WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Mừng vui gặp lại các bạn xưa

friendship-66v

Đúng vào ngày Chủ nhật 20 tháng Bảy năm 2014 vừa qua, một cuộc Hội ngộ của các cựu sinh viên Đại học Hà nội di cư vào miền Nam đã diễn ra tại nhà hàng Royal Restaurant trên đường Bolsa thành phố Westminster California. Cuộc họp mặt này được tổ chức trong khuôn khổ của những buổi tập họp số đông người nhằm kỷ niệm 60 năm ngày Hiệp định Geneva được ký kết quy định sự phân chia đất nước – khiến gây ra cuộc di chuyển của hàng triệu đồng bào từ miền Bắc vào miền Nam.

Trong số trên 200 người tham dự, có những vị cao niên ở tuổi cửu tuần như Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, Nhà văn Dõan Quốc Sĩ, Giáo sư Nguyễn Tư Mô v.v… Còn phần đông, thì cũng đã bước vào tuổi bát tuần, đã có cháu nội cháu ngọai, thậm chí còn có cả chắt nữa – tức là đã có người lên tới chức Ông Cố, Bà Cố rồi. Bao nhiêu mái đầu bạc trắng gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi kể lại cho nhau nghe những chuyện vui buồn trong suốt mấy chục năm sinh sống tại miền Nam, rồi tiếp theo trong thời gian đi tỵ nạn tại xứ người. Các bạn cũng không quên nhắc lại những kỷ niệm thân thương với số đông những người đã lần lượt ra đi trong suốt 60 năm qua.

Nhằm đáp ứng đúng với nhu cầu giãi bày tâm sự giữa những bạn thân thiết từ những năm xa xưa mà nay mới có dịp gặp lại nhau, nên Ban Tổ chức đã khôn khéo hạn chế các mục diễn văn diễn từ dài dòng thường lệ – chủ ý để dành tối đa thời gian cho mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” để bà con thỏai mái chuyện trò riêng tư với nhau. Vì thế mà mục trình bày của Giáo sư Lưu Trung Khảo đại diện Ban Tổ chức, của Giáo sư Nguyễn Tư Mô người lớn tuổi nhất trong số sinh viên di cư năm 1954 và của Bác sĩ Tôn Thất Niệm sinh viên y khoa thời ấy – thì thời gian nói chuyện của cả ba vị này gộp lại cũng chỉ hết có khỏang 20 phút mà thôi.

I – Nhận diện một số khuôn mặt tiêu biểu.

Phải có đến 60 người là sinh viên di cư từ Hà nội năm 1954 hay là sinh viên cư ngụ ở Đại học xá Minh Mạng thời kỳ đầu vào các năm 1955 – 56. Còn lại là thân nhân trong gia đình và các bằng hữu.

1 – Phái đoàn đến từ thành phố Houston Texas có thể nói là vừa đông đảo vừa là chủ lực của mục văn nghệ, điển hình là các luật sư Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Ngọc Hải, kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo, chị Nguyệt Ánh là bà xã của bác sĩ Chu Bá Bằng v.v…Anh Đạt lại còn lôi kéo thêm cả mấy bạn đồng nghiệp tại Quận Cam California tham gia vào ban văn nghệ nữa, cụ thể như các luật sư Nguyễn Đình Sơn, Nguyễn Minh Hiển.

2 – Lớp cựu sinh viên nay đã ở tuổi 84, 85.

Lớp này hiện còn khá đông như các bác sĩ Tôn Thất Cần, Vũ Gia Ân, Đào Hữu Anh, luật sư Phùng Văn Tuệ, thẩm phán Lê Văn Trường, giáo sư Trần Thế Uy, Trần Đức Thanh Phong…

Trẻ hơn một chút, thì có nha sĩ Bùi Duy Đào, dược sĩ Trần Đức Hiếu, các giáo sư Nguyễn Ngọc Kỳ, Trần Quang Hải, Lưu Trung Khảo…

3 – Rất đông các bạn bè thân hữu là nghệ sĩ, nhà văn nhà báo hay là sĩ quan. Điển hình như cựu Trung tướng Nguyễn Bảo Trị, các nghệ sĩ Kiều Chinh, Hồng Vân, nhà văn Trần Phong Vũ, các nhà báo Nguyên Huy, Hà Giang, Bùi Bỉnh Bân, Thanh Huy…

II – Một chương trình văn nghệ thật đặc sắc.

Hồi năm 1954 – 55, tiếng hát của các sinh viên Lưu Bội Chu, Tôn Thất Niệm, giọng ngâm thơ của Vũ Gia Ân đã lôi cuốn sự say mê thưởng ngọan của cả một thế hệ thanh thiếu niên, cũng như của công chúng khắp Sài gòn. Nhưng đến nay, sau 60 năm thì phần đông đã không còn xuất hiện trước đám đông nữa. Mà gần như duy nhất chỉ còn có Nguyễn Tiến Đạt với biệt danh “Đạt Cồ” là vẫn còn say mê với chuyện ngâm thơ ca hát như hồi nào, mặc dầu năm nay anh đã ở vào lứa tuổi trên 80 rồi. Niềm say mê đó lại còn truyền đạt cho cả người con gái Thúy Hằng lúc nào cũng theo cha đi trình diễn cho các chú các bác cùng thưởng ngọan nữa.

Trong cuộc Hội ngộ năm 2014 này, anh Đạt đã sắp xếp dàn dựng một chương trình văn nghệ thật phong phú với cả đơn ca, đồng ca, ngâm thơ, kịch thơ – theo đúng với tinh thần hăng say nồng nàn yêu thương dân tộc, mến yêu đất nước của cái tuổi thanh xuân ngày nào. Mục văn nghệ kéo dài đến gần 2 giờ đồng hồ đã làm cử tọa say sưa thích thú và liên hồi vỗ tay tán thưởng.

III – Ý kiến về việc thực hiện một cuốn Kỷ Yếu.

Nhiều gia đình đã đem cả ba thế hệ đến tham dự cuộc Hội ngộ lịch sử này, đó là các con, các cháu đi theo cha mẹ, ông bà vốn là “những cựu sinh viên hồi ấy, mà nay đã là những lão niên ở tuổi 80 – 90 hết cả rồi”. Câu chuyện râm ran nơi các bàn tiệc phần lớn đều xoay quanh chủ đề “Di cư năm 1954” khiến gây thêm sự quan tâm chú ý đến sự kiện lịch sử mà thế hệ tiền bối cha bác ông bà của các cháu đã phải đích thân trải nghiệm trong những tình huống thật khó khăn, ngặt nghèo phức tạp.

Lại có sự trùng hợp là cũng vào đúng ngày Chủ nhật 20/7/2014 này, thì Nhật báo Người Việt ở Nam California đã cho xuất bản một số đặc biệt dài 16 trang khổ lớn với rất nhiều bài vở và hình ảnh thật rõ nét về các khía cạnh của cuộc Di cư vĩ đại với cả hàng triệu người từ bỏ quê hương đất Bắc để đi tìm Tự do ở miền Nam dưới chế độ quốc gia.

Vì thế, mà có một vài người đã nêu ý kiến kêu gọi anh chị em cùng góp sức với nhau để thực hiện được một cuốn Kỷ Yếu ghi lại những hình ảnh kỷ niệm và tâm sự của lớp sinh viên di cư năm 1954 hồi ấy. Đặc biệt là ghi lại danh tánh của những người đã ra đi trong vòng 60 năm qua, số này có thể lên đến vài ba trăm anh chị em. Đây là một gợi ý rất đáng hoan nghênh và mong được các bạn quan tâm cùng sát cánh với nhau để mau sớm thực hiện một tài liệu hầu làm kỷ niệm bền lâu cho các thế hệ con cháu của mình sau này nữa.

Nhân tiện, cũng nên ghi lại một điều không được vui mà Ban Tổ chức không muốn công bố trong cuộc Hội ngộ vì e ngại làm phiền lòng cho số đông cử tọa. Đó là sự ra đi đột ngột vào đầu tháng 7 của anh Đoàn Hữu Khánh là người cùng với bà xã là chị Kim Lan đều ở trong Ban Tổ chức. Lại nữa chị Kim Lan còn nhận làm Thủ quỹ lo về tiền bạc cho Ban Tổ chức nữa, nên vì tang gia bối rối, chị đã không thể tiếp tục lo việc này được. Do vậy, mà gánh nặng lại được chuyển sang cho chị Ái là bà xã của anh Trần Đức Hiếu. Và may sao, cuối cùng thì nhờ tinh thần hy sinh tích cực của anh chị Hiếu và Ái mà công việc tổ chức của Ngày Hội Ngộ đã diễn ra một cách tương đối suôn sẻ êm thắm như mọi người đều nhận thấy vậy.

Vắn tắt lại, đây là một cuộc Hội ngộ của những người bạn đã từng chia sẻ với nhau những khó khăn vất vả của cuộc di cư năm 1954 từ miền Bắc vào miền Nam và bây giờ lại là dân di tản tỵ nạn trên đất Mỹ lần lượt trước sau kể từ năm 1975. Tất cả hai cuộc di chuyển này cũng chỉ là để tránh thóat khỏi chế độ cộng sản độc tài tàn bạo tại quê hương Việt Nam mà thôi.

Gặp lại nhau lúc đã vào tuổi xế chiều để cùng ôn lại những kỷ niệm vui buồn trong suốt những năm tháng truân chuyên nổi trôi theo vận nước đau thương và cũng để an ủi nâng đỡ lẫn nhau. Và đồng thời cũng để nhắc nhở cho lớp con lớp cháu nhận ra và thông cảm được với cả hai sự lựa chọn khó khăn của cuộc Di cư và Di tản bi thương đó nữa vậy.
Và cuối cùng, tôi xin được kết thúc bài viết này bằng hai câu thơ mộc mạc sau đây : Mừng vui gặp lại các bạn xưa
Tình thâm nghĩa nặng – mấy cho vừa!

Thành phố Westminster California ngày 23 tháng Bảy 2014

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt
© Đàn Chim Việt

 

Phản hồi