9 con đường Liên-Âu: Thâu cả châu về một mối
Ký Sự Tản Mạn Hè 2013
HỒI MỘT: THĂM NƯỚC PHÁP
Cá nhân tôi đã viếng thăm châu Âu bảy lần kể từ năm 1985. Mỗi lần chỉ đi xem có một thành phố. Hè năm nay (2013), Vĩnh Thanh Thảo và tôi làm một cuộc viễn du bằng xe lửa tốc hành, đi xe thường (TER) hoặc xe TGV chạy cực nhanh (vận tốc 320km/giờ, tiếng Pháp gọi là Trains à Grande Vitesse, viết tắt TGV), trong vòng 5 tuần lễ, xuyên qua hai xứ Pháp và Đức. Đây là hai quốc gia đầu đàn của Liên-hiệp châu Âu (hay Liên-Âu, European Union, EU). Chuyến đi tuy dài và hơi mệt mỏi vì chúng tôi ăn uống và ngủ nghỉ thất thường, nhưng được gặp gỡ, hàn huyên và trò chuyện cùng đồng bào người-gốc-Việt qua 10 thành phố; rồi lại được bằng hữu hướng dẫn đi thăm danh lam thắng cảnh ở các địa phương, nên chuyến đi này trở thành đầy thú vị và ý nghĩa.
Nền kinh tế thế giới đang hồi thở ra nên gây sự khó chịu cho nhiều cá nhân, gia đình và đất nước trên toàn cầu. Tăng trưởng là ‘hít vào’. Lạm phát cao và thất nghiệp nhiều là ‘thở ra’. Liên-Âu là một khối thị trường chung gồm 28 anh em quốc gia, đùm bọc nhau dưới một mái chợ. Chợ Liên-Âu này gồm có: vài xóm nhà ngói như Anh, Pháp, Đức, Thụy-sĩ, Bỉ, Hà-lan, Đan-mạch …; xóm nhà lá như Ý-đại-lợi, Bồ-đào-nha, Latvia, Malta, Estonia …; và xóm nhà cháy như Hy-lạp, Tây-ban-nha… Không những phải lo cho nội bộ không-đồng-đều của khối, chợ Liên-Âu (hay còn gọi là Chợ Tây, Tây là Tây-phương) còn phải chung vai đối phó với Chợ Tàu và Chợ Mỹ trong bối cảnh tam-quốc-chí thời cao-kỹ (high technology) đang ganh đua tranh giành trong thế kỷ 21.
Chúng tôi đi thăm hai xứ hàng đầu của Liên-Âu: Đức và Pháp, để quan sát cùng học hỏi nghệ thuật lãnh đạo của nhà nước, cũng như thăm viếng dân tình thế thái của người-gốc-Việt trong hai xứ này. Pháp đã cố công thiết lập và Đức đang gắng sức bảo quản ngôi chợ Liên-Âu. Tính đến năm 2011: Pháp chứa khoảng 300 ngàn người Pháp-gốc-Việt (người Pháp-Việt); Đức chứa khoảng 150 ngàn người Đức-gốc-Việt (người Đức-Việt). Trên thế giới có 4 triệu người-gốc-Việt sinh sống ngoài VN. Bài ký sự này gồm hai hồi: Hồi Một viết về xứ Pháp và Hồi Hai về xứ Đức.
Vì đại nghĩa không màng danh lợi,
Luận anh hùng chớ kể dại khôn.
Văn minh xứ Pháp ta tôn
trọng: làm vừa đủ, chơi cho sướng đời!
Đi Pháp kỳ này, tôi quyết tâm xuống miền nam cho bằng được để thăm Marseille, tìm lại bóng dáng của một người bà con trong đại gia đình của bà tôi, mà tôi chưa có dịp thấy mặt. Bà Ngoại tôi hồi còn sống (1960) có kể lại cho con cháu nghe về cuộc đời của ông-cậu tôi (ông là em-bạn- dì của bà tôi). Đó là Ông Tám Xuân (Nguyễn Văn Xuân, 1904-1965). Vào đầu thập niên 1920, đúng lúc ông Tám tôi 19 tuổi, đô con, rất khỏe nhưng ít học, được lính Tây ở Chợ Đệm mộ sang Pháp làm lính chiến vì lúc bấy giờ mẫu quốc Pháp đang thiếu quân binh phục vụ cho các chiến trường thuộc địa.
Sau thế chiến thứ hai, từ Marseille ông Tám viết thơ về thăm mẹ (bà-cố-ngoại tôi), cho biết là ông đã lấy vợ đầm và định cư ở lại Marseille vì được chính phủ Pháp thưởng công chiến trận trong quân đội viễn chinh của Pháp (1948). Ông Tám làm lính lê-dương bên châu Phi (Africain légionnaire) nên chính phủ Pháp tưởng thưởng cho vào quốc tịch. Theo lời bà cố tôi thì ông Tám muốn về thăm mẹ già ở quê hương ViệtNam lắm, nhưng lúc bấy giờ bà cố tôi rất giận ông Tám vì ông ham chơi không chịu học hành và ngỗ nghịch hồi còn nhỏ; lớn lên, lại đi làm chiến binh cho Tây, rồi theo mácxít, còn lấy thêm vợ đầm, nên bà cố bảo ông Tám: “Mầy mê Tây và cộng sản, đừng có về gặp tao!”
Bà ngoại tôi còn cho biết là ông Tám đau khổ lắm vì không có con với bà đầm, lại thêm bịnh hoạn vì thương tích chinh chiến bên châu Phi, và nhất là bà cố tôi giận không muốn cho nhìn mặt. Có một chi tiết nhỏ mà tôi vẫn còn nhớ rõ ràng là, ông ngoại tôi nói cho mẹ tôi biết là ông Tám Xuân đi theo cộng sản đệ-tứ thuộc nhóm ông Tạ Thu Thâu, vì ông Tám có viết thư chiêu dụ ông ngoại tôi khoảng đầu năm 1950.
Nhưng ông ngoại tôi không chịu nghe theo lời ông Tám vì khi còn thanh niên, ông ngoại tôi đã đi theo đường hướng của cụ Phan Châu Trinh rồi. Nhóm Tạ Thu Thâu cũng đấu tranh giành độc lập cho ViệtNam, nhưng bị phe cộng sản đệ-tam của Hồ Chí Minh theo Stalin tiêu diệt nhóm đệ-tứ chết ráo. Hai mươi năm sau thế chiến thứ hai, ông Tám Xuân chết bịnh ở Marseille vào năm 1965, thọ được 62 tuổi.
Tôi thương tiếc cho số phận của Ông Tám Xuân. Sinh-bất-phùng-thời (được sinh ra trong một thời kỳ đen tối). Tôi muốn đi thăm bến tàu Marseille, hải cảng đã nhận hàng chục ngàn con dân ViệtNam qua Pháp làm chiến binh và công binh. Cũng tại Marseille, bến tàu đã đưa chiến binh ViệtNam trong đạo quân viễn chinh Pháp qua châu Phi cai trị dân Sénégal, Madagascar, Algéri, Marocco … Cũng tại cảng Marseille này, nhiều lính Pháp-gốc-Việt trở thành công dân Pháp sau chiến tranh, ở lại Pháp, lập gia đình với người địa phương và xây dựng nghề nghiệp tại đây, miền nam nước Pháp. Và tôi muốn đi thăm bến tàu Marseille vì nó cũng là bến tàu lịch sử gắn bó cuộc đời của ông-cậu tôi.
- Đến Bến Tàu MARSEILLE
Tưởng tượng lại hình bóng của Ông Tám Xuân trong đầu tôi vẫn không thắng nổi cơn đói trong bụng vào một buổi sáng đẹp trời của Marseille, nên tôi phải kiếm cái gì lót dạ trước đã. Tôi rất thích bánh mì baguette của Pháp, loại vỏ thiệt cứng bên ngoài, gõ u đầu; nhưng bên trong ruột thì mềm và dai, và toàn thân bánh phải còn nóng hổi.
Tôi vội vọt xuống đường, chạy ra một tiệm boulangerie (tiệm chuyên môn làm bánh mì) ở đầu phố cách khách sạn chừng 200 mét, vớt về hai ổ bánh mì còn thiệt nóng, mới ra lò. Ổ thường: ốm và dài, giá 80 xu. Ổ mập hơn, hai đầu vót nhọn rất cứng, loại mà tôi thích nhất, giá 85 xu đắt hơn ổ thường 5 xu vì nướng lâu hơn và công vót nhọn hai đầu. Thêm bơ (beurre), vài miếng thịt nguội, một cái trứng ốp-la, một tách cà-phê, và không quên nước tương maggi, thế là tôi đã có một buổi ăn sáng sang trọng nhất thế giới!
Tây ăn bánh mì và nước tương y như Ta ăn cơm và nước mắm. Maggi là tên hiệu nước tương nổi tiếng của Chợ Tây Liên-Âu, gốc từ xứ Thụy-sĩ, và các nước Pháp, Đức, Hà-lan đều có hãng chế biến riêng của mỗi xứ. Nhưng theo khẩu vị chủ quan của tôi thì maggi làm tại Pháp là ngon hơn hết. Maggi Hà-lan có loại hơi cay cay, nhãn hiệu viết thêm chữ ‘hot’, chứa trong chai thiệt nhỏ với giá chưa tới 1 Euro, dùng để nêm vào trứng gà ốp-la thì ô-là-la, hít hà, ngon tuyệt cú mèo!
No bụng rồi, tôi bèn lấy xe điện (tramway) ra thăm hải cảng Marseille … Ngày xưa, dân ngoại đi tàu vào xứ Pháp đầu tiên phải dừng lại một bến hải quan nhỏ (ancient port de quarantaine) trên đảo Ile Pomègues thuộc quần đảo Frioul (Archipel du Frioul) để kiểm dịch, trước khi cho lên bờ
Ngày nay thì các đảo này trở thành địa điểm du ngoạn, cách bờ độ nửa tiếng, ta phải mua vé mới có thể ra thăm viếng lâu đài tù Château d’If , xây năm 1524.
Theo đường chim bay từ Château d’If ngoài đảo thẳng vào trong bờ, thành phố Marseille cho dựng cổng đài kỷ niệm tử sĩ của các đạo quân lê-dương Pháp chết trận ở châu Á và châu Phi (Porte de L’Orient). Cổng đài nằm kế bên đại lộ Corniche Président Kennedy (CPK), nhắm thẳng ra biển khơi, xung quanh có nhiều nhà nghỉ mát cho khách du lịch ngắm cảnh. Con đường CPK chạy quanh co uốn khúc dọc theo bờ biển, đi ngang qua vài bãi tắm, thật là hữu tình!
Porte de L’Orient, nếu hiện hữu vào 100 năm trước, khi đế quốc Pháp còn đang là một mẫu quốc nhất nhì trên thế giới, cổng thường phải chứng kiến cảnh ly biệt, chia tay của những chàng thanh niên Pháp với ước mộng giang hồ, hoặc phải theo chính sách xâm lăng của Bộ Thuộc Địa lên đường chinh chiến từ cảng Marseille. Ngược lại, từ chiến trường bên trời Á-Đông và Bắc-Phi, đâu đó vang lên giọng giã từ của bà mẹ tiễn đưa con về chốn vô định:
Tàu súp-phờ-lê một, còn than còn thở
Tàu súp-phờ-lê hai, còn đợi còn chờ
Tàu súp-phờ-lê ba, tàu ra cửa bắc
Má nhớ thương con mà nước mắt
với mủi dãi chảy ròng ròng!
(Câu hò bình dân Nam bộ, khuyết danh, tả cảnh người mẹ nhớ thương con khi tàu Pháp chở con đi lính hoặc đi làm công từ bến SàiGòn qua bến Marseille. Hành trình này thường mất cả tháng trời). [Ghi chú: súp-phờ-lê = souffler (tiếng Pháp) = thổi, hú còi. Tàu chở khách hú còi làm hiệu ở các bến tàu khi tàu rời bến hoặc cặp bến. Tàu thường làm hiệu đến 3 lần].
Marseille là một thành phố cổ, lâu đời nhất trên đất Pháp. Cách nay 2600 năm, xứ Hy-lạp (Greece) và sau đó là xứ La-mã (Roman Empire) đã thay phiên nhau cai trị vùng đất này, cho đến năm 600 thì Marseille mới được độc lập, biến thành tỉnh lỵ của xứ Pháp. Vì địa điểm rất tốt của Marseille với khí
hậu nắng ấm ôn hòa, lại thuận lợi trong việc giao thông cho các vùng đất bao quanh bờ biển Địa-trung-hải (Mediterranean Sea), nên hải cảng Marseille trở nên sầm uất trong việc thương mại và giao dịch giữa Pháp đối với các quốc gia thuộc miền trung và nam của châu Âu.
Hiện nay, Marseille là thành phố lớn thứ nhì, chỉ đứng sau kinh đô Paris của nước Pháp, với dân số gần 1,6 triệu người. Dân Pháp-gốc-Việt sinh sống tại Marseille và các vùng phụ cận có khoảng trên dưới 30 ngàn người (chiếm 10% tổng số người Việt trên đất Pháp). Họ gồm nhiều thành phần khác nhau, dựa vào thời điểm di dân của từng thời kỳ đặc biệt trong lịch sử ViệtNam.
Trong thời thế chiến thứ hai, Đức chiếm toàn xứ Pháp và dội bom phá nát thành phố Marseille (1942) vì đây là cứ điểm chiến lược quan trọng của Pháp. Thành phố bị thiệt hại nặng, nhưng có một ngôi nhà thờ Đức Bà (Notre Dame, dùng để chỉ Đức Mẹ Maria) được cất trên cao điểm, may mắn lại không bị hề hấn gì cả. Có lẽ quân Pháp lúc bấy giờ quá yếu, không đặt súng cao xạ phòng không tại cao điểm nhà thờ Notre Dame, nên phi cơ Đức không dội bom tại đây.
Ngày 25 tháng 8 năm 1944, Marseille được phe Đồng-minh giải phóng, dân địa phương thêm vào tên ‘de la garde’ cho nhà thờ, có nghĩa là ‘quan phòng’ (trông chừng bảo vệ). Tên nhà thờ đổi thành Notre-Dame De La Garde. Trên đỉnh cao chót vót của nhà thờ, giáo dân đặt tượng Đức Mẹ (Bonne Mère) bằng đồng trát vàng để thờ phụng (xem tượng mẫu).
Để có một tầm nhìn tổng quan trên thành phố, anh bạn Rolland lái xe đưa chúng tôi lên thăm nhà thờ Đức Bà, cao điểm nhất của thành phố để nhìn xuống toàn khu thị dân.
Thấy từ trên cao rồi, bây giờ chúng ta có thể hạ sơn (xuống núi) để: xem xe cộ, coi phố xá, thăm nhà ga và bến tàu, thử hàng quán, dạo chợ trời, và lội-bộ-xem-bông (thay vì cưỡi-ngựa-xem-hoa) trong thành phố Marseille. Nếu không đi xe hơi riêng, thì có nhiều cách để hạ sơn: mướn xe đạp, xe gắn máy; đi xe điện nổi (tram), xe điện ngầm (métro) hoặc xe buýt; hoặc xử dụng lô-ca-chân!
Kinh tế Marseille đang hồi thở ra, giá cả mắc mỏ, thất nghiệp trên 10%, thành phố chỉ sống nhờ vào kỹ nghệ du lịch. Năm nay, hè 2013, thành phố Marseille quảng cáo là đã được châu Âu bình chọn làm Marseille-Provence, European Capital of Culture 2013 (www.marseille-provence2013.fr) theo tài liệu Marseille – City Centre Map and Guide của Sở du lịch Marseille; nên cả thành phố tưng bừng sửa soạn lễ hội, triển lãm, văn nghệ và ăn nhậu suốt cả hai tuần cuối tháng 6. European Capital of Culture có nghĩa là ‘Thủ đô văn hóa của châu Âu’. Ít tiền thì ít, mà chơi thì cứ chơi! Miễn sao dân tình cảm thấy vui sống.
Marseille là thủ đô văn hóa của châu Âu? Khoan đã! Có thật như vậy không?
Theo tôi, có có không không! Có là có trên quảng cáo thương mại, có cho thêm khách du lịch, đem lợi tức vào cho thành phố. Còn không là không thể đại diện cho toàn bộ châu Âu; sinh hoạt văn hóa của Anh, của Đức, của Ý, và của … trong Âu châu bỏ đi đâu? Theo tôi thì: thủ đô văn hóa phải mang nhiều bộ mặt, chớ không thể chỉ có một mặt Marseille, mặc dù đây là vùng đất cổ, có từ thời Hy-lạp. Năm 2013 là thủ đô văn hóa Marseille, năm tới có thể chuyển sang thành phố khác, của xứ khác trong Liên-Âu. Như vậy thì mới OK!
Từ khách sạn, hai chúng tôi lấy xe điện tramway T-1 xuống ga Noailles, rồi dùng lô-ca-chân đi dọc theo đại lộ La Canebière xuống thẳng bến tàu (Quai de Rive Neuve) để thăm tình hình. Trời nắng nóng nhưng có gió biển thổi vào mát rượi. Dân Tây khoái nghỉ hè Marseille là vì vậy!
Ngày thường mà du khách vẫn tấp nập, khách ngồi ăn trong tiệm thì vắng mà đứng/đi ăn ngoài đường thì đông. Các tòa nhà thuộc thế kỷ 20 vẫn sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt, tuy nhiều bức tường đã xám xịt vì khói xe hơi bám dính. Ngay bến tàu, một vài ngư phủ đang chuẩn bị lưới-và-chì để ban chiều sẽ ra khơi. Họ đánh bắt qua đêm ngoài khu quần đảo Frioul, và sáng sớm trở vào bờ để bán hải sản cho ông-đi-qua-bà-đi-lại bên đường. Kiểu buôn bán này rất hấp dẫn cho du khách như xem show trình diễn. Nhà nước có chương trình tài trợ cho các ngư dân để hấp dẫn cảnh quan du lịch. Sinh hoạt văn hóa và kinh tế trở thành bạn đồng hành tại cảng.
Lê la một vòng bến tàu dài chừng 5 km, mất 2 tiếng đồng hồ là tạm xem gần hết quang cảnh. Cảm thấy kiến cắn bụng và nghe theo lời dặn của anh Rolland, chúng tôi bước ngược trở lại ga Noailles để chọn lựa buổi ăn trưa, vì gần đó có khu chợ trời của người Pháp-Hồi (dân Pháp-gốc-đạo-Hồi) rất sầm uất và giá cả ẩm thực bình dân hơn khu du lịch bến tàu. Ở đây cũng có cả dân Việt mình làm ăn, buôn bán. Tính ăn uống xong rồi, chúng tôi sẽ lội bộ ra bến tàu lần nữa!
Dạo chợ trời Noailles
Đa số người Pháp-Hồi là dân gốc châu Phi, giống dân da đen và theo đạo Hồi (nhất là vùng Bắc- Phi). Thế kỷ trước, họ cũng như ta, bị đế quốc Pháp bắt/tuyển đi làm công binh hay chiến binh; cũng có một số trí thức đi du học; sau đó họ ở lại Pháp và trở thành công dân Pháp. Họ sang Pháp nhiều hơn chúng ta vì ở gần nước Pháp hơn và thuộc nhiều sắc dân khác nhau như: Algérie, Maroc, Tunisie, Madagascar, Sénégal … Ngày nay, người Pháp-Hồi (Pháp-đen) hay Pháp-Việt (Pháp-vàng) đều thuộc dân thiểu số của nước Pháp. Họ có quyền lợi và bổn phận giống y như của một công dân như người Pháp-trắng, trên cơ sở pháp lý.
Nhưng trên thực tế xã hội, vì căn bản giáo dục và nền tảng kinh tế của hầu hết dân thiểu số còn yếu thấp hơn dân Pháp-trắng nên gánh nặng xã hội (social burden) lúc nào cũng chồng chất lên ngân sách của nhà nước cầm quyền, tạo thành những vấn nạn kỳ thị sắc tộc một cách biểu kiến. Biểu kiến có nghĩa là hiện ra thấy được bên ngoài, nhưng không phải là vấn đề bản chất.
Vài người bạn của tôi không đồng ý về quan niệm xã hội này. Họ cho kỳ thị là sách lược của chính phủ tây phương da trắng và là vấn đề bản chất. Tôi suy nghĩ khác với các bạn đó. Tôi nói về lý, còn họ nói về thuật. Sách lược vẫn có thể được thay đổi theo khung thời gian bởi tùy thuộc vào dân trí và khả năng lãnh đạo của nhà nước. Nhưng trên các trang giấy này, không phải là chỗ biện luận của tôi về sự kỳ thị sắc tộc của nước Pháp.
Chưa hết! Còn vấn đề tôn giáo và lịch sử nữa: giữa Hồi-giáo và Thiên-chúa-giáo! Dân da trắng đa số theo đạo Thiên-chúa, còn dân Bắc-Phi đa số theo đạo Hồi. Cuộc thánh chiến đã dai dẳng cả ngàn năm qua trong quá khứ, kéo dài cho đến ngày hôm nay và tràn lan khắp toàn cầu, mặc dầu cả hai đạo đều cùng chung một gốc. Bạn nào có rảnh, hãy tìm xem phim Kingdom of Heaven (Thiên Triều, 2005) kể lại các cuộc ‘thập-tự chinh’ (The Crusades) để biết thêm về thảm cảnh giữa hai tôn giáo này. Liên-Hiệp-Quốc (LHQ) đang có các ủy ban hòa giải tôn giáo để giúp cho thiên hạ sống thanh bình hơn. Tôi lúc nào cũng hy vọng vào nỗ lực của LHQ: dùng đối thoại và lòng nhân từ. Loài người chúng ta có sự lựa chọn nào khác hơn phương cách của LHQ không?
Tự nhiên tôi chợt nhớ đến dân tộc Chăm thuộc xứ Champa xa xưa của miền trung ViệtNam. Xin lỗi bạn đọc nha! Cho phép tôi miên man chút đỉnh về đạo Hồi, vì nó có liên hệ bắn-súng-cà-nông-không-tới với cuộc đời của tôi. Cậu của ông ngoại tôi, mẹ tôi dạy gọi bằng ông-cố-cậu (hoặc ngắn hơn là Ông Cố). Ông cố tôi (18 tuổi) người tỉnh Thái Bình, dắt ông ngoại tôi (6 tuổi, đã mất hết bố mẹ ngoài Bắc) vào Nam định cư tại tỉnh Phan Rang thuộc miền Trung hồi đầu thế kỷ 20. Ông cố tôi lớn lên làm thầy thuốc Nam, rất giỏi về nho-học, và lấy bà vợ người Chăm trẻ đẹp, tôi gọi bằng Bà Cố. Bà Cố (1900-1960) rất hiền hậu, dễ thương và ca múa điệu Chăm hay lắm! Ông bà cố không sinh được mụn con nào.
Tôi nhớ mãi trong ký ức: hồi tôi 11 tuổi (1959), Bà Cố dẫn tôi đi thăm Tháp Chàm rồi diễn giải cho tôi biết rằng, dân Chăm tổng hợp cả 3 đạo: đạo Phật, đạo Ấn và đạo Hồi lại làm một, và xứ Champa đã sống hòa bình qua nhiều thế kỷ. Ông Cố tôi dạy chúng tôi rằng, dân Đại-Việt mình cũng rất hay vì đã tổng hợp được cả 3 đạo: đạo Phật, đạo Khổng và đạo Lão, không thua gì khả năng tổng hợp tôn giáo của dân Chăm. Phải chi LHQ nghiên cứu thêm về diễn trình tam-giáo-đồng-nguyên của Champa (Phật-Ấn-Hồi) và Đại-Việt (Khổng-Phật-Lão) thì hay biết mấy!
Ông Cố (1890-1970) và ông Ngoại (1902-1978) tôi là người theo đạo Thiên-chúa, nhưng sau đó, ông ngoại tôi bị rút phép thông công vì đánh ông trùm xóm đạo. Lý do: ông tôi theo phong trào tân dân (hoặc duy tân) của cụ Phan Châu Trinh, ổng cầm đầu một nhóm bạn trẻ trong xóm, hễ thấy đàn ông con trai còn để tóc dài, búi tó củ nừng, thì đè xuống và dùng kéo cắt đi. ‘Tân dân’ là làm cho dân mới ra! Và hớt tóc ngắn là hành động của nhóm trẻ tân dân. Rủi cho ông tôi là đè nhằm ông trùm mà cắt. Lại còn cả gan cãi lại lời thầy cả (linh mục), nên phải bị đuổi đi.
Ông Ngoại tôi bỏ miền Trung, một mình đi vô miền Nam. May quá! gặp bà tôi (1904-1986) ở vùng Chợ Đệm, gần SàiGòn. Xa xóm đạo mà gần được đào. Mẹ tôi được sinh ra (1927) và lớn lên tại Hóc-Môn (18 Thôn Vườn Trầu) với tên thánh theo Chúa là Ana. Và khi mẹ tôi mất đi (2005) tại thành phố Portland, bang Oregon – Mỹ quốc, thì có pháp danh quy-y theo Phật là Diệu Hương. Bà có tới hai cái bảo hiểm. Chuyện còn dài lắm, kể hoài không dứt …
Trở lại vụ ông Ngoại tôi bị buộc phải rời đạo và bỏ xóm đạo. Ông thuận đường xuôi nam vào tận SàiGòn (1922) để sinh sống! Ông làm nghề lính chữa lửa (đội viên cứu hỏa, pompier, fireman) từ thời Pháp thuộc, làm qua đến thời ViệtNam được độc lập (1954), và nghỉ hưu dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm (1962). Ông rất can đảm trong nghề chữa cháy vì không sợ lửa. Bằng chứng là bà tôi còn giữ các giấy ban khen của cơ quan cấp trên tặng thưởng cho ông.
Nhưng tôi thán phục sở thích và nghề tay trái của ông Ngoại. Đó là nghiên cứu và đoán số tử vi về thế sự và thời cuộc: nào là cộng-hòa, cộng-sản; rồi đệ-tam, đệ-tứ; đủ thứ trên đời. Sau năm 1975, dưới thời cộng sản nắm quyền, ông Ngoại tôi sinh buồn phiền và lâm trọng bệnh khi gia đình mẹ tôi bị đổi tiền, và vì thuộc giai cấp tư sản nên bị đánh (1978), còn các cậu tôi thì bị bắt đi tù vì làm lính hải quân của ViệtNam Cộng-hoà (VNCH). Ông mất cuối năm 1978 tại SàiGòn.
Trong đời, ông Ngoại tôi tâm đắc với Ông Bảy Trấn (Nguyễn Văn Trấn, 1914-1998), một người em-bạn-dì khác của bà Ngoại tôi. (Bà tôi là con Bà Cố Tư, ông Bảy Trấn là con Bà Cố Năm, còn ông Tám Xuân là con Bà Cố Sáu. Ngoại-tổ của tôi có tới 5 người con gái). Ông Bảy Trấn đi theo đệ-tam cộng sản, được huấn luyện bên Nga. Bà Ngoại và các cậu tôi không ưa ông Bảy, cho rằng ổng dữ dằn. Chỉ có ông Ngoại tôi là thông cảm hoàn cảnh và nói chuyện đời được với ông Bảy. Ông Ngoại tôi dặn con cháu rằng: sông-có-khúc-người-có-lúc; có lúc rồi ông Bảy sẽ hồi tâm!
Ông Bảy Trấn hồi trẻ là người vô thần, trước khi mất thì rửa tội đi theo Thiên-chúa giáo. Về lại SàiGòn năm 1975, ông Bảy Trấn bất đồng chính kiến với chính sách nhà nước. Và ông rất hối hận. Hối hận chỉ vì lòng yêu nước muốn đánh giặc Tây mà đi lầm đường theo cộng sản đệ-tam. Ổng chê là Hồ Chí Minh không có đầu óc và tư tưởng gì ráo, chỉ biết tranh giành quyền lực; đấu thì rất hay, còn xây thì dở ẹt! Ông Bảy chết trong cô đơn, thọ 85 tuổi (1998). Còn hai cậu em của mẹ tôi là Cậu Ba (thương phế binh VNCH) và Cậu Sáu, sau này vượt biển tỵ nạn cộng sản sang Mỹ (1980 &1983) đã trở thành hai nhà sư Phật giáo. Hai cậu tôi luôn cầu nguyện cho ông Tám Xuân, ông Bảy Trấn và linh hồn tử sĩ được siêu thoát nơi miền cực lạc.
Viết lại những giòng chữ này, tôi không thể cầm được nước mắt khi ôn lại cuộc đời của ông bà, cha mẹ và giòng họ thân thương của mình bị vướng mắc trong vòng nghiệt ngã giữa cộng-hòa và cộng-sản. Hai sản phẩm của người ngoài, khiến anh em một nhà phải nồi-da-xáo-thịt!
Ngày hôm nay, tôi kính trọng và yêu thương dân Bắc-kỳ, Trung-kỳ, Nam-kỳ và cả Hoa-kỳ trên đầu và trong tim của mình. Xin tạm chấm dứt chuyện dài tôn giáo, chuyện Nam-Bắc-Trung, chuyện chính trị cộng-hòa và cộng-sản, và về cuộc đời các tiền nhân của tôi. Khi nào thuận tiện và có duyên thì tôi sẽ thuật tiếp.
Cám ơn bạn đọc đã cho phép tôi đi lạc đề trong vài ba trang vừa qua!
Trở lại chuyện dân Pháp-Hồi ở Marseille. [Hàng quán chợ trời có] thịt cá, rau cải và trái cây, tươi tốt ê hề. Tuy chật hẹp và bề bộn nhưng thực phẩm được chế biến tại chỗ, chúng tôi tha hồ lựa chọn món mình thích, mua rồi đem vô tiệm ngồi ăn ngon lành và thoải mái. Tôi thích trái và dầu olive, được ướp đủ loại theo kiểu Á-rập; lại thêm trái chà-là (date) còn tươi, dính chùm từ Algérie gửi qua, mùi vị thơm phức và ngọt lịm. Cắn một cái, khoái tới già. Ngon hết ý luôn!
Rất tiếc là trong tiệm không có nước đá cho thức uống, nên khách Mỹ-Việt như Vĩnh Thanh Thảo phải chịu khô héo trong vài ba giây, lại nghe không hiểu tiếng Á-rập của bà chủ quán nên phải ú ớ trong dăm ba phút. Nhưng chúng tôi trả đúng tiền, không trả giá, khiến người sản xuất được hài lòng mà kẻ tiêu thụ cũng thong dong! Ngồi trong tiệm ăn, ngó ra bên ngoài, tôi không cảm thấy vui mắt cho mấy!
Bên này: áo quần, mùng màn treo phơi nắng lổn ngổn trên tường của khu chung cư (giống như khu bình dân phơi quần áo bên HồngKông). Bên kia: vài ba bà hành khất bế con chờ sự bố thí của khách qua đường (isolated incidents, trường hợp đơn lẻ). Xin các bạn Pháp-Việt quý mến của tôi khoan vội nổi nóng về hình ảnh của những người kém may mắn. Vì bên thành phố San José – Cali, chỗ tôi ở, có cả xóm homeless (vô gia cư), sống nhờ ăn xin. Xứ nào cũng có ăn mày. Không riêng gì ở Marseille, hay ở đâu khác!
Ăn uống ở chợ Pháp-Hồi xong, chúng tôi lội bộ ra bến tàu một lần nữa để xem cho hết quang cảnh cảng Marseille. Ngoài bến tàu, một số thiên hạ ung dung đua nhau đi chơi. Chỉ cách vài ba khúc đường, vài người kém may vẫy vùng tìm chỗ sống. Hai cảnh đời lộn ngược. Giống như bức ảnh tôi chụp được do sự phản ảnh của tấm kính được dùng làm trần nhà của công viên để dân chúng tụ tập vui chơi, ngay kế bên cạnh bến tàu.
Thiên hạ ung dung đua nhau đi chơi ngoài bến tàu, nhưng là đi bộ ngắm cảnh, không ai chịu trả tiền ngồi xe đạp, và rất ít khách ghé vào tiệm mua hàng hay tặng phẩm. Tôi để ý đến một bảng quảng cáo dựng trước cửa một tiệm bán dầu thơm (mỹ phẩm). Bảng viết bằng tiếng Pháp, có phụ đề Anh-ngữ, nhắm vào du khách không-nói-tiếng-Pháp: Parfum – Prices melt like snow in the sun !!
Xin bạn đọc tra tự điển dùm.
Đúng là kinh tế du lịch của Marseille cũng đang trong thời kỳ xuống dốc ngay trong thời kỳ thiên hạ đi nghỉ hè. Mua xài, mua sắm, mua khoe; trong ba thứ mua ấy, chúng tôi chỉ mua xài! Trời ít mây, hơi nóng, nắng không gắt, gió biển thổi man mát, đi bộ dọc đường Quai du Port thật lý tưởng cho những người đang thiếu vitamin D3 như tôi.
Sừng sững giữa đường là một bức tượng đá khoả thân của bà đầm. Bả cụt đầu, cụt tay và cụt chân với chữ Dalí trên khối bệ, chắc ‘Dalí’ là tên của Salvador Dalí (1904-1989), điêu khắc gia nổi tiếng khắp châu Âu. Lại có tượng hai con kiến làm bằng đồng, bò trên bụng bà đầm, hướng tới một trái banh bầu dục cũng làm bằng đồng, màu vàng đục. Trái banh bầu được đặt ngay trước rốn bà đầm. Tôi chịu thua, không hiểu gì hết!
Lạ thì có lạ, hay thì chưa chắc đã hay, vì tùy ở độ nhìn chủ quan của khán giả đánh giá. Ai muốn hiểu sao thì hiểu. Nhiều khi giá trị của tác phẩm ở chỗ: không ai hiểu gì cả! Đôi khi hỏi ý tác giả, tác giả trả lời: tao còn không biết, huống chi gì mầy! (tạm dịch hai chữ moi và toi, thân mật trong tiếng Pháp, thành ra tao và mầy trong tiếng Việt).
Xa xa là đôi nóc vòm của nhà thờ Cathédrale de La Major nổi tiếng ở Marseille. Cặp giò của chúng tôi đã bắt đầu than phiền, nhưng cũng ráng lết đến nhà thờ này để xem và học hỏi cho biết, vì nhà thờ Cathédral de La Major (1852) được xây trước cả nhà thờ Notre-Dame de La Garde (1864).
Sức mạnh của đế quốc Pháp vào những thế kỷ trước là dựa trên lực lượng súng đạn của đạo quân viễn chinh, nhưng đây là sức mạnh cứng (cương-lực). Còn sức mạnh mềm (nhu-lực) là văn chương nghệ thuật, là niềm tin tôn giáo với những nhà thờ kính cẩn và trang nghiêm.
Marseille là chứng nhân của thời đại. Ngàn năm trước, Marseille là hình ảnh cho sự xâm lăng của đế quốc Hy-lạp và La-mã. Ngàn năm sau, Marseille là phản ảnh của đế quốc Pháp đi xâm lăng phương Đông (Hình 11). Rồi đế quốc La-mã đã đi về đâu? Không còn hiện hữu nữa. Diệt người khác cũng là tự diệt chính mình!
Rồi đế quốc Hy-lạp đang đi về đâu? Rầu lắm! Hiện Hy-lạp rất khốn đốn về kinh tế. Ngày xưa là đế quốc, còn ngày nay thì đi ăn chực. Ngân hàng trung ương Liên-Âu phải châm tiền vào giúp nhà nước Hy-lạp để cứu nguy cho xã hội. Lực sản xuất của thị trường thì ít, mà mức tiêu thụ của nhà nước thì quá nhiều, tiền đâu mà đài thọ cho đầy? Giới thợ thuyền thì tiêu điều, còn giới công chức thì phì nhiêu, của đâu mà cung ứng cho đủ?
Đức và Pháp phải chịu đựng thêm nhiều lắm! Vài anh thầy rùa kinh tế của Mỹ, bênh vực Chợ Mỹ, dùng phép phân tích lợi-hại (cost-and-benefit analysis) về hiện tượng kinh tế toàn cầu, rồi thúc dục Hy-lạp rút chân ra khỏi Liên-Âu để xé lẻ, gây chia rẽ phá Chợ Tây. Pháp và Đức còn lâu mới trúng kế độc của Mỹ. Đối với Hy-lạp, Liên-Âu (đứng đầu là Đức và Pháp) phải vừa-giúp-vừa-dạy và vừa-dụng-vừa-dưỡng thì mới được.
Và với lòng quảng đại lo cho việc chung, rồi nền kinh tế Pháp sẽ đi về đâu? Hãy đợi đến khi qua thăm xứ Đức ở Hồi Hai thì sẽ rõ.
Ngồi nghỉ trong nhà thờ Cathédrale de La Major, tôi nhắm mắt cầu nguyện cho Ông Tám Xuân, cho Ông Bảy Trấn; cho bà con Marseille của mình (công binh, chiến binh Việt trong thế kỷ 20 và dân Pháp-Việt trong thế kỷ 21); cho nhân dân nước Hy-lạp, nước Pháp và nước Đức; và cho đồng bào ViệtNam tại quê nhà được thiên hạ thái bình. Đâu đâu cũng sống an lành. Chúng ta không sửa đổi được quá khứ, nhưng có thể dự định cho tương lai, nếu thông được bài học của lịch sử.
Một ngày dài đáng ghi nhớ tại cổ cảng Marseille đã trôi qua. Chúng tôi chuẩn bị đi đến thành phố Montpellier để thăm một người bạn Pháp-Việt khác.
© Trương Như Thường
© Đàn Chim Việt
(còn tiếp)