Đôi điều về bài “Tôi viết về những người cam chịu lịch sử”
Kính gửi các anh các chị,
Sau khi từ biệt các anh các chị, từ Mỹ trở về Việt Nam, tôi nhận được những thông tin trái chiều về bài nói chuyện của tôi tại Boston. Có ý kiến khen, có ý kiến chê. Mà chê thì chủ yếu là:
1- Tôi đánh đồng tất cả các cuộc chiến vào làm một.
2- Tôi như một người con trong gia đình đòi cha mẹ phần bánh chiến thắng: Lịch sử phải viết về họ, văn học phải viết về họ.
Về điều 1, thực sự tôi chỉ làm cái việc thống kê những cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 mà dân tộc ta đã trải qua thôi:
“Chỉ trong thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã trải qua bốn cuộc chiến tranh: Chiến tranh chống Pháp, chiến tranh Nam Bắc và chống Mỹ, chiến tranh chống Pôn Pôt ở biên giới Tây Nam và chiến tranh chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.”
Về vấn đề thứ hai, có thể tôi đã chủ quan, nghĩ rằng ai cũng hiểu ý mình định nói:
“Tôi muốn đề cập đến một mặt khác của chiến tranh, chính xác hơn là nói đến những người tham gia chiến tranh một cách đặc biệt, chưa từng được nhắc đến trong các cuộc tổng kết, các buổi hội thảo, những người tham gia chiến tranh bằng việc đi tù. Những người đóng góp vào cuộc chiến không phải bằng sinh mạng của mình mà bằng tự do của mình. Với kinh nghiệm sống trong một đất nước liên tiếp có những cuộc chiến tranh, tôi hiểu chiến tranh không chỉ đến một mình. Bao giờ nó cũng có một người bạn đồng hành: Nhà tù. Đó là người anh em sinh đôi của chiến tranh.”Và:
“Trong cuộc chiến tranh khốc liệt này, miền Bắc thực hiện chủ trương pha lê hoá hậu phương. Những người đã từng cộng tác với Pháp, với Mỹ, những người có biểu hiện thiếu lòng tin vào sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, những phần tử đáng ngờ, những kẻ trộm cắp, du thủ du thực…, tóm lại tất cả những gì là vẩn đục so với yêu cầu trong như pha lê của một xã hội cần pha lê hoá, đều bị tập trung cải tạo và đó được coi là một biện pháp không thể thiếu. Hơn nữa, nó còn có ý nghĩa răn đe những người khác, hướng tất cả vào mục tiêu chung.
Tổng kết về một cuộc chiến tranh không được quên những người đó. Họ đã góp phần vào chiến thắng, bằng cuộc đời mình, bằng sự đóng góp phần cao quý nhất của mình: Tự Do!
Họ có quyền được chia sẻ niềm tự hào, dù là sự tự hào nhục nhã.
Dù họ chỉ là những người cam chịu lịch sử.Lịch sử phải viết về họ.
Văn học phải viết về họ.”
Bùi Ngọc Tấn (New York, tháng 5, 2009) Nguồn: Đàn Chim Việt |
Ý tôi muốn nói trong đoạn văn trên là: Chiến thắng của miền Bắc được làm nên bởi nhiều nguyên nhân trong đó có những năm tháng tù đầy oan khuất của biết bao người. Lịch sử không được quên nguyên nhân ấy, không được quên những người của những nguyên nhân ấy.
Văn học phải viết về họ. Vâng. Cho đến hôm nay, tôi tự hào là nhà văn duy nhất trong nước đã viết về họ. Những già Đô, những Nguỵ Như Cần, những Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Phố, những Vũ Lượng, Min, Giang Văn Giang… Tôi đã đưa cuộc sống của họ vào văn học, ra xã hội, ra ánh sáng.
Càng không phải tôi đòi chia quả thực, khi bọn người tù đầy chúng tôi (nhằm thực hiện pha lê hoá hậu phương) cho đến ngày hôm nay vẫn sống trong sự quản lý đặc biệt của nhà nước, vẫn là một thứ người loại 2. Đòi chia quả thực gì đây?
Nếu chịu khó đọc tiếp đoạn sau của bài nói chuyện thì thấy rõ ngay ý tôi định nói:
“Thiết tưởng cũng cần nhắc lại ở đây quan điểm của Albert Camus về nhà văn và nghề văn được bày tỏ trong diễn từ nhận giải Nobel văn học tại Stockholm (Thuỵ Điển) ngày 10 tháng 12 năm 1957, cách nay hơn nửa thế kỷ: “Theo định nghĩa, nhà văn giờ đây không thể phụng sự những người làm ra lịch sử, anh ta phục vụ những kẻ cam chịu lịch sử. Nếu không anh ta sẽ cô đơn và đánh mất nghệ thuật của mình. Tất cả những đạo quân của bạo cường với hàng triệu người cũng sẽ không cứu nổi anh ta ra khỏi sự cô đơn, ngay cả và nhất là nếu anh ta thuận tình đi đều bước với họ. Nhưng sự im lặng của một người tù không quen biết ở tận cùng thế giới, bị bỏ mặc trong nhục nhằn, cũng đủ kéo nhà văn ra khỏi trạng thái lưu đầy ấy mỗi khi, giữa những đặc quyền đặc lợi của tự do, anh ta có thể vượt lên để không quên sự im lặng đó và làm cho nó vang lên bằng những phương tiện của nghệ thuật.Chính với những suy nghĩ như vậy tôi đã cầm bút viết văn trở lại sau hơn 20 năm im lặng.”
Chưa bao giờ tôi ngây ngô đến mức ngớ ngẩn có ý định đòi nhà nước chia phần bánh chiến thắng. Với lại đòi làm sao được mà đòi!
Lỗi đó tại tôi.
Tôi xin nhận và rút kinh nghiệm trong khi viết.
Trong thời gian lưu tại Mỹ, tôi đã được các anh các chị dành thời gian đón tiếp, tôi rất cảm động.
Đi xa, tuổi cao, sức khoẻ tồi tệ, lệch múi giờ, rất kém trong giao tiếp, chắc chắn tôi có nhiều sơ xuất, mong các anh các chị thể tất.
Trân trọng cảm ơn.
Hải Phòng ngày 01/06/2009