiệm của họ.

  2. Hoang Tưởng says:

    Cùng bạn Khách qua đường,
    TRÍCH : “Đây chỉ là một hình thức tuyên truyền vận động bầu cử của Đảng Cộng Hòa” !!! Đọc mấy hàng chữ nầy của bạn tôi thấy bạn đi hơi quá đà, đã dùng những danh từ “đao to búa lớn” kiểu Cộng sản để hồ đồ kết tội người khác. Dù gì chăng nữa Ông Nhuyễn văn Hiệp, nhà báo Nguyễn văn Khanh và rất nhiều người trên thế giới đã và đang muốn tỏ bầy những nhận xét, quan điểm của họ trong cuộc bầu cử rất quan trọng năm nay, và họ có quyền viết mà không ai có thể bôi bác, gán ghép họ này khác để phản đối. Tôi thực sự mong muốn bạn cũng viết được một bài dài phân tích rõ ràng những điểm nổi bật về chính sách Thuế của Ông Obama như bài của Ông Nguyễn văn Hiệp cho tôi và có thể cho người khác “thưởng lãm” tài thực của bạn và chắc chắn tôi sẽ không dám cho rằng bài viết của bạn dưới một “Hình Thức Tuyên Truyền” vận động bầu cử của Đảng Dân Chủ.

  3. Khách qua đường says:

    Kinh tế phát triển hay suy thoái không chỉ do nhu cầu đơn lẻ giải quyết phúc lợi xã hội . Một gia đình không phải vì gánh nặng do nuôi cha mẹ già để từ một đại Phú gia rồi trở thành vỡ nợ .

    Đây chỉ là một lý luận suông , không có con số Cụ thể . Nói chung thời TT Bush con sau Tám năm đã để lại cho Obama một gánh nợ với một nền kinh tế suy sụp , chủ yếu từ hai cuộc chiến Trung Đông và chính sách nới lỏng thiếu kiểm soát chính sách đầu Tư và cho vay của các đại ngân hàng .

    Đây chỉ là một hình thức tuyên truyền vận động bầu cử của Đảng Cộng Hoà , đổ lỗi cho Obama tiêu xài hòng che lấp cho những chính sách hổ trợ cho các nhà đại Tư bản trong thời Bush Tám năm tại vị . Xã hội Mỹ xuống dốc nhưng một phần trăm những thành phần giàu có của nước Mỹ lại càng giàu hơn , tiền tiếp tục đẻ ra tiền nhiều hơn . Những cuộc biểu tình chiếm phố Wall là Minh chứng minh cho điều này .

    Những nhà kinh tế gia người Việt tại Mỹ trên thực tế chỉ nghe và nói lại , không đủ sức để phân tích về nền kinh tế của Mỹ là điều không có gì lạ . Bởi vì con đường làm ăn của các nhà đại Tư bản nó có những bí mật không thua kém bí mật của Bộ Quốc phòng .

Leave a Reply to Khách qua đường