Trần Đức Thảo và những va đập hiện thực nghiệt ngã
Trần Đức Thảo thuộc “thế hệ vàng” trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với những bàn luận, tranh cãi mâu thuẫn, thậm chí đối lập nhau.
Năm 1951, để lại đằng sau kinh thành Paris hoa lệ, chọn đứng về “phe nước mắt”, quyết định trở về nơi chiến tranh và cách mạng đang diễn ra cuồng nhiệt, nóng bỏng đến độ trần trụi, hy vọng tìm thấy một con đường cho triết học cũng như thực tại, có lẽ Trần Đức Thảo không bao giờ tưởng tượng ra rằng, hiện thực không giàu chất thơ và sự dã man của chính trị là khôn cùng…
1- “Tai bay vạ gió” vì khát vọng
Khi Trần Đức Thảo trở về Việt Nam qua ngả Trung Quốc, một cán bộ giỏi cả tiếng Quảng Đông và Quan thoại là Trần Lâm được cử đi đón ông. Dọc đường, hai người thường xuyên tâm sự và trở nên thân thiết như anh em. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ và “bàn giao” Trần Đức Thảo cho “cấp trên”, Trần Lâm nhận được yêu cầu phải báo cáo tỉ mỉ, chính xác, không thiếu dù chỉ một chi tiết nhỏ toàn bộ những gì hai người đã trao đổi lúc đi đường. Hy vọng có thể làm cho cách mạng chú ý tới tài năng và trọng dụng Trần Đức Thảo, Trần Lâm thành thật nhận xét Trần Đức Thảo “là người có học thức, có trình độ suy nghĩ cao, rất có tinh thần yêu nước, có lý tưởng trong sáng, rất mong được phục vụ cách mạng”[1]. Đánh giá cao Trần Đức Thảo, Trần Lâm khẳng định đây là người luôn “ao ước được góp tim, óc để xây dựng một cuộc cách mạng huy hoàng ở quê hương, để có thể làm một mẫu mực cho các nước đang tranh đấu giành độc lập cho Tổ quốc và dân tộc của các nước bị trị”[2].
Bản báo cáo ấy được mang đọc cho cố vấn Trung Quốc, “các đồng chí cố vấn” ghi vào đó cảm nghĩ rồi hỏa tốc gửi về Trung ương. “Trung ương” không chỉ không hài lòng vì “một kẻ chưa hề sống với cách mạng một ngày mà dám mưu tính về dạy người của cách mạng làm cách mạng”[3], mà còn nêu nghi vấn Trần Đức Thảo có thể “là người do thực dân gián tiếp đưa về, là một thứ siêu gián điệp trí thức mà thực dân mưu toan cài vào hàng ngũ cách mạng”[4].
Kết quả là khát khao xây dựng “một mô hình cách mạng hoàn chỉnh, trong sáng và nhân đạo mà cả loài người chờ đợi”[5] của Trần Đức Thảo bị quy là “ý đồ chính trị độc hại!”. Thay vì đưa Trần Đức Thảo về trường Đại học ở Khu Tư, người ta lệnh đưa ông về An toàn khu ở gần Trung ương để dễ bề kiểm soát.
Một ước mơ nhân bản có phần mộng mị được rưới thêm một chút nước sốt ca ngợi đầy thành ý của Trần Lâm thoắt cái đã biến thành sợi dây oan nghiệt, thít chặt một cách không thương tiếc cuộc đời và số phận triết gia tài danh. Trần Đức Thảo chua chát kết luận: “Sự nghi ngờ của lãnh đạo khi đi xuống tới cấp thừa hành thì nó đã trở thành một xác định”[6]. Ông chỉ còn được phân làm mấy việc vớ vẩn như dịch những tài liệu cũ kỹ vô tác dụng, hoặc được cử theo chân một vài phái đoàn thanh tra Trung ương như một vật trang trí. Trần Đức Thảo biết rằng mình đã bị biến thành thứ tô điểm, trang hoàng, quảng bá để bên ngoài nhìn vào tưởng chế độ “có nền tảng đoàn kết quốc gia và dân chủ rộng rãi”[7]. Ông buộc phải đi tiếp con đường đã chọn nhưng với hình hài “bù nhìn đứng giữa ruộng dưa”.
Bằng một cú hích tàn nhẫn, hiện thực đã kéo triết gia đang lơ lửng trong những khát vọng đem “hiểu biết đúng” của mình, đem ánh sáng tinh thần lành mạnh, sâu sắc nhen góp cho sự tiến bộ của đất nước, buộc phải đặt chân xuống mảnh đất bỏng rẫy than hồng, lởm chởm gai góc và đá tai mèo sắc nhọn. Từ đây, trên mảnh đất ấy, dù không là kẻ tuẫn nạn, song mỗi bước chân ông đi đều rớm máu. Ông bắt đầu lờ mờ hiểu ra rằng, nhân tài không thể và không bao giờ có chỗ đứng trong vương quốc tôn thờ chủ nghĩa độc quyền chân lý.
2- Chủ nghĩa lý lịch và thói dối trá
Chưa hết bàng hoàng bởi cú sốc vì mộng ước “hoàn toàn tan vỡ ngay từ đầu khi chưa đặt chân trở lại mảnh đất quê hương”[8], Trần Đức Thảo đã phải đối diện ngay với một thứ chủ nghĩa man rợ – chủ nghĩa lý lịch.
Trở về từ trời Tây, chân ướt, chân ráo xuống tới Nam Ninh (Trung Quốc), Trần Đức Thảo được một cán bộ quân sự tên Hùng tới hướng dẫn làm hồ sơ trước khi “hành quân” về nước. Cầm trên tay bản “Tự khai”, “Trích ngang”, bộ óc triết học nổi tiếng thông tuệ bỗng đông cứng, chuyển từ trạng thái choáng váng sang kinh hoàng, lo sợ. Nếu như bản “Trích ngang” rối rắm có 15 cột[9] cùng khá nhiều nội dung vô nghĩa, vô giá trị đối với phẩm giá và nhân cách con người, thì bản “Tự khai” thực chất là một văn bản phản giá trị khi nó yêu cầu “đánh giá, tố cáo tất cả mọi người thân thích từ mấy đời trong đại gia đình bao quanh mình”[10].
Khó có lời lẽ, ngôn từ nào có thể diễn tả được tâm trạng rối bời và hoảng loạn của Trần Đức Thảo lúc đó. Những câu hỏi nhức nhối cứ quay cuồng trong đầu óc triết gia: Có thật sự cần thiết phải phán xét công tội đối với cách mạng của cả bố mẹ, ông bà nội ngoại, anh em họ hàng…? Liệu có người nào đó muốn bao che cho bố mẹ, họ hàng? Liệu có thể lợi dụng tố giác để làm hại người mình ghét?
Những giải thích mang tính “khai trí” cho Trần Đức Thảo của người cán bộ tên Hùng khiến ông bất ngờ và sửng sốt: Phán xét là “cách chứng tỏ mức độ giác ngộ cách mạng của mình. Nó giúp cách mạng đánh giá bản thân người khai”[11]; “vì ai cũng muốn tỏ lòng thành với cách mạng, nên có khi họ còn cố khai khống lên là có bố mẹ, ông bà là thành phần phản động để có cơ hội lên án, để tỏ vẻ là mình đã khai rất thành khẩn!”; “cách mạng bảo mình khai thế thì cứ thế mà làm. Còn chuyện lo ngại làm hại người khác, hay lo có thể khai gian dối v v… thì để cách mạng xét. Ta đã theo cách mạng, theo “đảng” thì để “đảng” suy xét hộ ta”[12].
Chỉ bằng bấy nhiêu lời lẽ, một cách vô tình, không trực tiếp, người cán bộ tên Hùng đã chạm tới tầng sâu bản chất sự việc, “hồn nhiên” gọi tên, chỉ mặt những tha hóa đạo đức sinh ra từ những lề luật, những quy tắc vụn vặt song lại có sức nặng ngàn cân để nắm lấy, kiểm soát và kiềm tỏa từng con người. Ẩn đằng sau thứ chủ nghĩa lý lịch mà Trần Đức Thảo hoàn toàn xa lạ là một thực tại nham nhở đến đau đớn, hãi hùng: Thói gian dối, đạo đức giả, thói a dua, hèn hạ đạp lên quá khứ, chối bỏ nguồn cội, phản bội chính mình…tất cả chỉ để được “cách mạng” ưu ái hoặc thậm chí chỉ để được yên thân.
Bứt khỏi căng thẳng và ngột ngạt, con người lý tính trong Trần Đức Thảo lên tiếng đối thoại với chính mình: “Trong thâm tâm ta có thấy bố ta đáng bị lên án là kẻ làm “tay sai cho Pháp” hay không?”; “Cảnh giác cách mạng buộc ta phải chơi trò dối trá?”; “Cứ nói dối như mọi người thì có lợi cho ta không? Thì ta có còn là ta không?”[13]. Tư duy, luận giả một cách logic, chặt chẽ, gẫy gọn, con người lý tính kết luận: “Khai và lên án bố thực ra là đã nói dối, mà là nói dối với chính ta! Dù đây là một sự nói dối bắt buộc nhưng vẫn là nói dối, dù cho cách mạng muốn vậy, bắt phải làm như vậy!”; “khai khống như vậy là cách mạng dạy ta xảo trá!”[14].
Cuối cùng, bất chấp lời khuyên “phải lên án mạnh mẽ cha mẹ họ hàng đã từng đi theo phong kiến, chạy theo thực dân!” của người cán bộ tên Hùng, con người đạo đức trong Trần Đức Thảo quyết định không đi theo lối mòn của đám đông nhút nhát được chăn dắt. Dù biết rằng mình đang làm một điều cực kỳ nguy hại cho bản thân, bước vào con đường chông gai mà tất thảy mọi người đều muốn tránh, Trần Đức Thảo vẫn dứt khoát không “bắt đầu bằng thái độ cúi đầu nói dối, khai man”. Bản “Tự khai” của Trần Đức Thảo được viết ra với tất cả tấm lòng thành thật, khai đúng những gì ông biết, ông nghĩ, ông tin, không núp dưới mác “giác ngộ cách mạng” mà lừa dối chính mình, mà “xỉ vả ông bà, cha mẹ” – những người, như Trần Đức Thảo giải thích, “đã dạy tôi nên người lương thiện, yêu nước, yêu đồng bào, yêu Tổ quốc…”[15].
Thay vì khai lý lịch theo kiểu tỏ ra “giác ngộ cách mạng”, Trần Đức Thảo viết một bản “Tự bạch” – một bài luận kín bốn trang của tờ đôi vở học trò, giải thích sự thành thực của mình, nêu rõ quan điểm không thể nhắm mắt lên án quá khứ chỉ vì chưa có ý thức cách mạng. Ông phân tích: “Thời đó tổ tiên dân tộc đã biết tạo ra bao nhiêu thế hệ sống lương thiện, biết xây dựng những con người dũng cảm, đã biết tạo dựng và biết bảo vệ non sông gấm vóc, Tổ quốc vinh quang… mà ngày nay không ai có thể chối bỏ dĩ vãng lịch sử, chối bỏ non sông gấm vóc và Tổ quốc này”[16].
“Tổ chức” quyết định gửi hồ sơ của Trần Đức Thảo về Trung ương với dòng chữ: “Hồ sơ chưa hoàn tất vì lý do đặc biệt, đang chờ Trung ương cứu xét”. Còn đang trong nghi án “siêu gián điệp trí thức” lại mắc thêm cái tội “ngoan cố, cứng đầu”, không chấp nhận khuôn mặt ma quái của “giác ngộ cách mạng” theo lối “nói và làm đúng theo yêu cầu của cách mạng”[17], số phận của Trần Đức Thảo coi như đã được định đoạt. Sau cơn địa chấn với “giấc mơ vỡ vụn”, hiện thực tàn nhẫn lạnh lùng phóng tay châm lửa thiêu cháy rụi chút hy vọng mong manh còn sót lại nơi triết gia đã đánh cược đời mình hòng thắp lên những tư tưởng đúng với lương tri, thấm đẫm sự thật.
Thoát ra khỏi vòng xoáy gọt mình dối trá để đáp ứng “Tổ chức”, song Trần Đức Thảo đã không thoát khỏi những cái vòi bạch tuộc bền bỉ, dai dẳng quấn chặt, trói buộc từng cá nhân, không thoát khỏi cỗ máy xay cần mẫn nghiền nát rồi nhào nặn, đúc khuôn những hình hài, buộc chúng phải thuộc về và lẫn trong đám đông, không đi chệch đám đông và không đi xa hơn đám đông. Định mệnh đã an bài cho ông một con đường đau khổ chỉ vì ông có chính kiến, có tư duy độc lập và phê phán. “Cách mạng” không cần những đầu óc độc đáo, những góc nhìn tỉnh táo, những tâm hồn mạnh mẽ. “Cách mạng” cần “nghe” và “thực hiện” hơn là “sáng tạo” và “phản biện!
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả. Hiện tại nghiệt ngã vẫn chưa thôi cười cợt nhà Hiện tượng học uyên bác về lý luận, nhưng lại ngây thơ, cả tin trong thực tiễn. Vị đắng dằn vặt, day dứt, chua xót nhấn chìm nội tâm vẫn còn ở phía trước…
3- Con sóng dữ cải cách ruộng đất
Có lẽ một trong những sự kiện để lại dấu ấn nặng nề nhất trong ký ức và tâm khảm Trần Đức Thảo là cuộc cải cách ruộng đất theo mô hình thổ cải của Trung Quốc mà ông buộc phải tham gia và trở thành chứng nhân bất đắc dĩ.
Ngay từ hôm đầu tiên tiếp xúc với những từ “lạ tai” như “bắt rễ”[18], “xâu chuỗi”[19] trong công việc của đoàn cải cách ruộng đất tại Chiêm Hoá (Tuyên Quang), ở Trần Đức Thảo đã nảy sinh những thắc mắc về đạo lý, công lý. Ông nhận thấy ngay rằng, phương pháp cải cách này là kết quả của tư duy méo mó được Lenin và Mao tùy tiện khai triển, đẩy nó đi xa một cách hết sức nguy hiểm so với những gợi ý đấu tranh giai cấp của Marx.
Theo như Trần Đức Thảo mô tả, cải cách ruộng đất được chia thành nhiều “công đoạn” khác nhau, từ “động viên, giáo dục bần cố nông” tức là dạy cho họ biết “hạch tội, trừng trị”, thậm chí bịa tội cho giai cấp được coi là từng “cưỡi lên đầu lên cổ”, “bóc lột, hành hạ, đánh đập bần cố nông từ đời này qua đời khác”, cho đến dám đưa tay đấm thẳng vào mặt những “kẻ thù giai cấp” ấy. Trần Đức Thảo nhận xét: “Sự thành công của công tác cải cách ruộng đất tùy thuộc vào tài tổ chức, động viên và huấn luyện bần cố nông thành những nhân chứng luận tội nhân dân, để nhân dân biết vùng lên tiêu diệt giai cấp đã bóc lột họ”[20]. “Tài tổ chức, động viên và huấn luyện” ở đây được hiểu là “tài” kích động tinh thần bần cố nông, là “tài’ sử dụng phương pháp kích thích hận thù để họ có ý chí căm thù cao độ, biến hận thù thành hành động, thẳng tay trừng trị, tiêu diệt, đòi xử tử “những tên nặng tội nhất, ngoan cố nhất, có nợ máu nhiều nhất với giai cấp bần cố nông”. Động lực kích thích bần cố nông chính là “quả thực” – càng vạch mặt chỉ tên cũng như trừng trị được càng nhiều thành phần phản động thì càng tịch thu được nhiều của cải, ruộng đất, nhà cửa và họ càng được chia nhiều những thứ tịch thu được. Bằng cách ấy, “người cách mạng” chẳng những không bài trừ cái xấu, cái hủ lậu như sứ mệnh họ hằng tuyên truyền, mà còn góp phần cài cấy những mầm mốc độc ác, dối trá, thậm chí “bón thúc”, ươm trồng để chúng nảy nở, sinh sôi.
Bệnh quan liêu, thành tích, thờ ơ, vô cảm đã xuất hiện ngay từ ngày ấy khi để hoàn thành nhiệm vụ, người ta đã “đôn” những hộ nông dân có vài mẫu ruộng đủ ăn lên thành phú nông. Với “nỗ lực” của đội cải cách, ở cái làng quê nghèo xác xơ quanh năm ăn độn, dân thưa thớt, ruộng đất phân tán, chen lấn quanh núi rừng, người ta cũng đã “lôi” ra được sáu địa chủ, trong đó có một bà cụ tuổi ngoài sáu chục, là mẹ bộ đội đóng lon trung úy của “Trung đoàn Thủ đô”.
Sau một tuần lễ chuẩn bị, phiên toà đấu tố được tổ chức vào khoảng hai giờ trưa, tại sân gạch lớn của đình làng dưới trời nắng chói chang với la liệt biểu ngữ lên án “bọn” trí, phú địa hào, quy “chúng” là “tàn dư phong kiến, thực dân, là kẻ thù của giai cấp công nông, là kẻ phá hoại xã hội, là kẻ nối giáo cho giặc…”[21]. Bàn chủ toạ được đặt phía trong đình làng, trên sân là một cột cờ cao sáu thước và một hàng cọc tre dành cho tội nhân. Ngay bên trái đình là một mô đất nâu sậm mới đắp cùng một hàng cọc khác có tấm bảng ghi dòng chữ: “Trường bắn”. Toàn bộ khung cảnh của phiên tòa ngay từ đầu đã sặc mùi tử khí. Giữa thanh thiên bạch nhật và cái nắng gay gắt, bầu không khí chợt trở nên u ám, ngột ngạt, đặc quánh sợ hãi.
Cuối cùng phiên tòa cũng bắt đầu. Trước đám “bần cố nông” nói cười ồn ào “bồng bế nhau đi coi xử tội địa chủ”, một toán “thanh niên và nhi đồng cải cách” được dẫn vào và bắt đầu thực hiện công tác tuyên truyền “tạo không khí cách mạng”. Sau màn lấy khí thế gồm có hô khẩu hiệu chen lẫn vỗ tay ca hát và sau màn chào cờ long trọng là đến phần chính của “phiên toà cải cách”. Ba tiếng trống thình thình, rờn rợn là hiệu lệnh cho một cuộc “nồi da xáo thịt” vừa mang sắc thái trung cổ, vừa đậm đặc màu sắc “thổ cải” Trung Hoa.
Có lẽ cái ngày định mệnh đó đã chém một nhát sâu đau đớn vào tinh thần của Trần Đức Thảo, trở thành nỗi ám ảnh đằng đẵng đeo bám, nên ông đã nhớ ghi gột đến từng chi tiết. Sau nhiều năm, qua mô tả của Trần Đức Thảo, nỗi ám ảnh ghê rợn ấy lại hiện ra sừng sững, vừa đóng vai nhân chứng, vừa đóng vai quan tòa: “Kẻ thù giai cấp” quần áo xốc xếch vương vết bùn, máu bị buộc thành một chuỗi bởi những khúc dây thừng to vòng quanh cổ được mang ra cho đám đông ngu muội, cuồng nộ và quá khích hành hạ bằng báng súng, cùi chỏ và những lời buộc tội ngô nghê, mơ hồ theo lối mớm cung, ngụy tạo. Nạn nhân bị vu cáo những tội lỗi giời ơi từ trên trời rơi xuống, bị đánh đập, bị vả vào mặt theo cùng một cách đã được huấn luyện. Không có văn bản điều tra, không có một điều luật nào được viện dẫn để lấy đó làm cơ sở buộc tội – lần đầu tiên trong đời, Trần Đức Thảo chứng kiến một “phiên toà” lạ lùng đến vậy với sự đánh đập thô bạo tới mức khủng khiếp. Một ý nghĩ lướt nhanh qua đầu ông: “Đây là một trò hề công lý chứ có luật lệ gì đâu!”.
Thật vậy, trong sáu kẻ bị đấu tố có lẽ chỉ có tên lý trưởng là gian ác, còn lại thì đều bị oan, đều là người dân hiền lành. “Tội” của họ chỉ là có chút của ăn, của để, mà thứ “của ăn, của để” ấy có được cũng là nhờ vào lao động vất vả[22].
Kết thúc “phiên tòa”, các tội nhân bị tuyên tử hình, bị tịch thu toàn bộ tài sản để chia lại cho nhân dân trong xã. Mặc dù làm dữ như vậy song cuộc đấu tố vẫn bị đánh giá là “không thành công”, là “một phiên xét xử không đạt tiêu chuẩn về mọi mặt”. Nguyên nhân sai sót được “cán bộ cố vấn” chỉ ra là do “không ai hiểu rõ được mục tiêu của phiên toà” – kết án tử hình mấy tên phản động, phản cách mạng ấy chỉ là chuyện nhỏ, chúng có thể bị xử tử, xử bắn một cách dễ dàng, bất cứ lúc nào mà không cần triệu tập đông đảo nhân dân đến chứng kiến. Vấn đề là ở chỗ phải dứt khoát biến “quần chúng nhân dân” thành “quần chúng cách mạng”. Vì thế, “phải xử sao cho quyết liệt, sao cho gây chấn động trong từng cái đầu (…). Phải xử sao cho có khí thế để phát huy uy quyền của bạo lực cách mạng trong đầu mọi người (…). Phải chứng tỏ bạo lực cách mạng là dứt khoát, không gì lay chuyển nổi!”[23]. Vì mục tiêu ấy, phiên tòa được quyết định mang ra xử lại cho thật có khí thế, “trừng trị mấy tên phản động ấy cho thật ròn rã, vang dội, để dập tắt mọi tư tưởng phản động trong đầu quần chúng. Phải làm cho tư tưởng phản động, phản cách mạng không bao giờ có thể bùng lên trong đầu mỗi con người. Họp phiên toà để xử án là vì quần chúng! Xử tử bọn phản cách mạng là để giác ngộ tập thể!”[24].
Kết luận chắc nịch như đinh đóng cột, như dao chém đá của “đồng chí cố vấn” Trung Quốc dẫn đến một phiên xử lại được sắp đặt kỹ lưỡng từng chi tiết vào buổi đêm ba ngày sau đó – một phiên tòa nghiêm trang và áp đảo hơn phiên trước với phần hạch tội dữ dội hơn, số nhân chứng đứng ra kể khổ, kể tội đông hơn, thuộc bài hơn và tỏ ra hung hãn hơn. Đây thực sự là một cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ, uy hiếp tinh thần đúng theo khẩu hiệu “Quyết tâm tiêu diệt tàn dư phong kiến, thực dân!”.
Phán quyết từ hình tất cả sáu tội nhân được thi hành ngay tại chỗ trước một bãi đông nghẹt người trong đêm lờ mờ ánh trăng, dưới ánh lửa bập bùng ma quái của những bó đuốc. Thời gian như ngưng lại. Và rồi…loạt súng nổ vang dội làm rung chuyển cả núi rừng trong phút chốc đã biến sáu mạng người thành những cái xác không hồn.
Ngay từ những buổi đầu được giao nhiệm vụ “bắt rễ” với một gia đình bần cố nông, Trần Đức Thảo đã nhận thấy ngay tình thế vừa nguy nan, vừa khôi hài, tiến thoái, lưỡng nan mà ông rơi vào. Tình thế đó khiến Trần Đức Thảo từng cười như nổi cơn điên rồi lại tủi phận mình mà bật khóc, rồi lại cười đến tràn nước mắt. Ông đã có những giấc ngủ không yên, tâm thần ngày càng suy yếu, mộng mị, hoảng hốt như chính mình là bị cáo trước một thứ toà án không luật lệ, không công lý. Cảnh xử bắn hãi hùng bồi thêm một đòn chí mạng, chực làm Trần Đức Thảo gục ngã. Những phát súng chát chúa của phiên tòa hôm ấy như bắn vào chính thân xác ông, “vĩnh viễn đập tan tành giấc mộng trở về góp công sức xây dựng một mô hình cách mạng mà nhân loại trông chờ”[25]. Mặc cảm đồng lõa với tội ác hành hạ Trần Đức Thảo, gay gắt, quay cuồng chất vấn, đòi ông “phải tỏ thái độ, phải có lập trường rõ rệt; không thể im lặng a dua đồng loã một cách mù quáng”[26]. Từ giờ phút ấy, Trần Đức Thảo “ý thức rất rõ rằng, lúc này, ở nơi đây, mình sẽ không có một cơ hội nào để góp một chút gì tốt đẹp cho cách mạng”[27].
Thực tại tàn nhẫn đặt cho Trần Đức Thảo những câu hỏi hết sức hóc búa: “Có thể nào cản ngăn được thứ bạo lực thô bạo này, khi nó đang trong đà phát động với tất cả hăng say, cuồng nộ, cuồng tín như thế?”; “Tất cả những gì đang làm kia có thật là để cải tạo xã hội, giải phóng con người hay không?”; “Để cái ác cứ tiếp tục phát triển như nó vẫn được khai triển trong suốt chiều dài lịch sử?”; “Một ý thức hệ không bảo vệ được người vô tội thì có còn lý do để tồn tại hay không?”[28]… Rõ ràng, phải hết sức nguỵ biện mới chứng minh được rằng, “thiên đường xã hội chủ nghĩa có thể xây dựng bằng phương pháp giả dối”[29]. Như thế, triết gia đã mắc kẹt vào tình thể dở cười, dở khóc: Giữa một bên là lý tưởng, là lý luận biện chứng mạch lạc và một bên là thực tiễn cách mạng đầy sai trái, thô thiển, cổ lỗ, tăm tối, mâu thuẫn, thô bạo như ở thời sơ khai, man rợ.
Có một điều đáng lưu ý là trong tối tăm, tuyệt vọng vẫn có một khoảng sáng huyền ảo khiến Trần Đức Thảo càng thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước hiện tại. Đó là nhận thức của một bộ phận người nông dân thể hiện qua suy nghĩ của một cá nhân cụ thể – bần cố nông Lê Tư. Cái cách mà người nông dân này đóng kịch giả câm, giả điếc, trốn tránh để không phải trở thành “bần có nông nổi dậy” (đội viên cải cách) đứng lên tố đấu tố nhà giàu trái với luân thường, đạo lý đã lay động những suy nghĩ của Trần Đức Thảo. Lý luận của một bần cố nông hết sức đơn giản, không cao siêu, rắc rối, không biết đến những khái niệm trừu tượng, siêu hình song lại hết sức thuyết phục, vì nó chính là những giá trị nhân bản truyền thống luôn tàng ẩn trong tiềm thức mỗi con người. Nó là đạo lý giữa con người với con người được gieo trồng, vun đắp qua chiều dài hàng ngàn năm lịch sử người Việt – một bản năng hiền hòa, một thứ lương tri tự nhiên của đạo làm người: “Sống hiền lành để phúc cho con”, “trời có mắt, trời quả báo”, “sống gian ác trời không dung tha”, “đời này mình không phải trả thì đến đời con, đời cháu mình chúng sẽ phải trả”….
Nhận thức rằng, bạo lực, hận thù, máu và nước mắt của nhân dân không thể đặt nền nóng cho một xã hội lý tưởng, không thể tạo nên một trật tự ổn định, Trần Đức Thảo cho rằng phải xem xét lại toàn bộ các vấn đề bắt đầu từ học thuyết, trên một nguyên tắc đơn giản, khoa học: Gột rửa tâm thức giáo điều sùng bái ý thức hệ một cách lố lăng, vứt bỏ trò chơi dân chủ giả hiệu, trả lại quyền dân chủ cho dân.
4- Lối thoát từ trong va đập hiện thực
Định mệnh dai dẳng đeo bám và không buông tha Trần Đức Thảo, lạnh lùng khoác vào số phận ông hai từ “oan nghiệt”.
Ít năm sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, Trần Đức Thảo vướng vào kỳ án “Nhân Văn – Giai Phẩm”. Hưởng ứng việc giới văn nghệ muốn thoát ra khỏi chế độ quản lý theo kiểu trại lính, đòi “trả văn nghệ lại cho văn nghệ sĩ”, Trần Đức Thảo có hai bài viết bàn về dân chủ, tự do đăng trên tờ Nhân Văn và Giai Phẩm Mùa Đông. Bị quy cho “tội danh” âm mưu chống Đảng, Trần Đức Thảo bị cấm giảng dạy, rồi bị bắt. Được thả về, sống trong cô đơn và điều kiện vật chất hết sức ngặt nghèo, chịu đựng ánh nhìn ghẻ lạnh của những người xung quanh, song Trần Đức Thảo không đầu hàng nghịch cảnh. Trong cơn xoay vần của số phận, tố chất triết gia, tư duy triết học đã giúp Trần Đức Thảo nhìn nhận những bể dâu cuộc đời, những vận động của xã hội và thời cuộc quanh mình như một dịp may sống động để trải nghiệm, để tìm hiểu, để lý giải hướng vận hành, cách thức vận hành của cách mạng và xã hội.
Thực hiện công cuộc nghiên cứu thực tại ngay ở hiện trường với tư cách “người quan sát” từ bên trong (chứ không phải là người nhập cuộc), ở vị trí đứng ngoài quyền lực, Trần Đức Thảo tỉnh táo phát hiện những điểm thắt, những nút nghẽn của cơ chế chính sách, những căn bệnh trầm kha của xã hội. Như trong một phòng thí nghiệm lớn, trước một hiện trường tâm lý – xã hội phong phú, đa dạng, Trần Đức Thảo chăm chú theo dõi những chuyển biến ở con người, xã hội trên bước quá độ của cuộc cách mạng vô sản, hiểu những khát vọng, những ước mong thầm kín của họ, nhìn thấy những bế tắc xã hội. Trần Đức Thảo phân tích chủ nghĩa ngu tín (obscurantisme), cuồng tín (fanatisme), tình trạng con người bị nô lệ hoá, có mắt như mù, có đầu mà mất lý trí đang trở nên phổ biến, phân tích mối tương quan giữa hữu sản với vô sản, quan hệ giữa con người hữu sản và con người vô sản, phân tích vấn đề xoá bỏ hay không xóa bỏ giai cấp… Những phân tích như thế cho phép ông khám phá xu thế mà xã hội đang tiến tới.
Để lý giải, Trần Đức Thảo vẽ một sơ đồ phát triển, từ sự hình thành của ý thức tới khả năng truyền thông, lý luận, rồi đẩy lý luận qua thực tại bước tới một giai đoạn tư duy đa chiều, díc dắc. Sơ đồ ấy cho phép ông nhận biết những bước sai lầm trong phương pháp tư duy dẫn tới lệch lạc trong hành động, trong chính sách, dẫn tới cách thức hành động tùy tiện và phương hướng phát triển phiêu lưu, không tưởng, thiếu nền tảng vững chắc. Như vậy, bước đầu Trần Đức Thảo đã “phác họa lộ trình quá độ hình thành sai lầm trong tư duy sơ đồ toàn cảnh của sự vận động hình thành con người qua những hoàn cảnh biến đổi của vũ trụ và của xã hội”[30]. Ẩn dấu dưới dáng vẻ cũ kỹ, có chút lập dị, lúc nào cũng ngơ ngác trước cuộc đời tầm thường là hứng khởi khám phá, là sự say mê đến sôi sục và sự không ngần ngại lao mình vào công cuộc nghiên cứu của một nhà triết học. Nguồn cảm hứng khoa học bất tận làm mạnh mẽ thêm nghị lực của Trần Đức Thảo, rót luồng năng lượng vào trí tuệ vốn đã mẫn tiệp của triết gia khiến nó càng thêm thông tuệ. Trên quan điểm “những gì xuất hiện trong hiện tại đều có gốc rễ từ quá khứ”[31], Trần Đức Thảo kiên trì lật từng lớp đất đá kết tụ qua thời gian đi tới tầng sâu bản chất, sáng tạo lý thuyết “hiện tại sống động”, không mệt mỏi kết nối quá khứ – hiện tại để nhận thức hiện tại và dự báo tương lai.
Tiếp cận thực tại đầy mâu thuẫn trong xã hội đã thức tỉnh Trần Đức Thảo, khiến ông kiên trì phân tích thấu đáo những sự vật, hiện tượng đang diễn ra. Tin tưởng ở khả năng tư duy mới mẻ, Trần Đức Thảo đơn độc đi tìm thủ phạm của thảm kịch thời đại, mang trên vai cây thập giá đời những mong hoàn thành mục tiêu phác thảo lớp lang một cuốn sách vĩ đại đã và đang chiếm lĩnh, ám ảnh đầu óc ông cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay.
Là chứng nhân bao lở bồi, đổi thay, sống trong hiện thực đau xót với những sai lầm về chính trị, kinh tế, văn hóa kéo dài, song Trần Đức Thảo luôn có một niềm tin vững chắc rằng, “trong lịch sử, luôn luôn có sự vùng dậy của chân lý và lương tri”[32] và “những tư tưởng đúng với lương tri, thấm nhuần thực tại đều có sức mạnh của sự thật”[33]. Từ thất vọng đến nhìn thấu hiện thực dưới lăng kính triết học, đến cuối cuộc đời, dù cô đơn và bệnh tật, ông vẫn luôn tự đặt cho mình nhiệm vụ tìm kiếm, vẽ nên một mô hình xã hội lý tưởng và hoàn bị. Đó là mô hình tràn ngập “tinh thần và lý tưởng dân chủ của một nền công bằng xã hội chân chính”[34], con người thể hiện rõ quyền sống, quyền dân chủ bằng lá phiếu của mình. Ở đó, “con người sẽ khai triển một cuộc cách mạng lý tưởng bằng lương tri, trí tuệ, bằng luật pháp nghiêm minh với sức mạnh của công lý, công bằng chứ không phải bằng bạo lực của hận thù”[35]. Mô hình xã hội ấy, như Trần Đức Thảo giải thích, “do hiện thực xã hội đòi hỏi và đặt nền tảng”, một nền tảng duy vật sử quan; đồng thời, những vấn đề nhân bản, công lý và dân chủ sẽ được chú trọng, duy trì bằng cơ chế ưu tiên kiểm soát quyền lực với những cơ sở lý luận và pháp lý phát huy tính thiện, kiềm chế tính ác trong mỗi con người, giúp con người đạt tới công bằng, bác ái, tự do và hạnh phúc thật sự. Đó cũng là nội dung cuốn sách mà ông thôi thúc muốn viết ra để trả món nợ cho triết học, cho dân tộc và nhân loại.
Trần Đức Thảo đã ra đi về với cát bụi, ôm nỗi ân hận “hoàng hôn đi qua cả một cuộc đời” và ước nguyện viết sách của ông vẫn còn dang dở. “Lý thuyết hiện tại sống động” với “lô-gích vừa biện chứng, vừa hình thức” và sự nghiệp triết học trải nghiệm công cuộc cách mạng Việt Nam của Trần Đức Thảo còn đó như một dấu chấm hỏi mà hậu thế liệu có mấy người có thể trả lời.
Dẫu loài người không bao giờ theo được Thập giới của Chúa, thì Trần Đức Thảo cũng đã đi trọn cuộc đời gió sương, bước qua vui buồn, đau khổ của cõi con người. Sự nghiệp triết học ông để lại chắc chắn sẽ có một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử, như cỏ thơm còn mãi với thời gian.
(Qua cuốn sách “Trần Đức Thảo – những lời trăng trối”)
[1] Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê: Trần Đức Thảo – những lời trăn trối, Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2014, tr.92.
[2] Sđd, tr.92.
[3] Sđd, tr.93.
[4] Sđd, tr.93.
[5] Sđd, tr.91.
[6] Sđd, tr.94.
[7] Sđd, tr.88.
[8] Sđd, tr.94.
[9] Trần Đức Thảo mô tả: Bản “Trích ngang” các cột ghi rõ: Họ và tên, các bí danh, ngày, tháng năm sinh, quê quán, trình độ học vấn, trú quán, tình trạng gia đình, họ tên vợ hay chồng, họ tên các con, đã thoát ly theo cách mạng ngày nào, đã vào đảng ngày nào, vào đảng do ai giới thiệu, hiện đang làm nhiệm vụ gì. Ngoài ra còn có phần Ghi chú nêu rõ: “Ghi những gì bản thân muốn khai báo thêm với cách mạng” [Trần Đức Thảo – những lời trăn trối, Sđd, tr.107].
[10] Trần Đức Thảo viết: Phải khai thật chi tiết từ ba đời nội ngoại trở lại hiện tại, chẳng những phải khai cả về bên bố, bên mẹ… Rồi cũng y như thế, phải khai cả về vợ và nội ngoại bên nhà vợ,rồi tới các con cũng với tối đa chi tiết có thể, rồi cả các bên thông gia” [Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê: Trần Đức Thảo – những lời trăn trối, Sđd, tr.107].
[11] Sđd, tr.108.
[12] Sđd, tr.109.
[13] Sđd, tr.111.
[14] Sđd, tr.112.
[15] Sđd, tr.115.
[16] Sđd, tr.117.
[17] Sđd, tr.115.
[18] “Bắt rễ” là khi tới địa phương, đội viên phải tìm tới sống chung với một gia đình bần cố nông có tên trong một danh sách thành phần xã hội nghèo túng, mà chính quyền địa phương đã lập từ trước. Các đội viên phát động cải cách có nhiệm vụ động viên, giáo dục bần cố nông, tức là dạy cho họ biết các “quyền” và “lợỉ” của bần cố nông trong và sau khi tham gia cải cách ruộng đất, giải thích để họ hiểu về quyền và nghĩa vụ hạch tội, trừng trị địa chủ, phú nông.
[19] Xâu chuỗi” là sử dụng cách sống chung ấy để kết nạp, thúc đẩy và tổ chức cho bần cố nông ấy trở thành một tổ viên thi hành cải cách, nghĩa là biết đấu tố, biết hạch tội, biết nhận một thứ nhiệm vụ công tố y như trong một toà án. Tổ viên này sẽ đứng ra buộc tội, lên án bọn địa chủ, phú nông, cường hào, ác bá…
[20] Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê: Trần Đức Thảo – những lời trăn trối, Sđd, tr.121.
[21] Sđd, tr.127.
[22] Sđd, tr.141.
[23] Sđd, tr.145.
[24] Sđd, tr.146.
[25] Sđd, tr.156.
[26] Sđd, tr.157.
[27] Sđd, tr.156.
[28] Sđd, tr.156.
[29] Sđd, tr.150.
[30] Sđd, tr.218.
[31] Sđd, tr.226.
[32] Sđd, tr.262.
[33] Sđd, tr.262.
[34] Sđd, tr.334.
[35] Sđd, tr.334-335.
Hạ Mai
Nguyồn: Viet-studies ngày 22-2-15
TỘI THAY TRẦN ĐỨC THẢO
Tội thay Trần Đức Thảo
Sự nghiệp chẳng ra gì
Suốt đời mê mác xít
Kết cục chỉ hài bi
Có miệng chẳng được nói
Tư duy chỉ cu li
Với bao năm tháng đó
Cuộc đời quả lâm li
Mãi khi gần xuống lỗ
Qua Pháp nói đôi lời
Nhưng thời gian đã muộn
Đúng là kẻ lơi khơi
“Triết gia” như thế đó
Từng một thời nổi danh
Chẳng qua chỉ chú cuội
Gởi thân lầm cô Hằng
Thời trẻ tuổi vung vít
Thời trẻ tuổi mê say
Đúng là anh mác xít
Một thời huậy trời Âu
NGÀN MÂY
(28/3/15)
Ông Trần Đức Thảo đã kể lại một cách trung thực những gì ông đã trải qua . Người đọc, tùy theo sự quan tâm của mình mà qua những chi tiết đó nhìn thấy sự việc theo góc cạnh của mình .
Sự va chạm giữa ông Trần Đức Thảo và chế độ CSVN là sự va chạm giữa người định đem sự hiểu biết về Mác Xít ra thực hiện trong xã hội và những người muốn xây dựng cái xã hội gọi là XHCN đó thành một bộ máy chuyên về chiến tranh và tiến hành chiến tranh thường trực cho đến khi CS thắng trên toàn thế giới. Điều trớ trêu là để xây dựng một bộ máy chiến tranh như vậy thì con người không được giải phóng như thuyết Mác Xít nhắm đến. Chẳng những thế mà đạo đức, văn hóa và cả kinh tế cũng bị hy sinh để cho có được bộ máy chiến tranh mạnh.
Ông Trần Đức Thảo cũng biết là mục tiêu của đảng CSVN và CS Nga, Trung Quốc là tiến hành chiến tranh thường trực cho đến khi thắng lợi trên toàn thế giới vì ông đọc Mác và cũng đọc Lenin. Ông biết Lenin muốn dùng bạo lực để cộng sản hóa toàn thế giới và ông không đồng ý với chủ trương đó của Lenin vì nó không đem lại hạnh phúc cho người dân, mặc dù ông vẫn tin là thuyết Mác xít đúng (cho đến lúc gần cuối đời).
Ông Trần Đức Thảo khác với nhiều người quốc gia ở chỗ ông Trần Đức Thảo lên án chế độ CSVN không phải vì ông chống Cộng mà vì ông tin Cộng. Vì ông tin vào chủ nghĩa Cộng Sản là tốt nên ông phản đối cái chế độ không thực hiện được cái hay của chủ nghĩa Cộng Sản.
Chủ nghĩa Mác Xít – Lê Nin Nít là chủ nghĩa CS qua cách nhìn của Lê Nin. Đó không phải cách nhìn chủ nghĩa Mác của ông Trần Đức Thảo. Cách nhìn về chủ nghĩa Mác của ông Trần Đức Thảo có thể gọi là chủ nghĩa Mác Xít – Trần-nít.
Tôi chưa đọc qua sách của ông Trần Đức Thảo nhưng nếu để hiểu 1 chủ nghĩa CS qua lăng kính của ông Trần Đức Thảo thì tôi phải nói: cần gì phải đọc nữa ? – . Và vì không đọc sách này nên tôi không biết nhận xét của ông về ông Thảo và qua cuốn sách này có đúng hay không.
Nhưng những điều ông nói tôi đã thấy trong 1 số các “lý thuyết gia” của chủ nghĩa CS, từ Âu Châu cho đến miền Bắc Việt-Nam. Cái nguy hiễm là những người này, không hiểu trong niềm tin thật sự hay phải hành xữ như 1 cán bộ, họ vẫn còn bào chửa/bảo vệ cho sự hiện hữu của 1 chủ nghĩa CS cao đẹp và họ là những người CS chân chính, khi chống lại những biểu hiện sai trái trong “hiện thực “cách mạng” như tại Việt-Nam.
Có thể nào người ta nhẩn tâm tiếp tục bàn luận về tính hiện thực, trên máu và nước mắt của những nạn nhân của cái lý thuyết này? Có thể nào người ta tiếp tục bàn luận về tính hiện thực của 1 chủ nghĩa vốn là không tưởng? Tôi thấy tội cho ông Thảo và sự lãng phí cả 1 đời người của ông. Nếu cuốn sách ấy là những bằng chứng tội ác của những người CSVN thì có thể xem đây là 1 đóng góp, dù muộn màn, của cuộc đời ông.
Trở về từ 1951, sau khi đã tỉnh bùa mê và vỡ mộng. Thế thì tạo sao khi đình chiến không tìm cách gĩa từ cái địa ngục ấy đi. Chứng tỏ triết gia TĐT vẫn còn ngốc nghếch chưa biết giữa tự do và độc tài, quốc gia và cộng sản. Ông đã từng chứng kiến cũng như thừa biết rằng mọi chính sách của đảng hay cái gọi là chính phủ Việt Minh đều đặt dưới sự kiểm soát của Trung Cộng. Vậy mà vẫn không có ý tưởng rời bỏ, chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu, cái ác và cái thiện. Mới hay, bản tính hèn nhát nhiều khi chẳng bao giờ muốn vượt qua sự hiểu biết, nó chỉ chờ khi chung quanh nó bớt đi sự nguy hiểm lúc bấy giờ mới cất tiếng. Một nhà triết học bao giờ cũng là nhà hùng biện và ngụy biện.