WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bồng Hồng Cài Áo: Paris By Night

Không hiểu những điều tôi viết dưới đây còn đúng không?

Ca sĩ Hà Nội, người đẹp Hà Nội phải chăng là một hiện tượng mới của thế kỷ 21 này? Chẳng thế mà các hoa khôi và diva Việt-nam sau này phần lớn đều xuất xứ từ Hà Nội, không hiểu các cô – sau thời mở cửa – đã đón ngọn gió đổi mới “toàn cầu” thế nào mà lại xinh đẹp, tươi mát đến ngần vậy?

Bảo rằng tôi say mê vì nhan sắc của các cô Hà Nội – cũng đúng. Bảo rằng tôi bị mê hoặc vì giọng nói (tiếng hát), phong thái quyến rũ của con gái Hà Nội – cũng đúng.  Nhưng bảo tôi thiên vị các cô Hà Nội vì mẹ tôi là người vang bóng một thời của Hà Nội xa xưa cũng (không) đúng (nốt). Đó là thời xưa cũ mà tôi chẳng hề sống qua, máu mủ thuộc về tiềm thức, chi phối của nó khó có thể đo lường hay kiểm chứng được.

Cha tôi là người Huế, tôi là một người sinh trưởng và lớn lên ở miền Nam cho đến khi qua Mỹ, tất nhiên tôi phải yêu các người gần gũi tôi hơn. Tôi yêu các cô đồng đều: Nam – Bắc -Trung, nếu họ đẹp (cả nết lẫn tính tình), đúng theo tinh thần dân chủ công bằng mà tôi được hun đúc từ khi xa quê hương. Nhưng nếu con tim có rung động và khối óc biết suy tư thì chẳng qua có phải chúng đẩy con người chúng ta tìm về chân thiện mỹ?

Không nói đến các nhạc sĩ mà sáng tác nghệ thuật đã nở rộ lên trong nước vào cuối thập niên 90 — đúng ra là phải sau năm 1996, khi những bài hát của hải ngoại như bài “Đừng Xa Em Đêm Nay” của Đức Huy đã được nghe ra rả ở khắp các hang cùng ngõ hẻm miền Nam, cũng như một số nơi ở miền Bắc — phải nói rằng các giọng hát nổi tiếng trong nước phải thuộc về nữ giới, và phần lớn là người Hà Nội như Ái Vân, Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung, Thu Phương, Ngọc Anh, Quỳnh Vi rồi đến bây giờ Nguyệt Anh…

Cách đây khoảng 4 tháng, ca sĩ Phương Vy, một thiếu nữ Sàigòn trẻ đẹp, chưa đầy 21 cái xuân xanh, người đã đoạt giải Vietnam Idol 2007, đã đến trình diễn tại California Theater ở San Jose. Tôi đã nghe cô trình diễn và có dịp nói chuyện với người ca sĩ tài ba này. Hàng vạn người khác đã nghe cô, kể cả chứng kiến cuộc thư hùng hào hứng giữa Phương Vy và nam ca sĩ Ngọc Ánh, một ca sĩ người Bắc trẻ, đẹp giai và cũng tài ba không kém. Trong cuộc tranh tài nghệ thuật Việt-Nam Idol đã có một số người Hà nội không hài lòng với kết quả bình chọn đó khi họ được phỏng vấn trên tivi. Thiết nghĩ, đây là một cuộc tranh đua lành mạnh, Nam-Bắc không thành vấn đề, không đáng kể, đáng kể chăng là tinh thần tranh đua trăm hoa đua nở, miền nào cũng được miễn là Việt Nam.

Tối thứ Bảy (7/26/08), chuẩn bị cho ngày ca vũ nhạc Paris By Night hôm sau, tại tư gia nhạc sĩ vĩ cầm Khắc Quân và vợ là emcée Trúc Hà, tôi có dịp gặp ca sĩ Nguyệt Anh, một ca sĩ Hà Nội yêu kiều, nhằm ngày sinh nhật của cô (chưa đầy ba mươi cái xuân xanh). Cuộc nói chuyện xoay quanh đề tài ca nhạc, rồi lân la sang chuyện gốc gác, tôi vốn không chối bỏ lòng hâm mộ (ham mê) của mình đối với giọng nói và con người Hà nội, nên đã bị một chị miền Nam đả kích tơi bời hoa lá về chuyện thiên vị ̣do sở thích không hợp với nơi sinh trưởng và nguồn gốc của ông cha mình.

Thích ai thì thích, đúng ra do không khí thông thoáng cởi mở, tự do sáng tác của miền Nam trước ’75 nên Nhạc Vàng, phần lớn là những bản tình ca đã vượt trội và được yêu chuộng hơn cả. Đến nay ngay cả những ca sĩ miền Bắc, nhiều người cũng ưa chuộng những bài nhạc này, tuy trong một thời gian dài đã bị cấm ở các tiệm Karaoke trong nước. Họ thâu CD, thích hát những bản nhạc trữ tình, kể cả những bài tình tự quê hương, cải lương và vọng cổ.

Chương trình nhạc chủ đề Bông Hồng Cài Áo của Paris By Night do Tony Ninh đảm trách chiều hôm chủ nhật 27 tháng 7 ’08 tại Center for The Performing Arts ở San José, một thính đường gồm 2655 ghế, hai tầng với balcon, một phương tiện lý tưởng cho những buổi trình diễn âm thanh và nghệ thuật, có thiết bị hai màn ảnh to giăng cao trên sân khấu truyền hình cho khán giả ngồi xa có thể nhìn thấy diễn viên. Một buổi văn nghệ bán chính thức của Paris By Night, không thu hình, quy tụ đến trên 20 ca nhạc sĩ và vũ công, một lực lượng hùng hậu, thể hiện đúng tinh thần Nam-Bắc đề huề đó với nhiều tiết mục. Ban nhạc gồm 5 người, nhạc trưởng Lê Dũng – keyboard, Ngọc Trác – guitar, Khắc Quân – violon, Gary Win – trống, Hoàng Thi Thi – piano. Bắt đầu khai mạc lúc 5 giờ 30 (thay vì 5 pm như ấn định) với một màn vũ Trống Cơm rời rạc, 5 trái 3 gái không đáng kể.

Ca sĩ mở màn là Nguyệt Anh, cô vận một chiếc áo đầm decolletée/hở cổ, ngắn để lộ cặp đùi thon thả, sexy. Cô hát bài Nhớ Anh, kêu rên rất gợi cảm, giọng mạnh, lôi cuốn, diễn xuất bắt mắt với một nhân dáng gọn ghẽ dễ thương đến đỗi anh Ngạn khi ra sân khấu phải liếc cô từ đầu đến chân và chêm cho một câu: “Nhớ anh mà hát như thế kia, ai mà không nhớ?”  Nguyễn Cao Kỳ Duyên góp mặt với Nguyễn ngọc Ngạn, cặp bài trùng emcée thân quen. Hai người lại nhắc đến chuyện kinh tế suy yếu, cám ơn tấm nhiệt tình của khán giả San José đã đến đông đủ, (kể là sold-out, trên hai ngàn khán thính giả đến dự). Anh Ngạn thố lộ lần đầu tiên đồng đô la Mỹ trị giá thấp hơn đồng Canada, làm anh bực tức vì đồng lương Mỹ đổi ra ít hơn lúc trước.

Anh Ngạn cho biết chủ đề Bông Hồng Cài Áo là một ngày dành cho mẹ nhân ngày lễ Vu Lan, nhưng lại suy diễn quá đà và tùy tiện khi Kỳ Duyên hỏi vì sao người cha Việt-Nam không có một ngày lễ như Father Day (như Mỹ) hay Vu Lan, anh Ngạn với vẻ mặt đạo mạo và nghiêm túc cố hữu, nói rất như thật: xã hội Việt Nam tôn vinh người mẹ vì người mẹ phải chịu đựng muôn vàn đắng cay trong khi người cha lại năm thê bảy thiếp, rượu chè thơ phú cả ngày bỏ bê vợ con. Đúng một nửa thôi ông thầy!

Sau đó Ánh Tuyết, một ca sĩ thuộc giới đàn chị đến từ Sài gòn, chủ nhân phòng trà ca nhạc ATB ở 234 Lý Tự Trọng, Quận 1, với chiếc áo dài nhung tím xẫm, (vào mùa Hè) chị ra hát như để tang cho Đường Xa Vạn Dặm, một bài cô cho là của Trịnh Công Sơn sáng tác cho mẹ ông khi bà qua đời, đã hát trước mộ mẹ và xé bản nhạc đi nhưng bạn bè đã chắp ghép giữ lại. Bài này không gây ấn tượng gì cho tôi. Nhưng sang bài thứ hai là Mùa Thu Không Trở Lại của Phạm Trọng Cầu, Ánh Tuyết với gịọng hát cao ngút ngàn, nhiều lúc cô hát cao như hú, nghe chơi vơi não nề ngập giòng nước sông Seine… cuốn hút lòng người vào cõi mê chìm vào một mùa Thu Paris xa xưa của giới tha nhân mặc khách. Tôi vốn đã yêu bài hát trữ tình  từ lâu, nay nghe Ánh Tuyết ngân nga như một giọng ca của ma nữ làm mình lạc cả cảm xúc! Đây là một bài valse tiền chiến viết theo lối tân cổ điển nên cây violon du dương của Khắc Quân nỉ non, xa vắng, réo rắt vượt trội, làm thính giả như tôi phải tê tái cả lòng!

Đến lượt hai cô gái Hà Nội yêu kiều với hai tà áo dài xanh, Quỳnh Vi và Nguyệt Anh và đoàn vũ Lạc Hồng ra diễn xuất bài Dòng An Giang rất mê ly. Một ca sĩ mới Thanh Trúc với bộ jupe đen ngắn có đơm séquin hát bài Yêu Em Dài Lâu. Đức Huy hiểu sát nghĩa trạng từ yêu dài lâu trong trường hợp này.
Ca sĩ cải lương Duy Trường (nhạc sĩ Ngọc Sđơn) với bài Giận Hờn Em Yêu, hát đúng nhịp phách, giọng anh mùi mẫn và trữ tình song ca với Quỳnh Vi.

Ý Lan, một diva điêu luyện trên sân khấu hải ngoại, với bộ áo dài kim tuyến trắng bước ra trong tiếng vỗ tay vang dội của khán giả. Với một giọng Hà Nội trong trẻo thuần túy, cô tâm sự rất ư là ngọt ngào với khán giả, cám ơn lòng ái mộ bền bỉ của họ lâu nay. Vì 20 năm trước đây, cô cho biết, chính là lần đầu tiên ở San José, cô đã trình diễn trên sân khấu này. Quả xứng danh với vai đàn chị, giọng hát Ý Lan không gia giảm. Nét yểu điệu, giọng hát ngọc ngà, trong thanh vẫn giữ nguyên vẻ quyến rũ của nó như ngày nào. Ý Lan trình tấu liên khúc Mẹ Việt Nam, gồm có bài Lòng Mẹ, Gió Đưa Cây Cả Về Trời rồi đến bài Sa Mạc Tình Yêu và Ngàn Năm Vẫn Đợi. Là một ca sĩ tình tứ với những bài hát thuần túy quê hương cũng như tân nhạc, Ý Lan thu hút cả các người đứng tuổi lẫn trẻ trung. Có một bác ngồi hàng trên khen cô dạo này có da có thịt hát mạnh mẽ hơn.
Đến phiên Quang Lê với bài tình tự quê hương Mẹ cùng mấy câu hò Vọng cổ, và Lê Minh Bằng với hai bài Đập Vỡ Cây Đàn và Gõ Cửa Trái Tim.

Nhạc sĩ ca sĩ Chi Lan song ca với Quỳnh Vi Tình Còn Vương Vấn, sau đó Quỳnh Vi hát bài Hận Tình Trong Mưa và cho khán giả biết là cô đã ra mắt quyển CD với Paris By Night: Tình Còn Vương Vấn.

Nguyễn Hưng với bộ complet trắng toát ra hát và trình diễn những bước lã lướt, trượt từ bên này đến bên kia sân khấu, xoay người, búng tay, đá chân, giật gân làm khán giả chợt hình dung đến diễn viên modern dance của Broadway.

Rồi đến phiên một ca sĩ thật sự lão luyện trong làng nhạc miền Nam, nữ ca sĩ Thanh Tuyền đã nổi tiếng ở Việt-Nam từ 1965 (trong khi Paris Thúy Nga ra đời năm 1971). Thanh Tuyền bắt đầu với bài Đà Lạt Hoàng Hôn, ở đây ban nhạc, đúng ra piano đã dạo intro vào sai 2 lượt. Bài thứ hai Đường Xưa Lối Cũ, một bài hát quen thuộc mà nhiều người ưa thích. Nếu ở miền Nam vào những năm xưa, họ có thể hồi tưởng đến một thời vàng son của ca nhạc miền Nam và cảm nhận được tiếng hát mạnh mẽ và cuốn kéo của Thanh Tuyền xưa không khác gì nay.  Trong các bài hát khi giọng ca sĩ cao và dung lượng vượt qua khỏi dải tần số trung bình, ban nhạc xuyên qua ngón violon và dương cầm du dương và réo rắt của Khắc Quân và Hoàng Thi Thi trổi lên đã kéo lại phong độ.

Sau đó anh Ngạn ra giới thiệu một bài tủ của Tuấn Ngọc, một bài hát mà cả Tuấn Ngọc và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đều nương nhau, đưa nhau lên cao hơn trên đài danh vọng, và đi vào lòng của người nghe. Riêng Một Góc Trời. Tuy nhiên lần này không do Tuấn Ngọc mà một giọng ca trẻ của Xuân Phú trình diễn, môt ca sĩ trẻ sung sức với một làn hơi mạnh mẽ và phong phú, tôi không biết về phần tình cảm và tình tứ (theo thời gian) anh ta có thể sánh với Tuấn Ngọc được không, nhưng với cách trình bày tự tin và vững chải, Xuân Phú đã đạt yêu cầu. Tình Đầu và Tình Cuối (Trần Thiện Thanh) bài này cả ca sĩ và tay vĩ cầm đều đạt đúng yêu cầu, trình tấu thật xuất sắc. Nghiệm theo dòng vỗ tay ủng hộ rầm rộ của khán giả, Xuân Phú chắc sẽ được chọn vào Paris By Night sau đêm nay!

Nhưng phải nói, không hiểu do ý kiến của ai mà cô ca sĩ phòng trà Sài Gòn Phương Thùy  lại có dịp ra ‘thử lửa’ ở đây với 1 bài Mỹ Let’s Dance With Me. (Anh Ngạn: “Thủy mới đến với chúng tôi và quý vị nhưng thật ra cô hát đã lâu rồi!”) Cô hát kém mà phát âm Anh văn cũng dở, tuy có 2 ca sĩ back-up singers mặc áo da đen ra phụ họa. Lời mời mọc: “Let’s make love & dance the night away,” điệp khúc của bài hát may ra có thể lôi cuốn một số nam khán giả hơn là giọng hát của cô!

Ngọc Anh, được mệnh danh ‘ca sĩ bốc lửa’ chuyến này đã cắt tóc ngắn, vận một chiếc áo đầm tím, ngắn, đeo những vòng vàng, đồng tiền vàng. Trông vẫn hấp dẫn như năm ngoái, tuy rằng khi ban nhạc dạo, cô không còn mấp máy môi như muốn tỏ tình với ai nữa (thật ra Ngọc Anh cho biết là cô chỉ hát theo khi ban nhạc dạo chứ không phải cô muốn nhắn nhủ, tư tình gì với ai cả. Trên sân khấu cô vẫn hát hết mình tuy không dẫn khán giả vào những vũ điệu Nghê Thường nữa. Hà Nội bây giờ vắng những cơn mưa. Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về… Ngọc Anh hát ray rứt giọng khàn và lãng mạn, vẫn kêu gào “khát khao yêu đương” như ngày nào. Anh Ngạn nói đến những ca sĩ chân trong chân ngoài, và tôi được biết là Ngọc Anh và ý trung nhân cũng đã dọn về quận Cam.

Chuyện này không hiểu có áp dụng với ca sĩ Kiều Phụng không, cô ra với bài với Phố Đêm. Rồi đến màn hài do Kiều Linh và Tấn Hào song diễn. Lại trò thầy bói giả mù va một cô Bắc Kỳ giọng chanh chua và oang oang làm khán giả cũng vài phen cười bể bụng. Tuy nhiều lúc cũng vô duyên và thái quá.

Chờ mãi tưởng Bằng Kiều không đến, ai dè có lẽ vì chương trình dài hơn 4 tiếng nên ban tổ chức đã để dành anh cho đến giờ chót, phòng hờ khán giả có ai buồn ngủ chăng? Giọng cao vút như thế ai làm cách nào buồn ngủ được! Hôm nay thấy anh có vẻ mệt, giọng có vẻ khàn, (lúc ra về hỏi, anh cho biết  là vì party, nói hơi nhiều!) tuy tiếng hát vẫn còn véo von và hấp dẫn với bài Chị Tôi của Trần Tiến, nói lên nỗi lòng hy sinh của người chị lo cho đàn em qua tuổi lấy chồng. Bài thứ hai một thông điệp do Bằng Kiều sáng tác tặng cho một người bạn có người yêu đã qua đời, mang tên Linh Hồn Đã Mất, nghe bùi ngùi thối cả ruột gan. Hình như đây là một bài trong CD Bằng Kiều hát ở Hàn Quốc được Paris By Night xuất bản.

Một nửa bài sau anh hát chung với ca sĩ nổi tiếng Minh Tuyết. Dạo này trông Minh Tuyết mát da mát thịt hơn vài năm trước, nhưng giọng hát không hề suy suyển. Đến cuối bài, trước khi bước khỏi sân khấu Bằng Kiều bất chợt hôn lên má Minh Tuyết một nụ hôn trìu mến làm nàng phải buột miệng: “Em sợ Trizzi Phương Trinh (vợ Bằng Kiều) đánh quá!”

Sau khi Bằng Kiều vào rồi, Minh Tuyết có vẻ do dự, không quyết định được mình phải nói bằng giọng Nam hay giả giọng Bắc. Sau đó cô hát bài Gánh Hàng Rong, hát một cách ngon lành và dốc hết tâm tình vào bài hát. Cứ mỗi khi Minh Tuyết ngân lên câu đôi gánh hàng rong thì nàng lại diễn tả bằng cách áp hai bàn tay vào ngực, như thể giúp khán giả tượng hình đến hai gánh hàng mà nàng đang mang?

Đến cuối chương trình Ánh Tuyết lại trở lại sân khấu với tà áo dài xanh. Với tiếng hát phong phú vượt thời gian, cô trình diễn một bài hát phổ từ thơ, kể chuyện thật đời người thi sĩ anh hùng Hữu Loan và cô dâu trẻ xấu xố. Bài Sứt Chỉ Đường Tà, do Phạm Duy phổ nhạc được Ánh Tuyết thể hiện tuyệt vời. Với một giọng ca cao vút và tiếng dương cầm và vĩ cầm nỉ non, Ánh Tuyết đã trình diễn xuất thần, tạo thành một ca khúc xoáy sâu trong lòng khán giả. Bài hát mang nhiều thể loại giúp Ánh Tuyết thi thố tài năng của mình, lúc hát lúc ngân, lúc đổi sang thể kể chuyện hùng tráng. Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi…Khổ nỗi Ánh Tuyết ( ̣lúc ra ngoài cô mới cho biết) cứ hát là đi ‘quân đội’ vì sợ khán giả bị dị ứng. Một người như nhà thơ như Hữu Loan bị Đảng trù dập cho đến bây giờ mà còn phải đổi lời của ông thì không biết phải hiểu như thế nào, có ai lại  có thể thiển cận đến mức muốn bóp méo cả lịch sử, buộc cô phải đổi thành quân đội. Rõ chán!

May thay bài Ô Mê Ly cuối cùng của Văn Phụng đã được Ánh Tuyết trình bày với vẻ tươi vui cho khán giả trước khi ra về.

© 2008 www.danchimviet.com

Phản hồi