Bá quyền nước lớn hay san sẻ lãnh đạo?
Nhận thức lại lợi ích
- Trung Quốc vừa qua đã vượt Nhật, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Cùng với sự lớn mạnh về kinh tế, Trung Quốc đầu tư mạnh cho quốc phòng và vươn tầm ảnh hưởng ra khu vực và thế giới, có thái độ cứng rắn, cương quyết trong nhiều vấn đề. Có những ý kiến cho rằng điều này làm dấy lên mối lo ngại về mối đe dọa Trung Quốc, nhất là đối với các nước nhỏ trong khu vực.
Theo ông, liệu mối lo ngại này có tác động đến nhận thức của các quốc gia về an ninh và hợp tác ở khu vực hay không, và, nếu có, sự thay đổi về nhận thức sẽ diễn ra theo những chiều hướng nào?
TS Vũ Hồng Lâm: Thật ra thì không phải tất cả các nước đều coi Trung Quốc là mối đe dọa. Tuy nhiên, nhiều nước lo lắng về thái độ cứng rắn và cương quyết của Trung Quốc trong bối cảnh khả năng và sức mạnh của Trung Quốc ngày càng tăng lên. Mức độ lo ngại cũng khác nhau tùy từng nước.
Một cách tự nhiên, những nước đặc biệt lo ngại là những nước mà lợi ích chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi sức mạnh, cũng như hành xử của Trung Quốc. Đó là các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc (như Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ), các nước trong khu vực xung quanh Trung Quốc (như Singapore, Australia), và các nước (hay khối các nước) đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực và trên thế giới (như Mỹ, EU).
Sự phát triển của Trung Quốc, về sức mạnh, về quan niệm về lợi ích của họ và về cách họ sử dụng quyền lực, sẽ buộc các nước phải nhận thức lại một số vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, các nước sẽ phải nhận thức lại về khả năng Trung Quốc mở rộng quan niệm “lợi ích cốt lõi” của họ. Ví dụ như trước đây, khi nói về những lợi ích không thể khoan nhượng của mình, Trung Quốc thường nhắc đến Đài Loan, và Tây Tạng. Nhưng đầu năm 2010 này, đã có những nguồn tin cho rằng Trung Quốc đã nói với Mỹ rằng Biển Đông cũng nằm trong số đó, ngang hàng với Tây Tạng, Đài Loan. Điều này buộc các nước phải tìm hiểu xem liệu trong tương lai, những gì sẽ được Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi, không thể khoan nhượng.
Thứ nữa, là các nước sẽ phải nhận thức lại về khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực và các hình thức gây sức ép khác trong quan hệ quốc tế. Ví dụ, từ một vài năm gần đây, Trung Quốc được cho là đã sử dụng vũ lực thường xuyên hơn, với mức độ mạnh hơn và ở phạm vi rộng hơn, trong yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông.
Hay một ví dụ khác là việc Trung Quốc đã sử dụng vị thế gần như là độc quyền của họ trong thị trường cung cấp đất hiếm trên thế giới để trừng phạt Nhật Bản trong vụ tranh chấp lãnh thổ ở đảo mà Nhật gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư hồi tháng 9 vừa qua.
Một điều nữa, có tầm quan trọng rất lớn, là nền tảng sức mạnh của trật tự khu vực. Sự lớn mạnh của Trung Quốc, cộng với sự mở rộng lợi ích chiến lược và thái độ cương quyết trong việc bảo vệ các lợi ích đó của họ, đang và sẽ buộc các nước phải nhận thức lại về nền tảng sức mạnh của trật tự khu vực.
Đây là vấn đề then chốt, nhưng đụng vào nó là phải đối diện với khả năng bất ổn ở mức độ cao nhất trong khu vực. Do đó, các nước thường ngại mổ xẻ vấn đề này.
Tuy nhiên, những phát triển gần đây, như tôi vừa nêu, cho thấy sớm muộn các nước cũng phải đối diện với câu hỏi then chốt về trật tự mới của khu vực, và rộng hơn là câu hỏi về trật tự thế giới. Câu hỏi đó là “sức mạnh của ai sẽ tạo nền tảng cho trật tự khu vực?” Hay, nói cách khác, ai sẽ đóng vai trò chủ đạo trong khu vực?
Tranh chấp vai trò chủ đạo khu vực
- Có thể miêu tả như thế nào về bức tranh quyền lực mới ở khu vực mà ông vừa nói đến?
Bức tranh quyền lực mới ở khu vực đang có sự dịch chuyển rất cơ bản ở tầng kiến trúc (tectonic shift). Đó là việc Trung Quốc có vẻ như đang vươn lên thách thức vai trò chủ đạo của Mỹ.
Trật tự khu vực hiện nay dựa trên nền tảng sức mạnh vượt trội của Mỹ về quân sự, kinh tế và chính trị. Sự tự do thông thương, bảo đảm an ninh khu vực, các thể chế và chuẩn mực quốc tế về cơ bản là dựa trên nền tảng sức mạnh đó. Trật tự đó được xác lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Nhưng trong thời kì Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã đứng đầu nỗ lực chống lại trật tự quốc tế do Mỹ chủ đạo. Trung Quốc cũng tham gia nỗ lực đó, nhưng chỉ đến năm 1972. Sau khi thỏa thuận với Mỹ, Trung Quốc đã chấp nhận vai trò chủ đạo của Mỹ để chống lại vai trò của chủ đạo của Liên Xô. Đến năm 1989, Liên Xô cũng chấp nhận vai trò chủ đạo của Mỹ và Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Kể từ đó, trật tự khu vực dựa trên sức mạnh vượt trội của Mỹ về cơ bản không bị thách thức, trừ một số nỗ lực đơn lẻ từ của những nước như CHDCND Triều Tiên, Myanmar. Nhưng năm 2010 có thể nói là dấu mốc lớn của việc Trung Quốc vươn lên thách thức trật tự khu vực dựa trên sức mạnh Mỹ.
Như vậy, một số nét cơ bản của bức tranh quyền lực mới ở khu vực là sự tranh chấp vai trò chủ đạo khu vực, sự tranh ngôi vị giữa Mỹ và Trung Quốc xem sức mạnh của ai sẽ làm nền tảng cho trật tự khu vực. Hiện Mỹ đang nắm ngôi vị này, nhưng Trung Quốc muốn thay thế.
Như lời một vị tướng Trung Quốc nói với Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương Tim Keating hồi năm 2008 là “các ông cần gì phải bảo vệ cả Thái Bình Dương, các ông hãy lui về phía đông Hawaii, để phần phía Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cho chúng tôi quản”.
Ý tưởng lấy sức mạnh Trung Quốc thay thế sức mạnh Mỹ làm nền tảng cho trật tự khu vực không hề mới. Cái mới ở đây là Trung Quốc có vẻ rất quyết tâm hiện thực hóa ý tưởng này và Trung Quốc đang ngày càng có nhiều sức mạnh để thực hiện quyết tâm đó.
Bá quyền nước lớn hay san sẻ lãnh đạo?
- Từ thay đổi nhận thức đó, cách hành xử của các quốc gia nên điều chỉnh theo hướng nào, nhất là nước nhỏ, láng giềng như Việt Nam?
Trước hết, các nước phải duyệt xét lại rõ ràng lợi ích cốt lõi của mình, so sánh với lợi ích cốt lõi của Mỹ và Trung Quốc, xem có mâu thuẫn lợi ích ở đâu, và song trùng lợi ích ở đâu. Mỗi nước có lợi ích riêng, hoàn cảnh riêng, nên mỗi nước sẽ có kết luận riêng về vấn đề này.
Thứ hai, các nước phải đánh giá đúng các khả năng mà sự dịch chuyển quyền lực trong khu vực có thể dẫn đến. Theo tôi, nét mới trong bức tranh quyền lực khu vực, về mặt lí thuyết, mở ra bốn khả năng.
Khả năng thứ nhất là mỗi nước Mỹ và Trung Quốc đều không chấp nhận một trật tự khu vực dựa trên sức mạnh vượt trội của nước kia. Nếu bị đẩy đến tận cùng, khả năng này sẽ dẫn đến tình trạng “hai phe”. Một phe thừa nhận vai trò của đạo của Mỹ và bác bỏ vai trò chủ đạo của Trung Quốc. Phe kia công nhận vai trò chủ đạo của Trung Quốc và chống lại vai trò chủ đạo của Mỹ.
Khả năng thứ hai là Mỹ và Trung Quốc cùng nhau chia sẻ vai trò chủ đạo khu vực một cách bình đẳng. Mô thức này chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Chưa có cơ chế nào tạo ra sự chia sẻ vị thế lãnh đạo khu vực một cách bình đẳng giữa hai nước lớn.
Khả năng thứ ba là trật tự khu vực tiếp tục dựa trên sức mạnh vượt trội của Mỹ, nhưng mô hình lãnh đạo khu vực sẽ có sự cải tổ để tạo ra cơ hội cho Trung Quốc vươn lên thay thế vai trò chủ đạo của Mỹ một cách hòa bình.
Khả năng thứ tư là Mỹ nhường vai trò chủ đạo khu vực châu Á cho Trung Quốc, rút về đóng vai trò chủ đạo ở khu vực khác.
Khả năng thứ hai và thứ tư rất khó xảy ra. Theo tôi, bức tranh khu vực đang chuyển động theo hai hướng chính cùng một lúc, tức là hai xu hướng của khả năng thứ nhất và thứ ba. Hãy gọi hai mô thức này là “hai phe” và “san sẻ lãnh đạo”. Mô thức “san sẻ lãnh đạo” chưa từng có tiền lệ, nhưng là mô thức hiện nay được đông đảo các nước, kể cả Mỹ và Trung Quốc, ủng hộ.
Tuy nhiên, các nước cũng không dám chắc là mô thức này sẽ đủ sức giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của từng nước. Do đó, các nước vẫn phải đi nước đôi.
Đối với những nước như Việt Nam, phải chuẩn bị cả hai phương án. Một phương án trong trường hợp mô hình “san sẻ lãnh đạo” thắng thế và một phương án cho trường hợp mô hình “hai phe” thắng thế. Lợi ích các nước nhỏ nói chung muốn mô hình “san sẻ lãnh đạo” thắng thế, cho nên họ cần đầu tư nhiều sức lực để thúc đẩy mô hình này.
Tuy nhiên, lịch sử ít khi chiều lòng người, càng hiếm khi chiều các nước nhỏ. Và nếu lịch sử lặp lại, mô hình hai phe sẽ thắng thế. Do đó, các nước cũng phải đầu tư không ít cho phương án “hai phe”.
Trong trường hợp xảy ra “hai phe”, một vài nước không có vị trí chiến lược và không có tài nguyên chiến lược sẽ được để cho đứng trung lập, nếu họ muốn. Một vài nước lớn cỡ như Ấn Độ và Nga sẽ đủ sức để đứng trung lập. Nhưng một nước như Việt Nam thì rất khó được để yên, và đây là khả năng rất xấu cho Việt Nam. Nhưng càng vì thế lại càng phải chuẩn bị thật sớm và thật kĩ càng.
- Và với nhân tố Trung Quốc, liệu cấu trúc hợp tác khu vực sẽ có điều chỉnh theo hướng như thế nào, để đáp ứng yêu cầu của các bên: Trung Quốc, các nước lớn cũng như các nước nhỏ ASEAN?
Để đáp ứng yêu cầu của các bên, xu hướng tối ưu là theo khả năng thứ ba như nói ở trên, tức là mô hình “san sẻ lãnh đạo”. Trong mô hình này, sự lãnh đạo khu vực được san sẻ cho nhiều nước. Mô hình này khác với các mô hình lãnh đạo khu vực khác ở chỗ quyền lãnh đạo khu vực không tập trung vào “bá quyền” của nước có sức mạnh vượt trội, cũng không tập trung vào “dàn hợp xướng” của một số nước lớn, mà được san sẻ để cho các nước khác đều có phần.
Mô hình này có ưu điểm là có khả năng đáp ứng mọi nền tảng quyền lực của trật tự khu vực. Một cơ chế phản ánh mô hình “sản sẻ lãnh đạo” là APEC. APEC đã đáp ứng tốt với sức mạnh vượt trội của Mỹ. Một biểu hiện là APEC đã bàn đến các vấn đề an ninh và đưa chống khủng bố vào chương trình nghị sự. Mặc dù, tôn chỉ ban đầu của APEC là chỉ bàn kinh tế, không bàn an ninh.
Một ví dụ nữa về sự mềm dẻo, tính dễ đáp ứng của mô hình “san sẻ lãnh đạo” là Cấp cao Đông Á (EAS). Cơ chế này lúc đầu dựa trên ý tưởng một tập hợp châu Á của riêng các nước châu Á, tức là có Trung Quốc mà không có Mỹ. Nhưng năm nay, nó đã được mở rộng với sự tham gia của Mỹ và Nga. Như thế, nó đã chuyển đổi một cách rất nhẹ nhàng từ tán thành vị thế vượt trội của Trung Quốc sang tán thành vị thế vượt trội của Mỹ, hoặc của cả Mỹ lẫn Trung Quốc.
ASEAN muốn làm “người cầm lái” cỗ xe trật tự khu vực
- ASEAN ở đâu trong bức tranh quyền lực mới này?
Là một tập hợp các nước vừa và nhỏ, sức mạnh tổng hợp của ASEAN không đủ để làm nền tảng cho trật tự khu vực. Do đó, trong điều kiện bình thường, ASEAN phải chấp nhận trật tự khu vực áp đặt bởi nước lớn từ bên ngoài.
Tuy nhiên, có hai điều nói lên chỗ đứng của ASEAN trong bức tranh quyền lực mới.
Một là, ASEAN không muốn phải lựa chọn theo nước lớn này chống lại nước lớn kia.
Hai là, ASEAN đang nắm bắt cơ hội do sự chuyển dịch quyền lực gây ra để đóng một vai trò cao hơn trong việc lãnh đạo khu vực.
ASEAN muốn đứng ở vị trí “người cầm lái” cỗ xe trật tự khu vực, để không cho nó bị kẹt giữa hai bức vách là “trật tự riêng biệt của Mỹ” và “trật tự riêng biệt của Trung Quốc”.
Không thể né tránh mãi vấn đề then chốt
- Trong năm 2010, nhìn ở ĐNA, rõ ràng chúng ta đang chứng kiến những bước chuyển trong hợp tác khu vực, nhiều yếu tố mang tính đột biến, như ADMM+, hay việc mở rộng EAS với sự tham gia của Nga, Mỹ. Ông đánh giá như thế nào về những bước chuyển trong cấu trúc an ninh khu vực?
Đây là những bước chuyển khá mạnh theo xu hướng “san sẻ lãnh đạo”. Việc cả Mỹ và Trung Quốc cùng tham gia vào EAS và ADMM+ cho thấy sức hấp dẫn của mô hình “san sẻ lãnh đạo”. Những bước chuyển này cũng cho thấy khả năng và sự nhạy bén của ASEAN trong việc “dĩ bất biến”, tức là lợi ích cốt lõi của ASEAN, để “ứng vạn biến” tức là thay đổi trong bức tranh quyền lực ở khu vực.
Chỉ cần so sánh với các sáng kiến bất thành về các cơ chế tương tự, như mô hình Cộng đồng châu Á – TBD do cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd đề xuất năm 2009 và mô hình Cộng đồng Đông Á do cựu Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama đưa ra cùng năm, sẽ thấy hai điều.
Thứ nhất là có một nhu cầu rất lớn nhằm cải tổ mô hình lãnh đạo khu vực theo hướng san sẻ vai trò lãnh đạo khu vực, coi đây là xu hướng tối ưu để bảo đảm an ninh và phát triển trong khu vực.
Thứ hai là ASEAN, cùng với Mỹ, nắm chiếc chìa khóa khai thông xu hướng này. Và ASEAN đã biết sử dụng chiếc chìa khóa ấy.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đầu. Mô hình “san sẻ lãnh đạo” vẫn chưa chứng minh được liệu nó có hiệu quả hay không. Một ví dụ là Hội nghị ADMM+ vừa qua sở dĩ được Trung Quốc chấp thuận là vì đã tránh không đụng vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển – một vấn đề rất then chốt trong an ninh khu vực – trng nghị trình chính thức.
Nhưng nếu sau này mà các cơ chế theo mô hình “san sẻ lãnh đạo” vẫn tiếp tục né tránh các vấn đề then chốt như thế, các nước có thể sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài mô hình “hai phe” để giải quyết các vấn đề đó.
- Theo ông, Nga, Mỹ có thể đóng vai nào trong cấu trúc an ninh khu vực mới? Liệu EAS với sự tham gia của Nga, Mỹ có thay thế hoặc chí ít là làm lu mờ cơ chế ASEAN+, vốn được xem là sân chơi của Trung Quốc ở khu vực?
Bản thân EAS chính là một hình thức của cơ chế ASEAN+. ASEAN vẫn nắm vai trò chủ nhà và “người cầm lái” trong EAS. Trước kia, khi không có sự tham gia của Mỹ, EAS cùng với cơ chế ASEAN+3 có thể coi là “sân chơi” của Trung Quốc. Khi có những “sân chơi” riêng biệt của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực thì yếu tố phân cực tăng lên. Nay EAS có thêm Mỹ, Nga, cũng như ADMM+ cũng theo công thức “cộng 8″, dường như yếu tố dung hòa đang tăng lên.
Khi Mỹ tham gia EAS thì EAS sẽ phản ánh vị thế vượt trội của Mỹ. Sự tham gia của Nga vào EAS được kì vọng sẽ đóng vai trò cân bằng, khiến cho tính chủ đạo của Mỹ không đi quá xa đến mức Trung Quốc không chấp nhận được.
Tuy nhiên cần để ý là cấu trúc an ninh khu vực mới không chỉ có sự gia tăng của các diễn đàn đa phương như EAS mở rộng và ADMM+. Thời gian qua cũng chứng kiến sự tăng cường các mối quan hệ đối tác chiến lược của các nước, đặc biệt là giữa Mỹ và một số nước mới trỗi dậy như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Nhìn tổng thể, cấu trúc an ninh khu vực đang đứng trên hai chân. Một chân là các quan hệ đồng minh, hay đối tác chiến lược. Một chân là các cơ chế đa phương. Trong tổng thể đó, Mỹ vẫn đóng vai trò chủ đạo. Trung Quốc có một vai trò rất nổi bật, nhưng việc định hình vai trò đó còn phụ thuộc rất nhiều vào chính nhận thức của Trung Quốc.
Với sự khởi sắc của mô thức “san sẻ lãnh đạo”, Nga sẽ có một vai trò cao hơn trong cấu trúc an ninh khu vực. Ấn Độ cũng sẽ có một vai trò cao hơn do sức mạnh kinh tế tăng lên. Đặc biệt là ASEAN sẽ có một vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh mới của khu vực.
Nguồn: Phương Loan, tuanvn