WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bảy chục năm (1945-2015) Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Đế Quốc Việt Nam được soạn thảo bởi 6 vị Thương Thư gồm có: Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Ưng Úy, Bùi Bằng Đoàn, Trần Thanh Đạt, và Trương Như Đính. Nguồn tư liệu: MSS.

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Đế Quốc Việt Nam được soạn thảo bởi 6 vị Thương Thư gồm có: Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Ưng Úy, Bùi Bằng Đoàn, Trần Thanh Đạt, và Trương Như Đính. Nguồn tư liệu: MSS.

Vào nửa đầu thế kỷ 20, trên thế giới, Đức xâm lăng Ba Lan ngày 1-9-1939.  Anh và Pháp quyết định tuyên chiến với Đức ngày 3-9-1939, khởi đầu thế chiến thứ hai (1939-1945).  Đức tấn công Pháp, chiếm Paris ngày 14-6-1940.  Yếu thế, Pháp ký hiệp ước đình chiến với Đức ngày 22-6-1940, theo đó Đức chiếm đóng miền tây bắc, khoảng 3/5 nước Pháp.  Chính phủ Pháp do thống chế Pétain lãnh đạo chỉ còn khoảng 2/5 nước Pháp về phía nam.

Cũng trong năm nầy, các nước Đức, Nhật, Ý ký kết Hiệp ước Liên minh tay ba tại Berlin (thủ đô Đức) ngày 27-9-1940, thường được gọi là khối Trục Bá Linh-La Mã-Đông Kinh (Berlin-Roma-Tokyo Axis).  Trong khi Đức và Ý tung hoành tại Âu Châu, thì Nhật bành trướng ở Á Châu, tấn công Trung Hoa và  gây ra cuộc thảm sát kinh hoàng khi đánh chiếm Nam Kinh năm 1937.

Sau khi Đức xâm lăng Pháp năm 1939, quân đội Nhật đến Hà Nội năm 1940, áp lực Pháp để cho Nhật đóng quân ở Đông Dương, ký kết nhiều hiệp định kinh tế có lợi cho Nhật.  Từ đó, trên danh nghĩa, Nhật vẫn để Pháp cai trị Đông Dương cho đến năm 1945 để khỏi lo việc hành chánh và an ninh Đông Dương, nhưng Nhật hoàn toàn thao túng công việc ở Đông Dương trong đó có Việt Nam.

NHẬT ĐẢO CHÁNH PHÁP TẠI ĐÔNG DƯƠNG NGÀY 9-3-1945

Vào năm 1941, hai biến cố quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh thế giới và sẽ ảnh hưởng đến Đông Dương:  1)  Tuy đã ký hiệp ước bất tương xâm với Liên Xô ngày 23-8-1939 (hiệu lực trong vòng 10 năm), Đức bất ngờ tấn công Liên Xô ngày 22-6-1941.  Liên Xô vốn thân thiện với Đức, chống lại Anh, Hoa Kỳ.  Nay bị Đức tấn công, Liên Xô ở thế phải chống Đức, quay qua thân thiện với các nước Tây phương. (Vì vậy, ở Á Châu, cộng sản Việt Nam cộng tác với quân Mỹ.)  2) Ngày 6-12-1941, tổng thống Hoa Kỳ là Franklin Roosevelt viết thư đề nghị với Nhật hoàng Hirihito (trị vì 1926-1989) ký hiệp ước bất tương xâm giữa Hoa Kỳ và Nhật, và đề nghị Nhật rút ra khỏi Đông Dương. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu1939-1975, tập A: 1939-1946, Nxb. Văn Hóa, Houston, Texas, 1996, tr. 125.)  Đáp lại, quân đội Nhật bất ngờ tấn công Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) ở Hawaii ngày 7-12-1941, tàn phá hạm đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và giết hơn 2,400 người Hoa Kỳ.  Ngày 8-12-1941, Hoa Kỳ và Anh tuyên chiến với Nhật.  Ngày 11-12-1941, Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức và Ý.

Quân đội Nhật ào ạt đổ bộ lên miền nam Thái Lan (8-12-1941), bắc Mã Lai (8-12), tấn công Manila (8-12), đến quần đảo Luzon (10-12-1941), chiếm Bataan (9-4-1942) và toàn bộ Phi Luật Tân (5-1942).  Tuy nhiên, tình hình thay đổi từ năm 1944.  Tướng Charles de Gaulle (Pháp) trở về Paris ngày 25-8-1944, lập chính phủ Pháp lâm thời ngày 10-9-1944.  Chính phủ nầy chống Đức, tức cũng chống đồng minh của Đức là Nhật.  Về hành chính, sau khi chính phủ Pétain thân Đức sụp đổ, nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương nằm dưới quyền của chính phủ mới ở Paris do De Gaulle (chống Đức) lãnh đạo.

Cũng từ năm 1944, tại Đông Nam Á, Nhật bắt đầu thất thế trước sự phản công của quân đội Đồng minh.  Ngày 20-10-1944, quân Hoa Kỳ đổ bộ tại Leyte, ở Philippines.  Nhật dự tính rút quân về Nhật.  Có thể vì Nhật lo ngại nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương sẽ theo lệnh tân chính phủ Pháp ở Paris, mở cửa ở Đông Dương cho quân đội Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương, hoặc mật báo cho phi cơ Đồng minh tấn công những vị trí quân sự của Nhật, nên Nhật ra tay trước, tổ chức cuộc hành quân Meigo, xóa bỏ nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương.

Ngày 9-3-1945, đại sứ Nhật tại Đông Dương là Matsumoto Shunichi gặp toàn quyền Jean Decoux tại Sài Gòn lúc 8 giờ tối, đưa tối hậu thư buộc nhà cầm quyền Pháp phải đặt lực lượng quân sự Pháp trên toàn cõi Đông Dương dưới sự điều khiển của người Nhật ngay tức khắc.  Decoux kiếm cách trì hoãn, liền bị quân Nhật bắt và đưa đi giam ở Lộc Ninh.  Cuộc đảo chánh diễn ra không mấy khó khăn trên toàn cõi Đông Dương.  Trong vòng hai ngày, quân Nhật làm chủ toàn cõi Đông Dương.

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

Đại sứ Nhật tại thủ đô Huế là Massayuki Yokoyama yết kiến vua Bảo Đại tại điện Thái Hòa (trong hoàng thành Huế) sáng ngày 11-3-1945, giải thích những hành động mới nhất của Nhật tại Việt Nam, và tuyên bố muốn đem “châu Á  trả về cho người châu Á“.  Ông ta còn nói rằng ông ta có “nhiệm vụ dâng nền độc lập ” lên vua Bảo Đại, đồng thời kêu gọi Việt Nam cùng các nước Đông Dương gia nhập khối Đại Đông Á do Nhật đứng đầu. (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Xuân Thu, 1990, tr. 159.)  Khối nầy đã được chính phủ Nhật công bố thành lập ngày 1-8-1940, cách đó 5 năm.

Chiều ngày 11-3-1945, vua Bảo Đại triệu tập Cơ mật viện, các thượng thư và các hoàng thân hội họp và đưa đến kết quả là nhà vua cùng các thượng thư Phạm Quỳnh (bộ Lại), Hồ Đắc Khải (bộ Hộ), Ưng Hy (bộ Lễ), Bùi Bằng Đoàn (bộ Hình), Trần Thanh Đạt (bộ Học), và Trương Như Đính (bộ Công), đồng ký bản TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP do Phạm Quỳnh soạn như sau:

Chiếu tình hình thế giới nói chung, và tình hình Á châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp [năm 1884] được bãi bỏ, và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia.

Nước Việt Nam cố gắng tự lực, tự cường, để xứng đáng là một quốc gia độc lập, và sẽ theo đường hướng của bản tuyên ngôn chung của khối Đại Đông Á, hầu giúp đỡ nhau tài nguyên cho nền thịnh vượng chung.

Vì vậy, chính phủ nước Việt Nam đã đặt tin tưởng vào sự thành tín của nước Nhật, và đã có quyết định cộng tác với nước nầy, hầu đạt mục đích nói trên.

Khâm thử

Huế, ngày 27 tháng giêng năm thứ 20 triều Bảo Đại.” [Bảo Đại, sđd. tr. 162)

Do tình hình thế giới biến chuyển và do sự can thiệp của Nhật Bản, vua Bảo Đại đã lợi dụng thời cơ, tuyên bố từ nay nước Việt Nam chính thức độc lập.  Đây là BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN của Việt Nam, chấm dứt nền bảo hộ của Pháp đã được thiết lập hơn 60 năm.

Khi đảo chánh lật đổ Pháp, mục đích chính của người Nhật nhắm chống lại Đồng minh và bảo toàn lực lượng Nhật trên đường lui quân về nước.  Lúc nầy Nhật không còn tham vọng bành trướng.  Vì vậy, khác với người Pháp trước đây ở Đông Dương, người Nhật chỉ kiểm soát về quân sự, để cho vua Bảo Đại tự trị, không can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Việt Nam.  Tuy nhiên nền độc lập Việt Nam lúc đó khá bấp bênh vì Nhật Bản sắp thua trận, trong khi Pháp vẫn không từ bỏ tham vọng đế quốc, sẽ kiếm cách trở lui Đông Dương.

PHẢN ỨNG CỦA PHÁP

Tháng 9-1943, từ Alger Uỷ ban Giải Phóng Dân tộc Pháp (UBGPDT) (Comité Française de Libération Nationale, lập ngày 3-6-1943 đến ngày 3-6-1944) quyết định cử tướng Charles A. H. Blaizot phụ trách Đạo quân Viễn chinh Viễn đông, nhắm đến Đông Dương.  Ngày 8-12-1943, cũng từ Alger, UBGPDT Pháp ra thông báo về chính sách đối với Đông Dương, có đoạn như sau:

“… Với các dân tộc đã biết xác định cùng một lúc tình cảm yêu nước  và ý thức trách nhiệm chính trị của mình, nước Pháp đồng ý ban hành, trong lòng cộng đồng Pháp, một quy chế chính trị mới mà, trong khuôn khổ của tổ chức liên bang, những quyền tự do của các nước khác nhau trong Liên hiệp sẽ được nới rộng và xác lập; tính chất tự do rộng rãi của các chế độ sẽ được nhấn mạnh mà không mất dấu hiệu của nền văn minh và truyền thống Đông Dương; những người Đông Dương, cuối cùng, có thể nhận làm bất cứ công việc gì và chức vụ nào của Nhà nước.

Cùng với sự cải cách quy chế chính trị nầy, sẽ có một cuộc cải cách quy chế kinh tế của cả Liên hiệp mà, trên căn bản tự trị về quan thuế và thuế khóa, sẽ bảo đảm sự phồn thịnh của Liên hiệp và góp phần vào sự phồn thịnh các lân bang…”  (Philippe Devillers, Paris Saigon Hanoi, Paris: Gallimard- Julliard, 1988, tr. 23.)

Tuy hứa hẹn như trên, nhưng sau đó, khi Đức bắt đầu thua trận, và Đồng minh càng ngày càng thắng thế, thì UBGPDT Pháp thay đổi thái độ.  Ngày 1-2-1944, để chuẩn bị tái chiếm Đông Dương, tướng Charles de Gaulle ra lệnh cho tướng Charles André Henri Blaizot thành lập Lực lượng Viễn chinh Pháp tại Viễn đông (F.E.F.E.O = Forces Expéditionnaires Françaises d’Extrême-Orient), gồm 2 lữ đoàn thuộc địa là Madagascar và Cameroun, và một đơn vị khinh binh ứng chiến (Corps léger d’intervention).  Đạo quân F.E.F.E.O của Pháp được đặt dưới Bộ Chỉ huy Đông Nam Á (South East Asia Command = SEAC) do đô đốc người Anh là bá tước Louis Mounbatten điều khiển. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Paris: Editions Du Seuil, 1952, tr. 145.)

Trong cuộc họp của UBGPDT Pháp do De Gaulle chủ trì tại  Brazzaville ở Congo, được xem là thủ phủ của Pháp tại Phi Châu, từ 30-1 đến 8-2-1944, để thảo luận về các vấn đề thuộc địa sau thế chiến thứ hai, bản tuyên bố vào cuối Hội nghị có đoạn viết như sau:

Các mục đích của sự nghiệp thực dân mà nước Pháp thực hiện tại  các thuộc địa đã loại bỏ ý định tự trị, mọi khả năng tiến hóa ngoài khuôn khổ đế quốc Pháp: cơ cấu một chính phủ tự trị có thể có tại các thuộc địa dù cho còn lâu mới được thực hiện, phải bị loại trừ.” (Hoàng Hiển, Vua Duy Tân, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1996, tr. 90.)

Tiếp đó, khi Nhật lật đổ Pháp ở Đông Dương ngày 9-3-1945, vua Bảo Đại đưa ra bản Tuyên ngôn độc lập ngày 11-3, làm cho De Gaulle rất tức giận.  Gần nửa tháng sau, De Gaulle đưa ra bản tuyên bố ngày 24-3-1945 về vấn đề Đông Dương như sau:

Liên bang Đông Dương sẽ hợp cùng với nước Pháp và các thành phần khác trong cộng đồng thành Liên Hiệp Pháp, mà nước Pháp sẽ đại diện để đảm trách những quyền lợi ở bên ngoài.  Đông Dương sẽ được hưởng nền tự do riêng trong Liên Hiệp nầy.

Những người thuộc quốc tịch liên bang Đông Dương sẽ là công dân Đông Dương và công dân Liên Hiệp Pháp.  Với tư cách nầy, họ sẽ được giữ một cách công bằng theo khả năng mọi chức vụ và công việc liên bang ở Đông Dương cũng như trong Liên Hiệp Pháp, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, nguồn gốc.

Những điều kiện theo đó Liên bang Đông Dương sẽ tham gia vào các cơ chế Liên Hiệp Pháp, cũng như quy chế công dân Liên Hiệp Pháp, sẽ được ấn định bởi Hội đồng lập hiến.” (Charles de Gaulle, Mémoires de guerre, Le salut: 1944-1946, Paris: Plon, 1959, tr. 439.)

Tuyên bố của Hội nghị Brazzaville năm 1944 cùng tuyên bố của De Gaulle ngày 24-3-1945 cho thấy tham vọng của Pháp là muốn tái lập nền thống trị tại Đông Dương, về sau sẽ giải thích thái độ im lặng của chính phủ lâm thời Pháp do De Gaulle lãnh đạo, trước thông điệp kêu gọi giúp đỡ của vua Bảo Đại gởi các cường quốc, sau khi Nhật Bản đầu hàng 14-8-1945 và trước khi Việt Minh cộng sản cướp chính quyền.

Tuyên ngôn độc lập ngày 11-3-1945 của vua Bảo Đại chẳng những bị chính quyền Pháp bất bình, mà còn bị báo chí Pháp chỉ trích là ông đã phản bội nước Pháp khi tuyên bố độc lập.  Về sau, trong một cuộc họp báo tại khách sạn Ritz ở Paris vào đầu năm 1948, Bảo Đại lúc đó là cựu hoàng, giải thích:

Ngày 6 tháng 6 năm 1884, khi ông bác Kiến Phúc tôi còn là ấu quân, quan phụ chánh Vương quốc An Nam đã ký với nước Pháp, một hiệp ước bảo hộ.  Theo điều 16 của hiệp ước nầy, để đổi lại những ưu quyền dành cho nước Pháp, nước Pháp long trọng cam kết che chở cho Vương quốc An Nam, bảo đảm an ninh cho Quân vương, Hoàng đế An Nam chống lại bất cứ nội loạn hay ngoại xâm nào.  Thế mà năm 1945, trước sự xâm lăng của Nhật Bản, và trước cuộc nổi dậy của cách mạng Việt Minh, thì đâu là những lời cam kết của Pháp?… Vậy thì ai là người đầu tiên đã không làm tròn bổn phận đối với lời cam kết?  Ai làm cho nó lỗi thời, mất hết hiệu lực?  Ai đã vi phạm hiệp ước?” (Bảo Đại, sđd. tr. 307.)

Như thế, trong khi Pháp gặp nhiều khó khăn ở Âu Châu, bị Đức xâm lăng và chiếm đóng một nửa phía bắc nước Pháp, thì Nhật Bản xuất hiện ở Đông Dương, đảo chánh lật đổ Pháp ngày 9-3-1945.

Chính trong hoàn cảnh nầy, dựa vào sự ủng hộ của người Nhật, ngày 11-3-19-1945 vua Bảo Đại tuyên bố hủy bỏ hiệp ước bảo hộ Pháp tại Việt Nam ký kết ngày 6-6-1884 dưới thời vua Kiến Phúc (trị vì 1883-1884), và thu hồi chủ quyền quốc gia Việt Nam.

Đây là BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP  ĐẦU TIÊN của Việt Nam, rất hợp với lòng dân, do chính quyền hợp pháp chính thống của người Việt Nam lúc đó công bố, chứ không phải do một đảng phái nào đơn phương quyết định.  Bản tuyên ngôn nầy hoàn toàn do người Việt soạn thảo, không nhờ người ngoại quốc soạn giùm và không vay mượn ý tưởng ngoại lai.  (Trích: Bảo Đại (1913-1997), Toronto: Nxb. Non Nước, 2014.)

© Trần Gia Phụng

(Toronto, 01-02-2015)

11 Phản hồi cho “Bảy chục năm (1945-2015) Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên”

  1. noileo says:

    Ngày 6-8-1945 quả bom A thứ nhất, ngày 8-8-1945, quả bom A thứ nhì. Ngày 10-8-1945 quân Nhật đuọc lệnh ngưng chiến, Nhật tuyên bố đầu hàng với yêu cầu đuọc duy trì chính phủ. Mỹ bác bỏ, đưa ra tuyên bố Postdam đòi Nhật đầu hàng vô điều kiện. Ngày 15-8-1945 Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện

    Với tình hình kể từ 10-8-1945, kể từ 15-8-1945, Việt Nam không Nhật, không Pháp, được hội nghị quốc tế Postdam mặc nhiên công nhận, nền Độc Lập của Việt Nam càng rõ ràng hơn, Đế Quốc Việt Nam, thành lập từ ngày 11-3-1945 với bản Tuyên NGôn Độc lập 11-3-1945, càng rõ ràng là một quốc gia Độc Lập có chủ quyền với đầy đủ ý nghĩa của một quốc gia Độc Lập có chủ quyền.

    Ngày 19-8-1945 diễn ra cuộc phản bội tháng 8, cuộc đảo chánh đưa Hồ chí Minh lên thay Vua Bảo Đại với chức danh “chủ tịch”, thành lập “chính phủ Hồ chí Minh” ngày 2-9-1945.

    Cuộc đảo chánh tháng 8-1945 chỉ là một cuộc tranh chấp quyền lực nội bộ giữa 2 nhóm quyền lực cùng là người Việt nam, một bên là Hoàng ĐẾ Bảo Đại, Thủ tứong Trần Trọng Kim, chính phủ Trần Trọng Kim, một bên là Hồ chí Minh và nhóm cộng sản VN.

    Một cuộc tranh chấp nội bộ, thay đổi chính quyền, thay đổi thể chế, hợp pháp hay bất hợp pháp, có thể tạo nên một chính quyền mới, thể chế mới, tên nước mới, chính phủ mới nhưng không làm mất đi quốc gia đang có, không tạo nên quốc gia mới, quốc gia vẫn là quốc gia đã có từ trước khi diễn ra cuộc đảo chánh, từ trước khi thay đổi chính phủ, từ trước khi thay đổi người cầm quyền.

    Nói cách khác, nước VN mang tên là “VNDCCH” từ ngày 2-9-1945 với “chủ tịch nước” & “chính phủ Hò chí Minh”, hay mang tên là “Đế Quốc Việt Nam” từ ngày 11-3-1945 với Hoàng Đế Bảo Đại & Thủ tướng TTK & Chính phủ Trần Trọng KIm, vẫn chỉ là nước Việt nam Độc lập thành lập từ ngày 11-3-1945 với bản TUyên NGôn Độc Lập ngày 11-3-1945, liên tục từ ngày 11-3-1945 cho đến ngày 17-8-1945, cho đến ngày 19-8-1945, cho đến ngày 1-9-1945, cho đến ngày 2-9-1945

    như vậy đương nhiên là bất hợp pháp mọi bản văn nào khác tự gọi, bị gọi, đuọc gọi là “tuyên ngôn độc lập” trong thời gian nước VN vẫn là, đang là một quốc gia độc lập có chủ quyền với bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 11-3-1945.

    Nói cách khác, hoàn toàn là bất hợp pháp cái gọi là tuyên ngôn độc lập 2-9 & ngày độc lập 2-9 vì đó chỉ là bài diễn văn nhậm chức của Hồ chí Minh đọc trong ngày Hồ chí Minh lên thay Vua Bảo Đại với danh xưng “chủ tịch” sau cuộc đảo chánh tháng 8-1945,

    mà vì những gì cộng sản đem đến cho VN trong suốt 70 năm qua sau cuộc đảo chánh tháng 8-1945, vẫn chưa dứt, những tang thương, khổ đau, nghèo đói, nhục nhằn, mất mát, chia cắt, chiến tranh, chết tróc, cộng sản rước giặc tàu vào VN, lãnh thỏ quốc gia bị thu hẹp, bị cộng sản cắt dâng cho giặc tàu, chỉ có thể gọi cuộc đảo chánh tháng 8-1845, bọn cộng sản cướp chính quyền VN, cộng sản hóa chính quyền VN, là cuộc phản bội tháng 8.

  2. noileo says:

    Trích: “Hay bản tuyên ngôn này , vì lý do nào đó, chỉ có tính cách “lưu hành nội bộ” và chỉ được biết trong một phạm vị giới hạn nào đó ?

    -Bản tin đã được đăng công khai trên báo, vậy tuyêt đối không phải là ” chỉ có tính cách lưu hành nội bộ”, không phải là “tuyên bừa cho vui”, không phải là “không ai biết đến”.

    -Ở Hà nội dạo ấy có pho tượng Paul Bert, mà người Hà nội gọi là “Bôn Be”. Paul Bert là viên toàn quyền đầu tiên của Pháp tại Việt nam. Tượng Paul Bert tại HN là biểu tượng cho sự đô hộ & quyền lực & ách cai trị & nhà cầm quyền thực dân Pháp tại VN.

    Vào ngày 1-8-1945 pho tượng Paul Bert tại Hà nội đã bị lật đổ. Tượng Bôn Be bị lật đổ chiếu theo một quyết định của Thị trưởng Hà nội dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim của Đế Quốc Việt Nam. Tượng Bôn Be bị lật đổ giữa thanh thiên bạch nhật, [chứ không phải vì một hành động phá hoại lén lút nào] với sụ chứng kiến của người dân Hà nội. Sự việc tượng Bôn Be bị lật đổ đã đuọc báo chí Hà nội đăng tin trên các tờ báo phát hành ngày 2-8-1945.

    Tuọng Paul Bert tại Hà nội ngày ấy cũng như tuọng Lê Nin tại Hà nội ngày nay, cũng giống như tương Lê Nin các quốc gia Đông Âu cộng sản trức 1990, là biểu tuọng cho quyền lực cộng sản tại đó.

    Nó cũng như tuọng Hò chí Minh tại Hà nội là biểu tượng cho ách cai trị cộng sản tại VNDCCH, nó cũng giống như tượng Hồ chí Minh tại Cần Thơ là biểu tượng cho sự chiếm đóng của cộng sản tại VNCH.

    khi tượng Lê nin ở các nước Đông Âu bị lật đổ thì điều đó có nghĩa là quyền lực cộng sản ở các nước Đông Âu đã sụp đổ

    Cũng vậy, khi tượng Lê nin ở VN, tượng Hồ chí Minh ở Hà nội, ở Cần thơ bị lật đổ thì điều này có nghĩa là sự chiếm đóng của cộng sản đã chấm dứt, có nghĩa là quyền lực của bọn Việt cộng phản quốc đã bị lật đổ.

    Cũng vậy, khi pho tượng Bôn Be bị lật đổ, thì điều này có nghĩa là VN đã hoàn toàn Độc Lập, đã thoát khỏi ách cai trị của Pháp,

    Tượng Paul Bert bị lật đổ đã là một bằng chứng rất cụ thể khẳng định bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã đuọc tôn trọng & đã đuọc áp dụng trong thực tế đời sống hàng ngày, không phải là ” chỉ có tính cách lưu hành nội bộ”, không phải là “tuyên bừa cho vui”, không phải là “không ai biết đến”

    • noileo says:

      -Hội nghị quốc tế Postdam từ ngày 7-8-1945 đến 11-8-1945 do Mỹ & đồng minh tổ chức quy định việc đầu hàng của Nhật, quy định việc giải giới quân Nhật, đã quyết định cho Trung Hoa Dân quốc (lúc ấy chưa có cộng sản Mao Trạch Đông càm quyền) & Anh quốc giải giới quân Nhật tại VN, không cho Pháp tham gia vào cuộc giải giới quân Nhật tại VN.

      Điều nói trên cho thấy quốc tế & Mỹ & đồng minh đã biết đến sự việc Đế Quốc Việt nam tuyên bố Độc Lập, quốc tế & Mỹ & đồng minh đã mặc nhiên công nhận VN đã Độc Lập thoát khỏi ách cai trị của Pháp, quốc tế & Mỹ & đồng minh đã mặc nhiên bác bỏ & phủ nhận thẩm quyền của Pháp tại VN, và hơn thế, đã ủng hộ nền Độc Lập của VN qua sụ việc không cho Pháp tham gia vào cuộc giải giới quân Nhật tức là không cho Pháp cơ hội quay trở lại VN,

      [nếu quốc tế không nhìn nhận nền Độc Lập của VN, hoặc không ủng hộ nền Độc Lập của VN, tức là vẫn coi VN là thuộc Pháp, tức là vẫn nhìn nhận thẩm quyền Pháp ở VN hẳn là quốc tế & Mỹ & đồng minh đã để cho Pháp tiến hành giải giới quân Nhật ở VN, tái chiếm VN

      nếu VN chưa Độc Lập, chưa thoát khỏi ách cai trị của Pháp, thì chính là Pháp, chính là nhà cầm quyền thực dân Pháp tại VN sẽ tiến hành việc giải giới quân Nhật, vì đó là thẩm quyền của Pháp, thì hội nghị Postdam không có thẩm quyền quy định cho một nước nào tiến hành giải giới quân Nhật tại VN, bởi vì nếu Pháp vẫn còn cai trị VN thì một hành động như thế là một sự súc phạm thô bạo vào thẩm quyền & thể diện của nứơc Pháp, chắc chắn Pháp sẽ phản đối, không chấp nhận.

      Nhưng, như người ta đã thấy, Pháp đã im lặng chấp nhận quyết định của hội nghị Postdam, không đòi hỏi cho Pháp quyền giải giới quân Nhật tại VN. Điều này cho thấy chính là Pháp cũng đã mặc nhiên công nhận VN đã Độc Lập, đã thát khỏi ách cai trị & thẩm quyền của Pháp]

      Điều nói trên cho thấy Bản TUyên Ngôn Độc Lập của VN đã có tiếng vang trên quốc tế, đã được quốc tế mặc nhiên công nhận, đã có hiệu lục thi hành áp dụng trong đời sống hàng ngày, không phải là “chỉ có tính cách lưu hành nội bộ”, không phải là “tuyên bừa cho vui”, không phải là “không ai biết đến”

    • noileo says:

      3
      -Ngày 17-8-1945 một cuộc biểu tình do công chức và người dân Hà nội tổ chức để bày tỏ sụ ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim.

      Cuọc biểu tình nói trên cho thấy bản Tuyên NGôn Độc Lập 11-3-1945 là có thực, đụoc áp dụng trong thực tế đời sống hàng ngày, không phải là ” chỉ có tính cách lưu hành nội bộ”, không phải là “tuyên bừa cho vui”, không phải là “không ai biết đến”

      Ngày 6-8 quân Nhật bị trái bom A đầu tiên, vẫn chưa tỏ ý nao núng, ngày 8-8-1945 Nhật bị trái bom A thứ 2, phải chấp nhận đầu hàng. Một âm mưu đảo chính trong cung đình Nhật phản đối sự đầu hàng, tuy nhiên thất bại. Ngày 10-8-1945 quân Nhật được lệnh ngưng chiến, Nhật ngỏ lời đầu hàng, nhưng vẫn muốn giữ lại chính quyền. Mỹ lên tiếng tỏ ý không chấp nhận sự đầu hàng ấy, đòi hỏi Nhật đầu hàng vô điều kiện. Nhật chấp nhận đòi hỏi của Mỹ, ngày 15-8-1945 Vua Nhật đọc lời đầu hàng vô điều kiện trên hệ thống phát thanh.

      Như vậy, VN, Độc lập từ ngày 11-3-1945, thì, với bất kể xét nét khắt khe nào, cũng phải thấy từ ngày 10-8-1945, từ ngày 15-8-1945 trở về sau, cho đến ngày 2-9-1945, không Nhật, không Pháp, VN hoàn toàn độc lập với đầy đủ mọi ý nghĩa của một quốc gia Độc Lập có chủ quyền.

      Cuộc biểu tình ngày 17-8-1945 đã diễn ra trong hoàn cảnh ấy.

      Noí chung, những sự kiện trên, và còn nhiều sự kiện khác, cho thấy bản TUyên Ngôn Độc Lập là có thưc, có hiệu lực áp dụng trong đời sống hàng ngày, không phải là “chỉ phổ biến nội bộ”, không phải là “tuyên bừa cho vui”, không phải là “không ai biết đến”

      - – - -

      (SAu cùng cuộc biểu tình ngày 17-8-1945 đã bị cộng sản phá hoại, khủng bố, cướp mi cơ rô, biến cuộc biểu tình ủng hô TT/TTK thành cuộc biểu tình ủng hộ cộng sản, nhưng đó là chuyện khác.
      Tuy nhiên, với tình hình VN, tình hình Đế Quốc VN lúc ấy, không NHật, không Pháp, là một quốc gia Độc Lập có chủ quyền, thì mọi luận điệu của Việt cộng Hồ chí Minh, của sử gia & trí thức cộng sản chân chính tim đỏ thẻ đỏ gọi cuộc đảo chánh tháng 8-1945 đem đến ngôi Vua cọng sản, aka “chủ tịch nước”, cho Hồ chí Minh, thành lập chính phủ Hồ chí Minh & thanh lập VNDCCH từ 2-9-1945 đến 6-3-1946, là “cách mạng tháng 8 đánh Pháp đuổi Nhật giành độc lập …” chỉ là bịp bợm, chỉ là luận điệu làm chứng gian cố hữu của sử gia & trí thức cộng sản )

  3. Huỳnh Quang Thuan says:

    Kính gởi: Ông Trần Gia Phụng,
    Rất cảm ơn ông qua bài viết về bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên (11-3-1945). Có một vài chi tiết xin được hỏi thêm như sau:
    1. Theo hình chụp trên báo “…… Tín” đính kèm bài viết thì tên gọi của nước Việt Nam bấy giờ là “Đế quốc Việt Nam”. “Đế quốc Việt Nam” là tên nước mới đặt ngay lúc đó hay đã có từ hồi nào ? Lâu nay, chữ đế quốc thường hàm nghĩa xấu, mang ý nghĩa bành trướng, xâm lược. Thí dụ: ” đế quốc Mỹ”, “đế quốc Pháp” …… Vậy, vào thời điểm 1945, chữ đế quốc có nghĩa như thế nào ?
    2. Cũng theo bài viết thì ” Chiều ngày 11/3/1945, vua Bảo Đại triệu tập Cơ Mật Viện …… “. Vậy ngày công bố bản tuyên ngôn này là ngày nào ? Vua Bảo Đại có triệu tập quốc dân đồng bào và long trọng đọc bản tuyên ngôn này hay không ? Hay bản tuyên ngôn này , vì lý do nào đó, chỉ có tính cách “lưu hành nội bộ” và chỉ được biết trong một phạm vị giới hạn nào đó ?
    3.Dòng cuối cùng trong bản tuyên bố ghi: ” Huế, ngày 27 tháng giêng năm thứ 20 triều Bảo Đại.”. Như vậy, ngày này được ghi theo lịch nào,, trong khi ngày soạn bản tuyên ngôn là ngày 11/3/1945 tính theo dương lịch ?
    Rất mong ông hồi âm.
    Xin cảm ơn ông và chúc sức khỏe.

    Trân trọng.

    Huỳnh Quang Thuận.
    (Một sinh viên ở Saigon).

    • Empire khác với Imperialism says:

      Xin phép được chen ngang để góp ý về câu hỏi số 1 của bạn Huỳnh Quang Thuận :

      Danh từ “Đế Quốc” (empire) trong tuyên ngôn của Hoàng Đế Bảo Đại tự nó không hàm nghĩa xấu như bạn nghĩ, vì Đế Quốc là danh xưng của một quốc gia theo chế độ Quân Chủ như Quân Chủ Tập Quyền ,Phong Kiến (xưa) và Quân Chủ Lập hiến (nay) .

      Thời điểm 11/3/1945, khi Hoàng Đế Bảo Đại tuyên ngôn Độc Lập và tuyên bố hủy bỏ mọi ràng buộc với Pháp, là lúc VN theo chế độ Quân Chủ Tự Chủ, nên dùng Danh Xưng Đế Quốc Việt Nam là đúng .

      Chữ Đế Quốc (empire) Hay Vương Quốc (Kingdom) thì cũng (gần) như nhau, vì cùng đều được (hay) bị trị vì bởi một nhà Vua /Nữ Hoàng hay một Hoàng Tộc – Tuy nhiên (thông thường) người ta đã phân biệt Đế Quốc là một quốc gia theo chế độ Quân Chủ tập quyền, và Vương Quốc là để chỉ một quốc gia theo chế độ Quân Chủ Lập Hiến (Vua/ Nữ Hoàng chỉ là biểu tượng mà không trực tiếp cai trị)

      Đảng CSVN gọi Mỹ là Đế Quốc (gọi tắt từ US imperialist) với ý nghĩa mia mai, khinh miệt vì (họ) cáo buộc rằng Mỹ đã xâm lăng VN để biến nước VN thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ hay biến VN thành thuộc địa và biến nhân dân VN thành nộ lệ cho Mỹ, giống như các đế quốc ngày xưa là : Đế Quốc Mông Cổ, Đế Quốc La Mã, Đế Quốc Ottoman, Đế Quốc Anh .Đế quốc Nga, Đế quốc Trung hoa .v.v….đã làm đối với các dân tộc khác.

      Chuyện Mỹ có là đế quốc (imperialist) như CSVN cáo buộc hay không, thì tôi không bàn ở đây, vì nó tùy thuộc vào sự nhận thức của bạn, tuy nhiên việc các nước như Liên Xô (cũ) đã dùng sức mạnh để xáp nhập nhiều quốc gia, dân tộc khác vào thành Liên Bang Xô Viết, và đồng thời áp đặt ảnh hưởng của Nga lên mọi mặt (chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội) với các nước Đông âu (thời chiến tranh lạnh), hay như việc nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã xâm lăng, chiếm cứ và đồng hóa các dân tộc khác (mới nhất là Tây Tang – 1960)….thì lại không bị đảng CSVN gọi là Đế Quốc, và đo mới là một điều cần suy nghĩ .

      Chữ “Đế Quốc” trong US Imperialism mà người CSVN gọi tắt là Đế Quốc Mỹ (nghĩa xấu) nó khác với VN Empire (Đế Quốc Việt Nam) trong thời kỳ Quân Chủ Tự Chủ của Bảo Đại .

      Nhưng dầu sao thì danh xưng Đế Quốc nghe có vẻ mạnh và cứng hơn danh xưng Vương Quốc.

      Cùng là Danh từ Đế Quốc , nhưng có sự khác biệt hoàn toàn trong Đế quốc Mỹ (US imperialist) và Đế Quốc Việt Nam (VN empire) .

      Đó là đôi điều tôi biết và xin góp ý mọn .

      Thân Ái !

      H.Trúc Bạch
      (Một cựu sinh viên Sài Gòn) .

      • Austin Pham says:

        Theo cách hiểu thông thường và dể được chấp nhận thì một “empire” là một đế chế có lãnh thổ bao gồm cả những thuộc quốc, hoặc có ảnh hưởng chính trị sâu rộng ở những nước nhỏ. Nó biểu hiện cho “sức mạnh” mà theo tôi, vua Bảo Đại đã xử dụng để “tự tôn dân tộc” trên…giấy tờ. Người xưa xưng “vương” hay xưng “đế” đều có sự cẩn trọng, dựa vào vị thế của quốc gia mình. Tôi cảm thấy lối giải thích của anh/chị trong:” Chữ Đế Quốc (empire) Hay Vương Quốc (Kingdom) thì cũng (gần) như nhau, vì cùng đều được (hay) bị trị vì bởi một nhà Vua /Nữ Hoàng hay một Hoàng Tộc – Tuy nhiên (thông thường) người ta đã phân biệt Đế Quốc là một quốc gia theo chế độ Quân Chủ tập quyền, và Vương Quốc là để chỉ một quốc gia theo chế độ Quân Chủ Lập Hiến (Vua/ Nữ Hoàng chỉ là biểu tượng mà không trực tiếp cai trị)” là chủ quan, không thuyết phục. Mong được lắng nghe cao kiến của các vị… đế, vương khác.

      • noileo says:

        Theo tôi hiểu, khi lấy quốc hiệu “Đế Quốc Việt nam” là Hoàng Đế Bảo Đại muốn minh định sự độc lập của VN, minh định sự độc lập của VN đối với Pháp, muốn nói với Pháp, voi the gioi, Việt nam, tuy có thể nhỏ & yếu hơn Pháp, vẫn là một quốc gia riêng biệt như Pháp là một quốc gia riêng biệt, VN là một quốc gia như Pháp là một quốc gia, như moi quốc gia khac

    • Trần Tưởng says:

      Không ngờ kiến thức và nhận thức của sinh viên VN, được đào tạo dưới “mái trường
      XHCN ” lại tệ hại đến mức này !!!

  4. NON NGÀN says:

    TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP 11-3-1945

    Thực dân Pháp chiếm nước ta
    80 năm trường ấy thật là buồn thay
    Đến khi Thế chiến Thứ hai
    Vào ngày kết thúc cũng ngày hân hoan
    Nước ta tuyên bố đàng hoàng
    Việt Nam độc lập rõ ràng từ đây
    Nêu rằng Đế quốc Việt Nam
    Từ nay thu lại vẹn toàn núi sông
    Đó là ngày 11 tháng 3
    1945 ấy quả là thiêng liêng
    Nhưng mà xảy chuyện hơi phiền
    Bên ni Bảo Đại bên kia Cụ Hồ
    Lại thêm anh Pháp De Gaulle
    Muốn đưa trở lại Việt Nam vào tròng
    Dù trong Liên Hiệp thong dong
    Vẫn là thân Pháp khó hòng tự ta
    Tất nhiên Bảo Đại xót xa
    Mình là Hoàng đế nên là khó thay
    Bên kia thì lại ông Hồ
    Muốn mình ôm trọn cơ đồ Việt Nam
    Đặng đi theo thuyết Mác Lê
    Nên chi thế sự ê chề từ đây
    Trần Trọng Kim bị lật nhào
    Pháp quay trở lại nháo nhào non sông
    Chín năm chinh chiến rã ròng
    Pháp cùng bên Đỏ bên Vàng tranh nhau
    Dứt xong thì Mỹ nhảy vào
    Bên Xanh bên Đỏ hô hào chiến chinh
    Ghê thay đất nước của mình
    Khác gì như cánh lục bình trôi sông
    Đúng là lịch sử lông bông
    Bảy Lăm mới có hòa bình than ôi
    Hai mươi năm đã tơi bời
    Tới hồi thống nhất cũng hồi xác xơ
    Mười năm bao cấp vật vờ
    Chờ Liên Xô sụm hết mơ địa đàng
    Bây giờ lịch sử sang trang
    Mới quay trở lại thị trường ngày xưa
    Cho nên nói mấy cho vừa
    Vòng quay lịch sử có thừa biết không
    Hỏi rằng khắp nước Việt Nam
    Ai thương ai ghét ai yêu Cụ Hồ
    Ai yêu Bảo Đại ngày nào
    Ai yêu Diệm, Thiệu có bao nhiêu người ?
    Thật là kiểu cảnh ma trơi
    Lập lòe ánh lửa như người đi đêm
    Bao giờ đất nước Việt Nam
    Mới thành trọn vẹn lòng người như xưa
    Bảy mươi năm liệu có thừa
    Từ ngày Tuyên bố nước nhà về ta ?

    ĐẠI NGÀN
    (13/02/15)

Leave a Reply to Huỳnh Quang Thuan