WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Những suy nghĩ về đất nươc [2]

Lời mở đầu: Trăn trở theo vận nước điêu linh, người viết nghiêm chỉnh trình bày những suy nghĩ riêng tư với tinh thần trách nhiệm, chấp nhận những phản biện của bất cứ ai thực sự quan tâm đến vấn đề Đất Nước và sẵn sang thảo luận để mưu tìm một đường lối khả thi, hiệu quả trong công cuộc tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ ở quê nhà. Trang mạng, báo chí, cá nhân toàn quyền sử dụng bài viết.

Khi lưu lại địa chỉ email của mình trong bài viết, tôi có ý muốn lắng nghe những tiếng dội từ phía độc giả còn “ưu thời mẫn thế” vọng lại để thăm dò tâm tư của khối đa số thầm lặng nghĩ gì về Đất Nước. Qua lời mở đầu bài viết, tôi dùng chữ “thảo luận” là để bàn bạc một cách thân tình giữa những người còn quyến luyến, yêu thương nòi giống Việt với ý hướng xây dựng, mà không dùng chữ “tranh luận” để giành phần thắng, lẽ phải một chiều về phía mình. Từ khi bài viết được phát tán đến độc giả bốn phương, được các trang mạng đứng đắn phổ biến, tôi chưa nhận một thư nặc danh nào có lời lẽ bất xứng. Đó là triệu chứng đáng mừng. Tôi coi đó là dấu hiệu trưởng thành, chấp nhận đối thoại.

Chưa bao giờ tôi cảm thấy khích lệ vì nhận được rất nhiều lời động viên, cổ võ chân tình như mới đây. Nhiều độc giả tỏ ra hài lòng vì tôi đã nói giùm cho họ những điều mà từ lâu họ muốn nói. Một vài độc giả trách tôi tại sao chỉ nói lên những điều tiêu cực, mà không thấy đưa ra một lời giải nào cho bài toán Đất Nước. Sở dĩ phê bình như vậy, có lẽ độc giả không đọc hết bài viết, vì ở cuối bài tôi đã nói rõ rằng tôi sẽ trình bày đề nghị của tôi vào bài viết tới. Cũng có một vài người nghi ngờ tôi có ý đồ gì đó cho một chủ đích nào đó mà hãy còn giấu cái đuôi (!).

Tôi cho rằng sự ngờ vực, sự thắc mắc của độc giả là chính đáng. Bởi vì chúng ta đang sống trong một thời đại của “nhân danh”, mà khi nhìn thấy kết quả của “nhân danh” đó mang lại là những điều dối trá. Cộng Sản nhân danh giải phóng dân tộc thoát ra khỏi cảnh đời nô lệ bằng chiêu bài “Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc” thì nay không ai nhìn thấy độc lập, tự do, hạnh phúc đâu cả. Quốc Gia nhân danh chống Cộng bằng chiêu bài “Chính Nghĩa Dân Tộc” thì nay dân tộc đang lưu lạc, tứ tán khắp quả địa cầu. Nếu tin tưởng một cách mãnh liệt Chính Nghĩa Dân Tộc thì tại sao không nhìn thấy hiểm hoạ Cộng Sản để đoàn kết với nhau cho có sức mạnh nhằm bảo vệ phần đất Miền Nam? Phật Giáo chiếm 80% dân số, được xem là lực lượng đông đảo thì phân ra ít nhất làm hai: Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự, gây rối liên tục. Thiên Chúa Giáo cũng có thành phần linh mục đi với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Hai đảng chính trị Đại Việt và Quốc Dân Đảng có thành tích chống Cộng lâu đời nhất thì mỗi đảng đều có nhiều hệ phái khác nhau, chống đối lẫn nhau còn hơn chống Cộng. Tướng lãnh cầm đầu một lực lượng quân sự thiện chiến nhất thì chia bè, chia cánh để đảo chính, chỉnh lý nhau liên tục. Tha thiết vói chính nghĩa dân tộc, tại sao lại mua quan bán chức, nhận hối lộ? Lẽ ra, sau cuộc thất trận Tháng Tư 1975, nếu ai còn yêu quý cái “Chính Nghĩa Dân Tộc” thì phải biết quay mặt vào tường, cúi đầu tạ lỗi với Tổ Tiên để sám hối và nguyện từ bỏ thói hư tật xấu (nạn chia rẽ) là nguyên nhân Miền Nam sụp đổ. Khi nói như vậy, tôi cũng nhìn nhận mình có tội với Tổ Tiên vì đã không chiến đấu 100 phần 100 cho Tổ Quốc; chứ không có nghĩa là tôi chỉ biết lên án người khác.

Đa số thư do bạn đọc gửi tới, khen tôi can đảm, dám nói ra Sự Thật. Xin nói rõ, không phải làm bộ nhún nhường đâu nhé, tôi chẳng cảm thấy can đảm chút nào khi nói lên Sự Thật ở tại xứ sở Tự Do. Nếu tôi ở trong nước, dưới chế độ độc tài toàn trị cộng sản, có thể tôi không dám nói Sự Thật vì sợ nguy hiểm cho bản thân, cho gia đình. Vì không chấp nhận sống hèn, tôi phải lìa Đất Nước để phiêu giạt đến phương trời vô định. Do đó, khi đã đến được xứ sở tự do rồi, tại sao tôi phải sống hèn mà không dám nói lên Sự Thật? Chính vì quan niệm như thế, tôi đã quyết định đăng bài “Vàng Rơi Không Tiếc” của phi công Đào Vũ Anh Hùng vạch trần sự lừa đảo, gian dối của Mật Trận HCM nhân danh “Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam”. Dù bị những cú điện thoại không tên gọi đến nhà hăm doạ, khủng bố vợ con, tôi vẫn không lùi bước. Tôi đã thực hiện một số báo Thần Phong để tố giác những việc làm sai trái của Mặt Trận HCM, mặc dầu trước đó nhà văn, nhà báo nào động đến Mặt Trận đều bị giết chết hoặc bị hành hung. Đó là trường hợp ký giả Đạm Phong, Lê Triết, nhà văn Duyên Anh, nhà tranh đấu Nguyễn Gia Kiểng. Vì không có đủ chứng cớ, tôi không nói Mặt Trận HCM là thủ phạm giết người, hành hung.

Vì không ở vào hoàn cảnh của tôi, quý độc giả không thể tưởng tượng ra nổi sự khủng bố của Mặt Trận HCM kinh khiếp đến múc nào. Sự khủng bố không bằng vũ khí, nhưng bằng những cú điện thoại vô danh liên tục ngày đêm đe doạ tinh thần đến nỗi phi công Phạm Đăng Cường, người từng lao mình vào lửa đạn phòng không địch phải tuẫn tiết vì bị chụp mũ cộng sản; đến nỗi toàn thể chiến sĩ Không Quân tại thành phố Houston đều im lặng và để mặc một mình tôi đương đầu, dù tất cả hội viên KQ đều đồng ý câu “Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè” làm tiêu chí trên giai phẩm Lý Tưởng.

Tôi có thể nói: “Nếu Hoa Kỳ ném tất cả những người Việt tị nạn cộng sản vào một hoang đảo, cung cấp cho thức ăn, nước uống và phương tiện sinh sống, tự cai quản lấy thì người Việt tị nạn sẽ bị Mặt Trận HCM thống trị không khác gì bọn cầm quyền cộng sản trong nước”. May mà chúng ta được luật pháp và cơ quan an ninh của Hoa Kỳ bảo vệ. Đảng Cộng Sản Việt Nam xây dựng trên sự lừa đảo, dối trá, khủng bố, đàn áp đưa đến một đất nước tan hoang, đạo đức suy đồi, nô lệ ngoại bang. Việt Tân là một tên mới của Mặt Trận HCM, một tổ chức đấu tranh mang danh nghĩa “Quốc Gia” cũng xây dựng trên sự lừa đảo, dối trá, khủng bố thì chắc chắn Việt Nam cũng sẽ lãnh hậu quả không khác gì hiện nay, nếu Việt Tân có cơ hội cầm quyền. Điều tôi nói là sự cảnh báo cho người nào có lòng yêu nước, nhưng nhẹ dạ, hãy thức tỉnh. Đối với người nào có “ăn chịu” với Mặt Trận HCM để giành miếng đỉnh chung, hy vọng trở thành “đại gia” như cộng sản ngày nay thì sẽ tìm cách “đánh” tôi bằng cách bôi nhọ, chụp mũ hay bạo hành. Tôi chấp nhận, vì đó là cái giá phải trả để đối diện với Sự Thật. Một lần nữa tôi kêu gọi ai đã toa rập với Mặt Trận trong sự ăn gian, nói dối hãy bước ra ánh sáng để tố cáo hành vi của Mặt Trận mà nay Việt Tân đang kế tục. Cựu Trung tá Phi công Nguyễn Kim Huờn còn nợ Đào Vũ Anh Hùng và anh em Không Quân một thư phúc đáp về những câu hỏi trong “Vàng Rơi Không Tiếc” và về cái chết của phi công Phạm Đăng Cường. Anh có thấy im lặng là hèn nhát không?

Độc giả thắc mắc tại sao tôi dám động chạm đến những vấn đề “nhạy cảm” như Mặt Trận HCM, Cờ Vàng, Tập Thể Chiến Sĩ, Hội Đồng Tướng Lãnh ư? Xin trả lời: Tại vì tôi có hoàn cảnh và điều kiện:

1/ Khi nghe tin hai người bác và một người chú bị nhục mạ, đánh đập và bỏ đói cho tới chết trong Cải Cách Ruộng Đất vào năm 1953, tôi thề sẽ không bao giờ đội trời chung với cộng sản. Giá như bác, chú tôi là những tham quan ô lại, hà hiếp dân lành, tay sai Thực dân mà bị giết cho cam. Hai bác tôi, một người – Tham tri Đặng Văn Oánh – được Việt Minh mời làm Chủ tịch Mặt Trận Liên Việt ở Liên Khu Tư; một người – Thượng thư Đặng Văn Hướng – được Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng trong chính phủ Liên Hiệp. Vì cần tạo uy tín, Hồ Chí Minh chọn những khoa bảng được nhân dân yêu quý, có tinh thần yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng vào Mặt Trận hay Chính Phủ. Lúc kháng chiến chưa thành, Hồ đã vâng lệnh Mao Trạch Đông thi hành một chủ trương bất nhân, vô đạo tru diệt người hiền tài. Vì vậy, tôi đã nhìn thấy bộ mặt thật của cộng sản rất sớm sủa. Lúc nào có dịp, tôi đều nhắc nhớ đến bác tôi để phục hồi danh dự của bác với lịch sử, để con cháu đừng bao giờ quên tai hoạ cộng sản.

2/ Khi đang học Đệ Nhị trường Quốc Học Huế, tôi được ba tổ chức Đảng muốn kết nạp. Có lẽ tại vì họ thấy tôi thường tỏ thái độ căm ghét cộng sản chăng? Tôi không gia nhập Cần Lao vì nghe người cán bộ đảng này hứa hẹn nếu vào Đảng thì sẽ được Đảng cho đi học ngoại quốc. Chưa gì đã đem miếng mồi “đặc quyền” để dụ, khiến tôi khinh. Tôi tham gia Đảng Đại Việt vì nhận thấy người cán bộ tổ chức này “có dáng” hơn anh cán bộ của Quốc Dân Đảng; chứ không phải vì tôi có đủ trình độ hiểu biết để đánh giá chủ thuyết Dân Tộc Sinh Tồn của Trương Tử Anh hay hơn chủ thuyết của Nguyễn Thái Học. Ngày tuyên thệ vào Đảng, sau phần nghi thức, anh cán bộ phụ trách kỷ luật đưa cao khẩu súng Colt trước mặt tôi và nói: “Kể từ giờ phút này đồng chí là đảng viên của Đảng Đại Việt. Đồng chí có nghĩa vụ tuân hành nghiêm chỉnh kỷ luật Đảng. Nếu đồng chí phản Đảng thì khẩu súng này sẽ trừng trị đồng chí”. Tôi nhìn thẳng vào mặt người bí thư chi bộ và nói: “Tôi xin cam kết tuyệt đối trung thành với Đảng, nhưng một ngày nào đó Đảng phản lại quyền lợi của Tổ Quốc, tôi sẽ là người trừng trị Đảng”. Có lẽ chưa bao giờ nghe lời nói “ngỗ nghịch” của một tân đảng viên như tôi, anh bí thư chi bộ vỗ vai tôi trấn an: “Đồng chí yên tâm, Đại Việt không bao giờ phản lại quyền lợi Tổ Quốc”. Tôi coi Đảng chỉ là phương tiện để chống độc tài cộng sản. Tổ Quóc mới là đối tượng phục vụ.

Lénine nói: “Tổ chức, tổ chức, tổ chức. Không có tổ chức là không có gì cả”, tôi cho rằng đó là câu nói đúng. Đấu tranh mà không có tổ chức thì sẽ không có sức mạnh. Nhưng khi vào Quân Đội, tôi không sinh hoạt Đảng, vì Quân Đội đã là tổ chức và tôi nghĩ rằng quân nhân không nên làm chính trị. Tôi đâm đơn vào Không Quân, chẳng phải do lòng yêu nước, mà vì cái thói lãng mạn, ưa giang hồ vặt. Gia nhập đảng chính trị mà không làm chính trị, có lẽ độc giả khó tin. Ý tôi muốn nói, tôi không “vịn” vào chính trị để tiến thân.

Sau cuộc Cách mạng 1 tháng 11 năm 1963, Chủ tịch Hà Thúc Ký ra khỏi tù. Tôi đến thăm ông không phải vì danh nghĩa đồng chí, mà vì ông là người thân trong gia đình. Ông là bạn hoạt động chống Pháp thời sinh viên với các anh tôi ở trường Cao đẳng Hà Nội và năm 1963 tôi mới biết mặt vị Chủ tịch Đảng của mình. Tôi cho ông biết tôi là đảng viên Đại Việt, được kết nạp ở Huế, nhưng từ khi gia nhập Quân Đội thì tôi không còn sinh hoạt chi bộ. Cụ Ký thương tôi như một cậu em trong gia đình, bảo tôi đến làm việc trực tiếp với Cụ. Nhiệm vụ chủ yếu của tôi là thông dịch mỗi khi Cụ tiếp xúc với người Mỹ, tu chỉnh tài liệu học tập cho đảng viên. Một lần Cụ Ký hỏi tôi: “Cậu có muốn ra dân biểu không? Ta sẽ đưa cậu ra”. Được vị Chủ tịch tín cẩn, đưa ra ứng cử ở địa phương có ảnh hưởng mạnh của Đảng thì cơ hội trúng cử sẽ rất cao, nhưng tôi từ chối: “Xin anh hãy chọn người có công với Đảng để anh em khác khỏi phân bì. Em thích lái máy bay hơn. Vả lại, ở lãnh vực nào thì em cũng đều phục vụ Đất Nước”. Người thay thế tôi ở địa phương do Cụ Ký chỉ định đã trúng cử. Từ đó, Cụ Ký vốn có lòng thương mến tôi lại càng nể “thằng em” biết điều. Phải nói tôi thuộc loại C.O.C.C (tức là Con Ông Cháu Cha) vì có mấy người anh bà con làm Thủ tướng, Thượng Nghị sĩ, nhưng không bao giờ đi cửa … hậu để hưởng đặc quyền. Trung tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Quân Đoàn, thường hỏi “chú mày” có cần gì anh giúp không, thì tôi chỉ cười và nói cảm ơn. Tôi từng tham dự các chiến trường ác liệt sôi động nội địa, ngoại biên như Krek, Kongpong Chàm, Kongpong Thom, Kongpong Speu, Bastogne, Daksut, Dakto … thoát chết nhiều lần. Sợ thì có sợ, nhưng chưa hề nghĩ đến chạy chọt để bảo vệ Chữ Thọ. Chẳng phải anh hùng gì, chỉ ngại bị anh em đồng đội khinh thường. Phần lớn những đồng đội của tôi mới xứng đáng là anh hùng.

3/ Sau khi không đồng ý phương thức tổ chức đấu tranh chống Cộng của Phó Đề độc Hoàng Cơ Minh, chúng tôi ban đầu gồm bốn người – Cụ Hà Thúc Ký, cựu Thương Nghị Sĩ Đoàn Văn Cầu, cựu Dân Biểu Nguyễn Văn Kim và tôi – bí mật thành lập một tổ chức có danh xưng Mặt Trận Việt Nam Tự Do nhằm đoàn kết tất cả các xu hướng chính trị Quốc gia, chứ không phải chỉ có đảng viên Đại Việt. Cụ Hà Thúc Ký là Chủ tịch, Nghị sĩ Đoàn Văn Cầu là Phó Chủ tịch đặc trách Tuyên huấn, Dân biểu Nguyễn Văn Kim là Phó Chủ tịch đặc trách Tổ chức, còn tôi không giữ một chức vụ nào cả, ngoại trừ phụ tá cho Tuyên huấn và Tổ chức. Tức là vừa góp sức vào viết tài liệu học tập cho cán bộ vừa đi tìm đối tượng có lòng yêu nước, có lý tưởng để phát triển tổ chức. Kể ra như thế để độc giả hiểu rằng tôi chỉ mong làm được việc, không cần phải có danh, có chức vụ. Nhờ tài hùng biện, nhờ dám thoát ly gia đình, dấn thân cho cách mạng toàn thời gian, Dân biểu Nguyễn Văn Kim đã phát triển Mặt Trận Việt Nam Tự Do khắp Hoa Kỳ, một số thành phố có đông người Việt ở Gia-nã-đại và một số quốc gia Âu Châu. Có một vài phần tử mang danh nghĩa chống Cộng, vì quen thói đố kỵ, đã chụp mũ cộng sản lên đầu Nguyễn Văn Kim. Tôi hết sức khinh miệt cái hạng chống Cộng kiểu đó. Thân sinh Dân biểu Nguyễn Văn Kim làm Tri huyện dưới triều Nguyễn – cùng quê Nghệ An với tôi – bị cộng sản đấu tố cho tới chết. Tuy còn là cậu bé, Nguyễn Văn Kim (tên thật là Tú) đã lén mang xác bố về chôn cất một nơi, rồi tìm đường vượt tuyến vào Nam và tham gia một đảng chống Cộng – Đại Việt. Là người được trời phú cho khoa ăn nói lưu loát, lý luận vững vàng, cuộc sống đạm bạc, kham khổ, trong sạch, Nguyễn Văn Kim bị các đối thủ chính trị thù ghét. Bọn này không đủ trí tuệ để tranh luận ở nghị trường, đã chụp cho Nguyễn Văn Kim cái mũ cộng sản. Tiếc thay! Nguyễn Văn Kim vắn số. Anh mất đi khiến cho Mặt Trận Việt Nam Tự Do và hàng ngũ chống Cộng mất đi một chiến sĩ tài ba.

4/ Năm 1985, tôi tháp tùng Cụ Hà Thúc Ký, anh Nguyễn Văn Kim về Thái Lan, tiếp xúc với một số Tướng lãnh Thái để đặt một đầu cầu đưa cán bộ xâm nhập nội địa nhằm xây dựng hạ tầng cơ sở. Chúng tôi đến tận vùng biên giới thanh sát địa điểm, nhưng cuối cùng hủy bỏ dự tính lập đầu cầu vì nhận thấy các Tướng lãnh Thái Lan chỉ muốn biến chúng tôi thành thứ lính đánh thuê canh giữ an ninh vùng biên giới cho họ. Hơn nữa, vào thời điểm ấy, CSVN đã có thái độ hoà hoãn với 6 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong đó có Thái Lan, cho nên Thái Lan vì quyền lợi có thể bán đứng chúng tôi cho cộng sản. Cuối cùng, Mặt Trận Việt Nam Tự Do (VNTD) quay về đường hướng cũ, nghĩa là tiếp tục kết nạp đoàn viên, xây dựng cơ sở kinh tài, phát triển ngoại vi. Khi Việt Nam mở cửa, chúng tôi gửi cán bộ về nước bằng đường du lịch để móc nối với đảng viên Đại Việt cũ đều bị Công An cộng sản bắt trọn, đã khiến cho Mặt Trận khựng lại. Cứ chừng ấy công tác, không có công tác nào cụ thể gây niềm hào hứng, khiến cho đoàn viên càng ngày càng nản chí, tự ý nghỉ sinh hoạt khá nhiều. Có thể nói sự bế tắc đường lối của MTVNTD cũng là bế tắc chung của những đoàn thể đấu tranh cách mạng ở hải ngoại. Kể từ đó, tôi không còn nghĩ tới bạo lực cách mạng nữa, mà phải đi vào con đường đấu tranh chính trị công khai với kẻ thù. Tôi đề nghị với cụ Ký và anh Kim thành lập cơ sở ngoại vi quy tụ tầng lớp trí thức trẻ, có lòng yêu nước để xây dựng “đội ngũ chất xám” cho công cuộc đấu tranh chính trị trong tương lai khi tình thế cho phép. Thí điểm đầu tiên là Hội Văn Hoá Khoa Học tại thành phố Houston. Hội vẫn còn hoạt động rất tốt cho tới hôm nay và đã tạo được tiếng tốt trong cộng đồng.

5/ Năm 1989 bức tường Bá Linh sụp đổ; năm 1991 Xô-Viết tan rã, một số cựu đảng viên Đại Việt trong nước được sang Hoa Kỳ theo diện H.O. Cụ Hà Thúc Ký bắt liên lạc với các đồng chí cũ, bí mật tái lập Đại Việt Cách Mạng mà không cho Ban Chấp hành Trung Ương của Mặt Trận VNTD biết, đã làm cho các thành viên không có gốc Đại Việt bất mãn, bắt đầu sinh hoạt nội bộ lơ là. Cựu Đại sứ Bùi Diễm, đảng viên Đại Việt lão thành, nhưng từ sau 1975 không sinh hoạt trong MTVNTD của cụ Hà Thúc Ký cũng như trong Liên Minh Dân Chủ của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, nhận thấy tình hình thế giới thay đổi, đã đem hết tài ngoại giao để thuyết phục các đảng viên cao cấp Đại Việt thuộc tất cả các hệ phái kết hợp với nhau để tạo sức mạnh khi có hoàn cảnh thương thuyết với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Một cuộc họp thống nhất Đại Việt hết sức cảm động đã diễn ra ở vùng Vịnh San Francisco, Bắc California vào ngày 28 tháng 5 năm 1988 tại nhà đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh, người bạn cùng khoá Không Quân của tôi, gồm có các đồng chí (theo thứ tự ABC): Nguyễn Văn Ánh, Nguyễn Văn Canh, Bùi Diễm, Đặng Văn Đệ, Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Ngọc Huy, Hà Thúc Ký, Cung Đình Quỳ, Đặng Văn Sung, Đào Nhật Tiến, Lê Tấn Trạng và tôi. Sau phần nghi thức khai mạc trước bàn thờ Tổ Quốc có trưng bày di ảnh cố Đảng trưởng Trương Tử Anh, mọi người trở về bàn an vị. Cụ Cung Đình Quỳ mặc dầu cấp bộ trong Đảng thấp hơn các đồng chí Nguyễn Tôn Hoàn, Đặng văn Sung, Hà Thúc Ký, Nguyễn Ngọc Huy…, nhưng là đồng chí cao niên nhất (92 tuổi) được phát biểu đầu tiên. Đó là một lão trượng quắc thước, Cụ Quỳ dõng dạc hùng hồn, lên án sự mất đoàn kết giữa những đảng viên cao cấp. Nghe Cụ Quỳ nói mà tôi tưởng chừng như Đảng trưởng Trương Tử Anh hiện hồn về hài tội mấy đồng chí từng tuyên thệ dưới lá cờ Đảng năm xưa. Các anh Sung, Diễm, Hoàn, Huy, Ký, Đệ, Tiến đều rưng rưng nước mắt tỏ ra cực kỳ thống hối vì đã chia rẽ nhau để cho Miền Nam rơi vào tay cộng sản. Nói lời cuối cùng, Cụ Quỳ kết luận: “Kể từ nay, tôi mong các đồng chí phải nhất tâm đoàn kết để phất ngọn “Cờ Đại Việt” giải phóng quê hương!”. Tuy không có tiếng vỗ tay rào rạt tán thưởng, mỗi đồng chí cao cấp đều bắt tay nhau cam kết sẽ dốc lòng tận tụy đến hơi thở cuối cùng để không hổ thẹn với vong linh Đảng trưởng dưới suối vàng. Sau đó, mỗi đồng chí phát biểu cảm tưởng của mình theo thâm niên trong đảng. Các đồng chí ở vị trí lãnh đạo hệ phái đều bày tỏ niềm ăn năn, hối hận vì đã chia rẽ nhau, vì thiếu cảm thông nhau. Đến lượt tôi phát biểu (trước đồng chí Lê Tấn Trạng, Nguyễn Văn Ánh vì thâm niên tuổi đảng hơn) đại ý như sau: “Tôi hết sức sung sướng được chứng kiến những cái bắt tay đoàn kết của các đồng chí niên trưởng. Thế hệ chúng tôi giống như một đàn con có cha mẹ ly dị nhau, theo cha thì mẹ buồn, theo mẹ thì cha không vui. Cùng mang danh đảng viên Đại Việt mà tôi thì thuộc cánh anh Hà Thúc Ký, còn anh Nguyễn Quang Vĩnh – gia chủ ngôi nhà này – cùng khoá Không Quân với tôi thì thuộc cánh anh Huy cũng đâm ra không thoải mái, thường có thái độ như cảnh giác, đề phòng nhau. Giọng nói của đồng chí niên trưởng Cung Đình Quỳ nghe như hồn thiêng sông núi vọng về, tuy nhiên có một điểm mà tôi không tán đồng…” Nói đến đó, tôi ngưng khoảng 30 giây, những đồng chí cao niên lo lắng đợi chờ tôi sắp sửa nói không tán đồng điều gì. Tôi tiếp: “Tại sao đồng chí niên trưởng không yêu cầu tất cả đảng viên Đại Việt quyết tâm phất ngọn “Cờ Dân Tộc” để cùng các đảng phái bạn như Quốc Dân Đảng, Duy Dân, Dân Xã … và ngay cả với Cần Lao là đảng đã từng cầm tù đồng chí của ta, mà chỉ nói đến ngọn “Cờ Đại Việt?”. Lời phát biểu chí tình của tôi gây ngạc nhiên cho các đồng chí hiện diện không ít, nhưng ai có thể phản bác điều tôi nói? Tôi luôn luôn nghĩ công cuộc cứu quốc là trách nhiệm của mọi người, mọi đảng. Vì thế tôi kính trọng và ủng hộ những ai thực lòng tranh đấu cho tự do xứ sở (dù ở đảng nào), chứ không một chút vị kỷ, tị hiềm vì họ không thuộc tổ chức mình. Tôi còn nêu ra nhiều khuyết tật trong sinh hoạt đảng, như vấn đề đảng viên của anh Huy thì đa số là người Nam; đảng viên của anh Ký thì đa số là người Trung, điều đó chứng tỏ chúng ta đã không thi hành đúng với tinh thần chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn do Đảng trưởng đề ra. Có phải Đảng mình chống Pháp mà đầu óc vẫn còn bị Pháp gieo mầm chia rẽ Nam Bắc?

Tới giờ giải lao, đồng chí Đặng Văn Sung với tư cách là ông anh thúc bá, quở trách tôi: “Chú mày đúng là dân nhà binh, chú mày nói vậy làm buồn lòng Cụ Quỳ, anh Ký, anh Huy lắm đấy!”. Không dám vô lễ phản đối sự khiển trách của anh mình, nhưng tôi nhận thấy cái tinh thần cục bộ “vì đảng, cho đảng” là không đúng; mà phải là “vì dân, cho dân”. Tuy im lặng nhưng thâm tâm tôi thầm nghĩ rằng nếu mai này đảng Đại Việt giành được thắng lợi thì kịch bản đảng tranh không thể tránh khỏi. Có thể vì lời phát biểu của tôi mà sau cuộc họp “kết hợp” sơ bộ đó, các đồng chí cao niên trong đảng họp hành gì với nhau không cho tôi biết nữa. Thẳng mực tầu thì đau lòng gỗ, nói năng khẳng khái thì khó làm vừa lòng người nghe! Cho nên, tôi thích cuộc đời bay bổng hơn là nhảy ra làm chính trị, không phù hợp với cái bản chất “nhà binh” của mình.

6/ Trong buổi họp hành quân thi hành chiến dịch cầu không vận tiếp tế Ban Mê Thuột, sau phần thuyết trình khí tượng, quân báo, kỹ thuật hợp đoàn, Trung tá Tư Lệnh Không Đoàn hất hàm hỏi ai có ý kiến gì không. Một Trung uý hoa tiêu trẻ tuổi, đưa tay xin phép phát biểu: “Tôi không thấy có ý kiến gì về đặc lệnh hành quân, tuy nhiên tôi muốn hỏi tại sao không lấy tên chiến dịch là một vị anh hùng trong lịch sử, mà lại lấy tên chiến dịch là “Kỳ Duyên Mai”, tên của Tướng Kỳ, con gái và vợ ghép lại? Cuộc chiến đấu của ta không thuần là quân sự, mà còn cả tâm lý nữa. Kẻ thù sẽ lợi dụng phản tuyên truyền mà cho rằng chúng ta đang phục vụ cho một cá nhân, chứ không phục vụ cho quyền lợi dân tộc!”. Gương mặt vị chỉ huy đanh lại, cả phòng họp bỗng nhiên im lặng. Tôi có cảm giác như bị một quả đấm thoi vào người khi Trung tá Tư Lệnh quát: “Anh ngồi xuống đi!”. Từ đó anh em trong đơn vị đặt cho tôi cái hỗn danh Đặng Văn Ẩu (Âu thêm dấu hỏi), vì dám đặt câu hỏi với vị chỉ huy mà ai ai cũng sợ. Nói lên điều công ích có thể chối tai người nghe, dễ bị trù yểm, nhưng tôi vẫn nói, vì từ thuở đi học tôi đã mê và thuộc lòng bài thơ “Lời Mẹ Dặn” của Phùng Quán.

7/ Khi đọc tin trên báo, tôi mới biết đảng Đại Việt đã kết hợp xong và hai đồng chí Hà Thúc Ký, Nguyễn Tôn Hoàn chia nhau nắm giữ chức vụ “Đồng Chủ Tịch”. Bỏ tờ báo xuống mặt bàn, lòng tôi ngao ngán. Những người như anh Ký, anh Hoàn tham gia sinh hoạt đảng từ thời chống thực dân Pháp, từng vào tù dưới chế độ độc tài, tôi tưởng các anh coi nhẹ đường công danh, xem hạnh phúc đồng bào là trọng. Một câu hỏi thoáng qua trong đầu: “Tại sao hai anh không thể nhường nhau để một người làm Chủ Tịch và một người làm Phó Chủ Tịch, có phải đẹp hơn không?”. Đồng chí Lê Quang Lưỡng, cựu Tướng Tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, đảng viên Đại Việt thuộc cánh giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, gọi điện thoại cho tôi và nói như khóc trong máy, cùng có chung một nỗi buồn như tôi. Thế là hai chúng tôi đồng lòng âm thầm ly khai khỏi đảng mà không một ai biết chúng tôi ra khỏi đảng, trừ trong nội bộ. Anh Lưỡng cũng từng về Thái Lan, tìm địa bàn để lập đầu cầu xâm nhập nội địa.

Trong cuộc đời binh nghiệp và hoạt động cách mạng, tôi đã nếm trải những vui buồn với đồng đội, với đồng chí. Bây giờ ở tuổi thất thập, không còn mơ chuyện lấp bể vá trời, vì sức tàn lực kiệt, trí tuệ cùn mòn. Cố gắng nói lên điều gì chỉ là phản ảnh tâm tư còn trăn trở với vận nước, không nhằm xúc phạm ai hoặc tâng bốc ai. Và chẳng ai có thể cám dỗ tôi bằng tiền bạc hay mỹ nhân kế, bởi vì tôi không có nhu cầu vật chất và chưa hề đặt chân về Việt Nam để bị Nhà Nước Việt Cộng cấy “sinh tử phù”.

*
Dù sang dù hèn, dù trí thức hay thất phu, ai ai cũng có một lý lịch. Tôi trình bày lý lịch của tôi để chứng minh điều tôi nói ở trên: “Tại vì tôi có hoàn cảnh và điều kiện”.

Là một Phật tử và lại là cựu đảng viên Đại Việt – đảng chống chế độ Ngô Đình Diệm – tôi lên án bọn Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường đội lốt Phật giáo làm loạn gây nên cuộc biến động Miền Trung, thì họ không thể quy cho tôi là Cần Lao Công Giáo. Đó là hoàn cảnh.

Là người lính từng đem mạng sống của mình để bảo vệ Lá Cờ Vàng, tôi không mang mặc cảm của kẻ trốn quân dịch, phản chiến, đào ngũ để sợ ai nghi ngờ sự tôn trọng của mình đối với Lá Cờ Vàng. Tôi thẳng thắn nói lên chính kiến của mình để ngăn bọn con buôn chính trị lạm dụng Lá Cờ Vàng vì mục đích làm tiền bẩn thỉu hay núp bóng. Đó là điều kiện.

Lá Cờ Vàng là bảo vật thiêng liêng vì đã khiến cho vô số chiến sĩ Quốc Gia đã không tiếc máu xương để bảo vệ. Hãnh diện biết bao khi thấy Lá Cờ Vàng tung bay trở lại trên kỳ đài Cố Đô Huế sau khi Quân Đội của ta tái chiếm! Tự hào đến ứa nước mắt khi thấy Lá Cờ Vàng tung bay trên Cổ Thành Quảng Trị bằng máu xương của những chiến sĩ hào hùng Thủy Quân Lục Chiến VNCH! Càng hãnh diện, tự hào về Lá Cờ Vàng bao nhiêu thì càng căm ghét bọn “Xôi Thịt”, bọn con buôn chính trị lạm dụng Lá Cờ Vàng bấy nhiêu! Ngày nay, bảo vật thiêng liêng đó không còn được Quốc Tế công nhận thì đau lòng lắm, chỉ còn biết hành xử như bậc quân vương than thở: “Đập cổ kính ra tìm thấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi” và tâm niệm với lòng sẽ tận lực góp sức đấu tranh vì Tự Do, Dân Chủ cho Việt Nam để không phụ vong linh những chiến sĩ đã bỏ mình vì Lá Cờ Vàng.

Theo tôi, cha mẹ đã khuất, con cái hoà thuận, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, sống lương thiện là cách để báo hiếu công đức sinh thành dưỡng dục. Tương tự, Lá Cờ Vàng không còn được quốc tế nhìn nhận, kẻ nào đã phụng sự Lá Cờ Vàng, coi Lá Cờ Vàng là biểu tượng Tự Do thì hãy thương yêu, đùm bọc, nâng đỡ, dìu dắt nhau, làm rạng danh nòi giống Việt trên thế giới là cách bày tỏ sự tôn kính Lá Cờ Vàng. Bao lâu Lá Cờ Vàng phất lên ra hiệu lệnh mà tất cả người Việt tị nạn cộng sản bốn phương răm rắp tuân thủ thì Cờ Vàng là vũ khi. Bao lâu chúng ta có thể đòi hỏi thay lá Cờ Đỏ Sao Vàng trước tiền đình Liên Hiệp Quốc bằng Lá Cờ Vàng thì mới coi đó là thắng lợi. Chính trị gia Hoa Kỳ rất thực tiễn. Họ không tiếc gì một chữ ký thừa nhận Lá Cờ Vàng để đổi lại lá phiếu cử tri người Mỹ gốc Việt. Do đó, dù Lá Cờ Vàng tung bay khắp nước Mỹ thì chỉ có tính trình diễn, còn số phận đồng bào trong nước vẫn không thay đổi.

Bỏ nước ra đi tìm tự do, không phải ai ai cũng tâm niệm làm một điều gì để cứu nguy đồng bào mình. Thậm chí hưởng lạc, du hí, quay lưng trước nỗi khổ của đồng bào đi nữa thì cũng chẳng ai được quyền phê phán. Nhưng về Việt Nam dùng tiến mua thân xác gái trẻ nghèo khổ vào hàng con cháu, lừa đảo, khai man lý lịch thì đừng làm bộ chống Cộng ồn ào khi trở ra hải ngoại. Ít ra cũng cần có sự lương thiện tối thiểu để làm người tử tế. Phải chăng có những nhóm người chống Cộng nham nhở hiện nay vì tuân theo sự chỉ đạo của Công An trong nước để làm rối loạn Cộng Đồng? Có những phần tử suốt ngày ở trong bốn bức tường, có máy điều hoà không khí, ngồi trước màn hình máy vi tính, viết những bài chống Cộng rất nẩy lửa thể theo thị hiếu quần chúng để được đánh giá là người có tinh thần chống Cộng cao, làm bộ như mình là người thực sự yêu nước thương nòi! Bao lâu trong xã hội người Việt tị nạn cộng sản còn những hạng người như thế, Cộng Đồng còn bị chia rẽ trầm trọng. Nói thế này thì nghe ra có vẻ phũ phàng, nhưng trong thực tế có một hạng người chống Cộng ở hải ngoại rất lo sợ chế độ cộng sản sụp đổ, vì như thế thì họ sẽ không có chỗ đứng trong cộng đồng.

Tôi quan niệm rằng người Việt hải ngoại đấu tranh là để thay đổi số phận đồng bào cơ cực trong nước, chứ không phải là để tạo một phòng tuyến phi Cộng sản ở cái xứ sở mà Hiến pháp tại quốc gia sở tại không đặt chủ nghĩa cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Nếu cứ nhất thiết lập phòng tuyến phi cộng sản thì cái phòng tuyến đó đang bị vỡ. Tôi biết có những “đại gia” trong nước ra ngoài này mua nhà cửa, cơ sở thương mại và được những nhà địa ốc nổi tiếng chống Cộng phục vụ khách hàng hết sức cần mẫn. Tại sao lại vừa giả bộ chống Cộng, vừa ra sức hản mã phục vụ như thế? Có phải vì hèn không?

Vậy ai là người có thể làm chuyện thay đổi chế độ trong nước? Năm 1995, trong phiên họp Ban Chấp hành Hội Ái Hữu Không Quân tại Houston, với tư cách Hội trưởng tôi đề nghị như sau: “Mặc dầu Hội ta chỉ là Hội Ái Hữu, nhưng vẫn có thể đóng góp vào sự thay đổi Đất Nước được. Nhận thấy hiện nay có nhiều du sinh trong nước sang học ở các Đại học tại thành phố này, chúng ta nên khuyên con cái chúng ta tiếp cận đám du sinh ấy, mời họ đến tham dự các buổi sinh hoạt ngoài trời (picnic) hoặc các buổi họp mặt văn nghệ để dần dà chuyển hướng tư duy của họ. Đó là cách để cho cho họ thấy các bác, các chú trong Quân Lực VNCH không phải là những phần tử ác ôn, có nợ máu với nhân dân như họ thường bị nhồi sọ, tuyên truyền. Tôi tin rằng những du sinh đó sẽ là những người thay đổi chế độ trong nước”. Anh em Hội viên cho rằng cái đề nghị của tôi quá táo bạo, thế nào những phần tử chống Cộng trong Cộng Đồng sẽ lên án chúng ta làm lợi cho Cộng Sản. Một tiếng nói cảnh giác tôi: “Anh nên nhớ du sinh là con ông cháu cha của chế độ. Ta đâu có thể giúp cho chúng lại tiếp tục ngồi trên đầu trên cổ đồng bào ta?”. Tôi lập luận: “Mặc dầu tôi thường xuyên đem những bài học về quê hương, dân tộc ra giảng dạy con cái, nhưng tôi thấy khó lòng mà chúng sẽ trở về giúp xứ sở, bởi vì sau khi ra trường chúng mắc nhiều thứ nợ, nào nợ xe, nợ nhà, nào nợ vay tiền học, rồi lập gia đình. Chúng sẽ biến thành tù nhân những tài sản thủ đắc, mà tôi nghĩ con cái của các anh chị cũng thế. Khi xưa, các anh em trong họ hàng của tôi đều học trường Pháp do Thực dân đào tạo, nhưng khi phong trào giành độc lập nổi lên, các anh em trong họ hàng tôi đều lên đường đánh Pháp. Tôi đã đọc những bài viết của con cái cán bộ cao cấp Cộng Sản. Họ cũng muốn Đất Nước thay đổi”. Dù dẫn chứng bằng những sự kiện lịch sử, tôi vẫn không thuyết phục được, vì anh em hội viên ngại bị chụp mũ tiếp tay cộng sản.

Đã gọi là đấu tranh chính trị thì phải tiếp cận (approach, engage) đối thủ, bởi vì nguyên tắc cơ bản của chính trị là thương thuyết để đi đến thỏa hiệp. Nếu nói ta chưa thể thương thuyết với đối thủ được vì ta quá yếu thì còn nghe được. Phải ý thức như vậy để tự lo vun bồi nội lực, gạt bỏ những hình thức phù phiếm hời hợt vinh danh, xưng tụng lẫn nhau để thỏa mãn về cái hào quang của dĩ vãng. Một dân tộc chỉ hồi tưởng quá khứ thi dân tộc đó không có tương lai.

Nhân đây tôi xin kể hầu bạn đọc một kinh nghiệm bản thân. Năm 1973, tôi được lệnh bay ra Lộc Ninh để đón phái đoàn Uỷ ban Liên Hợp Quân Sự về Trại David trong Tân Sơn Nhất. Di chuyển phi cơ vào bến đậu cạnh Phi đoàn, các cán bộ cộng sản bước ra khỏi máy bay. Nhìn thấy một dọc xe gắn máy Honda, xe hơi đậu trước Phi đoàn, anh cán bộ trưởng toán cất tiếng: “Chà! Khéo trình diễn nhẩy!”. Tôi hỏi: “Anh nói cái gì? Khéo trình diễn cái gì?” Anh cán bộ hất hàm về phía dẫy xe, nói: “Các anh đem các xe gắn máy, xe hơi ra đậu trước Phi đoàn là để hoa mắt chúng tôi, chứ gì nữa!” Nghe giọng nói anh cán bộ cộng sản, tôi hơi cáu: “Xin lỗi anh à! Dãy xe đó là của nhân viên Phi đoàn chúng tôi đậu hàng ngày. Các anh là cái thá gì mà chúng tôi phải trình diễn?”. Anh cán bộ cười nửa miệng: “Chúng tôi chả là cái thá gì, nhưng chúng tôi không phải là tay sai Đế Quốc, chúng tôi đi lính là để giải phóng dân tộc, chứ không phải đi lính cho Thiệu Kỳ như các anh!”. Tôi nghĩ thầm, à cái giọng của anh cán bộ này nghe trịch tượng, mình phải dạy cho anh ta một bài học: “Được rồi! Anh bảo chúng tôi là tay sai Đế quốc thì hãy mở tai ra mà nghe tôi hô to nhé. Đả đảo Đế quốc Mỹ! Đả đảo Johnson, Nixon! Rồi, anh hãy đả đảo Liên Xô, Trung Cộng, Mao Trạch Đông, Brezhnev thử nghe xem nào!”. Mặt anh cán bộ nghệt ra, không ngờ bữa nay gặp đối thủ sừng sỏ. Tôi nói tiếp: “Bây giờ hãy lắng tai nghe tôi hô để biết ai cần giải phóng ai nghe chưa. Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu, đả đảo Nguyễn Cao Kỳ. Rồi! Bây giờ tới lượt anh, anh thử hô Đả đảo Hồ Chí Minh, Đả đảo Lê Duẩn cho tôi nghe xem nào”. Mặt anh cán bộ Việt Cộng tái mét, bỏ đi. Tôi nắm cánh tay anh, giữ anh ta lại: “Các anh bị Đảng nhồi sọ, nói như con vẹt chẳng biết gì. Nói thật với các anh, tôi thương, tội cho các anh lắm. Các anh có thấy thằng Uỷ viên Bộ Chính Trị nào, thẳng Uỷ viên Ban Chấp Hành Trung Ương nào cho con nó vào chiến trường không? Các anh bị chúng nó tuyên truyền, đem xương máu giết hại anh em một nhà”. Anh cán bộ gỡ tay tôi ra và nói: “Đồng chí phải nói năng lịch sự, tôi không thèm nói chuyện với đồng chí nữa đâu!”. Tôi phì cười vì anh cán bộ quýnh quáng, mất bình tĩnh gọi tôi là đồng chí. Người hoa tiêu phụ nghe tôi “đấu khẩu” với cán bộ Việt Cộng thì thích lắm, nhưng ghé vai tôi nói nhỏ: “Anh hô đả đảo Nguyễn Văn Thiệu mà an ninh nghe được, dám bắt nhốt anh lắm đó!”. Tôi nói: “Ông Thiệu mà nghe cuộc đấu khẩu của tôi vừa rồi, có lẽ ông dám ra lệnh đưa tôi làm Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam Cộng Hoà trong Uỷ Ban Liên Hợp Quân Sự lắm chứ! Hỏi anh, có ai chứng tỏ được sự tự do của Miền Nam bằng cách dám hô to đả đảo Nguyễn Văn Thiệu trước mặt đối phương? Tôi tin chắc toán cán bộ quân sự Việt Cộng ở Lộc Ninh mà anh em mình vừa mới chở về sẽ hoang mang lắm, vì không ngờ Miền Nam mình tự do đến thế”. May mắn tôi thoát khỏi Việt Nam vào giờ chót năm 1975! Không thì tù rục xương!

Tôi thuật lại câu chuyện này để bạn đọc thấy rằng cộng sản chỉ cậy có Công An, Bộ Đội, Đầu Gấu bắt nạt nhân dân trong nước thôi. Dù không phải là nhà lý luận chủ nghĩa, tôi dám thách thức bất cứ cán bộ nào trong Ban Văn Hoá Tư Tưởng ra ngoài này “đấu khẩu” với tôi. Chỉ cần đem các mặt tiêu cực xã hội trong nước ra để chứng minh thì họ không cách chi tranh luận với mình được. Mấy ông bà chống Cộng ở hải ngoại cứ đem con ngáo ộp cộng sản để hù doạ người yếu bóng vía.

Tôi tin ở thuyết Nhị Nguyên: Trong âm có dương, trong xấu có tốt, trong hoạ có phúc. Ba mươi Tháng Tư năm 1975 là biến cố đau buồn, bất hạnh, nhưng đồng thời cũng là dịp may vì chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc lại có tầng lớp trẻ Việt Nam được tiếp thu nền văn minh khoa học, mỹ thuật, công nghệ thông tin tân tiến của nhân loại như ngày nay? Làm sao chúng ta được trở thành công dân của một đại cường bậc nhất thế giới ? Làm sao Đinh Việt có thể là Thứ trưởng Tư Pháp trong Nội các Hoa Kỳ? Làm sao bà Dương Nguyệt Ánh có thể là nhà khoa học lãnh đạo công trình phát minh vũ khí tối mật của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ? Và làm sao có hàng ngàn nhân tài Việt Nam khác ở mọi lãnh vực? Nhà cầm quyền cộng sản không có lòng yêu nước để biết trân trọng nguồn tài nguyên quý báu đó thôi!

Theo tôi, lằn ranh Quốc – Cộng không còn nữa. Bởi vì cơ bản chủ nghĩa cộng sản là vô sản, mà bây giờ đảng viên cộng sản thì rất giầu có. Họ được dân gian phong là các nhà Tư bản Đỏ. Giả thử ông Hồ Chí Minh sống dậy, kêu gọi nhân dân làm cuộc cách mạng vô sản, đấu tranh giai cấp thì tức khắc ông ta sẽ bị nhà cầm quyền này áp dụng Điều luật 88 để còng tay ông ta ngay. Người cầm quyền Đảng Cộng Sản Việt Nam không chịu bỏ Điều 4 Hiến Pháp vì sợ mất mặt với nhân dân, chứ trong thực tế họ không còn coi chủ nghĩa cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội (Điều 4). Thật vậy, chủ nghĩa cộng sản đã chết, đã thành bóng ma. Người sống như chúng ta mà đánh nhau với ma thì cũng giống như đấm vào không khí, không bao giờ có thể thắng được. Nếu chúng ta cứ hùng hổ chống Cộng như từ trước đến nay là chúng ta mắc mưu nhà đương quyền. Chúng ta sẽ tự biến mình thành những Don Quichotte đấu kiếm với những cánh quạt của cái máy xay gió.

Sau khi minh định rõ mục tiêu cứu nước của người Việt Hải ngoại là thay đổi số phận đồng bào quốc nội, chứ không phải là thiết lập một “Phòng Tuyến Phi Cộng” bền vững ở xứ người, tôi xin trình bày một số nguyên tắc đấu tranh với điều kiện ai có lòng yêu nước, dũng cảm, trí tuệ đều thực hiện được:

Động cơ đấu tranh của người dân trong nước do lòng căm thù vì bị nhà cầm quyền độc tài đè nén, áp bức, bóc lột. Ở hải ngoại được sống trong tự do, no đủ, chúng ta đấu tranh vì tình máu mủ, ruột thịt thì động cơ đó là tình thương yêu đồng bào. Lằn ranh Quốc – Cộng không còn, lý tưởng tranh đấu là Tự Do chống lại Độc Tài, là Sự Thật chống lại sự Dối Trá, Minh Bạch chống lại Mờ Ám, Thương Yêu chống lại Thù Hận. Động cơ đấu tranh được thúc đẩy do tình thương yêu thì lớn lao hơn, nhân bản hơn do lòng căm thù, bởi vì đó là cuộc đấu tranh cho tha nhân chứ không phải là vị kỷ để mà tranh danh đoạt lợi. Và một khi đã ý thức rõ ràng như thế thì chúng ta sẽ vượt lên trên tất cả sự đố kỵ thấp hèn, nghi kỵ lẫn nhau. Không còn ai dùng thủ đoạn chụp mũ cộng sản khi quan điểm đấu tranh chưa đồng nhất. Chúng ta sẽ thi đua nhau vì mục đích cao cả cứu dân, cứu nước để bắt buộc nhà cầm quyền phải có nghĩa vụ đoàn kết toàn dân từ trong ra ngoài hầu có sức mạnh chống ngoại xâm.

Bạn đọc sẽ cho rằng tôi quá lý tưởng chăng? Không! Chẳng có gì là lý tưởng ghê gớm cả, bởi vì cuộc đấu tranh này tự nguyện, không ai bắt buộc mình phải thương yêu đồng bào cả! Chỉ khác mỗi một điều là không lợi dụng tình yêu thương đồng bào để làm chiêu bài cho sự tranh đấu bịp bợm mà thôi.

Là người có tín ngưỡng Phật Giáo, tôi lấy phương châm “Bi, Trí, Dũng” làm tiêu chí. Bi để biết yêu thương, Trí để biết nhìn xa trông rộng, Dũng để dám đối diện Sự Thật và vượt qua tham vọng thấp hèn trục Lợi, kiếm Danh. Là người có tín ngưỡng Thiên Chúa Giáo, anh lấy phương châm “Công Bằng, Bình Đẳng, Bác Ái” làm tiêu chí để định hướng. Người không có tín ngưỡng thì lấy đạo đức do tổ tiên lưu truyền để làm tiêu chí. Tôi tin rằng nếu chúng ta sớm ý thức đường hướng đấu tranh theo phương châm tôi đề nghị thì chúng ta sẽ sử dụng hữu hiệu lợi khí “Chất Xám” và “Chất Xanh” để thương lượng, áp lực nhà cầm quyền trong nước nhằm thay đổi bộ mặt của chế độ.

“Chất Xám” là tài năng và trí tuệ của những người trẻ tuổi. “Chất Xanh” là đồng đô-la (Hàng năm người Việt khắp nơi trên thế giới gửi về nước từ 5 đến 7 tỉ đô la). Có trong tay hai lợi khí đó, nếu chúng ta không biết sử dụng để làm vũ khí đấu tranh thì chẳng khác gì nằm cạnh thùng gạo, lu nước mà bị chết đói, chết khát. Muốn sử dụng hay lợi khí đó, tôi đề nghị chúng ta cần phải thiết lập một định chế có uy tín thông qua sự trong sáng, có viễn kiến và đởm lược. Tôi cho rằng Mặt Trận Hoàng Cơ Minh lừa bịp đồng bào, các đảng phái chính trị, tôn giáo, hội đoàn phân hoá chống phá lẫn nhau, năm ba người họp nhau cũng thành lập Hội… đã khiến cho quần chúng mất niềm tin. Hoạt động mà không tôn trọng lẫn nhau, không có ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, cá mè một lứa, đồng sàng dị mộng, chỉ chuộng hình thức để kiếm danh hão thì rất dễ dàng bị đối thủ khai thác nhược điểm để lũng đoạn. Bao lâu các nhà tranh đấu chế ngự, kìm hãm được các khuyết tật bản thân thì mới mong đóng góp chút gì cho Quê Mẹ. Nhược bằng cứ như tình trạng hiện nay thì không bao giờ đi tới đích. Biết rằng có nhiều con đường dẫn tới La Mã, nhưng người lữ hành phải có tấm lòng trong sáng, thành khẩn yêu nước và có trí tuệ để chọn con đường hợp với khả năng, hợp với sở trường.

Hy sinh xương máu đánh đuổi được Thực dân đô hộ để thay vào đó một chế độ tàn khốc chưa từng thấy trong dòng lịch sử nước nhà. Lật đổ chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà bằng cái gọi là “Cách Mạng 1 Tháng 11” để thay vào đó sự hỗn loạn, chia rẽ, chống phá lẫn nhau gây nên hậu quả mất nước. Tôi cho rằng đó là lý do khiến cho nhân dân thờ ơ, lãnh đạm trước những lời kêu gọi thiết tha vì Tổ Quốc, vì Dân Tộc. Cái nguy lớn lao nhất cho một Đất Nước mà người dân sống với triết lý “qua ngày đoạn tháng”, phó mặc định mệnh đời mình ra sao thì ra, chắc chắn đưa đến diệt vong

Tuần trước, anh Hà Sĩ Phu gửi cho tôi bài viết “Mất Dân Tộc Còn Tệ Hơn Mất Nước”. Tôi hồi âm bằng mấy dòng chữ đại khái như sau: “Năm 2006, tôi viết bài có nhan đề “Khí Phách Còn, Dân Tộc Còn” dựa theo câu nói của học giả Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều Còn, Tiếng Ta Còn. Tiếng Ta Còn, Nước Ta Còn” là tôi đã dự báo dân tộc Việt Nam đang trên đà diệt chủng bởi vì chính sách cai trị của cộng sản dùng sự đàn áp, khủng bố, bỏ đói để bắt buộc nhân dân luôn luôn nơm nớp sợ hãi thì mọi người trở nên hèn. Nhưng người cầm quyền không ý thức rằng họ cũng bị “Chất Hèn” ngấm vào người, vì họ chỉ là loài “ký sinh của chủ nghĩa yêu nước” (chữ của Hà Sĩ Phu). Lừa đảo, lưu manh, dối trá là hèn. Dùng súng đạn, tù đày, ngồi trên luật pháp để nói lấy được là hèn. Không dám lắng nghe những tiếng nói đối lập xây dựng là hèn. Sở dĩ dân ta không bị Hán hoá sau một ngàn năm Bắc thuộc là nhờ có những nhân vật như Chu An, Trần Bình Trọng và các bậc anh hùng khác. Tiếng nói, gương mặt, mầu da vẫn là Việt Nam, nhưng mất đi cái khí phách là mất bản sắc dân tộc, là diệt chủng.

Nhạc sĩ Tô Hải tự thú mình là Thằng Hèn mới chỉ là cái tát vào mặt chế độ, chưa thể gây ảnh hưởng lớn lao vào xã hội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những sáng lập viên Đảng Cộng Sản, được thế giới khen tặng là bậc anh hùng, nhưng đã bị “Chất Hèn” thấm vào người. Phàm một người ở địa vị nào thì phải ứng xử, hành động cho xứng đáng với địa vị đó. Thí dụ, tôi là phi công vận tải nắm trong tay sinh mạng nhiều hành khách. Nếu con tầu trục trặc kỹ thuật, tôi phải có nghĩa vụ lèo lái con tầu hạ cánh an toàn. Nếu tôi bất lực thì tôi phải chịu chết với hành khách; chứ không thể ôm dù mở cửa nhảy ra ngoài để thoát thân. Nếu ở địa vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi sẽ không làm kiến nghị để xin Nguyễn Tấn Dũng ngưng tiến hành dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyện. Là hàng cha chú, là một trong những người khai sinh Đảng Cộng Sản, tôi sẽ nói như Nguyễn Hộ: “Bác Hồ và chúng tôi đã đưa dân tộc vào con đường sai lầm. Các chú đang lãnh đạo Đất Nước, phải quay đầu lại để khỏi lao xuống vực thẳm”. Nói như thế, Võ Nguyên Giáp có thể mất hết đặc quyền, đặc lợi, không được chôn cất ở nghĩa trang Mai Dịch, nhưng ít nhất cũng chuộc được tội lỗi của mình với lịch sử. Hơn thế nữa, lời nói khẳng khái của vị Đại tướng rât có khả năng đánh thức niềm tự hào dân tộc để các Tướng lãnh trẻ và nhân dân đứng lên chấm dứt chế độ bạo tàn đối với nhân dân, nhưng hèn hạ đối với ngoại bang.

Người trong nước, người hải ngoại muốn cứu Đất Nước khỏi rơi vào sự thống trị của dân tộc khác thì chỉ còn có một cách duy nhất là tự cứu. Trời, Phật, Thánh Thần không thể nào ra tay tế độ, cứu rỗi một dân tộc hèn. Cho nên, Khí Phách là vũ khí mà mỗi nhà tranh đấu phải tự trang bị lấy, không ai có thể phát cho ai được. Khí phách giúp ta vượt lên trên chính mình để nén xuống tham vọng vị kỷ thì sự đoàn kết ắt phải là điều thực hiện được.

Là một người viết có suy nghĩ độc lập, đem tâm huyết “kiến nghị” với những người yêu nước, tôi thiết tưởng nếu người yêu nước nhận thấy những lời trần tình này hữu ích, đem áp dụng vào cuộc đấu tranh cho xứ sở thì người viết đội ơn vô cùng. Đừng làm dáng chính trị “salon” như kiểu ông Nguyễn Bá Cẩn viết kiến nghị gửi Liên Hiệp Quốc từ “Văn Phòng Thủ Tướng” (!) phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng chiếm đất, chiếm đảo. Hình thức đó chỉ để lấy tiêng cho vui thôi. Điều quan trọng là tất cả các tổ chức chính trị, tôn giáo, văn hoá … kể cả các hội đoàn ái hữu quân nhân phải hợp nhất với nhau để mở ra một Hội Nghị Diên Hồng ở Hải Ngoại hầu đòi hỏi nhà cầm quyền trong nước phải thật tâm đoàn kết với các tầng lớp nhân dân chống lại ý đồ của Trung Quốc thống trị Việt Nam. Đó là đề nghị thiết thực của tôi để buộc Đảng Cộng Sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Liệu người Việt Nam chúng ta có đủ lòng yêu nước, có đủ dũng cảm, có đủ trí tuệ để vượt lên trên ý thức hệ, trên tham vọng của cải, tiền bạc để cứu lấy giang sơn này hay không?

*
Thời gian qua, nhận được khá nhiều thư khích lệ, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Duy có một email của bà Đỗ thị Thuấn hiệu Bút Vàng – có lẽ là thành viên Đảng Việt Tân – đã gửi email cho tôi nguyên văn như sau: “Làm đối lập cuội còn đỡ hơn là về điếu đóm VC rồi nó lại sai sang Mỹ để đón Nguyễn Minh Triết/NTD làm bộ xưng ta là “đại diện người Việt tại Mỹ”, cái đó mới là nhục!”.

Có lẽ bà Đỗ chưa hiểu mấy chữ “Đối Lập Cuội” có nghĩa là gia nô, là đầy tớ nên mới cam tâm “thà làm đối lập cuội còn đỡ hơn”. Bà Bút Vàng Đỗ Thị Thuấn thường tâng bốc giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, người mở đầu cuộc tấn công Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ năm 2004 bằng những ngôn từ tồi tệ. Câu phát biểu trên có lẽ bà Đỗ ám chỉ nhân vật bị sai sang Mỹ đón Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng là Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ? Vậy thì, trong bài viết Phần Ba tới đây, tôi sẽ nói rõ Tướng Nguyễn Cao Kỳ là ai và vì sao tôi ủng hộ Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Một người viết độc lập, lấy khí phách làm phương châm, không mưu đồ bất cứ điều gì cho bản thân, tôi tin rằng tôi đủ vô tư và sáng suốt để dẫn chứng bằng sự kiện cụ thể khả tín. Mời độc giả đón đọc bài viết tới đây.

© Đàn Chim Việt Online

Tiếp theo phần I

Còn nữa

Phản hồi