WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Như Phong Lê Văn Tiến: Từ tự do đến khói sóng

 

hư Phong 1990 chụp trước bức danh hoạ "Vườn Xuân Trung Nam Bắc" của Nguyễn Gia Trí  [nguồn: tư liệu ĐQA Thái & Nguyễn Tường Giang]

Như Phong 1990 chụp trước bức danh hoạ “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí
[nguồn: tư liệu ĐQA Thái & Nguyễn Tường Giang]

TIỂU SỬ NHƯ PHONG

Như Phong Lê Văn Tiến, không rõ ngày sinh thật nhưng trên căn cước ghi sinh ngày 1 tháng 2 năm 1923 tại Bắc Việt. Tên thật ít ai biết là Nguyễn Tân Tiến, sau do nhu cầu hoạt động cách mạng, đổi tên là Lê Văn Tiến. Từ 1945, Như Phong làm tuần báo Ngày Nay Bộ Mới ở Hà Nội, sau đó làm biên tập cho sở Thông Tin Bắc Việt. Năm 1954, di cư vào Nam, ban đầu làm cho Việt Tấn Xã, sau đó từ 1955 sang làm nhật báo Tự Do xuyên suốt cả hai thời kỳ cho tới 1963 khi Tự Do bị đóng cửa. Ngoài báo chí Việt ngữ, Như Phong còn là cộng tác viên của The China Quarterly, London (1964-1972); các bài viết của ông về giới Trí Thức Miền Bắc, về Phong trào Nhân văn Giai phẩm đã tạo nên tên tuổi ông trên diễn đàn báo chí quốc tế. GS Patrick J. Honey, Giám đốc Ban Việt ngữ BBC luôn là bạn đồng hành của Như Phong trong nhiều thập niên và cũng là người dịch sang tiếng Anh các bài viết của Như Phong. Sang tới Mỹ, Như Phong còn tham gia viết bài cho The Asian Wall Street Journal, Hong Kong (1994-1996).

Từ 1997 Như Phong là cố vấn biên tập cho Đài Á châu Tự Do / Radio Free Asia.

Sau nhiều năm tù đầy cuối cùng Như Phong cũng tới được Hoa Kỳ định cư vào năm 1994, ông mất ngày 18 tháng 12 năm 2001 tại Virginia Hoa Kỳ, thọ 78 tuổi.

NHƯ PHONG VÀ NHẬT BÁO TỰ DO

Ngay sau Hiệp định Genève 1954, với vĩ tuyến 17 chia đôi Việt Nam, dẫn tới một cuộc di cư lịch sử của hơn một triệu người từ Bắc vào Nam lánh nạn Cộng sản và đã được báo chí Tây phương mệnh danh là cuộc Hành Trình Tìm Tự Do / Journey to Freedom.

Hội nhập vào cuộc sống thanh bình và trù phú của Miền Nam lúc đó, có thể nói đã có một nền văn nghệ báo chí di cư “trăm hoa đua nở” ở trên vùng đất lành chim đậu, hoà mình vào sinh hoạt báo chí đã có truyền thống lâu đời trong Nam như nhật báo Thần Chung với Nam Đình, Đuốc Nhà Nam với Trần Tấn Quốc, Sài Gòn Mới với Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận.

 

Bìa báo Xuân Tự Do Canh Tý 1960 của Nguyễn Gia Trí

Bìa báo Xuân Tự Do Canh Tý 1960 của Nguyễn Gia Trí

Năm 1955, một năm sau Hiệp định Genève, nhật báo Tự Do ra đời tại Sài Gòn với một ban biên tập gồm toàn những cây bút Bắc kỳ di cư. Nhóm chủ trương báo Tự Do, đều có những trải nghiệm với Cộng sản từ Miền Bắc. Toà soạn ban đầu gồm có: Tam Lang Vũ Đình Chí, Mặc Đỗ Nguyễn Quang Bình, Đinh Hùng bút hiệu Thần Đăng, Như Phong Lê Văn Tiến và Mặc Thu Lưu Đức Sinh. Tam Lang đứng tên chủ nhiệm, Mặc Thu làm quản lý và Như Phong, trẻ tuổi nhất làm thư ký tòa soạn. Vũ Khắc Khoan viết cho Tự Do nhưng không chính thức đứng tên. Sau đó nhóm Tự Do mở rộng, có thêm ba người: Nguyễn Họat bút hiệu Hiếu Chân, Hi Di Bùi Xuân Uyên và họa sĩ Phạm Tăng.

Theo Như Phong, nhật báo Tự Do giai đoạn đầu khá ngắn ngủi bị đình bản không phải vì lủng củng nội bộ mà vì lý do chính trị. Bên Phủ Tổng thống nhận thấy tờ báo rất có ảnh hưởng được dân Bắc di cư nhiệt tình ủng hộ, lại có những bài chỉ trích chính quyền và thêm yếu tố khá nhạy cảm là trong nhóm chủ trương báo Tự Do không ai có đạo Thiên chúa, cũng không có người gốc Miền Trung.

Chỉ ít lâu sau đó Báo Tự Do được tục bản nhưng với chủ nhiệm mới Phạm Việt Tuyền và quản lý mới là Kiều Văn Lân. Cả hai đều có gốc là nhân viên Phủ Tổng thống và có đạo Thiên chúa. Trước đó, từ 1955 Phạm Việt Tuyền đã từng là chủ biên của một tờ tuần báo Tân Kỷ Nguyên với ban biên tập gồm Lê Xuân Khoa, Lê Thành Trị, Trần Việt Châu và Hồ Nam.

Bước sang giai đoạn nhật báo Tự Do bộ mới, Như Phong vẫn làm thư ký toà soạn, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt vẫn phụ trách chuyên mục “Chuyện Hàng Ngày”, sau đó đổi tên là “Nói Hay Đừng” rất ăn khách vì lối viết châm biếm sắc bén. Cùng với Hiếu Chân còn hai người nữa cũng thay phiên viết cho mục này, là Mai Nguyệt tức nhà văn Tchya Đái Đức Tuấn, và Phạm Xuân Ninh tức Hà Thượng Nhân, còn thêm bút hiệu Tiểu Nhã. Phải kể tới sự tham dự của cây bút chính luận Mai Xuyên Đỗ Thúc Vịnh, Trần Việt Sơn và hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí.

Có một sự kiện liên quan tới tự do báo chí thời Đệ Nhất Cộng Hoà, nay đã thuộc về lịch sử, tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, đó là vụ bìa báo Xuân Tự Do Canh Tý 1960. Vì là năm Tý, theo tập tục bìa báo năm đó có vẽ hình chuột, hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí đã vẽ hình 5 con chuột đang ăn quả dưa hấu đỏ. Do có người ức đoán và diễn dịch là bức tranh ám chỉ năm anh em nhà họ Ngô đang đục khoét đất nước Việt Nam, lời đồn đãi lan truyền tuy không có bằng cớ nhưng số báo vẫn bị tịch thu và gần như cả toà soạn bị bắt, trừ Như Phong và Phạm Việt Tuyền. Nhưng rồi Phạm Việt Tuyền cũng bị mất chức chủ nhiệm, báo Tự Do bị đóng cửa khoảng tháng 8 năm 1963, chỉ 3 tháng trước cuộc binh biến 11-11-1963, với cái chết bi thảm của hai ông Diệm Nhu, chấm dứt nền Đệ Nhất Cộng Hoà kéo dài được 9 năm.

Nhắc đến nhật báo báo Tự Do, ở cả hai thời kỳ từ 1955 tới 1963, người ta không thể quên cái “dấu ấn” Như Phong Lê Văn Tiến. Là một thư ký toà soạn, Như Phong hết lòng tận tuỵ lo cho tờ báo, ngoài ra Như Phong còn viết truyện dài feuilleton hàng ngày với bút hiệu Lý Thắng. “Khói Sóng” là một trường thiên tiểu thuyết, đọc rất hấp dẫn, viết về thời kỳ trai trẻ khi Như Phong đi theo chân các bậc đàn anh Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam làm cách mạng, chống cộng ở các chiến khu Vĩnh Yên, Việt Trì. Cho tới những ngày cuối đời, Như Phong vẫn nhắc tới tác phẩm “Khói Sóng” với ước mong tìm lại được. Nhưng cũng chính tay Như Phong đã đốt tập bản thảo “Khói Sóng” sau 1975 trước khi anh bị bắt.

Được biết thư viện Cornell và thư viện Hawaii có thể còn lưu trữ trọn bộ báo Tự Do, trong đó có “Khói Sóng”. Cũng đã hơn 14 năm từ ngày Như Phong mất, khi gặp lại Ánh Chân, con gái nuôi của anh, lại một lần nữa nhắc tới ước nguyện đó của bố.

NHƯ PHONG MỘT MƯU SĨ

Sự nghiệp Như Phong là báo chí, Đỗ Quý Toàn đã quý trọng gọi ông là “nhà báo của các nhà báo” nhưng Như Phong còn được nhắc tới như một mưu sĩ, hơn thế nữa như một tay khuynh đảo. Nhà báo Mỹ kỳ cựu Sol Sanders, US News & World Report, người bạn của Như Phong từ hơn nửa thế kỷ 1950-2001, từ Hà Nội vào tới Sài Gòn khi viết bài tưởng niệm về Như Phong đã mệnh danh Như Phong là: My “Coup Broker” Friend / Người bạn “Khuynh Đảo”

Như Phong và Đỗ Thúc Vịnh, Lê Ngộ Châu và Như Phong, Như Phong và Võ Phiến [nguồn: tư liệu Ngô Thế Vinh]

Như Phong rất thân cận với Bác sĩ Phan Huy Quát nhưng đã không nhận một chức vụ nào khi Phan Huy Quát lên làm Thủ tướng. Như Phong quen biết đủ thành phần chính giới kể cả đối lập, các tướng lãnh, các giáo phái kể cả Cao Đài và Hoà Hảo.

Giai thoại về một Như Phong sau hậu trường sắp xếp các thành phần của Nội Các Chiến Tranh của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, nhưng đứng ngoài không nhận chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Rồi năm 1966, để hỗ trợ cho tướng Kỳ, Như Phong lại đóng vai đạo diễn ba Liên danh Cây Dừa kết hợp các thành phần chuyên viên, tôn giáo và đảng phái vẫn không có tên Như Phong trong đó, nhưng rồi cả ba liên danh đều thất cử.

Lúc nào cũng chỉ là mưu sĩ, “kẻ đứng bên lề”, không bao giờ trực tiếp dấn thân tham chánh. Không thể nói tới sự thành bại trong chính trị khi mà bản chất Như Phong chưa bao giờ thực sự là một con người chính trị / homo politicus.

NHỮNG NGÀY THÁNG 5 NĂM 1975

Chỉ sau cụ Hoàng Văn Chí, tác giả hai tác phẩm kinh điển: Từ Thực Dân tới Cộng Sản và Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, người hiểu rõ cộng sản sau này không ai hơn nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến. Cô Thần cũng là bút hiệu khác của Như Phong trên nhật báo Tự Do, một chuyên mục viết về Cộng sản Miền Bắc.

Các nhà báo ngoại quốc đánh giá cao về sự hiểu biết thấu đáo của Như Phong đối với thế giới Cộng sản. Anh có thể nói ngay với từng chi tiết về các tên trùm cộng sản khi được hỏi, đến nỗi Sol Sanders một nhà báo Mỹ kỳ cựu của US News & World Report với nhiều năm làm việc ở Việt Nam đã phải thốt lên: “Tiến là một cuốn tự điển tiểu sử di động / Tiến was a walking biographical dictionary.”

Hiểu cộng sản đến như vậy, với biết trước những tháng năm dài đẵng tù đầy, vậy mà Như Phong vẫn chọn ở lại. Các ký giả ngoại quốc quen biết bấy lâu sẵn sàng giúp Như Phong thoát khỏi Sài Gòn trước những ngày 30 tháng 4, 1975, bên Hải Quân bên Không Quân cũng có chỗ cho anh đi nhưng anh thì vẫn cứ bướng bỉnh chọn ở lại.

Cuộc chia tay cảm động của Như Phong với gia đình anh Đỗ Thúc Vịnh trên đường Tự Đức, đã được chị Vịnh ghi lại: “Một buổi trưa cuối tháng Tư, có lẽ vào khoảng ngày 24 hay 25, anh Như Phong đến nhà chúng tôi và bảo: “Anh chị phải tìm cách đi ngay đi! Đi đâu cũng được, miễn là ra khỏi đất nước này. Chúng sắp vào đến đây rồi.” Chồng tôi nắm lấy tay anh và hỏi:“Tiến thì sao? Tiến có đi không?” “Không, anh chị cần phải đi vì tương lai của các cháu. Còn tôi, tôi sẽ về Miền Tây, tìm cách chống lại bọn chúng. Rồi ta sẽ gặp lại nhau.” Nói xong anh chạy ra xe đi thật nhanh. Chúng tôi nhìn nhau, bàng hoàng về quyết định can trường của anh. Trong lúc mọi người đều cảm thấy bất lực và lo bỏ chạy, kể cả những viên tướng oai vệ nhất, thì anh, với lòng dũng cảm, với ý chí bất khuất, đã quyết theo gót tiền nhân, không chịu khuất phục trước kẻ thù: Anh đã quyết ở lại chỗ chết để tìm đường sống.” [Lòng Thành Tưởng Niệm]

Đến trưa ngày 30 tháng Tư, ngay sau khi lệnh đầu hàng được phát đi, có thể thấy từ mấy tầng lầu cao là một cơn mưa confetti, chỉ một màu trắng của những mảnh vụn giấy tờ tuỳ thân của quân cán chính cần được xé huỷ trước khi cộng quân hoàn toàn kiểm soát Sài Gòn. Không kể những giày nón quân phục được cởi bỏ vội vàng vứt tả tơi trên đường phố.

Và rồi vang lên tiếng xích sắt nghiến trên mặt nhựa đường Trần Hưng Đạo, nhìn qua khung cửa là những chiếc tăng T54 treo cờ giải phóng hối hả chạy về phía trung tâm Sài Gòn.

Mấy ngày sau đó tôi gặp lại anh Như Phong tại nhà luật sư Mai Văn Lễ, trước bệnh viện Sùng Chính trên đường Trần Hưng Đạo. Anh Mai Văn Lễ có một thời làm Khoa trưởng Luật khoa Huế thời Phật giáo Tranh đấu, bây giờ chỉ còn lại mình anh, chị và hai con thì đã đi trước đó một tuần lễ.

Là người đi trước thời cuộc, anh Như Phong tiên đoán đúng những gì sắp diễn ra: chiến dịch đánh tư sản, kế hoạch đổi tiền cho mỗi hộ khẩu và rồi những cuộn giấy bạc sau đó trở thành rác và rồi sẽ là quần đảo ngục tù / Gulag Archipelago. Dư tiền cũ thiên hạ đổ xô đi mua vàng, đôla chợ đen không dễ gì có trong thời điểm này. Anh Như Phong thì chỉ gợi ý mua những cuộn len quý nhồi trong các bộ nệm sa lông giống như ngoài Bắc, sau này khi cần có thể gỡ dần ra bán để kiếm sống. Chỉ nói vậy thôi chứ thái độ của cả mấy anh em vẫn là “chờ xem”.

Để rồi sau đó, Như Phong hai lần bị Cộng sản bắt, tổng cộng thời gian tù đầy ngót 14 năm. Lần thứ nhất từ 1976 tới 1988. Lần thứ hai từ 1990 tới 1992. Sĩ khí của một Như Phong sắt thép trong tù với từng ấy năm bị đầy đoạ, biệt giam, thiếu ăn và cả quyết định tuyệt thực nhiều ngày không để phản đối điều gì mà mà chỉ để “Cầu Quốc Thái Dân An”, với hậu quả đưa tới một thể xác suy kiệt nhưng trí tuệ anh vẫn cứ luôn minh mẫn. Như Phong không chỉ khiến các bạn tù mà chính nhưng những kẻ bắt giam ông cũng phải kính nể. Trong bài “Thương Nhớ Cậu Tiến” của người tù trẻ tuổi Đinh Quang Anh Thái đã viết khá đầy đủ với sự kính trọng và ngưỡng mộ người tù khí phách Như Phong khi cả hai cùng bị giam trong nhà tù Chí Hoà. Như Phong sống sót cũng là một ngạc nhiên cho rất nhiều người nếu biết rằng ông đã từng là một bệnh nhân bị lao phổi những năm trước đó.

Hình 4_ Trái: Như Phong ra tù, về sống ẩn dật ở trong một ngôi nhà lá mái gồi ở Hóc Môn. Phải: Như Phong đang tưới những dò phong lan

[nguồn: tư liệu Đinh Quang Anh Thái]

 

Như Phong ra tù, về sống ẩn dật ở trong một ngôi nhà lá mái gồi ở Hóc Môn. Phải: Như Phong đang tưới những dò phong lan  [nguồn: tư liệu Đinh Quang Anh Thái]

Như Phong ra tù, về sống ẩn dật ở trong một ngôi nhà lá mái gồi ở Hóc Môn. Phải: Như Phong đang tưới những dò phong lan
[nguồn: tư liệu Đinh Quang Anh Thái]

Khi ra tù anh Như Phong chọn cuộc sống ẩn dật. Qua quen biết của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, anh được vợ chồng người chủ trại bạn anh Sỹ sang nhượng cho được một khoảng đất nhỏ trong khu trại ruộng rộng 7 mẫu ở Hóc Môn, trên đó Như Phong dựng một căn nhà với mái lợp lá dừa nước có nền gạch, quanh nhà anh trồng mấy cụm hoa hồng và nhưng chủ yếu là những dò phong lan đủ loại. Như Phong rất mê trồng lan giống nhà văn Nhất Linh khi sống bên suối Đa Mê ở Đà Lạt.

Phan Nhật Nam cũng trải qua 14 năm tù kể cả biệt giam, khi ra tù Nam về sống trong một căn nhà bên kia sông và thường xuyên sang thăm anh Như Phong. Đôi lần anh chị Doãn Quốc sỹ lên trại chơi bao giờ cũng ghé thăm Như Phong, rồi vợ chồng Đằng Giao, cả Tô Thuỳ Yên, tác giả Trường Sa Hành, bạn văn bạn tù của Như Phong cũng là khách thường tới thăm. Một sự kiện khó quên do Phan Nhật Nam kể lại: Nam đã vô tình phá hại cả vườn lan của Ông Gió / Như Phong khi giúp ông tưới lan nhưng lại bằng nước phèn lấy từ dưới một con rạch. Rồi Phan Nhật Nam đi Mỹ năm 1993, trước Như Phong một năm.

NHƯ PHONG ĐẾN VỚI NHÓM BẠN CỬU LONG 1995

Năm 1993, khi ấy Như Phong còn ở Việt Nam, tổ chức Human Rights Watch/ Asia đã ra thông cáo trao tặng nhà báo Như Phong giải thưởng Tự Do Phát Biểu Tư Tưởng / Free Expression Award là một giải thưởng danh giá về báo chí và Như Phong đã được ca ngợi là ông đã dùng ngòi bút bênh vực Quyền Con Người. Sự thực khi một tên tuổi Như Phong được chọn, chính cuộc sống của Như Phong đã làm danh giá thêm cho giải thưởng nhân quyền này.

Cho dù đã có những vận động từ rất nhiều phía, nhưng rồi cuối cùng tới năm 1994, với rất nhiều toan tính, Cộng sản đã thả cho người tù chính trị 14 năm Như Phong ra đi, nhưng ông tới Mỹ không phải như một tù nhân chính trị mà lại theo “diện đoàn tụ gia đình/ ODP” do bảo lãnh của người em cùng cha khác mẹ là Nguyễn Ngọc Ẩn, cũng trong giới truyền thông / TV Cameraman ở Sacramento và của cả gia đình người bạn Đổ Hoàng/ Đường Thiện Đồng lúc đó đang sống ở Irvine.

Như Phong có biết bao nhiêu là bạn trong cuộc đời hoạt động sôi nổi của anh, nhưng sau này trên đất Mỹ anh vẫn có thêm nhiều bạn mới, với đặc điểm là họ rất trẻ, tuổi tác thì cách anh khoảng hai ba thế hệ. Họ trân quý và mau chóng thân thiết với anh. Như Phong đã cấy những giấc mơ vào đầu óc họ, anh bao giờ cũng là “người gieo mộng”. Riêng tôi thì đã quen anh Như Phong từ những năm trước 1975 với những chặng đường sinh hoạt.

Gặp lại anh ở Nam California, vẫn một Như Phong sắc bén và ý nhị của ngày nào. Ở tuổi 71, sau ngót 14 năm tù đầy, trông anh vẫn rắn rỏi và khỏe mạnh, nhưng anh vẫn không bỏ được tật hút thuốc lá. Điều ấy khiến tôi quan tâm và có nhắc anh. Như Phong mang hình ảnh của một Cây Tùng Trước Bão / như tên một cuốn sách của Hoàng Khởi Phong. Anh còn có đức tính của một trí tuệ rộng mở / open-minded, sẵn sàng đón nhận và học hỏi điều mới: xử dụng computer, email, máy fax. Được các bạn trẻ tặng một laptop, anh bắt đầu viết các bài báo, gửi bài qua eMail và chiếc laptop như vật bất ly thân của anh về sau này.

Năm 1995 tôi đã có kỷ niệm về một ngày rất khó quên với anh Như Phong nơi thủ đô tỵ nạn Little Saigon. Đó vào sáng thứ Bảy của một ngày tiết Thu nắng đẹp miền Nam California. Anh Như Phong hôm ấy rủ tôi tới gặp mấy người bạn trẻ thuộc Nhóm Bạn Cửu Long mà tôi chưa hề quen biết nhân có buổi mạn đàm đầu tiên tại Phòng Sinh Hoạt báo Người Việt. Trên bàn thuyết trình hôm đó có KS Phạm Phan Long, TS Phạm Văn Hải và nhà báo Đỗ Quý Toàn. KS Phạm Phan Long là người đầu tiên lên tiếng báo động về những hiểm hoạ sắp xảy đến cho dòng Sông Mekong khi Trung Quốc có kế hoạch xây một chuỗi những con đập Bậc thềm Vân Nam. Lúc đó chỉ mới có một con đập dòng chính đầu tiên trên sông Lancang-Mekong Manwan/ Mạn Loan 1,500 MW vừa được xây xong (1993).

Ngày hôm ấy với tôi quả thật là mối “duyên khởi” bởi vì đây cũng là lần đầu tiên tôi tiếp cận với một vấn nạn mới mẻ của đất nước: đó là những bước phát triển “không bền vững / non-sustainable development” của con sông Mekong. Cũng từ đó tôi được làm quen với những người bạn mới như KS Phạm Phan Long, KS Ngô Minh Triết, KS Nguyễn Hữu Chung và rồi thêm những người bạn khác của Mekong Forum, tiền thân của Viet Ecology Foundation về sau này.

Rồi phải kể tới một bài báo đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật (03-11-1996): Khai thác sông Mekong: nhìn từ góc độ Việt Nam tuy đứng tên KS Phạm Phan Long nhưng do 4 người viết, họ đều là những chuyên gia từ hải ngoại: TS Phạm Văn Hải (Mỹ), KS Nguyễn Hữu Chung (Canada), TS Bình An Sơn (Úc). Nội dung bài viết ấy cho tới nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Năm 1999, một Hội nghị Mekong mở rộng do Mekong Forum và Vietnamese American Science & Technology Society đồng tổ chức tại Nam California với chủ đề: “Hội thảo về Sông Mekong trước Nguy cơ, Ảnh hưởng Phát triển trên Dòng sông, ĐBSCL và Cư dân” với sự tham dự của liên hội Tiền Giang và Hậu Giang, TS Sin Meng Srun Hội người Cam Bốt tại Mỹ, và Aviva Imhof thuộc tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Quốc tế/ International Rivers Network. Kết thúc hội nghị là một bản Tuyên Cáo “The 1999 Mekong River Declaration” được gửi tới MRC / Mekong River Commission và nhiều tổ chức liên hệ khác.

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, chính anh Như Phong đã chấp bút giúp Mekong Forum viết “Bản Tuyên ngôn Sông Mekong 1999″ tiếng Việt, mà KS Phạm Phan Long còn ghi lại cảm tưởng: “bản tiếng Việt ông viết khác hẳn bản dịch khô khan của chúng tôi, ông mang hồn dân tộc vào để nói lên nỗi thống khổ của đồng bào miền châu thổ trước vấn nạn thượng nguồn sắp giáng xuống họ.”

Như Phong, cho đến ngày anh mất, anh vẫn cùng chúng tôi tham gia sinh hoạt của Nhóm Bạn Cửu Long với tầm nhìn “địa dư chính trị / geopolitics” rộng mở trước những nan đề của Sông Mekong gắn liền với vận mệnh của đất nước.

Và cho tới nay 1995-2016, cũng đã 21 trôi năm qua, tôi vẫn là người bạn đồng hành bền bỉ với Nhóm Bạn Cửu Long, vẫn cứ là một con chim “báo bão” từ những đám mây đen độc hại ngày càng dầy đặc hơn không ngừng đổ xuống từ Phương Bắc.

GIẤC MỘNG LỚN NHƯ PHONG

Mới tới Mỹ, anh Như Phong đã có sẵn trong đầu bao nhiêu là dự án, có lẽ được anh phác thảo từ những năm dài bị giam cầm. Trong đó phải kể tới một dự án Truyền Thông Báo chí cho Việt Nam mang tầm vóc toàn cầu, anh Như Phong không chỉ nói tới mà còn say sưa viết về dự án ấy. Anh Như Phong quan niệm: phải chuẩn bị từ bây giờ cho một thời kỳ hậu cộng sản. Anh mơ ước sẽ trở thành một ” mogul / tài phiệt” trong ngành truyền thông tại Việt Nam với trong tay một hệ thống báo chí, truyền thanh, truyền hình… rộng khắp lãnh thổ.

Anh nói trước 1975, nếu đã có con tàu Hope ghé cảng Sài Gòn như một Bệnh viện nổi, thì nay tại sao không thể một con tàu Truyền Thông, của cộng đồng Việt Nam hải ngoại sẵn sàng cập bến thả neo trên bến cảng Sài Gòn, như một tòa báo nổi với cả đài phát thanh và truyền hình. Trong đời làm báo, chưa bao giờ anh thấy hào hứng đến như vậy, theo anh dự án Truyền Thông ấy sẽ như một áp ứng kịp thời cho một Việt Nam đổi mới sau Cộng sản. Trên con tàu ấy, có toà soạn nhà in để có thể ra báo, có hệ thống đài phát thanh và truyền hình phủ sóng trên toàn lãnh thổ, tạo một mạng lưới kết nối local-global-connect với trong nước và những cộng đồng di dân Việt Nam trên khắp thế giới.

Giấc mộng lớn của một Như Phong rất đơn độc, trên vùng đất mới, với không tiền bạc và cả rất giới hạn quỹ thời gian vì anh cũng đã bước qua ngưỡng tuổi cổ lai hy. Những bạn trẻ rất trân trọng và quý anh Như Phong, nhưng họ nhìn anh như một “người đi trên mây” — chữ của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Anh là hình ảnh lãng mạn của một Don Quichotte thời hiện đại, phải chăng cũng vì thế mà anh Như Phong cứ luôn mãi trẻ trung. Rồi tôi chợt nhớ tới dòng chữ đầy cảm khái trong bức thư tay của Dương Nghiễm Mậu do Nguyên Khai mang qua: “Ngựa đã mỏi, đường còn xa, biết tính sao đây.”

Và bảy năm sau ngày đặt chân trên đất Mỹ, Như Phong đã quỵ ngã trên giấc mộng lớn của mình ở tuổi mới 78 vì bệnh ung thư phổi.

CHÂN DUNG VĂN HỌC NHƯ PHONG

Không cần hư cấu, Như Phong đã là một nhận vật tiểu thuyết. Nhà báo Mỹ Sol Sanders, một “cố tri” của Như Phong của hơn nửa thế kỷ đã viết: “Tiến đã sống sót sau ngót 14 năm trong trại cải tạo Cộng sản. Bảo rằng tôi ngạc nhiên thì chưa đúng mức: Tiến là hiện thân của một chân dung văn học, một người đàn ông mảnh mai với cặp kính cận dày. Không ai có thể tưởng tượng anh đã sống sót qua vài tuần hay ít hơn vài năm trong những điều kiện đã giết chết bao nhiệu tù nhân khác / Tien had survived some 14 years in the Communist “re-education camps” and that he had been released. To say that I was surprised would be a great understatement: Tien was a personification of the literary figure, a slight man, with his big spectacles. One coud not imagine him having survived a few weeks, much less years under conditions which killed so many of his fellow prisoners.” [My "Coup Broker" Friend

Với tôi, anh Như Phong đã nhập vai ông Khắc nhà báo, trong cuốn tiểu thuyết dữ kiện "Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng" xuất bản năm 2000, một năm trước khi Như Phong mất. Trích dẫn từ CLCD BĐDS:

"Người đàn ông mái tóc điểm sương với cặp kính cận thật dầy bước đi nhẹ và thanh thoát dọc theo hai bên hàng cây Jaracanda hoa tím nở đầy, báo hiệu những ngày thật nắng ấm của miền nam Cali. Ông có dáng của một cây tùng trước bão đứng vững qua bao nhiêu thăng trầm của thời thế cho dù ông mang đủ thứ bệnh do những năm tháng dài tù đầy. Với bệnh phổi đang thời gian điều trị thì khí hậu ở đây cũng là lý do khiến ông không chọn Miền Đông với Trái Táo Lớn Nữu Ước như một vùng đất lành. Với ông cũng như các nghệ sĩ lưu vong chọn cuộc hành trình tới Mỹ Quốc thì Nữu Ước vẫn có sức mạnh hấp dẫn của một thứ lò luyện kim, để hoặc chỉ còn là tro than hoặc trở thành chất thép tinh ròng. Đã có một khoảng thời gian dài không biết đã mấy năm rồi, hàng ngày ông bước xuống những toa xe điện ngầm, chạy rầm rập như mắc cửi dưới lòng đất dưới cả lòng sông, như một thành phố mênh mông dưới một thành phố khác. Làm sao sức người có thể làm nên chuyện kỳ vĩ ấy khi chưa bước vào giai đọan kỹ thuật cao. Lúc đó với ông Nữu Ước mới thực sự là nước Mỹ của những bước khai phá với các thế hệ tiên phong. Nhưng rồi phải sống giữa cảnh bon chen tranh giật nhỏ nhen của Nữu Ước sau này, ông tự hỏi phải chăng đã qua rồi những thế hệ di dân lớn lao lẫm liệt, khi mà họ đã phải băng qua những sóng gió đại dương đặt chân tới tân lục địa này.

Hôm ấy từ Nữu Ước trước khi bay về Cali, ông Khắc ghé qua Hoa Thịnh Đốn đúng vào mùa anh đào. Chưa thấy niềm vui hoa nở, ông đã khựng lại trước Bức Tường Thương Tiếc. Nhìn sang ngay phía bên kia công viên là tòa Nhà Trắng với Clinton đã trải qua hai nhiệm kỳ trong đó. Clinton thì ai cũng biết về một quá khứ trốn quân dịch. Ông ấy cũng không kém nổi tiếng về thành tích hút cần sa mà không hít vào phổi trong sân trường Đại Học Oxford giữa giai đoạn nóng nhất của cuộc Chiến Tranh Việt Nam khi mà Hà Nội đang có những nỗ lực cao nhất để nâng cao con số những thanh niên Mỹ thơ ngây can đảm và vô tội đi vào trong những nấm mồ. Ông Khắc lúc ấy là phóng viên chiến tranh lại đang gian lao cùng với những người lính của Miền Nam lặn lội trong những cuộc hành quân trên đồng lầy hay rừng rú cao nguyên. Để rồi hai mươi lăm năm sau, lần thứ hai trở lại Mỹ đứng bên bức tường đá đen, với ông đâu phải chỉ sáu mươi ngàn tên thanh niên Mỹ mà chồng chất lên đó là hàng hàng lớp lớp xác chết của hàng triệu những người Việt Nam vô danh phải chăng đã chết vô ích do nỗi mê lầm của con người...

Bao giờ cũng vậy mỗi lần tới đây ông đã không cầm được xúc cảm. Một nhà báo Mỹ bạn ông đã phát biểu rằng cho dù trong quá khứ anh chọn cuộc chiến đấu chống Cộng sản trên đồng lầy ở Việt Nam hay đã chống lại cuộc chiến tranh ấy ngay trên các đường phố ở Mỹ Quốc, thì sự hiện diện của bức tường ấy vẫn khiến anh đau xé lòng. Huống chi chính ông đã có những người bạn trong số sáu chục ngàn tên tuổi ấy trước khi chết vẫn còn vật vã với ý nghĩa của cuôc chiến tranh và chưa hề bao giờ được thực sự an nghỉ. Bỗng chốc ông Khắc có cái cảm giác mang mang giữa một thực tại thì như là hư ảo – virtual reality, trong khi quá khứ thì có thật. Đến bao giờ ông mới nhận ra được rằng chính quá khứ ấy mới là hư ảo, lẽ ra ông phải sớm biết mà thoát ra để rũ đi những gánh nặng cho bước chân thênh thang đi tới.. 

Sau những tháng dài đơn độc làm việc trong một thư viện miền nam nước Pháp Aix-en-Provence, ông Khắc có dịp trở lại Little Saigon lại đúng vào dịp 30 tháng 4 nhưng đã ở một phần tư thế kỷ sau. Giữa một rừng cờ ấy, vẫn là những khẩu hiệu kêu đòi và ép buộc. Như từ bao giờ, chiến thắng thì lúc nào cũng có vô số những cha mẹ trong khi thất bại thì luôn luôn là con những bà Phước – nghĩa là mồ côi. Nhưng rồi ông Khắc tự hỏi người Việt bên này hay bên kia đã học được gì sau cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn ấy. Vẫn có đó một “nhân cách lịch sử – historic dignity” cho phe chiến bại, tại sao không?" [CLCD BĐDS, Chương XXIII, Nxb Văn Nghệ 2000]

Cuốn sách ấy anh Như Phong cũng đã đọc, anh có viết một bài điểm sách nhưng cho đến nay chưa tìm lại được. Trong bản tiếng Anh “The Nine Dragons Drained Dry, The East Sea in Turmoil”, Viet Ecology xuất bản 2016, tên nhân vật ông Khắc nay là nhà báo Như Phong.

VĨNH BIỆT NHƯ PHONG

Nhà báo Như Phong mất ngày 18 tháng 12, 2001 lúc 9:40 tối tại Thành phố Fairfax, Virginia thọ 78 tuổi với một tang lễ đơn giản, và ước nguyện của Như Phong là tro than của ông một ngày nào đó sẽ được rải xuống trên mảnh đất quê nhà.

Ước mong rồi ra có những bạn trẻ thuộc thế hệ thứ hai sẽ chọn Như Phong cho một đề tài luận án Tiến sĩ, đó cũng chính là luận án về lịch sử báo chí Việt Nam của hậu bán thế kỷ 20 mà Như Phong là sợi chỉ đỏ nối kết những giai đoạn của một thời kỳ giông bão nhất của đất nước.

Cuối cùng, cũng ước mong rằng tiếp sau thời điểm ra mắt Tuyển Tập Như Phong, như một tưởng niệm giỗ thứ 15 của anh, các bạn anh sẽ có một dự án phục hồi bộ trường thiên tiểu thuyết “Khói Sóng” là ước nguyện cuối đời của nhà văn Như Phong.

Little Saigon, 10.07.2016

© Ngô Thế Vinh

© Đàn Chim Việt

3 Phản hồi cho “Như Phong Lê Văn Tiến: Từ tự do đến khói sóng”

  1. Thiến Heo says:

    Nguyên tắc làm việc bảo mật của băng đảng tội ác

    Ngay VC khi khăn gói đoàn tuỳ tùng sang TQ họp kín tại khách sạn Kim Ngưu, Thành Đô, Tứ Xuyên năm 1990, VC cũng bị TC họp xé lẻ bàn riêng từng người. Cho nên trong phái đoàn mỗi người của VC cũng chỉ biết một chi tiết nào đó thôi chứ không biết tất cả. Đại khái là bié6t TQ đồng ý cho VC đầu phục chuộc lỗi lầm, đoái công chuộc tội trước tình hình CS thế giới tan rã. Vậy thôi.

    1990年9月3日
    会谈一直持续到晚上8时,8时半才开始晚宴。在饭桌上,我和江泽民同志又分别做了杜梅和阮文灵的工作。
    Cuộc hội đàm vẫn tiếp tục cho đến 8 giờ tối, lúc 8 giờ rưõi thì đãi tiệc ăn tôi. Tại bàn ăn, tôi và đồng chí Giang Trạch Dân lại làm việc khác nhau với Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh.
    (Trích Hồi Ký Lý Bằng, TT của TQ, về cuộc họp mật tại Thành Đô)

    Nguyên văn tiếng TQ về Hồi Ký Lý Bằng đoạn bình thường bang giao với VC năm 1990.
    http://book.people.com.cn/GB/69399/107424/113845/113846/6733515.html

  2. Thiến Heo says:

    Các nhà báo ngoại quốc đánh giá cao về sự hiểu biết thấu đáo của Như Phong đối với thế giới Cộng sản. (NTV)

    Theo tôi, chẳng ai có thể nói hiểu được tổ chức VC đầy đủ cả. Tôi hỏi quý vị, quý vị biết CS bằng TBT của VC như NPT hay không ? Dĩ nhiên là không bằng. Vì dù sao NPT ở trong nội bộ TW đảng lẫn BCT, ông ta phải biết rõ VC hơn quý vị chứ. Nhưng bây giờ thử đặt câu hỏi liệu NPT có biết gì về Hội Nghị TĐ năm 1990 giữa VC và TC hay không ? Chưa chắc NPT biết rõ. Vì sao ?

    Vì nguyên tắc của băng đảng tội ác Mafia là thế. Nó không cho phép anh biết quá nhiều. Mà giả dụ anh có đoán biết thì cũng bằng không. Vì sự tồn tại của nó dựa trên bạo lực dao găm lựu đạn. Tóm lại, vấn đề không phải là anh có tư duy cực “siêu” về VC thì VC … ngủm . Trái lại, anh càng biết VC càng nhiều mà không dám có hành động chống trả dứt khoát (trụớc tiếp hoặc gián tiế) thì càng làm giàu cho VC thui người ui ! Trước đây có người cũng cho Võ Phiến là măm bờ oanh chống cộng, nhưng chính con trai VP lại đá giò lái VP, tuyên bố cha ant ta có lập trường chính trị không tốt đấy !

  3. Ban Mai says:

    Tôi đã đọc và lưu giữ tờ báo giấy Diễn Đàn Thế Kỷ 15 năm trước, trong đó rất nhiều bài viết về nhà báo Như Phong, dịp tang lễ ông, bây giờ, coi như đọc lại tóm lược về ông của anh NTV, cảm giác chợt đến là Ngậm Ngùi! Không phải ngậm ngùi của nuối tiếc về một nhân vật, mà ngậm ngùi vì bóng thời gian, mới đó đã 15 năm! Cho nên, bây giờ, tái khởi ước mơ còn dang dở của một người đã đi vào cõi vô cùng với lớp người trẻ, cũng là tương lai của VN, cùng với nan đề dòng Cửu Long đang chết thật đúng lúc!

    9 dòng sông trở về biển cả như đời người rồi sẽ về với hư vô tại sao bị tắt nghẹn trái với tự nhiên? Cùng lúc biển VN đang bị đầu độc thì không lẽ 90 triệu người VN cứ ngoảnh mặt làm ngơ? 9 dòng sông đang chết liệu 90 triệu người cũng chết theo? Câu trả lời là chỉ có tác nhân gây ra thảm cảnh phải chết! Dòng sông ơi… dậy sóng!

Phản hồi