Nguyễn Khuyến- Nằm chung với khói mây
Chúng ta từng chứng kiến việc PGS. Nguyễn Lộc xuyên tạc văn bản thơ Nguyễn Khuyến trong sách giáo khoa Văn trung học bằng cách để nhà thơ ngồi ngắm hoa khô. (Sách giáo khoa văn lớp 10 từng dạy học sinh cả nước: “Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái” – Hoa đã nở từ năm ngoái khô đi và còn lại đến bây giờ. Đây là câu thơ tả thực. Không, Nguyễn Khuyến ngồi lẫn giữa trăng suông rượu lạt, lẫn trong hoa tươi, tre trúc, rơm rạ, ao chuôm, lẫn trong ếch nhái, đom đóm cùng thuyền thúng, lá thu rơi để trào lộng chua cay thời thế đảo điên, đoạn rút vào thui thủi, lẳng lặng cô đơn, cô độc, đêm đêm tự mài hồn mình thành máu mực đề thơ mà nhớ nước.
Như thể nước lụt Hà Nam đã hóa giặc Lang Sa cuốn đi tất cả, chỉ mình ông sót lại cùng vài người bạn bơ vơ: “Nước non man mác về đâu tá / Bè bạn lơ thơ sót mấy người / Đời loạn đi về như hạc độc / Tuổi già hình dáng tựa mây côi ” (Cảm hứng ). Có thể nói, Nguyễn Khuyến là bậc đại nho cuối cùng trăn trở tìm mùa thu ở ẩn, là con hạc thi ca cuối cùng của thời đại phong kiến Việt Nam còn giữ được cốt cách và tinh thần hạc vàng Thôi Hiệu, đã một mình lặng lẽ bay qua thế kỷ thứ XIX buồn đau, u uất, đặng tìm chỗ đậu trong 9 năm đầu của thế kỷ thứ XX, rồi đột ngột bay vào hư vô dịp tết âm lịch đầu năm 1909 khi vừa tròn 74 tuổi hạc. Thân phận “hạc độc” của Nguyễn Khuyến quả là cô đơn đến tột cùng, u uất, lủi thủi tới tận cùng thi tứ.
Vòm trời xưa của hoàng hạc thanh cao, tinh khiết là thế, nay diều quạ đen trời si sô đến cướp mất, nên: “Nước non man mác về đâu tá” và hồn thơ chừng cũng mất nẻo đi về. Con hạc này bị thời đại bỏ rơi, tưởng không còn một chỗ đậu trên chính quê hương mình. “Hạc độc” đành hóa đám “mây côi” mà lơ lửng như chính hồn thơ Nguyễn Khuyến còn lửng lơ bao nỗi niềm khôn khuây trên vòm trời văn học Việt Nam thuở nước nhà bị mất vào tay giặc Tây dương.
Chao ôi, hơn một trăm năm trước, cả đám mây trong mắt thi hào cũng phải mồ côi vòm trời, như nhà nho mồ côi vua, dân mồ côi nước. Tinh thần ” hạc độc” với “mây côi” bàng bạc, xuyên suốt thời đại và cuộc đời Nguyễn Khuyến, thành một phần tư tưởng, tình cảm thẩm mỹ của hồn thơ ông.
Những bài thơ tả cảnh quê hương Việt Nam hay nhất, đẹp nhất của ông cũng là cốt tả cái hay, cái đẹp của lẻ loi, cô quạnh, se sẽ đẹp, trong veo và xa vắng đẹp đến vô cùng khuất nẻo bơ vơ :”Tiếng sáo vo ve chiều nước vọng / Chiếc thuyền len lỏi bóng trăng trôi“. Hồn thơ Nguyễn Khuyến chính là “Tiếng sáo vo ve” bên trời “nước vọng“, là “bóng trăng trôi”dưới dòng lũ vô tình cuộn xiết, hóa chiếc thuyền thơ cô độc len lỏi trên thi đàn Việt Nam thuở cơn lụt lội nhân tình thế thái ngập tràn xứ sở.
Ngay trong hai câu thơ hay đến sững sờ tả cảnh đẹp hun hút, đẹp rờn rợn nổi gai ốc của nước lụt Hà Nam này, Nguyễn Khuyến cũng chỉ cốt mượn nước lụt mà gọi hồn nước về trong từ “nước vọng” để : “Sửa sang việc nước cho yên ổn“… Tâm thức “nước”, “nước non”, “đất nước“… có thể nói là tâm thức chủ đạo của Nguyễn Khuyến trong cả thơ nôm và thơ chữ Hán; tuy ở đây chúng tôi chỉ mới khảo sát qua thơ nôm của ông mà thôi.
Trong bài thơ “Tự trào”, Nguyễn Khuyến nói thẳng ra điều cốt lõi nhất, đau đớn nhất của ông là nỗi nhục, nỗi đau vong quốc, thông qua nghĩa đen của cuộc chơi cờ :”Cờ đương giở cuộc không còn nước“.Vì “Không còn nước ” nên vua cũng không còn thực nữa, chỉ là vua hề, chỉ là quan phường chèo thôi :” Vua chèo còn chẳng ra gì / Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề “( Lời vợ anh phường chèo).
Một vị túc nho lấy trung quân ái quốc làm đầu, phải tự tìm nhọ nồi, muội đèn, tro trấu mà bôi trát lên mặt vua quan thành trò hề như thế, với Nguyễn Khuyến hẳn là nỗi đau lớn nhất trong đời? Vì “Không còn nước” nên sau hơn 12 năm làm quan tới chức Tổng đốc Sơn Tây, lúc vua Tự Đức mất và vua Hàm Nghi ra chiếu cần vương chống Pháp, nhà thơ mượn cớ mắt lòa cáo quan về ẩn dật cùng cà thâm dưa khú.
Ông buồn lặng hóa “mây côi“, hóa “hạc độc“, hóa thành ” hoa năm ngoái“, thành “ngỗng nước nào”, thành con cuốc gọi hồn nước năm canh, thậm chí hoá thân vào mẹ Mốc, vào gái góa, vào anh giả mù, giả câm giả điếc, thậm chí giả điên kiểu Sở cuồng, làm thơ đả kích giặc và tay sai, như một cách yêu nước kháng Pháp của riêng mình…
Nguyễn Khuyến đau đớn nhận ra hoa nở ngoài giậu thu cũng không còn là hoa hôm nay của mình nữa, ngỗng kêu trên bầu trời quê hương dĩ nhiên là ngỗng nước mình, chứ sao lại là ngỗng nước nào:” Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái / Một tiếng trên không ngỗng nước nào” ?( Thu vịnh). Khi “Không còn nước” nữa thì con ngỗng kia cũng thành vong quốc, vong thân, thành “ngỗng nước nào”thôi. Phải chăng ngỗng ấy cũng là ngỗng từ năm ngoái, ngỗng của mình xưa mà không dám nhận, mà phải đau đớn than là “ngỗng nước nào“? Rằng người không còn giữ được nước thì bay về làm gì ngỗng ơi?
Nhà thơ tủi hổ với cả ngỗng trên trời và hoa dưới đất, muốn làm con cá lặn khuất dưới ao bèo, ngại cả nỗi cắn câu. Đất đã mất thì trời phỏng còn ư, mùa thu phỏng còn ư ?
Hoa ấy, ngỗng ấy cũng là Nguyễn Khuyến; như “mây côi” và “hạc độc” kia còn bị vong thân, vong quốc huống nữa là trời đất, con người!
Chúng tôi cho rằng, dù viết về phong cảnh mùa thu nông thôn , dù nới rộng đề tài ra từ bản thân mình đến xã hội, từ chim hoa, xóm mạc đến nước non… hồn thơ Nguyễn Khuyến bao giờ cũng toát lên một tinh thần yêu nước sâu xa, yêu nước trong đau đớn, tủi buồn, yêu một cách trầm lắng mà sôi sục, quặn thắt mà quan hoài, trào lộng mà trữ tình, kín đáo mà động vang, cô đơn mà hòa nhập, lạnh lùng mà bỏng cháy, dữ dội mà dịu êm.
Bút pháp nghệ thuật bậc thầy dùng thuỷ nói hỏa, dùng tĩnh tả động, dùng dương tả âm, dùng vật tả tâm, dùng cảnh ngụ tình và ngược lại của Nguyễn Khuyến đã khiến không ít người khi tiếp cận thi ca ông, mới đụng vỏ ngoài đã tưởng thấu vào gan ruột; ví như cách dạy văn rất phi văn học của nền giáo dục phổ thông và đại họcViệt Nam hôm nay hoàn toàn không hiểu nổi hồn thơ Nguyễn Khuyến . Ví như trường hợp ba bài thơ thu của thi hào là bài “Thu vịnh”, “Thu điếu”, “Thu ẩm” được coi là dấu hiệu thiên tài của nhà thơ nông thôn đệ nhất Việt Nam mà có người, ngay cả khi viết sách giáo khoa cũng chưa thẩm hết hồn thu Nguyễn Khuyến.
Họ nhìn bằng mắt thường nên ngỡ mặt ao thu bình lặng kia là đáy nước, nên bảo nhà thơ viết về mùa thu với tâm trạng thư thái, an nhàn(!) Rằng nhà thơ uống rượu say nhè như anh Chí Phèo say rượu lè nhè vậy…
Không, Nguyễn Khuyến chỉ hớp một tí rượu trong chén hạt mít lấy hứng, chứ không say lè nhè như ai hiểu. Dưới cảnh thu, ngồi nhấp chút rượu thu, câu cá thu, làm thơ thu, nhà thơ chỉ mượn bề mặt tĩnh lặng ao thu mà tả sự động vang sôi sục, quặn thắt, u uẩn, buồn thương nơi thẳm đáy lòng mình , đặng gọi hồn nước đã mất về thương hồn thu hiển hiện.
Nói theo kiểu Apollinaire, Nguyễn Khuyến chừng cũng cảm thấy hồn thu đã chết, đã bỏ đi đâu như hoa kia ngỗng nọ, chỉ còn thân xác thu trong veo, cô quạnh, vắng ngắt, bàng bạc như con ve mùa hè nằm chết trong mùa thu sau khi đã hát rỗng cả ruột gan.
Tả lửa song Nguyễn Khuyến vẽ khói, tả nước mà nói thu, tả nỗi thẹn mình, tủi lây sang thu mà phải mượn tới ông Đào Tiềm đời Tấn. Cũng có thể gọi ba bài thơ thu của ông là tiếng chiêu hồn thu, chiêu hồn nước. Ngồi thưởng thu không chút thư nhàn, đau xót quá, cảm thương nước mất mà sao thu vẫn rưng rưng tìm về, nên nhà thơ không đừng lòng được, đành rơm rớm khóc :” Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”? Đừng đổ oan cho Nguyễn Khuyến “mắt đỏ hoe” vì say rượu. Mùa thu trong ba bài thơ đẹp đến lạnh ngắt, đẹp đến tột cùng cô đơn, u tịch, phải chăng vì mùa thu chưa chiêu được hồn “hoa năm ngoái”, chưa gọi được vía ” ngỗng nước nào“…?
Cám cảnh thay nỗi ” Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được” của nhà thơ; như thể ông là tù binh của cần câu, là tù binh của chính hồn mình đang ở đâu đâu trong trời đất mang mang thiên cổ lụy? Nguyễn Khuyến yêu nước lắm, thương nòi lắm, đau đớn nỗi đời quay quắt lắm, đành giấu kín tình yêu nước vào cảnh thu, ao thu, rượu thu như cá giấu dưới ao bèo. Thi thoảng, ta nghe một tiếng “Cá đâu đớp động dưới chân bèo“, như nhà thơ ngầm an ủi mình rằng còn cá tức nhiên còn nước…
Vì vậy, Nguyễn Khuyến rút ruột hóa thân vào hồn Thục Đế xưa, thành con cuốc gọi hồn nước nay đến chảy máu cả đêm hè :” Năm canh máu chảy đêm hè vắng / Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ / Có phải tiếc xuân mà đứng gọi / Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ “ ( Cuốc kêu cảm hứng ). Thương thay cho “Ngỗng nước nào” vẫn không chịu bay đi, còn kêu xé trời cao trong thảng thốt nỗi niềm dù mùa thu đã chết. Con ngỗng vong thân, gãy cánh, đáp xuống trang thơ mà hóa thành con cuốc Việt Nam chiêu hồn nước tới bây giờ. Bài thơ “Cuốc kêu cảm hứng” thật hay, thật đoạn trường, đọc xong muốn khóc.
Chúng ta thương và kính trọng Nguyễn Khuyến vô cùng. Ông đã nén cả một nhân cánh lớn, một hồn thơ lớn, một tri thức lớn, một nỗi đau lớn vào tiếng cuốc nhớ nước thảm thiết làm chảy máu cả tâm can người đọc hôm nay.Tinh thần hoài cổ, tinh thần “Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ ” len lỏi vào mọi tâm sự, mọi vui buồn, thương giận, nhớ nhung của nhà thơ. Ngay cả khi vịnh ông phỗng đá với ngụ ý diễu mình, nhà thơ vẫn xót xa hỏi: “Non nước đầy vơi có biết không ?“Chính vì nỗi “non nước” khôn nguôi này làm ông tủi hổ, làm như lỗi tại mình mà nước mất nhà tan, nên mượn thơ mà cả thẹn: “Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già / Xuân về ngày loạn càng lơ láo“.
Một người tài cao, học rộng, thương xót, nương nhẹ từng cọng cỏ nhành hoa, một nhân cách lớn, khiêm cung tự tại, lại phải đưa mình ra mà diễu, mà tự cười cợt, bông phèng mình thì hẳn là phải đau đớn lắm, khổ tâm lắm: “Mở miệng nói ra gàn bát sách / Mềm môi chén mãi tít cung thang / Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ ” hoặc :” Lúc hứng uống thêm dăm chén rượu / Khi buồn ngâm láo một câu thơ “. Một người thính nhạy như Nguyễn Khuyến từng biết nghe bằng hồn, bằng vía, chán nỗi đời đục mà giữ mình trong, đành ngụ mình, nương mình làm “Anh giả điếc“: “Trong thiên hạ có anh giả điếc / Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây” ….” Sáng một chốc lâu lâu rồi lại điếc“.
Phải giả mù, giả câm, giả điếc để sống, mà vẫn sống được trong xã hội nhố nhăng nửa thực dân phong kiến thối nát, đảo điên kia, mới thương cho Nguyễn Khuyến phải ra tuồng trong chính thân phận mình:”Mua vui lắm lúc cười cười gượng / Giả dại nhiều khi nói nói bông“. Ngẫm xưa mà ngán cho hôm nay, thiên hạ đang phấn khởi nhập bao nhiêu vai tuồng, vai hề mua vui cho kẻ quyền quý kiếm chút cơm thừa canh cặn, vẫn không biết liêm sỉ ngượng ngùng, lại cứ dương dương tự đắc với vai hề văn nghệ múa may?
Mượn sự điên dại của “Mẹ Mốc” tỏ bày tâm sự, Nguyễn Khuyến như tự xé quần áo tinh thần mình để phơi bày “hình hài gấm vóc” ra mà che mắt thế gian, những mong yên ổn: “Tấm hồng nhan đem bôi lấm xóa nhòa / Làm thế để cho qua mắt tục “. Mẹ Mốc ấy là tâm hồn vằng vặc muôn sau của Nguyễn Khuyến, sống trong thế giới của những “Đĩ cầu Nôm“, “Tiến sĩ giấy”, “Hội Tây“…vẫn không chút bợn nhơ :” Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết / Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ “…
Nhà thơ vô cùng căm ghét bọn cướp nước và bán nước. Ông dùng tài thơ trào phúng vừa hóm, sâu, vừa cay độc đến tận cùng mà váy hóa lá cờ tam tài của giặc trong tiếng cười thâm thuý: “Ba vuông phất phới cờ bay dọc / Một bức tung hoành váy xắn ngang“. Hóa ra cái váy con đĩ của thời: “Vợ bợm, chồng quan, danh phận đó” đã được kéo lên thành cờ “ba vuông” phất phới, ngang dọc, làm bình phong che mặt tham quan ô lại đục nước béo cò.
Nguyễn Khuyến mang vũ khí trào lộng vạch mặt chúng bằng tiếng cười cay độc: “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ / Đời trước làm quan cũng thế a ?” Phải sống trong thời “Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc ” làm sao Nguyễn Khuyến không thẹn thùng, tủi hổ, xót xa cả hồn thơ, đành than trời :” Thử xem trời mãi thế này ư ?”. Tìm mùa thu ẩn mình không yên ổn, núp vào mình cũng không xong, nhà thơ đôi khi phải trốn vào giấc mơ mà chơi trò đánh bùn sang ao bản thể, mà lẫn lộn bóng mình với bóng người, lấy hư làm thực bằng một câu thơ tuyệt hay, rất hiện đại: “Bóng người ta nghĩ bóng ta / Bóng ta, ta nghĩ hóa ra bóng người” (Bóng đè cô đầu).
Thơ nôm Nguyễn Khuyến hay cả ở thần lẫn ở thái, ở hình lẫn ở thể, ở hồn chữ dân gian, gợi cảm, mới lạ, hiếm thấy ví như: “Quyên đã gọi hè quang quác quác / Gà từng gáy sáng tẻ tè te …Đôi gót phong trần vẫn khỏe khoe “, “Bán buôn gió chị với trăng dì”…Nguyễn Khuyến quả là thánh chữ khi dùng động từ “thập thò” trong câu thơ thần tình sau: “Một khóm thuỷ tiên dăm bảy cụm / Xanh xanh như sắp thập thò hoa“.
Câu thơ “sắp thập thò hoa” này mang đặc trưng nhất của phong cách Nguyễn Khuyến.
Từ đây, ta có thể thấy thi pháp “thập thò hoa” là thi pháp độc đáo kỳ khu của thơ ông: thập thò giữa tình và cảnh, giữa vật và tâm, âm và điệu, cảm và thức, thập thò giữa thực và hư… kiểu “hoa năm ngoái” và “ngỗng nước nào“… Nguyễn Khuyến mượn cảnh đẹp nông thôn mà yêu nước Việt, một tình yêu buồn thương u uất được thể hiện bằng nghệ thuật trữ tình trào phúng của thơ bậc thầy. Ông chính là ngọn Đọi sơn của thi ca Việt Nam, nơi nhà thơ từng viết: “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá / Sư cụ nằm chung với khói mây“.
Không, chính là hồn thơ Nguyễn Khuyến vẫn “nằm chung với khói mây” trên đỉnh trời thi ca dân tộc. Thắp nén hương ngày tết tưởng nhớ lần giỗ thứ hơn trăm của Nguyễn Khuyến, cũng là dịp cho ta đọc lại câu thơ hay nhất của thi hào mà giật mình trước tấm lòng trắc ẩn và tư tưởng sâu sắc của tiền nhân, đã có nhã ý mượn tóc gió mà dối lại cho đời sau câu hỏi nhức nhói khôn cùng của triết học nhân sinh: “Ngọn gió không nhường tóc bạc a?”.
Vâng, ngọn gió thời gian, ngọn gió của quy luật muôn đời không nhường tóc bạc thời đại Nguyễn Khuyến đã đành; mà kể cả thời đại chúng ta, nó cũng không biết nhường ai cả. Dù là tóc bạc của thi ca, của thiên tài đi chăng nữa gió cũng chẳng nhường đâu; huống gì những nhí nhố thời cuộc đang băm bổ hô hét muôn năm rồi cũng bị cuốn theo chiều gió, sẽ tan biến đi như chưa hề tồn tại .,.
© Trần Mạnh Hảo
© Đàn Chim Việt
Rất hay, chí lý, tôi học hỏi ở mỗi bài anh viết rất nhiều.
Hy vọng một ngày nào đó, được đọc bài của anh Hảo, viết về cụ Tú Xương, hẳn rằng sẽ rất thú vị.
Trần Thiên Di
NguyểnKhuyến là nhà nho ơ vào thời buổi nhiểu nhương cuả triều đình Huế và bọn tây dương. Cụ từ quan vì mắt lòa,,sau này mù thất (bài Cám ơn bạn tạng hoa trà). Cụ về quê ở ẩn,vui thú điền viên.Và củng như các nhà khoa bảng yêu nước khác,cụ làm thơ để tỏ bày nôilòng của mình luôn giử tấm lòng son với vua với nước (Mẹ Mốc)Như vậy cụ đả xuất xử đúng lúc,đúng thời.
Thơ cụ nhiều thể loại chớ không phải bài nào,câu nào củng mang tính ngụ ý chống Tây ,mang lòng yêu nước như kiểu “…trong thơ nên có thép,nhà thơ củng phải biết xung phong” (như TH(? viết) .Ba bài về thu theo thiển ý chỉ là thơ tả cảnh,thơ nhàn. Chúng hay vì vươt qua khuôn sáo trong văn chương TQ, Nó hoàn toàn VN. Càí hay là hay,là mới ở chổ này..Do đó “hoa năm ngoái ngoài bờ dậu ,tiến ng3ng trên không củng chỉ là lập lại thu củ năm ngoái của nămkia. Nó gióng như hoa năm ngoái ,hay hoa năm ngoái củng là năm nay .và tiếng ngổng kêu củng quen thưôc. Ngổng nước nào,có phải ngổng tthiên di mùa trước nay lại trở về ? Ngổng nước nào ?Ngổng của nước ta tới mùa trở về chốn củ quê xưa VN đấy thôi Củng như hoa trước dậu đả tàn từ năm ngoái ,nay lại khởi sác khoe màu. Năm ngoái và năm nay có gì khác hay củng chỉ là cảnh củ vật củ. Đây là sự hoái niệm , là nổi trăn trở,là niềm ao ước ngắm hoa trước ngỏ,nhìn ngổng bay lên trời buóng tiếng kêu to mừng khi trở lạichốn xưa mà từ mùa trước đả ra đi.Và củng tả cái buồn và caí đon độc của vị quan già như mùa thu đi qua từng năm từng năm….
Thơ NK có thơ nhàn,thơ tâm sự,thơ tự hài và lởm bạn,thơ châm biếm,và có cả thơ yêu nước.chớ không thể “bẻ” hết thơ của cụ rồi gán cho nó có “thép”.Baìthơ “Làng ngang” hay thơ “hỏthămbạn bi lụt,thăm bạn bị cướp” đều có nụ cười rất hài,rất hiền ( Câu “hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”là nói tâm trạng của TH,nhìn hoa ngở hoa năm ngoái,và vẩn cười với gió đông,nhưng người xưa không còn nửa ! ?củng chỉ là một hoài niệm giửa mộng và thực giửa thời gain và không gian.
Tóm lạ NK là nhà thơ làm thơ qua nhiều thể loại,qua nhiều sự kiện chớ không phải thơ nào củng là thơ yêu nước.
Baì viết của TMH tán rất có khí thế ,nghe văn của cụ Hảo rổn rảng CM là khen nức nở….
Bài viết tuyệt hay. Lần đầu tiên Nhân Thiện mới đuộc mở tầm mắt để nhận diện đúng bản chất thiên tài thơNguyễnKhuyến qua cách giải mã tuyệt diệu của nhà phê bình văan học số một quốc nội.Văn phong của TMH là mê hồn trận,người đang ghét ông đọc xong cũng mê ông luôn. Cám ơn ông TMH và DCV
Anh Hảo (xin gọi bằng anh cho thân mật) viết bài nào cũng đặc sắc, phân tích đến nơi đến chốn, chứ không như ông tiến sĩ “hoa khô” nào đó..đã kéo thơ ca của Nguyễn Khuyến xuống thành hàng dạt….
Cũng may ông TS này chưa bình luận “hoa khô” của Cụ Nguyễn Du qua câu: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
Mong anh bút lực dồi dào để tiếp tục sự nghiệp.
Nhân tiện chép gửi anh một bài thơ cũ của tôi sau 1975 để anh đọc chơi:
TĨNH VÀ ĐỘNG
Mặt sông tĩnh lặng như tờ,
Trăng lên in một bài thơ giữa dòng,
Bầu trời thăm thẳm mênh mông,
Váng mây bay giữa bềnh bồng khói sương…
Có bầy chim đã lạc đường,
Thản nhiên rạch một vết thương ngang trời….