WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Những thách thức cho chủ nghĩa tự do

girl with raised hands and broken chains

Dân chúng ở nhiều nước kể cả Tây Phương đang chống lại sự áp đặt phi lý của một trật tự do toàn cầu (liberal international order), hay còn bị gọi tự do bá quyền (liberal hegemony), vượt lên trên chủ quyền, văn hóa và lịch sử của từng quốc gia.

Tư tưởng về tự do được thể hiện ngắn gọn trong phần mở đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng… trong đó có quyền được sống, tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Thế giới đã lật đổ nhiều chế độ phong kiến, giáo quyền, độc tài, kỳ thị màu da và giới tính để con người có quyền chọn lựa nhà nước và được bình đẳng trước pháp luật.

Những cuộc cách mạng đầu tiên nằm trong khuôn khổ từng quốc gia như ở Mỹ 1783 và Pháp 1789. Nhưng sau Thế chiến thứ hai các nước dân chủ Tây Phương kết luận rằng muốn có hòa bình phải hợp tác xây dựng một trật tự trong tự do (liberal order) nhằm mang lại ổn định về chính trị và và kinh tế trên toàn thế giới. Bài học nói trên rút ra từ cuộc lạm phát phi mã ở Đức năm 1922-23 vốn dẫn đến nạn Quốc xã, cuộc Đại khủng hoảng toàn cầu 1929 và sự bất lực của Hội Quốc Liên trong việc giải quyết những mâu thuẫn sau Thế chiến thứ nhất. Từ đó Liên Hiệp Quốc, IMF, World Bank được thành hình, riêng Âu-Mỹ lập thêm khối NATO với mục tiêu bảo vệ thế giới tự do (free world) trước sự bành trướng của phong trào quốc tế cộng sản.

Sự kiện Liên Xô sụp đổ vào năm 1989 khiến Tây phương trở nên lạc quan đánh giá rằng trào lưu dân chủ tự do (liberal democracy) là hướng tiến tất yếu của nhân loại. Quan điểm này được thể hiện rõ ràng nhất qua quyển sách nổi tiếng The End of History and the Last Man (Hồi kết của Lịch sử) của học giả Francis Fukuyama. Hoa Kỳ tin vào một trật tự thế giới mới (new world order) dựa trên hợp tác quốc tế, thông tin Internet và thương mại toàn cầu (global trade), cộng thêm sức mạnh quân sự của Mỹ sẽ đẩy mô hình tự do lan rộng đến cả Nga, Trung Quốc và các nước đang mở mang.

Sau Chiến tranh Lạnh Hoa Kỳ với sự đồng thuận của Liên Hiệp Quốc đã dùng quân đội đánh đuổi Iraq ra khỏi Kuwait năm 1990; Hiệp ước mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA ký kết năm 1992; WTO ra đời năm 1994; khu vực tiền tệ chung Âu Châu Eurozone thành hình năm 1999. Những thời khắc nói trên có thể được xem như điểm cao của trào lưu toàn cầu hóa (globalization), nhưng giờ đây bị nhiều người phản đối như đã khai mầm cho niềm lạc quan ấu trĩ (irrational exuberant, mượn theo cụm từ của ông Alan Greenspan dùng trong kinh tế) khiến Hoa Kỳ theo đuổi mù quáng chính sách can thiệp quốc tế (interventionism) nhằm áp đặt một trật tự tự do toàn cầu thông qua áp lực kinh tế chính trị hay ngay cả bằng vũ lực, còn những thỏa ước thương mại quốc tế đã ký kết chỉ mang lợi cho giai cấp ưu đãi (elite) mà thiệt hại đến người dân bình thường ở các nước Tây Phương.

Hai biến cố vô cùng quan trọng làm lịch sử đổi chiều gồm chiến tranh Iraq năm 2003 và suy thoái kinh tế 2007-08. Chính quyền Bush nhân sự kiện khủng bố ở Washington D.C. và New York đã quyết định lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein với hy vọng gieo mầm móng tự do trong thế giới Hồi giáo. Nhưng Mỹ bị sa lầy tại Iraq; những năm sau đó Tây Phương hậu thuẫn phong trào Cách mạng Hoa nhài, kết quả lại khiến nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi tan rã dẫn đến hai tấn thảm kịch nhân loại ở Lybia, Syria cùng với sự trỗi dậy của ISIS. Hoa Kỳ đánh mất tính chính đáng (legitimacy) vì đã đơn phương sử dùng vũ lực áp đặt mô hình dân chủ tại Trung Đông; bài học cho thế giới và dân chúng Mỹ thấy đây là cuộc phiêu lưu ngu xuẩn và vô cùng tốn kém vì không đếm xỉa gì đến nét văn hóa và xã hội đặt thù trong khu vực. Trên phương diện tư tưởng, câu hỏi đặt ra là liệu mô hình dân chủ tự do có thật sự mang giá trị phổ quát hay không trong một thế giới vốn còn quá nhiều khác biệt về văn hóa và lịch sử – đề tài do cố giáo sư Samuel Huntington phân tích trong quyển sách Clash of Civilizations and the Remaking of World Order (Sự va chạm của các nền văn minh) nay được xem như lời tiên tri cho các tranh chấp trong thế kỷ 21.

Cuộc Đại suy về thoái kinh tế năm 2007-08 tại Hoa Kỳ và sau đó ở Âu Châu cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc cho thấy trào lưu thương mại toàn cầu không mang đến lợi ích đồng đều đến cho dân chúng Tây Phương. Giai cấp tinh hoa (elite) từng quảng bá rằng mức sống của mọi người sẽ nâng cao từ toàn cầu hóa, nhưng rồi không ít dân Âu-Mỹ bị đánh mất công ăn việc làm do cạnh tranh từ những nước đang phát triển. Cho dù thế giới có hàng tỷ người thoát ra khỏi nạn nghèo đói trong vòng 25 năm nhưng bù lại khoảng cách giàu nghèo tăng vọt giữa các tập đoàn tư bản đa quốc gia cùng thành thị vốn thích nghi với toàn cầu hóa, trái ngược với nông thôn vốn không chạy theo nhịp độ thay đổi cuồng loạn. Lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ dân chúng Tây Phương bi quan cho rằng con cháu họ sẽ nghèo đi trong tương lai.

Các nguồn tiền khổng lồ lưu chuyển dễ dàng giữa biên giới quốc gia (financial liberalization) cộng với sự hình thành khu vực đồng Euro là hai nguyên do góp phần dẫn đến nhiều cuộc khủng hoảng liên tục 2007-09 ở Mỹ, 2009-13 tại Âu Châu, 2013-16 sang đến Trung Quốc và các nước đang phát triển. Thêm vào đó làn sóng di cư ào ạt trà trộn với khủng bố, tội phạm và lạm dụng an sinh xã hội khiến dân chúng Tây Phương hoang mang cho rằng xã hội đang bị xói mòn, đất nước đang bị lỡ lói ngay trước mắt của chính họ. Dân chúng Âu-Mỹ đòi hỏi phải đắp đê điều ngăn cản cơn bão toàn cầu hóa.

Nhưng WTO, NAFTA, TTP và TTIP hạ thấp hàng rào thuế quan; Hiệp ước Shengen không cho các quốc gia Âu châu có quyền kiểm soát biên giới; đồng Euro tước mất quyền định đoạt của mỗi nước về giá trị đồng tiền. Người Mỹ phẫn nộ khi cuộc sống của họ bị quyết định bởi tầng lớp tinh hoa (elite) còn dân chúng Âu tức giận vì đánh mất chủ quyền quốc gia vào tay Brussels (thủ phủ Liên-Âu) và Berlin (do nước Đức quá mạnh thành ra áp đặt trật tự lên toàn châu Âu). Các phong trào Đại chúng (popularism) nổi lên giúp Brexit và Donald Trump thắng cử nhưng với số phiếu vô cùng sít sao cho thấy xã hội Tây Phương đang bị xâu xé nặng nề giữa trào lưu toàn cầu hóa và tinh thần quốc gia (nationalism).

Phản ứng chống lại trật tự tự do toàn cầu không chỉ giới hạn ở Tây Phương. Nga-Trung-Iran đều là những cường quốc văn minh lâu đời nên nay muốn khôi phục lại vai trò của họ trong một thế giới đa cực (multipolar world) và thoát ra khỏi ảnh hưởng của tư tưởng tự do phóng khoáng từ Tây Phương. Các nước này tuy không muốn đảo lộn trật tự hiện thời của thế giới nhưng lại quyết tâm bành trướng ra những khu vực lân cận vốn bị xem như vùng ảnh hưởng truyền thống, một phần do tâm lý bá quyền nước lớn nhưng cũng để tự bảo vệ với khu vực trái độn ngăn ngừa Tây Phương xâm lấn như đã từng xảy ra trong các thế kỷ 19 và 20 bởi thực dân và phát xít.

Nhiều nước Đông-Âu và những quốc gia đang mở mang cũng không ưa thích gì thái độ trưởng thượng (paternalistic) của giới tinh hoa và các chính quyền Tây Phương vốn đòi hỏi tiêu chuẩn quá cao cho quyền tự do của người đồng tính và chuyển giới (LGBT), hôn nhân đồng phái và việc hủy bỏ án tử hình cho các trọng tội. Mô hình xã hội dân chủ (social democrat) của Âu Châu bị xem là yếu đuối, tình trạng chia rẽ của chính quyền Hoa Kỳ bị đánh giá như kém hiệu năng khi so sánh với Trung Quốc phi dân chủ nhưng lại đang trên đà tiến nhanh chóng trở thành cường quốc hàng đầu trong thế kỷ thứ 21. Tại nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Phi Luật Tân, Thái Lan các nhà cầm quyền độc tài đã hô hào rằng trật tự xã hội ưu tiên cao hơn tự do cá nhân, còn ở Đông Âu các nước Ba Lan, Hung Gia Lợi và Bulgaria nghiêng dần về mô hình dân chủ phi tự do (illiberal democracy).

Nói tóm lại, chủ nghĩa tự do đang đi một vòng tròn bắt đầu với cách mạng trong mỗi quốc gia, trở thành mô hình cho toàn thế giới và nay trở lại do người dân trong mỗi nước tự quyết định.

Câu hỏi đặt ra khi thế giới quay mặt lại với trật tự do toàn cầu liệu có làm các nhà đấu tranh cho dân chủ nhân quyền hoang mang nản chí hay không? Cuộc đấu tranh sẽ khó khăn hơn và các nhà cầm quyền độc tài lại có thêm lý lẽ để tuyên truyền cổ võ cho chế độ, nhưng câu trả lời rất đơn giản: nơi nào có áp bức nơi đó có đấu tranh. Các nhà cầm quyền độc tài không thể che dấu người dân một khi tước đoạt phương tiện sống của họ. Mô hình trật tự toàn cầu có thể sẽ phải sửa đổi, thế giới trở thành đa cực và riêng với Việt Nam phải chấp nhận thực tế rằng ảnh hưởng từ Trung Quốc ngày càng mạnh so với Tây Phương. Nhưng “mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…” mới là một thực tế hiển nhiên không bao giờ thay đổi như đã quy định trong nhiều bản Hiến pháp.

 Đoàn Hưng Quốc

1 Phản hồi cho “Những thách thức cho chủ nghĩa tự do”

  1. tungphung says:

    Kính thưa ông Đoàn Hưng Quốc!
    Trong bài ông có đoạn tôi rất không đồng ý và phản đối quyết liệt tới cùng ” đây là cuộc phiêu lưu ngu xuẩn và vô cùng tốn kém vì không đếm xỉa gì đến nét văn hóa và xã hội đặt thù trong khu vực”. Hai chữ Ngu Xuẩn là sai và súc phạm tới Hoa kỳ. Hoa kỳ là quốc gia đầu tầu trong công cuộc khai hóa và mở mang Tự do và Nhân quyền cho loài người.
    Việc đưa Tự do và Nhân quyền đến với các quốc gia Hồi giáo làm chúng ta nhớ lại việc tương tự cho các quốc gia Châu Á, Đông nam Á giữa thế kỷ trước – Hồi đó các quốc gia này cũng có nhiều bất đồng với Hoa kỳ và Phương Tây nhưng nó là tiền đề cho sự trỗi giậy của Châu Á nói chung đặc biệt là Đông nam Á nói riêng. Việc không thành công ở khu vực Hồi giáo chỉ là tạm thời chưa thành công chứ không phải là thất bại. Tự do và Nhân quyền là cả một cuộc cách mạng trải qua nhiều năm tháng chứ không thể nhanh chóng mà thành được.
    Vì vậy nếu nói hành động đưa Tự do và Nhân quyền đến các quốc gia Hồi giáo là ngu xuẩn thì thật là sai lầm và thiển cận, hãy để lịch sử phán xét.

Leave a Reply to tungphung