Chuyển thể (trường sanh bất tử)
“Tranformation” dịch ra tiếng Việt là Chuyển Thể, là tên những cuốn phim loại khoa học giả tưởng diễn tả những người máy trong tích tắc Chuyển Thể thành những chiếc máy bay hay xe hơi để bay chạy cho nhanh. Trong cuốn truyện Tề Thiên Đại Thánh, cũng có viết nhiều lúc Tôn Ngộ Không truy nả yêu quái. Quá quýnh yêu quái bèn biến (Chuyển Thể) thành sâu bọ để trốn núp. Sự Chuyển Thể trong phim và truyện có được là nhờ các đạo diễn và nhà văn nhìn vào sự Chuyển Thể trong thế giới tự nhiên mà bắt chước để trước tác.
Trong thế giới tự nhiên, con nòng nọc sống dưới nước đứt đuôi lên bờ thành con ếch là Chuyển Thể. Con chuồn chuồn, con bươm bướm, con ve ve là những con vật được Chuyển Thể từ những con khác loài, chúng chun ra từ hình hài cũ đã cứng lại như hóa đá. Sự Chuyển Thể không chỉ x ảy ra riêng trong sinh vật mà còn lan ra những loại khác như nước, ở nhiệt độ thấp Chuyển Thể qua tuyết hay băng, sữa thành bơ cũng có thể gọi là Chuyển Thể v.v…
Trong thế giới tự nhiên còn có nhiều trường hợp Chuyển Thể khác, chỉ có nghe như huyền thoại, như cá gáy hóa rồng, chỉ có biết mà không thể thấy, như Con Người sau khi chết Chuyển Thể qua Phản Con Người. Các tôn giáo gọi Phản Con Người là linh hồn, pháp thân, kim đan, xích tử, bản thể v.v.. và thêu dệt vạn điều như Phản Con Người bị xuống địa ngục, được lên thiên đường, sống Trường Sanh Bất Tử trong Phản Thế Giới v.v…vì không thể thấy và xác nhận được sự tồn tại của Phản Con Người nên cũng không thể biết được những điều thêu dệt liên quan và sự Chuyển Thể ở con người có hay không có.
Khoa học Phương Tây đã tìm ra được Phản Hạt (Phản Vật Chất), đã biết được rằng mỗi Hạt đều có Phản Hạt đi theo và Hạt mang lực thế nào thì Phản Hạt cũng mang lực thế ấy. Họ còn xác nhận được một Phản Thế Giới hay một nửa vụ trụ đầy bí mật nằm trước mắt chúng ta nhưng khác thời gian (chiều thứ tư) trong đó có những loại năng lượng và vật chất (năng lượng tối – vật chất tối) khác với năng lượng và vật chất trong thế giới chúng ta nhưng khoa học Phương Tây không thể giải thích được tại sao những nhục thân của các vị đại sư Vũ Khắc Trường, Vũ Khắc Minh tại chùa Đậu, Hà Tây nhục thân của vị đại sư Như Trí tại chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh v.v…tồn tại gần 300 năm mà vẫn bất hoại. Gần đây cũng có hình ảnh 2 nhục thân bất hoại của 2 vị đại sư khác ở Thái Lan và Nga và hình ảnh những nhục thân bất hoại của các vị thánh của Thiên Chúa Giáo được truyền đi trên mạng. Phải chăng sự Chuyển Thể có thể có xảy ra ở con người như người xưa đã nói đến (?).
Những nhục thân bất hoại kia cũng giống như hình hài hóa đá của con chuồn chuồn, con bươm bướm, con ve ve khi chúng đã Chuyển Thể. Vì Hạt mang lực thế nào thì Phản Hạt mang lực thế ấy nên Hạt phải bất diệt thì Phản Hạt mới bất diệt. Các nhục thân của các vị đại sư bất hoại nên Phản Con Người của các vị đại sư cũng bất hoại như thế có thể Phản Con Người của các vị đại sư cũng bất hoại và tồn tại đâu đó trong Phản Thế Giới. Phải chăng chuyện Trường Sanh Bất Tử của Phản Con Người là chuyện có thật (?).
Người đề cập đến chuyện sự Chuyển Thể của Con Người thành Phản Con Người để sống Trường Sanh Bất Tử trong Phản Thế Giới sớm nhất và khoa học nhất là Lão Tử. Theo truyền thuyết ngài đã sống trên 200 tuổi và đã để lại cho hậu thế một cuốn sách gồm 81 chương, chương ngắn nhất vỏn vẹn chỉ 21 chữ, chương dài nhất khoảng 150 chữ, toàn bộ cuốn sách đếm được trên 5000 chữ, nếu viết ra chỉ khoảng 15 trang giấy học trò.
Từ 5000 chữ này, Lão Tử đã được người đời sau tôn lên làm giáo chủ của Đạo Giáo, một tôn giáo ngang hàng với Phật Giáo và Khổng Giáo, được dịch ra nhiều thứ tiếng và mỗi thứ tiếng lại có hàng trăm bảng dịch và giải thích từ ý đến nghĩa từng chữ từng câu khác nhau và bị các đệ tử chuyển nội dung sách ra thành 96 thứ ngoại đạo 3600 bàng môn mà ai cũng tự nhận mình hiểu đúng Lão Tử là chính tông hay chính đạo.
Bài viết này nhắm mục đích trình bày tổng quát những hiểu biết chủ quan có giới hạn của người viết trong tinh thần khoa học về phương pháp Luyện Đan, là phương pháp luyện tập để Chuyển Thể, mà các vị kỳ nhân dị sĩ nổi danh như Mã Ngọc, Lữ Động Tân, Trần Đoàn v.v… đều cho rằng phát xuất từ Lão Tử và họ đã nâng phương pháp này thành một bộ môn có nhiều nét khoa học gọi là Đan Học và một vài ý nghĩ liên quan đến những danh từ giữa Đạo Giáo và khoa học hiện đại.
Đan Học xuất hiện từ đời Tấn, khởi xướng có Bá Dương đến đời Tống có Tử Dương, về sau có Hải Quỳnh, Tử Quỳnh, Huỳnh Phòng …bổ túc với sự tham gia bởi nhiều học giả khác như Lưu Nhất Minh, Doãn Chân Nhân, Thiệu Khang Tiết v.v…nhưng thuở đó nền Khoa Học Phương Tây chưa hình thành chưa xác nhận sự hiện hữu của Phản Thế Giới nên cách giải thích của họ có nhiều điểm mơ hồ và khó hiểu.
Đan Học có quan niệm : khi con người giao cấu đã có một điểm linh quang (Phản Hạt) đến từ Thái Hư (Phản Thế Giới) gieo vào bào thai của mẹ. gọi là Nguyên Thần, từ đó sinh ra Khí, rồi Khí hóa Hình (hình hài, cơ thể). (Chương 1ĐĐK : … Vô, danh thiên địa chi thủy. Hữu, danh vạn vật chi mẫu… Không, là gọi cái bản thủy của trời đất. Có, là gọi mẹ sinh ra muôn loài). Ý nói vạn vật nguyên thủy sinh ra từ Vô mà theo sự hiểu biết của chúng ta hiện nay là Phản Thế Giới.
Đan còn được gọi là Kim Đan hay Anh Nhi, Xích Tử, Pháp Thân… là Phản Con Người hay Linh Hồn.
Đan có 3 phần : Tinh + Khí + Thần.
Phần một; Tinh : là Kim Đan Hay Anh Nhi, Xích Tử nhưng còn rất non yếu
Phần hai; Khí : còn gọi là Hống, hay Thiên Đạo, Thiên Tâm, Thái Huyền v.v…là một điểm sáng yểu yểu minh minh (Phản Vật Chất) còn gọi là khí Tiên Thiên đến từ Phản Thế Giới.
Phần ba; Thần : là Nguyên Thần, còn gọi là Diên, là Hoàng Nha, Huyền Châu v.v…là nhất điểm linh quang (Phản Vật Chất) , nằm sẳn trong con người khi mới sinh ra, là viên ngọc trong mỗi con người.
Vị trí để luyện là huyệt Đan Điền, nơi có Diên, có thể ở dưới rốn nhưng không thể định vị chính xác chỗ nào trong con người, còn gọi là Huyền Tẫn Chi Môn, Nguyên Thủy Tổ Khí, Thiên Điạ Linh Căn v.v… (trên 50 tên khác nhau).
Thời Gian Luyện là bất cứ lúc nào nhưng tốt nhất là lúc Âm Dương giao cảm ( Âm sinh Dương sinh ), động tĩnh chuyển dịch (động sinh tĩnh sinh), thí dụ ngày mồng 3 là ngày mặt trăng vừa loé sáng nhờ mặt trời bắt đầu chiếu vào (Dương sinh). Thí dụ ngày đông chí là ngày mặt trời bắt đầu đi lên hướng bắc (Dương sinh). Gìờ Hợi qua Tý là giờ mặt trời chuyển vào nằm hướng chính bắc thông với huyệt Vĩ Lư trong con người (Dương sinh) , là giờ tiểu vũ trụ (con người) thông thương với đại vũ trụ. Giờ luyện còn in hình trên nền trời khi chuôi sao bắc đẩu chỉ cung tý.
Cách Luyện : Người luyện phải ở trong trạng thái cực tĩnh, vô niệm ngoại bất xâm nội bất xuất, vì khi tĩnh lên đến cực điểm thì động manh nha (động sinh). Lúc động manh nha là lúc Hống xuất hiện bằng một đốm sáng yểu yểu minh minh người luyện bèn hít thật mạnh đưa đốm sáng ấy vào huyệt Đan Điền hay còn gọi là ăn trộm khí Hư Vô hay khí Tiên Thiên của trời đất, là trộm Âm Dương Tạo Hóa Chi Quyền, để bồi dưỡng Con Người và Phản Con Người. Cách Luyện này gọi là Tính Mệnh Song Tu hay Nội Ngoại Song Tu, giải thích theo khoa học dùng Phản Vật Chất bên ngoài (Hống) hổ trợ Phản Vật Chất có sẳn bên trong (Diên) để bồi bổ cho Con Người và Phản Con Người.
Tại sao phải làm vậy ? vì con người được sanh ra do có sự can thiệp của Phản Vật Chất (Diên), đó là viên ngọc vô hình trong mỗi con người, là Nguyên Thần của Con Người. Cần phải trau luyện, bồi đưởng, nuôi nấng bằng cách đưa thêm những Phản Vật Chất khác (Hống) vào để cùng với Diên giúp cho Tinh (Phản Con Người) còn non yếu lớn lên cứng lại để có ngày chun ra khỏi cái vỏ (con người) sống Trường Sanh Bất Tử trong Phản Thế Giới.
Giải thích phương pháp luyện đan như trên là giải thích một cách đơn giản, không thể đi vào chi tiết bằng một bài viết ngắn và tạm cho là cách giải thích có khoa học nhưng không thể chứng minh được vì không ai có thể nhìn thấy hay rờ mó được Phản Hạt hoặc Phản Con Người. Người luyện đơn đạt được những tiến bộ thì chỉ tự riêng mình biết và nếu thấy được đốm sáng yểu yểu minh minh kia (Hống) mà nói ra sẽ bị người khác cười và hơn 2000 năm trước Lão Tử đã viết ỡ chương 41 (C 41 ĐĐK : … Hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi, Bất tiếu, bất túc dĩ vi dạo …Người tối tăm nghe Đạo thì cười rộ, nếu không cười thì Đạo đâu có phải là Đạo).
Phản Vật Chất được khoa học Phương Tây xác nhận sau năm 1930 bởi 3 nhà khoa học Paul Maurice, Victor Hess, Carl Anderson nhờ quan sát những tia gamma rays đến từ những vụ nổ của các sao mới (Nova) ở xa xôi trong vũ trụ va vào bên ngoài bầu khí quyển. Từ đó các khoa học gia Phương Tây cứ nghĩ rằng Phản Vật Chất chỉ xuất hiện ở những thiên hà xa xôi nhưng những phát hiện mới nhất bởi những bức ảnh của viễn vọng kính Hubble cho biết Phản Vật Chất hay Phản Thế Giới đang bao trùm cả Ngân Hà và đến nay có thuyết cho rằng khởi đầu vụ nổ Big Bang vào 15 tỷ năm trước Phản Vật Chất và Vật Chất có một định lượng tương đương tụ lại tại Điểm Kỳ Dị rồi bùng nổ ra… (About 15 billion years ago, matter and antimatter were created in gigantic Big Bang in equal amounts, at least according today’s best theory …. ). Đến năm 2004, các khoa học gia Phương Tây mới xác nhận sự hiện hữu của Phản Thế Giới (thế giới vô vi), một thế giới bí mật với lượng Phản Vật Chất nhiều gấp năm lần vật chất đang có trong thế giới chúng ta mà các tôn giáo đã đề cập vào hàng ngàn năm trước.
Trong cuốn sách 5000 chữ do Lão Tử để lại cho hậu thế có khoảng gần 70 chữ Đạo và 2 lần gọi Đạo Là Một Vật và ngài đã định nghĩa chữ Đạo như sau : (C 25 ĐĐK : Hữu vật hỗn độn thành, tiên thiên địa sinh ….Có một vật hỗn độn mà hình thành trước trời đất, nó yên lặng (vô thanh) trống không (vô hình) đứng một mình mà không thay đổi (vĩnh viễn, bất biến), vận hành khắp vũ trụ mà không ngừng, có thể coi nó là mẹ trong thiên hạ. ta không biết nó tên gì, tạm đặt tên nó là Đạo, miễn cưởng gọi nó là lớn vô cùng ….(*.) . ngài nói rằng Đạo là một vật chất (hữu vật) vô thanh vô hình, phải chăng ngài đã nhìn thấy được Phản Vật Chất từ 2500 năm trước đang vận hành khắp vũ trụ nhưng không biết là thứ gì nên tạm gọi là Đạo (?).
Ngài cho rằng nguồn gốc của vạn vật được sinh ra từ Phản Thế Giới, thứ vật chất đi từ Phản Thế Giới đến thế giới chúng ta để tạo ra muôn vật là Phản Vật Chất (Đạo) và sợ người đời sau không hiểu nghĩa chữ Đạo nên ngài lập lại trong nhiều chương khác như là ở ( C21 ĐĐK : …Đạo vi chi vật …. Đạo là cái gì (một vật ) chỉ mập mờ, thấp thoáng. Thấp thoáng mập mờ mà bên trong có hình tượng. mập mờ thấp thoáng mà bên trong có vật. Nó thâm hiểm tối tăm mà bên trong có tinh túy. Tinh túy đó rất xác thực đáng tin. Từ xưa đến nay đạo tồn tại hoài, nó sáng tạo ra vạn vật. Chúng ta do đâu mà biết được bản nguyên của vạn vật. Do cái đó (Đạo)).
( C 4 ĐĐK : Đạo xung, nhi dụng chi hoặc bất doanh, uyên hề tự vạn vật chi tôn …. Đạo bản thể thì hư không mà tác dụng thì cơ hồ vô cùng, nó uyên áo mà tựa như làm chủ tể vạn vật ….).
Và Ngài đã diễn tả chữ Đạo như là một Phản Vật Chất rõ ràng nhất là ở (C 14 ĐĐK : Thị chi bất kiến danh viết di … Nhìn không thấy gọi là di, nghe không có tiếng động gọi là hi, nắm không được gọi là vi. Ba cái đó (di, hi, vi tức là vô sắc vô thanh, vô hình) truy cứu đến cùng cũng không biết gì được, chỉ thấy trộn lộn làm một thôi. Ở trên không sáng, ở dưới không tối, thâm viễn bất tuyệt, không thể gọi tên, nó lại trở về cõi vô vật (Phản Thế Giới ?), cho nên bảo cái trạng không có hình trạng, cái tượng không có vật thể. Nó thấp thoáng, mập mờ. Đón nó thì không thấy đầu, theo nó thì không thấy đuôi.
Ai giữ được cái Đạo (Phản Vật Chất ?) từ xưa vẫn có thì có thể khống chế được mọi sự vật ngày nay. Biết được cái nguyên thủy tức là tứ là nắm được giềng mối của Đạo)).
Nếu những lời diễn tả trên của Lão Tử không làm cho chúng ta hiểu được nghĩa chữ Đạo là Phản Vật Chất thì chúng ta nên tìm một loại Vật Chất khác để thay thế chứ đừng có chuyển nghĩa chữ Đạo qua những nghĩa cao xa vì Lão Tử chỉ trọng đức tính chất phác thì ngài không bao giờ dùng lời bóng bẩy để chỉ nghĩa chữ Đạo. Nếu chúng ta hiểu chữ Đạo trong cuốn Đạo Đức Kinh theo nghĩa là Phản Vật Chất, là một loại vật chất mà khoa học Phương Tây đã xác nhận đang vận hành một cách to lớn khắp vũ trụ nhưng chính họ cũng giống như Lão Tử không biết nó là cái thứ gì, gọi nó với cái tên gì và không làm sao diễn tả nó giống cái gì trong thế giới chúng ta. Khoa học Phương Tây còn biết được Hạt luôn có Phản Hạt đi theo thì chuyện Phản Hạt là nguyên thủy sinh ra vạn vật như Lão Tử nói là có thể đúng, thì chúng ta cũng nên hiểu những lời Lão Tử viết ra là những lời của một nhà khoa học có thần nhãn nhìn qua được ½ vũ trụ bí mật đang nằm trước con mắt chúng ta vào hơn 2500 năm trước và ngài đã diễn tả lại một cách rất chất phác trung trực không thêm thắc tưởng tượng màu mè.
Nếu chúng ta hiểu danh từ Đạo là Phản Vật Chất thì những danh từ khác trong Đạo Giáo như Vô, Thái Hư nên hiểu là Phản Thế Giới và Anh Nhi, Xích Tử cũng nên hiểu là Phản Con Người. Những thứ mà nền khoa học hiện đại đang xác nhận hiện hữu, đang mở ra những nghiên cứu tại phòng thí nghiệm to lớn CERN tại Châu Âu. Thì phương pháp luyện đan của Đan Học cũng giống như những phương pháp chế luyện khác của nền khoa học hiện đại và chúng ta có thể chia nó ra làm 2 phần : Phần trong thế giới chúng ta gọi là Phần Hữu vì có thể dùng văn tự để diễn tả và chứng minh nhưng qua Phần Vô (Phản Thế Giới) thì đành chào thua vì chúng ta không thể dùng những gì của Hữu để nói đến Vô mà tin rằng đúng được.
Phương pháp luyện đan nói cho cùng chỉ là một phương pháp nuôi ăn hay bồi dưỡng rất đặc biệt bằng cách dùng Phần Hữu (Con Người) hấp thụ đồ ăn từ Phần Vô (Phản Vật Chất) để bồi dưỡng, nuôi lớn Phần Hữu (Con Người) và cả Phần Vô (Phản Con Người) trong con người. Cũng vì Phần Vô này chưa được nền khoa học hiện đại xác nhận trước đây nên nó trở thành mãnh đất màu mè cho con người diễn đạt mông lung vì ai cũng có thể cho rằng mình nói đúng và ai cũng có thể cho rằng người khác nói không đúng nên từ đó con người đã gây nên những cuộc chiến tranh tôn giáo xương chất thành núi.
Tinh hoa của phương pháp luyện đơn làm cho Anh Nhi (Phản Con Người) lớn lên cứng lại để có thể chun ra khỏi cái võ Con Người thoát ly khổ ải sống Trường Sanh Bất Tử trong Phản Thế Giới. Những bậc vĩ nhân đi theo con đường Đan Học luôn luôn tôn Lão Tử là ông tổ của ngành Đan Học vì cách luyện Đan và sau khi thành công thi Anh Nhi (Đan) rời Con Người để được sống Trường Sanh Bất Tử trong Phản Thế Giới đã được Lão Tử trình bày miên man trong nhiều chương của Đạo Đức Kinh (chương 5, 6, 7, 16 v.v…)
Lão Tử đi vào nền văn hóa Việt Nam bằng nhiều bản dịch của nhiều tác giả nhưng trong tay tôi chỉ có 2 cuốn sách : Lão Tử Đạo Đức Kinh của tác giả Nguyễn Hiến Lê do nhà xuất bản Văn Hoá in và Lão Tử Tinh Hoa của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần do nhà xuất bản Xuân Thu in. Hai cuốn sách này được biên soạn công phu nhưng rất tiếc cả 2 tác giả đều không phải là người của Đạo Giáo và không biết chút gì về phương pháp luyện đan nên đã dịch và diễn đạt nghĩa nhiều chữ nhiều câu trong các chương nói về Đạo theo ý mình vào theo sự hiểu biết của những nhà Nho.
Tôi xin trích cách dịch và diễn đạt chương 6 ĐĐK của tác giả Nguyễn Hiến Lê để chứng minh.
(C 6 ĐĐK : Cốc thần bất tử, thi vị huyền tẫn, huyền tẫn chi môn, thi vị thiên địa căn. Miên miên nhược tồn, dụng chi bất cần,
Hang thần bất tử, gọi là Huyền Tẫn (mẹ nhiệm mầu), cửa Huyền Tẫn là gốc trời đất. Dằng dặt mà như bất tuyệt, tạo thành mọi vật mà không kiệt (không biết mệt)
Vì có hai chữ Cốc Thần nên có người cho rằng đây là một thần thoại nào đó như trong bộ Sơn Hải Kinh. Vì hai chữ đó và hai chữ Huyền Tẫn nên có nhà lại bảo chương này có tính cách bí giáo (ésotérique) và các Đạo Gia đời sau (Hán, Lục Triều ) hiểu theo một nghĩa riêng để đi tìm phương pháp trường sinh.
Về triết lý không nghĩa gì bí hiểm. Thần hang tương trưng cho Đạo, thể của nó là hư vô nên gọi là hang, dụng nó là vô cùng nên gọi là thần. Vô sinh hữu, hữu sinh vạn vật, nên gọi là mẹ nhiệm mầu. Nó sinh sinh hóa hóa, nó “động nhi dũ xuất” (chương 5) cho nên bảo là không kiệt.
Bài đầu bộ Liệt Tử chép lại chương này Hoàng Đế. Không tin được. Hoàng Đế là một nhân vật huyền thoại ), ngưng trích.
Theo sự hiểu biết của tôi : Chữ Cốc Thần là một Hán Tự được ghép lại từ 2 chữ Thiên Cốc (đỉnh đầu) và Nguyên Thần (Diên, Phản Hạt, viên ngọc có sẳn trong con người).
Theo phương pháp luyện đan thì đỉnh đầu có 9 cung, cung nằm giữa gọi là Thiên Cốc (còn gọi Nê Hoàn Cung, có đến trên 50 tên khác nhau), khi ta dùng phương pháp Tiến Dương Hỏa, điều khiển hơi thở đưa Nguyên Thần (Diên) lên được Thiên Cốc thì Khí (Hống) và Tinh sẽ đi theo, các huyệt đạo trên đầu khai mở thì chuyện Trường Sanh Bất Tử đã nắm được trong tay.
Vậy 4 chữ Cốc Thần bất Tử có thể hiểu như sau : Lúc nào Nguyên Thần lên được Thiên Cốc là được bất tử.
Huyền tẫn Chi Môn : Huyền là Dương chủ động, Tẫn là Âm chủ tĩnh, là cửa sanh Âm sanh Dương, là căn cơ của trời đất, là tên chỉ huyệt đan điền. Nơi có Phản Vật Chất (Diên) cư ngụ. Theo Đan Học thì huyệt đan điền nằm đưới rốn nhưng không thể định vị được (họ viết : nó không ở gần rốn, không ở gần thận, không gần bàng quan v.v…..) chúng ta có thể hiểu huyệt đan điền ở vào vị trí Phản Không Gian vì nó chứa Phản Vật Chất (Diên, Nguyên Thần) nên ở trong con người mà không có trong xương thịt con người, là nơi tạo ra mọi vật mà không kiệt.
Khoa học Phương Tây đang nghi ngờ Lỗ Đen (Black Hole) và Sao Mới (Nova) là những cánh cửa đưa vật chất qua về giữa hai mặt vũ trụ, họ còn nghi ngờ Lỗ Đen và Sao Mới là thủ phạm xuất hiện trong trái đất làm hút mất tàu bè trong vùng Tam Giác Quỉ và nhiều nơi khác cũng như tạo ra những hình thù kỳ lạ trên các đám lúa nhiều nhất ở nước Anh. Những điều trên Lão Tử không thể biết nhưng ngài lại biết được có 2 cánh cửa đi qua về giữa hai mặt không gian khác nhau trong tiểu vũ trụ (con người) là đỉnh đầu (Thiên Cốc) và huyệt đan điền (Huyền Tẫn Chi Môn) và ông đã trình bày nó ở chương 6. Như vậy chương 6 nên dịch đơn giản như vầy : Lúc nào Nguyên Thần lên được Thiên Cốc thì chuyện trường sanh bất tử nắm được trong tay. Thật là mẹ nhiệm mầu. Huyệt Đan Điền là gốc của trời đất, mãi mãi tồn tại, tạo ra muôn vật mà không biết mệt.
Tóm lại, khuyết điểm của 2 tác giả là trước khi ra tay dịch Đạo Đức Kinh là đã không đi vào Đạo Giáo, không đọc những sách của Đan Kinh như Tham Đồng Khế, Tính Mệnh Khuê Chỉ, Huỳnh Đình Kinh v.v… nên không nắm được nghĩa nhiều danh từ chuyên môn của một khoa học kỳ bí như Đan Học để rồi dịch sai nghĩa nhiều chữ nhiều câu như chữ Anh Nhi, Thân Nhi, Phục Mệnh, Xích Tử, Thủ Trung, Tỏa kỳ nhuệ….Ngoại kỳ thân nhi thân tồn …v.v…Không hiểu nghĩa những danh từ chuyên môn nên dịch sai nghĩa chữ và nghĩa câu và dùng sự hiểu biết của mình để diễn đạt theo ý mình những tinh hoa của một vấn đề mà mình không nắm được là làm phiền đám hậu sinh là đưa những người muốn tìm hiểu Lão Tử vào con đường lạc lối. Hai cuốn sách này cần có sự tham gia bởi các học giả uyên bác về Đan Kinh ngày nay để hiệu đính lại trước khi tái bản giúp cho chúng ta có cái nhìn về lão Tử đúng đắn hơn.
Đan Học có quá trình phát triển qua nghìn năm, có nhiều học giả tham gia nên chỉ một vật mà lại được gọi bằng hàng chục tên khác nhau. Nó có ảnh hưởng đến tất cả mọi người và có thể đưa niềm tin tôn giáo vào con đường của khoa học nên cần phải tìm hiểu nó trước khi muốn dịch hay viết về tinh hoa của ông tổ nó là Lão Tử, tức là muốn lên cao phải bắt đầu đi từ thấp chứ không thể muốn trình bày là có thể trình bày ngay được hay trình bày để tiêu cho hết 24 giờ một ngày ( trang 49- ĐĐK-Nguyễn Hiến Lê).
Tinh hoa của Đan Học cũng như Đạo Đức Kinh là Anh Nhi hay Xích Tử thoát ly khổ ải sống Trường Sanh Bất Tử trong Thái Hư thi hai vị dịch và diễn đạt từ Anh Nhi là đứa trẻ sơ sinh trong thế giới hiện tại. Người được Đạo, giống như cái đức của đứa trẻ sơ sinh …. Chữ “ Xích Tử” đây ám chỉ cái tâm trạng của đứa trẻ sơ sinh, không dục vọng, bình thản đối với ngoại vật, nên ngoại vật không động được tâm và làm thương tích …. (trang 178 – C10 ĐĐK – nguyễn Hiến Lê – trang 57- Lão Tử Tinh Hoa-Thu Giang Nguyễn Duy Cần)
Vào một ngày rất gần khi các khoa học gia Phương Tây sẽ tìm ra phương cách nhìn được vào Phản Thế Giới, họ sẽ trả lời rất nhiều câu hỏi của con người trong hơn ngàn năm nay về vũ trụ bí mật kia và Con Người có Chuyển Thể thành Phản Con Người đề sống Trường Sanh Bất Tử trong Phản Thế Giới hay không như lời Lão Tử đả nói vào 2500 năm trước. Nếu phương pháp luyện đan và lời Lão Tử được chứng minh là đúng thì đường lên thiên thai sẽ thênh thang vì cửa trời đang rộng mở. Chỉ có Lão Tử mới đủ tư cách làm cho con người bớt cuồng tín bớt thù ghét nhau vì khác niềm tin tôn giáo, thế giới nhờ đó mà bớt chiến tranh và bình yên hơn. Người nhiều mơ mộng muốn vào Phản Thế Giới để “vui chơi” cho biết thì ngay từ bây giờ cũng nên nghe lời Lão Tử khuyên “C 5ĐĐK : đa ngôn số cùng, bất như thủ trung (**) - Càng nói nhiều càng vô cùng, không bằng giữ huyệt đan điền”. Lời khuyên này rất có giá trị trong thời mạt pháp hiện nay, chúng ta không nên nhập Đạo bằng cách nghe lời của những kẻ khác mà nhập Đạo bằng cách thực hành tập luyện khí công cho huyệt đan điền có điện đề có thể giao cảm cùng điện vũ trụ rồi từ đó có ý muốn trông Đạo mới có thể nhìn thấy Đạo (Hống – Phản Vật Chất).
Tôi xin giới thiệu 1 cách tập khí công hay của đạo sĩ Lý Thanh Vân (đã sống đến 239 tuổi, chết 1930 ) ở trang 31 sách Khí Công Toàn Thư và cũng gởi lời cám ơn bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ đã bỏ công lao dịch những bộ sách của Đan Kinh giúp cho nền văn hóa Việt Nam thêm màu mỡ và giúp cho tôi hiểu được câu nói người xưa “Kinh thư vạn cuốn không bằng Hống Diên”. Mà Hống chính là Diên và Diên cũng là Đạo, là Phản Vật Chất mà các nhà khoa học Phương Tây đã xác nhận đang nằm trước mắt chúng ta, đang bao trùm cả ngân hà trong một khoảng không gian thực (chiều không- thời-gian) và các bậc tiền nhân diễn tả nó như một điểm sáng yểu yểu minh minh, hoảng hoảng hốt hốt vì họ đã thấy nó như vậy. Lúc đó vào những ngày đầu xuân như xuân năm nay câu chúc nhau sống lâu trăm tuổi (Bách Niên Giai Lão) của chúng ta sẽ được sửa lại là chúc nhau sống lâu ngàn tuổi.
© Nhất Hướng Nguyễn Kim Anh
© Đàn Chim Việt
_____________________________________________________
(*) Những chữ viết nghiêng trích từ sách ĐĐK của 2 tác giả NHL và NDC.
(**) Chữ Thủ Trung : theo Đạo gia chỉ 1 vị trí vửa ở trong trời đất vừa ở ngoài trời đất, vừa ở trong thân ta vửa ở ngoài thân ta : Huyệt đan điền. Thích Gia gọi là Không Trung. Nho Gia gọi là Thời Trung hay Chấp Trung. Riêng chữ Trung đã có nghĩa là huyệt đan điền nên chữ Thủ Trung cũng có thể dịch Giữ Huyệt Đan Điền. Vì không hiểu nghĩa chử Thủ Trung nên tác giả Nguyễn Hiến Lê đã đổi cách đọc chữ Số thành chữ Sác và chữ Trung thành Xung và dịch cũng như giải nghĩa lời khuyên của Lão Tử và toàn bộ chương 5 ĐĐK, một chương diễn tả Phản Thế Giới, đi một hướng khác “C 5ĐĐK : …. Đa ngôn sác cùng, bất như thủ xung – Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng giữ sự hư tĩnh”.