Hành trình Thiện Nhân
Kỳ 9: Bác sĩ Roberto
Những phút sững người
Đọc bài báo về công trình y học kỳ diệu vừa công bố của bác sĩ Ý Roberto Decastro do các bác sĩ ở Mỹ chuyển cho, tôi cảm động rơi nước mắt. Nhiều trường hợp mất hoàn toàn bộ phận sinh dục như Thiện Nhân đã được ông phẫu thuật và tái tạo thành công, dương vật mới được tái tạo như thật bằng chính da thịt người bệnh, có cảm giác và sẽ phát triển cùng sự phát triển của cơ thể. Tôi đã cùng Greig Craft tra cứu và tìm địa chỉ của bác sĩ Roberto Decastro, gửi thư email làm quen, trình bày với ông về số phận đau đớn và bệnh tình của Thiện Nhân. Rồi chờ đợi.
Nhiều lần lắm rồi chúng tôi đã chờ đợi email gửi đi các bệnh viện trên thế giới. Chờ mãi. Lần này chỉ mấy ngày sau chúng tôi đã nhận được thư của bác sĩ Roberto Decastro, nhanh đến không tin nổi. Tôi và Greig cùng Thiện Nhân lập tức có mặt tại Bệnh viện Bologna ở miền bắc nước Ý xa xôi. Bấy giờ là mùa đông giá lạnh, nhưng kỳ lạ làm sao, phút đầu gặp gỡ với Roberto Decastro thật đầm ấm, thân tình, cứ như thể chúng tôi và ông từng quen biết nhau lâu lắm rồi.
Bác sĩ sẵn lòng nhận điều trị cho Thiện Nhân với chi phí thấp nhất, vào đúng dịp Tết cổ truyền Tân Mão 2011 thể theo nguyện vọng của tôi. Chọn thời điểm phẫu thuật vào dịp tết cổ truyền, vì tết được nghỉ nhiều ngày thuận với một cán bộ viên chức như tôi. Và tôi cũng muốn sau “cuộc phẫu thuật định mệnh” này, một mùa xuân thật sự sẽ đến với con trai Thiện Nhân của tôi. Sau này sang Việt Nam tiến hành các ca phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho các em bé khác có số phận không may như Thiện Nhân, trả lời phỏng vấn báo chí, bác sĩ Roberto cho biết trước khi gặp tôi và Thiện Nhân, qua các đồng nghiệp và qua các phương tiện truyền thông, ông đã biết đến số phận đau đớn kỳ lạ của Thiện Nhân, nhưng khi gặp hai mẹ con tôi ông vẫn sững sờ. Ông nói: “Lúc gặp mẹ con bé Thiện Nhân tại Ý tôi không khỏi sửng sốt và xúc động trước hình ảnh một người phụ nữ bé nhỏ và gầy gò hết sức đã vượt bao nhiêu khoảng cách bằng một niềm tin quyết liệt để đưa đứa con không phải do mình sinh ra đến được nơi giấc mơ sẽ trở thành hiện thực. Đó là một cảm giác rất đặc biệt”.
Và ông đã làm hết sức mình để biến giấc mơ của mẹ con tôi trở thành hiện thực.
Suốt đời tôi không quên cuộc phẫu thuật định mệnh ấy. Cuộc phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho Thiện Nhân diễn ra ngày 29-1-2011, ở Việt Nam là 27 tết. Tuyết bay đầy trời. Tôi chờ ở cửa phòng mổ suốt chín giờ và nước mắt cứ tràn ra khi bác sĩ Roberto Decastro bước ra thông báo cuộc phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Ông bảo Thiện Nhân là một đứa bé gan dạ hiếm thấy, trước khi chìm vào cơn mê vẫn cắn răng không khóc, chỉ nói đi nói lại một câu gì đó và giọt nước mắt ứa ra.
Rồi ông lại sững người lần nữa khi tôi và Greig Craft đưa ra những tấm ảnh chụp một vài em bé khác ở Việt Nam cũng bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục vì lý do bẩm sinh hoặc vì tai nạn. Mới trải qua chín giờ căng thẳng trong phòng mổ nhưng ông vẫn nhiệt tình nghe tôi và Greig Craft trình bày. Rồi ông nói sẽ sẵn lòng đến Việt Nam.
Ông Bụt cổ tích
Bác sĩ Roberto rất chiều cu Nhân. Nhân nằm lịm đi suốt mấy ngày sau phẫu thuật với các ghim khâu bằng kim loại dập chi chít quanh bụng. Nhân đau nhưng cố chịu, không muốn các y tá thay băng mà nhờ anh Thiên Minh đề nghị chính bác sĩ Roberto. Bác sĩ cứ cười mãi vì mới tí tuổi đầu Nhân đã biết ai là người quan trọng. Ngày nào ông cũng tới thay băng cho Nhân và với sự trợ giúp phiên dịch của Thiên Minh.
Là bác sĩ nhi khoa, Roberto tâm lý đến không ngờ. Ông tặng Nhân một chú chó bông rất đẹp để làm bạn trên giường bệnh sau khi biết Nhân sinh năm Tuất theo cách gọi phương Đông. Ông tặng Thiên Minh bộ cờ sau khi nhận xét Minh học giỏi toán và nói rằng quà này là vì Thiên Minh đã thương yêu, động viên Nhân mỗi ngày. Sau cuộc phẫu thuật, cu Nhân về Việt Nam rồi, mỗi tuần, mỗi tháng tôi lại gửi sang một bức ảnh chụp bộ phận phẫu thuật của cu Nhân để bác sĩ theo dõi và hướng dẫn việc chăm sóc.
Là người mẹ, tôi thường lo cuống cuồng mỗi khi thấy vết mổ của Thiện Nhân có biểu hiện khang khác. Đêm cũng như ngày, tôi gửi email SOS cầu cứu bác sĩ. Chưa bao giờ bác sĩ Roberto mất kiên nhẫn với những lo lắng thái quá của người mẹ như tôi. Ông gửi thư lại ngay, chia sẻ, phân tích, hướng dẫn. Đã được chứng kiến bác sĩ Roberto vào phòng mổ liền một mạch từ sáng đến chiều tối, rồi mai lại tiếp tục, rồi các chuyến bay từ nước này sang nước khác… tôi càng hiểu những phút giây dung dị ông dành cho Thiện Nhân và các anh của Thiện Nhân là vô giá.
Sau này có nhiều dịp tâm sự, tôi mới biết ông cũng cho rằng cuộc gặp mẹ con tôi và phẫu thuật cho Thiện Nhân là định mệnh. Ông giải thích: sau cuộc phẫu thuật đó, ông đã lần đầu đặt chân đến, rồi yêu, rồi gắn bó với Hà Nội, với Việt Nam – đất nước xa xôi từng trải qua những năm tháng dài chiến tranh ác liệt. Đợt đầu tiên cùng với các giáo sư, bác sĩ đầu ngành của Việt Nam khám và tư vấn cho các bệnh nhi, ông đã sửng sốt vì ở Việt Nam số em có số phận đau đớn vì bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục như bé Thiện Nhân lại nhiều đến thế. Những hơn 100 em đến khám đợt đầu tiên, đó là tỉ lệ bệnh nhân bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục cao nhất trên thế giới. Ông cho rằng không chỉ là dị tật bẩm sinh, tai nạn mà còn có thể do hậu quả của chất độc da cam trong chiến tranh nữa.
Lần thứ hai trở lại, trong vòng 11 ngày ông đã tiến hành 31 ca mổ, có ca kéo dài suốt 12 giờ, mang lại 31 niềm hi vọng. Ông còn thuyết trình về công trình của mình trong mục đích chuyển giao công nghệ tái tạo bộ phận sinh dục tại hội trường Bệnh viện Nhi trung ương Hà Nội với sự tham dự của hơn 100 đồng nghiệp Việt Nam. Sau ca mổ cuối cùng, trước chuyến bay về Ý, ông đã đến tận nhà thăm bé Thiện Nhân. Ông ngạc nhiên vô cùng khi thấy Thiện Nhân vừa trải qua cuộc phẫu thuật lại đang chăm chú tập viết để chuẩn bị vào lớp 1. Bé đã cặm cụi vẽ tặng bác sĩ Roberto Decastro bức tranh trong tưởng tượng về hình ảnh ông đang đứng bên bàn mổ. Bác sĩ Roberto Decastro hết sức xúc động. Ông nói sẽ để bức tranh cu Nhân vẽ tại phòng làm việc ở Bệnh viện Bologna.
Rồi tháng 4-2012 ông sẽ trở lại Việt Nam lần thứ ba để tiếp tục công việc mà ông bảo là “để mọi người đều được sống đúng với cuộc sống của mình”.
Trần Mai Anh