Phỏng vấn ông Nguyễn Công Bằng về vụ mưu sát
Đàn Chim Việt: Khoảng 1 tháng trước đây ông bị một “tai nạn” ở Campuchia, cụ thể chuyện xảy ra thế nào? Thương tích của ông hiện giờ ra sao?
Ông Nguyễn Công Bằng (Tổng thư ký đảng Vì Dân): Tôi đến Campuchia lần thứ hai trong năm nay một cách công khai, từ ngày 22/5 và định ở đây đến cuối tháng 8/2013 để hoàn thành các công việc cần thiết. Đến ngày 18/08/2013, tôi bị một kẻ lạ mặt tấn công bất ngờ bằng nhiều nhát dao đâm tập trung vào vùng ngực trái, khi tôi đang đi bộ vào khu chợ bình dân Samaki ở gần trung tâm thành phố Siem Reap. Dù đã cố gắng chống đỡ hết sức tôi cũng bị đâm trúng 3 nhát, trong đó 1 nhát ở sát vị trí trái tim. May mắn là nhờ cả 3 nhát dao đều đụng vào xương sườn nên không bị xuyên thủng vào trong và không làm thương tổn đến nội tạng.
Ngày hôm sau tôi rời Cambodia sang Mã Lai để chữa trị các vết thương. Khi tình hình sức khoẻ đã được tạm ổn định, Bác sĩ cho phép tôi lên đường trở lại Hoa Kỳ tiếp tục dưỡng thương.
Đến nay, các vết ngoại thương đã lành hẳn song phần xương cũng còn đau đôi chút. Bác sĩ cho biết là nhờ các vết thương không bị nhiễm độc nên tôi có thể sẽ được bình phục sau vài tuần lễ nữa.
Chúng tôi nhận được tin báo rằng, đó là một vụ mưu sát, vậy căn cứ vào đâu để có thể kết luận như vậy?
Chúng tôi có thể khẳng định đây là một vụ ám hại bằng bạo lực, được chủ mưu bởi một nhóm người Việt quá khích nào đó có liên quan đến nhà nước đương quyền ở Việt Nam.
Lý do là 5 ngày trước khi xảy ra sự việc, có một người Việt đến nơi tôi tạm trú, đưa hình tôi ra để xác minh nhân dạng và hỏi han về sinh hoạt của tôi. Tình cờ, nhân viên khách sạn biết được người này là một cựu bộ đội CSVN, tên Khmer là “Nguôn”, tên Việt là Thi. Nhiều đồng bào sống ở đây biết ông “Nguôn” là một thành viên cao cấp của Hội Việt Kiều tại Siem Reap – một tổ chức do Đại sứ quán CSVN tại Nam Vang và Tổng lãnh sự tại Battambang điều hành. Khoảng ba ngày sau đó nữa thì có một người Việt khác gọi đến anh Nguyễn Duy Đường – người cộng sự viên của tôi và cũng là Hội trưởng hội thiện nguyện Tín Nhân RHIO ở Cambodia – cảnh báo với nội dung là sẽ có người tìm giết tôi. Mặt khác, sau khi tôi vừa bị đâm thì cũng có một người phụ nữ Việt Nam gọi điện thoại trực tiếp cho tôi, cảnh báo là sẽ có người tạt acid tôi ở khách sạn. Ngay đêm đó và các đêm sau, nhiều cú điện thoại đã gọi trực tiếp cho anh Đường với những lời xuyên tạc, bôi bẩn, nhục mạ, hăm doạ trực tiếp; và đặc biệt là cảnh cáo về sự hợp tác với tôi. Điều đáng chú ý là người ông “Nguôn” đã trốn tránh pháp luật cho đến nay.
Qua các sự kiện này, đặc biệt là từ nội dung, ngôn ngữ những lời xuyên tạc, hăm doạ… chúng tôi khẳng định việc tôi bị ám hại được chủ mưu bởi một nhóm người Việt quá khích nào đó có liên quan đến CSVN. Nếu việc tấn công tôi không hẳn là nhằm mục đích sát thương thì đây cũng là một cuộc hành hung bạo lực bằng vũ khí có thể làm chết người. Thông tin về vụ việc này đã được báo Cambodia Express News online và Rasmei Kampuchea Daily Newspaper tường thuật tổng quát song tất cả chi tiết đều được cơ quan an ninh tỉnh Siem Reap ghi nhận nghiêm túc, kể cả các số điện thoại gọi đến cảnh báo và hăm doạ.
Theo ông đánh giá, kẻ tấn công là cá nhân hay tổ chức nào và nó liên quan gì tới hoạt động chính trị của ông không?
Căn cứ vào các dữ kiện có được cho đến nay, chúng tôi tin rằng người đâm tôi có thể chỉ là một tên côn đồ được thuê mướn song việc ám hại tôi vừa rồi rõ ràng có động lực chính trị thúc đẩy. Mấy tuần qua chúng tôi nhận được một số thông tin riêng báo cho biết tên cơ quan chủ động ám hại tôi, song vì công an Campuchia vẫn còn tiếp tục việc điều tra nên chúng tôi không thể nêu danh “nghi can” này.
Điều có thể nói ngay để làm sáng tỏ thêm vấn đề là trong hơn 3 tháng ở Campuchia, tôi tuyệt đối không có mâu thuẫn, thù oán gì với bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào, dù là người Việt hay Khmer. Công việc duy nhất tôi phải tiếp xúc với người ngoài là chuyện thiện nguyện: hợp tác với vài hội N.G.O. Campuchia, Mỹ; và phát gạo, giúp tiền cho người nghèo; và mở trường dạy Miên ngữ, Anh ngữ, Việt ngữ cho trẻ em các gia đình nghèo khó. Việc nhóm người thân Cộng này cho rằng chúng tôi giúp người nghèo ở Siem Reap với mục đích “mỵ dân” là hoàn toàn xuyên tạc, vì chúng tôi hoàn toàn không xưng danh Đảng Vì Dân Việt Nam trong suốt thời gian làm công việc ở Campuchia. Hơn nữa, tôi đã tham gia làm lãnh vực thiện nguyện từ năm 1992 (Hội SAP-VN) và vẫn tiếp tục góp phần trong lãnh vực này sau khi thành lập Đảng Vì Dân qua một số công việc khác nhau. Tâm nguyện của tôi là chia sẻ với những người kém may mắn trên tinh thần nhân đạo thuần tuý.
Riêng lãnh vực chính trị, tôi công khai theo dõi quá trình vận động và tổ chức bầu cử (ngày 28/07/2013); đồng thời nghiên cứu về quá trình phát triển xã hội dân sự ở Campuchia. Tôi không rõ hai việc này có là nguyên nhân dẫn đến việc tôi bị ám hại như vậy hay không song có thể nói rằng tổ chức duy nhất có thành kiến không đúng với chúng tôi là đảng và nhà nước CSVN.
Ông có hay qua lại Campuchia nói riêng và các nước khu vực Đông Nam Á nói chung không?
Trong hơn 20 năm qua tôi thường xuyên qua lại các nước Đông Nam Á và Đông Dương. Riêng ở Campuchia, tôi đến hai lần một cách công khai trong năm nay, tổng cộng thời gian gần 4 tháng.
Đảng Vì Dân của ông có các hoạt động tại đó?
Chúng tôi đến các nước Malaysia và Nam Dương là tham dự vào việc trùng tu mộ phần các đồng bào thuyền nhân bất hạnh đã bỏ mình khi sắp đến bến bờ tự do, hoặc trong thời gian chờ định cư ở nước thứ ba. Thông tin về những công việc này có thể tìm thấy trên mạng: www.vktnvn.com.
Riêng Thái Lan, Lào và Campuchia thì chúng tôi có nhiều công việc khác nhau; tuy nhiên Đảng Vì Dân không chủ trương lập cơ sở hay hoạt động chính trị ở các nước này. Lý do là điều kiện khách quan không thuận hợp trong thời gian và bối cảnh hiện nay.
Từ trước tới nay đã có 1 số tổ chức ở hải ngoại về Đông Nam Á hoạt động hay những người từ trong nước qua tị nạn hay lánh nạn. Ông đánh giá mức độ an toàn ở đó như thế nào, và nên làm gì để tăng cường an ninh?
Việc người từ hải ngoại về các nước Đông Nam Á và khu vực Đông Dương để công tác bất ngờ và trong thời gian ngắn thì có thể không nguy hiểm lắm — nếu như những người này không phải là những người đã bị lộ diện. Những đồng bào và người đấu tranh bị đàn áp quá độ phải sang Thái Lan tỵ nạn hay lánh nạn thì cũng không bị nguy hiểm nhiều. Tuy nhiên, ở Campuchia và Lào thì mạng lưới tình báo, an ninh của nhà nước CSVN đông đảo và hoạt động mạnh hơn. Nói chung, độ an toàn cho những người đối lập (với đảng và nhà nước CSVN) ở các nước Đông Nam Á và khu vực Đông Dương là không cao; đặc biệt là đối với những người lãnh đạo các tổ chức chính trị đối đầu với CSVN, hay những ai đã bị lộ diện.
Theo thiển ý chúng tôi, biện pháp cảnh giác cần thiết cho những người ở hải ngoại về các nước Đông Dương hoạt động là đi thật bất ngờ, sắp xếp công việc cho thật nhanh gọn và giới hạn tối đa sự xuất hiện công khai hay những tiếp xúc không thật sự cần thiết.
Nhiều ý kiến nói về việc trà trộn của an ninh cộng sản vào các trại tị nạn, ông nghĩ gì về việc đó thế nào?
Việc an ninh CSVN tìm cách trà trộn, xách động, theo dõi, ly gián… những người Việt đang xin tỵ nạn chính trị là chuyện tất nhiên. Mục đích nhà cầm quyền CSVN muốn là làm cho nội bộ tập thể người tỵ nạn nghi ngờ nhau, để những người đồng cảnh ngộ này khó liên kết để chống lại chế độ ở bên nhà.
Ông là người mang quốc tịch Mỹ, vậy Đại sứ quán Mỹ có làm gì nhiều để giúp ông không?
Sau khi biết đã bị theo dõi, hăm doạ và đặc biệt là sau khi đã bị “tai nạn”, tôi đều thông báo cho các bộ phận có trách nhiệm biết. Cơ quan ngoại giao này đã có những đáp ứng theo trách nhiệm. Tuy nhiên, theo chúng tôi, những ai muốn đến các nước Đông Dương hoạt động phải tự chủ động việc bảo vệ an ninh và các biện pháp đối phó khi có vấn đề trở ngại lớn, chứ không nên trông đợi vào sự hỗ trợ hoạt động hay bảo vệ của Toà Đại Sứ Mỹ, dù có là công dân Hoa Kỳ.
Mỹ, Lào, Miên, Thái, v.v… đều có quan hệ ngoại giao với CSVN. Quyền lợi quốc gia của họ to lớn hơn chính nghĩa đấu tranh dân chủ của chúng ta rất nhiều lần. Riêng đối với nước Cambodia và Lào thì CSVN còn có quan hệ chiến lược và an ninh quốc phòng rất chặt chẽ. Dù gì đi nữa thì chính phủ các nước này vẫn ưu tiên bảo vệ quyền lợi và quan hệ ngoại giao đang có của họ.
Sau sự cố vừa qua, ông hay đảng của ông có tiếp tục các hoạt động ở khu Campuchia, Thái Lan hay các nước trong khu vực nữa hay không?
Việc tôi bị hành hung, ám hại vừa qua cũng không khác gì lắm với tình trạng của khá nhiều anh chị đấu tranh dân chủ, dân oan ở bên nhà trong thời gian qua, nên sự kiện đáng tiếc vừa qua sẽ không thay đổi kế hoạch hoạt động của Đảng Vì Dân cũng như quyết tâm của riêng tôi.
Tất nhiên anh em chúng tôi phải cẩn trọng hơn nữa song vẫn sẽ tiếp tục tiến hành những kế hoạch vận động, đấu tranh theo định hướng đã có. Nói cho cùng, nguy hiểm ở các nước này vẫn không bằng ở Việt Nam. Nếu ngại khó khăn, sợ bị đe doạ thì chúng tôi không xứng đáng với sự dấn thân của anh em ĐVDVN ở trong nước. Thái độ trước những khó khăn, nguy hiểm cũng là thước đo quyết tâm của mỗi cá nhân, tổ chức trên con đường dân chủ hoá đất nước vậy.
Nếu nhà cầm quyền CSVN thực sự đứng sau vụ tấn công này thì đây là một hành động đáng lên án khi chủ trương của Đảng Vì Dân vẫn luôn là góp phần thúc đẩy việc thành hình một giải pháp chính trị thích hợp cho Việt Nam, để dẫn đến một cuộc Tổng Tuyển Cử Tự do (với sự giám sát của quốc tế), trong đó chúng tôi sẵn sàng chấp nhận sự tham dự của đảng CSVN, nếu như họ chứng tỏ được thiện chí hoà bình. Chúng tôi đồng thời cũng luôn thể hiện tinh thần ôn hoà và xây dựng qua việc sẵn sàng đối thoại với đảng cầm quyền hiện nay để tìm kiếm phương thức hoá giải các mâu thuẫn đang có của dân tộc và bế tắc chính trị của đất nước, chứ không khích động hận thù hay đấu tranh bằng bạo lực.
Tôi xin được chia sẻ thêm rằng sau vụ việc này, tôi vẫn không thù hằn CSVN hay người ám hại tôi mà chỉ thấy rất tiếc. Với thời đại ngày nay, bạo lực không phải là con đường tốt nhất để hoá giải những mâu thuẫn của một dân tộc.
Xin cảm ơn chị Mạc Việt Hồng và Ban Biên Tập đã cho chúng tôi một dịp để chia sẻ nhiều hơn với quý bạn đọc Đàn Chim Việt Online. Kính chào đoàn kết và quyết thắng.
Cám ơn chia sẻ của ông Nguyễn Công Bằng.
© Đàn Chim Việt
Ông Bằng hoạt động chính trị mà không bản lãnh hay ông Bằng cố ý tạo scandal tại Cam pu chia ???
Ông Bằng đã nhiều lần đến Thái lan hoạt động rất hiệu quả từ việc huấn luyện Dương Âu, Phùng Quang Quyền, Dương Thị Tám , Trương Văn Kim 15 năm tù, 15 năm quản chế rồi đến vụ Phạm Thị Phượng 11 năm tù .
Tại sao ông Bằng và tổ chức của ông Bằng không phát huy để công việc đấu tranh của tổ chức Đảng Vì dân ngày một phát triển ở Thái lan, và chắc chắn theo thời gian thì uy tín và ảnh hưởng của tổ chức ông phải đến Cambodia.
Như vậy, vì lý do nào đó mà ông Bằng và tổ chức ông Đảng Vì Dân không thể tiếp tục hoạt động và phát triển tại Thái lan mà phải gấp rút mở rộng tầm hoạt động tại Cam pu chia ? Hay hoạt động của ông Bằng và tổ chức Đảng Vì Dân đã được mọi người Việt ở Thái lan hiểu quá rõ nên không còn ai cộng tác nữa và mọi người lánh xa tổ chức của ông Bằng?
Ông Bằng không còn con đường nào chọn lựa Thái lan , Lào phải tìm vùng đất mới Cam pu chia mà hoạt động.
Tồ chức Đảng Vì Dân sử dụng chiêu bài hoạt động chủ yếu ở trong nước, nay gần 3 năm nay ông Bằng và tổ chức ông Bằng không có hoạt động gì đáng kể tại Việt nam nên phải về Cam pu chia tạo scandal ?
Ông Nguyễn Công Bằng bị mưu sát tại Cambodia, 100% là bọn khủng bố, côn đồ, cướp ngày, bọn dã man là là Việt Cộng ! Sinh Viên Lê Trí Tuệ cũng bị bọn công an côn đồ bắt mất tích tại Cambodia!