Khi chủ nghĩa thực tiễn phá sản
Tháng 12-1991, trên báo Thông Luận số 44, tôi có viết bài “Quỹ đạo của chó” (xin xem phụ lục 1), dùng tên một bài toán động học để chứng minh sự sai trái của chủ nghĩa thực tiễn và trọng lượng của nó trong văn hóa chính trị Việt Nam. Lúc đó không ai có thể ngờ rằng một năm sau, Bill Clinton, một thanh niên trốn lính với kinh nghiện chính trị sơ sài, có thể đánh bại George H. W. Bush, một anh hùng và một tổng thống tài ba, nhờ lập trường chính trị thực tiễn một cách cực đoan “chỉ làm kinh tế !” (Economy, stupid!).
Tôi vốn dị ứng từ lâu với chủ nghĩa thực tiễn trong chính trị và không thể ngờ nó có thể ngự trị trong bang giao quốc tế trong suốt hai mươi năm qua với những hậu quả nghiêm trọng như người ta ngày càng thấy.
Trong một bài viết cách đây hai năm (“Chủ nghĩa thực tiễn và trường hợp Obama” – Thông Luận, tháng 3-2010 – xin xem phụ lục 2) tôi đã trình bày chủ nghĩa thực tiễn những sai lầm tai hại của nó cho thế giới, bạn đọc nào muốn có thể xem lại. Ở đây chỉ xin tóm lược một vài nét chính:
Không nên lẫn lộn chủ nghĩa thực tiễn (realism) tiễn với chủ nghĩa phúc lợi (utilitarialism), một phương thức đánh giá hành động, đặc biệt là hành động chính trị, theo tiêu chuẩn hành động đúng là hành động đem lại phúc lợi tối đa cho thật nhiều người. Hay với chủ nghĩa thực dụng (pragmatism), một phương pháp đánh giá các lý thuyết, theo đó một lý thuyết chỉ đáng để ta quan tâm và học hỏi nếu sự kiện nó đúng hay sai và có ảnh hưởng cụ thể trong đời sống. Chủ nghĩa thực tiễn có thể tóm lược như một chọn lựa chính trị dành cho quyền lợi chỗ đứng trước hết và trên hết, nghĩa là mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và các giá trị đạo đức thì quyền lợi phải được dành ưu tiên.
Quyền lợi ở đây phải được hiểu là quyền lợi cụ thể và ngắn hạn, bởi vì mọi hành động xét cho cùng đều nhắm một lợí ích nào đó. Những lợi ích dài hạn có thể mâu thuẫn với quyền lợi ngắn hạn và đòi hỏi một tầm nhìn xa mà nhiều người không có được, những lợi ích tình cảm và vị tha lại càng khó nhận diện hơn. Ðặc tính của chủ nghĩa thực tiễn nhắm những quyền lợi trước mắt. Nó chỉ là một tên gọi khác của sự thiển cận.
Quyền lợi cũng thay đổi tùy theo mục tiêu của chế độ chính trị. Ðối với các chế độ độc tài, mà mục tiêu là giữ chặt quyền lực, chủ nghĩa thực tiễn có nghĩa là đàn áp thẳng tay để tiêu diệt mọi mầm mống phản kháng. Ðối với các chế độ dân chủ, mà mục tiêu là hòa bình và thịnh vượng, nó có nghĩa là tránh mọi xung đột ngay cả vì những lý do chính đáng và dồn mọi quan tâm cho kinh tế. Clinton đã tóm gọn chủ nghĩa thực tiễn trong khẩu hiệu economy, stupid !
- Chủ nghĩa thực tiễn đã gây tác hại lớn về mặt chính trị quốc tế. Nó đã bỏ qua những giá trị đạo đức và nhân quyền để bình thường hóa các chế độ độc tài bạo ngược đã rất chao đảo sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Các chế độ này không những được củng cố nhờ trao đổi thương mại với các nước dân chủ phát triển mà còn liên kết với nhau và trở thành một đe dọa cho dân chủ và hòa bình. Chủ nghĩa thực tiễn trong quan hệ đối ngoại đã là một sai lầm lớn. Quan hệ thương mại với các nước dân chủ đã không khiến các chế độ độc tài trở thành cởi mở và thân thiện, trái lại chỉ giúp chúng thêm sức mạnh để đối đầu. Lý do là vì ý thức hệ bao giờ cũng quyết định sự chọn lựa bạn và thù.
Sau những nhắc lại này, chúng ta hãy thử nhận diện chủ nghĩa thực tiễn về mặt kinh tế. Phải nói ngay là cuộc khủng hoảng dài và nghiêm trọng như chưa từng có mà chúng ta đang sống đã là hậu quả của sự ngự trị của chủ nghĩa thực tiễn trong hai mươi năm qua.
Ðặc tính của chủ nghĩa thực tiễn là nó tự nhiên dẫn tới chọn lựa kích thích tăng trưởng kinh tế bằng tiêu xài.Tại sao ? Ðó là vì gia tăng tiêu xài, tuy có thể tác hại về lâu về dài, là phương pháp nhanh chóng nhất để gia tăng tổng sản lượng nội địa và rất được lòng cử tri. Ai không thích tiêu xài ? Ai thích thắt lưng buộc bụng ? Gia tăng tiêu xài được lòng cử tri đến nỗi nhiều chính trị gia biết là nguy hiểm mà vẫn phải làm. Jean-Claude Junker, thủ tướng Luxembourg, gần đây đã giải thích tại sao chính phủ của ông không thể thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay như sau: “Chúng tôi biết rõ phải làm gì nhưng nếu làm như thế thì không có gì bảo đảm là chúng tôi sẽ còn cầm quyền sau cuộc bầu cử sắp tới”.
Niềm tin rằng tiêu xài kích thích tăng trưởng dựa trên một lý luận đơn giản và khá chính xác của J. M. Keynes, theo đó một khoản tiêu xài có tác dụng làm tổng sản lượng nội địa (GDP) tăng lên một số lượng nhiều lần lớn hơn; như thế nên kích thích tiêu xài để có tăng trưởng. Lý luận đó cần được trình bày ít nhất một cách sơ lược để chứng tỏ rằng Keynes không sai nhưng chủ nghĩa thực tiễn đã vận dụng sai lý thuyết của ông.
Hãy giả thử một số tiền D được bơm vào sinh hoạt kinh tế qua một khoản tiêu xài, thí dụ như để thực hiện một dự án. Khoản tiền này đến tay một số người bán và họ sẽ chi ra một số tiền trị giá Dc (D nhân với c, viết tắt là Dc) nếu c là thiên hướng tiêu thụ (propensity to consume), nghĩa là tỷ lệ trung bình trong xã hội giữa số tiền tiêu ra và số tiền nhận được. Một cách đơn giản nếu một người mỗi khi nhận được 100 đồng tiêu ra 90 đồng thì thiên hướng tiêu thụ của người đó là 0,9 hay 90%, chỉ khác một điều là ở đây c là thiên hướng tiêu thụ trung bình trong xã hội.
Như vậy, sau khi khoản tiêu xài D được tung ra, đợt tiêu xài thứ nhất sẽ lại đưa một số tiền Dc vào tay những người cung cấp hàng hóa hay dich vụ mới. Ðến lượt nó, số tiền Dc này khiến những người vừa có tiền tạo ra một đợt tiêu xài thứ hai Dcc hay Dc². Các đợt tiêu xài cứ kế tiếp nhau như thế, mỗi đợt cộng thêm môt số chi tiêu mới, hậu quả sau cùng của khoản chi tiêu D ban đầu là tạo ra một tổng số mua bán, tức gia tăng GDP, là D’ với trị giá D’ = D / (1-c).
D’chắc chắn là lớn hơn D và càng lớn nếu thiên hướng tiêu xài của xã hội càng cao. Thí dụ nếu c = 0,9 (nghĩa là xã hội tiêu xài trung bình 90% thu nhập nhận được) thì D’ = 10D, nghĩa là một chi tiêu mới có tác dụng tạo ra một gia tăng GDP lớn gấp 10 lần. Mỗi đồng mới được đưa vào sinh hoạt kinh tế làm GDP tăng thêm 10 đồng. Keynes gọi kết quả này là hiệu ứng nhân.
Sở dĩ tôi phải hơi dài dòng trình bày lý luận của Keynes như trên, làm phiền lòng những người đã biết hoặc không cần biết lý luận của Keynes, là để độc giả làm chứng hai điều:
Một là, trong suốt tiến trình tiêu xài qua các đợt, không hề có vấn đề trị giá đồng tiền thay đổi hay thiên hướng tiêu thụ thay đổi; như thế phải hiểu rằng Keynes chỉ lý luận trên một khối lượng chi tiêu mới tương đối nhỏ để không làm thay đổi trị giá đồng tiền và tập quán tiêu xài. Nói cách khác lý luận của Keynes không áp dụng cho một chính sách lớn trên qui mô quốc gia.
Hai là, quan trọng hơn, lý luận của Keynes giả thử rằng toàn bộ các đợt tiêu xài không ra khỏi biên giới quốc gia; nếu số tiền tiêu xài được dùng để mua hàng nhập khẩu, hay để đi du lịch, thì nó sẽ chủ yếu đóng góp tăng trưởng kinh tế của một nước khác. Lý luận của Keynes không còn đúng trong một bối cảnh có trao đổi thương mại quốc tế, chưa nói trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Như vậy đặc tính đầu tiên của chủ trương kích thích tăng trưởng bằng tiêu thụ, cốt lõi của chủ nghĩa thực tiễn trong kinh tế, là sai. Ðó là sự áp dụng sai bối cảnh của lý luận Keynes.
Ðặc tính thứ hai là nó tự nhiên dẫn tới thâm thủng mậu dịch và nợ công do tác dụng phối hợp với chính sách đối ngoại thực tiễn.Lý do là vì gia tăng tiêu thụ tự nhiên làm giá cả tăng lên kéo theo lạm phát, và tăng trưởng vì thế bị sút giảm. Phương pháp thực tiễn nhất là thay thế hàng nôi địa bằng hàng Trung Quốc rẻ hơn nhiều, vì nhân công rất thấp lại không tốn kém cho an sinh xã hội và môi trường. Các nhà máy được di chuyển dần dần sang các nước đang phát triển, số mặt hàng nhập khẩu ngày càng nhiều. Sản xuất giảm khiến nguồn thuế thu vào cũng giảm, trong khi chính quyền một mặt không ngừng tung ra những chi tiêu công cộng (để kích thích tiêu thụ), mặt khác phải gia tăng hoặc duy trì ngân sách xã hội bởi vì chủ nghĩa thực tiễn chỉ có thể biện minh bằng lợi ích kinh tế.
Ðặc tính kinh tế quan trọng thứ ba của chủ nghĩa thực tiễn là thả lỏng đầu cơ tài chính. Clinton nới lỏng dần dần sự kiểm soát đối với các sản phẩm đầu cơ tài chính. Năm 2000, trước khi từ chức, ông vận động quốc hội biểu quyết một đạo luật chấm dứt mọi kiểm soát trên các dụng cụ đầu cơ tài chính với sự yểm trợ của Alan Greenspan. Các sản phẩm đầu cơ tài chính được hoàn toàn thả lỏng. Chúng không có ích gì cho hoạt động “kinh tế thực” mà còn có hại – Warren Buffet gọi chúng là những vũ khí giết người hàng loạt – nhưng chúng cần cho chính sách kinh tế thực tiễn vì chúng mang lại thuế và chúng làm gia tăng nguồn tài trợ tín dụng nhà đất, do đó kích thích ngành xây dựng, một trong những ngành hiếm hoi không thể di chuyển ra nước ngoài, hơn nữa lại sử dụng nhiều công nhân và kích thích nhiều ngành khác. Vào cuối năm 2007, khi cuộc khủng hoảng sắp bùng nổ, nhiều ước lượng cho thấy 95% khối lượng tiền tệ lưu hành là thuần túy đầu cơ không liên hệ gì tới kinh tế thực, nghĩa là sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
Nhưng chắc chắn giá nhà đất không thể tăng mãi mãi để người ta có thể tiếp tục đầu cơ nhà đất. Phải có một lúc mà giá nhà trở thành quá cao và thu nhập của một số đông người không còn đủ để cho phép họ trả nợ hàng tháng nữa. Lúc đó cỗ máy đầu cơ sẽ kẹt, quả bong bóng nhà đất sẽ bể. Ðó là năm 2008, khi ngân hàng Lehman Brothers phá sản.
Nhiều người tự hỏi phải chăng có một quan hệ mật thiết giữa dân chủ và nợ công. Mọi người đều thấy là các chính quyền dân chủ nợ chồng chất trong khi các chế độ độc tài rất ít mắc nợ và trong một số trương hợp còn có tiền cho vay. Những gì vừa nói ở trên cho phép chúng ta giải đáp rằng dân chủ không tự động đưa tới nợ công, cái đưa tới nợ công là chủ nghĩa thực tiễn trong một nước dân chủ phát triển.
Trong hai mươi năm ngự trị, chủ nghĩa thực tiễn đã dần dần tạo ra một tình trạng ngược đời, trong đó các nước giàu lại phải đi vay các nước nghèo. Một trong những tác dụng của nó là di chuyển một phần đáng kể tài sản của các nước giàu sang các nước nghèo. Ðây đáng lẽ phải được coi là một điều tốt. Tiếc thay, thực tế đã không phải như vậy. Của cải từ các nước giàu đã không vào tay quần chúng mà vào một nhóm nhỏ những người có danh phận, và những người này còn bóc lột đồng bào họ dã man hơn cả người ngoại quốc. Chưa chắc là đời sống quần chúng ở Trung Quốc đã khá hơn ngày xưa. Chắc chắn là họ không còn phải ăn đói nhưng họ có sung sướng hơn trước hay không còn là một vấn đề phải bàn cãi. Họ không còn nước sạch để uống và không khí sạch để thở, họ đang khám phá ra rằng những thứ này còn cần hơn cơm. Và họ phải sống lầm lũi tủi nhục hàng ngày bên cạnh những kẻ phô trương sự giàu sang. Lợi tức trung bình trên mỗi đầu người của Trung Quốc là 500 USD mỗi tháng, nhưng một người Trung Quốc bình thường sẽ rất may mắn nếu kiếm được 200 USD mỗi tháng để nuôi vợ con. Ðiều chắc chắc là Trung Quốc hiện nay là khách hàng lớn nhất của những xa xỉ phẩm.
Chủ nghĩa thực tiễn đã là một thảm kích cho các dân tộc dưới ách độc tài. Các tập đoàn cầm quyền bạo ngược được mặc sức đàn áp những tiếng nói chống đối, tha hồ bóc lột công nhân và bất chấp môi trường để sản xuất thật nhiều với giá thật rẻ và xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Châu Âu. Ðó là logic của chủ nghĩa thực tiễn đã ngự trị trong chính sách của các nước dân chủ trong hơn hai mươi năm qua. Người ta hy sinh các giá trị đạo đức và nhân quyền, bỏ mặc hàng tỷ người dưới những ách thống trị dã man nhân danh kinh tế. Nhưng cuối cùng chủ nghĩa thực tiễn đã chỉ đem đến cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất, dài nhất và trầm trọng nhất trong lịch sử thế giới.
Ðiều an ủi là thế giới đã thức tỉnh và chủ nghĩa thực tiễn đang bị chôn vùi, có thể sẽ bị vĩnh viễn chôn vùi. Các lý thuyết gia của nó đã im bặt vì không còn gì để nói. Chính trị tìm lại được thế giá, kinh tế tìm lại được sự nghiêm chỉnh. Từ cuộc khủng hoảng này sẽ xuất hiện một trật tự thế giới mới đặt nền tảng trên những giá trị phải có cho một thế giới hòa bình và hợp tác, trật tự dân chủ. Và cùng với chủ nghĩa thực tiễn, các chế độ độc tài cũng sẽ bị dứt khoát đào thải vì không còn dưỡng khí.
Một lời sau cùng: một làn sóng dân chủ mới đang dâng lên và rất nhiều dân tộc sắp vĩnh viễn trút bỏ được ách độc tài. Liệu chúng ta có ở trong số những dân tộc may mắn này không? Câu hỏi đáng lẽ không thể có, nó chỉ được đặt ra vì một lý do: trí thức Việt Nam quá thực tiễn.
Như phần trên đã nói, thái độ thực tiễn trong chính trị chỉ là thái độ nhu nhược; trên mặt cá nhân nó là thái độ cúi đầu thay vì đối đầu. Thái độ thực tiễn khiến chúng ta không dám dứt khoát chống lại chế độ trong khi cuộc cách mạng nào cũng đòi hỏi những hy sinh, thậm chí một chút lãng mạn. Chúng ta thừa hưởng chủ nghĩa thực tiễn từ ông cha. Tất cả các triều đại của chúng ta đều chỉ là những chế độ hà hiếp, nhưng những kẻ sĩ đã chọn làm công cụ cho các bạo quyền để ức hiếp dân chúng thay vì đứng về phía dân chúng. Ðó là di sản lịch sử và văn hóa của chúng ta. Nhân danh lẽ phải để chống lại một bạo quyền không thuộc truyền thống của chúng ta. Đấu tranh cho dân chủ vì vậy đòi hỏi một vượt thoát lớn. Ðó là một khó khăn nhưng đồng thời cũng là một niềm tự hào.
© Nguyễn Gia Kiểng
Paris, 2012
nguồn: www.ethôngluận.org
Pages: 1 2
Việt Nam có quá nhiều người tài ,có trình độ trí thức không thua gì trên thế giới,nhưng giửa nói và làm tuy gần mà rất xa khi áp dụng .Lảnh đạo ĐCSVN nói lý thuyết rất hay ,đa số nhân dân đều nghe theo ,nhưng khi áp dụng thật hết chổ chê ,rất trái ngược lại nhửng gì mà các cán bộ lảnh đạo nói .Bài trừ tham nhủng nhưng lai bao che tham nhủng ,đem lại công bằng xả hội nhưng rất bất công với người dân đen ,bảo vệ tài sản người dân nhưng cán bộ lại có dả tâm chiếm đoạt ..v v và v v…Phước đức cho dân Việt nếu người tài giỏi làm chính trị có đức độ.vì nhân dân mà quên thân mình,không tư lợi vì thân nhân gia đình .
KHI CHỦ NGHĨA KHOA HỌC TIẾN LÊN
Bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng trên đây từ Paris là bài viết hiện nay của ông tuyên bố chủ nghĩa thực tiển phá sản. Tác giả nêu ra ba thứ chủ nghĩa và nhấn mạnh không thể lầm lẫn giữa chúng : “Không nên lẫn lộn chủ nghĩa thực tiễn (realism) tiễn với chủ nghĩa phúc lợi (utilitarialism), một phương thức đánh giá hành động, đặc biệt là hành động chính trị, theo tiêu chuẩn hành động đúng là hành động đem lại phúc lợi tối đa cho thật nhiều người. Hay với chủ nghĩa thực dụng (pragmatism), một phương pháp đánh giá các lý thuyết, theo đó một lý thuyết chỉ đáng để ta quan tâm và học hỏi nếu sự kiện nó đúng hay sai và có ảnh hưởng cụ thể trong đời sống”. Để cuối cùng ông kết luận: “Chủ nghĩa thực tiễn có thể tóm lược như một chọn lựa chính trị dành cho quyền lợi chỗ đứng trước hết và trên hết, nghĩa là mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và các giá trị đạo đức thì quyền lợi phải được dành ưu tiên”.
Thật ra quan điểm của ông Nguyễn Gia Kiểng vẫn còn chưa thoát ra hay vẫn lưu luyên hoặc luẩn quẩn trong vòng các ý niệm “chủ nghĩa” (ísme, ísm, ismus). Thật sự chủ nghĩa chỉ là thứ quan niệm, thứ lý thuyết nào đó, nó có thể là chủ quan, riêng biệt, hạn hẹp, đặc thù hay không đầy đủ. Trong cả thế kỷ trước, ý tưởng cửa miệng của mọi người, nhất là chủ giới chính trị hay liên quan đến chính trị vẫn thường vung vít “chủ nghĩa Mác Lênin” và “chủ nghĩa tư bản” hay “chủ nghĩa đế quốc”. Bây giờ thế giới đã chỉnh đốn lại, các sự phân lập cũ đã đổi thay, nhiều việc đời đã biến khác, các thái độ gọi là “chủ nghĩa” của cả một thời gấu ó điên khùng, rỗng tuếch, giả tạo, cường điệu và mập mờ như thế đã đi vào dĩ vãng. Bây giờ người ta chỉ nói đến các ý niệm toàn cầu, ý niệm hội nhập … Cho nên dường như ông Kiểng hãy còn nặng nợ với “chủ nghĩa” là điều dường như vẫn còn mây khói. Ông phê phán và kết luận chủ nghĩa thực tiển trong chính trị chỉ nhấn mạnh mặt quyền lợi thực tế mà quên các ý nghĩa và yêu cầu đạo đức.
Thật ra các cái realism, utilitarialism, pragmatism đều là quan niệm của Anh, Mỹ cả. Chỉ có các cái marxism, Leninism, hay gộp cả hai lại Marx-Leninism mới thật sự chống Anh, Mỹ. Từ đó người ta cũng bảo “ý thức hệ” (ideology) cộng sản chống lại ý thức hệ tư bản. Thuật ngữ ideologie thật ra lần đầu tiên đã được Mác sử dụng theo cách võ đoán nhất. Cái ông cho được xây dựng trên hạ tầng cơ sở xã hội đó là ý thức hệ. Cái cơ chế này hãy còn rất mơ hồ, mù mờ, nhưng Mác lại khẳng định chủ quan như đinh đóng cột đó là chân lý duy nhất đúng, khách quan và toàn diện bậc nhất. Cái này cho đến nay khoa học xã hội chưa chứng minh rạch ròi và cả Mác nói rất vi vút nhưng thực tế cũng chưa chứng minh ra ngô ra khoai gì cả, hay lý thuyết đưa ra vẫn chỉ là giả định mà hoàn toàn chưa thuyết phục.
Thế thì trở về vấn đề, mọi cái -ísm (chủ nghĩa, lý thuyết) ngoài tính cách chủ quan, biệt phái của nó ra, cũng còn tùy theo năng lực hay trình độ nhận thức. Nếu chủ nghĩa mà chỉ máy móc, thụ động đi theo, nghe theo, tin theo người khác kiểu cá mè một lứa, nhân giống vô sinh thì thực chất cũng chẳng có ý nghĩa, giá trị hay tính cách gì cả.
Cho nên, theo tôi không có “chủ nghĩa” nào bằng “chủ nghĩa khoa học” đích thực thật sự. Chủ nghĩa khoa học có nghĩa là duy khoa học, lấy khoa học làm chuẩn mực, tiêu chí hay tiêu chuẩn. Nói như thế “chủ nghĩa khoa học” cũng chỉ còn lại là ý nghĩa khách quan, giá trị khách quan, yêu cầu khách quan mà không còn là thữ “chủ nghĩa” đặc thù nào hết. Bởi mọi thứ chủ nghĩa mà đi ra ngoài ý nghĩa và giá trị khoa học thì chỉ có vứt đi, như chủ nghĩa Mác chẳng hạn. Mác tự xưng minh là khoa học, nhưng thực chất là phi khoa học. Còn nếu khoa học mà lại đóng khung trong chủ nghĩa, nô lệ chủ nghĩa, cũng không còn là khoa học, hay chỉ phản và phi khoa học.
Nói khác đi cái mà ông Nguyễn Gia Kiểng cho là chủ nghĩa “thực tiển” (realism) thì theo ông chỉ mang ý nghĩa hay nội hàm về chính trị. Đúng ra realism chỉ là quan điểm hiện thực hay thực tế nói chung. Nó bao quát trong triết học và khoa học mà không cữ chỉ trong triết học. Hình như ở đây ông Kiểng vô hình chung có đánh đồng ý nghĩa hiện thực với ý nghĩa cá nhân hay ích kỷ (individualism, egoism). Thật sự realism là quan điểm chung tôn trọng và đề cao thực tại hay thực tế khách quan, còn vị tha hay vị kỷ lại là chuyện khác. Nói như thế, nếu phá sản chỉ có thể là quan điểm thiển cận, quan điểm vị kỷ, quan điểm cá nhân, quan điểm ích kỷ có thể luôn bị phá sản, nhưng không bao giờ chủ nghĩa hay quan điểm hiện thực là phá sản cả. Cụ thể hơn, quan điểm hiện thực luôn luôn đồng nhất với ý nghĩa khoa học hay quan điểm khoa học. Vì scientifique cũng không thể trái lại resalist hoặc ngược lại. Chính sự thất bại của chủ nghĩa Mác trong thực tế xã hội vì nó không sicentifique mà không phải nó là realist như quan điểm ông Nguyễn Gia Kiểng hình như muốn bày tỏ.
Cho nên tóm lại cái cá nhân chủ nghĩa, ích kỳ chủ nghĩa, cho dầu nó thuộc về cá nhân, đảng phái nào đó, phạm vi xã hội nào đó, thực thể nào đó đều nhất thiết phải phá sản không chóng thì muộn trên con đường đi lên phát triển của xã hội, của nhân loại, mà không phải là realism, utilitarialism, pragmatism gì cả. Bởi vì cái real, cái util, cái pragma ở đây tự nó không hề mang tính chất vị tha hay vị kỷ gì hết. Nó chỉ có thể đúng theo khoa học hay không đúng theo khoa học tùy theo điều kiện, tình huống, hay hoàn cảnh nào đó thôi, tùy theo ý hướng của năng lực cá nhân chủ trương nó.
Vậy nên theo tôi, chỉ có con đường khoa học khách quan về kinh tế, về xã hội, về đời sống, về phát triển ngày nay mới là con đường thực tiển và đúng đắn nhất. Con đường gọi là ý thức hệ dầu cho nó tự mệnh danh là xã hội chủ nghĩa, nếu phi khoa học và phản khoa học, thì thực chất cũng chỉ là phi xã hội, trở nên cá nhân chủ nghĩa, và chính nó mới phải bị phá sản hay thất bại.
VÕ HƯNG THANH
(20/01/12)