Thư phát động cuộc vận động luật Biểu tình
Kính gửi:
Các công dân Việt Nam;
Người Việt Nam ở nước ngoài;
Các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp trong và ngoài nước.
Hiến pháp Việt Nam từ năm 1992 đến năm 2013 đã quy định biểu tình là một quyền của công dân. Cũng theo Hiến pháp, chính quyền không thể sử dụng các văn bản dưới luật để điều chỉnh quyền biểu tình của người dân.
Nhưng trong thực tế, từ Hiến pháp 1992 đến nay đã không có bất kỳ văn bản luật nào được ban hành dành cho quyền biểu tình của công dân. Nhà nước cũng thể hiện thái độ hoàn toàn thiếu thiện chí khi nhiều lần, tìm mọi cách trì hoãn việc xây dựng và đưa luật biểu tình ra Quốc hội. Năm 2015 cũng có nhiều khả năng luật Biểu tình sẽ bị hoãn thêm một lần nữa.
Trong bối cảnh ấy, nhiều biểu thị chính đáng của các giai tầng chịu thiệt thòi như công nhân, nông dân, tiểu thương, nạn nhân môi trường… dù tăng lên, nhưng đã bị cô lập đến mức tối thiểu. Nhân quyền xuống dốc trầm trọng.
Chúng tôi khẳng định rằng:
- Tự do ngôn luận sẽ chẳng thế có nếu như công dân không có quyền sử dụng không gian công cộng để bày tỏ quan điểm của mình.
- Chính phủ không thể có cải cách thể chế nếu không bắt đầu bằng việc tôn trọng quyền tự do biểu tình của công dân.
Trong khi đó, cần phải hiểu rõ ràng rằng, Luật Biểu tình không chỉ cần cho người dân, mà còn cho cả chính quyền.
- Đối với người dân, luật là sự bảo đảm, sự chỉ dẫn cho việc thực thi quyền biểu tình.
- Đối với chính quyền, luật cung cấp các quyền năng, các công cụ pháp lý cần thiết cho việc điều chỉnh hành vi biểu tình. Với một đạo luật như vậy, vừa bảo đảm được quyền của người dân, vừa bảo đảm được nền tảng pháp lý cho cách hành xử của chính quyền.
Người dân hành xử đúng, chính quyền hành xử đúng, chính quyền không chỉ có được đồng thuận xã hội mà còn cả trật tự – an toàn xã hội.
Nhằm góp phần giải quyết tình hình bức xúc trên, trong thời gian qua Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã cùng một nhóm luật sư, luật gia, chuyên gia tổ chức nghiên cứu và xây dựng dự thảo luật biểu tình, trên cơ sở tham khảo thông lệ, văn bản quốc tế và những điều kiện đặc thù của Việt Nam về biểu tình.
Quyền biểu tình rất đáng được xem là một trong những tiêu chí đầu tiên cho sự nghiệp dân chủ hóa ở Việt Nam, căn cứ vào Quyền tự do biểu đạt (Điều 19, Điều 20); Quyền tự do hội họp và lập hội (Điều 21, Điều 22) của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR, 1966); Nghị Quyết 24 của Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc 24 về Cổ xúy và Bảo vệ Nhân quyền trong bối cảnh biểu tình ôn hòa (ngày 21 tháng 3 năm 2013.)
Vì lý do thiết thân ấy, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam rất mong mỏi các công dân Việt Nam và người Việt khắp nơi trên thế giới, cùng các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp trong và ngoài nước, gạt bỏ những trở ngại và mâu thuẫn (nếu có) để ủng hộ cuộc vận động luật Biểu tình tại Việt Nam, tạo tác động sâu sắc, cũng như có những hành động cần thiết đối với Nhà nước và Quốc hội Việt Nam nhằm thông qua luật Biểu tình ngay trong năm 2015.
Dự luật biểu tình được công bố lấy ý kiến rộng rãi trên mạng Internet và sau đó đúc kết, chuyển giao kết quả dự luật hoàn chỉnh cho các cơ quan nhà nước như Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam mở mục “Vận động luật Biểu tình” như một diễn đàn để đón nhận các ý kiến nhiều chiều, các bài viết phản biện liên quan đến luật Biểu tình.
Mọi ý kiến và bài viết đóng góp, ghi danh ủng hộ xin gửi về địa chỉ email của Ban Cải cách thể chế thuộc Hội Nhà báo độc lập Việt Nam: bancctc@gmail.com
Hãy vì quyền biểu tình hiến định của người dân Việt Nam!
Sài Gòn, ngày 26 tháng 2 năm 2015
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam
Danh sách ký tên ủng hộ dự luật Biểu tình: (họ tên, nghề nghiệp, địa phương)
Vd: Nguyễn Văn A, Bác sĩ, Hà Tĩnh
——————————-
VNTB – Dự thảo Luật Biểu tình
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013; Quốc hội ban hành Luật Biểu tình;
Luật này quy định về tổ chức và hoạt động của quyền tự do biểu tình.
Chương I: Quy định chung
Điều 1. Biểu tình
Biểu tình là sự tập hợp giữa các cá nhân, dưới dạng đứng yên hoặc diễu hành nhằm biểu thị ý chí, nguyện vọng để gây sức ép đối với một vấn đề bất kỳ về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa nảy sinh trong và ngoài nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với tổ chức công đoàn các cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức dân sự – xã hội, công dân Việt Nam.
Điều 3. Phạm vi điều chỉnh
1. Công dân có quyền biểu tình ôn hòa; không lợi dụng cuộc biểu tình để gây rối an ninh công cộng; tuân thủ những quy định của địa phương về âm thanh, ánh sáng.
2. Nhà nước có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được thực hiện quyền biểu tình. Mọi hành vi đe dọa, chia rẽ, gây cản trở hoặc ngăn cản cuộc biểu tình hợp pháp sẽ bị xử lý hình sự, hoặc xử phạt hành chính tùy theo tính chất, mức độ.
3. Quyền biểu tình của công dân chỉ có thể bị giới hạn bởi Điều 9 của Luật Biểu tình. Việc giới hạn cũng không làm mất đi bản chất của quyền này.
4. Việc đình công của các doanh nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quyền biểu tình: gắn với quyền con người, quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp, quyền tự do đi lại, quyền tự do cư trú, quyền thân thể.
2. Quyền tự do ngôn luận: là sự tự do phát biểu mà không bị kiểm duyệt hoặc hạn chế. Tự do ngôn luận phải tuân thủ nguyên tắc không được xúc phạm, miệt thị nhằm hạ thấp một cá nhân hay nhóm người vì chủng tộc, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, định hướng tình dục, tật nguyền, khả năng ngôn ngữ, hệ tư tưởng, địa vị xã hội, nghề nghiệp, ngoại hình, khả năng tư duy hay bất cứ dị biệt nào…
3. Vũ khí: là những vật dụng được nêu tại Điều 3 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30-06-2011 Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
4. Hung khí: là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt), hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm, hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công.
5. Nghĩa vụ thông báo: Trước khi diễn ra cuộc biểu tình, những người giữ vai trò tổ chức có trách nhiệm thông báo tất cả nội dung của cuộc biểu tình sẽ diễn ra đến cơ quan công quyền.
6. Ôn hòa: Không xâm phạm trái phép vào các tuyến giao thông, các tòa nhà hành chính, không phỉ báng, kích động bằng việc đốt cờ, hô khẩu hiệu tục tĩu trong quá trình biểu tình.
7. Kiểm soát biểu tình: là vẫn giữ được các cam kết như ban đầu giữa đoàn biểu tình và phía nhân viên công lực từ lúc bắt đầu, đến khi kết thúc.
Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào những tiêu chuẩn định lượng của Luật Hiến pháp như: phải có đủ cơ sở pháp lý, có đủ bằng chứng thực tế xác minh, các biện pháp áp dụng phải tương xứng với hành vi vi phạm…
8. Giá trị tự do cơ bản: Những giá trị phổ quát về nhân quyền, dân chủ như: quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, quyền ứng cử, bầu cử,…
9. Công trình công ích nhà nước: Ở đây là các công trình công cộng liên quan trực tiếp đến lợi ích chung của quốc gia như: nhà máy thủy điện, nhà máy nước, nhà máy nguyên tử.
10. Các biện pháp giải tán biểu tình: Được sử dụng khi cuộc biểu tình có các hành vi bạo lực không kiểm soát được, diễn biến biểu tình khác xa thông báo.
10.1 Kêu gọi giải tán biểu tình bằng lời nói
10.2 Tiến hành bắt giữ cá nhân
10.3 Tiến hành bắt giữ một số cá nhân
10.4 Sử dụng các biện pháp hỗ trợ: Phun vòi rồng, dùng hơi cay…
Chương II: Tổ chức hoạt động biểu tình
Điều 5. Các trường hợp cấm biểu tình
1. Nhằm chống lại giá trị tự do, dân chủ cơ bản.
2. Nhằm mục đích kêu gọi Tòa án Hiến pháp tuyên bố giải tán một đảng chính trị nào đó (khi Việt Nam có Tòa án Hiến pháp).
3. Nhằm ủng hộ một đảng phái đã được Tòa án Hiến pháp tuyên bố là đảng vi hiến và bị cấm hoạt động (khi Việt Nam có Tòa án Hiến pháp).
4. Nhằm tụ họp những hội mà theo Luật về Hội đã bị cấm hoạt động (hiện nay Việt Nam chưa có Luật về Hội).
5. Nhằm gây rối trật tự công cộng, an ninh xã hội, gây cản trở giao thông, làm ảnh hưởng đến các dịch vụ công; tiến hành tấn công lực lượng an ninh, hoặc gây những nguy hiểm cho các cá nhân, cộng đồng.
6. Tiến hành biểu tình đồng thời với địa điểm đang diễn ra cuộc đình công của người lao động.
7. Tiến hành biểu tình khi có vũ khí, hung khí, vật liệu nổ, các loại phương tiện khác gây nguy hiểm đến cá nhân, tài sản công của Nhà nước.
Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của đoàn biểu tình
1. Quyền của đoàn biểu tình
a) Yêu cầu cảnh sát đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình tiến hành biểu tình. Trong đó, có đảm bảo tài sản công và tài sản cá nhân.
b) Chụp ảnh, quay video, nhằm thông tin hoặc tìm kiếm sự ủng hộ cho đoàn biểu tình.
c) Được giám sát bởi các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền, truyền thông, báo chí độc lập trong nước và quốc tế.
d) Phối hợp với cơ quan công quyền dừng hoạt động biểu tình bất kỳ lúc nào hoặc tiến hành tước quyền biểu tình với mọi đối tượng có hành vi gây rối trong đoàn.
2. Nghĩa vụ của đoàn biểu tình
a) Tùy vào yêu cầu mục đích nội dung biểu tình, thời gian thông báo gửi cơ quan quản lý trật tự trị an về văn bản công bố chi tiết, về nội dung biểu tình, từ 12 giờ đến tối đa là 48 giờ trước khi cuộc biểu tình diễn ra.
Nội dung văn bản bao gồm: thời gian bắt đầu và kết thúc, địa điểm bắt đầu và kết thúc (bao gồm tuyến đường tuần hành nếu có), số lượng người tham gia, mục đích của việc biểu tình, nội dung âm thanh và biểu ngữ, cường độ âm thanh.
b) Những người tổ chức biểu tình có nghĩa vụ tuân theo sự chỉ dẫn của cảnh sát nhằm đảm bảo diễn biến biểu tình theo hướng ôn hòa.
c) Những người tổ chức biểu tình có trách nhiệm theo dõi diễn tiến của việc biểu tình, chịu trách nhiệm về việc biểu tình phải diễn ra một cách ôn hòa.
d) Không sử dụng những hình ảnh, biểu tượng gây hiểu lầm về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người, có tính chất thù địch về mặt chính trị trên trang phục, băng-rôn, khẩu hiệu.
e) Không mặc những trang phục, hoặc sử dụng những biểu tượng có tính chất kích động bạo lực hoặc kỳ thị.
f) Ban tổ chức cuộc biểu tình có nghĩa vụ tổ chức biểu tình đúng thời gian thông báo, số lượng người tham gia.
Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan công quyền
1. Quyền của cơ quan công quyền
a) Có thể cấm biểu tình tại thời điểm chuẩn bị tiến hành biểu tình khi có những căn cứ rõ ràng cho thấy biểu tình không tuân thủ đầy đủ các quy định theo luật biểu tình. Thông báo điều này cho đoàn biểu tình tối thiểu 6 giờ trước khi biểu tình dự kiến diễn ra.
b) Có thể giải tán biểu tình trước thời điểm đăng ký khi có những căn cứ rõ ràng cho thấy quá trình biểu tình đã bị mất kiểm soát từ phía người tổ chức biểu tình. Thông báo điều này cho những người tổ chức biểu tình và yêu cầu được hợp tác.
c) Ngay khi tuyên bố giải tán biểu tình, tất cả các thành viên lập tức phải rời khỏi nơi biểu tình. Trong quá trình biểu tình, không chỉ những người tổ chức biểu tình mà cảnh sát cũng có thể yêu cầu người không tuân thủ các quy định về Luật Biểu tình ra khỏi đoàn biểu tình.
d) Tiến hành tạm giữ hành chính một cá nhân hay một vài cá nhân được cho là gây nguy hiểm trực tiếp cho “trật tự biểu tình”, và được phép yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh nhân thân, thông qua sự đồng ý các quan điểm chung với những người tổ chức biểu tình.
e) Được phép sử dụng các biện pháp khác ngoài lời kêu gọi nhằm giải tán biểu tình, trong trường hợp lệnh giải tán được ban ra. Các biện pháp này phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.
2. Nghĩa vụ của cơ quan công quyền
a) Thực hiện mọi biện pháp để tạo môi trường thuận lợi nhất cho đoàn biểu tình. Trong đó đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, trẻ vị thành niên được bày tỏ quan điểm của mình. Đảm bảo tài sản cá nhân, tài sản công trong tiến trình giám sát biểu tình.
b) Loại bỏ hoặc tìm cách loại bỏ sự phân biệt đối xử trong quá trình biểu tình (sắc tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giới tính, thể trạng).
c) Bảo vệ đoàn biểu tình khỏi sự đe dọa hoặc quấy rối vật lý, các hành vi khiêu khích, bạo lực từ bên ngoài. Tạo điều kiện cho những tổ chức nhân quyền, báo chí giám sát, báo cáo về cuộc biểu tình ôn hòa.
Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.
2. Phân biệt đối xử hoặc có hành vi gây bất lợi đối với công dân vì lý do tham gia các cuộc biểu tình.
3. Tiến hành bắt giữ cá nhân, bắt giữ hàng loạt, sử dụng vũ lực trái phép, hình sự hóa các cuộc biểu tình, sử dụng các phương tiện khác nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình công khai, hợp pháp.
4. Sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và người tham gia hoạt động biểu tình.
5. Trường hợp đã có tuyên bố cấm biểu tình hoặc có lệnh giải tán biểu tình đã được công bố, người nào tiếp tục tiến hành cuộc biểu tình, tùy thuộc vào mức độ và hậu quả gây ra mà sẽ bị xử tương ứng với các quy định tại Bộ Luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Hình sự.
Điều 9. Giới hạn quyền biểu tình
1. Sử dụng quyền biểu tình nhằm mục đích chống đối lại xã hội bằng cách cổ vũ, tôn vinh chủ nghĩa khủng bố.
2. Sử dụng quyền biểu tình để bao vây và tấn công vào tòa nhà Quốc Hội, khu vực quân sự, các công trình công ích nhà nước.
3. Sử dụng quyền biểu tình để kích động hận thù, gây chia rẽ các sắc tộc, kỳ thị hoặc phỉ báng tôn giáo, vùng miền trong nước.
Chương III. Xử lý vi phạm
Điều 10. Xử lý vi phạm
1. Người nào đe dọa, chia rẽ, gây trở ngại hoặc ngăn cản cuộc biểu tình hợp pháp bằng các hành động bạo lực, hoặc đe dọa tinh thần người tham gia biểu tình ở trước, trong và sau cuộc biểu tình, sẽ căn cứ theo quy định tương ứng của Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác để xử lý.
2. Người nào sở hữu vũ khí hoặc chất nổ trong quá trình tham gia biểu tình sẽ chịu trách nhiệm tương ứng của Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác để xử lý.
3. Người nào ép buộc người khác tham gia vào cuộc biểu tình dưới mọi hình thức sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc xử lý hình sự
4. Sau khi đã có tuyên bố cấm biểu tình hoặc lệnh giải tán biểu tình đã được công bố, người nào tiếp tục chống đối bằng việc tiếp tục tiến hành biểu tình sẽ được xử lý theo các quy định tương ứng của Bộ Luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác để xử lý.
5. Những người tổ chức biểu tình, người trợ giúp biểu tình, cơ quan công quyền mà sử dụng vũ khí hoặc công cụ bạo lực khác gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe cho người khác, hoặc gây thiệt hại về tài sản của người khác tại cuộc biểu tình, cũng như tại địa điểm diễn ra cuộc biểu tình, sẽ chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng với Bộ Luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác để xử lý.
6. Việc xử phạt hành chính được dẫn chiếu, áp dụng điều khoản liên quan của Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự và Luật Xử phạt vi phạm hành chính, hoặc văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Chương IV. Điều khoản thi hành
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực từ…,
2. Việc thực hiện Luật này không chờ đợi vào văn bản hướng dẫn dưới luật, nếu như các văn bản này được ban hành không đồng thời với hiệu lực thi hành của Luật Biểu tình.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa …, kỳ họp thứ … thông qua ngày … tháng … năm 201…
—————————-
Thông báo số 11/ Hội NBĐLVN về thành lập Ban Cải cách thể chế
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam
Thông báo số 11/ Hội NBĐLVN về thành lập Ban Cải cách thể chế
Cải cách thể chế (CCTC) là một xu thế tất yếu phải diễn ra ở Việt Nam, trước tiên đối với chính thể và sau đó liên quan đến thị trường, doanh nghiệp, dân chúng và Xã hội dân sự.
CCTC cũng là một thách thức lớn đối với Chính phủ Việt Nam để chuyển dần từ mô hình toàn trị sang dân chủ hóa.
Từ nhiều năm qua, Việt Nam vẫn duy trì một số chính sách và cơ chế được cho là có hại cho hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội (như không có quyền sở hữu tư nhân đất đai, chính sách độc quyền kinh tế trong một số lĩnh vực, hạn chế quyền con người thông qua một số điều luật…).
Trong khi đó, quyền phản biện được xem như là một biểu hiện tự do dân chủ cơ bản và là quyền công dân chính đáng cần được bảo vệ trong các xã hội dân chủ.
Là tiếng nói truyền thông độc lập ở Việt Nam, Hội Nhà báo độc lập VN có vai trò như một thành phần góp phần vào hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội – chính trị cơ bản, trong đó có hoạt động nghiên cứu CCTC.
Hội Nhà báo Độc lập VN quyết định xây dựng nhóm hội viên chuyên trách về luật và một số chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau để thành lập “Ban Cải cách thể chế” trực thuộc Hội.
Quy chế hoạt động của Ban Cải cách thể chế
Quy chế hoạt động của Ban Cải cách thể chế căn cứ vào Điều lệ và Quy chế hoạt động của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Điều 1. Nhiệm vụ Ban Cải cách thể chế
1- Ban Cải cách thể chế nghiên cứu có chọn lọc một số vấn đề chủ chốt về cải cách thể chế quốc gia liên quan các lĩnh vực dân chủ hóa: các quyền tự do cơ bản, kinh tế thị trường, phúc lợi xã hội, văn hóa dân tộc, tôn giáo, chính trị đa nguyên.
2- Hoạt động nghiên cứu của Ban Cải cách thể chế cũng nhằm xây dựng cơ sở để đối thoại, khuyến nghị hoặc phản đối trong quan hệ với các cấp chính quyền, theo phương châm Xã hội dân sự tác động nhằm thay đổi những chính sách bất hợp lý, bất công của Nhà nước cùng thực tế triển khai không hoặc chưa bảo đảm lợi ích dân sinh.
Điều 2. Công bố và chuyển giao kết quả
Kết quả nghiên cứu cùng đề xuất, khuyến nghị về nội dung cải cách của Ban Cải cách thể chế được công bố đến các phương tiện truyền thông, báo chí trong nước và quốc tế, được gửi đến các tổ chức phi chính phủ, tổ chức dân sự độc lập và cơ quan chức năng nhà nước liên quan.
Ban Cải cách thể chế có thể phối hợp với các tổ chức dân sự trong và ngoài nước cùng các cơ quan nhà nước liên quan để triển khai những kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao.
Điều 3. Nguyên tắc làm việc
1- Ban Cải cách thể chế hoạt động trên các nguyên tắc của Hội Nhà báo độc lập VN.
2- Báo cáo, đề xuất với Ban lãnh đạo Hội các nội dung, đề tài nghiên cứu về CCTC và giải pháp, phương hướng để thực hiện.
3- Ban Cải cách thể chế làm việc theo nguyên tắc định hình dân chủ: tập thể thảo luận, cá nhân chịu trách nhiệm, tôn trọng tác quyền, bảo mật thông tin.
4- Trưởng ban có trách nhiệm tổng hợp và chuyển gửi nội dung, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước.
Điều 4. Chế độ làm việc
1- Ban Cải cách thể chế làm việc trên cơ sở Điều lệ và Quy chế hoạt động của Hội Nhà báo độc lập VN.
2- Kết quả các phiên thảo luận của Ban Cải cách thể chế được thể hiện bằng văn bản gửi cho Ban lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập Việt Nam; và thông báo cho hội viên trong trường hợp cần thiết.
Điều 5. Quan hệ công việc
1- Ban Cải cách thể chế chủ động liên hệ với các hội viên Hội Nhà báo độc lập và các giới trong xã hội để ghi nhận, trao đổi các vấn đề, liên quan đến nội dung đang thực hiện.
2- Ban Cải cách thể chế chủ động trao đổi thông tin cần thiết với các cơ quan, tổ chức dân sự xã hội trong và ngoài nước; mời đại diện các cơ quan hữu trách nhà nước tham dự các tọa đàm có liên quan đến việc thực hiện nội dung của Ban Cải cách thể chế.
3- Ban Cải cách thể chế có thể trực tiếp quan hệ và liên kết với các tổ chức quốc tế và tổ chức trong nước về hoạt động nghiên cứu và vận động.
Điều 6. Chế độ thù lao
1- Các thành viên giữ trách nhiệm trong Ban Cải cách thể chế, làm việc trên cơ sở đóng góp tự nguyện cho tổ chức dân sự – xã hội, bất vụ lợi cá nhân.
2- Thù lao (nếu có) sẽ trên cơ sở cân đối nguồn tài chính của Hội Nhà báo độc lập, và mức thù lao sẽ được công khai, minh bạch.
Điều 7. Tổ chức
Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập kiêm trưởng ban Cải cách thể chế và chịu trách nhiệm phân công, phân nhiệm, thay đổi, điều chỉnh nhân sự của Ban Cải cách thể chế.
Ban Cải cách thể chế có một số phó trưởng ban, bộ phận thư ký và cộng tác viên.
Điều 8. Thực hiện
Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu cần điều chỉnh, bổ sung, Ban Cải cách thể chế sẽ có Tờ trình yêu cầu để Ban lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập quyết định.
Sài Gòn, ngày 26 tháng 2 năm 2015
Thay mặt Ban lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập Việt Nam
Chủ tịch
Nhà báo Phạm Chí Dũng
Ghi chú: Bộ phận điều hành tạm thời của Ban Cải cách thể chế bao gồm nhà báo Phạm Chí Dũng (Chủ tịch Hội NBĐLVN), luật gia Cao Minh Tâm (Phó trưởng ban) và cử nhân Lê Mạnh Tuấn (thư ký), cùng một số cộng tác viên.
Email của Ban Cải cách thể chế: bancctc@gmail.com
Ông Phạm Chí Dũng ơi! Ông thử cho con chó kia một cái đá vào mạng sườn nó, xem nó có ẳng lên không, hay là nó chờ ông ban cho nó một cái luật về quyền ẳng, rồi nó mới ẳng?