WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cán bộ cao cấp: “Không thông qua Cương lĩnh!” và “Phải xây dựng HP mới!”

“Ta nói chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng nó là cái gì mà bảo nó là nền tảng”, “Chủ nghĩa xã hội là gì? Có ai trả lời được không? Ta nói và ta biết là ta đang bịp người khác! “GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng –gần 90 tuổi- đã thành thực trăn trở đặt câu hỏi đó với nhóm cầm đầu chế độ độc tài toàn trị, đặc biệt với tác giả của Cương lĩnh dự thảo Nguyễn Phú Trọng. Trong khi đó cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bà Dương Thu Hương đã nhận xét về ba Dự thảo văn kiện của Đại hội 11 sắp tới: “Hầu như không có nhận định nào trong Văn kiện là đúng sự thật thực tiễn”. Cũng chính vì thế ông Nguyễn Trung, nguyên cố vấn của TT Võ Văn Kiệt, đã dứt khoát đòi: “Nhận định về quốc tế, về các nước Xã hội chủ nghĩa và tình hình đất nước sai. Nên bỏ đi”. Trong khi đó GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế thế giới, nhận xét về tình trạng phá sản tinh thần và tư cách tồi tệ của những người đang giữ quyền lực và sự xuống dốc của xã hội: “Thị trường quan chức bóp chết tất cả thị trường khác!” Bà Phạm Chi Lan, cựu thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, phê phán thái độ của nhóm đang có quyền lực: “Toàn là giả dối cả!”

Góp ý. Nguồn Google

Trên đây là một số nhận xét tiêu biểu của nhiều cựu cán bộ cao cấp, chuyên viên hàng đầu ở trong nước đã được trình bày trong một cuộc “Hội thảo khoa học” của Hội Khoa học kinh tế VN  và  Trung tâm Thông tin  và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia  vừa mới được tổ chức vào ngày 7.10 ở Hà nội đánh giá về ba Văn kiện dự thảo của Đại hội 11 của ĐCSVN sẽ diễn ra vào tháng 1.2011 và đặc biệt về năng lực cũng như tư cách của nhóm lãnh đạo hiện nay.

Sau khi cho phổ biến ba Dự thảo các Văn kiện của Đại hội 11 trên báo chí vào 15.9, để tỏ ra là biết cầu thị  nhóm cầm đầu đảng không chỉ kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến mà còn yêu cầu các giới ở trong đảng cho biết ý kiến về ba văn kiện dự thảo là: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 “ và “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng”.  (Dưới đây gọi chung là ba Văn kiện).

Trong ít ngày nữa Hội nghị Trung ương 14 sẽ được triệu tập để bàn thêm về ba Văn kiện này đồng thời thảo luận tiếp về đề án nhân sự ở các cấp cao nhất trong Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Vì thế cần biết các nhận định và đánh giá của các cựu cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu về các vấn đề quan trọng này, để từ đó có thể thẩm định về tương lai của chế độ độc tài toàn trị sẽ đi về đâu.

Thành phần tham dự

Trong cuộc Hội thảo khoa học  ngày 7.10 của Hội Khoa học Kinh tế  và  Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia có sự tham dự của nhiều nhân vật trước đây từng giữ các chức vụ quan trọng đảng và chính phủ hoặc đã từng là cố vấn chính của một số Thủ tướng. Ngoài ra còn có góp ý của một số chuyên viên kinh tế hàng đầu của chế độ này. Trong số những người tham dự phải kể tới: Cựu Ủy viên Trung ương đảng và cựu Phó thủ trướng Trần Phương, ông đã từng phụ trách ngành nội thương 1982-85; Phó Thủ tướng Vũ Khoan, phụ trách lãnh vực ngoại giao và ngoại thương thời TT Phan Văn Khải; nguyên ủy viên Trung ương đảng và Phó ban Tổ chức Trung ương và Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương (khóa 6-7) Nguyễn Đình Hương; GS Phan Văn Tiệm, nguyên Thứ trưởng bộ Tài chánh ;Việt Phương , nguyên Thư kí và cố vấn của TT Phạm Văn Đồng ; Nguyễn Trung, cựu đại sứ và trợ lí TT Võ Văn Kiệt-Phan Văn Khải; Dương Thu Hương, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước.

Các chuyên viên cao cấp tham dự: PGS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế; GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế thế giới và thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng; GS Đào Xuân Sâm, nguyên Trưởng bộ môn Quản lí kinh tế trường Nguyễn Ái quốc; TS Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương;  GS Lê Duy Phong, GS TS Khoa học ; bà Phạm Chi Lan từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng thời Võ Văn Kiệt-Phan Văn Khải; TS Lưu Bích Hồ, cựu Giám đốc Viện chiến lược phát triển bộ kế hoạch và đầu tư; GS Đào Công Tiến, nguyên là Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế  Sài gòn, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ thời Võ Văn Kiệt; TS Nguyễn Mại, nguyên Hiệu trưởng trường Thương nghiệp và Phó trưởng ban đầu tư ngước ngoài (tiền thân của Bộ kế hoạch và đầu tư)…

Cuộc Hội thảo Khoa học do GS Trần Phương chủ trì, kéo dài từ 8.30 giờ sáng đến 17 giờ chiều ngày 7.10 và đã đưa ra một „Biên bản Hội thảo Khoa học“ khoảng 6 trang DINA4. Bản này vừa được phổ biến không chính thức ra bên ngoài vào đầu tháng 11.10 (xem nguyên văn ở phần cuối). Đây chỉ là biên bản tóm lược. Tất cả các tham dự viên đã nhận định và đánh giá khá thẳng thắn về nội dung ba Văn kiên dự thảo sẽ được đưa ra tại ĐH 11 sắp tới. Ngay phần mở đầu GS Trần Phương đã có lời yêu cầu với các tham dự viên là „nói ngắn, nói rõ, không cần giải thích, vì mọi người đều đã đọc“. Tuy biên bản tóm lược chỉ gồm 6 trang nhưng người ta có thể nhận rõ được các phát biểu đã xoáy vào các điểm chính đã được đưa ra trong ba Văn kiện dự thảo của Đại hội 11: Tư tưởng và ý thức hệ Marx-Lenin; mục tiêu, phương hướng, đường lối và các giải pháp giải quyết các vấn đề đất nước trong thời gian tới; năng lực, tầm nhìn và tư cách của nhóm cầm đầu hiện nay.

Điều rất đáng chú ý là, tuy đây là cuộc hội thảo của các cựu cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu góp ý về ba Văn kiện chính của Đại hội 11, đúng ra một số ủy viên Bộ chính trị, hay ít ra các tác giả chính của ba Văn kiện này, cần có mặt để lắng nghe và nếu cần thì giải thích cho các tham dự viên. Nhưng trong Biên bản Hội thảo đã ghi rõ chỉ có “một số thành viên Tổ biên tập Cương lĩnh“ có mặt mà thôi.  Điều này tự giải thích tinh thần cầu thị thực sự có hay không của các ủy viên Bộ chính trị tác giả chính của ba Văn kiện này như thế nào!

Các nhà khoa học đã nhận định như thế nào về nền tảng tư tưởng của chế độ toàn trị trong Cương lĩnh dự thảo?

Vấn đề quan trọng hàng đầu được hầu hết tham dự viên quan tâm là mổ xẻ và đánh giá nền tảng tư tưởng chính trị mà nhóm cầm đầu chế độ toàn trị chủ trương thực hiện ở VN trong các thập kỉ tới xuyên qua Cương lĩnh dự thảo. Tác giả chính của bản dự thảo này không ai khác là ủy viên Bộ chính trị kiêm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Hiện ông còn giữ chức „Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XI“. Đối với nhiều giới ở trong nước Nguyễn Phú Trọng là một biểu tượng của phe cực kì bảo thủ, độc tài và thần phục Bắc kinh.

Mặc dầu Liên Xô, cái nôi của Chủ nghĩa xã hội và các nước CS Đông Âu đã tan rã từ hai thập kỉ vì những sai lầm nghiêm trọng từ ý thức hệ Marx-Lenin tới mô hình tổ chức và vận hành của xã hội Xã hội chủ nghĩa, nhưng Cương lĩnh dự thảo có giá trị trong các thập niên tới vẫn cột chặt lấy tư tưởng Marx-Lenin làm kim chỉ nam cho việc xây dựng đất nước. Vì thế các nhà khoa học hàng đầu không chỉ phê bình nghiêm khắc tư duy bảo thủ và lạc hậu của những người soạn thảo các văn kiện này mà còn cảnh báo về các nguy hại tất yếu cho VN trong mọi lãnh vực đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, nếu cứ phải  tiếp tục chịu đựng dưới chế độ độc đảng toàn trị .

Trong cuộc Hội thảo khoa học nói trên, GS Võ Đại Lược đã phê phán thẳng thắn chủ trương cực kì bảo thủ và lạc hậu này: „Ta đang sống trong thời đại thế giới đại điều chỉnh, nhưng Văn kiện không ghi nhận được điều này“. Trong khi ấy GS Trần Phương đặt lại toàn bộ định đề của Cương lĩnh dự thảo „Ta nói chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng nó là cái gì mà bảo nó là nền tảng ?“ Ông nói tiếp “Mác mới là phác thảo, dự báo về xã hội tương lai, chứ có phải là nguyên lí, kinh thánh đâu!“, „Cái gọi Chủ nghĩa cộng sản đã là ảo tưởng rồi!“. Trong khi ấy ông Nguyễn Trung khẳng định rõ ràng là, trở ngại lớn nhất cho đất nước hiện nay nằm ở việc cứ ngoan cố duy trì thể chế chính trị độc tài đã sai lầm. Vì thế theo ông, “cải cách thể chế chính trị thành một vấn đề bức xúc, không giải quyết không phát triển được. Phải xây dựng hiến pháp mới!“. Còn GS Đào Xuân Sâm cảnh báo, nếu cứ đi tiếp con đường mòn thì tất yếu sẽ dẫn tới “Cương lĩnh thất bại, tuyên truyền thất bại. Lí luận chính trị chưa bao giờ suy đồi như bây giờ“. Bà Phạm Chi Lan nêu câu hỏi của người dân bình thường về khả năng và tư cách của nhóm lãnh đạo: “Bây giờ viết vậy, họ tin thế thật à?“ và bà lo lắng, trăn trở cho đất nước: “Nếu đưa cái Cương lĩnh chiến lược này ra mà thông qua thì sẽ ra sao đây!“  Cựu Phó TT Trần Phương kết luận qua đánh giá về nội dung Cương lĩnh và về tư cách, tâm địa của  những người đã viết ra bản Cương lĩnh quái gở này: “Cương lĩnh đầy dẫy cái sai, cái mơ hồ. Nói Xã hội chủ nghĩa mà không biết nó là cái gì? Nhiều chuyện ta tự lừa dối mình và lừa dối người khác. Phải sửa!“*  TS Lưu Bích Hồ quyết liệt hơn đòi, nếu không sửa kịp thì “không thông qua Cương lĩnh“.

Ngoài việc một số nhà khoa học đã chỉ ra thái độ cuồng tín của nhóm cầm đầu chế độ toàn trị vẫn không chịu nhìn nhận những sai lầm và nguy hại của chủ nghĩa Marx-Lenin.  GS Lê Du Phong phê bình nghiêm khắc các tác giả của Cương lĩnh này là, họ còn phủ nhận sự thực của lịch sử, khi họ nhắm mắt viết trong Cương lĩnh “Chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc“.  Cho nên GS Phong đã kết án những người này là “xem thường lịch sử. Nói Chủ nghĩa xã hội là điều kiện độc lập. Các triều đại trước có Chủ nghĩa xã hội đâu mà vẫn độc lập!“

Các chuyên viên hàng đầu và cựu cán bộ cao cấp đã nhận định như thế nào về các “định hướng lớn“ chính trị, kinh tế, giáo dục và quốc phòng- ngoại giao sẽ được thông qua tại ĐH 11 ?

Bước sang phần đánh giá về mô hình tổ chức bộ máy Đảng và Nhà nước và các giải pháp lớn để phát triển đất nước đã được nêu ra trong ba Văn kiện sẽ được đưa ra trong Đại hội 11, hầu hết các tham dự viên trong cuộc Hội thảo khoa học ngày 7.10 đã có những nhận định chung khá đồng nhất  về hệ thống tổ chức và vận hành quyền lực hiện nay của chế độ độc đảng. Đó là, những người cầm đầu hiện nay tỏ ra cuồng tín, lạc hậu hơn trong tư duy và có thái độ ngang ngược hơn so với trước. GS Lê Duy Phong đánh giá những tác giả các Văn kiện này là: “Tư duy lí luận lạc hậu, mâu thuẫn, xa rời thực tiễn, thụt lùi so với Đại hội trước“. Trong khi ấy TS Lê Đăng Doanh tố cáo thái độ ngang ngược của nhóm cầm quyền là đã không thực hiện các nghị quyết của Đại hội trước về một số việc rất quan trọng để dân chủ hóa đất nước, như „Luật về Hội, Luật về quyền tiếp cận thông tin, Luật Hiến pháp“. Mặt khác, vẫn theo nhiều tham dự viên, những người cầm đầu hiện nay rất ngạo mạn và tham quyền, như trong Cương lĩnh dự thảo đã  ngang ngược đề cao tiêu chí „ĐCSVN  là đảng cầm quyền“ coi như một việc tất yếu và vĩnh hằng!

Các tham dự viên còn chỉ ra những nguy hại cho đất nước trong các lãnh vực, nếu mô hình tổ chức và vận hành quyền lực bảo thủ, lạc hậu và phản động này cứ được tiếp tục như đã ghi trong các Văn kiện dự thảo của Đại hội 11. Trong khi những người soạn thảo các văn kiện vẫn ngạo mạn tự đắc bảo rằng, “dân chủ trong Đảng được mở rộng“, bà Dương Thu Hương đã dũng cảm tố ngược: “Dự thảo Văn kiện đánh giá:“Dân chủ trong Đảng được mở rộng“. Tôi nghĩ trong Đảng là mất dân chủ nhất.“  Trong khi ấy ông Vũ Tuấn nêu ra những tệ hại của chế độ độc đảng, như thái độ vô trách nhiệm của những người cầm đầu và vì thế họ đã đánh mất danh nghĩa: „…Lãnh đạo là ai? Ai cho anh quyền lãnh đạo? Chính quyền thì ỷ vào đảng, cái gì cũng đợi để thường vụ bàn!“  Đồng quan điểm này, cụ Trần Phương phê phán: “Đảng quyết mọi thứ mà lại không chịu trách nhiệm gì. Thế mới chết chứ!“. Vì thế TS Nguyễn Mại đã đưa ra đòi hỏi, “đã đến lúc  phải đổi mới hệ thống chính trị, phải phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, chức năng của nhà nước. Quốc hội hiện chưa phải là cơ quan lập pháp.“Từ đó TS Lê Đăng Doanh rút ra kết luận dứt khoát :“Thể chế là vấn đề sống còn. Đảng phải đổi mới, phải được giám sát“.

Ngoài việc chống lại chủ trương rất ngang ngược “Đảng cầm quyền“  như đã ghi trong các Văn kiện dự thảo, nhiều người tham dự còn chống lại các „định hướng lớn“  đã được ghi rõ trong các Văn kiện này: Nền kinh tế gọi là „Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa“, trong đó đất đai thuộc quyền công hữu, tức là độc quyền của nhà nước, và  “vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước“. Ông Võ Đại Lược cảnh báo: „Công hữu là chủ đạo? Thật là vô lí, có hại cho đổi mới! Doanh nghiệp Nhà nước là chủ đạo, nền tảng của kinh tế nhà nước, chỗ này là phi Xã hội chủ nghĩa nhất, nguy hiểm quá“. GS Lê Duy Phong đồng ý và chỉ ra những bức xúc trong kinh tế và xã hội: „ Vấn đề công hữu, kinh tế Nhà nước là chủ đạo, bình đẳng mọi thành phần là những vấn đề nổi cộm“.  PGS Trần Đình Thiên phủ nhận những hô hoán vơ vào của những người cầm đầu bảo rằng, những thành quả kinh tế trong hơn hai thập niên qua là do thực hiện định hướng Xã hội chủ nghĩa: “25 năm qua điều ta đạt được là nhờ chuyển sang thị trường chứ không phải là do định hướng Xã hội chủ nghĩa“. Ông Lê Đăng Doanh nêu ra ba cái móc ngoặc tạo ra tham nhũng bất trị của chế độ hiện nay khiến cho „pháp chế Xã hội chủ nghĩa“ chỉ là hình thức, đó là: “Thể chế, lợi ích nhóm, vận hành quyền lực tùy tiện“. Ông đòi hỏi phải chấm dứt ngay các tệ trạng này chứ không được phép để nó tiếp tục như trong các Văn kiện: „Đổi mới thể chế phải là then chốt! Phải ngăn chặn lợi ích nhóm, kiểm soát sự lãnh đạo của Đảng. Cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng.“ GS Phan Văn Tiệm nói thẳng nguyên nhân của tham nhũng và đòi dứt khooát: „Từ nay từ bỏ chủ đạo. Không nên lập ra các tập đoàn kinh tế, vì đó là sân sau của quan chức“. Ông Võ Đại Lược  cũng cho rằng, một trong các nguyên nhân của tình hình xã hội vô kỉ luật  là do „cơ chế tuyển dụng, tuyển chọn cấp cao“ „không công khai minh bạch“. Tán đồng với quan điểm này bà Phạm Chi Lan và TS Nguyễn Mại nêu thí dụ điển hình về tệ trạng các quan tham nhũng và vô trách nhiệm như trong các vụ Vinashin, PMU 18…

Nhiều tham dự viên cảnh báo, nếu cứ ngang ngược duy trì các chủ trương sai lầm và bảo thủ như qui định trong các Văn kiện thì VN sẽ tiếp tục tụt hậu so với nhiều nước trên thế giới. Họ báo động thêm, ngay cả với nhiều nước trong khu vực nguy cơ tụt hậu của VN là rất lớn. GS Trần Phương còn vạch cho mọi người biết thói lừa bịp của những người cầm đầu. Trong “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020“ họ bảo rằng, tới 2020  VN sẽ tiến lên một nước công nghiệp với lợi tức đầu người là 3.000 USD/năm. Cho nên cụ Trần Phương vạch thói bịp dân của nhóm này: “Viết rằng  2020 thành nước công nghiệp mà có 3000 USD/người là bịp dân. Nước công nghiệp mà có 3000 USD/người thôi à!”

Một vấn đề đang rất bức xúc và hệ trọng khác cũng được nhiều cựu cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu lên tiếng cảnh báo trong cuộc Hội thảo này là lãnh vực quốc phòng-ngoại giao. Theo họ, nếu đất nước tiếp tục chìm sâu trong nạn độc tài, tham nhũng, tụt hậu và nhập siêu khủng khiếp như trong các năm vừa qua thì nguy cơ lệ thuộc kinh tế, thương mại và dẫn tới mất chủ quyền trước áp lực và chủ trương bành trướng của Bắc kinh là một sự thực hiển nhiên trước mắt. Cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan -người từng phụ trách lãnh vực ngoại giao và ngoại thương -, cựu Phó Thống Ngân hàng nhà nước Dương Thu Hương và cựu đại sứ Nguyễn Trung,…. đã cảnh báo rõ ràng trong các phát biểu tại cuộc Hội thảo Khoa học ngày 7.10. Ông Nguyễn Trung lưu ý :“Vấn đề phụ thuộc vào Trung quốc rất nguy hiểm. Toàn bộ xuất siêu của ta đập vào nhập siêu của Trung quốc mà không đủ. Nếu Trung quốc chỉ dùng Nhân dân tệ để buôn bán khu vực thì ta nguy.“. Bà Dương Thu Hương nhấn mạnh thêm: “An ninh quốc phòng, tôi đang rất lo sợ. Bauxite Tây nguyên, cho thuê rừng, lao động nước ngoài…không được giải quyết dứt điểm. Trong các báo cáo đề cập rất mờ nhạt.!“

*    *    *
Bình tâm xét thì những gì nêu ra trong “Biên bản Hội thảo khoa học“ ngày 7.10.2010 thực ra không có gì mới so với nhiều người ở trong và ngoài Đảng cộng sản đã nói trong thời gian gần đây. Nhưng ở đây có một số điều đáng lưu ý cần phải thấy rõ là 1. Có thể đây là lần đầu tiên nhiều cựu cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu của chế độ đã dám đứng ra tự tổ chức một cuộc “Hội thảo khoa học“ ở ngay thủ đô Hà Nội để phân tích và đánh giá về ba Văn kiện chính của Đại hội 11 sắp tới. Việc này cho thấy tinh thần không phục, không sợ nhóm cầm đầu đang vươn tới cả tầng lớp từng được coi là giường cột của chế độ. 2. Các cơ sở tư tưởng triết lí được coi là tiền đề, là nền tảng lí luận và khuôn mẫu tổ chức xã hội toàn trị đã bị các tham dự viên –những người đã từng một thời tin theo- phê phán rất nghiêm khắc, cho đó là nguyên nhân xuống cấp và tạo bất ổn của xã hội, đồng thời là nguy cơ đưa đất nước tới tụt hậu và mất chủ quyền !  3. Tâm trạng chung lúc này của các cựu cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu là rất thất vọng không còn tin tưởng vào năng lực và ý chí của nhóm cầm đầu chế độ toàn trị. Không những thế, các tham dự viên còn nghi ngờ tư cách đạo đức  của những người này. Các câu „toàn là giả dối cả“, hoặc “dân không tin vào Đảng nữa“ đã được nhiều tham dự viên nói thẳng nhiều lần trong cuộc Hội thảo ngày 7.10 !

Một cảm nhận chung rất xuyên suốt khi đọc “Biên bản Hội thảo khoa học“ là, trong thâm tâm đại đa số các tham dự viên ước mong sớm có sự chấm dứt chế độ độc tài toàn trị và đất nước chuyển sang một chế độ dân chủ đa nguyên. Mặc dầu cụm từ này chưa được công khai nhắc tới trong cuộc Hội thảo và chúng ta hiểu được lí do tại sao họ vẫn phải tránh công khai dùng nó. Các tham dự viên còn để lộ cho thấy, họ không còn đặt hi vọng vào những người cầm chịch chính trị hiện nay có ý muốn và ý chí tự sửa đổi. Nhiều người đã phê phán trong cuộc Hội thảo này là, các Văn kiện dự thảo của Đại hội 11 tỏ ra lạc hậu so với ngay một số Văn kiện của các Đại hội trước và ban lãnh đạo hiện nay đã tráo trở không thực hiện cả  nhiều Nghị quyết quan trọng của Đại hội 10 trước đây! Câu hỏi rất quan trọng được nêu ra ở đây, một khi ngay cả cựu cán bộ cao cấp và các chuyên hàng đầu không còn phục và hi vọng vào nhóm cầm đầu nữa thì còn có ai tin chế độ nữa không ?

Nhưng điều làm xúc động nhất và cũng gây kinh hoàng nhất là phần kết luận của “Biên bản  Hội thảo khoa học“. Các tham dự viên biết rằng, tuy họ là những đứa con tinh thần của chế độ, đã từng sinh ra, trưởng thành và bao nhiêu năm phục vụ chế độ, nhưng nhóm cầm đầu hiện nay của chế độ đang phủ nhận và khinh thường những người con tinh thần này. Họ tâm sự: Mặc dù những điều họ nói ra trong cuộc Hội thảo rất „trung thực, thẳng thắn“ với „trách nhiệm của nhà nghiên cứu“ và chỉ mong „Đảng mạnh lên, đất nước mạnh lên“. Nhưng tiếng nói từ đáy lòng của họ vẫn không lọt vào tai nhóm cầm đầu hiện nay. Chính vì thế, các cựu cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu đã phải nghẹn ngào gửi gấm tâm trạng rất ngậm ngùi của mình trong câu kết của Biên bản Hội thảo:

“Dù không được chấp nhận, nhưng ít ra cũng lưu vào văn bản, lưu lại hậu thế rằng, năm 2010 có một số nhà kinh tế đã nói như vậy, để hậu thế biết rằng, hóa ra đất nước cũng còn những trí thức không đến nỗi dốt nát.“

Có thể nào! ? Có thể nào như thế được!? Các trí thức chỉ nói theo mệnh lệnh của lương tâm và sự hiểu biết của trí tuệ mà bọn cầm quyền vẫn ngang ngược chẳng thèm nghe ! Thời Trung cổ man dã đang hiện thực ở VN vào đầu Thế kỉ 21!

Không chỉ những lời nói từ lương tâm và trí tuệ của các đồng chí không được những kẻ có quyền lực lắng nghe mà chính họ còn ra lệnh cấm đăng tải và phổ biến những gì nghịch lỗ tai họ. Vì ngày 10.9.2010, vài ngày trước khi cho công bố ba Văn kiện dự thảo của Đại hội 10 và kêu gọi mọi người „góp ý kiến“, ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương và Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Tô Huy Rứa đã ra bản Hướng dẫn số 112 HD/BTGTW rất độc tài, tha hóa và phản động:

“…Không đăng và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng những ý kiến phản bác chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về học thuyết Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về vai trò lãnh đạo của Đảng; những vấn đề cần giữ bí mật về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; những ý kiến đả kích cá nhân hoặc tổ chức đảng, cơ quan nhà nước.”

Tiếng nói thành thực xuất phát từ lương tâm và trí tuệ của nhiều cựu cán bộ cấp cao và chuyên viên hàng đầu đã bị liệt vào những loại cấm kị của bản Hướng dẫn trên. Điều này chứng minh rõ ràng là, thái độ hống hách quan liêu của những phần tử độc tài đang nắm quyền-tiền cộng với bệnh „kiêu ngạo Cộng sản“ đã đạt tới mức cực điểm và vì thế họ đã đánh mất lòng lương thiện và tính tự trọng tối thiểu!

Nội dung bản Hướng dẫn số 112 này đã tự bộc lộ tâm địa đen tối của nhóm có quyền lực hiện nay. Đại đa số nhân dân và ngày càng có nhiều đảng viên đã thấy rằng, chỉ vì tham vọng ích kỉ muốn leo cao hơn, ngồi lâu hơn nên một số người có quyền lực trong Bộ chính trị đã chọn hai thái độ hoàn toàn mâu thuẫn nhau trong việc bảo vệ cái ghế của họ: Một đằng họ đang đạp lên đầu nhân dân, bóp cổ những người dân chủ và bịt miệng, treo bút các cán bộ và chuyên viên còn biết quí lòng tự trọng. Nhưng giữa lúc ấy chính những người này lại hèn hạ cúi đầu tụng niệm các câu thần chú “16 chữ vàng“ và “bốn tốt“ của bọn bành trướng Bắc kinh. Trong khi cả thế giới đều biết Bắc kinh đang công khai ra oai diễn võ ở biển Đông, bắt giữ và hành hạ dã man hàng trăm ngư dân VN đánh cá ở quần đảo Hoàng sa, để cổ súy cho chủ thuyết đế quốc mới “cái lưỡi bò“, thì một số người có quyền lực của Cộng sản VN lại ngăn cản Quốc hội lên tiếng với lí do “không có gì mới“ (ủy viên Bộ chính trị và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng) . Thậm chí họ còn bênh vực Bắc kinh và chụp mũ những người VN dân chủ yêu nước: “Không để các lực lượng xấu sử dụng vấn đề Biển Đông để kích động, chia rẽ quan hệ Việt Nam-Trung quốc, chia rẽ quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân chúng ta.” (ủy viên Bộ chính trị và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh).

Sau bao nhiêu năm chiêm nghiệm về lòng dạ và năng lực của nhóm có quyền hành, gần đây ngay cả nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Sài gòn Lê Hiếu Đằng, nhân dịp kỉ niệm 80 năm “Mặt trận Dân tộc Thống nhất” của chế độ độc tài toàn trị và trước đêm tối của Đại hội 11, đã đưa ra môt nhận định rất đúng ”không có người cai trị nào tự nguyện từ bỏ quyền lực, ghế ngồi của mình. Dân chủ chỉ có được qua đấu tranh !”  Ông đã chọn thái độ dấn thân dứt khoát và kêu gọi các đồng chí cùng hành động. Theo ông, đã đến lúc mọi người không thể cứ phải “ăn cái bánh vẽ dân chủ” và chịu làm “cây kiểng tự do” cho nhóm độc tài che mắt nhân dân và thế giới! Ông Đằng tâm sự với các đồng chí:

Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, chúng ta không có gì phải sợ, tôi muốn nhắc lại điều tâm niệm này cho chính mình mà cũng là điều muốn nhắn gửi các đồng chí, đồng đội, bạn hữu của mình và tất cả những ai còn trăn trở với những vấn đề của đất nước, của dân tộc.”

Vì đã thấy rõ, hiện nay hơn lúc nào hết, “Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước” là chính nghĩa và rất khẩn thiết, cho nên  Lê Hiếu Đằng  đã hô lên: “Tại sao chúng ta phải sợ ? Và Ông đã đưa ra kết luận rất chí lí:

“Những người phải sợ là những người đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chắc chắn họ sẽ bị nhân dân chối bỏ, bị lịch sử phủ nhận!”

Từ “Biên bản Hội thảo Khoa học” tới lời kêu gọi thiết tha  “Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước” trước đêm tối của Đại hội 11 đã cho thấy, chúng ta đang là chứng nhân về sự dấn thân vì dân chủ tự do, vì hạnh phúc của nhân dân và chủ quyền dân tộc đang sục sôi trong tầng lớp chuyên viên và trí thức, kể cả những đảng viên Cộng sản còn biết quí lòng tự trọng ! Ngày càng nhiều trí thức Việt Nam thời đại của Thế kỉ 21 đang tự tin và nhập cuộc hành trình cùng mọi thành phần dân tộc !
Một khi tầng lớp trí thức nhận rõ được sứ mệnh của mình và dám kề vai gánh trách nhiệm lịch sử thì đây là những tín hiệu rất tốt cần được trân trọng và triển khai hơn nữa.  Như vậy cuộc đấu tranh vì dân chủ đa nguyên, phát triển đất nước và danh dự tổ quốc của các thành phần dân tộc đang được tăng sức và lực, vững bước tiến lên vào thập kỉ thứ hai của Thế kỉ 21 với niềm tin tất thắng!

© Âu Dương Thệ

© Đàn Chim Việt

——————————————————————

Ghi chú

* Có lẽ ở đây cụ Trần Phương muốn ám chỉ tới quan điểm được coi như rất ngây ngô của ông Nguyễn Phú Trọng trong bài „“Sự phát triển nhận thức của Ðảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay”. Trên Nhân dân 5.5.2010 để giới thiệu trong nội bộ Đảng về Cương lĩnh dự thảo, ông Trọng đã viết:

“Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Ðảng ta luôn khẳng định, chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Ðảng và nhân dân ta; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam…

Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào? Ðó là điều mà Ðảng ta luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để làm sao vừa theo đúng quy luật chung vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của nước ta.“

Về vấn đề này xin xem thêm bài phân tích: Âu Dương Thệ, „Đại hội 11 đi về đâu và phục vụ ai?  Nhân dịp trước Hội nghị Trung ương 13 đặt thẳng vấn đề với ông Nguyễn Phú Trọng: Cương lĩnh Chính trị 2011 sẽ như thế ?

5 Phản hồi cho “Cán bộ cao cấp: “Không thông qua Cương lĩnh!” và “Phải xây dựng HP mới!””

  1. Vũ Duy Giang says:

    Cám ơn tác giả Âu dương Thệ đã phần tích xâu sắc”Biên bản hội thảo khoa học”khiến người đọc không có thể nghi ngờ đấy là”hàng giả”do Vịt Tiềm bịa ra!Trình độ của ông Âu dương Thệ cũng khác hẳn với trình độ của một số người phản hồi!

  2. dai nguyen says:

    My English is not great but I don’t have Vietnamese font, please understand. Visiting Vietnam a few times, people can recognize the vast disparity between the have and the have not. Like an ostrich burying its head in sand, today the Communist leaders of Vietnam still embrace the utopian socialism which was discarded by many other former Communist countries. They stipulated law, ordinances, regulations to protect the Communist regime not because they believe in it but because they just wanted to use this regime as a last resort to protect their own interests and privilege. The Communist leaders of Vietnam are not stupid in a real sense but they are a bunch of crooked, insidious, manipulative, treacherous people who would do any things even immoral, detestable to get what they want. I always support the current or former high ranking Communist cadres who realized that the country needs a change and have the willingness/courage to bet their life for the future of our people and country. Regardless of which side we were before, we all now have only one objective and that is to fight for the freedom and democracy of our Vietnamese people. We need to work together, regardless, in order to achieve this ultimate goal. As a Vietnamese, whatever we can do to assist this just cause, do it and we need to work diligently as a bee and constantly as a termite to bring down this totalitarian regime.

  3. Miền Trung says:

    Mình thật căm thù thối nát bộ chính trị.
    Toàn là những dơ nhớp , cầu mong cho nhiều người dân Việt nam biết được bộ mặt lừa đảo của tụi này.
    Đàn Chim Việt hãy tiếp tục bay mãi và lật mặt nạ của đám tham quan mang tên cộng sản đang đưa dân tộc vào suy thoái nặng nề!

  4. Dean van vu says:

    Toi xin hoi cac vi an tren ngoi cao .. da lam gi cho dat nuoc cua quy vi chua ? 1) khoi oc cua quy vi la khoi oc gì (pigs brain , do not get mad ) bay gio quy vi tho mat ra khoc , khi con quyen hanh tai sao khong lam?

  5. Lề Trái says:

    Cái cương lĩnh chính trị của ĐCSVN mà in ra thì chỉ đáng làm giấy đi vệ sinh ở quê thôi, không ai thèm đọc cái mớ lý luận đểu đó làm gì. Chỉ vì tự nhận mình là đỉnh cao trí tuệ mà làm khổ dân mấy mươi năm bây giờ vẫn còn cố bám lấy thật là trơ trẽn không biết liêm sỉ là gì.

Leave a Reply to Dean van vu