WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cuộc chiến không hận thù

Em ơi đừng tuyệt vọng

Tối hôm đó ở nhà hàng Thành Ðược, thành phố Milpitas cô Vy và cô Thu tổ chức dạ tiệc đem tình thương dành cho một nữ bác sĩ bị bệnh ung thư máu. Danh từ y học gọi là bệnh hoại huyết. Nữ bác sĩ tên là Lâm Việt đang ở thời kỳ tuyệt vọng. Từ cô bé gái lớn lên tại Phan Thiết, xa cha mẹ sống trong vòng tay của người anh là cậu bé chưa trưởng thành. Anh chị em quây quần bên nhau ở miền biển Mũi Né. Không gian tràn ngập mùi nước mắm. Tháng nào cũng có người vượt biên. Rồi khi cậu bé được 18 tuổi bèn dẫn hai em gái ra đi. Hai cô gái còn ít tuổi được gia đình Mỹ bảo trợ cho đi học. Bắt đầu vào trung học rồi tự túc lên đại học. Người anh trên 18 tuổi ngay từ ban đầu đã phải tự tìm đường nuôi thân. Cả hai cô bé quê miền duyên hải Việt Nam đều trở thành bác sĩ. Ði làm được hai năm thì Lâm Việt bị ung thư.

Lúc đó là tháng 5-2007. Trong 8 tháng tiếp theo, bác sĩ Lâm Việt được cho đi làm “Chemo” 8 lần. Hết sức đau đớn, vật vã. Tuy nhiên sau cùng đau thương kết trái. Bệnh thuyên giảm và cô bác sĩ đã hân hoan trở lại làm việc vào cuối năm 2008. Ðó là phép lạ của một bệnh nhân ung thư máu. Nhưng rồi phép lạ không còn nữa. Năm 2009 bệnh tái phát. Lần này khó điều trị hơn. Mầm bệnh đã quen thuốc. Ðiều trị Chemo không còn hiệu nghiệm nữa. Ðó là lý do chị em tổ chức một buổi chiều dành riêng cho Lâm Việt. Cô gái thích nhạc Trịnh Công Sơn được các thân hữu hát cho nghe toàn nhạc tình của người soạn nhạc tài hoa đã ra đi. Cuối chương trình là bài ca bất hủ: Em ơi đừng tuyệt vọng.

Dù đây là lời khích lệ với hy vọng mong manh nhưng ai cũng biết rằng sự mong manh mỏng như sương khói. Có thể đây là đêm sum họp cuối cùng.

“Giọt nắng cuối chiều chưa vội tắt, mà lời từ biệt đã lên môi”.

Kỷ niệm cuối cùng của mọi người là hình ảnh cô nữ bác sĩ tươi cười nói rằng sẽ tiếp tục phấn đấu với định mệnh. Quan khách ra về và mỗi người bương chải với đời riêng trong cuộc sống vội vã. Dường như đã quên đi số mạng của cô bác sĩ hẩm hiu.

Tin vui giữa giờ tuyệt vọng

Hai tháng sau, các chuyên viên báo tin là đã tìm thấy người ghi danh với nhũng dữ kiện y khoa trùng hợp. Tin vui lại cho biết là ân nhân vô danh đã đồng ý sẽ cho máu. Luật lệ y tế chỉ có thể tiết lộ đây là một thanh niên Á Châu 22 tuổi. Không biết người nước nào và không biết từ đâu đến. Rồi người anh hùng của cô bác sĩ đã đến một bệnh viện nào đó tại Hoa Kỳ cho 2 bịch máu và lẳng lặng ra đi. Anh cũng không biết người được anh cứu sống là ai. Phần bác sĩ Lâm Việt, được truyền 2 bịch máu đã tinh lọc chỉ còn bằng 2 ly cà phê. Cô trải qua mấy tháng tiếp tục phấn đấu để thích nghi với mầm sống mới, nay đã bình phục dần dần. Cuối tháng 10 năm 2010, nữ bệnh nhân Lâm Việt, tóc đã mọc trở lại được 3 tháng, xuất hiện trên truyền hình Dân Sinh. Cô đã cảm ơn Trời Phật, đã cảm ơn thân hữu và cô nói lời cảm ơn đặc biệt với người ân nhân vô danh. Lời tạ ơn nghẹn ngào trong nước mắt.

Sau cùng cô nhắn gởi với các bệnh nhân ung thư, xin đừng tuyệt vọng. Ðặc biệt cô có lời nhắn gởi riêng tư đến với người bạn gái mới liên lạc qua điện thoại.

Ðó là cô dược sĩ Mỹ Linh ở Arizona hiện cũng bị hoại huyết trong hoàn cảnh giống như Lâm Việt. Xin kể hầu quý vị câu chuyện của gia đình Mỹ Linh như sau:

Mười hai năm cắt cỏ ở LA

Cuộc đời của thiếu tá nhẩy dù Hồng Thu nếu phải ghi lại thì sẽ bắt đầu từ lúc nào. Giai đoạn nào là gian truân nhất. Sinh quán Trà Vinh. Học sinh Petrus Ký rồi lên kỹ thuật Cao Thắng Saigon. Vào Thủ Ðức 1959 về làm trung đội trưởng TÐ 8 Nhẩy dù. Lên đại đội phó là đã bị thương ba lần. Lần cuối, tư lệnh Dư quốc Ðống đưa về quân cảnh nhảy dù. Rồi lại ra nhận chức vụ cuối cùng làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 17 dù tân lập.Thành lập tại Long Bình, huấn luyện tại Long Bình rồi tan hàng tại Long Bình. Tân binh nhẩy dù chưa nhẩy dù đã bỏ mũ đỏ chia tay với ông thầy. Trò trốn về quê, thầy đi tù cộng sản. Sau khi ra tù thiếu tá Hồng Thu đi rất sớm. HO 1 dẫn vợ và hai con lên đường. Hỏi rằng đi Mỹ làm gì. Thời trai trẻ đi nhẩy dù oai hùng quên gian khổ, lúc đi tù vẫn còn sức khỏe nên chịu đựng được. Qua nước Mỹ tuổi già, sau kỳ vất vả suy dinh dưỡng trong trại tù đã đến lúc anh hùng thấm mệt. Chịu đựng 12 năm cắt cỏ ở LA là giai đoạn rã rời nhất.

Tất cả là vì con cái

Ai vác thân già qua Mỹ cũng hy vọng ở tương lai. Ai cũng nói là vì con cái. Dòng nước mắt chảy xuôi. Chồng cắt cỏ, vợ may thuê lo nuôi 2 đứa con cho đến lúc tuổi già sẽ trông cậy vào đám trẻ. Ông Trời ngó lại thật. Con trai tốt ngiệp làm việc tại Tucson, AZ. Cô con gái ngoài 30 tuổi còn độc thân, tốt nghiệp dược sĩ. Làm quản trị viên cho dược phòng Walgreen tại Arizona. Cô mua một ngôi nhà, đón cha mẹ về vui cảnh điền viên. Hai vợ chồng ông thiếu tá mũ đỏ gốc Trà Vinh, một thời tù cải tạo, 12 năm cắt cỏ LA, nay tưởng là sẽ sống trọn vẹn cuối đời hạnh phúc.

Tai họa đến bất ngờ, dược sĩ Mỹ Linh bị bệnh ung thư máu giống như bác sĩ Lâm Việt. Chạy “Chemo” đã tạm bình phục, nhưng nay bệnh trở lại. Hy vọng cuối cùng của cô cũng phải chờ một người anh hùng vô danh xuất hiện. Người anh hùng của cậu con trai bác sĩ Ðỗ ở San Jose là một ông cảnh sát ở Seattle. Người anh hùng của em Matthew mới được hiến tủy thành công là một chị Việt Nam làm nail ở Orange County. Và người anh hùng của nữ bác sĩ Lâm Việt là anh chàng Á Châu ở nơi nào đó tại Hoa kỳ.

Cô con gái của chị Hoàng mộng Thu, cháu Michell không tìm thấy ân nhân ở cõi trần gian. Em đã ra đi nhưng con đường đấu tranh dang dở để lại cho mẹ Thu, nay đã trở thành một chiến dịch vận động lớn lao nhất của sắc dân Á Châu tại Hoa Kỳ. Ðặc biệt là trong cộng đồng Việt Nam. Số người Việt ghi danh hiến tủy đã tăng lên gần 300% trong 3 năm qua. Con số nầy đã đem đến nhiều cơ may cho bệnh nhân trong danh sách chờ.

Mặc dù như vậy, cuộc chiến đối đầu với bệnh ung thư vẫn còn dài, còn nhiều gian khổ và hy sinh. Ðây là cuộc chiến tranh sẽ phải bàn giao từ thế hệ này qua đến thế hệ khác. Còn sống là còn phải đương đầu với mầm bệnh. Nếu y khoa không chữa được bằng phương pháp Chemotherapy quy mô thì chỉ còn trông vào đồng loại và đặc biệt hy vọng rất nhiều vào đồng chủng. Người Việt có hy vọng mang nhiều đặc tính y khoa hợp với bệnh nhân Việt Nam. Ðó là giá trị đích thực của tình đồng hương.

Cuộc chiến không hận thù.

Cuộc chiến chống bệnh ung thư rõ ràng là khác biệt. Có kẻ thù trước mặt, có kẻ thù nằm trong cơ thể, có thương vong, có nước mắt, nhưng không ai mang hận thù. Tòa Bạch Cung Hoa Kỳ tuần qua treo tấm nơ hồng và chiếu đèn mầu hồng. Ðể tuyên chiến với bệnh ung thư, và tưởng niệm các bệnh nhân đã qua đời. Tổng thống khích lệ mọi nỗ lực, mọi cố gắng xây dựng phòng tuyến bằng y khoa và tính nhân bản.

Tại Hoa Kỳ, chúng ta đã học được tình đồng loại qua hàng ngàn cuộc chạy đua, đi bộ, hội họp và cả cắm trại để chống bệnh ung thư.

Tháng trước, cô cháu gái nhỏ bé của ông bà ngoại, năm nay vừa xong lớp 11. Cháu sẽ đi cắm trại qua đêm với học sinh nhiều trường trung học quanh vùng Cupertino. Cha mẹ rất lo lắng, ông bà cũng lo lắng. Ðứa bé gái Việt Nam 17 tuổi nhưng vẫn còn rất nhỏ bé. Ði cắm trại qua đêm là làm sao. Cháu đâu phải Hướng Ðạo. Cháu nói rằng Camping để chống bệnh ung thư. Như thế là làm sao. Vì thắc mắc, cả ông bà và cha mẹ đều kéo nhau đến thăm trại. Cháu nói rằng buổi sáng mở trại, dựng lều. Buổi trưa sinh hoạt, buổi chiều là văn nghệ và buổi tối là tưởng niệm. Hỏi cháu giờ nào là cao điểm. Buổi tối. Chúng tôi đến thăm buổi tối.

Các em cắm lều ngay tại giữa sân vận động. Chia ra từng trường. Mỗi trường chia ra từng lóp. Lớp chia toán. Toán xuống đến lều. Có lều dành chỗ ăn uống, chỗ đàn hát, chỗ thảo luận. Không khí nghiêm trang và trật tự. Con đường vòng chung quanh sân vận động là lối đi tự do. Các em cùng phụ huynh và tất cả mọi người cầm nến tưởng niệm chậm rãi đi bộ ngược theo chiều kim đồng hồ.

Một vòng, 2 vòng, 10 vòng hay 50 vòng tùy ý mỗi người. Không ai đếm, không ai kiểm soát, vào và ra tự nhiên. Ði theo bạn bè nói chuyện thầm thì. Ði theo gia đình gọi nhau họp đoàn. Trên khán đài, những đèn giấy thắp nến đặt kín trên hàng ghế ngồi. Mỗi ngọn đèn giấy có tên một người đã chết vì bệnh ung thư. Tất cả đều là khách danh dự hiện diện trên ghế VIP lung linh ngọn nến. Vòng người cứ đi mãi quanh sân vận động, mỗi vòng đều qua khán đài, người diễn hành vẫy tay chào khách danh dự trên hàng ghế. Gió thổi làm ánh lửa chao đảo rồi lại đứng yên.

Từ giữa sân, các em nhỏ lần lượt đọc tên những người đã ra đi. Như các chiến binh đọc tên tử sĩ tại nghĩa trang. Các em khác hội thảo xong từ các lều bước ra lại vào hàng đi theo những vòng tròn ngược kim đồng hồ. Ði về miền quá khứ. Những ngọn nến trên khán đài hiện ra trước mặt rồi bỏ lại phía sau lưng.

Những đứa bé đã được dạy dỗ để tham dự một cuộc chiến tranh không hận thù. Trong đó có cả đứa cháu gái bé bỏng của ông bà ngoại. Mới 17 tuổi cháu đi cắm trại dã ngoại lần đầu ngay giữa thành phố. Cháu tham dự vào cuộc chiến vĩ đại của nhân loại, cuộc chiến chống bệnh ung thư. Gia đình chúng tôi cùng học được bài học về tình nhân loại, bài học của thương yêu.

Vào lúc nửa đêm, lửa trại không còn nữa, đèn trong lều đã tắt. Trăng mờ sau đám mây đen. Vòng người đi quanh đã thưa dần và rất chậm. Phân nửa nến đã tắt trên khán đài. Nhưng linh hồn quan khách lần lượt đã bỏ đi. Nhưng vẫn còn lại những ngọn nến hiu hắt vật vã. Ðó đây có những ngọn đèn giấy đã cháy rụi.

Ông bà và cha mẹ ra về, rất yên tâm để lại đứa cháu gái với lều trại. Nó chính là hậu duệ của chúng tôi. Người lính của thế hệ tương lai. Cuộc chiến không hận thù.

Ðã không hận thù mà nhiệm vụ hết sức đơn giản. Lên đường đi tìm người anh hùng để cứu cô dược sĩ tại Arizona, đem lại chút hạnh phúc cuối đời cho người sĩ quan mũ đỏ với thành tích 12 năm cắt cỏ tại LA. Xin hãy ghi danh hiến tủy, cho máu.

© Giao Chỉ, San Jose.

giaochisanjose@sbcglobal.net

© Đàn Chim Việt

Phản hồi