Lính Việt Nam sẽ theo gương Ai Cập hay Trung Quốc?
Những biến động ở Ai Cập hồi gần đây đã khiến nhiều người, đặc biệt là những người quan tâm tới triển vọng phát triển dân chủ ở Việt Nam, nêu lên câu hỏi “Khi nào Việt Nam sẽ có một phong trào xuống đường đòi dân chủ như vậy?” Một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng là “Trong trường hợp xảy ra một cuộc biểu tình như cuộc biểu tình ở Cairo, liệu những người lính Việt Nam sẽ theo gương binh lính Ai Cập để không nổ súng vào người biểu tình hay họ sẽ bước theo vết xe đổ của quân đội Trung Quốc năm 1989 để dùng xe tăng súng máy bắn giết thường dân vô tội?” Mời quí vị theo dõi ý kiến của một số các nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách.
VOA: Khả năng xảy ra một cuộc nổi dậy qui mô lớn, hòa bình để đòi cải cách chính trị ở Việt Nam?
Nguyễn Thanh Giang (Hà Nội): Dưới chế độ độc tài nói chung hay dưới một chế độ chuyên chế, công an trị, dự đoán khả năng và thời điểm mà nhân dân có thể vùng dậy là việc làm khó. Ngay trước ngày 9 tháng 11 năm 1989 không chỉ người ở các châu lục khác mà chính người Đức cũng không ngờ đêm đó bức tường Berlin sụp đổ; khi tổng bí thư đảng cộng sản Rumani lên đoạn đầu đài, ai có thể tưởng tượng nổi mới trước đó ít ngày bài diễn văn của ông ta trong đại hội đảng còn được vỗ tay đến hàng trăm lần.
Ở Việt Nam cách đây mươi năm nhân dân Thái Bình đã từng vùng dậy; cách đây một vài năm hết Thái Hà lại Tam Tòa và giáo xứ Vinh, rồi hàng vạn đồng bào Bắc Giang từng kéo đến xô đổ cổng công đường tỉnh… nhưng rồi đại hội XI Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn được tuyên bố là thành công rực rỡ.
Khả năng sắp hay chưa thể xẩy ra một cuộc nổi dậy quy mô lớn ở Việt Nam đều lớn như nhau. Xin nói rõ: Không phải đều như nhau, mà là đều lớn như nhau.
Duy yêu cầu đòi cải cách chính trị thì đã có và hiện đang trở nên hết sức bức thiết. Điều này không chỉ biểu hiện ở những người nông dân bị bọn tư bản đỏ câu kết với chính quyền cướp đất cướp ruộng, không chỉ biểu hiện ở những công nhân bị bóc lột làm cho cuộc sống bần cùng, cơ cực hơn công nhân ở các nước tư bản mà biểu hiện quyết liệt ngay trong giới elit của Đảng qua cuộc Hội thảo khoa học phê phán cương lĩnh Đảng do giáo sư Trần Phương, nguyên phó thủ tướng chủ trì, và đặc biệt là qua ý kiến phát biểu của nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.
Cho nên, nổi dậy quy mô lớn trên đường phố thì chưa biết lúc nào xẩy ra nhưng nổi dậy trong lòng người thì đã ở tầm quy mô lớn.
Nguyễn Đan Quế (Sài Gòn): Từ tháng 1-2011 cho đến nay, làn sóng biểu tình đòi Dân Chủ dồn dập nổ ra ở một loạt các xứ Ả Rập như Tunisia, Algeria, Yemen, Sudan… và đặc biệt là Ai Cập, đang thôi thúc mạnh người dân Việt đứng lên đòi Nhân Quyền và Dân Chủ.
Và khả năng nổi dậy hòa bình có qui mô lớn trên toàn quốc để buộc Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam phải tôn trọng Nhân Quyền và thực thi Dân Chủ là rất cao. Giới trẻ Việt Nam đang bảo nhau cách sử dụng điện thoại di động, email, Internet, Facebook, Twitter… để liên lạc, huy động, tổ chức, vào thời điểm thích hợp, đông đảo quần chúng xuống đường với khí thế để đòi Dân Chủ Hóa đất nước, giống như ở Ai Cập.
Điều đặc biệt đang diễn ra ở Ai Cập hiện nay là gì? Nếu không phải lần đầu tiên các siêu cường không khai thác các phe phái, xúi dục đối đầu nhau. Đa số đều đứng về phía Sức Mạnh Quần Chúng, kêu gọi chính quyền không đàn áp dân, và nhất là biểu đồng tình với thái độ trung lập của quân đội. Trung cộng không muốn xáo trộn trong nước mình, nhưng cũng không chống đối chuyển đổi Dân Chủ trong các nước Ả rập.
Theo tôi, một khi tổng nổi dậy nổ ra ở Việt Nam, Bắc Kinh vì quyền lợi hợp tác đa phương với các siêu cường khác sẽ: không những không thực tâm giúp Hà Nội, mà còn lũng đoạn thêm, làm suy yếu Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa đến tình trạng bất lực phải nhượng bộ trước Sức Mạnh Quần Chúng đang dâng cao đòi quyền sống và Dân Chủ.
Đoàn Viết Hoạt (Virginia): Rất nhiều điều không thể tiên liệu trước được, ngay như ở Tunisie, Ai cập vừa qua. Tuy nhiên theo tôi, một cuộc nổi dậy qui mô lớn tại Việt Nam chỉ có thể xẩy ra khi có những điều kiện sau đây:
(1) Kinh tế suy thoái nghiêm trọng, vật giá gia tăng không kiểm soát được, đời sống dân chúng khó khăn, chính quyền gần như bất lực.
(2) Tỷ lệ thanh niên “nhàn rỗi” tại các thành phố lớn ngày càng cao: không có hoặc rất ít việc làm, dù hình thức nào, và cũng không vào được các trường đại học.
(3) Các nhóm chống đối hoạt động hữu hiệu, có tổ chức và phối hợp tốt, có phương tiện và kỹ thuật cao, vượt qua được an ninh, tận dụng được hệ thống thông tin điện tử, đưa ra các khẩu hiệu đáp ứng nguyện vọng quần chúng.
(4) Thành phần cấp tiến trong đảng Cộng Sản cân bằng và vượt trội về ảnh hưởng và lực lượng với thành phần bảo thủ.
Điều kiện 1 và 2 là mấu chốt, cho đến nay chưa có, hoặc chưa đủ, và do đó cần được theo dõi sát. Khi có 1 hoặc cả 2 tình trạng này thì chỉ cần một biến cố nhỏ cũng có thể tạo bùng nổ. Cho đến nay đã có nhiều nơi có biến động, nhưng không tạo bùng nổ chính trị qui mô rộng lớn vì chưa có điều kiện 1 và 2.
Theo tôi, trừ khi có những yêu tố bất ngờ khác, biến chuyển chính trị tại Việt Nam đi theo một lộ trình khác với Tunisie, Ai Cập. Ở những nước này không có một đảng cầm quyền như đảng Cộng Sản. Tôi cho rằng cuộc cách mạng mầu Việt Nam sẽ là một hợp thể của ít nhất 3 nhân tố: (1) đại đa số quần chúng bất mãn dù thầm lặng (hiện đã có); (2) phe chống đối ngày càng mạnh lên, hoạt động tích cực, bền bỉ (dù bị đàn áp), hữu hiệu, dưới mọi hình thức, chính trị và phi chính trị (hiện chưa đủ); và (3) thành phần và quan điểm cấp tiến trong ban lãnh đạo đảng Cộng Sản ngày càng thắng thế (hiện chưa đủ). Đây là chưa kể đến các yếu tố bên ngoài tác động vào như kế hoạch bành trướng của Trung quốc, thay đổi tài trợ của quốc tế cho Việt Nam (vì không còn là nước nghèo), Hoa Kỳ gia tăng hoạt động tại vùng Đông Nam Á, người Việt hải ngoại tác động hữu hiệu hơn vào trong nước… Ba nhân tố chính đều cần thiết và tương quan với nhau trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, một tiến trình không thể đảo ngược. Câu hỏi hiện nay không còn là dân chủ hay không mà là dân chủ như thế nào và bao giờ. Tất cả 3 biến số trên đều luôn luôn “động” nên các bên liên quan cần theo dõi sát để có thái độ và hành động thích ứng và kịp thời.
Trần Trung Đạo (Boston): Việt Nam hội đủ các điều kiện khách quan dẫn đến cuộc cách mạng dân chủ. Sau 36 năm trong chế độ độc tài toàn trị, những bất mãn chồng chất mỗi ngày một cao trong ý thức của mọi tầng lớp nhân dân. Tình trạng tham nhũng ngày càng tinh vi, lan rộng khỏi biên giới quốc gia làm nhục lây cho cả dân tộc. Lãnh thổ, lãnh hải bị chiếm đoạt và đe dọa. Chính sách đổi mới của đảng trong những năm qua chỉ để ngăn cho ly nước khỏi tràn hơn là các canh tân căn bản mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước. Sở dĩ đến hôm nay cách mạng chưa bùng nổ bởi vì các lý do chủ quan. Các phong trào dân chủ cần đặt đúng mục tiêu đấu tranh trong nhu cầu của đại đa số nhân dân, cần phối hợp nhịp nhàng hơn, trong và ngoài nước, để tạo nên một sức mạnh dân tộc tổng hợp.
Thực tế tại Tunisia và Egypt cho thấy người dân xuống đường không phải để biện minh hay phản đối các lý thuyết xa vời mà đơn giản chỉ vì các quyền lợi bản thân và gia đình họ bị xâm phạm quá mức chịu đựng. Dân chủ bắt đầu từ ổ bánh mì và tự do bắt đầu từ quyền được nói. Hosni Mubarak là một tổng thống tham quyền cố vị nhưng chưa hẳn tàn ác như đồ tể Joseph Mobutu hay Mengistu Haile Mariam. Tuy nhiên, dân Egypt vẫn xuống đường ồ ạt chỉ vì tình trạng thất nghiệp gần 10%, tham nhũng có hệ thống trong chính phủ và chênh lệch giàu nghèo sâu sắc. Xã hội Việt Nam băng hoại hơn Egypt nhiều bởi vì tham nhũng tại Việt Nam có tính đảng.
Tóm lại, cách mạng dân chủ tại Việt Nam là một biến cố không tránh khỏi nhưng nhanh hay chậm tùy sự tác động từ các yếu tố chủ quan như đã trình bày.
VOA: Nếu xảy ra một sự việc như vậy, quân đội VN sẽ theo gương Trung Quốc để đàn áp như vụ Thiên an môn 1989, hay họ sẽ làm như quân đội Ai Cập hiện nay?
Nguyễn Thanh Giang: Mặc dù những người lãnh đạo trâng tráo đến mức bác bỏ cả khẩu lệnh của Hồ chủ tịch “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân” để nhồi sọ khẩu lệnh “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân” nhưng tin chắc rằng quân đội nhân dân Việt Nam dứt khoát sẽ không tàn sát đồng bào mình như Thiên An Môn. Ngay đối với Trung Quốc, ngày nay, tin rằng những người lãnh đạo cộng sản kia cũng không thể nào xua quân đội đi làm một Thiên An Môn thứ hai.
Tôi vững tin vào những người lính Việt Nam ngày nay bởi biết rằng không phải họ chỉ đã nhìn thấy những tấm gương ở Thái Lan, ở Tunisie, ở Ai Cập… mà gương xấu của những người lãnh đạo nói một đường, làm một nẻo và lạm dụng quyền hành để tham những, để bóc lột… làm cho họ không dại gì lấy máu đồng bào mình mà dâng hiến cho những “lý tưởng” lăng nhăng, lường gạt.
Nguyễn Đan Quế: Nhiều khả năng ở Việt Nam quân đội cũng sẽ đứng trung lập, theo gương của quân đội Ai Cập.
Cách xử sự của quân đội Ai Cập, không những không đàn áp mà còn ủng hộ đòi hỏi Dân Chủ của người dân, chắc chắn lúc có biến sẽ làm giới quân nhân Việt Nam suy nghĩ rất nhiều khi ra tay đàn áp: Đứng về phía đồng bào để được trọng thị, yêu quí; hay mù quáng tuân lệnh Bộ Chính Trị ĐCSVN bắn vào đám đông biểu tình, trong đó có bố mẹ anh chị em mình, để rồi bị mọi người phỉ nhổ. Lúc đó ai chịu? Lúc đó ai thương?
Ngoài ra, hai siêu cường Mỹ – Trung, có ảnh hưởng khá lớn trong hàng ngũ tướng lãnh Hà Nội, có thể thủ giữ vai trò quan trọng trong việc khuyến khích quân đội có thái độ trung lập.
Cuối cùng, tôi muốn nói thêm là:
Trên chính trường thế giới ngày nay, năm trung tâm quyền lực kinh tế đang lộ diện. Đó là: Mỹ, Nhật, Đức với Cộng đồng Âu Châu EU, Nga & Trung Cộng (năm thủ đô đều nằm về Bắc bán cầu).
Năm siêu cường đang đi vào thế hợp tác trong Chiến Lược Toàn Cầu Đa Phương Mới để:
- một mặt, giữ vững thế của nước giầu đối với nước nghèo, loại trừ khủng bố, giữ vững an ninh thế giới cùng phát triển;
- mặt khác, chuyển giao kỹ-nghệ-hoá cho các nước nghèo (đa số ở Nam bán cầu) nhằm lấp bớt hố xa cách giầu – nghèo, với mẫu số chung là “phát triển và Dân Chủ phải song hành”.
Nói cách khác, thế giới đang đi vào Hợp Tác Bắc – Nam.
Trước tình hình thế giới đã và đang thay đổi lớn như vậy, tôi nghĩ là quân đội và chính phủ Cộng Sản Việt Nam khó lòng thẳng tay đàn áp người dân như Trung Cộng đã làm ở Thiên an môn năm 1989.
Đoàn Viết Hoạt: Quân đội ở Ai cập không đảo chánh nhưng cũng không đàn áp người biểu tình. Muốn xẩy ra như vậy ở Việt Nam, thành phần cấp tiến trong đảng CS phải mạnh hơn thành phần bảo thủ thân Trung Quốc và ảnh hưởng được quân đội. “Tự diễn biến” trong đảng Cộng Sản không đủ để đem đến dân chủ, nhưng khi có nổi dậy qui mô lớn của quần chúng thì nhờ “tự diễn biến” mà quân đội có thể “trung lập”. Công an thì khó hơn nhưng dễ bị quân đội vô hiệu hóa. Hiện có hai yếu tố đang cản trở diễn tiến này:
(1) nhiều cơ quan và lãnh đạo quân đội được chia chác quyền lợi kinh tế thương mại; (2) Tổng bí thư đảng là bí thư quân ủy trung ương. Hiểm họa bành trướng Trung Quốc và lòng yêu nước cần được đề cao để chuẩn bị cho việc vận động quân đội khi có biến động.
Trần Trung Đạo: Tôi không nghĩ giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam dám ra lịnh cho quân đội tàn sát nhân dân như Đặng Tiểu Bình đã làm và dù có được lịnh, quân đội cũng sẽ không tuân theo chỉ thị của lãnh đạo đảng.
Các lãnh đạo đảng không dám vì họ biết trời đất rộng bao la nhưng khó tìm đâu ra một chỗ dung thân. Không giống như số phận Amin Dada của Uganda, Siad Barre của Somalia sau khi bị lật đổ đã được các độc tài khác bao che cho đến cuối đời, trong thời đại toàn cầu hóa, bang giao quốc tế được mở rộng và các công pháp quốc tế đã được tôn trọng, số phận các nhà độc tài cũng khác. Sự kiện Charles Taylor của Liberia đang bị giam giữ tại The Hague và al-Bashir của Sudan vừa bị tòa án quốc tế truy tố dù đang là tổng thống là những bài học sống mà họ phải thuộc.
Về phía quân đội, những người lính tại Việt Nam ngày nay không phải là những người xích chân vào nòng đại pháo như trước 1975 nhưng đã có ý thức dân tộc, đã quá đắng cay khi nghe đi nghe lại khẩu hiệu rỗng “độc lập, tự do, hạnh phúc”, và đã hiểu những xương máu mà các thế hệ đàn anh đổ xuống ở miền Nam chỉ làm giàu cho một thiểu số lãnh đạo đêm nệm ấm chăn êm trong các biệt thự nguy nga, ngày sống dư thừa trong các nhà hàng sang trọng. Phục vụ trong guồng máy, người lính phải quay theo guồng máy nhưng nếu có cơ hội đứng về phía dân tộc họ sẽ đứng về phía dân tộc. Cách mạng dân chủ tại Việt Nam nay mai chẳng những sẽ không có tiếng súng, không có giết chóc, không có cốt nhục tương tàn mà còn diễn ra rất nhanh chóng, bởi vì đại đa số người Việt đang bùng cháy trong lòng một ao ước giống nhau là mong được thấy quê hương hồi sinh và thăng tiến.
Nguồn : VOA
THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI LÃNH ĐẠO ĐẤT NƯỚC
Từ thuở ban sơ, khi xã hội được kết tập lại với nhau, yêu cầu về tổ chức và điều hành đã trở thành như một sự kiện hiển nhiên. Điều này không phải đúng với con người mà nhiều khi còn đúng cả với những loài vật, những loài vật sống thành quần thể, thành bầy đàn. Tính cách đó người ta nhận thấy phổ biến nhất như ở loài ong, loài kiến, loài mối, loài khỉ vượn, loài chim thiên di, loài đại móng guốc cùng di chuyển thành bầy … nói chung là có rất nhiều, theo bản năng đàn bầy, hoặc được tổ chức tinh vi, hoặc chỉ hành vi mù quáng theo mỗi con đầu đàn. Tất cả mọi điều đó xảy ra là vì nhu cầu trật tự, nhu cầu ổn định và thống nhất đàn bầy, đó cũng chính là nhu cầu tồn tại.
Nhưng mọi giống vật đều là loài lý trí thấp, chúng phần lớn sống chỉ dựa trên bản năng tự nhiên, chúng cũng không sử dụng sức mạnh nào khác ngoài sức mạnh chung của bầy đàn và sức mạnh thân xác của từng cá thể, tức các yếu tố cơ bản tạo thành sức mạnh đàn bầy. Điều này đối với con người lại hoàn toàn khác. Quần thể xã hội con người là quần thể có trình độ phát triển và tiến hóa cao, tức mỗi cá nhân đều có lý trí, có tình cảm, cảm xúc phong phú và cao quý rất nhiều hơn loài vật, có nghĩa con người biết nhận thức, và sự tổ chức trong xã hội con người không thuần túy bản năng mà còn là những sự tính toán có ý thức nơi mỗi cá nhân theo các nhu cầu, hoàn cảnh, điều kiện, tình huống riêng, hay vì nhằm lợi ích chung của toàn thể xã hội.
Như vậy, rõ ràng ngoài sức mạnh của lý trí, của tình cảm, của cảm xúc, ngoài sức mạnh cơ bắp của thân xác, con người còn có sức mạnh của các công cụ sát thương mà ngày nay được gọi chung là vũ khí, sức mạnh của sự tổ chức xã hội mà ngày nay vẫn được hiểu là các chế định hay luật pháp xã hội, mà nói chung lại là các quyền lực nhà nước. Đó đều là những diễn tiến hoàn toàn dễ hiểu của thực tế xã hội. Bởi khởi thủy của nó là các cách thức tổ chức, điều hành đơn giản nơi các bộ lạc, phát triển hơn đó là các hình thức của những xã hội phong kiến, cao hơn nữa là các xã hội quân chủ, và tiến bộ nhất ngày nay chính là các xã hội dân chủ, tự do hiện đại. Sự tiến triển của tính chất quyền lực chung như vậy rõ ràng phụ thuộc vào sự phát triển của toàn xã hội và mỗi cá nhân con người về tất cả mọi mặt, tinh thần, vật chất, ý thức, cũng như bản thân phát triển chung của toàn thể cộng đồng.
Ngày xưa, vua hay hoàng đế thường là các bậc võ biền khởi nghiệp. Đó là những cá nhân có sức mạnh, tài năng bản thân riêng do trời phú, và với tài trí xuất chúng riêng đó, kết hợp với sức mạnh của những người đi theo phò tá, giúp đỡ mình, kết hợp với hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương trở thành có nhu cầu đòi hỏi về ổn định cần thiết và sự trật tự chính đáng, thế là một triều đại được lập nên, và thường thường người đứng đầu như thế là một đấng quân vương. Ý nghĩa của người lập nên triều đại đầu tiên, thông thường vẫn là sự lợi ích chung cho toàn xã hội. Giống như Đinh Bộ Lĩnh đã từng đánh dẹp, thống nhất tình trạng cát cứ của các sứ quân và lập nên nhà Đinh. Đó cũng là tình trạng phổ biến chung trên toàn thế giới, cho dầu đó là các Đế chế hùng mạnh như La mã hay Mông cổ … là tùy theo hoàn cảnh lịch sử và điều kiện riêng của các dân tộc, các nước.
Thế nhưng nói chung lại, “vua” hay “hoàng đế” cũng chỉ là một người đứng đầu cả một cõi. Dưới tay họ là bộ máy triều đình, gồm mọi loại quan lại giúp việc, kể cả các bộ hạ, tay chân thân tín nhất, và cuối cùng là bộ máy hành chánh rộng lớn, hoạt động quản lý toàn xã hội, tức cai trị toàn dân. Cho nên gọi đó là bộ máy thiết yếu của trật tự xã hội, là công cụ quản lý chung của toàn xã hội, hay bộ máy chuyên chính của một triều đại gì đó cũng được, đó là tùy theo mức độ tốt đẹp hay không tốt đẹp của ý nghĩa xã hội trong từng triều đại đó. Nhưng nói chung lại, bởi xã hội con người là xã hội có lý trí, nên mỗi triều đại đều phải dựa vào một chủ trương chung nào đó, dựa trên cơ sở lý thuyết có tính lý tưởng nào đó như thần quyền, vua thay Trời trị dân, giáo quyền, vua là người lãnh nhiệm ý chí của Chúa, của Thượng đế v.v… và v.v… Và khi toàn thể xã hội thấy được lý do của các sứ mệnh đó chấm dứt, vua cũng hết quyền, quyền được chuyển giao cho người khác nắm được chân lý hơn, hay triều đại đó bị lật nhào để thay bằng triều đại khác hợp lòng dân, hợp với lợi ích chung của xã hội và mọi người hơn. Đó là lý do mà nhà tư tưởng chính trị vĩ đại ngày xưa là Mạnh tử có nói nước chỡ thuyền mà cũng chính nước làm lật thuyền là vậy.
Bởi trong phần lớn mỗi con người đều có những thứ bản năng hạ đẳng, nên thông thường chúng chỉ cần có các dịp tốt là dễ bùng ra. Chẳng hạn, trong các thời buổi nhiễu nhương thì trật tự xã hội hổn loạn, giặc cướp hoành hành. Khi một chính quyền mới tan rã, sụp đổ, chưa thay thế được cái mới, tình trạng lộn xộn trong trật tự xã hội có thể vẫn diễn ra. Đặc biệt trong các tình trạng bạo loạn, bạo hành nhất thời trong xã hội, hay tình trạng chiến tranh lộn xộn xảy ra, rất thường xảy ra nạn hôi của, cướp giật, trấn lột nhau về nhiều mặt v.v… Hay trong thời quân chủ ngày xưa, khi nhà vua sáng lập triều đại qua đời, tất nhiên ngôi báu chỉ truyền lại cho con, cho cháu, có khi cho người trong hoàng tộc. Đó là lẽ đương nhiên, bởi vì trình độ phát triển của xã hội khi đó về mọi mặt cũng chỉ đạt đến mức như thế. Nhưng oái ăm nhất, có khi quyền lực lại rơi vào trong đám hoạn q uan, rơi vào tay một bạo chúa, hôn quân kế tiếp, hay có trường hợp về mặt hình thức được chuyển vào tay một trẻ con, hoặc thậm chí một tì thiếp nào đó của nhà vua quá cố, nói chung là quyền hành được chuyển sang cho đám cận thần, đầy tớ gần gủi nhất, hay cho chính dòng máu trực hệ của người làm vua.
Đó là chuyện ngày xưa, đã từng nhiều trăm năm hay cả nhiều ngàn năm qua rồi. Nhưng trong thời hiện đại, có khi những điều này vẫn hoàn toàn lặp lại. Ngày nay tuy trong thời hiện đại, nhưng không thiếu trường hợp quyền lực xã hội vẫn được chuyển lén lút, che giấu, ngầm ẩn, hay thậm chí công khai theo cách máu huyết hoặc cận thần như thế. Điều này ở nhiều nơi, nhiều chỗ từng xảy ra, ai cũng biết, chẳng cần nói tới làm gì. Song lộ liễu nhất mà toàn thế giới dè bỉu nhìn vào đó là quyền lực sắp được truyền kế đến ba đời ở Triều Tiên, từ đời ông vua cách mạng đầu tiên, tức ông nội, để sắp kết thúc vào đời thứ ba hay kéo dài nữa, ở ông cháu nội mới 27 tuổi đã được phong làm đại tướng dù chưa đi lính lấy một ngày để thụ nhận và duy trì quyền hành cách mạng từ gia đình mình truyền lại. Đấy tính oái ăm hay tính hai mặt của quyền lực xã hội là như thế. Có nghĩa nó như con dao hai lưỡi và rất dễ bị chiếm đoạt, bị nhân danh. Bản năng con người có rất nhiều khía cạnh và tham vọng cá nhân con người thật cũng vô hạn, nên mọi sự bám víu quyền lực một cách sai trái là điều không tránh khỏi khi quyền lực do các yếu tố lịch sử bị rơi vào trong tay một cá nhân con người. Ngày nay không chỉ cá nhân mà còn là tập thể, và để nắm vững quyền lực, người ta cũng có thể nhân danh đủ thứ.
Trong ý nghĩa đó, đúng ra quyền lực trong thời hiện đại không thể nào là kiểu chính trị mù quáng, niềm tin mù quáng, hay kể cả mọi sự lợi dụng ích kỷ, mù quáng, mà phải là quyền lực trên cơ sở khách quan, khoa học, trên cơ sở tự do dân chủ của toàn toàn dân(1). Nói khác đi, quyền lực của thời hiện đại phải chính là quyền lực do kết quả của phổ thông đầu phiếu, mà không thể chỉ theo kiểu cha truyền con nối, kiểu cận thần vươn lên, kiểu sống lâu lên lão, hoặc trên cơ sở giòng máu, cơ sở của lý thuyết ý thức hệ, hay chỉ thuần túy là cơ sở của những tập thể đã và đang cầm quyền nào đó. Mọi sự truyền thụ quyền lực xã hội như thế rõ ràng chỉ là sự tiếm đoạt, sự chiếm đoạt của chung làm của riêng. Bởi quyền lực xã hội là quyền lực của toàn xã hội, của tất cả mọi người, không thể của riêng ai, của cá nhân nào hay của nhóm cá nhân nào. Trong ý nghĩa như thế thì quyền đầu phiếu phổ thông để ủy quyền, để toàn dân giao quyền là cần thiết và chính đáng nhất. Không thể có loại quyền lực chỉ chuyền tay nhau như kiểu chơi bóng, thực tế đó là kiểu phản xã hội, phi đạo đức, thậm chí là phi pháp, bởi vì khi ấy luật pháp giống như chỉ do mỗi cá nhân hay nhóm cá nhân chi phối, tự đặt ra, mà không phải của toàn dân.
Điều này hoàn toàn minh bách, rõ ràng, khách quan và dễ hiểu. Bởi vì tất cả mọi con người sinh ra trên thế gian này khởi thủy đều tự do, dân chủ và bình đẳng. Thế thì để chọn một người tiêu biểu nhất đứng đầu xã hội, đứng đầu nhà nước, chỉ có thể là bầu cử tự do, là phổ thông đầu phiếu, mà không thể nào là sự bầu cử gián tiếp, chỉ do một số người nào đó hạn chế tuyển chọn hoặc công kênh nhau lên, bởi vì không bất kỳ một nhóm cá nhân nào trong xã hội lại tự mình được thay quyền toàn xã hội cho dầu bất kỳ lý do gì, kể cả những sự nhân danh không chính đáng. Trao quyền kiểu cục bộ, theo cách gián tiếp, không quả phổ thông đầu phiếu, bị khống chế bởi nhóm thiểu số, đó là tình trạng lạc hậu, tình trạng phản tự do, dân chủ cần thiết và chính đáng của xã hội, nói chung là phi lý, kể cả bất hợp pháp đối với người đứng đầu đất nước, là nguyên thủ quốc gia, mà không bất kỳ những nhà nước tiên tiến, hiện đại, dân chủ tự do nào trên toàn thế giới ngày nay còn bám vào hay thực hiện.
Cho nên, chỉ khi nào người đứng đầu đất nước được toàn thể dân bầu một cách trực tiếp, công khai, dân chủ, theo kiểu phổ thông đầu phiếu, khi ấy thật sự người đó mới cảm thấy có tinh thần trách nhiệm, mới tiêu biểu được tinh hoa và tài năng của toàn xã hội, mới có đủ khả năng, sức mạnh để lèo lái, phát triển, chỉ đạo được lợi ích chung của toàn xã hội, của dân tộc, quốc gia và đất nước. Bởi tâm lý, ý thức con người vẫn luôn luôn phần lớn có sự mang ơn. Giống như người nào trao mình vật gì, mình tức khắc chịu ơn và muốn trả ơn người đó. Sự trao quyền xã hội cũng vậy. Tuy là công quyền, tức quyền của toàn dân, của mọi người, nhưng được một người hay một nhóm người khác nào đó khác trao riêng cho một người, tất nhiên người đó sẽ phải mang ơn, và cũng nhằm có ý chan hòa chung cho những người đó. Vả chăng công quyền, hay quyền lực công cộng là quyền chung của toàn xã hội, quyền chung của mọi người, tại làm sao một cá nhân hay một tập thể nào lại lấy lý do gì, lấy nguyên cớ hoặc mục đích ra sao để được nắm riêng và được trao riêng cho các cá nhân hay cho những con người kế thừa nào đó. Đó hoàn toàn là sự phi lý, sự phản dân chủ, mà bất cứ người dân bình thường nào đều cũng có thể nhận thức và đánh giá ra được.
Do đó, chỉ khi nào có quyền đầu phiếu phổ thông thật sự để lựa chọn người đứng đầu nhà nước, đứng đầu chính phủ, đứng đầu quốc gia, khi đó người đứng đầu mới đúng là người tiêu biểu nhất, có tài cán nhất, phù hợp nhất, và đồng thời cũng có năng quyền và trách nhiệm nhất. Tất cả những điều đó chính là tiền đề cơ bản, hay điều kiện tất yếu để chính người đó lập thành chính phủ lành mạnh, hiệu quả, mang tính đại diện toàn dân và cũng tất yếu được toàn dân ủng hộ. Đó mới thật sự là chính phủ hay chính quyền của dân, do dân, vì dân, mà không phải chỉ là lời thiệu, hay một khẩu hiệu bề ngoài, không thực chất và hoàn toàn hình thức. Cho nên, người đứng đầu, dầu tên gọi thế nào, cũng sẽ chính là người đầu tiên lập nên chính phủ, thiết kế hệ thống công quyền hiệu quả, trong sạch, lành mạnh nhất trong thực tế. Bởi công quyền thật sự chỉ là quyền lực cần thiết, phù hợp, khách quan, hiệu lực và kết quả nhất cho xã hội trong từng lúc, từng hoàn cảnh, từng thời gian và từng thời đại, không có loại công quyền như kiểu thiết kế một lần, tiền chế chủ quan theo kiểu nào đó và chỉ có những người vì hoàn cảnh hay điều kiện nào đó đã tạo ra nó và cứ thường xuyên hay muôn đời ôm mãi.
Bởi thế, nếu công quyền là của toàn dân thì nền chính trị cũng phải là của toàn dân, guồng máy hành chánh, quản lý cũng phải là của toàn dân, mà đứng đầu là chính phủ của nó cũng phải là của toàn đân, đó mới thật sự là nền dân chủ chính đáng, thực chất thật sự. Ai cũng biết chính trị hoàn toàn khác với hành chánh. Hành chánh là bộ máy công quyền tính, nó là công cụ quản lý phổ biến toán xã hội, nó phải tồn tại khách quan, không hoàn toàn lệ thuộc vào chính trị. Guồng máy hành chánh như vậy phải là chuyên nghiệp, là khoa học, là hiệu quả, là khách quan, đó là yêu cầu chung, thực tế của toàn xã hội, không thể để cho quyền hành chính trị nhất thiết tác động hay can thiệp một cách phiến diện, tùy tiện hoặc méo mó vào. Đó là nguyên tắc hay nguyên lý chung mà loài người từ xưa đến nay, xã hội hay quốc gia nào cũng chấp nhận và đều tuân thủ như vậy. Có nghĩa hệ thống công quyền phát triển chung theo phát triển của toàn xã hội, nó không nhất thời bị uốn nắn, lạm dụng vì các quyền lực thường xuyên có thể đổi thay về mặt chính trị. Bởi thế, người đứng đầu quốc gia, tức tổng thống, chủ tịch hay thủ tướng cũng như hàng bộ trưởng có thể chuyển biến, thay đổi, nhưng guồng máy hành chánh công quyền trước sau vẫn như một, đó chỉ là nền trật tự khách quan, tất yếu, ổn định của một quốc gia, một xã hội. Cũng chính vì thế mà cái được gọi là lãnh đạo toàn diện, tức cai quản mọi người, mọi nơi, mọi chốn, từ thân xác đến ý thức, từ tổ chức bên ngoài đến ý nghĩ bên trong quả là phản dân chủ, phi nhân văn, bất hợp lý, vì nó không còn hiểu được có sự tách biệt giữa quyền dân sự và quyền chính trị, giữa xã hội và chính trị, giữa công quyền và ý thức cũng như chiều hướng chính trị nhất thời, hay nói chung lại đó chẳng qua là khái niệm toàn trị một cách sai trái, thậm chí phản xã hội.
Tất nhiên, thức tế xã hội luôn luôn tự hình thành nên những nhóm xã hội. Kể cả mỗi gia đình cũng có thể hiểu như một thứ nhóm xã hội cơ bản nhất. Cho nên những nhóm xã hội chính là những nhóm dư luận, nhóm ý kiến, nhóm trí tuệ, nhóm cảm xúc, hay đôi khi kể cả là những nhóm nghề nghiệp. Bởi vậy, dù được tổ chức lại hay không, dù có lồng vào nhau hay liên kết lại hay không, các nhóm xã hội bao giờ cũng là những thực tế có thật một cách tự nhiên và chuyển biến tùy theo mọi tình huống khách quan của xã hội. Chính đó là những nhóm tiêu biểu, nhóm đại diện, là các thành phần cơ bản hướng dẫn đầu phiếu phổ thông một cách rộng rãi, chính xác và dân chủ nhất mà không thể ai phủ nhận. Đấy ý nghĩa của chính trị thực tế là thế, tức là dư luận, là nguyện vọng chính đáng, hữu lý của toàn dân kết hợp lại qua các nhóm xã hội, mà không chỉ tùy thuộc duy nhất vào cá nhân hay một nhóm xã hội cứ mãi mãi tồn tại cứng nhắc, vĩnh viễn nào. Chính trị nói cho cùng chỉ là sự tổ chức, sự định hướng các nhu cầu thực tiển, cần thiết, phù hợp theo thực tế phát triển và tồn tại của từng xã hội, đất nước qua chuyển biến thời gian, mà không thể là công thức cứng nhắc, tiền chế, hay vũ đoán nào. Đó chính là ý nghĩa của chính trị gắn liền với giá trị và mục đích dân chủ, tự do đúng nghĩa và cần thiết của toàn xã hội. Cũng chính thế mà yêu cầu của người đứng đầu, người lãnh đạo đất nước, cũng phải là kết tinh của toàn những cái đó.
Trong tính cách như thế thì người đứng đầu xã hội, đứng đầu đất nước luôn mang ý nghĩa tiêu biểu, mang tính cống hiến, thậm chí hi sinh mọi hạnh phúc, quyền lợi cá nhân cho chính hạnh phúc của mọi người và quyền lợi chung của toàn xã hội. Đây là điều tự ý thức mà không cần ai dạy bảo, không cần ai khống chế. Bởi bất kỳ một người đứng đầu chính phủ, chính quyền, đứng đầu nhà nước nào mà còn lo cho quyền lợi riêng của bản thân mình, của gia đình, con cái, thân nhân mình, thực chất đều cơ bản là người bất xứng trong chính nghĩa vụ đã được giao, tức đã được toàn dân trao phó. Điều này trước hết là lương tâm, trách nhiệm của chính người đó quản lý, giám sát, kế đến là cơ quan công quyền độc lập có chức năng kiểm tra giám sát, và sau nữa là báo chí, dư luận, toàn dân, tức toàn thể mọi nhóm xã hội đều có quyền giám sát. Trong ý nghĩa trên dưới một lòng thống nhất như vậy, thật sự cũng làm sao có tham nhũng, hay tình trạng tham nhũng trong guồng máy công quyền cũng chỉ là những yếu tố đặc thù, những hiện tượng lén lút, những trường hợp cá biệt, làm gì có tình trạng phổ biến, công khai, bất trị như mọi người vẫn rất rõ và vẫn thường nói đến. Như vậy nói cho cùng, trong bất kỳ xã hội nào, chính cơ chế vận hành của nó là cái nền tảng và quyết định nhất. Nếu cơ chế đó là cơ chế tự do, dân chủ thực sự, người đứng đầu nhà nước của nó thật sự cũng là người tiêu biểu, từ đó cả chính phủ và nền công quyền cũng hoàn toàn tiêu biểu, xã hội đó đương nhiên cũng phải là xã hội lành mạnh và hiệu quả. Trong khi đó mọi điều ngược lại xảy ra, cũng chính là do bản thân của cơ chế xã hội đó thực chất không dân chủ, không tự do theo đúng nghĩa, và tất yếu những hệ quả đi theo của nó cũng chỉ là điều đương nhiên, không thể nào khác được.
Đà Lạt, một sáng mùa xuân năm Tân Mẹo
(16/02/2011)
VÕ HƯNG THANH
Có cơ hội là xuống đường thôián quá chính quyền thối nát và bất lực này rồi.
Chuyện quân đội sẽ đối xử với dòng người biểu tình như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận tương đối của quân đội về tinh hình.
Mọi quân đội đều có tổ chức và mọi người lính đều phải có nghĩa vụ chấp hành mệnh lệnh chỉ huy. Mọi quân đội đều có sứ mệnh bảo vệ đất nước (khác với cảnh sát là bảo vệ an ninh trật tự), tức là dân – cho nên không có bất cứ quân đội nào chống lại hay tàn sát nhân dân của mình.
Vấn đề nằm ở chỗ quân đội có nhìn nhận đám người biểu tình là lực lượng đại diện cho nhân dân hay không? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận của quân đội về thành phần người đứng lên đấu tranh, tính chính đáng của hành động này, cũng như yêu sách mà đám người này đưa ra.
Quân đội sẽ đàn áp đám người biểu tình, nghe theo mệnh lệnh nếu cảm thấy đám người biểu tình không đại diện cho đa số dân (không thể hiện lòng dân) mà chỉ gây nguy hại cho an ninh chung; hay các yêu sách mà họ đưa ra xa lạ, không chính đáng. Khi đó, đám người biểu tình chỉ được coi như một đám người làm loạn, bột phát, nên đàn áp là hành động không phản lại tôn chỉ bảo vệ đất nước của quân đội.
Hãy xem trường hợp Ai Cập: quân đội phải mất một thời gian dài mới khẳng định được đám đông biểu tình đại diện cho ý nguyện chung và có tính chính đáng – sau suốt 18 ngày đấu tranh bùng nổ khắp nơi, bất chấp đổ máu – để sau đó đứng hẳn về phía đám người biểu tình.
Trong trường hợp Trung Quốc, đấu tranh chỉ diễn ra duy nhất tại Thiên An Môn, và chỉ duy nhất do các sinh viên cấp tiến tham gia. Những đòi hỏi của sinh viên TQ lúc đó xa lạ và mang nặng tư tưởng ngoại bang giống như biểu tượng nữ thần tự do mà họ dựng lên ở quảng trường. Quân đội TQ có thể không nhận thấy tính đại diện và chính đáng của cuộc đấu tranh nên đã chấp hành mệnh lệnh cấp trên, không coi đám người biểu tình như người dân của mình mà chỉ như những kẻ làm mất ổn định chung của xã hội.
Nhìn vào một số vụ biểu tình ở VN gần đây, có thể thấy chưa có vụ nào thể hiện mối quan tâm chung của xã hội cũng như có tác dụng tạo ra cả một phong trào chống đối. Đa số chỉ về các mâu thuẫn cụ thể với các cấp chính quyền. Kết quả cho thấy là đa số đều được dẹp gọn gàng chỉ với lực lượng cảnh sát.
Để có thể có các phong trào chống đối như Bắc Phi, người dân Việt Nam cần có chung một mối bức xúc lớn không thể giải quyết; đồng thời đa số người dân cần phải cùng có chung nhận thức rằng thể chế hiện hành (sự độc quyền của ĐCS? quan chức cụ thể nào đó?) chính là nguồn căn của mối bức xúc đó.
Xem ra người VN ngày nay bức xúc nhất là về giá sinh hoạt, nhiên liệu đắt đỏ, mức lương thấp, sự giàu có do tham nhũng của giới lãnh đạo. Ngoại trừ vấn đề cuối: sự giàu có do tham nhũng của giới lãnh đạo, các vấn đề khác có liên hệ quá phức tạp đến vấn đề thể chế và lãnh đạo nhà nước, khiến người ta không thực sự chắc chắn về nguyên nhân các khó khăn. Chưa kể nhà nước hiện hành thậm chí còn thi hành nhiều chính sách bù giá nhiên liệu, tăng lương, liên tục trong thời gian qua, không hề tỏ ra vô cảm với các bức xúc xã hội.
Có các động tác tuyên bố loại trừ hay trừng phạt khắt khe quan chức tham nhũng hiện vẫn đang là cách để chế độ hiện hành cứu vớt tính chính danh của mình. Tuy nhiên khi vấn đề vở lở một cách có hệ thống rằng: (1) hầu hết quan chức, từ lớn đến nhỏ, đều có thu vén cá nhân, hoặc tệ hơn là hy sinh quyền lợi chung vì tư lợi; (2) các vị trí lãnh đạo trong bộ máy đều do lo lót, dàn xếp mà có; (3) rất nhiều nhân vật quan trọng bất tài vô dụng hoặc ra các quyết sách sai lầm… (hay nói cách khác, có bằng chứng chứng tỏ bộ máy cầm quyền suy đồi có hệt thống, hết thuốc chữa) thì sự vỡ lở đó có thể sẽ thành cái cớ rất mạnh mẽ để người dân đứng ra đòi thay đổi chính quyền. Khi đó, quân đội phần nhiều sẽ đứng về phía người đấu tranh.
Ai Cập chỉ có một ông Mubarak cầm quyền suốt 30 năm, nên vấn đề đơn giản hơn rất nhiều. Ai cũng rõ về sự giàu có, về sự độc tài, sự giàu có và cầm quyền vô lý của ông này. Ngoài ra, do ông ta độc tài, ông ta chẳng có thể đổ lỗi về các khó khăn mà Ai Cập gặp phải cho bất cứ ai khác. Vì thế, cuộc đấu tranh ở Ai Cập mới có thể bùng nổ và thành công. Với VN, lãnh đạo VN là cả một hệ thống chính trị thay đổi liên tục, dù nó được gọi chung là Cộng Sản. Thuyết phục người dân về lỗi của hệ thống vô cùng khó và trừu tượng; bộ máy nhà nước luôn có hàng ngàn lý do và hàng loạt nhân vật để đổ lỗi cho các sai lầm khó khăn.
Vì thế, đấu tranh kiểu Ai Cập ở VN sẽ chẳng bao giờ diễn ra trong tương lai gần. Lý do chỉ là xã hội không tạo được nhận thức chung, đủ mạnh, thống nhất về: cái gì phải thay đổi và nếu thay đổi thì phải thay đổi như thế nào.