Hành trình Thiện Nhân
Kỳ cuối: Trả cho con người cuộc sống của họ
Dù chỉ là 1/20 triệu…
Khiếm khuyết bộ phận sinh dục bẩm sinh là một bệnh hiếm gặp. Trên thế giới, tỉ lệ những bé trai mắc bệnh này là rất nhỏ, chỉ 1/20 triệu trẻ sinh ra. Hơn nữa, còn có những bất thường bẩm sinh khác cũng hiếm gặp như vậy. Ngoài ra, còn những tai nạn khác như chấn thương, bị tấn công bởi động vật hay tai nạn khi phẫu thuật…
Tất cả bệnh nhân thiếu may mắn này đều rơi vào những hoàn cảnh vô cùng trớ trêu. Chúng gây ra hậu quả rất rõ rệt về mặt tâm lý lên bệnh nhân và gia đình cũng như những hậu quả xã hội rất nặng nề. Họ đều có nhiễm sắc thể giới tính nam số 46 là bình thường với kiểu gen là XY.
Nền y học phương Tây đã tìm ra được phương pháp chữa trị thực sự hiệu quả cho những trường hợp trên hay chưa? Câu trả lời là chưa, hay là vẫn chưa. Lịch sử y học thế giới cho rằng giới tính nữ phù hợp hơn với những bệnh nhân này. Y học đã can thiệp bằng các phẫu thuật cho bệnh nhân chuyển giới nữ. Bi kịch nối tiếp bi kịch.
Bản thân tôi cũng từng giúp một bệnh nhân chuyển đổi giới tính. Kết quả phẫu thuật rất mỹ mãn nhưng từ trong sâu thẳm tôi không vui. Tôi tự hỏi làm sao con người có thể vui vẻ, hạnh phúc khi phải sống cuộc sống không phải là của họ? Tôi theo dõi trong nhiều năm một số trường hợp chuyển đổi giới tính do khiếm khuyết bộ phận sinh dục và nhận thấy hầu hết họ đều không có được cuộc sống của chính mình.
Theo một số báo cáo đã được chấp nhận, sau thời gian dài được theo dõi, đại đa số bệnh nhân được cho là nữ lại thể hiện một sự chuyển đổi sang các đặc tính nam một cách rất rõ nét trong quá trình phát triển tâm sinh lý. Và họ tự tuyên bố bản thân mình là nam. Không thể thay đổi giới tính bằng liệu pháp điều trị tâm lý và nội tiết.
Thế mà chỉ mới đây thôi, mọi người lại đều tin vào lý thuyết về tâm sinh lý trung lập khi sinh: con người cảm nhận mình là nam hay nữ phụ thuộc vào việc họ mặc quần áo màu xanh hay hồng, được đặt một cái tên nam hay nữ tính, mặc váy hay “đóng thùng”, được chơi súng hay búp bê. Thật là một sai lầm tai hại. Đã có biết bao những bi kịch, những con người khốn khổ và những vụ tự sát trên thế giới xảy ra vì tin theo thuyết này? Ai mà biết sẽ còn bao nhiêu vụ nữa vẫn đang và có thể sẽ xảy ra?
Có hay không một liệu pháp tái tạo dương vật từ sớm để xóa bỏ sự chuyển giới nữ không mong muốn cho những cậu bé không may này? Trong các tài liệu khoa học không hề thấy nhắc đến việc thay thế hay tái tạo hoàn toàn bộ phận sinh dục ở trẻ sơ sinh và trẻ em.
Có phải vì tỉ lệ mắc bệnh rất nhỏ khiến các bác sĩ không cần lưu tâm đến và chọn một biện pháp dễ dàng hơn? Những điều đáng buồn nêu trên đã thôi thúc tôi phải vượt qua những mặt còn hạn chế đó để thực hiện tái tạo cơ quan sinh dục ngoài, để 1/20 triệu cậu bé không may mắn cũng có thể được trở thành đàn ông.
Năm 2001, tôi đã gặp một cậu bé người Yemen 9 tháng tuổi, bị thiếu mất bộ phận sinh dục nhưng vẫn phát triển như một nam giới. Cha mẹ cậu bé chưa bao giờ nghi ngờ về giới tính của con mình, đã yêu cầu tôi thay thế dương vật và tách niệu đạo của cậu bé khỏi trực tràng. Và với cậu bé đó, tại Jeddah, Saudi Arabia, tôi thực hiện ca tạo hình dương vật đầu tiên sử dụng kỹ thuật hạ nắp từ da bụng.
Ba tuần trước ca phẫu thuật của Thiện Nhân, tại Bogotá, Colombia, tôi đã thực hiện ca tạo hình dương vật thứ 25. Khi đến lượt Thiện Nhân, em là ca thứ 26.
Kết luận của tôi sau 10 năm điều trị và theo dõi 25 bệnh nhân của mình: đây là phương pháp có kết quả khả quan và đúng hướng. Nó giúp tránh được sai lầm nghiêm trọng của việc chuyển đổi giới tính và làm giảm đi rất nhiều hậu quả về mặt tâm lý cũng như xã hội tác động lên những bệnh nhân và gia đình. Kỹ thuật này cũng có thể được áp dụng ở những bệnh nhân lớn hơn.
Ban đầu tôi đã bị xét nét và phải nhận khá nhiều lời chỉ trích từ cộng đồng y khoa quốc tế. Tuy nhiên gần đây họ đã nhận ra và đã hiểu được đúng giá trị của những việc tôi làm. Tôi nghĩ điều này sẽ có thể phần nào giúp xóa bỏ những lối suy nghĩ cũ như trước đây.
Cuộc tranh luận giữa những bác sĩ phẫu thuật tái tạo và các nhà tiết niệu học đã dấy lên một câu hỏi: Khi nào thì thích hợp để thực hiện việc tái tạo bộ phận sinh dục? Chúng ta có nên đợi đến khi bệnh nhân đã 16-18 tuổi để có thể sử dụng kỹ thuật tiên tiến đạt chuẩn tốt nhất dưới những điều kiện phù hợp nhất, hay thực hiện phẫu thuật sớm ngay trong giai đoạn sơ sinh hoặc khi trẻ còn nhỏ, ngay cả khi đó chỉ là tạm thời?
Tất nhiên, cá nhân tôi tin tưởng vào phương án thứ hai hơn: phương án tạo hình từ sớm. Những thoải mái về mặt tâm lý và xã hội đối với bệnh nhân và gia đình của họ sẽ át đi khó khăn cho những ca phẫu thuật sau này.
Ca thứ 26 độc nhất vô nhị
Ca phẫu thuật của Thiện Nhân kéo dài tới chín giờ và rất phức tạp. Thế nhưng kết quả lại rất khả quan, tất cả được thực hiện đúng như dự kiến. Thiện Nhân đã hồi phục chỉ sau hai tuần nội trú tại bệnh viện. Đây là trường hợp ngoạn mục, độc nhất vô nhị trong lịch sử y khoa.
Được gặp Thiện Nhân và gia đình thứ hai tuyệt vời của bé là một may mắn lớn với tôi. Cùng với những thương tổn trầm trọng, tôi đã được chứng kiến trí thông minh, sức sống dạt dào, khả năng thích nghi (di chuyển bằng một chân một cách thật phi thường) của bé Thiện Nhân.
Nhân chứng minh mình là một đứa trẻ hiền hòa, hạnh phúc và đồng thời là “một người rất đặc biệt”. Chữ “đặc biệt” này tôi cũng muốn dành tặng chị Mai Anh, mẹ của bé và vợ chồng ngài Craft, cha mẹ đỡ đầu của Thiện Nhân, và cả anh trai Thiên Minh của bé nữa. Tôi thật sự muốn tỏ lòng khâm phục lớn lao với tất cả mọi người, với những việc mà họ đã làm.
Và cũng vì thế, tôi sẵn sàng đến Việt Nam hay Thái Lan hoặc Singapore, hoặc bất cứ nơi nào Mai Anh và Greig Craft có thể tổ chức để giúp các bệnh nhi khác. Tôi đã thực hiện phẫu thuật trên khắp thế giới, chỉ có 5/25 cuộc phẫu thuật đã được thực hiện ở Ý.
Để thực hiện, chỉ cần phải tìm bệnh viện phù hợp có êkip bác sĩ chăm sóc chuyên sâu, bác sĩ nhi gây mê chuyên khoa giỏi và một đội ngũ bác sĩ tiết niệu/bác sĩ phẫu thuật – nhi khoa phù hợp để tiến hành theo dõi. Các bác sĩ đồng nghiệp ấy của tôi cũng có thể tiếp thu kỹ thuật phẫu thuật này mà tôi sẵn lòng chuyển giao.
Nếu có một số lượng lớn trẻ em phải được điều trị, tôi có thể sắp xếp để ở lại trong ba tuần hoặc nhiều hơn, mỗi năm một lần. Về chi phí, vấn đề thật sự phải giải quyết là số lượng trẻ cần điều trị cùng với chi phí cho bệnh viện và các bác sĩ khu vực. Còn với tôi, một tháng làm việc của tôi sẽ chỉ cần xem xét việc di chuyển, ăn ở và thực phẩm.
Vì mục đích tối thượng của tôi là trả một bệnh nhân hạnh phúc về với cuộc sống của mình.
ROBERTO DE CASTRO (từ Bologna, Ý)
TRẦN MAI ANH chuyển ngữ
Phóng sự của Phạm Vũ – Nguồn: tuoitre.vn