WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tại sao tôi mất Huế? Chúng ta mất miền Nam Việt Nam

Tôi học cùng lớp với Trọng Hê và Phú Rổ, hai tên du đãng nổi tiếng quậy phá của đất Thần Kinh. Hôm đó chúng trừng mắt nghênh nhau suốt buổi học. Để chứng tỏ lòng can đảm Trọng Hê tự đấm vào mũi vài cái làm máu tuôn xối xả, Phú Rổ tự đâm bút bi vào cánh tay làm máu ra lai láng. Tan học hai anh quần nhau một trận tại sân bóng rổ để tranh giành thứ bậc anh chị học đường trước sự cổ võ của đám học sinh.

Tính tôi vốn hiền hòa không thích chuyện ẩu đả nên cũng chẳng biết ai thắng ai thua. Ngoài việc đi học tôi chẳng có chuyện gì làm nên thường diện bộ áo quần mới nhất theo dòng người bát qua phố Trần Hưng Đạo xuống đường Phan Bội Châu rồi dừng lại trước phòng vẽ Ngọc Duy gọi anh Do, người bạn cùng lớp, ra tụ tập cùng đám bạn đứng uốn éo cười đùa nhìn người đi qua đi lại và mong cho ai quanh phố nhìn thấy mình. Trong số bạn học có anh Hoàng con nhà giàu có được chiếc xe gắn máy hiệu Ichia thường đèo tôi lạng một vòng quanh phố rồi dừng lại ngồi trước quán café Lạc Sơn để đợi người đẹp tên Nga, con của ông chủ rạp ciné Tân Tân, người yêu trong mộng của anh ta. Mỗi lần cô Nga xuất hiện thì mặt Hoàng tái ra, cô vô tình càng đi đến gần thì anh ta càng run và trong khoảng thời gian tôi đi chơi chung với Hoàng tôi chưa bao giờ thấy Hoàng mở miệng nói gì với cô Nga, còn về sau thì tôi không biết. Thấy bạn có được tình yêu tuy một chiều nhưng quá dữ dội tôi cũng tìm đối tượng để yêu cho biết mùi vị tình yêu. Đối tượng để yêu của tôi Hương, cô bé học cùng trường có đôi mắt bồ câu đen nhánh. Nhưng một hôm chị Tâm, người hàng xóm, cũng có đôi mắt bồ câu đen nhánh giống Hương chửi chồng và trợn đôi mắt to lên hung dữ như mắt cú làm cho óc thẩm mỹ trong tôi thay đổi và tôi quên mất Hương hồi nào không hay.

Tôi lớn lên trong thành phố Huế thanh bình trong lúc cả nước đang chìm đắm trong chiến tranh mà tôi nào có hay biết. Các bạn học tôi ngày nào cũng bàn về ban nhạc The Beatles giọng ca của Fransoir Hardy hoặc Silvie Vartan, còn tôi mãi mơ mộng theo hình ảnh mấy anh tóc dài giang hồ lãng tử hippies tận trời Tây.

Năm đó tôi không thể bình yên tiếp tục học hành vì các anh sinh viên học sinh ngày biểu tình ngày bãi học. Cuộc đời tôi đi vào một khúc quanh vì 2 thứ thôi thúc tính giang hồ trong tôi mà nói ra chẳng ai tin. Đó là bản nhạc bằng Anh Ngữ tên là gì tôi không biết nhưng trong đó tôi chỉ biết một câu và thường nghêu ngao một mình: “If you come down to the river. If you’ re rowing on the river. Rowing rowing on the river. You don’t have to worry because you have no money…” Tạm dịch “Nếu anh đến ở bên giòng sông. Nếu anh chẻo thuyền trên sông. Chèo thuyền chèo thuyền trên sông. Anh không lo lắng muộn phiền vì anh chẳng có tiền…” và hình ảnh một đám thanh niên tóc dài hippies đi chân đất sống hòa nhập với thiên nhiên đăng trong tờ báo Life. Tôi gom góp được một số tiền bỏ nhà bỏ học lên đường đi “Bụi Đời”.

Hippy Bụi Đời và thực tế khác nhau rất xa. Tôi hết tiền rất nhanh và ghé vào Đà Nẵng thăm chị mình nhưng thật chất là xin ăn. Ông anh rể kiếm cho tôi một việc làm trong phi trường Đà Nẵng cho quân đội Mỹ, đang ào ạt vào Việt Nam tham chiến. Vài tháng sau phòng nhân viên tại đường Quang Trung mở thi tuyển thông dịch viên. Tôi trúng tuyển và được thâu nhận làm thông dịch viên cho Đại Đội 29 Dân Sự Vụ Bộ Binh Mỹ đóng trong Bộ Tư Lệnh Lực Lượng III Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại bên kia bờ sông Hàn.

Lúc còn đi học tôi chọn Anh Ngữ là ngoại ngữ phụ nên vốn liếng tiếng Anh chẳng là bao, khi làm thông dịch viên tôi nói thì tôi nghe và Mỹ nói thì Mỹ nghe. Tôi ôm cuốn tự điển Anh Ngữ và cuốn văn phạm Anh Ngữ mở lớp tự học Anh Ngữ trong trại lính Mỹ và lớn dần với thời gian. Vài tháng sau tôi mua được một chiếc xe gắn máy mới hiệu Honda, đó là niềm mơ ước từ lâu của tôi, rồi quên mất chuyện trở lại trường xưa để tiếp tục học hành mà bước thẳng vào đời.

Năm Mậu Thân tôi về lại Huế ăn tết và mắc kẹt lại tại vùng Gia Hộì vì quân cộng sản Bắc Việt mở trận công kích chiếm trọn thành phố. Khi quân lực VNCH đánh bật quân cộng sản ra khỏi thành phố tôi phải ở lại thêm một tuần vì  đường giao thông từ Huế vào Đà Nẵng chưa được giải tỏa. Trong tuần lễ đó, ban ngày cả xóm tôi đang ở náo loạn mỗi khi tìm được xác người thân trong xóm bị chôn trong các hầm tập thể, ban đêm tôi phải thức trắng đêm không ngủ được vì tiếng khóc hằng đêm của những người vợ mất chồng mẹ mất con em mất anh con mất cha trong xóm. Những năm sau đó khi trở về thăm Huế, nơi được sanh ra và lớn lên, tôi không bao giờ đủ can đảm ở đến ngày thứ 3 vì mỗi lần nằm xuống trong mơ màng thì tiếng khóc lại vang lên trong tai. Nay đang cư ngụ tại Mỹ không có kế hoạch về thăm lại Việt Nam và nếu có về Việt Nam cũng chưa chắc tôi sẽ đi Huế, có lẽ tôi đã mất Huế. Người ta nói Huế để đi mà nhớ nhưng đối với tôi Huế để đi mà quên vì ai cũng muốn quên những câu chuyện buồn.

Sau năm Mậu Thân chính quyền Miền Nam Việt Nam ban hành lệnh tổng động viên. Tôi rời chỗ làm lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian được huấn luyện tại trường Bộ Binh Thủ Đức và trường tình báo Cây Mai, tôi trình diện Phòng Nhì Bộ Tư lệnh Quân Đoàn I (BTLQĐI) và được phân công làm Sĩ Quan Liên Lạc trong phái bộ cố vấn Mỹ (MACV) của BTLQĐI. Hai năm sau tôi được du học  thêm về ngành tình báo và đưa về làm sĩ quan tình báo trong Ban Tình Báo của Phòng 2 BTLQĐI.

Ban Tình Báo do Đại Úy Thuận làm trưởng ban với 3 sĩ quan là Trung Úy Ninh, Trung Úy Hẽo và tôi.  Phần việc của tôi là lên bản đồ hàng ngày những vị trí điện đài của quân cộng sản trong vùng và cùng với hai sĩ quan trong ban lên tin tức để Đại Tá Phạm Văn Phô thuyết trình cho Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân Đoàn I, mỗi buổi sáng. Trung Úy Hẽo là một sĩ quan siêng năng thường tới sớm lo vẹn toàn đầy đủ tin tức cho những buổi thuyết trình. Sau năm 1975 mới lộ ra y là một cơ sở của cộng sản, như thế những tin tức trong phòng hội của BTLQĐI đã được y chuyển cho cộng sản suốt thời gian y làm việc. Thời gian gần đây một số anh em làm tại phòng 2 BTLQĐI có về VN gặp y đi lượm rác kiếm ăn và gần đây thì lại thấy cạo đầu đi tu.

Hôm đó là ngày mồng 4 tết năm Tân Sửu, tức là ngày 30 tháng 1 năm 1971. Ban Tình Báo chia làm 2, tôi và Đại Úy Thuận lên đường theo đoàn xe của BTLQĐI ra Đông Hà thành lập Bộ Chỉ Huy Tiền Phương để bắt đầu cuộc hành quân Lam Sơn 719 qua Lào.

Vùng hành quân theo đường 9 qua đến thành phố Tchépone, Lào. Mặt trận để dàn quân trải dài từ biên giới Việt Lào là Lao Bảo đến Tchépone khoảng 40 cây số đường chim bay. Số quân đổ vào mặt trận trên dưới 20 ngàn. Với mục đích (không nói ra khi mở đầu cuộc hành quân) thiết lập trên các cao điểm một số Căn Cứ Hỏa Lực hai bên đường 9 trong thời gian dài để khống chế chặn đường xâm nhập quân cộng sản. Phía Bắc đường 9 có 2 Căn Cứ Hỏa Lực 30 và 31 do quân dù và pháo binh trấn giữ. Bên ngoài về hướng bắc 2 Căn Cứ Hỏa Lực trên có TĐ 39 BĐQ và TĐ21 BĐQ nằm vành đai. Dưới 2 Căn Cứ Hỏa Lực trên có Căn Cứ Hỏa Lực A Lưới là nơi đồn trú của quân Thiết Giáp, Dù và Pháo binh.  Phía Nam đường 9 là nơi đóng quân của Sư Đoàn I Bộ Binh tại các cao điểm tên là Delta, Lolo, Sophia.

10 ngày sau tôi được lệnh cùng Đại Úy Cảnh, ban trận liệt, lên đường bay đến một ngọn đồi gần phi trường Khe Sanh để lập Bộ Chỉ Huy Nhẹ cho Đại Tá Nguyễn Đình Vinh, vị chỉ huy trưởng toàn Mặt Trận, lên sau đó. Khoảng 1 tuần sau Bộ chỉ Huy Nhẹ đón nhận một vị khách không mời, Đại Tá Nhật, trưởng phòng 3 BTLQĐI. Ông trước là sĩ quan quân huấn thường tạo nhiều khuyết điểm khi thuyết trình và hay bị Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm “nổ”. Ông thường nằm đu dưa trên võng và hồn nhiên nói: “Tao bán cái cho thằng Nhàn dưới đó” (Trung Tá Nhàn, phó phòng 3 đang ở Đông Hà).

Cuộc hành quân đang diễn ra tốt đẹp. Các đơn vị tịch thâu được nhiều chiến lợi phẩm và vào được các vị trí chỉ định không bị kháng cự nhiều của địch. Tôi đưa về Đông Hà một tù binh bắt được từ chiến trường Lào, đó là tù binh độc nhất trong cuộc hành quân, y đã khai thấy rất nhiều chiến xa pháo binh tụ tập trong vùng trước đó 2 tháng. Sau này tôi được biết cuộc hành quân đã bị lộ từ trung ương nên cộng sản đã bí mật giấu tại vùng hành quân 5 sư đoàn gồm 12 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn thiết giáp, 1 trung đoàn pháo, 19 tiểu đoàn phòng không và đang giăng một cái bẫy chờ đón quân VNCH.

Một tuần sau vào một buổi trưa Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm bước vào phòng họp của Bộ Chỉ Huy Nhẹ tay cầm cái can gỗ quất mạnh vào mấy cái ghế và nói như hét, “Nó qua bên đó làm gì? Tao vừa ở bên đó về, ở đó rất yên tĩnh mà”, thì ra Đại Tá Nhật nghe tin Trung Tướng HXL từ Đông Hà lên nên đã ra phi đoàn trực thăng đậu trước Bộ Chỉ Huy Nhẹ lấy một chiếc trực thăng bay qua thăm tiểu đoàn 39 BĐQ và bị bắn rơi. Hai chiếc trực thăng Cobra được điều động lên tìm nhưng khoảng hơn giờ sau đều trở về báo cáo không thể xuống được vì hỏa lực phòng không của địch quá dày. Quân cộng sản bắt đầu lộ diện nổ súng thì bắn rơi được máy bay của trưởng phòng 3 BTLQĐI trong tay ông ta có mang theo cuốn sổ trong đó có phóng đồ của cuộc hành quân.

Ngày hôm sau một cuộc họp trong Bộ Chỉ Huy Nhẹ diễn ra giữa các vị chỉ huy của từng binh chủng có tham dự cuộc hành quân, phía Mỷ có ba vị tướng, một mặc áo không quân, có lẽ là tư lệnh không quân Mỹ ở Đà Nẵng, một mặc áo bộ binh, có lẽ là tư lệnh sư đoàn 101 dù Mỹ đang đóng tại Phú Bài và một là chuẩn tướng cố vấn của BTLQĐI. Trong cuộc họp Trung Tướng HXL nói thật to một cách bất mãn “President said you support why you say no?”  (Tổng thống nói anh yểm trợ tại sao anh nói không?). Sau cuộc họp ba vị tướng Mỹ ra đứng bên ngoài hầm tiếp tục họp với nhau thêm vài gìờ nữa. Sau này tôi được biết cuộc hành quân không được sự đồng thuận của Mỹ vì Tổng Thớng Richard Nixon đang câu đươc con cá lớn (bắt tay với Trung Cộng). Phó tổng thống Trần Văn Hương phải họp báo tại Sài Gòn vừa tố giác vừa kêu gọi nên Mỹ mới tham gia. Phía cộng sản Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng họp báo thách thức ai làm chủ được Tchépone thì làm chủ được Hạ Lào.

Khi phía Mỹ đồng ý yểm trợ cuộc hành quân thì phi đoàn chiến đấu cơ của không quân Mỹ ở Đà Nẵng được chuyển ra Đông Hà. Phi đoàn trực thăng 217 của sư đoàn không kỵ Mỹ được đưa lên Khe Sanh. Phi trường Khe Sanh nhộn nhịp hẳn lên. Tôi từ giã Bộ Chỉ Huy Nhẹ lên đường nhận nhiệm vụ mới: Sĩ quan liên lạc cho phi đoàn trực thăng 217. Phần việc của tôi là mỗi buổi chiều đi cùng Trung tá chỉ huy trưởng (TTCHT) phi đoàn 217 Robert f. Molineli qua họp tại bộ Chỉ Huy Nhẹ và thu thập tin tức cuộc hành quân để thuyết trình cho phi hành đoàn mỗi buổi tối. Về sau tôi được biết phía Mỹ khi tham gia cuộc hành quân đã có 65 phi hành đoàn bị bắn rơi. 42 mất tích. 818 bị thương. 106 chiếc máy bay bị hủy. 618 chiếc bị hư hại. Điều dở nhất của chính giới Hoa Kỳ tại Washington D.C. là đã đưa vào trận chiến Việt Nam hàng trăm vị tướng giỏi nhưng khi muốn rút chân ra khỏi trận chiến lại giao cho tên hạ sĩ thuộc sư đoàn bộ binh 84 tên là Henry Kissinger giải quyết. Nên những phi công Mỹ bị bắn rơi tại Lào không bao giờ về lại được đất Mỹ.

Chiều hôm đó TTCHT phi đoàn 217 và tôi bay qua Bộ Chỉ Huy Nhẹ để họp, vừa bước vào hầm họp thì Đại Tá Nguyễn Đình Vinh nói liền với TTCHT phi đoàn 217 “sau cuộc họp này tôi nhờ anh cho 1 chiếc trực thăng lên tìm TĐ 39 BĐQ giùm, chúng tôi bị mất liên lạc với họ từ chiều qua”. Câu nói vừa xong thì chuông điện thoại reo Đại Tá NĐV bắt điện thoại trả lời, bận rộn gọi điện thoại ra lệnh điều khiển trận đánh. Cuộc họp hành quân buổi chiều ấy bị hủy. Chúng tôi ra về, thay vì đáp xuống phi trường Khe Sanh TTCHT, phi đoàn 217 lại điều khiển trực thăng bay rà thấp trên ngọn cây qua Lào ngang qua nơi đóng quân của Tiểu Đoàn 39 BĐQ và Căn Cứ Hỏa Lực 31. Xác người nằm ngổn ngang từ dưới chân đồi lên, 2 chiếc xe tăng của quân cộng sản đang quần qua lại trên đỉnh đồi, hai quà đạn pháo làm bùng lên hai ngọn lửa lớn, tiếng súng phòng không lộp bộp. Quân cộng sản đã tràn ngập vị trí đóng quân của TĐ39 BĐQ. Quân dù trên Căn Cứ Hỏa Lực Đồi 31 vẫy tay chào. Chiếc trực thăng dàn ra xa và bay vút lên cao, ông ta mở tần số liên lạc và ra lệnh cho tôi gọi tìm TĐ39 BĐQ. Tiếng tôi vang lên trong không gian âm u trên cao của bầu trời đang ngả màu tối. Đạn phòng không của của quân cộng sản giăng tỏa thành một màn lưới sáng đi chập chờn từ dưới lên quanh chiếc máy bay. Vài quả đạn nổ trên không làm đỏ rực bầu trời, tôi có cảm giác chiếc máy bay chòng chành theo từng tiếng nổ. Tôi không biết quân cộng sản đã khai hỏa bao nhiêu lâu nhưng thời gian đó là những giây phút dài nhất trong đời tôi. Tôi báo cáo với trung tá chỉ huy trưởng phi đoàn là không bắt liên lạc được dưới đất sau khi đã chuyển đổi nhiều tần số. Chiếc máy bay nghiêng xuống về lại Bộ Chỉ Huy Nhẹ để báo cáo cùng Đại Tá Chỉ Huy Trưởng cuộc hành quân về phi vụ vừa thực hiện.

Hôm sau TTCHT phi đoàn  217 cho tôi biết chiếc phi cơ trực thăng đã bị hư nhẹ vì có trúng đạn. Về sau tôi được biết tôi đã bay trên hỏa lực phòng không mạnh nhất dày nhất kể từ thế chiến thứ II bằng 1 chiếc trực thăng mà bên dưới có 19 tiểu đoàn phòng không nhắm bắn không trúng. Tôi thoát chết là nhờ bầu trời vụt tối khá nhanh bên dưới nhìn lên không thấy được chiếc phi cơ in trên nền trời đen thẫm. Hú hồn. Chiến tranh là hoạt động ngu xuẩn nhất của con người. Sanh mạng của mình được trao cho những con người không quen biết.

Bốn hôm sau Đại Đội Hắc Báo, chuyên nhảy toán cứu phi hành đoàn bị bắn rơi và bảo vệ sân bay, cùng với lính Mỹ đang phòng thủ sân bay đưa vào 5 binh sĩ của TĐ39 BĐQ chạy bộ từ chiến trường về. Tôi kiếm đồ cho họ ăn và lấy xe đưa họ về Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn BĐQ nằm dưới Bộ Chỉ Huy Nhẹ. Trong câu chuyện với người xạ thủ súng M72  của Tiểu Đoàn 39 BĐQ tôi được biết như sau: Không thể chặn đứng được chiếc chiến xa T54 đi đầu của địch khi nó tiến lên đồi. “Em bắn tất cả 3 quả M72. Quả đầu hơi xa em không biết chắc có trúng hay không. 2 quả sau em biết chắc rằng em đã bắn trúng nhưng đạn không găm vào xe mà đi trợt ra ngoài” “Tại sao ?”. “Vì chúng đi từ dưới đồi lên. Lúc chúng tập trung quân em đã quan sát rất kỹ chiếc chiến xa T54 này, chỉ hạ được bằng cách bắn vào dưới bánh xe mà thôi. Phần trên và tháp súng của xe có bắn trúng cũng không ăn nhằm gì. Em đứng trên cao xe dưới thấp đi lên em không thấy được phần dưới xe. Khi em bắn quả cuối cùng chiếc xe T54 chỉ còn cách em 15 mét nên em dục tất cả và chạy bộ về đến đây”. Anh ta hạ  giọng “Em không cản được thì tụi dù cũng không cản được, em sợ chúng ta … thua trận này quá!”. Tôi trả lời “Dưới đất không cản được T54 thì máy bay trên không cản được”.

Mấy ngày sau quân cộng sản tập trung tấn công vào Căn Cứ Hỏa Lực 31. Một chiếc chiến đấu cơ của không quân Mỹ yểm trợ cuộc hành quân bị bắn rơi, chiếc còn lại ham cứu bạn không cần biết trận chiến bên dưới. Quân dù không cản nổi xe tăng T54. Căn Cứ Hỏa Lực 31 bị tràn ngập. Về sau này khi quan sát những chiếc xe tăng T54 bị bắn bể giây xích bánh xe nằm ngổn ngang trên bãi cát bên kia bờ sông Mỹ Chánh tôi mới hiểu rằng lời nói của người xạ thủ M72 của TĐ 39 BĐQ là đúng.

Ngang đây tôi xin bạn đọc cho tôi có vài lời với những người chưa hề cầm súng. Chiến trường thắng bại phần đông do vũ khí và những người lính gan dạ vô danh. Nếu không có vũ khí là cây tre dài buộc dao nhọn và bùi nhùi tẩm dầu lửa được đốt lên khi tấn công thì vua Quang Trung không thể đánh bại quân Xiêm và quân Thanh. Nếu không có những cây súng hỏa mai mua của Tây Phương thì vua Gia Long không bao giờ giành lại được sơn hà. Xe tăng T54 không phải là vũ khí mới, không phải là loại vũ khí không trị được nhưng trong ngẫu nhiên quân cộng sản dùng nó để tấn công vào các cao điểm đi từ dưới thấp lên bảo vệ được bánh xe nên thành công. Nếu quân lực VNCH giữ vững được các Căn Cứ Hỏa Lực trên đất Lào chặn được đường xâm nhập của cộng sản thì Miền Nam Việt Nam không bao giờ bị mất. Đó là lý do tại sao chúng ta mất Miền Nam Việt Nam. Lý do này tôi cho là lý do chính.

Theo một tài liệu của người Mỹ cho biết trong trận chiến tại Hạ Lào, Quân Lực VNCH đã thiệt hại đến 5.000 người vừa chết vừa bị thương và mất tích, quân cộng sản là 13.341 người. Tất cả khí tài của 2 phe tham chiến điều bị hủy diệt. Số liệu này không thể được gọi là chính xác, nhất là sự thiệt hại của quân cộng sản. Thế thì trận đánh Hạ Lào là một trận đánh tổn thất lớn nhất cho cả 2 bên trong chiến tranh Việt Nam diễn ra như thế nào và cách giết nhau như thế nào mà có đến gần 20.000 người thiệt mạng (có thể nhiều hơn). Tôi xin trình bày tổng quát đơn giản, khách quan trung trực theo sự hiểu biết có hạn của tôi, một sĩ quan tham mưu nhỏ nhất còn sống sót, trong trận chiến.

Trận chiến Hạ Lào có 7 trận đánh lớ :

Trận thứ nhất quân cộng sản tấn công xóa sổ TĐ 39 BĐQ

Trận thứ nhì quân cộng sản tấn công tràn ngập Căn Cứ Hỏa Lực  31

Trận thứ 3 quân cộng sản bao vây và dùng pháo binh cầm chân quân Thiết Giáp đang đồn trú tại Căn Cứ Hỏa Lực A Lưới

Trận thứ tư quân cộng sản phục kích quân  thiết giáp và quân Dù đi cứu Căn Cứ  Hỏa Lực 31.

Trận thứ năm quân cộng sản phục kích quân của Sư Đoàn I khi họ rút ra sau khi đã vào Tchépone.

Trận thứ sáu quân cộng sản tấn công xóa sổ TĐ 21 BĐQ

Trận thứ bảy quân cộng sản bao vây Căn Cứ Hỏa Lực 30. Khi quân trong Căn Cứ Hỏa Lực 30 được lệnh bí mật rút lui là toàn bộ quân của QLVNCH từ Lào đồng tháo chạy về Khe Sanh.

Các giới chức quân sự thường cho rằng bên bị phục kích luôn luôn thiệt hại nhiều hơn bên phục kính và con số 1 thủ bằng 3 công để đo lường thiệt hại đôi bên khi tham chiến. Ý tưởng này không đúng với trận chiến ở Hạ Lào. Trận đánh này là trận đánh dùng kỹ thuật trong chiến tranh của 2 phe tư bản và cộng sản mà người Việt Nam đã sử dụng để giết nhau một cách tàn nhẫn.

Thuở đó ngành tình báo của Quân Lực VNCH đã phát triển thêm Nha Kỹ Thuật để áp dụng những phát minh mới nhất của nền khoa học kỹ thuật hiện đại vào phục vụ cho ngành tình báo và chiến tranh. Hai phát minh mới nhất về tình báo để hỗ trợ cho trận chiến Hạ Lào là các toán kỹ thuật dùng máy Sensors, là những chiếc máy nhỏ được thả trong rừng để định vị địch và dùng pháo bắn hủy diệt và chiếc máy bay EP-3 (sau này Trung Cộng có bắt Mỹ hạ cánh tại đảo Hải Nam một chiếc) bay vần vũ suốt ngày trên bầu trời phi trường Khe Sanh để định vị trí điện đài quân cộng sản đang tham gia trong trận đánh và dùng pháo đài bay B52 thả bom hủy diệt. Tôi nghĩ rằng quân cộng sản cũng đã biết những kỹ thuật đó nhưng họ không còn chọn lựa nào khác là phải sử dụng điện đài để điều quân tham chiến.

Pháo đài bay B52 xuất phát từ Thái Lan bay đến mặt trận Hạ Lào trong vòng 1 giờ, mỗi phi vụ gồm 3 chiếc, mỗi chiếc mang được 32 tấn bom dàn hàng ngang rải bom hủy diệt một vùng hình chữ nhật rộng hơn 1 cây số dài hơn 6 cây số. Không chết vì  trúng bom thì cũng chết vì âm thanh khi nằm trong khu vực bị B52 dội bom.

Hầu hết các trận đánh đều có sử dụng các phi vụ B52 để chặn đường tiến quân, giải tỏa áp lực hay hủy diệt toàn bộ khu vực nếu không giữ được. Những phi vụ B52 có tác dụng hủy diệt nhiều nhất mà tôi được biết là:

Khi quân thiết giáp và quân Dù đi cứu Căn Cứ Hỏa Lực 31 bi phục kích, toàn bộ thiết giáp và khí tài được lệnh bỏ lại chiến trường và bí mật rút quân ra trong vòng vài giờ vào lúc nửa đêm để một phi vụ có đến 6 chiếc B52 rải thảm bom hùy diệt.

Trận đánh tại Căn Cứ Hỏa Lực Đồi 30 khi bị quân cộng sản bao vây tăng áp lực, các vị chỉ huy đã vẽ một tam giác cho quân trú phòng vào một góc và cho B52 thả bom ở cạnh đối diện. Sau khi thả hết 3 cạnh của tam giác quân trú phòng được lệnh rút và toàn bộ quân VNCH đều chạy về Khe Sanh. Ngày hôm đó toàn bộ điện đài của quân cộng sản tại Lào không còn hoạt động. Có ý kiến của các vị chỉ huy cần tái chiếm vì quân cộng sản đã bị tổn thất quá nặng không còn đủ sức tấn công nhưng người Mỹ lại từ chối yểm trợ.

Trong những năm gần đây tôi có về Việt Nam đi các nhà sách để tìm đọc những bài viết của người lính cộng sản có tham gia trận đánh Hạ Lào thì chỉ tìm ra độc nhất một bài viết vài trang của tướng công binh cộng sản Đồng Sĩ Nguyên viết về việc xây dựng đường 559 phục vụ cho trận chiến Hạ Lào mà thôi. Phải chăng tất cả họ đều đã chết dưới bom đạn. Phía quân lực VNCH có 2 nhân vật chủ chốt trong trận đánh Hạ Lào vẫn còn sống là Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm và Đại Tá Nguyễn Đình Vinh thì hình như không có bài viết nào về trận đánh mà chỉ có những bài viết của những cấp thấp nên đầy phiến diện.

Hình như hầu hết những cuộc chiến tranh do con người bày ra đều có nhiều lý lẽ tưởng rằng đúng lúc mới tham gia và cũng có nhiều nỗi hối hận giày vò khi tàn cuộc chiến. Không có gì hay ho để đánh giá ai thắng ai bại trong trận đánh Hạ Lào, một trận đánh trong hàng trăm trận đánh của cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn nhưng lại cần định tội cho những ai đã gây ra cuộc chiến tranh vô nghĩa và ngu xuẩn ấy.

Hôm nay ngồi trong quán café tại thành phố Atlanta, tôi hỏi cô bé du học sinh có thân hình đầy đặn khuôn mặt ngây thơ đang bưng café để kiếm thêm tiền trả học phí “Con ở đâu bên Việt Nam? ”. “Con ở Hà Lội”. Tôi biết một cách chắc chắn rằng tôi chẳng có gì thù hận cô ta và cô ta cũng chẳng có gì thù hận tôi nhưng 40 năm trước nếu chúng tôi gặp nhau là gặp nhau trên hai chiến tuyến. Tôi bỗng nhớ lại 2 thằng bạn học du đãng năm xưa và nhớ cả trận đánh Hạ Lào. Tôi đi về nhà ngồi gõ gõ viết lại chuyện xưa mà lòng vẫn đầy thương cảm cho 20.000 sanh mạng đã vùi thây trên vùng đất Hạ Lào, họ cũng có những tâm tư tình cảm giống tôi nhưng thiếu may mắn hơn tôi. Đớn đau ai cũng là người. Đớn đau ai cũng là người đớn đau.

© Nhất Hướng Nguyễn Kim Anh

© Đàn Chim Việt

 

10 Phản hồi cho “Tại sao tôi mất Huế? Chúng ta mất miền Nam Việt Nam”

  1. Xóm Mới says:

    Bác Nhất Hướng nếu muốn đọc sách của phe Cộng phỉ thì có thể google truy cập xem bài “VỀ MỘT SỐ THƯ LIỆU CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM” của Nguyễn Kỳ Phong. Đọc sách của phe Cộng đôi khi cũng cần thiết, nhưng chớ có đọc Trần Dân Tiên để biết về sự… khiêm tốn của bác Hồ!

    Nói chung, như ông Nguyễn Kỳ Phong cũng nêu ra, đọc sách phe Cộng cần cẩn thận: “Trong chế độ Cộng Sản, viết sách ghi lại chi tiết lịch sử rất khó. Khó không phải là không có điều kiện viết, mà khó là vì cấp trên (Đảng Cộng Sản Việt Nam) kiểm soát ý tưởng của tác giả.”

    Ngay như tướng có công của nó là thượng tướng Trần Văn Trà viết cuốn “Kết Thúc Cuộc Chiến 30 Năm” mà còn bị thu hồi nữa là.

    Còn ý kiến của bác nào về chuyện “có nhiều người chịu gian khổ, chịu nguy hiểm tính mạng” để chống Mỹ và “tinh thần ý chí mạnh mẽ không hề giảm sút”… thì làm mình nhớ đến mấy anh trong xóm hồi đó trốn “nghiã vụ quân sự” đi Campuchia, gia đình bị nó cắt “hộ khẩu”, cha mẹ nó gọi lên phường làm khó dễ, đêm đêm nó gõ cửa lùng bắt bất cứ lúc nào, thật là… “không hề giảm sút.”

    Lê Duẩn hung hăng là thế, nướng mấy ngàn bộ đội riêng cho một trận Quảng Trị, mà có đứa con trai nào của hắn vào chiến trường miền Nam không?

  2. Người Việt Nam cười khẩy says:

    Hê . Hê ! – Có đâu mà kêu mất ?

  3. quang phan says:

    Xem ra ông bạn Van Minh muốn tác giả giải thích tại sao Miền Bắc đã đánh bại được Miền Nam. Thiết nghĩ tác giả ở trên đã viết rằng ” Chiến trường thắng bại phần đông do vũ khí…”. Và trong vòng hơn 35 năm cũng đã có vô số những bài phân tích của đám “tàn dư Mỹ ngụy” ở hải ngoại giúp trả lời câu hỏi này rồi. Nói chung đều nhận định rằng lý do trước nhất là vì Miền Nam không còn được Hoa kỳ tiếp tục viện trợ nữa, nên không vũ khí, không đạn dược thì tay không làm sao mà đánh trả được “quân xâm lược từ Miền Bắc vô đây, bàn tay nhuốm máu đồng bào Miền Nam”.
    Tôi rất phục Hoa kỳ đã có thể đánh gục được siêu cường Liên xô và tất cả các nước Cộng sản Đông Âu mà không cần phải nổ một tiếng súng, phí một viên đạn.Từ gần 100 quốc gia theo chế độ Cộng sản, nay chỉ còn lại đám ” tàn dư Cộng sản” 5 nước mà thôi. Không rõ ông bạn Van Minh có biết được trang mạng nào giúp trả lời- một cách hợp lý- tại sao Thế Giới Cộng Sản sụp đổ một cách tàn tệ và mau lẹ vậy không hè ?

  4. nguyen says:

    anh Van Minh,
    anh cố gắng tìm giùm 1 bài viết của 1 người cấp chỉ huy của cọng sản có tham gia TRỰC TIẾP trong trận đánh Hạ Lào. Tôi nghĩ tác giả viết trung trực. Các web anh đưa ra chỉ toàn là những bản tin. Có lẻ họ đã chết hết vì B52.

  5. Van Minh says:

    Hồi ức cá nhân của tác giả có vẻ không chính xác. Nguồn khác nói là chỉ có khoảng 4,000 người chết cả hai bên (http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Lam_S%C6%A1n_719).

    Trận chiến đường 9 Nam Lào được đưa vào sách sử phổ thông của VN, tác giả nói miền Bắc bại trận này và ít nói về nó là không đúng. Việc tác giả không tìm được thông tin miền Bắc nói về nó có khi là do chưa tìm kỹ. Trên mạng thân CS hiện nay, có rất nhiều bài viết về trận chiến này:
    http://www.quansuvn.net/index.php?topic=132.0
    http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/56/57/57/138304/Default.aspx
    http://quocphonganninh.edu.vn/PrintPreview.aspx?ID=1508

    Tác giả google sẽ ra rất nhiều
    —————

    Nếu nói về thất bại của miền Nam, tác giả phải lý giải được tại sao bản thân miền Nam không thể dẹp được phong trào du kích nổi dậy vũ trang của rất nhiều vùng quê? Tại sao miền Bắc có thể kích động và hỗ trợ cho nổi dậy ở miền Nam mà miền Nam không làm được điều tương tự, dù có thêm nửa triệu quân Mỹ với nhiều vũ khí kỹ thuật tốt tân hơn? Vì sao theo Mỹ thì sướng hơn và chống Mỹ chống VNCH thì khổ hơn, nhưng vẫn có nhiều người chịu gian khổ, chịu nguy hiểm tính mạng để chống?

    Chiến dịch đường 9 Nam Lào chỉ là một trận đánh minh họa cái thế thất bại của VNCH sau 15 năm theo Mỹ. Miền Bắc VN có rất nhiều trận chiến thiệt hại nặng nề hơn nhiều, nhưng cứ sau mỗi lần bại họ lại đứng dậy được, rút kinh nghiệm và mạnh hơn trước, với tinh thần ý chí mạnh mẽ không hề giảm sút.

    • Lan Anh says:

      1.Đồn bót nào cover cho đủ khi VC ban ngày là “dân”, nửa khuya cầm A.K về làng. Dân không hẳn theo chúng nhưng tiếp tay là chuyện bắt buộc, nếu còn muốn sống. Ấp Chiến Lược là phương sách cách ly dân và VC đã thành công làm bọn cộng sản đói meo. Việc gì đã làm cho chương trình Ấp Chiến Lược bị bãi bỏ thì chắc không cần phải nói.
      2.Dân miền nam chưa từng có cái để so sánh như dân bắc 1954, mơ màng là chuyện tự nhiên nhất là vào thời buổi vừa thoát nạn thực dân nên dể bị “bom miền bắc”. Phải là Bắc Kỳ 1954 thì mới biết tại sao họ vào nam và chống cộng mảnh liệt như vậy.
      3.Nếu phương tiện thông tin ngày trước như bây giờ thì cộng sản tự tan rã ngoài miền bắc chứ đừng nói việc đem quân vào miền nam.
      Tóm lại chỉ khi đã ở với cộng sản thì mới biết đá biết vàng, mới biết rằng trên đời chỉ có bọn này có thể bịp bợm vô liêm sĩ đến mức không thể tưởng tượng ngoại trừ những ai đã từng sống với chúng và bị chúng bịp.
      Dân miền nam tập kết trở về nam sau ngày 30/4 là đau nhất nhưng đã lỡ vào tròng rồi. Nỗi buồn của họ là miên man cứ gậm nhấm đến cuối đời. Thông cảm, không ai hờn oán gì hết. Toàn là dân bị bịp.

      • TK - USA says:

        Ê . Lan Anh !
        Phải là Bắc Kỳ 54 Chánh hiệu mới chống CS mãnh liệt à ?
        – Thế Phó Tổng Thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ và Gia đình Phạm Duy … có được không ?

      • Lan Anh says:

        Tập làm người lớn chút xíu nghe cháu. Mốt vài người không đại diện cho một tập thể, có hiểu không? Đó là lý do mà trong mọi xã hội dân chủ văn minh người ta đều lấy cái majority làm căn bản. Tại sao cháu nằm mơ mà cũng muốn cư ngụ bên Mỹ là vì lý do gì? Nếu hồi nhỏ chịu đi học thì đâu có lãnh lương bốn triệu buôn nước bọt hàng ngày trên mạng. Đợi kiếp sau nghen, không chừng Minh râu sẽ đền bù!!

  6. quang phan says:

    Tác giả Nhất Hướng -”Trong những năm gần đây tôi có về Việt Nam đi các nhà sách để tìm đọc những bài viết của người lính cộng sản có tham gia trận đánh Hạ Lào thì chỉ tìm ra độc nhất một bài viết vài trang của tướng công binh cộng sản Đồng Sĩ Nguyên viết về việc xây dựng đường 559 phục vụ cho trận chiến Hạ Lào mà thôi”.
    Đây là chi tiết rất thú vị từ bài viết này. Cứ ngỡ đám tướng tá Cộng sản đã rất là ồn ào về ” chiến thắng” đường số 9 Nam Lào.
    Điểm khác là theo sự suy luận của tôi từ khá nhiều các bài viết về “cơn uất Hạ Lào” mà tôi đã được có dịp đọc qua thì chính Nixon- Kissinger đã muốn có cuộc hành quân Lam Sơn 719 này.
    Và khi cuộc hành quân đang tiếp diễn thì Hoa kỳ còn muốn ông Thiệu đổ thêm quân vào. Tuy nhiên trước sự thiệt hại nặng nề của các lực lượng tham chiến, ông Thiệu đã hạ lệnh triệt thoái khỏi Lào trước kỳ hạn.
    Chỉ riêng xét về khía cạnh bất tương xứng giữa lực lượng đôi bên thì cũng đủ cho thấy cuộc hành quân này sẽ không có một chiến thắng vẻ vang như cuộc hành quân của ta sang Kampuchea trước đó, nếu không nói là đây có thể là một âm mưu thâm độc của Hoa kỳ nhằm làm suy yếu các lực lượng tinh nhuệ của ta để dọn đường cho Cộng sản Bắc Việt thôn tính Miền Nam sau này.
    Trích-” Trong khi đó, Cộng sản Bắc Việt đã có tới hơn 60000 người của các sư đoàn 2, 304, 308, 320, 324, hai trung đoàn độc lập 27 và 278, 8 trung đoàn pháo binh, ba tiểu đoàn thiết giáp với các chiến xa hiện đại T-54 của Liên sô, 6 trung đoàn phòng không, 8 tiểu đoàn đặc công, và các đơn vị hậu cần, vận tải.
    Theo binh pháp, khi tấn công cần tỉ số 3 trến 1. Rõ rệt là lực lượng ta chỉ bằng 1/3 lực lương địch trong cuộc hành quân này ( Trong cao điểm của cuộc hành quân này, lực lượng quân ta có lúc lên đến hơn 30000. Tuy nhiên con số này là tổng số quân tham dự ). Vào năm 1967, Hoa Kỳ đã soạn thảo một kế hoạch hành quân tương tự. Và họ cho rằng phải cần đến 60000 quân”.

  7. Tien Pham says:

    “Sau cuộc họp ba vị tướng Mỹ ra đứng bên ngoài hầm tiếp tục họp với nhau thêm vài gìờ nữa. Sau này tôi được biết cuộc hành quân không được sự đồng thuận của Mỹ vì Tổng Thớng Richard Nixon đang câu đươc con cá lớn (bắt tay với Trung Cộng).”

    Cám ơn anh đã kể cho tôi nghe về chìến dịch LS719. Thuở đó, tôi còn bé tí, chả biết gì. Lớn lớn chút nữa, nghe “bình loạn” về chiến tranh, nào là Khe Sanh, A Shau, A Lưới, Tchepone Hạ Lào, etc., mà ngẩn tò te. Mãi sau này, khi qua Mĩ, học hành xong xuôi, muốn tìm “về nguồn”, mới chịu khó tìm hiểu.

    Trong Vietnam In HD, người Mĩ có thuật lại trận 719, nhưng kô “hay” bằng anh. Tuy vậy, bộ phim có giải thích 1 cách chiến lược (dĩ nhiên là dưới lăng kính của người Mĩ) những chiến dịch lớn, những trận đánh có tính cách quyết định cuộc chiến. Có tính cách quyết định, cũng như Yasser Arafat đã có lần nói về 1 trận đánh giữa quân Israel và quân PLO: “They might win a battle. But we won the war!” khi ông vượt sông vào vùng đất Palestine.

    Trước khi tham dự vào trận Hạ Lào, người Mĩ có đổ quân qua Cam Bốt, mục đích là để tiêu diệt nguồn tiếp vận của VC. Phải nên biết rằng người Mĩ rất “kị” xé rào, xé luôn hiệp định “trung lập” của ông Shianouk. Khi quyết định xé rào (lúc này ông hoàng Shianouk bị Lon Nol đảo chính,) họ phải có nguyên do, và mối lợi phải nhiều hơn mối bất lợi. Khi hành quân tới nơi còn cách mục tiêu 5km, ông (Anderson thì phải) đại tá (?) nhận được chỉ thị từ cấp trên là phải dừng lại. Ông ta phản đối, vì chỉ còn cách mục tiêu 5km. Nhưng ông đã bị cắt ngang. Sau đó, ông mới hay rằng TT Nixon “đang câu con cá lớn,” nên kô muốn tiến xa hơn.

    Theo như thuật lại trong Vietnam In HD, cuộc hành quân theo đường số 9 qua Hạ Lào giữa đường bị chống trả dữ dội. Quân đội VNCH đã phải trực thăng vận vào tới gần Tchepone, 1 việc ngoài dự tính. Khi đặt chân tới Tchepone thì mới hay là kho tiếp liệu của VC kô lớn như đã tưởng. Có thể là bị gài bẫy, có thể là tin tức tình báo sai lạc, có thể là VC có đủ thời giờ (nhờ sự chống trả “câu giờ” ở đường số 9) để giải tán bớt đi.

    Chiến dịch LS719 là 1 tiếp nối những gì quân đội Mĩ đã dự định làm ở Cam Bốt. Nhưng kì này do chính quân đội VNCH đảm trách. Tiếc thay các cấp chỉ huy, nhất là vị Tổng Tư Lệnh, ông Nguyễn Văn Thiệu, kô có được những nhận định chiến lược này. Đây là 1 trong những nguyên nhân dẫn tới sự việc 30-4-1975. Kô một ai muốn hổ trợ cho người kô có khả năng. Theo ông Nguyễn Tiến Hưng trong Khi Đồng Minh Tháo Chạy, ông Thiệu lúc nào cũng lo đối phó với người Mĩ! Lúc nào ống cũng sợ người Mĩ đảo chánh ổng. Lúc nào ổng cũng sợ như ông Diệm. Một người mà lúc nào cũng nghĩ tới quyền lợi của mình, của phe phái mình, miền nam sao khá được. Thua là phải!

    Có trung thực, dám đối diện với lịch sử, thì mới có thể khắc phục được các khuyết điểm của mình. Một lần nữa, xin cám ơn anh về bài viết.

Leave a Reply to quang phan