WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Vài ý kiến nhân đọc bài nhận định “Vai trò của Đài Loan tại Biển Đông” trên RFA

 

Biển Đông, khu vực chồng chéo tranh chấp

Bài này nhằm góp ý với các tác giả của bài nhận định “Vai trò của Đài Loan tại Biển Đông” đăng trên RFA ngày 4 tháng 11 năm 2011, về một số điều đã viết trong bài mang tính lịch sử và có tầm chiến lược quan trọng.

Bài viết gồm hai phần: phần lịch sử chủ quyền và phần nhận định.

Phần I: Lịch sử chủ quyền.

1/ Sơ lược địa lý Quần đảo Trường Sa – Spratleys – Đảo Ba Bình:

Còn được gọi qua nhiều tên khác nhau: Nansha Gunto, tức  Nam a Quần Ðảo (Trung Hoa), Kalayaan (Phi Luật Tân), Sinnan Gunto, tức  Tân Nam Quần Ðảo (Nhật-Bản)… Trường Sa cũng có một vài tên gọi ít người biết là South Sandy islands, Freedomland, Kingdom of Humanity. Những nhà nghiên cứu thềm lục địa gọi vùng nầy là “The Reed bank Area”.

Ðây là một tập hợp nhiều đảo (île), hòn (îlot), đá san hô (récif), bãi ngầm (haut-fond), dải cát (banc de sable), bãi san hô (caye)…  trải dài từ vĩ tuyến 6° đến 12° vĩ độ Bắc và từ kinh tuyến 111° đến 118° kinh độ Ðông. Số lượng chính xác các bãi ngầm, bãi cạn, cồn nổi, cồn chìm, đá lớn, đá nhỏ, dải cát… tại đây chưa được xác định rõ rệt. Tập hợp địa chất này tọa lạc trên một vùng biển có diện tích rất lớn, chiều Bắc Nam dài hơn 500 Km, chiều Ðông Tây dài hơn 1.000 km, chiếm khoảng 160.000 km2. Khoảng cách giữa các đảo đôi khi khá lớn. Tâm điểm của quần đảo cách đều bờ biển hai nước Việt Nam và Phi Luật-Tân : cách Palawan 400 km, cách Cam Ranh 450 km, cách Sabah 500 km, cách Yu-lin (Hải Nam) 1.100 km, cách Hồng Kông 1.400 km, cách Tân Gia Ba 1.500 km và cách Cao Trung (Ðài Loan) 1.700 km. Chỉ khoảng 15 đảo (iles) ở đây là có cây cỏ và giếng nước ngọt, có thể cho loài người sinh sống. Hầu hết các đảo nầy rất nhỏ, lớn nhất diện tích không quá 43 hectares, phần lớn có diện tích vài trăm mét vuông đến vài ngàn mét vuông, quần tụ theo nhiều nhóm khác nhau. Ðộ cao trung bình so với mặt biển từ 2 đến 6 mét, đa số không có cây lớn. Quần đảo nầy, cũng như quần đảo Hoàng Sa, đều do san hô cấu tạo thành.

Ðảo Ba Bình, tức Itu Aba, có tọa độ 10° 23’ Bắc, 114° 22’ Ðông, thuộc nhóm Tizard. Nhóm Tizard, trải dài 30 dặm từ Ðông sang Tây và 8 dặm từ Bắc xuống Nam. Ðây là một bãi do san hô (récif) kết tạo nên, gồm có nhiều đảo và cồn cát, có hình vành, giữa là một đầm (lagon). Phần lớn những đảo chánh (cao hơn mặt biển) của Trường Sa thì ở trên bãi nầy (như đảo Ba Bình, đảo Nam Yết, đá Tizard, Cồn Sandy, Ðảo Petley, Ðảo Eldad, hai đảo Gaven…). Ðảo Ba Bình ở phía tây bắc của nhóm và là đảo lớn nhất ở Trường Sa. Ðảo có chu vi 2,8 km, diện tích 43,2 hectares và có một viền đá san hô bao chung quanh. Chiều dài đảo là 1470m, chiều rộng 500m, có độ cao trung bình 2,8m. Trên đảo có mọc các loại cây dừa, chuối, đu đủ, cây cọ cao khoảng 7m và nhiều bụi rậm.

Trước kia, thời VN còn thuộc Pháp, trên đảo Ba Bình đã có một sân bay nhỏ. Từ năm 2006, chính quyền Trần Thủy Biển cho xây dựng một sân bay khá quan trọng, với mục đích, theo tuyên bố của bộ trưởng bộ quốc phòng là Michael Tsai: “Phi đạo mà phía Đài Loan đang tiến hành xây dựng trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa có khả năng phục vụ cho mục đích quân sự, có ý nghĩa chiến lược, có khả năng cảnh báo trước bất kỳ sự tấn công nào từ phía Bắc Kinh.”

2/ Sơ lược lịch sử pháp lý:

Trong khoảng thời gian Ðệ Nhị Thế Chiến, quân đội Nhật chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, sát nhập hành chánh vào Đài Loan. Sau khi Nhật đầu hàng, một khoảng trống pháp lý thiết lập trên hai quần đảo. Theo luật của kẻ chiến thắng, ở đây là các nước Đồng minh, tất cả các vùng lãnh thổ của Nhật chiếm đóng trái phép của các nước khác, dĩ nhiên liên quan đến các quần đảo HS và TS, sẽ được quyết định qua các thỏa ước giữa các nước đồng minh. Các kết ước đó là: Hòa ước San Francisco ngày 8 tháng 9 năm 1951, Hòa ước Trung Nhật ký tại Đài Bắc ngày 28-4-1952. Tuy vậy, cũng phải nhắc lại các tuyên bố hay thỏa ước đã ký kết trước đó như Hội đàm tại Caire (Cairo) 23 đến 26 tháng 11 năm 1943, Mật ước Yalta 11-2-1945 , tối hậu thư Potsdam gởi cho Nhật Bản ngày 26 tháng 7 năm 1945 cũng như các điều kiện mà Nhật Bản chấp nhận đầu hàng, Thỏa ước Pháp-Trung ký tại Trùng Khánh ngày 28 tháng 2 năm 1946, v.v… vì các thỏa ước này có quan hệ đến Hòa Ước San Francisco 1951 hoặc hai quần đáo HS và TS.

2.1 Nội dung Hội đàm Caire (Cairo) tháng 11 năm 1943, được công bố ngày 1 tháng 12 năm 1945, gọi là Tuyên bố Caire (Cairo), giữa đại diện ba nước Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa là Theodore Roosevelt, Winston L.S. Churchill và Tưởng Giới Thạch. Hội đàm này xác định quyền lợi của Trung Hoa để nước này đứng về phía Đồng minh tuyên bố chiến tranh với Nhật. Các điều kiện để Trung Hoa đứng về phía Đồng minh được xác định rõ rệt trong Tuyên bố. Nội dung tóm lược những vùng lãnh thổ mà Nhật phải trả lại là:

– Tất cả những đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã chiếm từ sau Thế chiến I;

– Trả lại cho Trung Hoa những vùng mà Nhật đã cướp của Trung Hoa như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ;

– Tất cả các vùng lãnh thổ mà đế quốc Nhật đã chiếm bằng vũ lực;

– Nhân dân Hàn Quốc lấy lại chủ quyền đất nước mình trong một thời gian nhất định.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh: “Tam đại cường quốc đồng minh có mục tiêu chấm dứt sự xâm lược của Nhật Bản mà không nhằm vào việc bành trướng về lãnh thổ.”

Tức điều kiện để Trung Hoa đứng vào phe Đông minh là: Nhật phải trả lại cho Trung Hoa lãnh thổ Mãn Châu, đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ (ở kế cận, phía bắc Đài Loan). Khi phía TQ đòi hai quần đảo HS và TS cho họ tức là đã có khuynh hướng “bành trướng lãnh thổ” mà việc này đi ngược với tuyên bố Caire (Cairo).
2.2 Tối hậu thư Potsdam : Sau khi Nhật đầu hàng tháng 8 năm 1945, theo tinh thần của tối hậu thư Potsdam, Trung Hoa đưa quân vào VN để giải giới quân Nhật, từ vĩ tuyến 16 trở về bắc. Tuy nhiên, theo một điều khoản đính kèm thỏa ước Trùng Khánh ký kết với Pháp ngày 28 tháng 2 năm 1946, quân Tưởng rút khỏi VN để cho quân Pháp vào thay thế. Để đạt được việc này, Pháp phải tuyên bố hủy bỏ nhiều quyền lợi của họ tại TQ, như các nhượng địa, quyền sở hữu các hệ thống đường sắt cũng như dành cho dân Trung Hoa nhiều sự dễ dàng về kinh tế tại đông Dương. Việc giải giới quân Nhật vùng dưới vĩ tuyến 16 thì thuộc quyền của Anh. Qua sự thỏa thuận của Anh, Pháp vào lại VN thay Anh. Qua các việc này Pháp tái khẳng định quyền bảo hộ của Pháp tại VN. Sẽ nói lại ở phần dưới.

2.3 Quốc hội lập hiến Trung Hoa Dân Quốc 1947 và đường chữ U: Trong khi đó, tại lục địa, cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức từ ngày 21 đến 23 tháng 11 năm 1947, mỗi đại biểu đại diện cho 500.000 dân, tại 32 tỉnh huyện trên tổng số 47 (vì các nơi khác đã bị hồng quân Mao chiếm đóng). Quốc hội nhóm họp đầu tiên ngày 29 tháng 3 năm 1948, ngày kỹ niệm 72 liệt sĩ Hoàng Hoa Cương (Quảng Châu). Buổi họp diễn ra với nhiều tố cáo (của các đảng khác) tình trạng gian lận hay không hợp lệ, vì thế tính chính thống của quốc hội này bị đặt lại. Tuy vậy quốc hội vẫn không bị giải tán, được thành hình với quyền hạn nghe giải trình các việc làm của hành pháp, tranh cãi trên các vấn đề chính trị và đề nghị qua chính phủ kết quả các việc này. Một số công việc được thông qua, đáng chú ý là việc “xác nhận quyền bất khả thất hiệu” của Trung Hoa tại quần đảo Hoàng Sa. Việc này xảy ra sau khi quân Trung Hoa chiếm đóng đảo Phú Lâm (l’ile Boisée) thuộc Hoàng Sa ngày 7 tháng 1 năm 1947. Như thế hành động của quốc hội Trung Hoa  là nhằm “hợp pháp hóa” việc chiếm đóng này.

Hành động chiếm đảo Phú Lâm của chính phủ họ Tưởng đã vi phạm các thỏa ước mà chính phủ này đã ký kết. Trước hết là trái với tuyên bố Caire: “không bành trướng lãnh thổ”. Thứ hai đi ngược với tinh thần của tối hậu thư Potsdam, cũng như không tôn trọng thỏa ước Trùng Khánh ký kết với Pháp, nhượng cho Pháp quyền tước vũ khí quân Nhật tại VN, để đổi lấy quyền lợi kinh tế. Nhưng dầu thế nào, nếu chiếu theo tinh thần Potsdam thì Trung Hoa chỉ có bổn phận giải giới quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở lên, do đó không liên quan đến quần đảo HS và TS.

(Trước hành động này chính phủ Pháp lên tiếng phản đối, yêu cầu quân Tưởng rút về nhưng không thành công. Lo ngại quân họ Tưởng chiếm đóng các đảo khác, Pháp gởi một đạo quân hỗn hợp Việt Pháp lên đóng tại đảo Hoàng Sa (Pattle). Việc này chính phủ Tưởng Giới Thạch phản đối nhưng lại tiếp tục từ chối một trọng tài quốc tế để giải quyết vấn đề do Pháp đề nghị.)

Khi chính phủ Tưởng Giới Thạch sụp đổ phải rút ra Đài Loan, quân đội Trung Cộng thay thế tại các đảo trong nhóm An Vĩnh thuộc Hoàng Sa vào tháng 4 năm 1950. Trong khi đó quân đội Pháp Việt vẫn còn ở nhóm Nguyệt Thiềm. Ngày 14 tháng 10 cùng năm thì Pháp chuyển thẩm quyền HS lại cho chính quyền Bảo Đại.

Điều cần nhấn mạnh ở nơi đây là ý nghĩa của đường chữ U. Theo các tài liệu của Pháp đã ghi lại ở trên, đến tháng 11 năm 1947 thì quốc hội Trung Hoa Dân Quốc được thành lập, tháng 3 năm 1948 thì có việc xác định quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Hoa nhưng không hề nhắc đến quần đảo Trường Sa. Do đó, chủ quyền Trường Sa và đường chữ U chín gạch (như đã thấy hiện nay) chỉ là sản phẩm của các chính phủ kế tiếp sau này (chứ không phải từ năm 1947 như có nhiều nguồn tin đã nói).

2.4 Chủ quyền của VN tại Trường Sa: Về quần đảo Trường Sa, cũng như quần đảo Hoàng Sa, từ lâu đã thuộc về Việt Nam, liên tục qua các thời kỳ chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn… và dân VN đã tổ chức thành đội ngũ, qua nhiều thế kỷ, thường xuyên khai thác hải sản cũng như thâu lượm các phế vật hay phẩm vật do các thuyền bè các nước bị vướng đá chìm ở đó. Chủ quyền của VN tại hai quần đảo này như thế đã được khẳng định. Sau khi thuộc Pháp, nước này lại xem TS và vùng đất vô chủ, từ năm 1930 đã cho thuyền ra thám hiểm, đến ngày 23 tháng 9  năm 1930 ra thông cáo đã thông báo cho các cường quốc khác về sự chiếm đóng của Pháp trên quần đảo Trường Sa. Ngày 21 tháng 12 năm 1933, Toàn Quyền M.J. Krautheimer ký nghị định sát nhập những đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba (tức Ba Bình), Sóng Tụ, Loại Ta, Thị Tứ vào tỉnh Bà Rịa.

Như vậy sự chiếm hữu của Pháp tại Trường Sa, dầu bằng phương pháp nào, nhân danh nước bảo hộ thâu nhận Hoàng Sa hay là khám phá và chiếm hữu đất vô chủ như Trường Sa, thì những quần đảo này cũng thuộc về VN. Các đảo TS sát nhập vào Bà Rịa, khi trả lại độc lập cho VN, nếu Pháp trả Bà Rịa cho VN thì cũng giao TS lại cho VN. Vì đó là tính liên tục của quốc gia về lãnh thổ.

Cũng dựa trên điểm này, tính liên tục của quốc gia về lãnh thổ, phía Đài Loan cho rằng TS thuộc chủ quyền của họ. Bởi vì, khi chiếm TS từ tay Pháp, Nhật đã cho sát nhập hành chánh vào Đài Loan. Nhưng việc này không ổn, trước khi Nhật chiếm TS thì nó thuộc VN, qua đại diện là Pháp. Nhật chiếm TS là chiếm một lãnh thổ đã có chủ. TS không hề thuộc Đài Loan trước đó. Theo Hòa ước San Francisco 1951 cũng như các thỏa ước khác trước đó, Nhật phải trả lại các vùng đất mà họ đã chiếm hữu trước đó, trong đó gồm có HS và TS. Theo đó không hề nói TS và HS thuộc về Đài Loan.

2.5  Hòa ước San Francisco 1951 : được thương thảo và ký kết giữa phe bại trận là Nhật Bản với phe chiến thắng là các nước Đồng minh.  Việt Nam là một thành viên ký kết vào Hòa ước San Francisco.

Vào thời điểm đầu hàng, 14-8-1945,  Nhật đã có tuyên chiến với 46 nước, trong đó không có Việt Nam. Từ thời điểm này đến ngày mở đầu Hội nghị San Francisco ngày 4 tháng 9 năm 1951 thì hội nghị đón nhận thêm 9 nước khác (tuyên bố chiến tranh với Nhật). Các nước này đa phần là các nước đã bị Nhật chiếm đóng lúc chiến tranh, nhưng vì các lý do như đang ở tình trạng dưới quyền bảo hộ của một nước khác, không tự chủ về ngoại giao, do đó đã không có phản ứng đúng lúc. Một trong 9 nước đó là Việt Nam.

Như thế Nhật Bản phải ký hòa ước với tất cả các nước mà họ đã gây chiến (hay tuyên bố chiến tranh), trong đó có Việt Nam. Các điều khoản của hòa ước quan trọng vì nó đề cập đến việc bồi thường chiến tranh mà Nhật đã gây ra cho các nước liên hệ. Đối với Việt Nam, việc tham dự hội nghị với tư cách một nước độc lập, có tuyên bố chiến tranh với Nhật, thì tầm quan trọng không chỉ ở việc có quyền đòi hỏi bồi thường, mà tiếng nói của Việt Nam về số phận của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại hội nghị cũng có giá trị quyết định nếu không gặp sự phản đối.

Về các điều khoản liên hệ đến lãnh thổ của Hòa ước San Francisco (điều 2), Nhật phải từ bỏ mọi đòi hỏi chủ quyền tại: (a) Triều Tiên, và công nhận nền độc lập của xứ này, (b) đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ, (c) quần đảo Kouriles và phần đảo Sakhaline cũng như các đảo khác đã nhượng cho Nhật qua Hiệp ước Portsmouth năm 1905, (d) tại các đảo đã được giao cho Hội Quốc Liên quản lý và theo quyết định của Hội đồng Bảo an ngày 2 tháng 4 năm 1947, e/ vùng Bắc cực, (f) các quần đảo Spratly (Trường Sa) và quần đảo Paracels (Hoàng Sa).

Như thế, ngoại trừ Triều Tiên và các đảo đã được Hội Quốc Liên quản lý trước đó đã được xác định rõ số phận, các đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ, quần đảo Kouriles và phần đảo Sakhaline, vùng Bắc cực và các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thì không xác định là sẽ giao cho nước nào quản lý.

Hòa ước San Francisco cũng không có sự hiện diện của hai phe Trung Hoa, vì không thể mời bên này bỏ bên kia. Do đó, hội nghị chấp nhận để Nhật có toàn quyền lựa chọn phe để ký hòa ước. Rốt cục Nhật đã chọn phe Trung Hoa Dân quốc để ký hòa ước.

Hòa ước Trung-Nhật được ký tại Đài Bắc ngày 28-4-1952, trong đó khoản nói về lãnh thổ được lặp lại nguyên văn nội dung điều (2) của Hòa ước San Francisco: Nhật từ bỏ chủ quyền tại các đảo Đài Loan, Bành Hồ, Hoàng Sa, Trường Sa nhưng cũng không xác định là trả cho phe nào.

Thực ra số phận của các vùng lãnh thổ đó đã được định đoạt. Đề nghị của Pháp tại hội nghj đã được chấp thuận. Theo đó phe lâm trận nào chiếm ở đâu thì sẽ tuyên bố chủ quyền ở đó.

Ta thấy điều này xảy ra như thế ở Kouriles và phần đảo Sakhaline (do Nga chiếm), Đài Loan và quần đảo Bành Hồ (do chính phủ họ Tưởng quản lý).

Về phía Pháp, do đã toan tính trước, Pháp liền ký kết với Trung Hoa Hiệp ước Trùng Khánh (Tchong Quing) ngày 28 tháng 2 năm 1946. Theo đó quân đội Trung Hoa sẽ rời Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 3 năm 1946 để quân Pháp vào thay thế. Đổi lại, Pháp tuyên bố hủy bỏ tất cả các quyền lợi và tô giới của Pháp tại Trung Hoa đồng thời cam kết dành sự ưu đãi về kinh tế cho Trung Hoa, như nhượng tuyến đường xe lửa Vân Nam – Hải Phòng, dành ưu đãi về kinh tế, kiều dân Trung Hoa sống tại Việt Nam được hưởng qui chế ưu đãi đặc biệt.

Trong khi đó, phía nam vĩ tuyến 16, vì lý do chiến lược, Anh cũng đồng ý nhượng quyền lại cho Pháp.
Về thái độ của Anh về chủ quyền của Pháp tại Trường Sa, mặc dầu nước này đã có tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa từ các năm 1877, nhưng đã tuyên bố không giành chủ quyền với Pháp.

Sau khi quân Nhật đã rút khỏi quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa năm 1946, Pháp đã gởi quân đến các đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định chủ quyền. Tại Hoàng Sa và Trường Sa, quân đội Pháp-Việt đã có mặt từ tháng 5 năm 1946. Đến tháng 10-1946, quân Pháp ra đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc Trường Sa, đóng mốc mới, khẳng định lại chủ quyền.

Như thế, hành động của Pháp phù hợp hoàn toàn ới tinh thần Hòa ước San Francisco 1951 về việc giải quyết các vùng đất do Nhật từ bỏ. Pháp đã khẳng định lại chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa, dưới sự mặc nhiên chấp thuận của Hoa Kỳ và Anh.

Mặt khác, tại Hội nghị San Francisco, đại diện Quốc gia Việt Nam là ông Trần Văn Hữu, đã tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này và không bị một sự chống đối nào. Việt Nam tham gia hội nghị với tư cách một nước độc lập, có tuyên chiến với Nhật, do đó có tư cách pháp nhân để đưa ra ý kiến của mình về số phận các vùng đất mà Nhật Bản đã buộc bị từ bỏ. Việt Nam đã ký kết Hòa ước, Nhật Bản cam kết bồi thường cho Việt Nam 39 triệu đô la tương đương giá trị hàng hóa và công trình xây dựng. Nếu việc bồi thường đã chấp thuận thì việc tuyên bố của Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa đương nhiên là có giá trị pháp lý. Nhưng vấn đề là lúc đó Việt Nam không có khả năng tiếp thu hai quần đảo này từ tay Nhật. Vì thế thái độ của Pháp – mặc dầu chỉ vì quyền lợi của Pháp – vô tình cũng có lợi cho Việt Nam, vì Pháp đại diện cho Việt Nam đã tiếp thu, tuyên bố chủ quyền và chiếm đóng thực sự trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Như thế, sự chiếm đóng hiện nay của Đài Loan tại đảo Ba Bình là một sự chiếm đóng bất hợp lệ, dân tộc VN vào bất cứ lúc nào tiện lợi, đều có thể thâu hồi một cách hợp pháp đảo này về với tổ quốc.

Phần II: Về các điểm trong bài viết “Vai trò của Đài Loan tại Biển Đông” đăng trên RFA ngày 4 tháng 11 năm 2011.

1/ Về tuyên bố của “Thiếu tướng Doãn Thịnh Tiên, lãnh đạo hải quân Đài Loan » :  Trích : “Nếu xảy ra xung đột bằng quân sự giữa Đại lục và Philippines thì quân đội Đài Loan đóng ở Thái Bình Dương sẽ ra tay trợ giúp quân đội của Đại lục”. Hết trích.

Theo các nguồn tin của VN trên internet, tin này phát đi khoảng tháng 6 năm 2011. Nhưng trên các cơ quan chính thức của chính phủ Đài Loan hay các báo chí nước ngoài, tìm khắp nơi không thấy.
Về tranh chấp HS và TS (hay đảo Điếu Ngư), nhà nước Đài Loan có lập trường hoàn toàn đối nghịch với tuyên bố trên:

Ngày 14 tháng 7 năm 2011, Bộ trưởng thông tin kiêm phát ngôn nhân chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, ông Philip Yang, cho biết Đài Loan không hề có ý định đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền tại biển Đông.

Trong khi đó, Andrew Yang, bộ trưởng bộ Quốc Phòng Đài Loan, tuyên bố ngày  20 tháng 7 năm 2011, Đài Loan sẽ không thuơng lượng với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền tại Trường Sa.

Ta biết, trong cuộc chiến Trường Sa năm 1988, có tin tức cho biết là quân đội Đài Loan đóng tại đảo Ba Bình giúp quân TQ nước uống. Thái độ này có thể biểu hiện việc đồng tình của Đài Loan về hành vi xâm lăng của TQ. Nhưng từ việc giúp nước uống đến việc trợ giúp quân sự khác nhau rất lớn. Lời tuyên bố ghi trên của một vị tướng chỉ huy hải quân dĩ nhiên có tầm quan trọng rất lớn về chiến lược. Vì nếu sự việc thật đúng như thế, HK sẽ đứng vào đâu để vừa bảo vệ quyền lợi của mình tại biển Đông? và sẽ đứng về nước nào, trong khi Phi và Đài Loan đều là đồng minh thân cận? Điều ngạc nhiên là ta không hề thấy phản ứng của Phi, VN hay các nước có liên quan (và có quyền lợi) trong biển Đông về tuyên bố (nẩy lửa) này.
Quí vị đã kiểm chứng nguồn dẫn này chưa?

2/ Trích: “Philippines luôn được Mỹ lên tiếng xác nhận sẽ bảo vệ Manila dựa vào một hiệp ước được ký giữa hai nước từ năm 1951″.

Việc này cũng nên tương đối hóa. Mỹ bảo vệ Phi Luận Tân có điều kiện chứ không phải không điều kiện. Một trong những điều cần biết là vùng Trường Sa của Phi thì không bao gồm trong hiệp định an ninh hỗ tương Mỹ-Phi. Tức là, nếu có tranh chấp với một nước nào khác về chủ quyền tại các đảo TS, HK có thể đứng ngoài.

3/ Trích: “Đài Loan chiếm cứ đảo Ba Bình, một hòn đảo  lớn nhất nằm trong quần đảo Trường Sa của  Việt Nam vào năm 1946 sau khi người Nhật đầu hàng và thay vì trả hòn đảo mà họ chiếm từ tay người Pháp lại đem trả cho Đài Loan theo hiệp định Cairo vào năm 1943″.

Điều này sai. Nhật không hề “trả” đảo Ba Bình cho Đài Loan “theo hiệp định Cairo vào năm 1943″. Xem phần lịch sử ở trên.

4/ Trích: “Từ trước tới nay mức cao nhất là Trung Quốc chỉ đe dọa thôi chứ chưa bao giờ sử dung vũ lực. Người Trung Quốc không bao giờ đánh người Trung Quốc phải khẳng định như thế.”

Điều này không đúng. Trong lịch sử người TQ luôn đánh nhau với người TQ. Thời Chiến Quốc, thời Tam Quốc, hay thời cận đại chiến tranh Quốc-Cộng giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch trên lục địa là các thí dụ. Đối với Đài Loan, từ năm 1949 đến nay đã đánh 3 lần đánh thật và một lần suýt đánh lớn.
Lần thứ nhứt từ ngày 25 đến 27 tháng 10 năm 1949. Hồng quân CS đổ bộ tiến đánh đảo Kim Môn. Phía CS thua do quân lực yếu kém. Phía Đài loan có 1.267 lính tử thương, 1.982 bị thương. Trung Quốc có 3.873 lính tử thương và 5.175 tù binh.

Lần thứ hai (1954-1955). Ngày 11 tháng 8 năm 1954, Châu Ân Lai tuyên bố “giải phóng” Đài Loan, cho pháo binh pháo kích mạnh vào hai đảo Kim môn và Mã tổ. Lúc đó Đài Loan có 58.000 quân trên đảo Kim môn, 15.000 quân trên đảo Mã tổ. HK lên tiếng cảnh cáo, TQ mở mặt trận ra đảo Tachen. HK đã nghĩ tới dội bom nguyên tử để giải tỏa nếu tình hình bất lợi. Rốt cục TQ rút quân sau khi mất khoảng 20.000 quân và một số lớn tàu bè bị phá hủy.

Lần thứ ba xảy ra năm 1958. Ngày 23 tháng 8 hồng quân CS pháo kích vào Kim Môn làm chết 400 quân Đài Loan. Chiến sự mở rộng với mặt trận trên không, một bên do HK yểm trợ và bên kia do Liên Xô yểm trợ. Cuộc xung đột chấm dứt ngày 1 tháng 1 năm 1959 gậy thiệt hai cho đôi bên khoảng 1000 người.
Lần thứ tư là cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan 1995. E ngại Lý Đăng Huy tuyên bố độc lập, TQ cho bắn hỏa tiễn vài hải phận Đài Loan để đe dọa. Trước ngày bầu cử, TQ cho diễn tập đổ bộ (ba lần) để răn đe và hăm dọa nếu dân Đài Loan bầu cho Lý Đăng Huy thì sẽ phát động chiến tranh. Nhưng trò run cây nhát khỉ này này không làm cho dân Đài Loan sợ hãi, rốt cục Lý Đăng Huy tái đắc cử (số phiếu tăng thêm 5%). Điều này cho thấy dân Đài Loan không hề chịu khuất phục TQ. Dầu vậy, HK cũng đã phái tới vùng eo biển hai hạm đội hàng không mẫu hạm để phòng ngừa việc TQ làm bậy.

4/ Về viễn ảnh Đài Loan ký kết hòa ước với Bắc Kinh.

Theo tôi, sở dĩ ngày hôm nay có việc toan tính « ký kết hòa ước với Bắc Kinh » là do hoàn cảnh lịch sử của hai bờ eo biển Đài loan. Từ khi Tưởng Giới Thạch rút ra Đài Loan 1949 thì có tuyên bố tình trạng thiết quân luật trên toàn lãnh thổ. Từ năm 1949 trở đi là « thời kỳ tổng động viên để diệt trừ cộng phỉ ». Thời kỳ này chỉ chấm dứt năm 1991, sau khi tổng thống Lý Đăng Huy lên nắm quyền. Tức là, tình trạng chiến tranh đã được phía Đài Loan đơn phương dẹp bỏ, trong khi phía lục địa vẫn còn chĩa khoảng 2000 hỏa tiễn đe dọa đảo này. Do đó việc ký kết hòa ước giữa hai bên, trên phương diện bang giao quốc tế, là hợp lý. Trung Quốc hiện nay đã ký hòa ước với Nhật (12-8-1978) trong khi Đài Loan đã ký với Nhật từ năm 1951. TQ hiện nay, trên danh nghĩa, không có thù nghịch với nước nào. Vì thế, việc ký kết hòa ước sẽ có ý nghĩa chiến lược to lớn đối với Đài Loan, nếu chính quyền tại đây giữ được thế « độc lập về chính trị » với Bắc Kinh.

(Do sự chống đối của phe đối lập, TT Mã Anh Cửu tuyên bố hòa ước không có mục đích tiến tới thống nhất giữa hai bên mà chỉ nhằm mục đích xây dựng hòa bình, việc ký kết hòa ước sẽ được thông qua bằng trưng cầu dân ý và nội dung hòa ước sẽ dựa lên « đồng thuận 1992 ».)

Hiện nay, dưới mắt các chuyên gia quốc tế, TQ đã đủ sức thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Vì vậy khi nói rằng Đài loan ở thế yếu là hợp lý. Nhưng khi hiểu hoàn cảnh lịch sử và ý đồ chính trị của các đảng phái tại Đài loan, sẽ khó có thể chia sẻ được ý tưởng cho rằng : « Tuy nhiên nếu Trung Quốc chấp nhận ký hòa ước thì phải có cái giá của nó và tôi nghĩ rằng cái giá đó không gì ngoài cái đảo Ba Bình » như ý kiến trong bài viết. Đài Loan dầu sao cũng là một lãnh thổ có nền tảng chính trị dân chủ. Mọi hành vi, toan tính của đảng này đều bị đảng kia kiểm soát. Chính sách quốc phòng của Đài Loan đã được hoạch định, trong đó việc phòng thủ là chính yếu, không thể phe này hay phe kia lên là có thể thay đổi. Mặt khác, trình độ dân trí Đài Loan rất cao. Do đó khi nói rằng: “việc làm này chẳng qua là một vở kịch mà thôi cho nên cái đảo Ba Bình này  sớm muộn gì cũng thuộc về Trung Quốc bằng một màn kịch” là rất chủ quan, nếu không nói là không có căn cứ. Không thể ví Đài Loan-Trung Quốc  với VN-TQ. Ở VN, mọi việc đều do đảng quyết định và đảng bắt dân chúng phải tuân theo các đồng thuận đã được ký kết giữa lãnh đạo hai đảng, cho dầu đó là các thỏa thuận nhượng đất, biển của tổ quốc. Không thể có “màn kịch” nào khi mà sinh hoạt chính trị tại đảo quốc này vẫn là sinh hoạt dân chủ. Dân Đài Loan không phải là dân VN, đảng nói sao thì nghe vậy. Đảo Ba Bình sẽ chỉ thuộc kiểm soát của TQ chỉ khi nào TQ thống nhất với Đài Loan. Mà việc Đài Loan thống nhất với lục địa không chỉ liên quan đến nội bộ của hai bên mà liên quan đến chiến lược Châu Á của Hoa Kỳ. Do đó là điều không dễ.

5/ Đánh giá thế nào về vai trò của Đài Loan ở biển Đông?

Có nhiều mặt cần xem xét.

5.1 Nội bộ Đài Loan: Đài Loan vẫn tuyên bố HS và TS thuộc về Trung Hoa, nhưng lập trường chính thức của họ hiện nay về biển Đông, như tuyên bố mới đây của bộ ngoại giao, là không thuơng lượng với TQ. Đó là lập trường của Quốc Dân Đảng. Trong khi đó đảng Dân Tiến (đối lập) có chủ trương « đa phương hóa » việc giải quyết tranh chấp.

5.2 Đối với thế giới: vì cả hai đảng Cộng Sản và Quốc Dân Đảng đều chủ trương một nước Trung Hoa, do đó hiện nay không còn mấy nước trên thế giới công nhận chính phủ Đài Loan là đại diện cho dân tộc Trung Hoa. Cái ghế đại diện LHQ thì chính phủ dân quốc đã mất vào tay lục địa từ năm 1971. Do đó Đài Loan hiện đang cô lập trên thế giới. Các nước trong vùng ASEAN đều xem Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. Nỗ lực của các chính phủ Đài Loan hiện nay, dầu Quốc Dân Đảng hay đảng Dân Tiến, đều cố gắng vận động để được quốc tế nhìn nhận, nhất là các tổ chức thuộc LHQ (như các tổ chức Y Tế quốc tế, Tổ chức Nhi đồng Quốc Tế, về văn hóa như UNESCO v.v…). Vì thế, Đài Loan luôn tìm cách để các nước chú ý đến mình. Các động thái của Đài Loan tại biển Đông không ra ngoài mục đích đó. Nhưng các động thái tiến xa hơn việc “gây chú ý” đều sẽ đem lại bất lợi cho Đài Loan.

5.3 Quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ: HK vẫn xem Đài Loan là một con cờ quan trọng trên bàn cờ chiến lược Á Châu. Mặc dầu trong quá khứ, HK có hai lần thay đổi quan điểm về Đài Loan, nhưng hiện nay chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy HK sẽ bỏ đảo này cho TQ, ít ra vì hai lẽ : a) vành đai (chuổi đảo) chiến lược thứ nhứt nhằm bao vây TQ, không cho hải quân nước này ra “biển xanh”. b) ý nguyện của dân Đài Loan đa số không muốn thống nhứt với lục địa. Hiện nay HK vẫn bán vũ khí tự vệ cho Đài Loan, mặc dầu có nhiều sự phản đối từ TQ. Cho dầu chất lượng vũ khí chuyển nhượng không như yêu cầu của Đài Loan nhưng cũng cho thấy HK không dễ dàng bỏ Đài Loan. Điều này hàm ý con đường thống nhất Đài Loan với lục địa sẽ đi qua Washington.

5.4 Thái độ của VN: VN chủ trương “đa phương hóa tranh chấp biển Đông”. VN luôn xem Đài Loan là một phần của TQ, do đó trên trường ngoại giao thì VN không quan tâm đến các động thái của đảo này. Tuy vậy, nếu xét về lợi hay hại, nếu phe đảng Dân Tiến thắng cử (so với Quốc Dân Đảng) thì vẫn có lợi hơn cho VN, vì lập trường đảng này và VN giống nhau (trong vấn đề giải quyết tranh chấp). Vì thế, nếu được thì người Việt nên vận động để đảng Dân Tiến thắng cử kỳ tới.

5.5 Vị trí chiến lược : Đảo Ba Bình, đối với HK hay các cường quốc lớn, chỉ là một đảo san hô nhỏ, do đó không đóng một vai trò chiến lược lớn lao. Đối với các nước nhỏ trong vùng, nó có thể có một tầm quan trọng nhất định, nhưng không quá quan trọng để có thể nắm phần thắng nếu cuộc chiến xảy ra (giữa các nước nhỏ). Tuy nhiên, vùng biển chung quanh lại có tiềm năng kinh tế quan trọng. Đó mới là giá trị thực hữu của các đảo TS (và HS).

Kết luận: Về viễn ảnh một cuộc chiến sắp tới (góp ý với các “bỉnh bút” về quân sự):

Dựa trên những gì tôi hiểu biết về khoa học kỹ thuật, nếu một cuộc chiến toàn diện xảy ra và có mặt của HK trong vùng biển Đông, cuộc chiến trước hết sẽ xảy ra trên không gian, với các loại vũ khí năng lượng tập trung nhằm tiêu diệt (có giới hạn) các vệ tinh, đồng thời với các cuộc tấn công tin học nhằm mục đích triệt tiêu khả năng truyền tin và thông tin của đối phương. Sau đó trên không trung với các loại phi cơ “furtif – tàng hình” nhằm tấn công các dàn ra-đa của đối phương trong lục địa. Phe nào tiêu diệt được các hệ thống truyền tin và thông tin của địch thủ trước tiên thì phe đó sẽ thắng. Các loại hỏa tiễn tinh khôn sẽ trở nên “ngu dốt” vì không có bộ phận điều khiển và định vị (từ các vệ tinh). Khi hệ thống ra đa bị phá hủy thì hệ thống phòng không sẽ trở nên vô dụng. Các chiến hạm không có phi cơ bảo vệ thì sẽ làm mồi ngon cho thủy lôi v.v… Có thể lúc đó khả năng răn đe về nguyên tử sẽ giới hạn sự thất bại ở các bên.

Điều cần nhớ là mục tiêu “hiện đại hóa quân đội” của TQ được điều chỉnh lại sau khi cuộc chiến vùng Vịnh đầu thập niên 90. Vào thời điểm đó, vũ khí của Iraq không thua bất kỳ một nước nào trong vùng. Họ cũng có phi cơ của Nga (và Pháp), hệ thống phòng không hiện đại nhất. Qua cú đánh thần tốc của HK lên các dàn ra đa bằng các loại hỏa tiễn điều khiển từ xa, tòan bộ hỏa lực phòng không trở nên vô dụng, lực lượng không quân Iraq bất lực, làm mồi cho không lực HK. Cuộc chiến nghiêng về đâu thì mọi người đã rõ.

Ý thức việc này, từ nhiều năm qua TQ đã đầu tư rất nhiều trong các lãnh vực không gian, tin học, vũ khí năng lượng tập trung (tia laser, tia hạt tử, tia vi ba v.v…), các loại phi cơ “tàng hình”, tàu ngầm, các hỏa tiễn tầm trung chống hạm… Một số đã qua giai đoạn nghiên cứu và được đưa vào sản xuất. TQ cũng đã có dàn máy “Super Computer”, mà ngoài HK không có nước nào có. Sự tiến triển của họ về các lãnh vực khoa học (áp dụng cho quân sự) chưa được công bố, nhưng sự thành công của họ qua các trạm không gian, các vệ tinh do thám, các vệ tinh thuộc hệ thống định vị, hay việc thành công tiêu diệt vệ tinh… làm cho HK lo ngại.

VN hiện nay, với lực lượng quân sự hạn chế, chắc chắn phải dựa vào một cường quốc để không bị đánh “phủ đầu” như Iraq. Các loại vũ khí đang có của VN sẽ vô dụng nếu không có hệ thống thông tin đi kèm. Các cường quốc sẽ giúp cho VN cái mà VN không có: bảo vệ thông tin và định vị mục tiêu. Cường quốc đó hiện nay VN đã chọn, đó là Nga. Các vũ khí của VN đều do Nga cung cấp. Nhưng sẽ khó lường được thái độ của nước này khi cuộc chiến xảy ra. Vì thế, điều cần thiết là VN phải “chơi” với HK.

Nhưng cái may của VN là, biển Đông không phải là biển Đen, VN không phải là Georgia để TQ muốn làm gì thì làm. Sự lên tiếng mạnh mẽ, đồng thời có những động tác răn đe hữu hiệu, của các cường quốc HK, Nhật, Ấn Độ… về biển Đông đã làm cho TQ chùn tay. Có nhiều nước có quyền lợi tại biển Đông chứ không phải như tại biển Đen. Nhưng nếu TQ tự tin với khả năng của mình, không điều gì có thể không xảy ra.

Vì vậy, với tư duy “du kích” của chiến tranh VN thời 1975, sẽ không thể áp dụng cho cuộc chiến sắp tới. Những bài viết của các “bỉnh bút quân sự” VN thực ra chỉ làm trò cười cho những người hiểu biết. Ta thấy, một cường quốc, như HK tại VN và Nga tại Afghanistan, có thể thua một đạo quân yếu hơn rất nhiều, vì chiến tranh du kích. HK hiện nay đang “thua” tại Irak và Afghanistan vì chiến tranh du kích. Nếu Taliban đánh thắng được Mỹ thì cũng không có gì để những người cộng sản VN hiện nay hãnh diện về cuộc chiến 1975.

Nhưng một trận thư hùng giữa hai lực lượng quân sự lớn, nó sẽ xảy ra như sấm dội. Mọi người sẽ thấy sự hủy diệt, ngoài ra không thấy gì cả.

© Trương Nhân Tuấn

© Đàn Chim Việt

 

3 Phản hồi cho “Vài ý kiến nhân đọc bài nhận định “Vai trò của Đài Loan tại Biển Đông” trên RFA”

  1. Chán says:

    NPT khi sang TQ đã tuyên bố ủng hộ chính sách nhất quán một nước TQ, không công nhận Đài Loan. Cả sách giáo khoa địa lý lớp 8 , VN chỉ xem Đài Loan là một vùng lãnh thổ. Do đó tuyên bố của Đài Loan là để đáp lại thái độ của VN.

  2. David Nguyen says:

    Muốn giải mã những biểu hiện của Đài Loan, chúng ta cần nhìn vào chiến luợc của Trung Cộng. Người Trung Hoa trên toàn thế giới đã và đang khao khát những gì làm cho họ hảnh diện vì qua 2 thế kỷ đi xuống và thụt lùi một cách thê thảm. Đến nổi vào cuối thế kỷ 19, Trung Quốc bị chia làm nhiều mảnh. Người Trung Hoa cũng giống như những người gốc Ả Rập còn nhớ lại những thời huy hoàng xưa. Đánh vào tư tưởng này, Trung Cộng tuyên truyền những tiến bộ về khoa học (học lén) và kinh tế (bóc lột dân nghèo Trung Hoa, ăn cắp kỷ thuật của các nước khác, và làm hàng nhái) làm cho những người Trung Hoa trên thế giới hảnh diện. Họ cho rằng họ có thể ngước mặt lên làm người của “Đại Hán” xa xưa.
    Trung Cộng lợi dụng những điều này và dùng kỷ thuật lo lót, hối lộ bằng tiền và gái. Đàn bà đối với những quốc gia gọi là cộng sản chỉ được xữ dụng làm những việc này. Họ dần dần luồn vào những đầu nảo của Đài Loan. Như việc một tướng chỉ huy trưởng hệ thống thông tin quân đội Đài Loan đã bán kỷ thuật và bí mật của Đài Loan cho Trung Cộng. Sau những thất bại ở trận chiến, họ dùng kinh tế, tình báo, gái, và hù dọa để đạt đến mục tiêu. Người Trung Hoa Quốc Dân Đảng cũng là người Hoa Lục nên họ cũng ước mơ một ngày nào đó trở về Hoa Lục trong vinh hạnh. Chỉ có những người bản xứ Đài Loan mới thật sự muốn độc lập với Trung Cộng (vì họ là người Bách Việt). Nếu xãy ra chiến tranh, người Trung Hoa Quốc Dân đảng sẻ ủng hộ cho Trung Cộng là điều chắc chắn. Nhưng họ còn vấp phải người Mỹ nên chưa lộ hẳn bộ mặt thật của họ thôi.
    Nền kinh tế của Trung Cộng còn khập khiển vì chỉ dựa vào xuất cảng. Đứng về mặt kinh tế nội địa thì người dân Trung Hoa quá nghèo (chỉ một số nhỏ giàu có) nên sự tiêu xài cho nền kinh tế được phát triển sẻ không xãy ra. Nếu muốn tiếp tục phát triển thì lấy đâu mà phát triển trong giai đoạn kinh tế suy trầm của toàn thế giới hiện nay? Chỉ còn cách là đi ăn cướp mà thôi như bản chất của người cộng sản đời nào cũng như vậy. Khổ một nổi là người Mỹ quá mạnh và coi biển Đông là thủy lộ chính đưa đến phát triển kinh tế trong tương lai. Hơn nửa, đã đến lúc phải tính toán với kẻ xúi những phần tử quá khích Ả Rập và chỉ cách làm bom nguyên tử cho Pakistan, Bắc Hàn và các nước theo hồi giáo khác. Việt Nam biết khôn hảy thay đổi ngay tức thì chứ đến năm 2012 thì quá trể.

  3. Trung Hoàng says:

    ẨN SỐ KHÓ LƯỜNG.

    Về phần Lịch Sử Chủ Quyền, tác giả Trương Nhân Tuấn đã dẫn giải khá rõ ràng và tương đối chính xác dễ hiểu, về quyền chủ quyền cuả Hoàng Sa và Trường Sa trãi dài suốt trong thời gian vưà qua. Vai trò cuả Đài Loan qua bao giai đoạn lịch sử cận đại trên khu vực Biển Đông Á, cũng như cho cả ngày nay và trong tương lai. Với viễn ảnh Đài Loan sẽ có ký kết hoà ước hay không với Trung Quốc, vẫn luôn là một dấu hỏi khó giải đoán chính xác được, nhưng việc Đài Loan có đồng tình hay không đồng tình, với sự cố xâm chiếm Trường Sa và Hoàng Sa cuả Trung Quốc hầu như đã khá rõ nét.

    Cả hai Trung Quốc và Đài Loan trên thực tế hoàn toàn không có đầy đủ chứng liệu, để chứng minh là Hoàng Sa và Trường Sa là cuả người Trung Hoa. Mà toàn thể chùm đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên vùng Biển Đông Nam Á nầy, vốn từ bao đời là do người Việt đã đặt để tổ chức hành chính, cũng như đã từng có người sinh sống ở đó. Dân tộc Việt phát sinh từ trên phiá Bắc Trung Hoa, bị rượt đuổi lần lần với thời gian chạy về phương Nam để sinh tồn, cho đến khi phải gặp biển và lùi dần về hướng Nam tiến cho đến ngày hôm nay. Không nói chi đến Hoàng Sa và Trường Sa, mà cả đảo Nam Hải ngày nay, thì những dấu chân cuả dân tộc Việt vẫn còn in hằn dấu vết vẫn còn lưu lại nơi nầy. (“Nam Thiền quê củ mù xa dậm,/ Bắc lý nhà xưa mịt núi hòn.” ).

    Một hoà ước giưả Đài Loan và Trung Quốc vẫn có thể xảy ra, điều đó không có nghiã là Đài Loan sẽ xáp nhập vào Trung Hoa lục điạ, cũng như đảo Ba Bình cuả Trường Sa được xem như là cuả Trung Quốc Bắc Kinh. Nhưng nếu thực sự có cuộc tranh chấp được diễn ra bằng quân sự ở đây, người ta sẽ không loại trừ việc Đài Loan cho Trung Quốc mượn tạm Ba Bình làm nơi chuyển tiếp vận chuyển đáp ứng cho cuộc chiến. Hay rõ hơn là Đài Loan cho dù không tham gia vào bất kỳ phe phiá nào, nhưng không loại trừ việc hổ trợ ngầm bên trong cho Trung Quốc một cách tinh vi và khéo léo, một việc mà mọi người không thể không nghĩ đến. Cái thế ỷ giốc mất A còn B, hay mất B còn A cuả Trung Hoa vẫn luôn luôn là sẽ xảy ra như thế, mà cả Trung Hoa lục điạ và Đài Loan cũng đều muốn giử cái thế như vậy.

    Cho rằng Đài Loan là một ẩn số khó giải mã cho bài toán Biển Đông sắp tới cũng rất hợp tình hợp lý, bởi vì cũng còn lại không ít thành phần mong muốn Trung Hoa lục điạ sẽ được thay đổi chủ, khi bên trong lục điạ có một sự cố đột biến chuyển hoá không thể lường hết được. Thành phần dân chủ tiến bộ Đài Loan, lúc nào cũng mong muốn dân Trung Hoa lục điạ có được đời sống tự do dân chủ, bình đẳng thực sự đến cho mọi con dân Trung Quốc, như đất nước tự do cuả chính người dân Đài Loan được hưởng hạnh phúc như hiện nay. Một hoà ước nếu có giưả Đài Loan và Trung Quốc, hẵn nhiên sẽ bất lợi cho một số nước về mặt nầy, nhưng cũng sẽ có phần nào lợi thế về một mặt khác cho cả thế giới. Đó mới chính là việc đáng suy nghiệm và nghiên cứu.

    Bình đẳng giưả các sắc tộc là mục tiêu hướng tới cho tương lai cuả toàn thể nhơn loại, dù khó khăn rất nhiều để đi đến mục tiêu đó, nhưng con người vẫn luôn luôn sẽ bước tới với những thách thức cần phải vượt lên. Với hướng tiến đó, Trung Hoa lục điạ trước hay sau ắt cũng sẽ phải có sự thay đổi đột biến khó tránh khỏi.

    Xin trân trọng.

Leave a Reply to Chán