Còn đọng những gì lý thú nhất?
Làn sóng đấu tranh sôi sục của Mùa Xuân Ả-rập đã diễn ra hơn 10 tháng. Ba chế độ độc tài sụp đổ, một số chế độ độc tài châu Phi và Trung Đông lung lay. Các chế độ độc tài độc đảng khác nao núng.
Chỉ trong 10 tháng, bộ mặt chính trị-tâm lý-xã hội của thế giới thay đổi rõ rệt.
Với người Việt Nam, nên ghi nhớ, suy ngẫm những gì là lý thú, bổ ích nhất từ Mùa Xuân Ả-rập?
Trước hết là sự bất ngờ. Cuối năm 2010, các nhà bình luận thời sự quốc tế khắp thế giới tổng kết năm 2010, dự đoán về năm 2011, nhưng không một ai tiên đoán về Mùa Xuân Ả-rập. Đó là tiếng sấm vang động đầu Xuân, bất ngờ, không có trong dự báo thời tiết.
Vậy thì xin chớ ai còn bi quan. Các chế độ độc đoán thét ra lửa, cấm đoán tự do công dân, đàn áp người yêu nước, nhìn bên ngoài có vẻ mạnh, nhưng thực sự rất yếu, lúc nào cũng có thể sụp đổ khi có sự kiện châm ngòi. Đó là những «con hổ giấy”, «con sư tử gãy răng”, theo cách nói của báo chí Tunisia và Ai C ập.
Bức tường Berlin đổ sập cuối năm 1989 cũng bất ngờ. Chế độ độc đảng Liên Xô tan rã tháng 8-1991 cũng bất ngờ. Các sự kiện bất ngờ trên đều mang tính tất yếu của quy luật thép: nhân nào quả ấy, gieo gió gặt bão.
Ở Tunisia, quân đội không thực hiện lệnh của Tổng thống Ben Ali đàn áp dân chúng xuống đường, tư lệnh thủ đô Tunis tuyên bố quân đội không nổ súng vào dân.
Cuối tháng 2-2011, 2 phi công Libya lái máy bay Mig-23 đã không bắn vào dân chúng theo lệnh của Gadhafi, và sau đó hạ cánh xuống đảo Malta. Đến tháng 9 các phi công này được đón tiếp như những vị anh hùng khi họ trở về Tripoli.
Vậy thì các lời thề của quân đội Tunisia và Libya trung thành với chế độ, tuân theo mọi lệnh của lãnh tụ, lặp đi lặp lại hàng tuần, dán đầy doanh trại, chỉ là khẩu hiệu hời hợt vô nghĩa.
Ở Tunisia, anh sinh viên Mohamed Bouazizi thất nghiệp tự thiêu giữa quảng trường lớn để tố cáo chế độ độc tài tham nhũng, làm giàu trên sự nghèo đói của người lao động, đày đọa tuổi trẻ trong gông cùm nô lệ.
Ở Ai Cập, anh thanh niên Wael Ghonim dùng Facebook để liên lạc, thông tin, kết nối với hàng vạn bè bạn nhằm điều hành, phối hợp các cuộc đấu tranh chống lại bộ máy an ninh và bọn mật vụ.
Nhà trí thức Pháp Bernard Henry Lévy từ Bắc Phi về, nhận định rằng cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả-rập là cuộc cách mạng của tuổi Xuân, của tuổi trẻ có học, tận dụng điện thoại cầm tay, dùng Twitter, Facebook, máy ảnh số để tự chỉ huy, điều hợp cuộc nổi dậy thắng lợi một cách độc đáo, khi chưa kịp lập nên tổ chức, đảng phái chính trị.
Cuộc nổi dậy ở Bắc Phi có 2 mặt liên kết chặt: trong nước và từ nước ngoài, nội lực và quốc tế, cụ thể là quần chúng Libya xuống đường ôn hòa và lực lượng quân sự của NATO – Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương. Hai yếu tố đều có ý nghĩa quyết định. Yếu tố nội lực phải có trước. Khởi đầu, tình hình có vẻ ổn định, nhưng bọn độc tài, độc ác, ích kỷ, bất công đã gây phẫn nộ, uất hận bị dồn ép chặt, có dịp là bùng nổ xung thiên. Bọn độc tài không thể không dùng bạo lực khi bị núng thế. Máu đổ, đầu rơi. Thế giới văn minh tung ra «quyền và nghĩa vụ can thiệp”. Chỉ trong 2 tháng, 300 máy bay, 1500 xe tăng, 12 sân bay, và 6 sở chỉ huy của Gadhafi bị tiêu diệt, lực lượng nổi dậy tự vũ trang, tự tổ chức, tự huấn luyện rất nhanh với sự hỗ trợ của vũ khí và chuyên gia NATO, kết hợp nhuần nhuyễn trên không với mặt đất, làm tan rã rất nhanh lực lượng quân đội Gadhafi, nòng cốt là bọn lính đánh thuê khát máu lương cao, không chút ý thức quốc gia.
Các chế độ độc tài độc đảng ở Bắc Phi luôn ép buộc nhân dân phải đồng nhất chúng với dân tộc, tự vỗ ngực là đại diện chân chính của nhân dân, tự cho mình cầm quyền không thời hạn, vĩnh viễn; Gadhafi sắp chết đến nơi còn ba hoa là toàn dân đang cầm súng bảo vệ hắn đến giọt máu cuối cùng, còn láo xược gọi nhân dân nổi dậy là “lũ chuột cống bẩn thỉu”.
Thế nhưng, Gadhafi nắm trong tay 200 tỷ đôla, có mang theo được khi chui xuống cống hay không? Mubarak có tài sản 12 tỷ đôla nay có mang theo được vào trong tù hay không? Ben Ali cùng bà vợ Leila vừa bị tòa án Tunis tuyên án vắng mặt 35 năm tù cả 2 về tội giết dân, ăn cắp vô vàn tài sản quốc gia, hiện trong tâm trạng ra sao trong cuộc sống lưu đày tại Ả Rập Xê-út.
Kết thúc bi thảm của những chế độ, những kẻ cầm quyền độc tài, tham nhũng, chà đạp dân chủ, đàn áp nhân dân như vừa nêu trên đây là những sự kiện đáng cho mọi người suy ngẫm.
Blog Bùi Tín (VOA)
Bác Bùi Tín viết hay quá. Là người VN, đọc qua bài này tôi thấy tâm hồn phấn chấn hẳn lên, tâm trạng hy vọng một tương lai sáng lạng cho dân tộc. Đa số người dân rất bức xúc trước sự cầm quyền của ĐCSVN. Nhưng điều còn phải suy nghĩ là chúng ta phải làm gì để hành động của mỗi cá nhân được gắn kết và cộng hưởng với nhau thì mới mang lại kết quả như mong ước được.