WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chuyện về bức tranh cuối cùng của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí

Một bức tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Một bức tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) là một người đã nổi danh từ thời kỳ trước năm 1945 với những bức tranh sơn mài độc đáo vì tính chất nghệ thuật mới mẻ kết hợp được kỹ thuật của phương Tây với nét vẽ truyền thống Việt nạm. Ông đã gia công khai phá phương cách nâng cao giá trị của sản phẩm mỹ nghệ cổ truyền Việt nam lên thành tác phẩm nghệ thuật. Như người Pháp thường phân biệt : “article d’art thì khác với oeuvre d’art”. Cụ thể như sản phẩm sơn mài do cơ sở Thành Lễ ở Bình Dương sản xuất hàng lọat – như hàng trăm, hàng ngàn các bức tranh vẽ cá vàng chẳng hạn – thì không thể đem so sánh với những bức tranh do chính họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ kiểu và đích thân đứng ra thực hiện, mỗi bức tranh chỉ làm thành một phiên bản duy nhất mà thôi (pièce unique).

Giới am tường về nghệ thuật hội họa đã viết rất đày đủ về sự đóng góp quí báu và độc đáo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đối với nền hội họa Việt nam trong thế kỷ XX. Nên tôi thiết nghĩ không nên lạm bàn về chuyện nghệ thuật vốn không phải là cái môn sở trường của mình.

Mà nay nhân dịp sắp bước sang Xuân Ất Mùi 2015, tôi chỉ xin kể lại với quý bạn ðọc một câu chuyện vui vui ngộ nghĩnh xung quanh bức tranh có thể gọi là cuối cùng mà họa sĩ Nguyễn Gia Trí ðã thực hiện vào khỏang thời gian nãm 1983 – 85 ở Sài gòn khi ông ðã ở vào tuổi trên 75.

Lai lịch câu chuyện hy hữu này có thể được tóm lược lại đại khái như sau đây. Vào năm 1983, khi được tin Đại tá Nguyễn Văn Kim mới đi tù cải tạo từ miền Bắc về nhà, thì anh Nguyễn Xuân Quỳnh và tôi rủ nhau đến thăm ông vốn là một vị chỉ huy của chúng tôi trong ngành Hành chánh Tài chánh Quân lực Việt nam Cộng hòa từ hồi đầu thập niên 1960. Chúng tôi thật vui mừng được thấy vị đàn anh của mình vẫn còn thể lực mạnh mẽ, tinh thần minh mẫn sau mấy năm bị giam giữ tù đày khắc nghiệt ở ngòai miền Bắc. Sau ít phút hàn huyên tâm sự, thì Đại tá Kim lại rủ chúng tôi cùng đi với ông đến nhà họa sĩ Nguyễn Gia Trí để coi xem bức tranh sơn mài ông đang làm đã tiến triển ra sao.

Ông giải thích rằng : “Hồi trước năm 1975 vợ chồng chúng tôi có trả tiền cho họa sĩ Trí để nhờ ông làm cho một bức tranh sơn mài. Công việc đang dở dang, thì ngày 30 tháng 4 ập đến và cả hai vợ chồng tôi đều phải đi tù. Dù nhà tôi được về trước, thì bà ấy cũng không còn nghĩ gì đến chuyện bức tranh đó nữa – Nhân tiện, cũng xin ghi là bà xã của Đại tá Kim chính là bà Nguyễn Thị Vệ đã từng là một vị Chánh án tại Tòa Thượng Thẩm Sài gòn mà nhiều người trong giới thẩm phán và luật sư đều biết đến – Và rồì do tình thế rối ren bế tắc, nên ít lâu sau năm 1975 họa sĩ Trí đã phải bán bức tranh đó cho một người khác. Đến khi mới đây tôi gặp lại ông họa sĩ, thì ông nhớ lại ngay và đồng ý sẽ làm một bức tranh khác để đền bù lại cho chúng tôi. Và chuyện làm bức tranh đó đang tiến hành, lâu lâu tôi lại đến nhà ông Trí để coi xem nó ra sao rồi…”

Thế là cả ba chúng tôi đã kéo đến nhà họa sĩ Trí tọa lạc trong khu cư xá trên đường Công Lý cũ – khỏang gần với cây cầu từ Sài gòn qua ngả Phú Nhuận. Họa sĩ Trí hồi đó đã ở vào tuổi 75 – 76 rồi, nhưng ông vẫn còn có vẻ sáng suốt tinh tường. Cả hai ông bà đều chuyện trò tiếp đón chúng tôi một cách thân mật ân cần. Ông cho biết là một phần vì tuổi già sức yếu, một phần cũng vì vấn đề nguyên liệu khó khăn, nên đã từ lâu ông không còn vẽ một bức tranh nào mới mẻ nữa. Còn đây là bức tranh tôi bó buộc phải làm để trả nợ cho Đại tá Kim mà thôi. Có thể bức tranh này là bức cuối cùng do đích thân tôi đứng ra thực hiện đấy.

Ông dẫn chúng tôi đến coi bức tranh đang làm giở giang tại xưởng vẽ là một căn phòng giống như là nhà để xe. Búc tranh mới bắt đầu được mấy tháng, nhưng coi bộ về mặt bố cục và màu sắc đã có vẻ được định hình gọn gàng rõ nét rồi. Tuy vậy, ông giải thích cho biết còn phải tiếp tục làm thêm với nhiều đợt phủ sơn mới, sau khi đã mài đi mài lại cho thật bóng nhẵn. Có bức tranh kéo dài đến cả năm, thì mới có thể gọi là hòan chỉnh được.

Sau đó, tôi còn có mấy dịp khác nữa đến thăm họa sĩ Trí.Và vì là chỗ đã quen biết thân tình, cả ông và bà đều đã rỉ rả cởi mở tâm sự với tôi về nhiều chuyện liên hệ đến sự nghiệp hội họa của ông – nhất là trong thời gian ông mới bắt tay vào nghề từ hồi thập niên 1930 – 40 trước năm 1945. Họa sĩ Trí nói : “Hồi tôi bắt đầu vẽ tranh sơn mài, thì rất ít người Việt biết đến mà đặt hàng cho tôi vẽ. Nhưng tôi có cái may là được mấy bà đầm người Pháp đến đặt tôi làm mấy bức tranh khổ thật lớn về đạo để họ tặng cho các nhà thờ, kể cả ở mãi bên Pháp ấy. Đây là mấy bà có lòng ngoan đạo (ông nói nguyên văn tiếng Pháp “les dames pieuses”), nên họ không bao giờ tiếc tiền của để cúng hiến cho nhà thờ cả…”

Tôi bèn nói với ông là hồi tôi còn là sinh viên, thì tôi cư ngụ tại cư xá sinh viên của mấy linh mục thuộc nhà dòng Đa minh gọi là Câu lạc bộ Phục Hưng.Tại nhà nguyện nơi đây, thì có bức tranh sơn mài khá lớn với chiều dài phải đến trên 3 mét vẽ cảnh Giáng sinh với y phục và phong cảnh hòan tòan Việt nam. Chắc cụ còn nhớ bức tranh đó chứ? Ông trả lời ngay : “Tôi nhớ chứ, hồi đó linh mục Cras hay mặc áo dòng trắng, ông là người Pháp, mà biết nói tiếng Việt khá sõi. Ông dậy học ở Hà nội và hay đến chuyện trò trao đổi với tôi ở xưởng vẽ và đặt tôi làm bức tranh khổ lớn đó để trưng bày trong nhà thờ…”
Ông còn lấy cho tôi xem những mẫu phác thảo trên giấy croquis khổ nhỏ cỡ trang giấy học trò (esquisse) được ông nghiên cứu vẽ ra đủ các chi tiết để làm mẫu cho các bức tranh sơn mài. Và bà Trí còn cho biết là gần đây có một số người tìm đến xin mua các bức phác thảo đó nữa. Tôi nhận thấy quả là họa sĩ Trí làm việc thật là say mê miệt mài, ông thận trọng nghiền ngẫm cân nhắc tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhặt ngay trong các bức phác thảo như thế. Do vậy, mà những dân sành về hội họa mới đòi mua cả những bức esquisse nhỏ bé như thế đó.

Tại xưởng vẽ của ông hồi đó còn có nhiều bức tranh cũ – do ông vẽ tứ lâu mà bây giờ được các sở hữu chủ mang đến – để nhờ ông sửa sang chỉnh đốn lại những chỗ hư hao do bị cọ sát hay do màu sơn lâu ngày đã bị phai mờ biến sắc đi. Thành ra, tuy không thể nào vẽ những bức tranh mới nữa, xưởng vẽ của ông vẫn được bà con tín nhiệm đến nhờ vả trong việc sửa sang như thế – mà trong tiếng Pháp người ta gọi là “retouche”. Nhờ thế mà có thêm việc làm cũng dễ chịu nhẹ nhàng để có thu nhập vừa cho ông vừa cho vài người thợ giúp việc cho ông nữa.

Hồi đó, nhà nước cộng sản ra lệnh ngăn cấm không cho đem các họa phẩm có giá trị của ông đi ra nước ngòai. Nhưng có người cho biết rằng những sở hữu chủ đã cho bôi xóa chữ ký của ông đi, như vậy mới có thể đem lọt ra nước ngòai vào lúc đi đòan tụ, phần lớn là đi qua nước Pháp. Và những người này tìm đến xin tác giả bức tranh bằng lòng ký giấy xác nhận cho đó là họa phẩm do chính mình thực hiện. Việc này xác thực đến mức nào, thì tôi không dám khẳng định – bởi lẽ do sự tế nhị tôi đã chẳng bao giờ lại tò mò đi hỏi họa sĩ Nguyễn Gia Trí về cái chi tiết đó.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã qua đời tại Sàigon năm 1993. Và tôi cũng được người quen cho biết là ông bà Đại tá Nguyễn Văn Kim & Nguyễn Thị Vệ cũng đã lìa đời ở bên Pháp. Còn anh bạn Nguyễn Xuân Quỳnh trước năm 1975 đã giữ chức vụ Tổng Giám Đốc Ngân hàng Viễn Đông, thì anh cũng đã mất ở Sài gòn vào năm 1989.

Nay trước khi kết thúc câu chuyện này, tôi xin được bày tỏ lòng thương tiếc và quý mến đối với tất cả các nhân vật được ghi trong bài viết này. Và xin cầu chúc tất cả quý vị luôn được thanh thản nơi cõi Vĩnh hằng.

Westminster California, Tháng 11 Năm 2014.

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

Phản hồi