WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Người đã đi qua chiến tranh

Nén hương.

Khi chiếc xe cứu thương đến hình như chị đã tắt thở. Chị nằm úp mặt xuống đường, máu mũi thẫm đẫm chiếc khăn che mặt, chảy ra chiếc mũ, nhỏ xuống từng giọt. Chân chống xe MZ125 xiết xuống mặt đường để lại những vệt dài, khét lẹt. Phú, người điều khiển xe máy, bay thẳng vào bụi cây ven đường, bị xây xát nhẹ. Hai tay hắn úp vào mặt kinh hãi, không dám nhìn thẳng vào người bạn gái đang nằm bất động. Chị nhanh chóng được đưa lên xe, máy móc công cụ cứu trợ đã sẵn sàng hoạt động. Nhóm cứu thương người Đức hơi bị giật mình, khi lật chiếc khăn che những vết sẹo chằng chịt, dầy như tổ ong trên khuôn mặt của chị. Họ nhẹ lau vệt máu đang chảy dài trên những vết sẹo đó. Sau một hồi hô hấp, kích tim, loay hoay tìm lại sự sống cho chị, nhưng các bác sỹ đành bất lực. Trái tim chị lần này đã thực sự ngưng đập.

Không hiểu sao, đến hôm nay đã gần một phần tư thế kỷ, cái chết của chị luôn ám ảnh trong tôi mỗi lần đi qua nơi đây, con đường từ quận Grünau đến hồ tắm Kulkwitzer thành phố Leipzig (người Việt quen gọi bãi tắm truồng FKK). Ước mơ sang Đức lao động để giải thoát bế tắc cuộc sống, và có cơ hội chỉnh lại khuôn mặt bị tàn phế trong chiến tranh của chị đã vĩnh viễn gửi lại nơi đây.

Nhà máy thực phẩm Leipzig chúng tôi có hơn một trăm người Việt làm việc từ năm 1982. Đoàn quân đội của chị được bổ sung vào nhà máy muộn nhất, chỉ có một vài người trẻ, còn lại toàn những nữ quân nhân đã trải qua hai, ba cuộc chiến. Các chị đến ký túc xá vào buổi tối tháng năm, đúng ngày đàn ông của Đức. Ngoài hành lang và trong ký túc chứa hơn bốn trăm công nhân, chủ yếu đội dệt người Sài Gòn, các tay bợm này đang nhậu tưng bừng. Đến lúc trong người đã tưng tửng, các bố thách thức treo thưởng bộ giàn cát sét, cho thằng nào dám cởi trần truồng chạy từ ký túc xá ra đến bến tầu điện và quay về. Bộ giàn đã được bê ra, một bợm nhậu tên Trường Sài Gòn (trùng tên cúng cơm của tôi) cởi phăng quần áo chạy dúi dụi, hình chữ chi trong tiếng vỗ tay của hàng trăm các cổ động viên. Khi về đến đích, Trường cũng chẳng nhận được bộ giàn mà sau đó nhận được quyết định trục xuất về nước, vì những người Đức hàng xóm kiện. Sống chui nhủi phải đến hơn một năm, rất may bức tường Berlin sụp đổ, hắn bùng sang phía Tây đặt đơn tị nạn, thế là thoát. Sau vụ này, khổ nhất tôi vì nhiều người tưởng là thằng Trường lò mổ, có khi chán không muốn giải thích nữa.

Khi đàn chim trốn đông đã trở lại, tìm nơi làm tổ, Leipzig như một tấm thảm nhung xanh, ngát mùi hương của hoa lá, đất trời. Cái hương vị đầu mùa ấy, không chỉ cảm nhận được bằng xúc cảm mà dường như ta nắm bắt được nó, mát như khi chạm tay vào làn da thiếu nữ tuổi dậy thì. Đứng trên cầu Landauer nhìn xuống, màu xanh của trời, màu xanh cây lá như chiếc ô che cho thành phố. Những dòng sông uốn khúc trắng mờ như nét vẽ được ai đó quăng lên bầu trời.

Chị được điều về làm ở phân xưởng đóng đồ hộp, sau mấy tháng học tiếng và khám sức khỏe, điều trị bệnh tật. Không cần biết xấu đẹp già trẻ thế nào, nhưng từ ngày có các chị, đội toàn những gộc đực chúng tôi không khí khác hẳn. Chị em được các thợ mổ chuyên nghiệp chăm sóc rất tận tình. Thấy chị lúc nào cũng quấn khăn che mặt như phụ nữ Hồi giáo, mọi người nhìn ái ngại. Nhưng khi biết chị bị thương cháy mặt trong trận đánh trực tiếp với giặc Tầu tháng hai năm 79 ở biên giới phía Bắc, mọi người gần gũi thông cảm với chị nhiều hơn. Phú cùng phòng với tôi, tay đánh tiết canh một phát đông ngay, úp bát không rơi, suốt ngày quần đùi, áo vắt vai khật khưỡng, vậy mà dạo này quần là áo lượt, lượn qua lượn lại phòng chị.

Lần đầu chị đến chơi, đi dép thấp, thấy cao hơn Phú cả cái đầu, đôi chân thon dài uyển chuyển, bờ vai săn tròn, bộ ngực đang rung lên nhịp nhàng. Đằng sau tấm khăn tự ti che mặt, tôi thấy chị hừng hực sức sống của người đàn bà đang vào độ chín. Chị kể, quê chị ở Nam Định, cùng làng với nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà chỉ cách một con dong (ngõ) nhỏ, làm tôi nhớ đến mấy câu thơ và lời tâm sự của anh. Quê anh nghèo, các bà các cô quanh năm lăn lộn ngoài đồng nên có những dáng đi vất vả khô cằn nhiều lúc như bị thổi về phía trước:

Thương bàn chân mẹ, chân em
Sánh phù sa có in lên chân trời
Chỉ nhìn vào móng chân thôi
Đã biết em lội qua thời trẻ trung..“

Với riêng chị, mấy câu thơ và lời tự bạch trên của Trần Mạnh Hảo hoàn toàn sai. Nếu không bị thương ngoài mặt trận, thời đó có nhiều cuộc thi hoa hậu, ứ hậu như hiện nay, chị dự thi tôi bảo đảm giật giải là cái chắc.

Chỉ có những thằng đã cầy cuốc ở Tây lâu ngày mới chế được câu “ Cho vợ đi Tây như xe Peugeot để bờ hồ không khóa“. Câu này có lẽ phải nói thật thế này, không chỉ công nhân lao động, mà cả những du học sinh, nghiên cứu sinh chín mươi phần… nghìn bồ bịch sống như vợ chồng, được coi rất bình thường ở vùng trời Châu Âu dạo ấy. Phần còn lại, được cho là bất bình thường. Chị có khuôn mặt bất bình thường, nhưng được liệt vào dạng bình thường. Người có cá tính mạnh mẽ như chị gắn chặt với Phú, người đàn ông lật khật đã có vợ bốn con, tôi tin đó là hoàn cảnh, chứ không phải tình yêu, tình yếc gì.

Chiều đi làm về, thấy giữa hai giường ngủ đã được chăng phấp phới bằng một chiếc riđô vải hoa mỏng, tôi đùa Phú:

-Ông định xây tổ ấm thật đấy hả?

Phú cười hơ hớ:

- Mày cũng phải cho anh làm ăn tý chút chớ!

Một ca làm, dây chuyền mổ chúng tôi bét nhất cũng phải chiến đấu tiêu diệt năm, sáu trăm chú heo. Có hôm mệt quá phải đến bác sỹ quen khám ốm, tầm trưa đang tơ lơ mơ ngủ, như nghe thấy tiếng rì rầm anh chị dẫn nhau về. Một lúc sau tiếng thở, tiếng cót két rồi giật lên đùng đùng, tôi chưa kịp tỉnh ngủ, nghe tiếng rầm, anh chị vần nhau ngã lộn dưới đất cuốn vào chiếc riđô làm nó đứt phựt, rơi xuống. Thế là màn đã được mở, hai diễn viên đang bò dốc. Phú chợt nhìn thấy tôi, vụt đứng dậy. Chị vẫn nằm hơi nghiêng, người cong lên, vì chiếc khăn che mặt đã bị xộc xệch che mất tầm nhìn. Tôi chưa bao giờ được nhìn thân hình của một người đàn bà trắng và đẹp đến như vậy. Nói cho nhanh, chị đúng là người mẫu cho bức tranh sơn dầu thiếu nữ khỏa thân (của nhà thơ, họa sỹ Trần Nhương), nghiêng nghiêng hững hờ trên mặt tiền của báo trannhuong.com. Lúc đó, tôi đã có chút chín chắn bước vào tuổi ba mươi và đã có bạn gái để cân bằng, bằng không có lẽ can tội hiếp dâm cũng không chừng.

Thấy tôi trố mắt nhìn, Phú tồng ngồng cầm gối ném vào mặt tôi:

- Thằng quỉ, mày về lúc nào không lên tiếng!

Chị giật mình, xoay lại khăn che mặt, chỉ kịp vơ vội chiếc quần dài chạy vào Tollet, để lại chiếc quần lót nằm chỏng chơ giữa nhà…

Tôi khen dáng chị đẹp. Chị cười bảo, sang Tây mới cảm nhận được cái đẹp của cơ thể mình, chứ ở Việt Nam chị chỉ là chiếc sào chọc…phân thôi. Người ta cổ động, vai phải u, bắp phải to, đôi bàn chân phải toét ra như ống xả mới là các cô gái đẹp, mới đảm việc nước giỏi việc nhà. Cái thời cả nước trai gái nông thôn chỉ mặc quần gụ, áo nâu, thành phố đồng phục một mầu xanh lao động ấy, thấy thấp thoáng đâu đó một vài màu dị chủng thì chắc chắn đó là những kẻ cá biệt. Dù sinh ra và lớn lên ở miền quê, nhưng da luôn bị dị ứng với thuốc nhuộm và củ nâu củ ấu, do vậy chị chỉ mặc được những chiếc áo sáng màu dù nhà rất nghèo.

Mãi đến năm cuối cấp ba chị mới có mấy người bạn. Và có lẽ vì hai nhà chỉ cách một chiếc cầu bắc qua sông, lại chung con đường tới trường nên Hoàng đã thân với chị.

Tháng 4 năm 1974 chiến tranh hình như đang đến hồi kết. Người ta làm tất cả những gì có thể được cho tiền tuyến, trai gái lớp chị sục sôi viết đơn tình nguyện. Nửa lớp được đặc cách tốt nghiệp phổ thông để nhập ngũ, trong đó có chị. Có hai người anh là bộ đội, một đã hy sinh ở mặt trận phía Nam, để bảo toàn giống má nên gia đình dứt khoát, Hoàng phải thi đại học. Tối hôm đó, chị và Hoàng ra giữa gò đồng ngồi trò chuyện, họ chỉ dám cầm tay và hôn lên má nhau thay cho lời từ biệt.

Sau khi tập luyện ít ngày, chị được đi học lớp y tá cấp tốc. Do thi đại học điểm cao, nên mấy tháng sau Hoàng cũng về Hà Nội học ngoại ngữ để du học. Buổi tối chờ tầu vào Nam ở ga Hàng Cỏ, nghĩ đến sự sống và cái chết ở nơi khói lửa, chị đã xin phép đơn vị vào trường ngoại ngữ tìm Hoàng. Gặp chị, Hoàng bất ngờ và mừng đến luống cuống. Thấy mọi người trong phòng đi vắng cả, chị đóng cửa, ôm chặt lấy Hoàng nói thẳng, thời gian rất ít, chị đến chỉ muốn trao cho Hoàng, người chị yêu, cái trinh tiết đầu đời của người con gái, trước khi vào chiến trường. Người Hoàng run lên, hai tay gì chặt lấy chị. Cựa mình, chị giựt tung nút áo lót, bộ ngực trắng hồng bật ra tưng tưng như nhảy múa, Hoàng úp mặt vào đó. Người mềm nhũn, miên man, chị luồn tay cởi cúc quần của Hoàng, làm nó rơi phịch xuống đất. Họ đổ vật xuống giường, chị ưỡn mông lên để cho Hoàng kéo tuột quần xuống. Hoàng đưa tay vào…..

Chợt có tiếng gió làm cửa khẽ rung rinh. Hoàng giật mình, choàng tỉnh, qua khe cửa thấy như có hàng trăm con mắt đang rình. Hoàng bật dậy, chị ngơ ngác kéo quần lên. Chị hỏi sao vậy, Hoàng bảo mặc áo vào, hình như có người. Xốc lại quần, Hoàng nhòm qua khe cửa, vẫn yên lặng, nhưng bóng tối dường như vẫn vật vờ đâu đó. Chị ngồi thu lu, buồn rười rượi:

- Sợ hả?

- Đã có mấy người bị trả về địa phương vì chỉ phạm những tội vớ vẩn. Có rất nhiều học sinh dự bị du học là con ông cháu cha đang trực chờ, rình mò đấy.

Họ im lặng, chỉ còn hai con tim đang thổn thức. Thấy đã đến giờ phải đi, chị đứng dậy mở toang cửa. Hoàng cầm tay chị, họ vội vã ra ga.

Tôi hỏi, Hoàng bây giờ ra sao, chị bảo, học xong, cưới vợ Tây ở lại Nga, nhưng nghe đâu cũng rách lắm. Rồi chị than, chị là người đàn bà số khổ, có mấy năm của tuổi thanh xuân phải trải qua ba cuộc chiến….

Súng đạn xe pháo còn đầy kho, không hiểu sao quân đội Sài Gòn không chịu đánh đấm rút chạy nhanh đến thế. Đơn vị chị vừa vào tới Đà Nẵng, chưa kịp nghỉ lại có lệnh vào tiếp quản Quảng Ngãi, Qui nhơn. Mệt quá, có người còn đùa, các bố chạy từ từ thôi, để chúng tôi còn kịp xỏ lại quai dép chứ. Chạy rốc một hồi, rồi chị cũng vào tới Sài Gòn. Đứng giữa trung tâm thành phố sầm uất, nhìn dòng người qua lại, chị nghĩ tới quê, nơi đó có mẹ và những đứa em nghèo khổ, đang dãi dầu mưa nắng(tất cả) vì Miền Nam thân yêu.

Chỉ tay vào trán, chị bảo, trên trán chị còn mấy vết sẹo vì mải nhìn hàng hóa, nhà cao tầng đập đầu vào cửa kính đấy. Được hưởng thụ không khí Sài Gòn một thời gian ngắn, biên giới Campuchia hục hặc, đơn vị chị lại hành quân xuống tuốt Tri Tôn Bảy Núi. Ở đây diễn ra những trận đánh kinh hoàng, người chết và bị thương nhiều làm cho chị ám ảnh nhiều đêm mất ngủ. Đang quần nhau với Polpot trên đất Campuchia, đơn vị chị được máy bay chở ra cấp cứu cho mặt trận biên giới phía Bắc.

Cuối tháng hai, bảy chín là những ngày đẫm máu tang thương nhất của đơn vị chị ở mặt trận Lào Cai này. Đội cứu thương chỉ còn lại mấy người, xác đồng đội, xác kẻ thù ngổn ngang trên và dưới công hào, thuốc men, bông băng cứu thương đã cạn. Kẻ thù lớp, lớp xông lên. Men theo hào và trườn lên, chị định kéo một đồng đội vừa trúng đạn xuống, nhưng không kịp, một trái bom xăng, hay đạn pháo, lửa phóng ngay trước mặt. Chị thấy rát bỏng, khét lẹt, rồi trước mặt là bóng tối. Chị ngã vật xuống hào. Khi tỉnh lại, sờ tay vào đầu chị thấy băng kín mít. Hai mắt lờ mờ nhìn xung quanh, chị nghĩ có lẽ đây là bệnh viện dã chiến, tuyến sau. Mấy ngày sau chị được chuyển về bệnh viện 103 quân đội.

Không biết bao lần mổ đi vá lại ở bệnh viện, nhưng lần nào nhìn vào gương, chị cũng muốn đập vỡ kính. Những ngày đầu chị vô cùng hoảng loạn và bi quan. Nhưng nhìn lại xung quanh còn có rất nhiều người bị thương nặng hơn, khổ hơn họ vẫn sống vẫn vui đùa làm chị hơi dịu lại. Buồng đặc biệt bên cạnh, có một thương binh trạc tuổi chị, có y tá thường xuyên trông coi, vì hắn luôn tìm đến cái chết. Nhìn hắn chẳng ai nghĩ hắn là thương binh vì tay chân người ngợm lành lặn, nhanh nhẹn, trông dáng thư sinh. Tò mò, chờ lúc hắn đi vắng, chị hỏi mấy tay cùng phòng. Các bố nhấm nhẳng trả lời, rồi bịt mồm cười. Sau này có người rỉ tai chị, hắn vừa tốt nghiệp đại học, vào lính về ngay mặt trận Bình Liêu, Quảng Ninh. Được mấy tuần, chẳng hiểu đánh đấm thế nào, Tầu khựa nó thiến mất “thằng bé“, bây giờ hắn trở thành thằng đàn ông đái ngồi rồi. Hắn đang được các bác sỹ chế cho khấu súng khác, có lúc buồn buồn hắn muốn tìm đến cái chết.

Sau này thân với hắn, thấy chị muốn học tiếp, hắn bảo sẽ giúp luyện thi đại học. Hôm chị nhận quyết định về trại an dưỡng thương binh Hà Nam Ninh, hắn bảo, chị nên đổi quyết định về trại Bắc Ninh cùng hắn, thuận lợi cho việc học hơn. Đến nay chị không xác định chính xác vì yêu, hay chỉ thích thôi mà theo hắn về trại Bắc Ninh. Năm sau hắn giúp chị thi đỗ vào trường đại học thật. Nhưng vì thường xuyên phải trở lại bệnh viện chỉnh lại mặt, không có thời gian học liên tục, nên chị xin xuống học hệ tại chức. Thời gian sau hắn chuyển ra làm việc ở Sở lao động, thương binh xã hội…

Không hiểu sao chị đồng ý, khi nhận được lời cầu hôn của hắn. Chị bảo, đây là quyết định sai lầm lớn nhất của chị, dù đã xác định trước, nhưng không ngờ nó lại nặng nề, đau đớn, vô vị, tủi cho cả hai đến như vậy. Có cái đau nào bằng, trong giờ khắc đê mê của đêm tân hôn thọc tay vào quần của chồng tìm kiếm, chỉ nắm được ngẩu cao su vô chi vô giác… Có những đêm trong cái hừng hực ham muốn của chị, hắn bất lực đập đầu khóc rống lên như một đứa trẻ. Chị hiểu cái đau của hắn, cái đau không ai có thể hiểu được, một nỗi đau không san sẻ bù đắp. Sau đó, để giảm đau đớn cho nhau, đêm đêm chị và hắn nằm lộn đầu quay đít trên giường. Nhưng càng lớn tuổi bản năng làm mẹ của chị càng trỗi dậy. Chị bàn với hắn xin con nuôi. Nhưng hắn nén lòng bảo, nghĩ kỹ rồi, chị nên đi đâu đó kiếm lấy một đứa con, dù sao con đẻ vẫn hơn. Nghĩ đi nghĩ lại thấy hắn nói cũng có lý…thời gian sau chị chửa thật. Khi chị đẻ hắn chẳng buồn cũng không vui. Mới đầu thỉnh thoảng hắn có cơn cau có tức giận vô cớ sau những trận rượu say bí tỉ. Sau này nhịp độ cứ tăng dần…

Để giải thoát cuộc sống nặng nề cho cả hai, chị mang con về quê cho mẹ, tham gia vào đội quân xuất khẩu lao động.

Chiều đã muộn, đến đây tôi định viết lời kết cho câu chuyện về chị, người đàn bà đã đi qua chiến tranh, nhưng hình như có ai đó bấm chuông. Cửa mở, trước mặt tôi là một thanh niên cao lớn, nhìn cách ăn mặc và giọng nói, tôi đoán chắc mới từ Việt Nam sang:

-Cháu hỏi không phải, có phải chú là chú Trường, trước làm ở đội lò mổ?
- Vâng! Cậu là…
- Cháu là con mẹ Hằng trước cũng ở đội Lò mổ, mùa hè năm 1989 bị tử nạn xe máy, chắc chú còn nhớ?
-Nhớ! Nhưng sao cháu biết tìm đến chú?

- Cháu hiện là chuyên viên ở Sở kế hoạch đầu tư của tỉnh. Cháu mới sang cùng đoàn của Sở theo lời mời của doanh nghiệp Đức, đóng trên địa bàn tỉnh. Trước tết, cả đoàn đã về nước. Cháu đổi vé ở lại ít ngày, muốn thăm nơi ở và chỗ mẹ cháu bị tai nạn trước kia. Cháu tìm đến kho giao hàng hỏi, có người biết chú, nên chỉ cho cháu tới đây.

- Thế hay quá, cháu vào đây, chú vừa viết xong một truyện ngắn về mẹ cháu.

Quay ngược Laptop, tôi giải thích cho nó, chú chỉ đổi tên mẹ cháu, còn các nhân vật khác giữ nguyên tên.

Đọc xong nó bảo:

- Có chi tiết đã được nghe bố và bà cháu kể nhiều lần, nhưng đọc lại cháu vẫn xúc động và thương mẹ.

- Thế cuộc sống của cháu ra sao, từ ngày mẹ cháu sang Đức?

- Sau khi mẹ đi, bố cháu ân hận. Ông đã về quê đón cháu, không phải là con ruột, nhưng thương và chăm sóc cháu hơn con đẻ, nhất là sau ngày mẹ mất. Cháu được học hành, và công việc hiện nay cũng do bố cháu sắp xếp. Gần đây ông cũng nhắc cháu đi tìm bố ruột, nhưng cháu thấy không cần thiết. Bố cháu cũng sắp về hưu, cháu không muốn cào thêm vết đau trong lòng ông và xáo trộn cuộc sống hiện tại. Hôm cháu sang đây ông dặn đi dặn lại, phải tìm lại chỗ ở và nơi mẹ cháu bị nạn.

Trầm ngâm một lúc, nó hỏi tôi có thể đưa nó đến những nơi đó được không vì ngày mai phải về lại Việt Nam.

Tôi chỉ cho nó, lò mổ nơi làm việc của chúng tôi trước đây, đã đổi làm nơi phát sóng của đài truyền hình MDR. Riêng đoạn đường nơi mẹ nó bị tai nạn, không có gì thay đổi, khác chăng có thêm nhiều loại cây mới trồng. Ký túc xá nằm trung tâm quận Grünau, cách hồ tắm, và bể bơi không xa, đã sửa thành một khách sạn. Tầng dưới cùng là một nhà hàng sang trọng.
Thành phố đã lên đèn. Mùa xuân ở Leipzig màn đêm về cũng nhanh hơn. Đường đã vắng người qua lại. Những chiếc tầu điện như tảng băng khổng lồ lăn trên đường rày. Tiếng leng keng như gọi hồn về quá khứ. Thấy tôi đứng ngẩn tò te nhìn, nó hỏi:

- Chú đang nghĩ gì vậy?
- Chú đang nghĩ về Hà Nội, và những con tầu.

Nó kéo tay tôi vào nhà hàng của khách sạn, đói rồi chú cháu mình làm chút gì ấm bụng đã. Thằng này còn trẻ nhưng rất sành và tửu lượng rất khá. Nó chỉ uống duy nhất XO, loại rượu đắt tiền, nó bảo uống riết quen rồi. Tôi hỏi, lương khá không mà chiến đấu dữ dội vậy. Nó cười, tiền lương hành chánh của cháu không đủ mua một chai rượu loại này, nhưng lộc chú ạ. Chỗ cháu làm là nơi cấp, duyệt, quản lý các nhà máy, công ty trong cũng như nước ngoài làm ăn trên địa bàn tỉnh. Muốn nhanh chóng, thuận lợi thì phải biết lễ nghĩa với bọn cháu. Cháu khảng định một trăm phần trăm các công ty, xí nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, nếu chiếu theo ba rem, giấy tờ, không công ty nào hội đủ các tiêu chuẩn cấp giấy phép hoạt động, nhất là vấn đề môi trường.

- Làm thế có sợ không?

- Cháu không làm sẽ có thằng khác làm. Nếu làm khác sẽ bị đào thải ngay, nên buộc cháu phải là một con vít quay trong guồng máy đó. Cháu chỉ là thằng lon ton tép rưu, thế mà lễ lạt, nhậu nhoẹt tối ngày, còn các bố ngồi trên, ông nào cũng đều có chứng bệnh GÚT cả.
Rượu đã ngấm giọng đã ngọt, nó lầm rầm, nhiều lúc nghĩ thương mẹ cháu. Nếu như mẹ còn sống, việc đưa mẹ ra nước ngoài làm lại mặt, đẹp như hoa hậu với cháu hiện nay chỉ là chuyện vặt.

Đêm đã khuya, người đã hơi quay quay, tôi đứng dậy, nhưng nó muốn ngủ lại khách sạn này. Lúc chia tay, nó mua chai XO ở quầy bar, nói tặng cho tôi. Tôi đưa lại, bảo nó mang về làm quà. Nó cười, ở đây cháu mua chai rượu tặng chú, biết ngay là đồ thật. Chú có về, cháu không dám tặng, vì ở Việt Nam cái gì cũng đểu. Quà cáp mai cháu ra sân bay mua.

Sáng hôm sau, tôi còn đang ngủ, nó gọi điện, chào và báo đã lên tầu đi ra sân bay. Tôi dậy thắp hương cầu nguyện, nếu như linh hồn chị còn vất vưởng nơi đây, hãy theo con trai chị về với gia đình, làng xóm và quê hương.

Leipzig, 1-2-2012

© Đỗ Trường

© Đàn Chim Việt

 

 

6 Phản hồi cho “Người đã đi qua chiến tranh”

  1. Người Việt( Leipzig) says:

    Tôi công nhân đội lò mổ cũ, bảo đạm truyện ngắn này là có thật sảy ra ở đội lò mổ Leipzig, nhưng nhân vật chị Hằng là 2 người. Một chị bị thương vào mặt tên Thu vẫn còn sống, còn một chị tai nạn xe máy chết cùng đoàn quân đội là khác. Tên các nhân vật trong truyện đều chính xác. Chịu tài viết của Đỗ Trường-

  2. Bạn đọc ở Đức says:

    Chuyện hay và sát thực có lúc nóng rực vì sex. Dân Đức tự hào có cây bút như bác Đỗ Trường mong bác viết nhiều về đời sống của người Việt ở Đức trong mấy chục năm qua

  3. Trần thanh Dương says:

    Truyện đọc thấy sex rực cả người- cha này chắc thực hành những pha như vậy nhiều rồi hay sao, viết nhiễn quá.

  4. Võ Tấn Bửu - Cali says:

    Thằng cha Trường viết bài này , sống ở Germany , quen ăn cục thịt gọi là Dồi Vuốt của Tây , nên vẽ ra chuyện thô tục thô thiển quá …

  5. Dao Cong Khai says:

    Mấy chú bộ đội miền Bắc hồi đó chịu khó băng rừng Trường Sơn để chiến đấu thống nhất đất nước cực kỳ gian khổ, họ phải chịu đựng đạn bom cùng sốt rét bệnh tật để đất nước ta có được vinh quang ngày nay.

    Bây giờ những người bộ đội đó đã nằm xuống rồi, nhưng nếu họ được sống lại để nhìn con cháu họ giầu sang phú quý, cướp được tài sản, đất đai của dân miền Nam, xây khách sạn và các tiệm massage cho Mỹ thuê; chắc là họ sẽ rất hài lòng với công lao hy sinh của họ. Ngày nay họ đã giải phóng xong miền Nam rồi, con cháu họ kéo vào Nam sống như các ông hoàng, bắt dân miền Nam phải phục dịch cho chúng, bắt dân miền Nam làm nô lệ cho chúng. Tha hồ hãm hiếp đàn bà con gái miền Nam, chỉ cần ném tiền vào miệng các cô gái miền Nam là nói gì họ cũng phải làm. Nhưng gái miền Bắc XHCN nó lại cũng đi tiên phong theo theo kiểu sống nô lệ đó mới kỳ cục chứ.

  6. Nguyễn Kiên says:

    Đọc cảm động quá bác Đỗ Trường ạ, Cùng một thành phố sao tôi thấy bác ít xuất đầu lộ diện thế. Truyện bác đọc hay lắm. Anh em cũ hay nhắc đến bác, hôm nào nhớ ra sân nhé-

Leave a Reply to Nguyễn Kiên